Tôi gặp em lần đầu cùng nhà văn Võ Diệu Thanh tại An Giang cách đây chừng 4 năm, khi đó tôi đi dạy cho Đại học Huế. Nam Bộ đang mùa mưa, mưa bất chợt. Em chàng thư sinh đã mang tặng tôi chiếc dù và mấy tờ tạp chí văn học, tôi đọc vài bài thơ của em được in trong đó, đã thấy hay hay, là lạ… Rồi cuộc sống bận rộn với biết bao nhiêu là công việc, khiến tôi không có dịp đọc thêm về thơ em. Và rồi hữu duyên, tháng 5 vừa rồi em đến Huế, tôi được gặp em, thấy em gầy đi, cái nhìn em sâu thẳm. Và tôi đã năn nỉ em gửi thơ em cho tôi đọc với. Em đã gửi cho tôi một số bài. Khi nhận qua email tôi đã đọc ngay, đọc xong rồi tôi vẫn ngẩn ngơ tự hỏi: em năm nay bao nhiêu tuổi rồi nhỉ? Vì tôi nhớ gặp em sau gần 4 năm, chàng thư sinh giờ cũng chỉ như là thanh niên mới qua tuổi trăng tròn mà thôi. Sao em viết được những tứ thơ nhẹ nhàng mà dịu ngọt đến vậy:
Có những nụ cười không bao giờ trở lại
Tháng năm xưa ký ức chân trời
Con diều nhỏ đứt dây rồi bay mãi
Ta biết tìm gì giữa những áng mây trôi?
(Ký ức mùa thu)
Ký ức trở về trong thơ tác giả là cánh diều, là những áng mây trôi, là con đường quen thuộc, là tiếng dế vọng gọi tên người… thao thiết, lắng sâu và rung cảm. Cứ muốn đọc hết cả bài, viết cả bài tràn trên trang giấy để cảm nhận hết cái hay, cái đẹp trong mỗi khổ thơ, mỗi dòng thơ và tứ thơ. Bài thơ có 4 khổ, đọc khổ nào cũng thấy hay, mỗi khổ như một bài thơ nhỏ, và khổ kết của bài thơ thật trữ tình:
Ta khẽ chạm tim mình chật chội
Mùa đánh rơi những chiếc lá bàng
Con diều nhỏ đứt dây rồi bay mãi
Phía chân trời còn một mảng mây tan...
Nếu ở khổ đầu của bài thơ là câu hỏi tu từ: “Ta biết tìm gì giữa những áng mây trôi?” chừng như có quá nhiều hoài niệm bâng khuâng, thì câu kết của bài thơ như mở ra một không gian khác: “Phía chân trời còn một mảng mây tan...”. Không gian hoài niệm trong kí ức dần nhường chỗ cho một không gian mới, và không gian mới đó đẹp hay không cũng nhờ vào hoài niệm. Viết về hoài niệm nhà thơ vừa chọn không gian thu, vừa chọn những nét chấm phá nhẹ nhàng từ cánh diều tuổi thơ, đến tiếng dế gọi tên người buồn lẻ và rồi câu thơ: “Mùa đánh rơi những chiếc lá bàng” đã hoàn thiện bức tranh thu trong hoài niệm vừa sinh động, vừa đẹp như tranh thủy mặc. Thi trung hữu họa (trong thơ có họa) là vậy, nhẹ nhàng, phóng khoáng, rộng mở. Không gian thì rộng mở, cảm xúc thì dâng tràn nên “Ta khẽ chạm tim mình chật chội”.
Khi đọc bài thơ “Vọng” của em, tôi ngạc nhiên, Nam Bộ có lạnh bao giờ, thì ra thi nhân đã đến Đà Lạt, không biết khoảng thời gian lưu lại bao lâu, hay ký ức mùa đông ở đất Bắc, khiến cho nhà thơ viết được những câu thơ như có hồn của người cảm nhận mùa đông theo nhịp thời gian:
Đêm nay lạnh về chầm chậm
Gió nghiêng một góc con đường
Áo mùa đông không đủ ấm
Mơ hồ lạc giọng trong sương
Cái lạnh mùa đông không bất ngờ, mà “đêm nay lạnh về chầm chậm”, nghĩa là bước chân người lữ thứ cũng đang đón nhận gió đông bằng cái cảm nhận tinh tế nhất, rung động nhất, dù gió nghiêng một góc con đường, dù áo không đủ ấm, thì cũng không hề lo lắng, mà đang đi, từng chút một, để nhận ra cái thú vị của mùa đông, cái đẹp của xứ lạnh. Tôi vẫn chưa xác định được ai là tác giả của bài thơ “Mối tình đầu” (trước đây cứ nghĩ là của nhà thơ Lecmontop), nhưng tôi rất thích những câu thơ trong đó: “Mối tình đầu trôi qua, Không bao giờ trở lại, Nhưng mà nỗi xót xa, Như gió mùa thổi mãi”. Câu thơ “Như gió mùa thổi mãi” nhắc nhở với tôi rằng, nếu một năm không có trận gió mùa nào thì cuộc sống buồn biết bao nhiêu mà kể. Vì vậy, khi Nguyễn Đức Phú Thọ viết câu thơ: “Đêm nay lạnh về chầm chậm”, tôi có cảm giác như nhà thơ sẽ vô cùng thích thú về điều đó. Rồi kết cấu đầu cuối tương ứng của bài thơ đã nhấn vào tâm trạng người đọc những luyến lưu trước nhịp mùa đi:
Đêm nay lạnh tràn chầm chậm
Bóng người khuất giữa nẻo cao
Tháng năm dài cơn gió mỏng
Vọng về từ những lao xao...
Trong bài thơ “Mùa đông” anh cũng có những câu thơ thật hay, hình ảnh thơ cũng thật quen mà thật mới khi cảm nhận:
mùa đông
gốc bàng thành thiếu phụ
rứt xuống mặt người
nghìn chiếc lá cô đơn
Sao có thể nhìn “gốc bàng” mà thành “thiếu phụ”, anh cũng không nói là lá bàng rụng, mà “rứt xuống mặt người”, động từ “rứt” trong câu thơ như có cái gì đó day dứt và tiếc nuối. Cảm nhận về mùa đông như thế thật là lạ, không lặp lại với bất cứ ai. Mùa đông là lạnh, là buồn, là tê tái; hình ảnh thật gợi cảm: gốc bàng - thiếu phụ, lá bàng rứt - nghìn chiếc lá cô đơn, nên:
anh chẳng biết làm sao
để nói về những ký ức mùa đông
đi qua thơ anh
bằng nỗi nhớ không đầu
không cuối
Những ký ức mùa đông trong anh có lẽ có quá nhiều thương nhớ, nên như “ngớ ngẩn” khi đi qua thơ anh không đầu, không cuối. Những câu thơ giản dị mà từng trải, nhẹ nhàng mà sâu lắng, dịu dàng mà thiết tha.
Tôi vẫn thường nói với sinh viên, nghệ sỹ là người biết cảm nhận cái đẹp và bất tử hóa cái đẹp. Nguyễn Đức Phú Thọ đã và đang thực hiện “thiên chức” đó. Thơ trữ tình là cái tôi thi nhân. Nhà thơ dù có đứng ở ngôi nào thì vẫn là anh, là cái tôi của anh. Đọc thơ Nguyễn Đức Phú Thọ bạn đọc sẽ nhận ra cái tôi thi nhân thật tinh tế, thật dạt dào cảm xúc trước thiên nhiên, tạo vật, để rồi trái tim anh rung lên bằng những vần thơ dịu ngọt, tứ thơ chặt chẽ, và có cảm giác như anh đang độc hành để trải nghiệm, rồi nhận ra quy luật:
Góc nhỏ ẩm mùi
lãnh đạm những buồn vui
mưa rơi xiên
chảy sâu vào ý nghĩ
tóc kể chuyện của tóc
thời gian kể chuyện thời gian
ta chợt thoáng nhìn nhau
khi mọi thứ chìm vào
yên lặng
(Quán mưa)
Không biết bao lâu rồi, ta vào quán cùng nhau cũng đã ít chuyện trò, và hình ảnh thơ thật thú vị: “Tóc kể chuyện của tóc, thời gian kể chuyện thời gian”, và ta chỉ “chợt thoáng nhìn nhau”. Khi đọc đến những câu thơ này, tôi cũng nhớ lại mình, từng đến quán cùng biết bao bạn bè, rốt cuộc lại cũng chỉ là “tóc kể chuyện của tóc”, “thời gian kể chuyện thời gian”. Hình ảnh thơ quá đặc biệt, quá hay. Cái nhìn của nhà thơ thật sâu về các mối quan hệ, về con người, về nhân sinh:
- gương mặt cũ
nỗi chờ đợi lúc nào cũng mới
môi khô cong
chẳng thể nói lời thơm
- tờ vé số trên tay kể chuyện về đứa bé
ly cà phê bốc khói hát lời người
làm ra chúng
- chiếc lá rơi sẽ nói về mặt đất
con đường xám khơi xa sẽ nói về
những dấu chân
Nhìn về nhân sinh, về con người, rồi nhìn lại chính mình để nhận ra: ly cà phê biết nói gì về ta. Bởi trong ta vẫn còn nhiều trăn trở, trong ta còn nhiều nghĩ suy, trong ta còn nhiều cảm nhận… với tuổi đời của thi sĩ, thì “Quán mưa” sẽ là nơi chứng kiến sự đổi thay, sự rung động và cả những buồn vui thế sự đi vào trong những vần thơ của anh. Tôi đã nhớ, cách đây 4 năm khi đọc những bài thơ trong những tờ báo em gửi tặng, tự hứa sẽ viết về em - thi sĩ; và khi viết những dòng này biết đâu ở An Giang em đang có những vần thơ mới về Huế và Đã Nẵng, như những kỷ niệm khó quên... Chúc em với những vần thơ trong cảm nhận riêng tư và sâu thẳm, sẽ để lại nét vạch của mình trên dấu thời gian.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét