Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2019

Sonata Ánh trăng - Bản nhạc truyền thế của Beethoven

Sonata Ánh trăng
Bản nhạc truyền thế của Beethoven
“Sonata Ánh trăng” của Beethoven chứa đựng nỗi buồn đau nhưng không tuyệt vọng, nếu không muốn nói là lột tả được khát vọng hướng đến một điều gì đó tốt đẹp hơn từ trong đau khổ. 
Sonata Ánh Trăng của Beethoven có lẽ là một tác phẩm quá quen thuộc với những người yêu thích nhạc cổ điển. Đây là bản sonata số 14 (Op.27) viết cho piano được Beethoven sáng tác vào khoảng năm 1801. Ba chương của bản sonata này bao gồm:
Chương 1: Adagio sostenuto - Nhẹ nhàng, tình cảm
Chương 2: Allegretto - Vui tươi
Chương 3: Presto Agitato - Nồng nhiệt, mạnh mẽ như bão tố.
Chỉ với 3 chương nhưng âm nhạc của sonata Ánh trăng đã diễn tả được hết những chuyển biến mãnh liệt trong các cung bậc tình cảm của con người. Bản sonata này là một trong những bản sonata của Beethoven được nhiều người yêu thích nhất qua tất cả các thời đại.
Nhà thơ Ludwig Rellstap quả là có lý khi đặt tên cho bản giao hưởng này là “Sonata Ánh trăng” để diễn tả tiếng nhạc tựa như “ánh trăng tỏa trên mặt hồ”. Nghe chương nhạc đầu tiên của bản sonata này, có thể hình dung ra một thứ ánh sáng bàng bạc đang dịu dàng lan tỏa -một sự lãng mạn nhẹ nhàng.
Cả ba chương là sự hòa quyện của những thang bậc cảm xúc.
Chương một được viết dưới hình thức sonata rút gọn với giai điệu chậm rãi, tha thiết mà nhà soạn nhạc Pháp Hector Berlioz gọi là “lời than vãn”, gợi lên một thứ tình cảm dịu êm như ánh trăng tan trên mặt hồ lặng sóng, khiến người nghe lắng mình vào thế giới của giấc mơ và hồi ức.
Chương hai là phần minuet và trio tương đối truyền thống, mang nhịp điệu nhanh hơn như ánh trăng đang mải miết theo dòng chảy của sông dài, gieo vào lòng người một niềm linh cảm có điều gì đó dữ dội sắp xảy ra.
Chương cuối được viết ở hình thức sonata sôi nổi với nhiều hợp âm rải nhanh và âm nhấn mạnh mẽ, thể hiện cảm xúc mãnh liệt, dữ dội như ánh trăng vỡ ra trên mặt nước cuồn cuộn sóng giữa trời giông tố, nghe mà cảm giác như chính mình đang vật lộn với cuồng phong.
“Sonata ánh trăng” chứa đựng nỗi buồn đau nhưng không tuyệt vọng, nếu không muốn nói là lột tả được khát vọng hướng đến một điều gì đó tốt đẹp hơn từ trong đau khổ.
Dường như “Sonata ánh trăng” nghe hay hơn trong đêm, và đó phải là một đêm thanh vắng. Khi tiếng dương cầm vang lên là cả không gian và thời gian ngưng đọng lại.
Một giai thoại về sự ra đời của sonata Ánh trăng
Năm 1801, Beethoven sinh sống tại thành Vienna - thủ đô nước Áo - là kinh đô âm nhạc thế giới. Tại đây, ngoài việc sáng tác, Beethoven còn đi dạy nhạc cho con cái của các nhà quý tộc để trang trải cuộc sống. Trong quá trình dạy nhạc, ông đem lòng yêu một học trò của mình là Giulietta Guicciardi. Cô thiếu nữ biết được điều đó nhưng chỉ lặng im khiến Beethoven thêm hy vọng. Một ngày sau khi dạy xong, Beethoven đã ngỏ lời tỏ tình với Giuletta Guicciardi tại vườn hoa nhà cô ấy, nhưng đã bị cự tuyệt.
Mang một trái tim đa tình, Beethoven vô cùng tuyệt vọng và đau đớn. Đêm đó Beethoven đã lang thang vô định trong thành Vienna rồi đứng cô độc trên cây cầu bắc qua dòng Danube xanh xinh đẹp. Đó là một đêm trăng rất sáng, Beetthoven như sực tỉnh khi đắm mình trong một không gian tĩnh lặng ngập tràn ánh trăng với nước sông Danube lấp lánh huyền ảo.
Thành Vienna đã chìm sâu vào giấc ngủ, chỉ còn người nhạc sĩ đau đáu một mảnh tình đơn phương, đâu đấy vang vọng tiếng dương cầm réo rắt hút hồn bước chân của Beethoven một cách vô thức đến một ngôi nhà trong khu lao động nghèo. Beethoven bắt gặp hình ảnh một người cha đang ngồi nghe cô con gái mù của mình chơi đàn dương cầm. Người cha buồn rầu bảo với Beethoven rằng con gái của mình chỉ có một ước mơ duy nhất là được nhìn thấy ánh trăng trên dòng sông Danube, nhưng ông chẳng thể nào đáp ứng được ước muồn giản dị ấy cho con của mình.
Xúc động trước tình cảm của người cha và thán phục trước khả năng chơi đàn của cô gái mù. Beethoven ngồi vào đàn và bắt đầu chơi. Những nốt nhạc vang lên ngẫu hứng, lúc nhẹ nhàng sâu lắng, khi mãnh liệt trào dâng tuôn theo những cảm xúc của nhà soạn nhạc thiên tài. Tất cả những phiền muộn, bộn bề lo toan trong cuộc sống thường ngày như được cuốn trôi đi dưới những nốt nhạc bay bổng của Beethoven, thay vào đó là sự lung linh, huyền ảo như cổ tích. Tiếng nhạc ngân lên, dạt dào, thấm đẫm trong ánh trăng, đọng lại từng giọt cảm xúc đầy khát vọng bứt ra khỏi lời nguyền của số phận…
Nguồn: ĐỌT CHUỐI NON 
TRUONGNHAC.EDU.VN
Theo http://redsvn.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...