Nét duyên thầm trong "Lục bát tôi"
Tên tập thơ “Lục bát tôi” đã là lời giới thiệu thể loại của
nhà thơ Đặng Nguyệt Anh với tất cả 40 bài thơ. Chừng như khá lâu, tôi mới trở lại
đọc thơ theo thể lục bát. Mở tập thơ, tôi ngạc nhiên về cách chế bản, câu lục,
câu bát đều xuống dòng chia thành nhiều vế; cứ như vậy mà tôi đọc một mạch,
không ngừng, không nghỉ và bất ngờ bởi cái giọng điệu, cái nhịp điệu thể loại lục
bát ngấm vào trong máu thịt tôi tự bao giờ, từ khi dạy ca dao, hay từ khi giảng
“Truyện Kiều”, mà tôi yêu các vần thơ của chị Đặng Nguyệt Anh đến lạ. Cuối tập
sách chị có nhắc đến số phận 4 câu thơ: “Nếu anh biết được…/ chiều nay/ gió từ
đâu thổi/ để gầy nhành mai/ Một đời/ gió có vì ai/ xô nghiêng chiều tím/ ra
ngoài hoàng hôn” “lênh đênh” trong các tuyển tập văn chương để hơn hai chục năm
sau nó đã có một chỉnh thể tác phẩm hoàn chỉnh, thì tôi đã nghĩ ngay rằng chị
viết thơ theo thể lục bát như là duyên vậy. Bởi càng đọc càng nhận ra nét duyên
thầm trong cả tập thơ. Nhẹ nhàng, sâu lắng, mà luyến lưu, dịu ngọt; đọc chị
không thể nhầm lẫn với ai được bởi cái giọng rất nữ tính, rất mềm mại, trữ tình
mà thầm kín, lắng sâu.
“Từ em/ gọi nguyệt về trăng/
là khi tôi đã gọi rằm/ sang đêm/ Hoang sơ/ một lối cỏ mềm/ cháy lên em… thắm
sáng miền nhân gian”.(Cháy lên em…)
Tôi chưa nói về nội dung, mà về
mặt hình thức thì tôi thực sự bị thu hút bởi cái nhịp điệu của nó. Nhịp điệu
là yếu tố cơ bản của thơ. “Nhịp là tiếng vang có ý nghĩa”; “Nhịp
điệu là sức mạnh cơ bản, năng lượng cơ bản của câu thơ” (Maiacôpxki);
“Nhịp điệu không phải là vấn đề hình thức, mà là hình thức mang
tính nội dung, bởi vì nhịp của bài thơ thể hiện cảm hứng, thể hiện
cách cảm thụ cuộc sống của thi sĩ” ([1]).
Khi lựa chọn sử dụng từ,
nhịp trong thơ giúp cho con người trong giây lát thoát khỏi sự trôi
chảy liên miên của thời gian, con người đánh dấu điểm đầu, điểm giữa
và điểm cuối của sự tiếp tục bằng nhịp thơ. Quy luật của nhịp
điệu: không ngắn quá để còn có thể nghe được, không dài quá vì còn
phụ thuộc vào nhịp thở, chỗ ngắt để nghỉ khi thở. Đối với thơ nhịp
của nó còn mang tính nhạc, nên phải có quy luật phối âm (bằng/
trắc), có quy luật lặp lại láy lại trong tâm tưởng để đem lại dư âm
vang vọng và ngân vang trong tâm thức con người. Nhịp một bài thơ cũng
như nhịp một bản nhạc, trên cơ sở nhịp cơ bản, cố định để tạo ra
các biến thiên và các biến thiên đó mang lại tính đa dạng. Thông dụng
nhất của nhịp trong câu thơ lục bát phần lớn là nhịp chẵn 2/2/2, khi có biến
thiên thì sẽ có nhịp lẽ 3/3; 1/3; 3/5... Trong cuốn “Phong cách Nguyễn Du trong
Truyện Kiều”, GS. Phan Ngọc đã phân tích khá kỹ các loại nhịp biến thiên thể
thơ lục bát nhằm diễn tả tâm trạng và dẫn dắt câu chuyện, tránh sự nhàm chán
trong suốt 3.254 câu thơ của tác phẩm “Truyện Kiều”.
Với nhà thơ Đặng Nguyệt Anh,
chị đã lựa chọn thi pháp nhịp điệu ngay từ khâu chế bản, nghĩa là đã định nhịp
từ sáng tác và định hướng cho bạn đọc về nhịp trong thời điểm thơ ca có xu hướng
chuyển dần sang thể loại tự do, tự do về câu chữ, tự do về cấu tứ, tự do về
ngôn ngữ; thì chị chọn thể loại cố định về dòng, về chữ, về vần, nhưng đã biến
thiên toàn bộ nhịp điệu trong cả 40 bài thơ của tập thơ. Đó cũng là lý do khiến
tôi đọc một mạch, đọc xong rồi tự hỏi: Sao đây gọi là “Lục bát tôi”? Tỉnh táo
hơn, tôi bắt đầu đếm chữ ở mỗi dòng, khẳng định lại đây là thể loại lục bát.
Thì ra tôi đã đọc tập thơ bắt đầu từ thể loại, từ nhịp điệu, rồi mới tìm về tứ
thơ, hình tượng thơ.
Đối tượng trữ tình là “em” thật
dịu dàng, đằm thắm trong cái nhìn của nữ thi sĩ: “Tôi còn/ một chút hồng hoang/
thì xin em/ cứ địa đàng trăm năm/ tôi còn/ một chút xa xăm/ xin em/ đừng khép
mình trong ngục tù...” (Tôi còn). Thú thật, khi đọc những dòng thơ này, tôi
không nghĩ thi nhân là nữ; tôi nhận ra cái tôi trữ tình của thi nhân đã đi đến
tận cùng của cảm xúc, và cảm xúc đó thật đẹp, thật bền vững; phút chốc quên đi
cái nhộn nhạo, cái chốc lát, cái vội vàng của những cuộc tình trong chớp mắt,
mà trở về với cái duyên tình bền vững trong truyền thống bao đời.
Giọng nữ tính, cảm xúc bạo liệt,
vậy mà đọc lên vẫn tinh tế, đằm thắm biết bao: “Tỏa em/ cho hết sắc hương/ để
tôi đi hết con đường/ lao đao!.../ Động đào/ khép - mở trăng sao/ xin cho tôi rẽ/
lối vào thiên thu” (Rẽ lối Thiên Thai). Tình yêu là vậy đó, giọng thơ nữ là vậy
đó, xưa nữ sĩ Hồ Xuân Hương nói theo lối ỡm ờ, theo lối “đố tục giảng thanh”,
theo lối nói quá... để bày tỏ cái khát khao trong hạnh phúc lứa đôi của người
phụ nữ; thì nay với nữ thi sĩ Đặng Nguyệt Anh cũng bày tỏ nỗi khát khao về hạnh
phúc lứa đôi, nhưng không hẳn từ phía người phụ nữ, mà từ cả hai phía, rất phồn
thực, mà không kém phần tinh tế. Thơ ghi lại những khoảnh khắc đỉnh cao và hạnh
phúc nhất của tâm hồn là vậy. Tình yêu đẹp lên có lẽ cũng nhờ những rung động của
thơ ca, nhà thơ đã nói hộ cho cảm xúc biết bao người.
Nhịp điệu đa dạng trong bài
thơ “Chị em” như đã diễn tả nỗi khát khao của bao người phụ nữ cô quạnh: “Mảnh
mai/ cong một trăng liềm/ bao đêm thao thức/ nằm nghiêng bên trời/ Đẹp/ mà cô
quạnh/ trăng ơi/ mời trăng hãy xuống cõi người/ cùng ta/ Đêm qua/ trăng ghé sân
nhà/ gặp nhau/ mới nhận ra là chị em”.
Tập thơ như hút người đọc suốt
từ đầu đến cuối bởi cái giọng. “Biết rằng/ phía ấy không em/ bước chân lạc lối/
vẫn quen đi về.../Một lần/ trên bến sông kia/ người con gái ấy/ hẹn thề thiết
tha/ Ngày thương mến ấy/ đã xa... chiều nay mưa gió... một ta/ một đò” (Phía
không em...). Quạnh hiu. Xa vắng. Buồn mênh mông. Giọng thơ cuối bài như nấc,
như nghẹn. Phép lặp từ, ngắt nhịp ở những câu thơ cuối chuyển tải cả một sự thất
vọng vô bờ khi “ngày thương mến ấy/ đã xa...”.
Vần và nhịp là hai yếu
tố song hành trong thơ. Nhịp trong thơ duy trì nhịp thời gian, nhịp của
cảm xúc, nhịp của vũ trụ tuần hoàn... Sự đảo nhịp, đổi nhịp trong
thơ thường kéo theo sự đổi thay của tiết tấu giọng điệu. Nếu nhịp
điệu thong thả bằng phẳng kéo theo giọng điệu chậm rãi, lắng sâu, day
dứt; nhịp diệu rắn chắc biểu hiện giọng dứt khoát, rõ ràng, chững
chạc và ung dung; và nhịp điệu dồn dập, gấp khúc lại là biểu hiện
của giọng điệu vướng vít, trăn trở, khổ đau... Nhịp gắt ở cuối bài thơ
“Phía không em” thể hiện nỗi thất vọng tràn trề không giấu nỗi của một tình yêu
đã mất.
Chùa Thiên Mụ đã trở thành điểm
đến của bao du khách khi đến Huế, nên những câu thơ của chị về Huế nghe cứ
thương thương nhớ nhớ “trời mưa Huế cứ vô tình/ để em khẽ nép vào anh/ đường về”
(Chiều lên Thiên Mụ). Giọng thơ dẫu có nuối tiếc, vẫn ngọt ngào: “Có còn/ giữ ấm
hơi nhau!/ ai mang gió bấc/ qua cầu Đò Quan?/ Tháng giêng/ sao quá vội vàng?/
sông Ninh bối rối/ ngỡ ngàng/ mùa/yêu...” (Vội vàng tháng Giêng). Nhịp câu
thơ cuối như nốt trầm của bản nhạc, rơi xuống khoảng không rồi lặng sâu trong
ký ức. Bởi với tháng giêng miền Bắc khi có “gió riêu riêu, mưa lành lạnh” là
lúc con người “mê luyến mùa xuân” không cưỡng được, vậy mà: “Tháng giêng/ sao
quá vội vàng?”...
Khởi đầu là 4 câu thơ lục bát
“Nếu anh biết được…/ chiều nay/ gió từ đâu thổi/ để gầy nhành mai/ Một đời/ gió
có vì ai/ xô nghiêng chiều tím/ ra ngoài hoàng hôn” chu du hơn 20 năm với các
tuyển tập “Tuyển tập thơ lục bát Việt Nam”; “Tuyển tập thơ tình bốn phương”;
“Người Việt Nam ở New York”... để rồi trở về với chỉnh thể tác phẩm “Nếu anh biết
được”, và cả Thi phẩm “Lục bát tôi” đã định hình, định danh cho một phong cách
thơ của Đặng Nguyệt anh, nữ tính, dịu dàng, đằm thắm, mang nét duyên thầm của
người con ở quê hương Nam Định - mảnh đất khoa bảng, mảnh đất có nhiều thi nhân
nổi tiếng xưa nay.
Ghi chú:
([1]) Mai Quốc Liên, (4/1980), “Bình
Ngô đại cáo” nhìn về phương diện văn bản và dịch thuật, Tạp chí văn học.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét