Đọc "Những vàm sông đêm"
Chữ duyên nhiệm mầu trong cuộc đời khi được quen biết và kết thân với một ai đó mà lúc gần gũi ta nhận thấy thật nhiều năng lượng. Với nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, tôi nhận ra điều đó, tôi biết chị khi chị đã là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, chị được nhận các giải thưởng văn học từ 2001 (Tạp chí Tài hoa trẻ), 2006 (Tặng thưởng thơ Hội nhà văn TPHCM), 2010 (Giải thơ Tạp chí VNQĐ), và sau đúng 11 năm chị lại xuất bản thêm tập thơ mới “Những vàm sông đêm”. Cầm tập thơ trên tay, ấn tượng đầu tiên của tôi là cái dịu dàng, cái tình tứ, cái đoan trang, cái trăn trở của hình tượng người phụ nữ hiện hữu trên từng trang viết.
Đọc thơ chị, tôi nhận ra sự thành công của cả tập thơ là khả năng lập tứ của chị. Nói đến thơ là người ta nói đến cấu tứ. Tứ thơ là ý tưởng bao quát toàn bài biểu hiện trong sự liên kết những cảm xúc, suy nghĩ và hình ảnh, biểu hiện trong dạng cấu tạo và phát triển của hình tượng thơ.
“Loài mực/ Yêu nhau/ Để chết/ Loài cá hồi/ Yêu nhau/ Để chết/ Loài củi/ Yêu lửa/ Để hóa thành than lạnh/ Người yêu người/ Để hóa/ Bơ vơ” (Bơ vơ)
Đọc xong bài thơ, tôi giật mình: thì ra người yêu người lại hóa bơ vơ. Bởi ta càng khao khát, càng ước muốn, thì hạnh phúc càng trở nên xa vời, diệu vợi… “Bài thơ tình 28” của nhà thơ Tagor cũng từng lý giải sự phức tạp trong tình yêu, về khoảng cách không bao giờ phá vỡ nổi, một đỉnh cao không bao giờ chinh phục nổi của tình yêu. Trái tim tình yêu tiềm ẩn mầm mống đối lập, mâu thuẫn: vừa sung sướng, vừa đau khổ, vừa thiếu thốn, vừa giàu sang. Nhận biết sự “bơ vơ” trong trái tim người đang yêu, nhà thơ đã lập tứ trong hình tượng “em đã bắc một trăm cái thang/ mà không trèo lên được đời anh/ tâm hồn anh xa hơn trời”; “anh đã bắc một ngàn cái thang/ mà không trèo lên được tình yêu em/ tình yêu em không ở trên trời/ dù em/ đang ở Đà Lạt” (Bắc thang lên Đà Lạt). Hình tượng thơ trong so sánh, đối lập thật sâu sắc: trăm cái thang, ngàn cái thang… vẫn khó mà biết về nhau. Em cũng rất quyết liệt, em rất tự tin, dù em đã nép mình, đã công nhận sự hiện diện của mình rất giản dị. Nỗi băn khoăn trong tình yêu không chỉ từ phía em, mà còn từ anh, nghĩa là từ hai phía bao giờ cũng băn khoăn về nhau, nếu không đủ sự tự tin, không thể hóa giải nó, bơ vơ.
Giọng nữ trong thơ chị rất rõ: “Suốt ba mươi năm anh bảo/ em phải quên mình/ vì chồng con”… tóc bạc rồi anh lại bảo: “em phải là chính mình/ không là mình chán lắm”; thế rồi: “anh ơi / em còn mình đâu?/ bốn mươi năm/ em toàn làm người khác / giờ tìm mình/ ở đâu?” (Chính mình). Kết cấu của bài thơ thật lôgic, hình tượng thơ giản dị, đọc lên cứ thấy mình giật thột. Là phụ nữ, là vợ, là mẹ không ai là không hi sinh vì chồng, vì con, để rồi đến lúc được trở về với chính mình thì không tìm thấy mình ở đâu nữa. Nhưng, không vì thế mà giọng thơ của chị buồn hay oán trách, vẫn nhẹ nhàng, tình tứ, vẫn nhẫn nại, lắng sâu: “ôi, chính mình của bươm bướm/ là sâu/ chính mình của giọt sương/ là hơi nước/ chính mình của hoa/ là nụ/ chính mình của nụ/ là cây/ chính mình của em/ là anh đó”. Vẫn là lối viết dẫn dụ vào tư duy người đọc, hiệu ứng nghệ thuật thật bất ngờ. Em vẫn nép về phía anh, em vẫn tìm thấy mình trong anh. Người ta nói thơ là mơ hồ, nhưng đọc thơ chị Ánh Huỳnh, ta bắt gặp cái cụ thể, cái duy danh, để rồi nhận ra quy luật. Đó chính là giá trị của nghệ thuật lập tứ.
Nhà thơ Ánh Huỳnh cũng đã cảm thông trước một mối tình với lời hò hẹn: “thời xanh trẻ/ bao lời rủ rỉ/ bao rộn ràng/ ngọt ngào hú hí/ thôi chị nhờ vách núi/ trả lời dùm” mà rồi “rồi từ đó hai người mất tiêu/ dù ai khản cổ kêu/ không một lần vọng lại” khổ kết của bài thơ là “mai này khuất bóng/ chị sẽ biến thành/ vách núi/ để khi các con kêu/ má ơi má ơi/ chị hồi âm/ ời ời ời…” (Hồi âm). Câu chuyện kể bằng thơ vừa súc tích, gọn gàng, và bất cứ người phụ nữ nào từng gặp cảnh éo le như hình tượng “chị” trong bài thơ “Hồi âm” đều đọc thấy mình trong đó. Có lần tham gia làm phim “Việt Nam tim tôi”, nhà đạo diễn Hà Lan, ông Manouchehr Abrontan từng hỏi tôi: Sao phụ nữ Việt Nam sợ ly hôn đến vậy? Khi tôi trả lời rằng: vì kinh tế, vì con cái, vì dư luận… thì nhà Đạo diễn đã ồ lên ngạc nhiên, bởi phụ nữ Việt Nam luôn xem gia đình, con cái là tất cả, nên khi chớm lên một mối tình, một lời hứa hẹn là họ tràn đầy hy vọng, hạnh phúc, và nếu như khi bị xa cách, hay bị phản bội, thì họ vẫn đau đáu ôm trong tim mình một mối tình ngỡ như là tri kỷ.
Khi yêu, người phụ nữ thường mong đợi một tình yêu cao thượng, từ nhà thơ Hồ Xuân Hương, đến Xuân quỳnh, Lâm Thị Mỹ Dạ… đều khao khát “duyên thắm”, chị Ánh Huỳnh cũng không đi ra ngoại lệ đó, mượn chuyện “Cáp treo Bà Nà”, chị bày tỏ nỗi khát khao về một tình yêu vĩnh cữu: “anh ơi/ đừng để em hồ nghi anh/ anh hãy phấn đấu bằng sắt thép/ để em tuyệt đối tin tưởng/ rằng anh là sợi dây cáp/ không đứt”. Tin tưởng và hy vọng, sợ sẽ rơi vào tình cảnh “bơ vơ”, nên cũng có lúc cái tôi của thi nhân chân thành bày tỏ: “xin anh/ đừng múc cạn nỗi buồn/ trong đôi mắt em/ để em còn là giếng nước” (Đừng múc cạn nỗi buồn). Rồi khi nhận ra nỗi bơ vơ, chị lại lý giải vì “Lạc”: “gói/ hai bàn chân cất kỹ vô rương/ sao vẫn đi lạc/ vô cuộc đời nhiều người khác”, luận về quy luật của “lạc”, chị nhắn nhủ: “người dưng à người dưng ới/ thơ phú hỡi thơ phú hời/ hãy tha cho chị đi/ chị mãi loanh quanh/ vẫn không/ thoát khỏi đời mình”. Cái nhìn của thi nhân thật nhân ái và bao dung, người đàn bà lạc chồng, lạc con chỉ là phút giây để tâm hồn mình đi lạc, nhưng rồi cuối cùng vẫn mong muốn quay về “chị vẫn muốn vạn lần/ đi lạc/ trong cuộc đời/ của các con…”
Giọng thơ của chị là giọng Nam Bộ, giọng của một vùng đất có nhiều nhà văn, nhiều tác phẩm mang lại cái lạ, cái riêng cho văn học Việt Nam. Những bài thơ: Miệt vườn, Đo sông, Cần Đước, Trời đói chim, Những vàm sông đêm… đã duy danh cho một vùng đất, một nét riêng khó mà trộn lẫn vào các vùng quê khác: “má chôn cuống nhau em vào tiếng cuốc/ chiều miệt vườn gió lạc trong cây/ đêm bị thương bởi tiếng đờn cò/ chú Tư vuốt/ ánh trăng thành tiếng nấc…” (Miệt vườn). những âm thanh bình dị ở miệt vườn như rung lên trong từng câu chữ của thơ chị, ấm áp và thân thương biết bao. Ai đã từng sống ở Nam Bộ sẽ ấm lòng bởi những vần thơ của chị, dù có sống ở thị thành, chị vẫn nhận ra nét chân quê trong mình thật khó lẫn: “em là miệt vườn/ anh bỏ quên/ ngoài cửa sổ”. Hình tượng nhân hóa trong bài thơ “Những vàm sông đêm” gợi thật nhiều liên tưởng: “Những vàm sông sồn sồn/ không mảnh trăng làm y phục/ đêm/ là người tình bất lực/ nằm ê chề/ bên những vàm sông/ Không bờ đê để níu kéo/ không mái dầm để thở than/ Không con cá bống để lí lắc/ không còn ai ngoài vàm”. Vắng vẻ và quạnh hiu, bởi “Anh về phố lấy vợ/ vàm song ế/ em theo chồng bỏ quê/ vàm nằm không”. Có gì đó như tiếc nuối đến rã rời: “Gió thở dài/ đêm ngáp ngáp/ những vàm sông ôm buồn tênh/ mà ngủ/ những người đàn bà xứ Nam Kỳ/ chết đi rồi/ hóa những vàm sông đêm”. Tên bài thơ, cũng là tên của tập thơ là sự nuối tiếc của nhà thơ về một vùng đất - nơi “má chôn cuống nhau”, sự phôi pha bởi thời gian và đời người, dường như đọng lại trong thi nhân một nỗi buồn thương tiếc nuối, rối bất giác nghĩ đến thân phận người đàn bà xứ Nam Kỳ cũng như vàm sông đêm kia, bị lãng quên trong cô đơn.
Kết cấu đối lập trong bài thơ “Trời đói chim” đọc lên thật thú vị: “Có sự im lặng làm ù tai/ Có những tiếng ồn chữa bệnh điếc/ Có khi nào cây đói chim mà chết/ Có khi nào trời đói chim mà bỏ đi?” Nếu con người tận diệt với loài chim, thì thảm họa thật vô cùng: “từ đó/ trời đói chim/ đôi tai người đàn bà đói tiếng hót/ cây bò cạp nước ủ rũ vì không được ăn sáng”
Chị đã xưng danh quê hương mình thật giản dị: “má gốc gió ba gốc dừa xứ nắng/ em gốc Nam Kỳ/ Cần Đước… đước à/ có tiếng cười lạt lẽo/ nhưng tiếng khóc không lạt lẽo/ khóc mặn/ một hôm/ những cây đước bước lên thành người Cần Đước/ em – người đàn bà miền Nam gốc đước” (Cần Đước), đọc bài thơ này tôi hình dung chị - người phụ nữ mạnh mẽ kiên cường, người phụ nữ sâu sắc ân tình, người phụ nữ sống hết mình cùng thơ ca và cuộc sống.
Với chị, mỗi lần đi là một lần chiêm nghiệm và suy tư ở những địa danh chị từng đặt chân đến, từ Nha Trang, Bà Nà, Hội An, Đà Lạt… ở mỗi bài thơ viết về những nơi chị đi qua đều có gì đó như là khát khao tự do của người phụ nữ, nhưng khi tự do rồi thì chợt nhận ra gia đình mới chính là nơi người phụ nữ gắn bó và cảm nhận hạnh phúc an yên: “bỏ lại chồng con/ lên đây ngồi viết/ mát mẻ lạ lung…/ không viết nổi/ cảnh đẹp mê hồn…/ không viết nổi/ bạn bè tám chuyện cười quá…/ không viết nổi/ rảnh rang vô cùng…/ không viết nổi” (Lên Đà Lạt sáng tác).
Nguyễn Thị Ánh Huỳnh - nhà thơ Nam Bộ với giọng thơ riêng, với cấu tứ thơ mới mẻ và sáng tạo, hình tượng thơ giản dị, giọng thơ đậm chất miền kênh rạch Nam Bộ; với hành trình sáng tạo thơ ca chị đã tạo cho mình một dấu ấn riêng, và thật là mới lạ, độc đáo, có lực hấp dẫn với độc giả khi được cầm trên tay mình tập thơ “Những vàm sông đêm”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét