Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2019

Nguyễn Du, một cách nhìn mới về lịch sử

Nguyễn Du, một cách nhìn mới về lịch sử
(Đọc Nguyễn Du - tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Thế Quang, 
NXB Hội Nhà văn và CT Sách Phương Nam 2010)
Chúng ta đã từng gặp nhiều danh nhân văn hóa qua các trang chân dung văn học, nay ta lại gặp Nguyễn Du dưới sắc bút của Nguyễn Thế Quang, một hậu sinh đồng hương với Nguyễn. Nhà giáo Nguyễn Thế Quang trong hơn 10 năm đầy biến động của gia cảnh, nghề nghiệp và bệnh tật đã trăn trở tìm tòi sáng tạo nên những trang văn xúc động người đọc. Viết về Nguyễn không dễ vì bao nhiêu  sách báo đã nói về ông. Không có một tình yêu, một hiểu biết sâu đậm nhất định về đối tượng, người viết sẽ ngợp khi chọn đề tài này.Tình yêu và sự trải nghiệm, đặc biệt là sự dày công đã giúp tác giả vượt qua giới hạn thử thách trên.
Nguyễn Du trong tác phẩm này có những điều làm người đọc muốn suy ngẫm. Nguyễn trong mắt nhìn của thế kỷ XXI,có phải là người ngày xưa? Nguyễn của một gia thế lừng lẫy. Nguyễn của một tài năng đa dạng xuất chúng. Nguyễn của một số phận long đong bất như ý. Nguyễn của một nghị lực phi thường... Dẫu là một nhân cách lớn nhưng sống buồn bã, tâm trạng u uất là  điều có thật trong tâm sự Nguyễn Du. Cần đối chiếu hành trạng của Nguyễn, cần có cái nhìn toàn diện để hiểu và giải thích rõ cái tâm sự u hoài tại sao đeo đẳng ông mãi thế, dẫu có khi làm đến bậc Á khanh và đã khiến một vị đại hoàng đế như Gia Long phải thốt lên “Ta quý những người có cốt cách như khanh”. Tác phẩm của Nguyễn Thế Quang vẽ lên nỗi buồn lớn của Nguyễn Du không dừng lại ở cái nguyên nhân bé nhỏ là vì đồng sự ghen ghét hay mặc cảm về cái sự “tôi trung không thờ hai chúa” mà ở cái nỗi niềm lớn lao hơn. Đó là tấm lòng  yêu thương con người, là phẩm cách của một tâm hồn cao thương, cảm thấy những nghịch lý, những nghịch cảnh tồn tại ở mọi thời, mọi nơi, như là một định mệnh không tài nào thay đổi được. Ở quê hương thì bao dân lành bị bọn gian thần hãm hại (người anh Nguyễn Nể bị bức tử), ở chốn quan trường, cũng như nơi cung đình từ quan lớn đến quan bé toàn những kẻ xảo trá luôn tìm cách sát hại lẫn nhau, “nhai thịt người ngọt xớt như đường” (cái chết tức tưởi của đại thần Nguyễn Văn Thành trước những thủ đoạn bỉ ổi của Lê Văn Duyệt và Lê Chất), ngay đến nhà vua cũng luôn tâm niệm  thà hy sinh bậc  trung thần chứ không thể để cho sự nguy hại len lỏi quanh ngai vàng. Biết bao kẻ thác oan vì cái tư duy lắt léo và tàn bạo đó: Vũ Trinh, Nguyễn Văn Thuyên, Lê Quang Định, Đặng Trần Thường, Ngô Nhân Tĩnh..., con số dài thêm theo các trang sách.
Tìm đến xứ người, mảnh đất các nhà nho luôn hướng về một thuở, cũng đầy rẫy những bất công. Tấm lòng nhân mênh mông với những suy tư pha mùi thiền, mùi đạo ở ông luôn cảm thấy bất lực, đau đáu một câu hỏi không lời đáp. Đó mới chính là cái điều sâu kín tạo nên nỗi u hoài day dứt khôn nguôi trong đời sống và là hạt nhân trong các sáng tác của Nguyễn, một con người mang nỗi niềm thời đại. Ở đây, Nguyễn đã gặp những tâm hồn lớn trong gia tài văn hoá nhân loại.
Tác phẩm có bốn phần kết cấu theo thời gian nhưng tựu trung tập trung vào mấy thời kỳ mà Nguyễn trải qua sau ngày Gia Long thống nhất đất nước: thời gian ở quê và làm cai bạ Quảng Bình, thời gian làm quan ở triều đình, thời gian đi sứ Trung Hoa. Lich sử trong tác phẩm Nguyễn Thế Quang là một lich sử được tái tạo cả sự kiện lẫn con người. Một triều đình đầy rẫy những mâu thuẫn. Nguyễn đã nghĩ về cái lồng quan phương đó “Đặt chân vào chốn quan trường con người không còn là mình nữa,muốn dừng không được, muốn tốt không tốt được, nhảy ra thì bị chém, leo lên thì thất đức mà tai họa sẽ đổ lên đầu“ (trang370) . Chính vì vậy cuối sách tác giả đã để cho Nguyễn và các họ hàng làm lể xin tổ tông chuyển đổi long mạch để dòng họ từ đấy “khỏi phải có ai ra làm quan”. Lời nguyền hiệu nghiệm cho đến bây giờ!
Tiểu thuyết bám sát các sự kiện được truyền bá bấy nay nhưng Nguyễn Thế Quang không sao chép lại, ông thổi vào những sự kiện bao tâm tư dồn nén nên có sức lay động mạnh người đọc. Ngoài ra với khả năng và sự cho phép của thể tài tác giả có những sáng tạo đầy tính thẩm mỹ khắc hoạ rõ con người Nguyễn: cảnh Nguyễn trò chuyện với Nguyễn Văn Thành trong ngục, cảnh Nguyễn lập đàn tế Khuất Nguyên trên sông Mịch La, cảnh Nguyễn gặp lại Hồ Xuân Hương sau chục năm xa cách, cảnh Nguyễn đối thoại với Gia Long... Chúng tôi cho đó là những đoạn văn dày công tìm tòi và sáng tạo nhiều chi tiết cũng như ngôn ngữ rất đắt, gây hiệu ứng thẩm mỹ cao ở người đọc. Cái khó khi viết về danh nhân văn hóa, viết về những con người như Nguyễn Du không nhất thiết yêu cầu người viết phải có tầm văn hóa, tầm sống như nhân vật, nhưng ít ra phải hiểu phải yêu tầm sống đó! Nguyễn Thế Quang trong tác phẩm đã thành công khi tái tạo nỗi niềm tâm sự khá phức tạp của Nguyễn Du. Nguyễn trong tác phẩm chủ yếu là Nguyễn  của những nỗi niềm, những tâm trạng.
Nguyễn trong tác phẫm trước hoàn cảnh thường có một “tâm trạng kép” vừa lo âu vừa mừng rỡ, lo vì bị bức hại, mừng vì tai qua nạn khỏi, lo cho mình và lo cho cả họ tộc, phủ định nhưng vẫn phải làm tròn chức phận không thể thoái thác. Nguyễn chủ động trong tư duy nhưng có lúc thụ động trong hành động.Đó là cái tâm trạng mà có lần ông tự thán “hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên”. Phải chăng vì trạng thái nước đôi đó mà sau này Nguyễn Công Trứ đã “phê” Nguyễn thông qua lời nhận xét khắt khe về Thúy Kiềù, nhân vật mà Nguyễn có nhiều ký thác “Bán mình trong bấy nhiêu năm/ Dễ đem chữ Hiếu mà lầm được ai”.
Gia Long là một chân dung khá nổi bật trong tác phẩm. Chỉ vài nét chấm phá về tâm trạng và cử chỉ mà bức phác hoạ về ông vua khai sinh triều Nguyễn này hiện lên khá rõ nét. Gia Long tài năng, quyết đoán nhưng xảo quyệt, cực quyền và tàn bạo. Lần đầu trong văn chương“ông vua này” hiện lên không phải như một sơ đồ mà như một ông vua thật. Đối với các quan lại, Gia Long chỉ rõ xung quanh toàn là kẻ nịnh hót, người chân chính rất ít, bởi vậy vua rất quý trọng Nguyễn Du, quý nhưng không tin lắm, quý nên tặng giấy, bút, mực nhưng không quên căn dặn: viết để yêu thương thì được, nhưng kích động chống triều đình thì sẽ bị lấy đầu! Đúng là tâm lý của một  hoàng đế với kẻ sĩ. Thật khó mà quên được cách suy nghĩ của vị vua này với quân sĩ cũng như với kẻ thù: “Muôn vàn cảm tạ các tướng sĩ, dân binh đã không tiếc thân mình để hôm nay ta có giang sơn này” [...] Ngài lại nhớ đến hình ảnh Quang Toản, Quang Duy, Quang Thiệu ngồi trong cũi từ Kinh Bắc giải về. ”Không phải quân lính ta bắt bọn nó mà dân chúng bắt được đóng củi nạp cho ta. Đó là điều tệ hại nhất của bất kỳ tướng lĩnh, quân vương nào. Bị đóng củi bởi tay đối thủ là lẽ thường tình nhưng bị dân bắt đem nạp thì thật cay đắng. Cha bọn nó đã đánh tan hàng chục vạn quân Thanh giữ yên giang sơn này, kinh thành này dân chúng đều biết ơn. Thế mà bọn nó lại không dược dân che chở. Vì sao vậy?” [...] “Nhưng rõ ràng không được lòng dân thì chẳng đế vương nào có sức mạnh”.(trang13).
Viết Nguyễn Du, Nguyễn Thế Quang ngoài việc tái tạo một thời biến động của lịch sử nước nhà với những sự kiện, những nhân vật đã từng để lại dấu ấn sâu đậm trong ký ức cộng đồng, tác giả còn cố gắng “biến lịch sử thành những cái cớ để gửi đến con người hiện tại những thông điệp về giá trị đạo đức tinh thần” (*). Tác phẩm đầu tay nhưng đã thể hiện năng lực văn chương của tác giả và một tấm lòng yêu mến di sản văn hóa - lịch sử nước nhà đáng trân trọng.
(*) Phan Trọng Thưởng - Mẫn cảm của người nghệ sĩ và chức năng dự báo của văn học - Báo Văn Nghệ số 29 (17-7-2010).
Tháng 7/2010
Yến Nhi
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...