Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2019

Giao hòa giữa Phật giáo với thơ ca cổ điển

Giao hòa giữa Phật giáo 
với thơ ca cổ điển
Vì tương đồng ”đồng quy”, “đồng văn” về lịch sử, địa lý nên văn hóa phương Đông chịu ảnh hưởng sâu sắc của “tam giáo đồng nguyên” (Nho - Phật - Lão). Nho - Lão bắt nguồn từ Trung Quốc và Phật giáo phát sinh từ Ấn Độ. Phật giáo truyền vào Trung Quốc và tác động rất lớn đến văn hoá Trung Quốc, trong đó có thơ ca. Từ Trung Quốc Phật giáo truyền sang Nhật Bản, Triều Tiên Việt Nam và quan hệ mật thiết, góp phần cho sự phát triển thơ ca của các quốc gia này.
Ở Trung quốc:
Trung Quốc là đất nước của thơ ca (Thi quốc chi bang, thi đích quốc độ). Học giả Lâm Ngữ Đường (1895-1976) đã từng nói: “Thơ ca là tôn giáo của người Trung Hoa” hay “Thơ ca là chân lý đã nhuốm màu cảm xúc”. Trong đời sống xã hội từ ngàn xưa làm thơ (tác thi) đã trở thành tâm trí văn hóa sâu đậm không thể thiếu được của người dân ở quốc gia được coi là “cái nôi” của văn minh nhân loại. Trong văn hóa Trung Quốc thơ ca là một nội dung rất phong phú xuyên suốt từ hàng ngàn năm nay. Đã nói đến thơ ca Trung Quốc là nói đến sự giao hòa, kết nối với Phật giáo từ ngàn xưa.
Phật giáo là tôn giáo phát sinh từ Ấn Độ và truyền vào Trung Quốc vào cuối đời Hán. Đến thời Ngụy - Tấn - Nam Bắc triều Phật giáo trở thành “công năng quan trọng” trong đời sống xã hội. Lý do là một số tăng nhân trong khi truyền pháp lợi dụng đầy đủ thể tài của thơ ca hoặc tuyên dương triết lý Phật giáo hoặc biểu đạt tâm linh tình cảm để sự phát triển thơ ca Trung Quốc đi vào một nội hàm mới. Thời kỳ này có một số tăng nhân giỏi thơ ca như Chi Độn, Tuệ Viễn, Huệ Hưu v.v… Tác phẩm của họ tuy tả cảnh, trữ tình hay thuyết lý không chỉ sinh động, hình tượng, thậm chí âm vận văn hóa mang ý nghĩa giáo lý Phật giáo mà nó góp phần chuẩn bị thơ thiền đời Đường đạt đến đỉnh phồn vinh. Thơ trữ tình đời Đường bước vào thời đại “Hoàng kim” từng bước làm cho Phật giáo phát triển. Thơ thiền bước vào giai đoạn phát triển mới cao nhất so với các thời kỳ trước đó. Thời kỳ này không ít các nhà thơ là tăng nhân có thành tựu sáng tác lớn như: Vương Phàn Chí, Hàn Sơn, Thập Đắc, Vô Khả, Hạo Nhiên, Tề Kỷ v.v… Họ đều là những tăng nhân và là thi nhân chiếm vị trí quan trọng trên lịch sử văn học cổ điển. Tác phẩm của họ không chỉ nội dung phong phú mà thủ pháp nghệ thuật  cũng rất đa dạng, mang đến giá trị nhận thức và giá trị thẩm mỹ độc đáo. Theo thống kê trong “Toàn Đường thi” gồm 900 quyển, hơn 2200 người, 48.900 thi phẩm, trong đó nhà thơ là tăng nhân có hơn 100 người với số lượng thơ là 46 quyển. Điều đó chứng tỏ vai trò của Phật giáo đối với thơ Đường rất lớn. Sách “Đường âm quí thiên” (quyển 8) ghi chép thời Trung vãn Đường rất nhiều tăng đồ rất giỏi thơ. Họ thường “lưng tựa rương hòm, tay ôm bút… miệng thích ngâm vịnh, luôn gữi mấy bài thiền tụng”. Khảo sát những tác phẩm thơ thiền làm cho chúng ta ấn tượng sâu sắc, trong đó sự biểu hiện đối với thiên nhiên rộng lớn. Chùa tháp đều ở nơi hoang vắng, tăng nhân đều ở sơn lâm cùng cốc thưa thớt bóng người nên thế giới tự nhiên dưới ngòi bút của các tăng nhân thường u tịch, thanh kỳ và linh thiêng. Trong thơ sơn thủy điền viên của Trung Quốc có sự đóng góp của thơ của các tăng nhân. Cảnh trí thiên nhiên biên tái trong thơ Cao Thích và Sầm Tham điển hình cho đặc điểm thơ Đường chịu ảnh hưởng của bút pháp thơ thiền. Đến thời Trung Đường xu hướng “Lấy nghị luận làm thơ” (Dĩ nghị luận vi thi) càng nhiễu mà khởi đầu cũng là quan niệm của các thi nhân là tăng nhân thời ấy.
Đến đời Tống về cơ bản thơ thiền phát triển không nhiều nhưng thời đại khác nhau nên đặc điểm cũng dị biệt, ví dụ như Huệ Hồng Một thời Bắc Tống có làm thơ diễm tình và có thể lý giải  rằng tăng nhân ngày càng “sĩ đại phu hóa” nhưng đồng thời cũng phản ảnh tinh thần  thời đại mở cửa. Cuối đời Minh tư trào cuồng phóng trong thơ thiền đã xuất hiện, công khai tuyên bố “người có tình lý tất là không, kẻ có lý tình tất là không” (Tình hữu giả lý tất vô, lý hữu giả tình tất vô). Điều này chứng tỏ ánh sáng tự do của sự “Tùy tâm thích ý” tỏa sáng. Sáng tác thơ ca của họ được coi là một loại “tâm linh triết xạ” có ý nghĩa nhận thức sâu sắc.
Trên đây là sự phản ánh đầy đủ mối quan hệ mật thiết giữa thơ thiền với sự phát triển của thơ ca cổ điển Trung Quốc, phản ánh tính quan trọng của thơ ca trong đời sống của tăng nhân các thời đại. Để làm sáng tỏ vấn đề này chúng ta cần nhắc đến quan hệ giữa Lâm Tế và Phượng Lâm. Theo sách “Ngũ đăng hội liên” quyển 11, có lần Lâm Tế Nghĩa Huyền đến thăm thiền sư Phương Lâm. Vừa gặp, Phượng Lâm liền nói: “Tôi có thể hỏi ông một việc được không?”. Lâm Tế không đắn đo và trả lời ngay: “Hà tất xẻo miếng thịt làm lở loét” là có ý nghĩa gì? Phật tính không thể nói, ông hiểu như thế, lại còn phải hỏi, há đấy không phải là bày chuyện hay sao?”. Phượng Lâm chẳng những không trách mà còn hỏi lại rằng: “Trăng trên biển không có hình bóng, con cá bơi một không bị lạc?".  Qua đây có thể liên hệ đến sáng tác ca đối với các tăng nhân. Tính uyển chuyển, tính hàm súc và tính đa nghĩa của thơ ca một phần có liên quan đến quan niệm thẩm mỹ của Phật giáo. Sách "Tả truyện"  năm Nhượng Công thứ 27 có một đoạn ghi chép như sau: Trịnh Bá ở Thụy Đà không tặng lễ vật và chiêu đãi Triệu Văn Tử, Tử Triều, Bá Hữu, Tử Tây, Tử San, Tử Thái Thức và hai con đi theo Trịnh Bá. Triệu Văn Tử nói: "Bảy vị này cùng với vua đó là lấy vinh quang cho tôi làm vũ khí. Xin cầu mong cho thơ để hoàn thành ân huệ của vua, vũ khí cũng có thể từ ở đây để thấy được chí hướng của bảy vị". Qua đây có thể thấy Triệu Văn Tử chịu ảnh hưởng của "Tả truyện", "Kinh thi" và quan niệm "ngôn chí" của thơ ca truyền thống thời Tiên Tần.
Mối quan hệ giữa Phật giáo và thơ ca cổ điển thể hiện như thế nào? Đó là một vấn đề mà từ trước đến nay mọi người còn tranh luận nhưng tựu trung có thể biểu hiện ở hai mặt sau đây: Đó là tăng nhân dùng hình thức của thơ ca để biểu đạt tư tưởng cảm xúc, tâm linh, đồng thời thể hiện ở cấu trúc, hình tượng, mặc khác Phật giáo, đặc biệt là thiền tông thông qua ảnh hưởng đối với tầng lớp sĩ đại phu  phản ảnh trong sáng tác, từ đó mà cấu thành bức tranh văn học độc đáo, nhất là trong văn học phương Đông (Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản). Tinh thần căn bản của thiền tông là “bất lập văn tự”, “kiến tính thành Phật”. Từ thuyết “Bất khả ngôn” của Phật tính tiến thêm một bước cho rằng tất cả tư tưởng, tình cảm, ý niệm, cảm giác của con người đều là từ thuyết “Bất khả ngôn”, mọi thứ mới xuất hiện đều là sự “tương đối”. Vô pháp hoàn toàn biểu đạt cái ý gốc rễ đó mà thơ ca thì nhất định phải dùng ngôn ngữ để biểu đạt hoạt động tâm linh, tinh thần. Hai mặt này trên ý nghĩa thì không đồng nhất, xuyên suốt  nhưng trên thực tế thì thơ thiền không chỉ bị chi phối mà ngược lại có tác dụng “hỗ tương” tích cực, làm cho các phê bình gia nhiều sự hứng thú.
Sự “tương thông” ấy của thơ thiền thể hiện mấy điểm sau đây: một là, giữa thiền và thơ đều chú đến sự hòa hợp của nội tâm. Thiền tông là triết học của chủ quan hóa cao độ, căn bản của cảnh giới do tâm mà ra, vạn vật do tâm sinh thành là khuynh hướng cơ bản của nó. Vì vậy trong sách “Cổ tôn túc ngữ lục” quyển 3 có nói: “Tâm sinh thì mọi loại đều pháp sinh, tâm diệt thì mọi loại đều pháp diệt”. Trong các bộ môn nghệ thuật thì thơ ca có thế mạnh nhất là nhấn mạnh đặc tính tâm linh, khuếch trương cá tính. Nhà thơ thời Nam Tống là Dương Vạn Lý trong “Giang hồ thập tự” có nói: “Ta làm thơ ít nhất có hơn ngàn bài, đến tháng 7 Thiệu Hưng Nhâm Ngọ đều bị đốt“. Ông còn nói: “Tay của ta viết miệng của ta”. Trong thơ ca cổ điển Trung Quốc tình và cảnh là một phạm trù tồn tại phổ biến. Vương Phú Chi trong “Đổng Trai thi thoại“ tập hạ có nói: “Tình và cảnh là hai thứ mà thực tế là không tách rời”. Vương Quốc Duy trong “Nhân gian từ toại” cũng nói: “Tất cả ngữ cảnh thời Nam Tống đều là tình ngữ vậy”. Thi Tăng Chiêu cũng dẫn lời: “Thiền nói: “Thiền, ấy là tâm tuệ vậy, thơ là tâm chí vậy”. Hai là đối với thiền và thơ ca yếu tố ngôn ngữ đều có yêu cầu đặc thù giống nhau. Tuy vậy, cảnh giới cao nhất của thiền là vứt bỏ tất cả ngôn ngữ nhưng trong quá trình truyền pháp cụ thể lại không thể rời bỏ ngôn ngữ, Do đó, các thiền sư trong việc chọn lựa ngôn ngữ thì thường sử dụng sự đa nghĩa, thiếu mất logic, phá bỏ quy tắc. Ba là trên phương thức truyền đạo hoặc thủ pháp sáng tác thiền và thơ đều đặc biệt chú ý nghệ thuật tỉ dụ và tượng trưng. Sự vận dụng ngôn ngữ này là liên hệ qua lại. Thuyết nói “làm thơ đều cần phải mưu trí, giỏi ở tỉ dụ và tượng trưng” chính là biểu hiện trí tuệ cao độ. Sách “Cảnh Đức truyện Đăng lục” quyển 6 có nói rằng: “Trúc xanh xanh biếc, hết thảy là pháp thân, cúc vàng vàng, chẳng phải là niết bàn”. Thực tế này cũng nói rõ đặc điểm tư duy của thiền tông, vì vậy chúng ta thường được nghe những ghi chép như thế này: ”Thế nào là thiên trụ gia phong”. Sư đáp: ”Có lúc mây trắng bên cửa, càng không có gió trắng bao quanh bốn ngọn núi”. Mọi người đều biết Tô Thức - thi hào đời Tống là bậc thầy của tỉ dụ. Tỉ dụ trong thơ ông là hàm ý của thiền lý. Câu thơ làm khi tuổi già của Hoàng Đình Kiên - thi hào đời Tống cũng là một ví dụ về sự vận dụng tỉ dụ trong thơ”.
“Lấy văn chương thảo mộc để làm con thoi.
Lấy hoa trúc và không khí để nghiệm sự an lạc của con người”
(Dĩ thảo mộc văn chương phát để trữ cơ.
Dĩ hoa trúc hòa khí nghiêm dân an lạc)
Thủ pháp tỉ dụ và tượng trưng nói chung vận dụng trong sáng tác thơ ca là linh hoạt và phổ biến. Trong sự phát triển thơ ca Trung Quốc thì nghệ thuật ngôn ngữ, tỉ dụ và tượng trưng trước khi Phật giáo truyền vào đã tồn tại. Nhưng cũng có thể nói từ sau khi các nhà thơ chịu ảnh hưởng của thiền học thì việc vận dụng các biện pháp nghệ thuật đó mới trở nên tự giác và trở thành đặc trưng của thi pháp thơ ca.
Thiền và thơ tuy có cơ chế tương thông nhưng thơ chịu ảnh hưởng của thiền rất lớn. Biểu hiện chủ yếu nhất của mối quan hệ này là chủ trương “Lấy thiền hòa nhập vào thơ” (Dĩ thiền nhập thi). Thiền mang đến cho thơ trí tưởng tâm linh và xúc cảm sâu sắc. Tác phẩm của Vương Duy và Tư Không Đồ đều phản ảnh cảnh giới này rất phong phú. Chủ trương “Lấy thiền hòa nhập vào thơ” mang lại kết quả to lớn và nó là làm giàu cho kho tàng văn học cổ điển Trung Quốc. Trên hình diện phê bình thơ ca sự thẩm thấu của thiền học mở ra một không gian rộng lớn cho thi học. Rất nhiều khái niệm thi học của các thời đại đều bắt nguồn từ mối quan hệ hữu cơ đó. Ví dụ một số thuật ngữ phổ biến ngày nay như: ”Diệu ngộ”, ”cảnh giới”, ”Bào tham”, ”Hoạt pháp” đều bắt nguồn từ thiền học. Nghiên cứu sự phát triển của phê bình văn học Trung Quốc mà không hiểu thiền học thì không thể tiến hành thuận lợi và có hiệu quả. Tư tưởng và sáng tác của Vương Duy - nhà thơ thời Thịnh Đường là chịu ảnh hưởng của Phật giáo, đặc biệt là thiền tông. Sáng tác thơ ca của Vương Duy đối với thiền tông cũng có thể là có phản ảnh hưởng. Bởi vì dưới tình hình phức tạp của thiền phương nam Tông, Vương Duy đã biên soạn “Năng thiền sự bi” giúp cho Nam tông tranh giành sự chính thống. Trước khi sự hứng khởi thiền Hồng Châu là:  “Bình thường tâm là đạo” Vương Duy đã chịu ảnh hưởng tích cực của thiền lý này.
Kết luận: Trung Quốc và Việt Nam đều có truyền thống thơ ca từ lâu đời. Ngọn nguồn tạo nên sự phát triển của thơ ca có nhiều nhưng điều có thể khẳng định, đó sự tác động của tôn giáo mà cụ thể ở đây là Phật giáo. Vai trò của các nhà sư Trung Quốc và Việt Nam rất quan trọng. Chính họ đã khởi xướng nên thể tài, thi phong và thi pháp của thơ ca cổ điển của hai nước được coi là “đồng văn”, “đồng quy” về văn hóa. Các thi tăng, thi nhân hai nước đã mang đến những nguồn cảm xúc cho thơ ca. Họ thổi truyền ngọn lửa lạc quan, yêu đời, nhân văn và nhân ái cho mọi người. Nói đến thơ ca cổ điển Trung Quốc không thể không nói đến thơ Đường. Nhắc đến thơ ca cổ điển Việt Nam không thể lãng quên thơ ca thời Lý được coi là thời đại “Hoàng kim” của thơ ca cổ điển Việt Nam, Ngày nay, hai quốc gia có điều kiện văn hóa khác nhau nhưng một điều nhắc nhở không thể quên cho mọi người là sự giao hòa, kết nối giữa Phật giáo với thơ ca của hai nước có tự bao giờ và chính nó tạo nên sức mạnh dân tộc như ngày nay.
Tài liệu tham khảo:
1/ Nghiên cứu Phật giáo Trung Quốc - Vương Mẫn Hoa chủ biên -
Quảng Tây đại học xuất trần xã, Quế Lâm, 1997.
2/ Văn sử trí thức - Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh, 1997
3/ Nghiên cứu thơ Đường - Quang Tây đại học xuất bàn xã, Quế Lâm, 1997.
4/ Thơ văn Lý - Trần (tập 1) - Viện văn học, NXB khoa học xã hội, Hà Nội, 1977
Hồ Sỹ Hiệp
Theo http://www.daophatngaynay.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chắt chiu những ngụm đời Thơ ca đích thực theo Nguyễn Bảo Chân, luôn gắn với những gì chân thực nhất của nỗi lòng, của tâm trạng con ngư...