Thứ Hai, 29 tháng 6, 2020

Dòng sông trước mặt làng

Dòng sông trước mặt làng
Trước mặt làng tôi có một dòng sông.
Vào cuối xuân đầu hè, gió Lào khô và nóng, nước của dòng sông Tích chỉ còn leo lét chảy, có đoạn gần như đứt khúc, đó là lúc hội đánh cá rập sào của các làng ven sông vào vụ. Ông ngoại tôi cởi trần đóng một cái khố nhuộm nâu, ra ngõ hú lên một tiếng dài. Lát sau rất nhiều tiếng hú của các xóm vọng lại. Mọi người túa ra đường chính, đàn ông và trai tráng làm thành một đoàn với các dụng cụ bắt cá trong tay kéo ra sông Tích.
Mẹ tôi con gái “đồng ao” (vùng sông nước) lấy chồng vào nhà tôi làm ruộng. Trong những ngày vắng cha gian khó, mẹ đã nhiều đêm đứng trước dòng sông và cất tiếng thề bồi trong nước mắt. Năm, sáu tuổi tôi vẫn thường theo mẹ về bên ngoại. Với tôi đó là cả một thế giới đấy hấp dẫn. Tôi thường theo người cậu xuống ao, ao nọ nối ao kia, cả một tràn ao vài mẫu Bắc bộ là nguồn sống của gia đình. Cậu tôi là người nuôi cá và thả rau nước (rau muống bè, rau rút, rau cần…) nổi tiếng một vùng. Những ngày thơ bé, cậu dạy tôi nhặt những chùm trứng ốc quanh bờ, đặt lên một cái lá khoai nước, đẩy ra xa. Tôi hỏi cậu, để làm gì? Cậu tôi bảo, để lũ chuột không ăn mất trứng. Mấy ngày sau, trong lòng những cái lá khoai, hàng trăm con ốc vừa nở bu trên mặt lá. Khi cái lá sắp nát thì cũng là lúc lũ ốc bắt đầu cuộc đời tự lập. Tôi nhìn mặt nước mênh mông mà bâng khuâng buồn vì không biết chúng đi đâu về đâu. Tôi nhìn vóng ra ngoài chân tre, nơi ấy là một bờ lũy dày. Ngoài bờ lũy là dòng sông. Sau rất nhiều lần như thế tôi hỏi mẹ có nghe thấy gì không? Mẹ tôi hỏi lại, nghe thấy cái gì cơ? Tôi không trả lời mẹ rằng tôi đã nghe thấy tiếng của dòng sông. Nhưng mẹ tôi, bằng linh cảm của mình, vẫn biết. Từ đó bà rất hay kể về dòng sông…
Mẹ tôi kể, cái bến Xăm sở dĩ rất ít người qua lại là bởi nó liên quan đến một câu chuyện hư ảo. Chuyện không biết xảy ra từ hồi nào, nhưng qua lời kể tôi đã hình dung cái quán nước của bà Vần dưới gốc bàng cổ thụ với cái chõng tre chỏng trơ vài chiếc bát đàn đong nước vối, nước chè; mấy món hàng quà bánh lèo tèo. Một đêm hôm trời chuyển mùa, bà Vần thấy người ê ẩm đau, mãi đến khuya mà vẫn không chợp mắt được. Nửa đêm về sáng, bà Vần lần xuống bến Xăm, không gian ba bên bốn bề lặng phắc, chỉ còn lại dòng sông Tích sáng lên trong đêm. Thoảng trong gió hình như có tiếng người. Đúng là có tiếng người: Ngày mai có một người đội nón sắt đi ngang qua đây, ta sẽ bắt xuống thế mạng. Bà Vần sợ run người lần về nhà, thấp thỏm đến sáng không hợp mắt.
Ngồi trong quán nước, đợi gần hết cả ngày mà không thấy ai đội nón sắt đi ngang. Quay vào toan đóng cửa thì có khách bước vào, vừa gọi nước người đó vừa lững thững đi xuống bến. Sực nhớ ra, bà Vần cất tiếng hỏi: “Này cái nhà bác kia, đi đâu mà giờ mới về đến đây?”. Khách đáp: “Tôi ra tỉnh mua cái chảo về sao chè”. Thôi chết rồi! Nhớ tới câu nói dưới bến đêm qua, bà Vần một mực lôi kéo người đó ngồi uống nước, rồi kể lại câu chuyện. Người khách sợ tái mặt không dám xuống bến nữa, đội cái chảo gang lên đầu rồi nhảng chân bước vào chiều chạng vạng. Từ hôm ấy, quán nước của bà Vần không bán được cho ai nữa. Cả nước vối lẫn nước chè hễ nấu buông tay là thiu. Còn bánh kẹo và hoa trái đều bị bấy nát và nhớt nhèo. Dân làng Mông Phụ bảo đấy là do ma vày. Mẹ tôi giải thích, dưới bến có con nam nam. Con nam nam này phải nhụt được ai chết đuối thì nó mới có thể lên trần được.
Làng tôi nơi dòng sông Tích đi qua biết bao nhiêu là bến, bến nào cũng có người đuối nước nhưng hình như không ai sợ. Biết bao nhiêu công việc thường nhật của một cộng đồng dân cư bao đời nay đã gắn liền với các bến sông này. Đây là Đầu Trâu, Cổ Giải. Nữa là Bến Kê, Bến Xăm. Rồi, cầu Trắng, cầu Vang, cầu Cam Lâm… Nhiều lúc thẫn thờ bên bờ sông, tôi hết nhìn ngược lại nhìn xuôi và tự hỏi lòng mình. Từ nơi thượng nguồn đến hạ lưu sông Tích có biết bao nhiêu là bến nước trong các làng quê, biết bao nhiêu là chuyện nơi dòng sông đi qua. Cho đến tận bây giờ, mấy chục năm qua đi, thỉnh thoảng đến với dòng sông, với tôi dòng sông luôn luôn và bao giờ cũng đầy quyến rũ vẫy gọi.
Năm ấy, có lẽ lâu lắm rồi mới có một mùa mưa như thế. Đứng ở làng chiều chiều nhìn về núi Tản, ngà lũ buông dài mấy vệt trắng muốt. Dân làng bảo mấy chục năm nay mới lại thấy ngà lũ xuất hiện. Trốn mẹ, tôi ra cổng làng. Mới chỉ có mấy hôm mà nước đẩy hai bờ sông Tích xa tít tắp. Nhìn thấy nước mà như cảm thấy cả một triền nghiêng núi Tản dồn nước về làng tôi. Con đường xuống bến Xăm ngập lút trong nước. Cây bàng cổ thụ hở mỗi cái tán như một đĩa xôi cốm giữa mênh mông nước bạc. Nước sông Tích dồn vào các giộc (khoảng đất trũng giữa hai lũng đồi). Cả làng nhộn nhịp chặt tre chuẩn bị làm đăng ngăn các cửa giộc để bắt cá. Ngoài sông Cái lũ thượng nguồn cũng cuồn cuộn đổ về, dân làng ở ngoài bờ sông nhộn nhạo chuyển gia đình và gà lợn lên mặt đê tránh lũ. Trống ngũ liên một ngày đổ mấy hồi gọi thanh niên đi chống lụt… Mẹ tôi bảo: Nước trong (sông Tích), nước ngoài (sông Cái) bao nhiêu người chết đuối kia kìa. Mẹ cấm các con ra nghịch nước. Thế rồi cái tin vỡ đê loang ra làm nhộn nhạo cả vùng. Ngày ấy không có các phương tiện thông tin như bây giờ nhưng sao cái tin đê vỡ lại nhanh khủng khiếp như vậy. Lần đầu tiên trong đời tôi mới hiểu một phần câu nói của người xưa: Thủy, hỏa, đạo tặc (nước, lửa, trộm cướp và giặc dã), trong bốn thứ ấy, nước được xếp hàng đầu.
Mãi tới chiều thì cả làng mới chính thức biết tin: Vỡ đê Khê Thượng, huyện Bất Bạt (quê của cụ Tản Đà), đó là năm 1971. Hơn chục năm sau đi qua đây tôi nghe dân làng kể lại mà vẫn còn sợ. Đêm hôm ấy có một anh bộ đội được nghỉ phép từ miền Nam ra. Về đến đầu làng anh ta nhận thấy đất dưới chân mình… rung rinh. Là dân bờ sông, anh đã nhận ra vấn đề nên vội vã kêu to: Đê vỡ cả làng ơi! Vừa chạy vừa kêu. Phía sau anh bộ đội từng quãng đê dài cứ bị nước sùng sục cuốn đi, may mà kịp. Hôm ấy mà chậm chân có khi người lính kia không ngã xuống nơi chiến trường mà có thể chết ngày trên quê mình vì một thứ mà thường ngày ai cũng nói: Hiền như nước.
Nước cứ chảy như thế đến ngày hôm sau. Hôm ấy, thành phố Hà Nội lệnh báo động cho các huyện lân cận chống lụt. Nghe nói mấy chục cái sà lan trở đầy đá hộc được đẩy vào để hàn khẩu đoạn đê vỡ dài gần một kilômét. Sau đó nước sông Đà giảm nên việc đắp đê mới coi là tàm tạm. Làng tôi cách Khê thượng khoảng hai chục kilômét (kể theo đường sông Tích cũng như là đường bộ). Một ngày mấy tin: Nước đã về đến Quảng Oai (huyện lị của huyện Ba Vì bây giờ), rồi lại đến Tiên Phong, Thanh Lũng, Bình Lũng. Xưa kia đất này là Cam Giá Thượng tổng, còn vùng tôi (xã Đường Lâm bây giờ) là Cam Giá Hạ. Cả làng nhộn nhạo, lệnh của chính quyền địa phương cho dân ở chỗ thấp sơ tán lên chỗ cao. Gia đình cậu tôi rục rịch chuyển đồ lên nhà tôi. Tôi xuống bờ ao đến gần bên cậu. Cậu tôi thở dài, bảo: Không khéo lại giống năm Tổng khởi nghĩa. Tôi biết đó là năm 1945. Mẹ tôi bảo: Đó là một năm nước ngộ, đê vỡ lung tung. Cả miền Bắc lâm vào một nạn đói kinh khủng nhất trong lịch sử nước nhà.
Thế rồi nước cũng về đến làng. Bắt đầu là cá, cá tự nhiên cứ nhảy vọt lên mặt nước. Nhiều con trắm đen to như một khúc gỗ lao lên rồi rơi ùm xuống làm nước bắn lên tung tóe. Cậu tôi bảo: Nước sông Đà tràn vào ao rồi đó. Tôi ngồi thu lu bên bờ nhìn nước. Nước cứ âm thầm như kiến bò ven bờ, thoáng chốc bờ ao, bờ ruộng chỉ còn là những vệt mờ mờ xanh rồi mất hút. Cậu tôi buồn rầu nhìn thành quả lao động cả một năm trời bỗng nhiên trôi ra sông ra bể. Sức nước lớn đến mức không gia đình nuôi cá nào có thể vớt vát được. Thế rồi cơ man nào là ốc. Những con ốc nhồi, ốc nứa trong ruộng, trong ao nhất loạt nổi lên, tôi hỏi thì được biết chúng sợ nước lạ. Đưa chân xuống, lần đầu tiên trong đời tôi cảm nhận được nước của dòng sông Cái. Thế là cả lũ trẻ con chúng tôi đi vớt ốc. Ốc được gánh lên trên nhà tôi, đổ vào gốc chanh, gốc chuối rồi mang rơm phủ lên trên. Cậu tôi bảo: Chúng có thể cứ thế mà sống hàng năm trời. Rồi chuối xanh được chặt vô tội vạ. Không chặt chúng cũng bị nước làm cho thối hết. Năm đó cứ canh ốc chuối và các món về ốc mà chén. Có ngờ bây giờ ốc lại là món đặc sản trong các nhà hàng, mà chỉ là ốc nuôi công nghiệp như nuôi lợn, nuôi gà.
Ngày ấy ăn ốc nhiều quá, chán, mẹ tôi tiếc của làm món ốc chà. Cho đến tận bây giờ chưa được ăn lại và cũng không thấy ai nói đến ngay cả khi vào các nhà hàng chuyên ốc. Mẹ tôi chọn ốc, chỉ lấy ốc nứa (ốc nứa nhỏ hơn ốc nhồi và màu vỏ sáng hơn) với những con nào vỏ nhẵn bóng, mỏng đến nỗi nhìn rõ cả cái ngấn vàng óng sáp bên trong, vỉ ốc (cái vảy đậy miệng ống) đầy bằng vỏ. Mang ốc chặt bỏ phần đuôi (cứt ốc), lót lá gừng xuống đáy chõ rồi cứ một lượt ốc một lượt lá gừng tươi. Mang chõ ốc đồ như đồ xôi. Ốc chín, lấy gai bưởi nhể ốc ra, chấm tương gừng cắt thêm vài lát tỏi ớt… Nếu ai hỏi ốc nhồi, ốc nứa là thế nào, tôi có thể trả lời được ngay (vì đó là khái niệm). Song, nếu ai hỏi, ốc chà là như thế nào, tôi chỉ có thể trả lời, ăn rồi khắc biết (vì đó chỉ là ý niệm - không duy danh định nghĩa được).
*
* *
Cứ thế, nước sông Đà qua chỗ vỡ chảy vào sông Tích, thay vì mở cống Ba Xuân (thuộc huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây). Việc phân lũ này để cho Hà Nội - Trung tâm Kinh tế, Văn hóa, Chính trị của cả nước không bị thiệt hại. Thế là cả Xứ Đoài chìm trong biển nước. Và có lẽ qua lần vỡ đê Khê Thượng lịch sử ấy, một giải pháp kĩ thuật nữa ra đời. Cụ thể là trên địa bàn tỉnh Hà Tây cũ có hai điểm có thể xả lũ.
Phương án thứ nhất: Khi nước sông Hồng lên cao, cao đến mức đe dọa thành phố Hà Nội thì cống Ba Xuân thuộc địa bàn xã Xuân Phú, huyên Phúc Thọ (Hà Tây) sẽ được mở. Cống này được các kĩ sư Pháp thiết kế cách nay cả trăm năm. Đã trải qua vài lần sửa chữa nhưng đến nay vẫn là địa điểm không thể thay thế được. Cống Ba Xuân được mở khi đỉnh lũ đạt trên mười hai phảy tám mét tại Hà Nội. Với hai mươi sáu cống, mỗi cái rộng chín mét sẽ được nhấc cửa lên. Nước sông Hồng tràn vào “vùng đệm” là các xã Vân Cốc, Trung Châu, Hát Môn… Nước này được giới hạn bằng đê Quai Chè (hiện nay quốc lộ 32 nằm chồng lên). Rồi nước được lái vào đập tràn Phùng. Từ đây nước chảy vào sông Đáy về Quốc Oai, Chương Mỹ, xuôi về Mỹ Đức, Ứng Hòa về Hà Nam rồi đổ ra biển. Xả lũ công Ba Xuân, một phần ba tỉnh Hà Tây cũ sẽ chìm trong nước.
Phương án thứ hai: Nếu nước Sông Đà dâng cao sẽ xả lũ qua cống Chuốc. Cống này nằm trên địa điểm vỡ đê ngày xưa. Gọi là cống Chuốc nhưng hiện nay không có cái cống nào. Nghe nói trên chỗ đê được hàn khẩu ngày xưa đã khoan sẵn lỗ để đặt bộc phá. Tại đây có một đơn vị bộ đội đồn trú. Nếu được lệnh, họ sẽ khai khẩu bằng thuốc nổ. Nếu xả lũ tại đây thì sự thiệt hại sẽ nhỏ hơn xả lũ cống Ba Xuân. Việc ngập lụt chỉ xảy ra trong địa bàn Xứ Đoài, bởi sông Tích phát nguyên từ núi Tản, chảy qua địa bàn bốn mươi ba xã của huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, rồi đổ vào sông Bùi (tỉnh Hòa Bình). Chỗ ấy là ngã ba cầu Tân Trượng (huyện Chương Mỹ) bây giờ. Cây cầu này nằm trên quốc lộ 6.
Nghe nói “xả lũ”, hai từ này có vẻ nhẹ nhàng nhưng trên thực tế đó là tạo ra một vụ “vỡ đê chủ động”. Từ bấy đến nay, mấy chục năm chưa thấy có một vụ “vỡ đê chủ động” nào. Các cống xả lũ (hay còn gọi là phân lũ) là những công trình mà con người xây dựng rất khoa học và cực kì kiên cố nhưng có khi cả trăm năm mới sử dụng một lần. Riêng tôi, tôi lạy trời cho mưa thuận gió hòa nhưng trong sâu thẳm lòng mình vẫn phấp phỏng một nỗi lo. Sự biến đổi khí hậu đang diễn ra với quy mô toàn cầu và ngày càng trở nên bất trắc. Trong đời tôi đã một lần chứng kiến một vụ vỡ đê, tuy là nhỏ nhưng đó là một vết hằn trong tôi, và trong ký ức dân làng.
Năm ấy (1971) mất mùa lúa nhưng trời trả cho mùa tôm cá. Sang tháng mười trời đã hong hanh rét, nước sông Tích bắt đầu cạn thì cũng là vụ đánh cá thứ hai trong năm. Nghe tiếng hú, anh em tôi bỏ mặc tiếng gọi ời ời của mẹ phía sau, cùng với dân làng và dân trong vùng chúng tôi ra sông Tích. Chắc mẹ thừa biết trong huyết quản của những người đàn ông bao đời nay sống trên mảnh đất này, phía trước họ là… một dòng sông!
Năm ấy cá nhiều như… đất! Đàn ông và trai tráng chiều chiều kĩu kịt gánh cá ngoài sông về. Có những người “sát cá”, vợ con họ phải ra sông gánh cá chạy chuyến về nhà. Không đủ chỗ chứa, có nhà phải lấy cả cánh cửa ra chặn cống, chặn cổng rồi đổ cá ra sân. Suốt một tháng trời như thế, cá được mang ra phơi khô rồi xếp vào chum vại để dùng dần. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không thể nào quên được những tháng ngày ấy. Cứ sâm sẩm tối tôi đi ra bờ sông, đó là một thói quen. Tôi đi trong mùi thơm của cá kho, cá nướng. Tôi đi trong tiếng râm ran của trẻ nhỏ nhà ai đang sum vầy bên bếp lửa, trong bữa cơm chiều. Làng quê bình yên trong mỗi mái nhà với câu ngạn ngữ: “Cơm cày, cá kiếm”. Chỉ giản dị vậy thôi mà thấy thật ấm lòng mỗi khi nhớ làng, nhớ quê của người xa xứ.
Sau vụ cá trời trả cho vụ lúa. Nước lũ mang phù sa về. Nước lũ đã tảo thanh cánh đồng nên hễ đặt cây lúa xuống là được gặt. Đầu tháng mười đã tói mói có lúa chín sớm nên dân làng không ai bị đói. Tôi còn nhớ rất rõ đó là một đêm cuối tháng, trăng lên muộn nhưng càng khuya càng sáng. Tôi đi ra cầu Cam Lâm (qua cây cầu này mới vào được lăng Ngô Quyền và đền Phùng Hưng). Mẹ tôi bảo rằng đây là cây cầu đẹp nhất vùng. Cầu được xây cất theo lối “thượng gia, hạ kiều” (trên lợp mái ngói để bảo vệ phần cầu bằng gỗ). Cứ từ tháng tám trở đi là trai gái các làng tụ hội về đây hát trống quân. Chỉ có một sợi song mật (một loại dây leo) căng trên miệng một cái hố, dưới hố đổ vỏ ốc nứa, ốc nhồi (để cộng hưởng). Tiếng trống đã cầm nhịp cho bao nhiêu trai gái nên vợ nên chồng. Năm 1947, theo lệnh “tiêu thổ kháng chiến”, cây cầu bị đốt cháy. Tôi nhìn xuôi theo dòng sông, không gian ba bên bốn bề yên tĩnh quá, chỉ còn lại ánh trăng trong vắt và tiếng hát giao duyên mượt mà trôi theo dòng sông trôi bồng bềnh trong kí ức tôi thủa thiếu thời. Sáng hôm sau từ biệt gia đình, từ biệt dòng sông chúng tôi đi với một nghĩa vụ thiêng liêng: “trai thời loạn”.
Từ bấy đến nay Xứ Đoài nói riêng và tỉnh Hà Tây cũ nói chung không bị một trận lụt nào nữa. Không phải là thời tiết ôn hòa hơn mà nguyên nhân chính từ con người. Sông Đà đã được mấy nhà máy thủy điện đầu nguồn điều tiết nước. Sông Tích có hai con đập. Đập Suối Hai thuộc huyện Ba Vì, đập Đông Mô, Ngải Sơn thuộc thị xã Sơn Tây. Hai con đập này khống chế toàn bộ lưu lượng nước từ núi Tản đổ về. Nhờ vào hai con đập này hàng triệu héc ta đất đai được tưới tiêu chủ động, cuộc sống ngày một ấm no…
Bao nhiêu năm xa làng nay lại có dịp về quê. Về quê, tôi về với dòng sông, một dòng sông nhỏ, nhỏ đến nỗi có thể nó không có tên trên bản đồ địa hình của đất nước. Song, dòng sông ấy vẫn rì rào chảy trong tôi mấy chục năm qua. Tôi đứng trước dòng sông về mùa cạn chỉ còn leo lét nước mà giật mình bởi ý nghĩ: Bao nhiêu con sông trên thế giới và trên đất nước này, ở một khía cạnh nào đó giờ đây chỉ còn như một… con mương thủy lợi! Biết bao nhiêu loài thủy tộc vì những con đập mà không thể sinh sôi, vì mất môi trường tự nhiên. Hội đánh cá rập sào làng tôi, vùng tôi không còn nữa bởi dòng sông không còn cá tôm và bị ô nhiễm nặng nề.
Song, tôi vẫn nhớ và mơ về tháng ba. Tháng ba, khi những tiếng sấm non ì ầm nơi chân trời vọng về làng, thì cũng là lúc những cơn mưa đầu mùa ở phía thượng nguồn mang lũ tới. Đó là ngày hội của các loài thủy tộc mừng nước. Từng đàn từng lớp không biết ở đâu mà cùng nhau lũ lượt xuôi dòng. Bao nhiêu đời nay tập tính đó như một lời ước hẹn mỗi khi mùa nước về. Trên khắp dòng sông ăm ắp một bản năng sinh tồn mà tạo hóa đã ban phát cho muôn loài, chan chứa một niềm hân hoan của sự sinh thành bắt đầu từ dòng sông cứ dâng lên rào rạt. Bài ca trầm hùng ấy có lẽ mọi thế hệ sau không còn thấy được âm hưởng nữa. Bởi, trước mặt làng khi chúng sinh ra đã… mất một dòng sông!.
Tháng 8/2019
Hà Nguyên Huyến
Theo http://vannghequandoi.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...