Hiểu nỗi buồn của em nên anh không gặng hỏi
anh muốn mang mùa thu về trên vai em
em đừng khóc vì ai nữa nhé
chỉ khóc vì anh và những lúc có anh thôi
anh đến bên em, quá khứ đã xa rồi
đừng nhắc lại những gì không trọn vẹn
dẫu có tiếc cũng chỉ là để tiếc
trong cuộc đời, ta có những lần đi
hãy cùng anh làm một chuyến đi dài
nơi xa nhất mà em chưa đến được
mở cánh cửa sớm mai là mỗi ngày mỗi khác
mỗi ngày em thêm có một lần anh
anh sẽ lắng nghe em từng tiếng thở
từng nhịp rung trên vai áo em gầy
ta phải đến được nơi ta cùng đến
em có mùa thu, anh có em
Phan Thanh Bình
Mùa thu luôn là cảm hứng vô tận của các nghệ sĩ. Họa sĩ Lê-vi-tan (Nga) để lại cho đời bức tranh “Mùa thu vàng” nổi tiếng; nhà thơ Đỗ Phủ trên chiếc thuyền lênh đênh xa quê cũng viết nên chùm thơ thu (8 bài) với nỗi niềm nhớ quê đau đáu, da diết; Nguyễn Khuyến được tôn vinh là “nhà thơ của làng cảnh Việt Nam” với chùm 3 bài thơ thu của màu xanh rợn ngợp đất trời. Còn Nguyễn Du đã viết nhiều câu thơ hay về mùa thu với cảm xúc tinh tế diễm lệ như: “Long lanh đáy nước in trời/Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng” (Truyện Kiều)
Nhà thơ Phan Thanh Bình trong hai tập thơ Phẳng & nghiêng, Chạm & vuốt cũng có những bài thơ viết về không gian thu làm xốn xang người đọc như Đi tới mùa thu, Zích zắc mùa thu.
Nếu ở Zích zắc mùa thu người đọc nhận ra mùa thu Huế trong cái nhìn vọng tưởng của tác giả về các địa danh nổi tiếng của cố đô như chùa Diệu Đế, sông Hương, núi Ngự Bình, đồi Vọng Cảnh và một vương triều đã mất nhưng con người hay rộng ra là nhân sinh vẫn không mất đi: “em rót cả mùa thu vào Đại Nội” để rồi chốt hạ hai câu cuối thật đặc sắc “người thiếu nữ suốt đời ngôi thiếu nữ/ dù vị hoàng đế cuối cùng không phải là anh” thì ở bài Đi tới mùa thu cái tôi thi nhân đã trở nên cá biệt hoàn toàn. Không gian thu trong bài thơ không phải là không gian của thiên nhiên mà chính là không gian của tâm hồn. Mùa thu ở đây là duyên cớ để tác giả thổ lộ tình yêu với em. Mùa thu thì dịu dàng nhưng tình yêu thì mạnh bạo, không chút do dự:
“Hiểu nỗi buồn của em nên anh không gặng hỏi
Anh muốn mang mùa thu về trên vai em”
Sao anh không tặng nàng mùa xuân tươi thắm, mùa hạ nồng ấm, mà chỉ cho em mùa thu. Tín hiệu thẩm mỹ mùa thu trở thành điểm nhấn để anh thấu cảm nỗi buồn của em, hiểu nỗi buồn của em. Mùa thu không miêu tả từ thiên nhiên, tạo vật, mà từ lời dỗ dành của anh với em: “em đừng khóc”, “em đừng nhắc”… Cách bày tỏ của anh bạo liệt, dứt khoát, chắc chắn: “Anh muốn mang mùa thu về trên vai em”, vì bờ vai anh đủ rộng để che chắn cho em. Em giờ chỉ cần khóc vì anh thôi. Cái tôi trữ tình của anh thật lạ, anh mang mùa thu cho em, hẳn mùa thu này đẹp lắm, rực rỡ nắng vàng với trời xanh, nên anh mới tự tin đến dường kia.
Dường như lời an ủi của anh chứa đựng trong cả những lời hứa hẹn:
“Hãy cùng anh làm một chuyến đi dài
Nơi xa nhất mà em chưa đến được”
Tại sao lại là “chuyến đi dài”? mà không phải là đi nhanh, “đi tắt đón đầu”? Hơn ai hết nhà thơ thừa hiểu rằng, tình yêu là một hành trình chứ không phải là đích đến. Chuyến đi dài trong tâm thế lãng du của tình yêu bao giờ cũng hứa hẹn niềm vui và hạnh phúc. Với anh, đây là chuyến đi mà anh sẽ vì em, dù em chưa bao giờ đến được những nơi xa xôi nhất. Có thể hiểu cái “nơi xa nhất” ấy chính là cái tận cùng của yêu thương mà em dù đã từng đi, nhưng vẫn chưa khi nào đến được. Đi để cảm nhận hạnh phúc, để đón đợi ban mai bằng bờ vai vững chãi “mở cánh cửa sớm mai là mỗi ngày mỗi khác/ mỗi ngày em thêm có một lần anh”. Hẳn nhiên em sẽ hạnh phúc vô bờ khi được đi cùng anh, bởi quá khứ của em có thể là bi kịch, là sụp đổ, là đau xót, là nỗi buồn… nhưng “anh không gặng hỏi” - rất đàn ông và rất cao thượng. Ai cũng có một chút quá khứ, một chút kỷ niệm, nhưng với anh, khi đã mang mùa thu cho em, thì không có gì có thể khiến anh bận lòng, mà “mỗi ngày em thêm có một lần anh”. Đọc đến câu thơ này, bất giác tôi nghĩ đến niềm hạnh phúc cho một khao khát tình yêu, cho một hiện thực hiển hiện, cho một hy vọng về một tình yêu vĩnh hằng.
“Anh sẽ lắng nghe từng tiếng em thở
Từng nhịp rung trên vai áo em gầy”
Có người đàn ông nào, chàng trai lãng tử nào nghĩ được như Phan Thanh Bình từng nghĩ. Tinh tế và tận tụy vì em. Tôi nhận ra nhà thơ quả là đa tình và lãng mạn, cái đa tình đẹp trong thơ ca và anh đã làm đẹp cho tình yêu cuộc đời.
Mơ ước của anh thật đẹp:
“Ta phải đến được nơi ta cùng đến
Em có mùa thu, anh có em”
Câu kết bài thơ chắp thêm ước mơ cho mỗi người con gái, người phụ nữ. “Em có mùa thu” - đẹp, dù có đượm nét buồn, bởi có chút buồn thì vẻ đẹp của người con gái càng cuốn hút hơn, nên anh mới hạnh phúc nhận ra rằng “anh có em”. Anh có em, bởi anh có sự quyết liệt khi “mang mùa thu về trên vai em”, mạnh mẽ khi nắm tay em “đi tới mùa thu”, giúp em bỏ lại sau lưng mọi muộn phiền, chỉ cầu mong “mở cánh cửa sớm mai là mỗi ngày mỗi khác”. Em sẽ mới hơn, anh sẽ mới hơn, đó là kết quả của một tình yêu hi sinh, tận tụy và dâng hiến. Bài thơ đẹp không chỉ từ thi tứ, mà đẹp ngay từ trong ý nghĩ, trong hình tượng anh - cái tôi trữ tình của nhà thơ, say đắm, nồng nàn cho một tình yêu đẹp.
Tác phẩm không sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật, không văn vẹo, bẻ cong ngôn ngữ, nhìn mùa thu trực tiếp từ đối tượng trữ tình là em, từ dằn xé của lòng em để hóa giải nỗi buồn em bằng tình yêu của anh. Gợi ra cho em một chuyến đi đầy thi vị và lãng mạn. Có lẽ cũng đã lâu rồi văn chương Việt mới có bài thơ lại đem đến sự mặc khải trong tình yêu, chạm thẳng đến tâm trí và trái tim người đọc như Đi tới mùa thu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét