Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2019

Huế của vườn xưa

Huế của vườn xưa
Huế là thành phố vườn. Vườn cây, chim muông, hoa cỏ, sông hồ, con đò, câu mái nhì, sương mù, trời xanh, mây trắng, thi ca, âm nhạc… đã làm nên thiên nhiên Huế, tâm hồn Huế, con người Huế.
Tôi và cậu em trai… cùng bao người khác là những đứa con của vườn xưa Huế. Tuổi thơ tôi trôi từ vườn cau làng Nam Phổ bên bà ngoại qua ngôi nhà trong thành của bà nội, trôi từ nhà dì tới nhà cậu, trôi từ ban mai u hoài sang hoàng hôn cô tịch, từ giọt nước mắt thương cha, nhớ má sang nụ cười thơ bé của trò chơi hái me, trèo ổi.
Suốt cuộc đời mình, khi vui buồn, khi khắc khoải ưu tư… tôi luôn ngoảnh lại tuổi thơ để được đắm mình vào vườn xưa yêu dấu. Ôi những ngày xưa, hoàn cảnh xưa, gia đình tan đàn xẻ ghé xưa vì quốc nạn, nơi tôi phải làm người lớn khi mới lên chín mười, đặng che chở đứa em trai bé bỏng. Nơi tôi hằng vịn tay ôm lấy cây cột nhà những hoàng hôn, mong nhận được lời an ủi xẻ chia, thương xót, mà sao cây cột vẫn im thin thít, vẫn lạnh lùng vô cảm? Rất nhiều khi tôi thèm một bờ vai người lớn tựa đầu vào òa khóc cho vợi nỗi niềm. Vườn Huế xưa chính là bờ vai để tôi nương tựa, là bàn tay dìu tôi đi cùng chim chóc, cùng gió thổi mây bay.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua rồi mà hương cau thoang thoảng trong sương mờ đêm đêm vẫn còn ngan ngát giấc mơ tôi. Thuở ấy, đêm Huế vườn xưa tĩnh lặng đến như nghe được tiếng thì thào của trăng sao, chưa có lời “đại bác ru đêm” như nhạc Trịnh sau này. Những đêm Huế vườn xưa của tôi, má của tôi, bà ngoại, bà nội của tôi nay đâu rồi, chỉ trong giấc ngủ mơ tôi mới gặp lại hồn mình xưa, vườn mình xưa, những áng mây ngày xưa thương trời lặng gió.
Má ơi, má ru hời hai chị em tôi trong tiếng võng kĩu cà. Đêm Huế buồn buồn đu theo nhịp võng. Trời Huế buồn thương lặng cả gió ngàn, khiến những vì sao rơm rớm một tiếng ầu ơi, ví dầu xa thẳm. Tiếng kẹt võng nhà bên thảng hoặc, nghe như hồn gió bấc nghiến răng đêm. Nghe tiếng tàu cau rụng ngoài vườn, má sững người tưởng như tiếng chân ba xa khuất đột nhiên nhờ gió dắt về. Tôi nằm chưa ngủ, thương tàu cau xa lìa nguồn cội. Có khi nửa đêm chợt thức giấc, nghe tiếng vạc đơn lẻ kêu thất thanh một niềm phiêu du mất mát. Qua cửa sổ tàu lá chuối đẫm ánh trăng, bùi ngùi thương đom đóm tiễn hương lài, hương ngâu, hương sói, hương thiên lý vào khuya.
Dường như đêm Huế vườn xưa yên lặng hơn vì dế gáy ran ran tiếng bấc tiếng chì, nửa như tỏ tình, nửa như than khóc, nửa như tỉ tê, nửa như khò khè ngái ngủ. Dế trong hang đất ngoài vườn, dế trong lỗ thông hơi viên gạch, hay dế trong lỗ tai thơ ấu của tôi chơi điệu kèn ký ức, mà suốt cuộc đời nghe tiếng dế dắt mình đi, kể cả khi tới đích đời mình là nấm cỏ xanh rì bên trời cô quạnh, dế vẫn chung tình mang cả dàn nhạc bát âm ca hát ru tôi ngủ giấc ngàn năm?
Vườn Huế xưa ơi, những năm ba đi rồi chị em tôi còn má, má đi rồi còn ngoại. Ngoại là tâm hồn của vườn Huế xưa trùm yêu thương lên những đời cháu con phận bạc. Tuổi thơ chị em tôi ở trong vườn, vịn vào má, vịn vào ngoại, vịn vào bà vú mù tập đi, chưa biết sông Hương núi Ngự ở mô, chỉ thấy cây cau Nam Phổ nhỏng cổ cò lên vút vút ngó trời. Thân cau đơn độc một đời đứng mãi trong vườn ngoại, cau không đi lấy chồng, không trốn bão, không thở than như cơn gió bấc ngoài vườn dằn vặt tàu lá chuối rách bươm. Thi thoảng, cau gửi xuống cho tuổi thơ tôi chiếc tàu lá vạn dặm. Em trai tôi sung sướng nào bằng được ngồi lên mo cau cho chị kéo tàu lá đi quanh sân, quanh vườn, đi cho rách nát chiếc mo cau vừa rụng xuống, nào biết từ Đông Ba qua Gia Hội nơi mô…
Những mùa đông vườn Huế xưa sương cũng rét co ro, ánh trăng cũng lạnh run rẩy, gió thở than trên cây mù u ngoài vườn sướt mướt; tiếng chim từ quy tìm nhau xuýt xoa, thảng thốt, tuồng như trời đất cũng đơn độc, cũng như đang thiếu mái gia đình? Ngoại lấy tình thương ủ ấm cháu, ổ rơm nào ấm bằng lời ngoại ru, lời ngoại tâm tình thương mến, dáng ngoại trùm lên năm tháng bơ vơ, bớt đi niềm quạnh hiu tủi phận, an ủi những hoàng hôn bàng bạc kiếp người. Ngoại là khu vườn Huế xưa mà tâm hồn tôi giờ còn lưu trú.
Vườn Huế xưa ơi, đâu rồi những cây chua me đất biến thành bữa cỗ trong trò chơi đám cưới trẻ con; những vỏ nghêu, vỏ sò làm chén vàng chén ngọc; những nồi, những cơi nặn bằng đất, những tiền lá bán mua, những cỏ gà biết chọi; những cuộc trốn tìm, những lần bịt mắt bắt dê, nhảy cò cò, nhảy dây mê mẩn sân nhà… Vườn Huế xưa ơi, đâu rồi thuở tôi dẫn cậu em trai sang hàng xóm chơi, bị bầy ngỗng đuổi theo làm hai chị em chạy trối chết.
Những con ngỗng trắng đập cánh kêu như chó tru, bò rống, nhóng cổ về phía trước chạy như bay đuổi theo trẻ con, làm chúng vừa chạy vừa khóc. Sau này, khôn hơn, thấy ngỗng đuổi là chị em tôi đứng lại, cầm guốc dứ dứ dọa ném, ngỗng bèn thoái lui. Lớn lên, tôi mới biết không chỉ có ngỗng thích đuổi theo trẻ nít. Tình ái kia có phải ngỗng đâu mà sao nó cũng thích đuổi theo người bỏ chạy, dù người đó không còn là trẻ thơ?
Mùi ổi chín, mùi mít chín, mùi thị chín, vả chín suốt mùa hè rủ rê chim về vườn ngoại, như một hội chợ chim. Những con chào mào đội nón ca-lô xao xác báo mùa ổi chin, rủ chim sáo, chim chìa vôi, chim  chèo bẻo… về, làm trẻ con vui như tết theo ngoại ra vườn cầm sào hái trái. Những đám mây vườn Huế chừng cũng đang chín mọng, thơm lừng mùi gió từ cửa Thuận An thổi về làm nắng mới hây hây.
Một lần ngoại chỉ cho cách leo lên cây ổi hái chùm trái chín, tôi mới ngó thấy trời cao, thấy núi Ngự Bình ngồi ngắm sông Hương như thể núi đang ngồi đợi ai ngoài xứ Huế? Dáng núi ngồi kia dường như thu nhỏ trong dáng ngồi của ngoại những khuya đêm. Ngoại đợi ông về trong khói nhang hiu hắt ánh bạch lạp đêm trường? Hay ngoại đợi lũ cháu lớn lên rồi hè nhau mà xa xứ Huế? Chao ôi lời ngoại ru làm cả đời tôi mê cá ngạnh nguồn:
“Măng giang nấu cá ngạnh nguồn
Tới đây xin hãy đổi buồn làm vui!”
Ngạnh nguồn ơi ngạnh nguồn, nỗi buồn lời ru của ngoại trong con ngạnh nguồn, bống thệ,hến và nghêu, trong con cá chuồn Cầu Hai, trong tôm tép ngoài Truồi, ngoài Sịa… cùng với gạo thơm Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc… nuôi chúng tôi nên người, phả vào tâm hồn tôi hương gió hương cây những vườn xưa mênh mang xứ Huế, mênh mang giọng hò mái nhì ngoài nước Hương Giang. Lớn lên tôi mang hương vườn vô trường Đồng Khánh, phóng xe đạp cùng bạn bè lên thăm nhà vườn Kim Long ngút ngát bốn mùa mà yêu thêm vườn Huế. Có đêm nằm mơ thấy núi Ngự Bình bỏ Huế đi xứ khác, để sông Hương lẻ bóng; sáng thức dậy vội chạy ra cửa hoàng thành, ngó lên trời vẫn thấy Ngự Bình còn đó, mừng như bao năm xa hút, mất hút, ba bỗng trở về ôm chầm lấy chị em tôi.
Xa Huế đi xứ khác làm người lớn, làm vợ, làm mẹ rồi làm bà, tôi gởi lại thiên đường tuổi thơ cho Huế độc quyền cất giữ. Nơi nào cất giữ tuổi thơ ta, nơi đó mãi mãi là quê hương. Quê hương ủ đời tôi trong vườn Huế xưa như ủ men đời, cất lên thành rượu sương mù, thành rượu mây trắng, thành rượu ánh trăng, thành rượu thi ca văn học… làm say khướt đời tôi từ bé thơ đến thì con gái. Ở tuổi mùa thu của cuộc đời, men rượu Huế vườn xưa sao vẫn còn vo ve ong bướm, còn ríu ran chim chóc cả hồn tôi?
Vườn ngoại làng Nam Phổ, vườn nội trong thành nội vẫn theo suốt cuộc đời tôi, giúp tôi được bé lại mà an lạc, mà quên đi những lo toan, nặng nhọc mưu sinh, tranh đấu sống còn trong đời. Khi đã đến tuổi bà ngoại, tôi càng nhớ ngoại mình hơn. Đầu óc tôi, tâm hồn tôi chừng như vẫn còn cất dấu những thiên đường u buồn mà hoan lạc của những vườn xưa xa ngái; nơi áng mây màu cánh vạc nương phủ bờ vai tôi, nơi con chuồn chuồn đậu vào tia nắng Huế, nơi tôi vịn vào giậu mồng tơi và câu ca dao, câu hò, lời ru của má, của ngoại tập đi, tập chạy, tập biến mất khỏi vườn xưa da diết Huế mà sững sững một đời.
Vườn Huế xưa êm dịu, tôi đang ngó thấy tôi trong tấm gương thời gian ngồi ngắm giọt sương côi cút ban mai, nghe gió mơ hồ rủ rê cô bé làm người lớn, nghe trong hồn những âm vang rạo rực của ngày tháng phôi pha, chợt thấy bàn chân mình đang biến lối nhỏ trong vườn um tùm cỏ dại thành con đường xa xứ. Khi xa rời vòm trời tuổi thơ, liệu tôi còn có thể tìm thấy gió heo may Huế giữa Sài Gòn, tìm thấy tiếng chim họa mi hót xanh biếc mỗi chiều hè ngoài vườn xưa Nam Phổ?
Ngoại không còn, má cũng không còn, vườn xưa nhà mình đã thành vườn người khác, Huế bây chừ đâu phải Huế ngày xưa; ngay con cá ngạnh nguồn cũng không còn biết cách đổi buồn làm vui như trước. Nhưng trong tâm hồn tôi vườn Huế xưa vẫn còn nguyên vẹn: một vòm trời gợn sóng nước Hương giang, một hơi thở phả ra từ cửa Thuận, một màu xanh như thể núi Ngự Bình kéo hết cỏ non lên trời mà ấp ủ niềm thương nhớ, mà nghe câu hò bến Phu Văn Lâu mê mẩn tiếng chim chiều tim tím, Huế ơi...
Tháng 7-2011
Tôn Nữ Giáng Tiên
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...