Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2020

Dưới bóng đời xanh lá

Dưới bóng đời xanh lá
Khi mặt đất ẩm sương mờ mịt màu đêm và bảng lảng khí âm như vừa choàng tỉnh sau chuyến mộng du vào cõi vĩnh hằng, hai nhân vật chính của truyện ngắn này đã yên vị từ lúc nào trên hai chiếc ghế nhựa xỉn màu đối diện nhau nơi quán cà phê Bằng Lăng nép xộc xệch và khiêm nhường bên một con phố chưa được rải nhựa, còn lổn nhổn đất đá và gạch vụn của thị xã tỉnh lỵ.
Đó là hai ông già. Một cao to vạm vỡ, tóc phau phau trắng, tiếng nói như sấm rền. Một nhỏ thó, da đen nhẻm, phát âm rời rạc như đang nói thầm trong họng. Đã ba mươi năm nay, từ khi thị xã được giải phóng, không sót một ngày nào, nắng cũng như mưa, hai ông già ngồi nhâm nhi cà phê tại cái quán nhỏ tồi tàn nhưng đầy ma lực ấy vào những khi trời chưa kịp sáng cho tới tầm chín mười giờ. Họ ngồi rủ rỉ rù rì đủ thứ chuyện trên đời, kể cả những chuyện lặp đi lặp lại mỗi ngày và cả những chuyện tinh khôi mà một trong hai người vừa biết. Họ xưng hô với nhau bằng cặp đại từ nhân xưng tiếng Pháp, từ rất lâu đã không còn dùng đến khi mỗi người một ngả. Họ đã gần tuổi bảy mươi nhưng sức khỏe và trí tuệ dường như vẫn còn dẻo dai và minh mẫn lắm.
Ông già cao lớn vốn là một sĩ quan quân giải phóng, thương binh loại 2, về hưu ngay sau ngày đất nước độc lập.
Ông già nhỏ con nguyên là thượng sĩ “mốc” ngụy quân, chỉ đi học tập cải tạo một tuần là được về sum họp với vợ con. Họ là đôi bạn chí thân từ thuở thiếu thời, lúc học trường Pháp, cho đến khi mỗi người do trời đất xui khiến hay do số phận an bài mà đi theo một ngã binh nghiệp.
- Cái trưa ngày 30 tháng 4 ấy, toa trốn ở xó nào? - Ông già tóc trắng hỏi, mắt nhìn về vòm trời đang sáng dần, câu hỏi quen thuộc như một lối tu từ trong văn phạm tiếng Việt mà ông đã hỏi bạn mình ba mươi năm nay mỗi dịp kỉ niệm ngày trọng đại này.
Không ngước mặt lên, ông già đen nhẻm thầm thì như đang học thuộc lòng bài văn mẫu:
- Moa nằm dưới gầm giường đẻ của vợ, tay chân như đang lên cơn pa-king-xơn, nhìn thấy toa súng đạn đầy người, mừng và sợ đến phát khóc, muốn lao ra ôm chầm lấy thằng bạn cố tri mà…
Nhấp ngụm cà phê, mắt vẫn không đổi hướng nhìn, người sĩ quan giải phóng quân năm nào nói như loa rền:
- Toa mà ló mặt ra lúc đó thì khó xử thiệt! Đằng sau moa là cả một tiểu đoàn đang hừng hực lòng căm thù và khí thế thắng trận… Một tiểu đoàn vào được thị xã chỉ còn lại hơn nửa quân số. Đồng đội của họ nằm lại trên đường tiến công quá nhiều…
- Cái quyết định ra trình diện toa với tư cách trưởng ban quân quản là một quyết định khó khăn nhất trong đời moa, hơn cả cái quyết định chọn hướng lập thân bằng cách vào lính thuở nào…
Vẫn nhìn chằm vào ly cà phê đặc quánh, viên thượng sĩ ngụy ngày ấy nhỏ nhẹ.
Mặt trời đột ngột chui ra khỏi ngọn rặng dừa phía bờ sông, ban thứ ánh sáng đầy bí ẩn được cất giấu qua đêm xuống chỗ hai ông già ngồi. Nhờ ánh mặt trời mà vẻ phúc hậu của ông già cao to và nét hiền từ của ông già nhỏ con mới hiện lên ngời ngợi giữa cái quán cà phê tuềnh toàng ấy.
Không gian bỗng sinh động hẳn bởi sự xuất hiện của cô hàng với gương mặt không thật xinh nhưng ưa nhìn và nhất là với bộ váy áo tân thời cô khoác trên người thoảng lên mùi thơm nước hoa hay mùi hương lạ trời đất ban tặng cho những cô gái trẻ.
- Hương của tụi mình thuở đó giờ nghe đâu định cư ở Hoa Kỳ. Lạ thật, không thể hiểu nổi vì sao hồi ấy, Hương lại yêu toa và từ chối moa. Toa xấu trai, ít tài hơn moa và vụng về nữa… Ha… ha…ha…
- Nhưng moa chỉ yêu mụ đàn bà xấu xí, quê mùa, sau này thành mẹ sáu thằng con trai của moa thôi! Hương căm moa, trả thù dữ dội bằng cách lao vào vũ trường. Bi kịch! Nhưng nếu moa và Hương lấy nhau, có lẽ cuộc đời sau đó còn bi kịch hơn…
Mặt trời như viên đạn đỏ bị bắn lên tầm cây sào. Gió tây nam bắt đầu gợn lên trong không trung những luồng sóng nhẹ nhàng, mơn man. Ngoài công viên, những người tập thể dục và đi bộ muộn nhất cũng đã tục tục ra về. Đổi hướng nhìn về phía những ngọn đèn đường tắt muộn do sự lơ đễnh của người cúp cầu dao hay sự cố ý của sự sống muốn tăng thêm chút ánh sáng nhân tạo cho ban ngày khi phải vượt qua một đêm dài đầy màu đen và sự im lặng, ông già có thanh quản khoẻ, bỗng nhiên dịu giọng:
- Toa xem đài truyền hình quay cảnh thả diều công viên chưa? Đẹp, phơi phới! Nơi mấy cái ngọn đồi nhân tạo là chỗ ngày 30 tháng 4, tụi mình ém quân chờ xung phong. Một quả pháo địch rơi vào đội hình, thêm mấy chiến sĩ hi sinh trước thềm hòa bình. Cứ ngỡ những cánh diều bay lên chính là linh hồn của anh em mà ứa nước mắt…
Ông già phát âm như nói thầm ngước cặp mắt hiền từ theo hướng nhìn của bạn mình, rành rọt bảo:
- Cái dòng tên ghép bằng đồng bị gỡ, “công viên” thành “công iên”, nhìn thấy chướng, tức muốn nổ con mắt! Mà tiếng xứ mình siêu đến thế là cùng, gỡ đi một chữ, i ngắn hóa y dài, nó cũng còn mang đầy nghĩa… Hòa bình rồi, ba cái thứ phá hoại ấy cũng là giặc phải không toa?
Ánh nắng giao mùa xuân hạ giữa buổi sáng phương Nam đã bắt đầu thổi nhiệt độ nóng dần lên trên con số ba mươi. Ly cà phê đã chuyển sang ly trà quạu. Ông già từng là hạ sĩ quan cấp phát quân trang bên kia chiến tuyến nở một nụ cười:
- Cũng may cho moa, là lính, nhưng chưa hề bắn một phát đạn nào nơi chiến trận. Có phải vì thế mà toa chỉ cải tạo moa có bảy ngày? Hay vì moa là bạn nối khố một thời của toa?
Ông già từng giữ chức vụ tiểu đoàn trưởng bên này chiến tuyến, từng bị đạn M.79 của Mỹ găm vào người, vươn bàn tay qua chiếc bàn nhỏ, đặt nhẹ lên vai người đối diện:
- Không! Không hề có chuyện bảo lãnh, ô dù! Thời ấy, đâu đó rạch ròi! Toa đi học tập một tuần là còn nhiều hơn một số đối tượng tương tự. Chính moa muốn như vậy. Đó là khoảng thời gian cần thiết để toa định thần và nhìn mọi việc sòng phẳng và tự tin hơn.
Cô hàng cà phê rực rỡ và thơm tho như một mặt trời của xứ người, xuất hiện giữa hai ông già, thẽ thàng:
- Thưa ông nội, thưa ông ngoại… Có bà bên kia hỏi thăm hai ông đó! Cháu mời bà ấy sang ngồi cùng hai ông nghen!
Cả bốn con mắt nhằm vào một điểm:
- Hư… ơ… ng… 
- Hợp âm bè đôi ngân vang, trẻ trung và tha thiết.
- Em…! À, không…! Tui về ăn Tết, muốn ở lại chờ ngày này và cũng chờ tìm hai… ông. May mắn quá! Sao trời đất run rủi thế này? Mai tui bay rồi… nhưng sẽ quay lại, quay lại… - Bà lão quí phái vừa đi về phía bàn hai ông già đang ngồi vừa nói, gương mặt đầy xúc động, mừng rỡ lẫn tiếc nuối.
Họ ôm chầm lấy nhau, mắt ngân ngấn nước. Không gian lặng đi vì cuộc hội ngộ đặc biệt và bất ngờ.
Khi đã ngồi xuống ghế, bà lão chỉ tay về một nơi nào đó, phía sau công viên, bảo:
- Tui muốn ngồi nhìn lại nơi dự định xin phép nhà chức trách, xây một trung tâm nuôi dạy những đứa trẻ bị nhiễm chất độc màu da cam của quê mình. Di chúc ông chồng người Mỹ của tui ghi rõ như vậy… Ông ấy mất cũng vì nhiễm cái chất quái quỉ ấy ở Việt Nam…
Ông già cao to vồ vập:
- Bà về ở hẳn đây và mỗi ngày ngồi uống cà phê với hai thằng tui chứ? 
Ông già thấp bé cắc cớ:
- Giờ được trẻ lại, trong hai người tụi tui, bà chọn ai? 
Bà lão lườm ngang một nhát dài:
- Sắp xuống mồ còn hỏi lung tung… Mà được trẻ lại ư? Trẻ lại như ngày xưa ư?… Chao ôi! - Bà lão dừng lặng, mơ màng - Chọn ai… thì… chưa biết, có điều cần phải làm khác đi, đó là… em… không quyết liệt và dại dột như vậy nữa! Em… sẽ làm một cái gì đó nhẹ nhàng, giản dị và có lương tâm hơn. Em… sẽ…
Những giọt nước mắt từ gương mặt xinh đẹp của bà lão Việt kiều rơi long lanh trong nắng sớm khiến cả hai ông già, một cao một thấp, một mập một ốm cứ lúng túng như hai chú gà mắc tóc.
Mặt trời thấy vậy, nở nụ cười giòn trên cây lá rồi nhìn theo mãi bóng ba người già dắt nhau đi về phía con đường mang tên 30 tháng 4.
Thai Sắc
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...