Sông Danube xanh
Vua của những bản nhạc valse
Strauss đau khổ đến tột cùng nhưng đồng thời ông cũng cảm nhận
được hạnh phúc lớn lao hiếm có. Đứng trên bến sông, những xúc cảm dữ dội trong
ông tuôn trào khởi nguồn cho bản Sông Danube Xanh bất hủ sau này…
Johann Strauss II (1825-1899) là một nhà soạn nhạc người Áo
tài ba, một nhạc trưởng huyền thoại đã có công lao lớn khi đưa thể loại nhạc
valse (hay waltz - loại nhạc nhảy xuất phát từ châu Âu với nhịp ba) thành những
tác phẩm âm nhạc lôi cuốn, đầy chất thi ca đem lại niềm vui, sự hứng khởi, gần
gũi tới với quảng đại quần chúng. Bản valse nổi tiếng nhất của ông là Sông
Danube Xanh (The Blue Danube).
Johann Strauss sáng tác tác phẩm này vào năm 1867, với phần lời
ca của Josef Weyl. Lúc đầu bản nhạc có tên “An der schönen blauen Donau”
nghĩa là “Trên dòng sông Danube tuyệt đẹp”. Tại thời điểm mới ra mắt tác
phẩm ít được công chúng biết đến.
Sau đó, tại Hội chợ Quốc tế Paris ông đã chuyển soạn tác phẩm
này với một phiên bản dành cho dàn nhạc giao hưởng và đã thành công rực rỡ ngay
từ buổi trình diễn đầu tiên, trở thành một trong những tác phẩm âm nhạc được
yêu thích nhất.
Có một giai thoại về sự ra đời của bản nhạc bất hủ này như
sau:
Nhạc sĩ Johann Strauss sống trong tình yêu đằm thắm, sâu sắc,
dịu ngọt của vợ ông, Henrietta Jetty Treffz, một ca sĩ xinh đẹp lừng danh với
giọng mezzo-soprano. Một ngày kia Treffz phát hiện ra chồng mình đang lạc vào
tình yêu mới với một cô gái trẻ trung xinh đẹp từ xa tới.
Đau khổ, bà tìm đến khách sạn, gõ cửa phòng cô nhân tình của
chồng. Mở cửa, cô gái trẻ đang háo hức tưởng được ngã vào cánh tay cuồng si của
Strauss bỗng choáng váng nhìn thấy người vợ nổi tiếng của ông xuất hiện. Cô hốt
hoảng chờ đợi những tiếng gào thét ghen tuông giận dữ sẽ xé tan không khí tĩnh
lặng của gian phòng…
Nhưng không một lời ca thán, quý bà nói lời cám ơn cô gái đã
làm cho chồng mình hạnh phúc và dặn cô hãy chú ý đến bệnh phổi của ông, hãy mặc
thêm áo ấm cho ông mỗi khi trời tối. Cô chưa hết sững sờ thì bà đã tạm biệt,
đóng cửa rồi đi. Cô khóc, vì yêu, vì xót và vì bao điều khác nữa…
Ra đến cửa khách sạn, nỗi niềm chồng chất dồn nén bấy lâu
trong lòng bỗng trở nên quá sức chịu đựng, người nữ ca sĩ vốn đang mang bệnh
tim lảo đảo ngã quỵ…
Nhạc sĩ đến khách sạn gặp người yêu, đúng lúc thấy vợ ngất xỉu,
ông liền lo lắng đưa vợ đi bệnh viện. Khi tỉnh lại, vợ ông xin lỗi đã đến gặp
nhân tình của ông. Bàng hoàng, ông phóng ngay đến khách sạn tìm người yêu nhưng
nàng đã ra đi bởi nàng nhận ra tình yêu của mình đang làm tổn thương một người
vợ hiền. Ông chạy đuổi theo đến cảng thì vừa lúc con tàu rúc còi rời bến…
Strauss đứng như trời trồng, đau khổ đến tột cùng nhưng đồng thời ông cũng cảm
nhận được hạnh phúc lớn lao hiếm có, ông đã được hai người phụ nữ tuyệt vời yêu
thương, cả hai đều cao thượng, đều tha thứ cho ông và biết hy sinh…
Đứng trên bến sông, những xúc cảm dữ dội trong ông tuôn trào
khởi nguồn cho bản Sông Danube Xanh bất hủ sau này, bản nhạc trữ tình được giới
mộ điệu vinh danh là Vua của những bản nhạc valse.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét