Ngôn ngữ và tính cách Thúy Kiều
Nhắc tới nhà thơ vĩ đại của dân tộc Nguyễn Du là nhắc tới
Truyện Kiều, và nhắc tới người con gái tài hoa nhan sắc nhưng cuộc đời chìm nổi,
long đong: Thúy Kiều. Biết bao nhà văn, nhà thơ và những nhà nghiên cứu phê
bình đã tốn không ít giấy mực để bình luận về nàng. Nhưng dường như nàng vẫn
còn là một ẩn số. Và những bình luận về nàng vẫn chưa tìm được điểm dừng.
Thúy Kiều là nhân vật được Nguyễn Du hết mực yêu thương. Nguyễn
Du đã bắt gặp ở tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân một nhân vật có số phận lạ kỳ để
gửi gắm “nỗi đau nhân tình” trước “những điều trông thấy”.
15 năm lưu lạc: 2 lần tự tử, 2 lần làm lẽ, 2 lần làm đĩ, 3 lần đi tu...
Tài hoa, nhan sắc, đức hạnh, có hiếu, có tình... mà nàng Kiều bị mua về, bán đi
như một món hàng, bị đánh đập chửi bới vô tội vạ ...
Bên cạnh bi kịch chung của người con gái tan vỡ mối tình đầu,
người phụ nữ lấy chồng chung, người vợ bị chết chồng... Thúy Kiều còn có những
cảnh ngộ riêng: hai lần làm lẽ là hai lần nàng bị đẩy đến cảnh oái oăm, quái gở:
vừa bước chân vào nhà người chồng thứ nhất (Mã Giám Sinh), vợ cả bắt nàng gọi mụ
là mẹ, gọi chồng là cha (cậu). Đến nhà người chồng thứ hai (Thúc Sinh), quan hệ
vợ chồng của nàng bị vợ cả “làm ra con ở chúa nhà đôi nơi”, nơm nớp lo âu, thăm
thẳm cách biệt. Vợ cả nắm toàn bộ quyền sinh, quyền sát. Thân phận nàng chỉ là
cái kiến, con ong. Nàng buộc phải làm đĩ trong nhà người chồng thứ nhất, chịu
kiếp tôi đòi và phải đi tu ngay trong nhà người chồng thứ hai.
Nàng tự tử để bảo toàn danh tiết, bỏ trốn để thoát kiếp bùn nhơ. Nhưng, bi kịch
của nàng là muốn chết cũng không chết được, muốn trốn cũng không trốn thoát.
Càng cố ngoi lên thì càng bị nhấn xuống...
Người chồng thứ ba (Bạc Hạnh) bán nàng cho hành viện.
Nàng vừa là nạn nhân, vừa là tội nhân trong cái chết của người chồng thứ tư (Từ
Hải) - người mà đối với nàng vừa là ân nhân, vừa là tri kỷ.
Nàng bị ép gả cho người đàn ông thứ năm (viên thổ quan); mất tất cả quyền làm mẹ,
làm vợ, “chẳng tu thì cũng như tu” trong nhà người chồng thứ sáu (Kim Trọng)...
Cuộc đời nàng nghịch lý chồng chất nghịch lý.
Trong văn học Việt Nam, chưa bao giờ có một tác giả nào lại dám đương đầu với
thực tế phũ phàng, để cho nhân vật của mình bị đày đọa nhục nhằn, đau đớn như
Nguyễn Du từng để Kiều chịu đựng.
15 năm mà nỗi đau của Kiều như chung đúc nỗi thống khổ nghìn năm của ngàn vạn
người phụ nữ bất hạnh trong xã hội.
Chọn một nhân vật có số phận lên thác, xuống ghềnh cực kỳ éo le, khi tột đỉnh
vinh quang, lúc tột cùng tủi nhục, cay đắng, Nguyễn Du đã xây dựng nên một Thúy
Kiều có tính cách phong phú, phức tạp, một Thúy Kiều đầy ắp cảnh ngộ, đầy ắp
tâm trạng, đầy ắp kinh nghiệm sống, khái quát nhiều phương diện và phẩm chất đạo
đức của người phụ nữ Việt Nam và của dân tộc.
Ngôn ngữ đối thoại, độc thoại đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc
thể hiện tính cách và thân phận Thúy Kiều. Không phải ngẫu nhiên, Nguyễn Du đã
dành tới 40% ngôn ngữ đối thoại và 68,5% ngôn ngữ độc thoại trong tác phẩm cho
Kiều (nàng tham gia 69 lần đối thoại với 476 câu và 35 lần độc thoại với 189
câu).
Có những nét tính cách, Nguyễn Du khắc họa chủ yếu bằng ngôn ngữ nhân vật. Ngôn
ngữ tác giả ở đây lu mờ hẳn. Nói về tình cảm gia đình sâu nặng và sự hiếu nghĩa
của Thúy Kiều, trong lúc ngôn ngữ tác giả chỉ được dùng đôi ba lần, thì Nguyễn
Du đã 18 lần dùng ngôn ngữ nhân vật để thể hiện. Đối với bản thân Thúy Kiều, tần
số xuất hiện của tình cảm này chiếm tới 1/7 số lần đối thoại, độc thoại của
nhân vật (14/104 lần). Ngôn ngữ đối thoại của Từ Hải, Giác Duyên, Đạm Tiên, Tam
Hợp đạo cô, Vương Ông... cũng góp phần soi chiếu tình cảm ấy của nàng.
Nếu như ở chỗ này, Nguyễn Du khắc họa tính cách Thúy Kiều chủ yếu bằng ngôn ngữ
nhân vật, thì ở chỗ kia, ông lại tước bỏ lời đối thoại hoặc độc thoại của Kiều
để làm nổi rõ một nét tính cách khác. Cuộc đời đẩy Kiều đến chỗ lấy tới 6 đời
chồng. Nhưng, Kiều lấy Mã Giám Sinh là vì nàng phải quyết định “Dẽ cho để thiếp
bán mình chuộc cha”. Với Bạc Hạnh là vì “cùng đường” phải “tính chữ tòng”. Với
thổ quan là vì bị Hồ Tôn Hiến gán ép. Hai trong số ba cuộc hôn nhân nói trên đã
khiến nàng có ý định tự tử. Với những cuộc hôn nhân bất đắc dĩ này, tiếng nói của
Thúy Kiều là một sự câm lặng. Chỉ đời sống nội tâm của nàng nổi sóng, nổi gió.
Trong trường hợp này, “im lặng là đỉnh cao âm thanh”. Nó biểu hiện một thái độ,
một sự phản ứng của nhân vật. Rõ ràng, khi nào sử dụng ngôn ngữ đối thoại cho
nhân vật, khi nào không - là một dụng ý nghệ thuật của nhà thơ.
Nguyễn Du rất chú ý thể hiện sự thống nhất trong ngôn ngữ Thúy Kiều, qua đó mà
biểu hiện sự nhất quán trong tính cách.
Suốt tác phẩm, ta nghe tiếng nói chân tình mà thấu tình, đạt lý của nàng.
Khi thì tiếng nói ấy nhắc nhở Kim Trọng lúc chàng có chiều đi quá giới hạn của
quan hệ tình cảm. Lúc nó như ngọn gió xua tan đám mây đen dồn tụ những nỗi uất ức
dẫn đến ý định tự tử của người cha. Nàng phân trần điều hơn lẽ thiệt “phận tôi,
vốn người” với Tú Bà, “trong ấm ngoài êm” với Thúc Sinh, lẽ đời “càng cay nghiệt
lắm càng oan trái nhiều” với Hoạn Thư và việc “để tiếng” “nghìn năm” với Từ Hải...
Ngày tái ngộ cùng Kim Trọng, nhắc đến đạo vợ chồng, ta vẫn nghe giọng nói ấy
khi nàng bày tỏ với người yêu: “chữ trinh còn một chút này...”.
Ngôn ngữ Thúy Kiều vừa lý trí, vừa tình cảm, đầy kinh nghiệm và tâm trạng. Đó
là tiếng nói “mà trong lẽ phải có người có ta” của một người con gái bao giờ
cũng đặt mình ở vị trí khiêm nhường nhất, thiệt thòi nhất, luôn luôn chịu trách
nhiệm cao nhất về hành động của mình.
Với trái tim nhân hậu, vị tha, trước mỗi biến cố xảy ra, Kiều luôn nghĩ đến nỗi
đau của người khác và tự kết tội bản thân với một “logic thiên lệch mà cảm động”(Lê
Trí Viễn) [8, tr.103]: “Vì ta khăng khít cho người dở dang” khi tình
yêu tan vỡ; “Trăm điều ngang ngửa vì tôi” khi chấp nhận làm lẽ Thúc
Sinh; và “Trong mình nghĩ đã có người thác oan” khi Từ Hải bị hãm hại…
Từ Hải chết một phần do lỗi của Kiều, nhưng trước hết là do sự phản bội của
viên “tổng đốc trọng thần”, và một phần nữa là do sự thiếu cân nhắc, suy xét kỹ
lưỡng của chính Từ Hải. Trong cuộc đối thoại với Hồ Tôn Hiến, Kiều công nhiên
ca ngợi Từ - người chống lại triều đình - là “đấng anh hùng” trước mặt kẻ đại
diện ngai vàng. Đấy là một cách “lên án công khai khá độc đáo trong đó tên của
người bị hy sinh gợi ra tên của người bị lên án” (Nhất Linh)[5, tr.226]. Nhưng
trước hết, nàng tự kết tội mình đã đẩy Từ đến chỗ thiệt mạng oan uổng.
Nàng tự tử không phải vì ý định thủ tiết với chồng theo quan niệm phong kiến
như Ngọc Khanh của Truyện Hoa tiên. Dẫu yêu tha thiết cuộc đời, “tiếc
công cha mẹ thiệt đời thông minh”, song, con người tuyệt vời ý thức trong lương
tâm nàng đã không cho phép nàng sống:
2631. “Giết chồng mà lại lấy chồng,
Mặt nào mà lại đứng trong cõi đời?”
Nhân vật nữ của các truyện Nôm thường tự tử khi họ có nguy cơ bị xúc phạm về mặt
thể xác. Nhân phẩm cao nhất mà họ giữ gìn, bảo vệ là sự tiết trinh.
Nguyễn Du cũng có một dòng sông để nhân vật của mình tự vẫn. Nhưng, dòng sông của
Tố Như không phải là phương tiện, là cứu cánh giúp người con gái bảo toàn danh
tiết, mà là nơi giải thoát cuối cùng cho một kiếp khổ đau.
Đối với Thúy Kiều, sự xúc phạm về mặt thể xác tuy gây nên những thương tổn
không gì bù đắp nổi, nhưng cũng chưa đến mức làm nàng phải chết. Chỉ đến khi chồng
bị giết, nàng vừa chịu nỗi đau của một nạn nhân, vừa chịu sự giày vò, dằn vặt,
ân hận ghê gớm trong lương tâm của một người nghĩ mình là kẻ có tội, thì chính
nỗi đau tinh thần cùng cực này mới làm cho nàng hoàn toàn gục ngã. Xem tình
nghĩa, danh dự, thể diện trọng hơn tính mạng, ngôn ngữ nhân vật cho thấy Thúy
Kiều ý thức về nhân phẩm, về giá trị đạo đức làm người hết sức sâu sắc.
Tiếng nói ý thức ấy đã theo nàng đi suốt cuộc đời. Từ buổi đầu “nắng giữ
mưa gìn” khi gặp gỡ, thề bồi với Kim Trọng, đến sự tự ý thức “phẩm
tiên rơi đến tay hèn” khi phải chung sống với Mã Giám Sinh. Hoàn cảnh càng
nghiệt ngã, trớ trêu, ý thức về nhân phẩm của Kiều càng bộc lộ rõ.
Rơi vào lầu xanh, nàng giẫy giụa, vùng đạp. Tự tử. Chạy trốn. Cam chịu đòn ở chốn
cửa công... Nàng tìm hết cách để thoát khỏi kiếp đời ô nhục. Đem cả tính mạng
quyết giữ gìn phẩm giá: “Đến điều sống đục sao bằng thác trong”. Khi không
thoát được, phải “lấy thân mà trả nợ đời”, nàng luôn ở trong một tâm trạng
tủi nhục, đớn đau, dằn vặt, mất mát. Nàng phải tiếp khách mà tâm hồn, nhân cách
không sa đọa. Đêm ngày nhức nhối một giấc mộng hoàn
lương.
Nghe Tú Bà dạy mánh khóe nhà nghề, Thúy Kiều của Thanh Tâm
Tài Nhân chỉ một chút ngạc nhiên, sau đó là sự thành tâm của kẻ học việc: “Té
ra là như thế, con xin lĩnh hội cẩn thận”(Vũ Hạnh)[2, tr.176]. Còn Thúy Kiều của
Nguyễn Du thì cảm thấy tủi hổ, nhục nhã, đau xót một cách thấm thía:
1219. Những
nghe nói đã thẹn thùng:
“Nước đời lắm nỗi lạ lùng khắt khe!
Xót mình cửa các buồng khuê,
Vỡ lòng học lấy những nghề nghiệp hay!
Khéo là mặt dạn mày dày.”
Rơi vào lầu xanh một lần nữa, Thúy Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân còn có thể hỏi
giá cả mụ chủ mua mình, bình phẩm về sự lời lãi với một giọng dửng dưng, ráo hoảnh.
Tất cả phản ứng của nàng chỉ là một tiếng thở dài. Nàng buông xuôi, chấp nhận
cuộc đời, coi mình là món hàng, mất hẳn ý chí phản kháng. Thúy Kiều của Nguyễn
Du rơi vào cảnh ngộ đó thì đau đớn, uất ức, bi phẫn, tức tưởi. Sáng tạo những
đoạn độc thoại đặc sắc nói về cái “giật mình mình lại thương mình xót xa”, cái
thao thức, nhức nhối, ê chề trong tâm hồn nàng, Nguyễn Du đã tạo dựng nên một
Thúy Kiều nặng trĩu suy tư và sự tự ý thức về phẩm giá, nhân cách.
Chính vì ghê tởm cuộc sống ô nhục, Kiều mới thẳng tay trừng trị những kẻ đã đày
đọa nàng.
Qua hàng loạt lời đối thoại của Kiều trong buổi báo ân, báo oán, Thanh Tâm Tài
Nhân tuy thể hiện được triết lý của nhân dân “ác giả ác báo”, nhưng lại để nhân
vật của mình rơi vào sự say sưa với ý tưởng trả thù và những hình phạt man rợ
theo kiểu phong kiến trung cổ phương Đông. Còn Thúy Kiều của Nguyễn Du
sau lời phân tích lẽ thiệt hơn: “Hại nhân, nhân hại sự nào tại ta”, nàng
chỉ tuyên án một câu ngắn gọn: “Thề sao thì lại cứ sao gia hình”.
Lược bỏ ngôn ngữ đối thoại ở đây so với nguyên mẫu, Nguyễn Du đã nâng tính cách
nhân vật và nâng cao hiệu quả thẩm mỹ của hình tượng văn học. Thúy Kiều của ông
trừng phạt nghiêm khắc đối với tội nhân, nhưng không phải là con người tàn nhẫn,
man rợ. Phiên tòa và sự phán xử của nàng phù hợp với khát vọng công lý của nhân
dân, đồng thời thể hiện được khát vọng sống trong sạch hết sức mãnh liệt của một
Thúy Kiều quật khởi.
Chưa bao giờ trong văn học Việt Nam, con người ý thức về nhân phẩm, về quyền được
hạnh phúc lại sâu sắc như văn học giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế
kỷ XIX. Và không nhân vật nào tập trung những phẩm chất ấy rõ nét hơn Thúy Kiều.
Đề cao quyền con người, tố cáo những thế lực đen tối chà đạp lên nhân phẩm, hạnh
phúc và khát vọng chân chính của con người, giá trị nhân đạo của Truyện Kiều có
ý nghĩa muôn thuở.
Một mặt thể hiện sự nhất quán của tiếng nói ân tình, đầy ý thức, trách nhiệm ở
Kiều, mặt khác, Nguyễn Du lại thể hiện ngôn ngữ Thúy Kiều có nhiều sắc thái, giọng
điệu, phản ánh một tính cách phức tạp, đa dạng, có sự phát triển.
Sự phong phú của ngôn ngữ Thúy Kiều thể hiện dưới nhiều hình thức.
Mỗi lần nhớ nhà, nàng lại có một tâm trạng khác. Thuở ban đầu, những cảm nhận sự
xa cách về không gian tràn ngập trong nỗi nhớ: “Dặm nghìn nước thẳm non
xa”. Sau này, nó chuyển thành nỗi nhớ gắn liền những cảm nhận về sự xa cách thời
gian: “Chốc đà mười mấy năm trời”. Những cung bậc của tình cảm thương nhớ ấy
hoàn toàn hợp với cảnh ngộ và logic tâm trạng nhân vật trong từng thời điểm cụ
thể. Cái chung của nỗi nhớ này là: lần nào, trong tâm tưởng nàng cũng dội lên một
sự thương cảm, xót xa: mẹ cha tuổi tác ngày một ngả về chiều mà nàng - người con
gái lớn trong gia đình lại không được tự tay chăm sóc, phụng dưỡng. Nàng hiểu
tình cảm của mẹ cha dành cho mình với một sự đồng cảm gan ruột:
2237. “Xót thay huyên cỗi xuân già,
Tấm lòng thương nhớ biết là có nguôi?”
Trong tiếng nói hướng nội của tâm tình, Kiều tự thương mình qua tâm trạng của
người khác - tâm trạng cha mẹ - những người thật sự yêu thương nàng:
1255. “Dặm nghìn nước thẳm non xa,
Nghĩ đâu thân phận con ra thế này!”
Thương mình trong nỗi thương nhớ mẹ cha và vì thế càng thương mẹ cha hơn. Cách
tư duy này khiến tình cảm nhân vật thêm tầng tầng, lớp lớp, đem lại nét riêng
cho tâm trạng nhớ nhà của Thúy Kiều. Nguyễn Du đã góp vào thơ cổ Việt Nam viết
về đề tài này một sự thể hiện mới.
Bên cạnh đó, trong nỗi nhớ của Kiều, chữ “hiếu” luôn nằm trong một môi trường
tình cảm có phạm vi rộng hơn: tình gia đình. Nó không chỉ là sự hy sinh, là nỗi
day dứt về bổn phận của người con đối với mẹ cha, mà còn là tình thương, nỗi nhớ,
sự lo lắng đối với hai em nữa. Đó là một tình cảm rất đời thường, rất con người,
nhưng ít được thể hiện trong văn học cổ. Kim Vân Kiều truyện không có
được những đoạn độc thoại lắng sâu bộc lộ nét tình cảm này. Thể hiện tình con
cái đối với mẹ cha gắn liền với tình chị em, Nguyễn Du đã làm cho nhân vật của
mình có một đời sống tình cảm gia đình phong phú, tinh tế và chữ “hiếu” của Kiều
có một sắc thái riêng, không trộn lẫn với bất cứ ai.
Thúy Kiều trong Kim Vân Kiều truyện luôn miệng nói đến hành động bán
mình cứu cha của mình. Nàng vì cha nhưng cũng vì muốn lưu danh liệt nữ. Thanh
Tâm Tài Nhân xây dựng nàng thành đại biểu của chữ “hiếu” nằm trong khái niệm đạo
đức phong kiến. Còn Thúy Kiều của Nguyễn Du không lần nào nhắc lại việc đó trước
mọi người. Hành động cứu cha của nàng không phải là thứ huy chương trưng diện
làm vinh dự cho nhân vật. Nàng Kiều của Nguyễn Du là con người của tình cảm, là
hiện thân, là biểu tượng của người con hiếu thảo, không phải là hóa thân của một
khái niệm khô khan. Nàng sống với chữ “hiếu” không phải bằng lý trí mà bằng tiếng
nói tự con tim. Nàng không so đo, tính toán, cũng không kể lể về hành động hy
sinh của mình. Tình cảm gia đình của nàng lắng sâu ở thế giới bên trong, thể hiện
qua tiếng lòng đau xót, nhớ nhung lặng lẽ, chân thành và kín đáo - Rất Á Đông!
Những lần nói về nỗi nhớ nhà của Thúy Kiều, Nguyễn Du thường để chính ngôn ngữ
nội tâm của nhân vật tự phát sáng, tự bộc lộ. Tiếng nói nơi sâu thẳm tự đáy
lòng đem lại cho tình cảm này của nhân vật một sức biểu hiện chân thật, thấm
thía. Nỗi nhớ ấy xuất phát từ một nguồn mạch lớn: tình gia đình của Thúy Kiều.
Từ trong cõi vô thức, trong niềm ẩn ức của tâm hồn nàng, tiếng gọi của tình cảm
gia đình có một sức nặng sâu xa. Nó như một lực hướng tâm mạnh mẽ, mãnh liệt,
không gì cưỡng nổi. Qua ngôn ngữ Thúy Kiều, người ta thấy được: vì nó, nàng sẵn
sàng hy sinh hạnh phúc lứa đôi. Nó có thể ngăn nàng tự tử sau đêm tân hôn nhớp
nhúa với Mã Giám Sinh. Nó đã trở thành một trong những động cơ chính thúc đẩy
Kiều khuyên Từ Hải ra hàng. Nó là nguyện vọng cuối cùng mà nàng đề đạt với Hồ
Tôn Hiến. Khi nguyện vọng ấy bị chà đạp một cách phũ phàng, ý nghĩa cuối cùng của
cuộc đời đối với nàng cũng tắt.
Có thể nói, chữ “hiếu” và tình cảm gia đình có sức hấp đẫn đặc biệt đối
với Thúy Kiều trong mọi trường hợp. Cả cuộc đời vinh, nhục, tử, sinh... những
bước thăng trầm của đời Kiều luôn gắn với tình cảm rất đẹp, rất con người này.
Nhân vật này kết tinh những nét đặc trưng trong tình cảm của người Việt Nam,
con người của một dân tộc trân trọng nghĩa tình, hết sức coi trọng tình cảm gia
đình, lòng hiếu thảo của con cái đối với mẹ cha, một dân tộc có Lục Vân Tiên
khóc mẹ đến mù cả mắt, Thúy Kiều bán mình để cứu cha và Thoại Khanh cắt tay
mình lấy thịt nuôi mẹ chồng...
Sáng tạo những đoạn độc thoại nội tâm bộc lộ nỗi nhớ của Thúy Kiều, Nguyễn Du
cho thấy nàng là một con người sống rất sâu sắc với mỗi trang đời, mỗi tình cảm
của mình. Tính cách nhân vật được dân tộc hóa và được biểu hiện tinh tế, phong
phú.
Sự đa dạng của ngôn ngữ Thúy Kiều, trước hết, được quyết định bởi nội dung mà
nó chuyển tải.
Những lời đối thoại của Kiều vừa giàu sắc thái biểu cảm, vừa thấm đẫm tính triết
lý. Nó là ảnh xạ của một tâm hồn đa cảm và một trí tuệ sắc sảo, thông minh:
nàng nhìn hiện tượng mà thấy được bản chất. Gặp một nấm mồ hoang, nhãn lực của
Kiều dường như đã nhìn thấu không chỉ một thân phận đơn độc, khổ đau, mà còn
nhìn thấu một định mệnh nghiệt ngã thâu tóm bao số phận con người của cả một thế
giới - thế giới đàn bà - khái quát mọi kiếp sống trầm luân, khổ ải: “Đau
đớn thay phận đàn bà! Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.”
Qua ngôn ngữ nhân vật, Nguyễn Du còn thể hiện Thúy Kiều là một con người hết sức
táo bạo. Sau quyết định bán mình, nghĩ đến cảnh phải chung sống với “tay bợm
già” Mã Giám Sinh, nàng xót xa tiếc nuối đã chưa hết mình với Kim Trọng: “Biết
thân đến bước lạc loài, Nhị đào thà bẻ cho người tình chung.” Sống với chồng
mà tiếc mình chưa hiến thân cho người yêu! Có thể nói, suy nghĩ ấy rất lạ, rất
táo bạo nếu không nói là quá sức táo bạo đối với nền đạo đức phong kiến và với
các cô gái trong thời đại của nàng. Nhưng, trong hoàn cảnh của Kiều, và với
tình yêu nồng nàn mà nàng dành cho Kim Trọng, suy nghĩ ấy hoàn toàn thực tế, hợp
lẽ, thích đáng. Song, những suy nghĩ thầm kín ấy, văn học phong kiến không dám
tỏ bày. Thúy Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân cũng không có. Chỉ Thúy Kiều của Nguyễn
Du là đã đi trước thời đại hàng trăm năm. Khát vọng hạnh phúc mãnh liệt không
gì có thể kiềm tỏa.
Dám có những ý nghĩ táo bạo đã là ghê gớm. Dám nói những điều ghê gớm, Thúy Kiều
của Nguyễn Du càng táo bạo hơn.
Vừa thoạt gặp Từ, ngay phút đầu tiên, Kiều đã hiểu được khát vọng, tài năng, tiềm
năng, sức mạnh của Từ, thấy được Từ sẽ là bậc đế vương trong lúc Từ còn “bốn bể
không nhà” với hai bàn tay trắng. Lập tức, nàng gửi gắm thân phận mình - một kỹ
nữ lầu xanh - cho Từ:
2195. Thưa
rằng: “Lượng cả bao dong,
Tấn Dương được thấy mây rồng có phen.
Rộng thương nội cỏ hoa hèn,
Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau.”
Ký thác thân phận của một kỹ nữ cho một kẻ mà Kiều tin chắc rằng sẽ trở thành một
đấng quân vương và dám nói điều đó thành lời. Không có cái phân vân “một dày một
mỏng biết là có nên” như đối với Kim Trọng. Hoặc nỗi băn khoăn dài như đối với
Thúc Sinh. Phải tin ở sự phóng khoáng, độ lượng, bao dung của Từ và phải tự tin
ở phẩm chất, tài năng của mình đến bậc nào, Kiều mới dám có sự gửi gắm thẳng thắn,
táo bạo đến như vậy. Ngôn ngữ nhân vật đã tạo nên được sự đột biến trong thể hiện
tính cách .
Qua ngôn ngữ đối thoại và độc thoại, Nguyễn Du khắc họa được những nét trái ngược
của tính cách Thúy Kiều.
Sắc sảo, thông minh, Kiều nhanh chóng nhận biết và có những nhận xét chính xác
về Kim Trọng, Từ Hải, Thúc Sinh, nhưng lại liên tiếp bị mắc lừa những Mã Giám
Sinh, Sở Khanh, Bạc Bà, Bạc Hạnh, Hồ Tôn Hiến.
Kiều sâu sắc khi lo ngại một cách chính đáng về Hoạn Thư qua những điều nàng
nghe đồn đại:
1485. “E thay những dạ phi thường,
Dễ dò rốn bể khôn lường đáy sông.”
nhưng lại tỏ ra hời hợt qua việc: sống chung với Thúc Sinh một
năm mà Kiều không biết tên tuổi, gia cảnh người vợ cả, để đến rơi vào nhà ả mà
không hay. Ở trong nhà họ Hoạn suốt một năm mà Kiều không biết chồng Hoạn Thư
chính là chàng Thúc, để đến khi gặp, cả Thúc lẫn Kiều đều rơi vào bi kịch.
Nàng thiếu hẳn những câu hỏi tò mò của một người đàn bà!
Kiều ngay thẳng, chân thật với mọi người, nhưng có lúc lại nói dối, mà lại là
nói dối Giác Duyên - một vị chân tu - ngay khi nàng cũng là một kẻ tu hành, hiểu
rõ về “ngũ giới” của nhà Phật!
Đâu là sự thật lịch sử? Đâu là “sự lỡ tay của thiên tài” (Vũ Hạnh) [2, tr.28]?
Đâu là sự cố ý trong thủ pháp nghệ thuật của Thanh Tâm Tài Nhân và của Nguyễn
Du? Chỉ biết, nhờ tính chất không hoàn hảo này, nhân vật Thúy Kiều thêm phức tạp,
phong phú và gần với con người đời thường của cuộc sống.
Kiều chủ động bán mình làm lẽ Mã Giám Sinh song vẫn không phải là con người phụ
bạc.
Nàng trải qua 6 đời chồng mà vẫn là hiện thân của tình yêu thủy chung.
Nàng sống ở nơi trụy lạc, sa đọa mà vẫn là con người trong trắng.
Nàng hai lần sống ở chốn thanh lâu mà một ông quan thâm hậu lễ nghĩa, đạo đức,
học thức Nho gia như Kim Trọng vẫn khẳng định nàng là người con gái tiết trinh.
Kiều dường như đã vi phạm hàng loạt chuẩn mực về lễ nghĩa, đạo đức phong kiến
nhưng lại là biểu tượng cho những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam:
giàu tình cảm và đức hy sinh, nhân hậu, thủy chung, hiếu nghĩa, chí tình, suốt
đời không ngừng đấu tranh vươn lên vì hạnh phúc và nhân phẩm.
Nhìn ở góc độ này, Thúy Kiều dường như “đầy khuyết điểm, đầy tội lỗi” (có không
ít nhà văn, nhà thơ đã nhìn nàng dưới góc nhìn như thế!). Còn nhìn ở góc độ kia
thì nàng là một con người hoàn toàn ngược lại. Làm cho người đời thương cảm,
yêu mến một con người “đầy khuyết điểm”, “đầy tội lỗi” như Thúy Kiều quả là một
điều lạ, một điều kỳ diệu, thể hiện cái tài lỗi lạc, vô song của nhà thơ. Tạo
ra hiệu ứng ngược từ sự tương phản mạnh ấy, Nguyễn Du đã biến nhân vật của ông
thành trung tâm của những cơn bão - không chỉ trong cuộc đời nàng mà cả trong đời
sống văn học dân tộc bao thế kỷ. Đó là cái tài hết sức đặc biệt của nhà thơ.
Cái tài ấy đã nâng tầm nhân vật vượt xa nguyên mẫu.
Ngôn ngữ nhân vật đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên hiệu ứng kỳ lạ này.
Tiếng nói nội tâm Thúy Kiều khi xa cách Thúc Sinh, Từ Hải đã thể hiện những nét
tâm lý tinh tế, phức tạp mà cũng rất thực của tâm trạng: nàng cùng lúc nhớ đến
hai người đàn ông: một - người chồng, một - người tình. Cái tài của Nguyễn Du
là qua ngôn ngữ độc thoại của Thúy Kiều, nhà thơ cho thấy nàng không phải là
con người ăn ở hai lòng đối với chồng, đồng thời lại là người rất mực thủy
chung đối với người yêu cũ.
Nàng tính toán lấy chuông vàng, khánh bạc nhà Hoạn Thư nhưng không có manh tâm
của một kẻ ăn cắp: vừa gặp Giác Duyên, nàng đã trao lại tất cả: “Bản sư rồi
cũng đến sau, Dạy đưa pháp bảo sang hầu sư huynh”.
Nhiệt tình, tích cực, chủ động đến với tình yêu của chàng Kim,
441. Nàng rằng: “Khoảng vắng đêm trường,
Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa.”
Và rồi cũng chính những lời đối thoại của Thúy Kiều đã cho thấy nàng táo bạo,
phóng khoáng trong tình yêu, song vẫn là con người chừng mực, đoan trang, không
phải là kẻ tà dâm, phóng túng:
461. “Đừng điều nguyệt nọ, hoa kia,
Ngoài ra ai lại tiếc gì với ai.”
Chính ngôn ngữ nhân vật đã khiến người ta buộc tội Thúy Kiều. Nhưng cũng chính
ngôn ngữ nhân vật đã giúp nàng tự cởi trói...
Nguyễn Du còn dùng sự đa dạng của giọng điệu, hình thức ngôn ngữ đối thoại và độc
thoại để thể hiện sự phong phú, đa dạng và sự phát triển của tính cách nhân vật.
Truyện cổ tích, truyện Nôm và các tác phẩm văn học phong kiến nói chung, nhân vật
không có sự phát triển tính cách, không có giọng điệu ngôn ngữ riêng. Một đôi
trường hợp có tiếng nói riêng, như viên đô đốc trong Sơ kính tân trang,
Mai Bá Cao trong Nhị độ mai, Hớn Minh trong Lục Vân Tiên thì
giọng điệu của họ không thay đổi bởi tính cách họ nhất thành bất biến.
Ngay trong Truyện Kiều, Kim Trọng bước vào tác phẩm với một giọng say tình
như thế nào thì bước ra, vẫn một giọng say tình, ân tình như thế ấy.
Thúy Kiều của Nguyễn Du là một trường hợp khác. “Nhân vật nổi loạn” này là một
hiện tượng phá vỡ thi pháp trung đại. Hoàn cảnh xã hội như một dòng thác lũ cuốn
phăng nàng đi. Nàng trôi nổi, lênh đênh, cố giữ những gì để mình vẫn là mình,
nhưng tính cách đã chịu sự tác động của hoàn cảnh. Dù vậy, nàng vẫn là nàng,
không là ai khác.
Sống ở nơi “êm đềm trướng rủ màn che”, gặp gỡ Kim Trọng, giọng nói của
nàng là giọng nói đằm thắm, dịu dàng của một người con gái khuê các e ấp, tình
tứ. Bước vào cuộc đời đầy cạm bẫy, lọc lừa, đầy biến động, phong ba, nàng vẫn
giữ đưọc tiếng nói chí nghĩa, chí tình, chính xác, tinh tế, đúng mực, nhưng
ngôn ngữ của nàng đã có nhiều thay đổi, thích ứng với nhiều hoàn cảnh.
Nàng nghĩ về người chồng đầu tiên: “Tuồng chi là giống hôi tanh” đay ghê tởm,
khinh bỉ!
Nàng vạch mặt tên lừa đảo Sở Khanh: “Rõ ràng mặt ấy mặt này chứ ai!” Cũng
thật đáo để!
Lúc phải khuất phục thế lực đen tối, tàn bạo của Tú Bà, hãy nghe nàng thề thốt:“Thân
lươn bao quản lấm đầu, Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa.”! Người ta
“chừa” thói hư, tật xấu, chứ ai “chừa” một giá trị đạo đức tốt đẹp bao giờ? Hơn
nữa, lại là “chừa” đức hạnh, tiết trinh đối với một người con gái! Còn gì mỉa
mai hơn, bi đát hơn? Với câu nói của Kiều, Nguyễn Du đã đưa “cái bi thảm trong
thơ Việt Nam lên tới cái mức từ trước tới nay chưa thi sĩ nào đạt được” (Nguyễn
Hiến Lê) [4, tr.28].
Nung nấu ý định ngày lìa gia đình dứt áo ra đi: “Dao này thì liệu với thân
sau này”, Kiều sẵn sàng tự tử khi danh dự bị xúc phạm, và khi có điều kiện,
cũng sẵn sàng mượn lưỡi gươm của Từ Hải đem lại cái chết thảm khốc cho những kẻ
đầy đọa nàng xuống kiếp bùn nhơ với một lời tuyên bố khá nghiêm khắc, quyết liệt: “Xem
cho rõ mặt biết tôi báo thù!”.
Như vậy, tùy cảnh ngộ cụ thể mà có lúc Kiều chao chát với Sở Khanh, chua chát với
Tú Bà, thẳng thừng với Thúc Sinh, mỉa mai, mát mẻ với Hoạn Thư...
Ngày gặp lại Kim Trọng, vẫn là giọng nói ân tình hơn thiệt thuở nào, nhưng,
trong lời nói của nàng đã có khí vị mặn xẵng. Ngôn ngữ dồi dào yếu tố ước lệ
nhiều lúc đã nhường chỗ cho tiếng nói của đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Đó mới chính là hiện thực cuộc đời.
Sự biến thiên của ngôn ngữ là một biểu hiện về sự linh hoạt, uyển chuyển của
tính cách. Thúy Kiều là con người “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Tính cách nàng
đa dạng và “mềm” hơn rất nhiều so với tính cách Thúy Kiều của Thanh Tâm Tài
Nhân.
Để thể hiện sự đa dạng của tính cách Thúy Kiều, Nguyễn Du còn dùng một thủ
pháp mà các nhà văn trung đại rất kiêng kỵ sử dụng cho ngôn ngữ nhân vật chính
diện: ông tạo độ lệch giữa ngôn ngữ bên ngoài và ngôn ngữ bên trong, nhân vật
nghĩ thế này mà nói thế khác. Đó là khi Nguyễn Du để Thúy Kiều khuyên Từ Hải đầu
hàng. Trong suy nghĩ của Kiều có cái e sợ cuộc đời trôi nổi “mặt nước cánh bèo”
của quá khứ, cái bấp bênh như “chiếc bách giữa dòng” của hiện tại. Tất cả báo
trước một tương lai vô định, mờ mịt. Nàng so sánh nó với viễn cảnh “thênh thênh
đường cái thanh vân hẹp gì” mà nàng được hứa hẹn. Trong đó, nàng được rất
nhiều:
2479. “Công tư vẹn cả hai bề,
Dần dà rồi sẽ liệu về cố hương.
Cũng ngôi mệnh phụ đường đường,
Nở nang mày mặt, rỡ ràng mẹ cha.
Trên vì nước, dưới vì nhà,
Một
là đắc hiếu, hai là đắc trung.”
Viễn cảnh ấy sẽ thỏa mãn hai nguyện vọng lớn của nàng: được yên ổn và được sum
họp. Mẹ cha nàng sẽ được mở mày, mở mặt vì con cái hiển vinh!
Điều đáng lưu ý ở đây là: suy tính về việc đầu hàng của Từ Hải mà suốt cả đoạn
độc thoại, Kiều chỉ nghĩ đến sự hơn thiệt của bản thân, tuyệt nhiên không một
chút mảy may nghĩ đến Từ và sự nghiệp của Từ. Nguyễn Du đã đi trước thời đại,
hướng tới tâm lý xã hội đô thị, biểu hiện trong con người phong kiến mầm mống của
tư tưởng xã hội tư bản: tính chất cá nhân. Tính toán cho cá nhân, nhưng đến lúc
khuyên Từ, lời lẽ của Kiều lại hoàn toàn khác: nàng nói với Từ như thể, tất cả,
nàng chỉ vì chữ “trung” đối với vua và vì sự nghiệp của Từ. Nghe có vẻ rất
vô tư! Ngôn ngữ Kiều ở đây mang tính mục đích.
Nói đến ơn mưa móc của nhà vua và cuộc dấy binh của Từ “để tiếng về sau”, lý lẽ
Kiều mâu thuẫn với chính những bất hạnh của đời nàng, mâu thuẫn cả với lời tin
tưởng, gửi gắm của Kiều đối với Từ buổi đầu gặp gỡ. Nó cũng trái hẳn với suy
nghĩ và chí ngang dọc tung hoành của Từ. Vậy mà lại “mặn mà” đối với Từ, biến
chàng từ một người anh hùng “trước cờ ai dám tranh cường” thành người “vội vàng”
“quyết đường giải binh” thì kể cũng lạ. Chính những chi tiết này đã khiến nhân
vật Truyện Kiều “mỗi người là một thao trường tranh cãi, không bao giờ
hết” (Phan Ngọc) [6, tr.139].
Nhìn hình thức, Kiều nói khác những gì nàng nghĩ, và tự mâu thuẫn với chính
mình. Thực ra, ngôn ngữ bên ngoài và ngôn ngữ bên trong của nhân vật có một điểm
chung: niềm khao khát một cuộc sống yên ổn!
Vì sao quân đội của Từ đang binh hùng, tướng mạnh, chiến thắng dồn dập, khí thế
ngất trời mà Kiều lại có tâm trạng “e dè sóng gió, hãi hùng cỏ hoa” như vậy?
Cái tâm sự:
2493. “Ngẫm từ dấy việc binh đao,
Đống xương Vô Định đã cao bằng đầu.”
đã giải thích phần nào tâm trạng của nàng.
Cũng như người thiếu phụ trong Chinh phụ ngâm, Kiều buổi đầu chỉ thấy hào
quang của nghiệp đồ vương bá. Nhận thức là một quá trình. Trải qua sự kiểm nghiệm
thực tiễn của bản thân, nàng mới hiểu chiến tranh là khốc liệt, tàn bạo. Cuộc dấy
binh của Từ không rõ mục đích. Kiều nhìn về chiến tranh không phải với con mắt
của nhà chính trị, quân sự, mà bằng con mắt của một người phụ nữ, một người
dân, thấy chiến tranh gắn liền với máu xương, chết chóc. Bản chất của phụ nữ là
ưa chuộng hòa bình. Hơn nữa, Kiều không thể không phấp phỏng mỗi lần chồng cầm
quân nơi “tên reo đầu ngựa, giáo dan mặt thành” (Chinh phụ ngâm).
Đời Kiều “đã nhiều lưu lạc lại nhiều gian truân”. Bài học mới nhất nàng tiếp
thu được là khi bước vào và bước ra khỏi gia đình Thúc Sinh - Hoạn Thư qua cửa
của hai phiên tòa. Phiên tòa lần đầu, nàng còn là kỹ nữ - tội nhân. Phiên tòa lần
sau, nàng đã trở thành Vương phu nhân - chánh án. Một sự thay bậc đổi ngôi ghê
gớm. Những đảo lộn bất ngờ đã đem đến cho nàng tâm trạng: “Thiếp như con én phải
làn cây cong”. Thấp thỏm cho tính mệnh của Từ, số phận của mình, dù đang trên đỉnh
cao của quyền lực và giàu sang, Kiều vẫn có tâm trạng phập phồng “ở không yên ổn”.
Không dày dạn, cơ mưu, rành rẽ kiến thức quân sự như Thúy Kiều của Thanh Tâm
Tài Nhân, lời lẽ nàng Kiều của Nguyễn Du phù hợp với cảnh ngộ và hiểu biết của
nhân vật: một sự ngây thơ về chính trị và mưu đồ quân sự. Kiều nhẹ dạ tin vào sự
phỉnh phờ của viên tổng đốc, ngỡ thuyết phục Từ Hải đầu hàng, nàng sẽ chẳng những
được tiếng “đắc trung” mà còn có điều kiện thỏa mãn khát vọng riêng tư: được sống
bình yên và gia đình sum họp.
Hiểu Từ là người nuôi chí tung hoành, không bị níu kéo bởi “thói nữ nhi thường
tình”, nên, muốn thuyết phục được chàng, nàng không thể bày tỏ những suy tính
cá nhân. Nàng phải đứng trên quan điểm “vì sự nghiệp” của Từ mà nói với Từ để
chàng không phản ứng, đồng thời phải đứng trên quan điểm của giai cấp phong kiến
tuyên truyền ơn mưa móc, ấn công hầu trong việc đầu hàng để thuyết phục được Từ.
Vì vậy, lý lẽ của nàng phải giống một vị thuyết khách, cho dù có chỗ, nàng tự
mâu thuẫn với chính mình.
Quả nhiên, chọn cách nói này, Kiều đã thuyết phục được chồng. Từ Hải nghe theo
vì luôn tin tưởng ở “con mắt tinh đời” của vợ. Vô tình, Kiều đã đẩy chồng đến
chỗ chết, và làm tan tác đạo quân của công lý và tự do 10 vạn tinh binh của Từ.
Nguyễn Du nêu cả một bài học lịch sử thông qua một số phận, một quyết định hành
động của nhân vật. Tính chất thúc đẩy hành động, quyết định đối với bước phát
triển của biến cố, tình tiết cốt truyện của ngôn ngữ nội tâm thể hiện ở đây rất
rõ.
Đành rằng sai lầm của Kiều còn có một yếu tố nữa: nếm mùi vị của quyền lực, phú
quý, giàu sang, Kiều cũng mắc “căn bệnh xã hội” của một số phần tử trong giới
quan chức: tham danh, hám lợi, ưa nịnh, thích của đút lót: “lễ nhiều nói ngọt
nghe lời dễ xiêu”... Nhưng, qua ngôn ngữ độc thoại - những gì thật nhất trong
tâm hồn Kiều - Nguyễn Du cho ta thấy yếu tố này chỉ có tính chất phụ gia. Nhà
thơ “bắt mạch” “căn bệnh” của nhân vật: nguyên nhân sâu xa thúc đẩy Kiều khuyên
Từ Hải đầu hàng là nàng mong được sống bình an và gia đình đoàn tụ. Nói lên điều
đó, Nguyễn Du hiểu Kiều, hiểu phụ nữ biết chừng nào! Cao Bá Quát trong lời Tựa Truyện
Hoa tiên nói: “Kim Vân Kiều là lời nói hiểu đời” [7, tr.11] chính là
vì vậy.
Bi kịch của Thúy Kiều có sức tố cáo lớn đối với xã hội đương thời: xã hội Truyện
Kiều là một xã hội thối nát, tàn bạo. Nó không chỉ hủy hoại tài, sắc - những
giá trị tinh thần và vật chất quý giá của con người - mà nó còn hủy diệt cả những
tình cảm đạo đức hết sức tốt đẹp: niềm tin, tình gia đình và khát vọng về một
cuộc sống bình yên, hạnh phúc.
Xây dựng Từ Hải thành một người anh hùng, thoát ly hình tượng gốc của nó trong
tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân - một tên cướp biển - sai lầm của Kiều càng
nhân lên gấp bội. Chuyển lời thuyết hàng của ả thị nữ - tay chân Hồ Tôn Hiến -
thành ngôn ngữ nội tâm của Thúy Kiều, ngôn ngữ nhân vật đa dạng thêm và tính
cách nhân vật càng trở nên phức tạp, kỳ lạ.
Tiểu thuyết cận đại và hiện đại thường đặc biệt chú trọng đến phân tích tâm lý
nhân vật, lấy tâm trạng để xét đoán hành động.
Ở đây, ngôn ngữ nhân vật Thúy Kiều, đặc biệt là ngôn ngữ nội tâm, cũng đem lại
cho ta một cách nhìn như thế. Tiếng nói tự thân của nhân vật đã giúp người đọc
khám phá ra “con người trong con người” của Thúy Kiều, thấy được đời sống tâm
lý phong phú, tính cách phức tạp của nàng.
Nàng phạm sai lầm nhưng tâm hồn nàng vẫn thực sự cao đẹp, sáng trong.
Khi “tâm hồn tự soi bóng” (Lê Đình Kỵ) [3, tr.228], Thúy Kiều được giải oan trước
công luận nghìn năm!
Xây dựng nhân vật chính diện có ngôn ngữ đối thoại hai kiểu giọng giàu tính triết
lý và giàu sắc thái biểu cảm, có lúc tạo độ chênh giữa ngôn ngữ bên ngoài và
ngôn ngữ bên trong để thể hiện quá trình tâm lý không bằng phẳng, những khúc
khuỷu, quanh co, bí ẩn của tâm hồn, dùng ngôn ngữ đối thoại và độc thoại
để thể hiện sự phát triển tính cách xã hội của nhân vật... tất cả đã làm nên sự
cách tân táo bạo vượt thời đại trong bút pháp nghệ thuật của nhà thơ Nguyễn
Du, đem đến cái nhìn khách quan về hai mặt của một con người. Nhờ đó, Thúy Kiều
của ông vừa thông minh, sống động, vừa phong phú, phức tạp, có sức khái quát
cao, với một sự kết hợp lạ kỳ – “sự kết hợp của tâm hồn trong sạch với thể xác
nhơ bẩn”. Nàng là người khi cao thượng, lúc có vẻ tầm thường, vừa đáng thương,
vừa đáng phục, vừa đáng trách. Nàng khiến ta nhớ đến Marguerite Gautier của
Alechxandre Dumas con trong Trà hoa nữ (La Dame aux
camélias) (1848), Fantine của Victor Hugo trong Những người khốn
khổ (Les Misérables) (1862) của nền văn học Pháp hay nàng Xuân Hương
trong Truyện Xuân Hương (Chun Hyang jeon) – một tiểu thuyết diễn xướng
xuất sắc ra đời vào thế kỷ XVIII của nền văn học cổ điển Hàn Quốc…
Cái thần tình của Nguyễn Du là ông đã xây dựng một nhân vật
dường như vi phạm hàng loạt các chuẩn mực đạo đức xã hội phong kiến, nhưng thực
chất nàng là hiện thân của những giá trị đạo đức tốt đẹp, sáng trong. Có thể
xem nàng là biểu tượng của tinh thần và tâm hồn dân tộc, là kết tinh của những
tình cảm người, giá trị người. Nàng đã vượt lên trên bão táp của số phận, là
con người nhất ngay trong những cảnh ngộ phi nhân tính nhất. Tính cách nàng là
sản phẩm của một thời đại bão giông.
Biên độ dao động rất lớn của ngôn ngữ đối thoại và sự phong
phú của ngôn ngữ độc thoại đã góp phần không nhỏ trong việc khắc họa sự phức tạp,
phong phú của tính cách Thúy.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nguyễn Du (1984), Truyện Kiều, Đào Duy Anh khảo
chứng, hiệu đính và chú giải, Nxb. Văn học, Hà Nội.
2. Vũ Hạnh (1993), Đọc lại Truyện Kiều, Nxb. Văn
nghệ Tp, HCMinh.
3. Lê Đình Kỵ (1992), Truyện Kiều và chủ
nghĩa hiện thực, Hội văn học Tp. Hồ Chí Minh.
4. Nguyễn Hiến Lê (1965), Thân phận người trong
Truyện Kiều, Bách khoa số 209, tháng 9/1965.
5. Nhất Linh (1960), Viết và đọc tiểu thuyết, Nxb.
Đời nay.
6. Phan Ngọc (1985), Tìm hiểu phong cách Nguyễn
Du trong Truyện Kiều, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
7. Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Thiện (1978), Truyện Hoa
Tiên, Đào Duy Anh khảo đính, chú thích, giới thiệu, Nxb. Văn học.
8. Lê Trí Viễn (1982), Những bài giảng văn ở đại học,
Nxb. Giáo dục.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét