Cuối cùng, chúng tôi cũng gặp được ngôi nhà, rất lạ lùng, như
một cái chòi nằm tách biệt sâu trong hẻm núi. Giữa các mái rừng gấp khúc đổ xuống
một con khe toàn đá. Cây rừng che kín mọi lối, che cả con đường gãy gập từng đoạn
in mờ dấu chân dưới lá khô. Nhưng nó vẫn hiện lên dưới con mắt trinh sát lạc đường
của chúng tôi. Ngôi nhà như thể cố tình đi trốn mưa nắng và cuộc chiến tàn khốc
ngoài kia. Và rất có thể, nó còn trốn cả con người.
Nhóm trinh sát chúng tôi chỉ có ba người do trung đội phó Mạnh
chỉ huy. Bun tuổi ba mươi, đã kịp cưới vợ trước khi vào Nam. Anh Mạnh tuổi ba
lăm, có vợ và một con gái. Chỉ còn tôi chưa mảnh tình vắt vai, nhập ngũ khi
đang học năm cuối trường đại học. Chúng tôi được lệnh trinh sát cứ điểm 312, địch
gọi là đồn Thủ Rồng, nằm trên trục chính con đường rừng qua dãy Yên Ngựa về đồng
bằng. Không hiểu sao, dãy Trường Sơn vào đến đây bỗng có một nhánh con nhanh
chân chạy xuống đồng bằng dài gần chục cây số như con mãng xà oai dũng, hung tợn,
lao về phía biển, mình gồng lên những rừng xanh, núi thẳm, lèn đá xây thành. Có
một khoảng lưng núi chùng võng xuống, dài hàng dặm. Cây bạt ngàn che phủ con đường
mờ dấu chân. Cư dân các làng dưới xuôi đi gỗ, mây song, lá nón đều qua lối này.
Quân giải phóng, cán bộ công tác cũng theo đó về đồng bằng. Tiếp giáp hai bên
sườn núi đổ xuống là mênh mông đầm sâu ngút ngát sen sú hoang hóa. Hết đầm sâu
dần về làng mạc là đồng xanh ngô lúa trải dài tít tắp.
Trên đỉnh Thủ Rồng, một vùng đất khá bằng, cây rừng và đá núi
chen chúc lô nhô. Trời vô tình tạo thế đắc địa cho một cứ điểm quân sự chiến lược
trong vùng. Từ đây, có thể bao quát một vùng rộng lớn hàng trăm cây số chiều
dài, với những làng mạc thôn quê, những tụ điểm phố xá và mờ xa mặt biển xanh
màu trứng sáo.
Yên Ngựa, chưa một giờ im tiếng súng. Có giai đoạn, ngày địch
đổ quân, lập bót. Đêm ta đánh chiếm, san phẳng. Cuộc chiến dằng dai mấy năm trời.
Con đường huyết mạch ấy, đêm ta giữ, quân đi xuôi, gạo trẩy ngược. Ngày địch
chiếm, máy bay săm soi, bom đạn tơi bời.
Địch bắt đầu thay đổi cách đồn trú quyết độc chiếm vĩnh viễn
con đường qua dãy Yên Ngựa. Một chiều, sau mấy vòng mưa đạn pháo và máy bay ném
bom dọn bãi, chúng đổ xuống lính dù Mĩ. Đổ xuống máy ủi máy đào và công sự bê
tông đúc sẵn để lắp ghép boong ke hoàn chỉnh kiên cố và ba lớp hàng rào kẽm
gai, cài đặt tinh vi hệ thống bom mìn và pháo sáng.
Đó chính là lí do tổ trinh sát ba người chúng tôi có mặt ở đấy.
Mọi thứ cứ tưởng êm xuôi thì khi cả ba ra khỏi hàng rào cuối
cùng, bất ngờ, chân anh Bun vướng phải sợi dây nối quả pháo sáng địch vùi trong
cỏ. Một tiếng nổ xẹt, tia lửa xanh bay vút lên trời đen. Một vừng sáng lạ mắt
hình chóp nón chụp xuống mặt đồi đêm. Cả ba kịp lăn xuống những gờ đất dưới
chân theo bản năng. Những luồng mảnh đạn M79 vãi ra đan kín chỗ chúng tôi nằm.
Phút sau, cơn mưa đạn pháo chạy dọc con đường rừng qua dãy Yên Ngựa. Máy bay địch
gầm rú bầu trời. Pháo sáng rải dày không trung sáng trưng mặt đất.
Anh Mạnh ra hiệu cho chúng tôi rút lui theo phương án hai,
nghĩa là đi ngược với luồng bom đạn địch vây bủa. Trước khi lao mình xuống đầm
lầy, tôi thấy máu từ bắp chân anh chảy xuống tận gót chân. Chính anh Mạnh cũng
không hay biết. Tôi băng vội, cầm máu cho anh. Vết thương nhẹ. Có lẽ một mảnh
phóng lựu M79 vô tình sượt qua phần mềm bắp chân khi anh nằm sấp.
Bùn lầy quá gối, nước ngập đến ngực, lá sen che kín đầu.
Chúng tôi cố bươn đi thật nhanh, tránh xa cơn cuồng nộ bom đạn. Nhưng độ nửa tiếng
sau, đầm lầy rộng lớn cũng không còn an toàn nữa. Pháo sáng thay nhau treo dày
đặc bầu trời sáng rõ như ngày nắng. Những vạt lá sen bị cánh quạt trực thăng
bay thấp vò xoáy tơi tả, đổ rạp xuống mặt nước. Đạn đại liên bắn như vãi trấu
xuống những vùng lá dày xanh tốt, nơi chúng nghi Việt cộng lẩn trốn.
Mỗi người chúng tôi cắt sẵn một cây năn to bằng ngón tay, dài
gần một mét mọc rải rác ở đầm lầy làm ống thông hơi khi lặn. Cứ theo những vệt
nước sâu, nơi sen mọc thưa mà đi. Khi máy bay trờ đến, chúng tôi ngậm ống lặn
xuống, không một tăm hơi. Chỉ tội những lùm sen sú mọc dày, bị đạn súng máy
quét nát như ai dùng kiếm băm vằm, sát ngang mặt nước.
Ngày hôm sau khủng khiếp hơn. Tất cả như lòng bàn tay mở ngửa,
không giấu giếm đi đâu được. Cánh đồng lầy trải ra mênh mông dưới ánh mặt trời.
Máy bay địch đếm được từng cọng năn bông súng. Phía núi Yên Ngựa mờ xa, tiếng đạn
pháo rền vang. Cửa máy bay mở toang, nom rõ những tên Mĩ mặt đỏ lòm, tay lăm
lăm súng, mắt láo liêng nhìn xoáy xuống. Đạn vãi như mưa, cắm chùm chũm xuống
những nơi chúng mơ hồ Việt cộng trốn ẩn. Loa phóng thanh phát lặp đi lặp lại,
xen kẽ các luồng đạn chiu chíu mặt nước, băng ghi âm tiếng Việt: Hỡi các
cán binh Việt cộng, các anh đã bị bao vây. Hãy đầu hàng đi, Quốc gia sẽ trọng dụng...
Chúng tôi âm thầm trườn như ốc sên bò trong bùn nước. Từng
gang một. Tất cả lặng phắc. Chỉ ba ống năn di chuyển một chiều, giữa bưng biền
ngút ngát tầm mắt nhằm phía cánh rừng mờ xa, đối diện với dãy Yên Ngựa bươn tới.
Trưa, trực thăng không còn quần lượn. Cơn căng thẳng thần kinh trên trời tạm lắng
thì lại chuyển xuống dưới nước. Nắng dội những luồng lửa xuống đầu, mặt nước oi
rát. Lũ đỉa đói bơi loăng quăng nhặng xị mặt nước khi thấy hơi người. Các loại
rắn đầm lầy, bụng vàng mình khoanh, trườn đi lẹ êm, lưỡi như kiếm khua ngang mặt,
mắt bé tí săm soi. Với lũ rắn độc, tốt nhất để yên cho chúng trườn đi, như
không ai biết ai. Khiếp nhất là lũ muỗi mòng, ruồi trâu, bâu bám rầm rào như
ong vỡ tổ. Chúng lao cả vào hai mắt, hai tai. May mà, chúng tôi kịp bôi thứ dầu
chống côn trùng trước khi lặn xuống nước khiến những cái vòi hau háu của chúng
vội co rúm lại.
Khi đối diện với lũ trực thăng địch săn lùng, với lũ rắn độc,
cái đói biến đâu hết, giờ mới réo sôi khủng khiếp. Cá rất nhiều, quờ tay là vấp
chúng. Rùa cũng lắm, chúng bơi lặn bên mình. Nhưng không thể ăn sống được.
Chúng tôi bắt đầu thử ăn bông sen còn phong kín. Mềm và ngon. Nhưng ngon hơn là
các mầm sen vừa nhú dưới bùn. Nõn trắng. Giòn giòn. Ngòn ngọt.
Xế chiều, lũ trực thăng lại xuất hiện nhưng chỉ bay và bắn hú
họa. Có lẽ chúng nghĩ Việt cộng chắc đã chết chìm dưới đầm lầy. Hoàng hôn dịu một
màu nắng phớt hồng lên mé đồi, đánh thức những kẻ hai ngày ngâm nước nhăn nheo
tái bợt dạt vào. Sau vài giờ ngủ thiếp, những đôi mắt dần hé mở. Bất ngờ tỉnh
táo trước một vòm trời úp lòng chảo sâu hút và trong veo vương đôi ba vệt mây
trắng mỏng. Mấy cánh chim đường trường, sải cánh bay mải miết. Một vành trăng
tái nhợt như nụ cười bị sốt rừng, lại tựa ánh mắt cảm thông, độ lượng. Vòm trời
quá đỗi bình yên, quá đỗi thơ mộng, như chưa hề có những ngày máy bay và bom
pháo địch băm nát.
Trung đội phó Mạnh là người đầu tiên nhỏm dậy, nhưng cũng là
người đầu tiên khuỵu xuống, mặt nhăn nhó, tay khẽ ôm bắp chân trái. Hóa ra, vết
thương sau hai ngày bươn sình lầy, giờ sưng tấy, đỏ lựng. Không thể chậm trễ
hơn, anh Bun đến xốc lên lưng để cõng. Mặt đất sỏi cơm mọc dày thứ cỏ chông ram
ráp. Nương theo những bờ cây chu biên, dâu rừng cao quá đầu người, chúng tôi cảnh
giác trước tụi Mĩ lết. Giờ này, chúng thường chia từng nhóm, la lết phục ở các
ngả đường rừng đổ xuống các ấp làng đồng bằng. Thế nên, khi phát hiện lẫn trong
lối cỏ mờ, thấp thoáng mái tranh nhỏ đơn độc lẩn sâu trong hẻm núi, chúng tôi mừng
như bắt được vàng dù trong đầu là muôn vàn nghi vấn: Nhà dân, sao cố ở chốn
thâm sơn cùng cốc, ma thiêng nước độc? Lại không ruộng nương cày cuốc, họ sống
bằng gì? Trạm giao liên của ta, sao không có lối mòn đi lại? Hay đó là chỗ nghi
binh của địch, nhằm tóm những cộng quân lạc ngũ? Dẫu sao, có một ngôi nhà dù
đơn sơ thế nào, lúc này, với chúng tôi là cả một thiên đường.
Chúng tôi đã lo hão. Ngôi nhà chỉ có hai người, hai ông cháu.
Nó giống nhà sàn chênh vênh bên khe đá. Mái lợp tranh đã ngả màu. Phía trước có
một chiếc bàn nhỏ, ván ghép đơn sơ. Trong kê một chiếc sạp ngủ, ván sứt sẹo,
chiếu trải sơ sài. Ông già khoảng tuổi tám mươi, gầy gò nhưng còn nhanh nhẹn.
Cô bé ước chừng mười bảy mười tám, xinh đẹp trắng trẻo. Mái tóc mây dày, ôm
khuôn mặt trái xoan buông chảy qua đôi vai tròn. Đôi mắt to đen láy, sâu thăm
thẳm và dư dật cái nhìn mơ mộng tuổi xuân thì. Nhìn em, mọi khổ ải và căng thẳng
thần kinh sau hai ngày bị săn đuổi trong sình lầy như tan biến. Đến cả trung đội
phó Mạnh chân sưng vù đau nhức, cũng bật ra câu nói vô thức: “Ông có đứa cháu
gái xinh quá đi mất!”.
Hẳn nhiên, đó là một câu cảm thán buột miệng, nhưng không phải
là không ẩn chứa nghi vấn. Ông già lúng búng câu gì trong cái miệng răng đã
thưa, khó nghe thấy. Cô bé nhìn lên nửa giây rồi cụp mắt, chăm chú vào mảnh vá
dở dang trên chiếc áo bà ba đen. Tôi cảm giác có một cái gì đang bung vỡ. Một
chút lo lắng sâu xa. Một chút mừng vui mơ hồ, khó nói, hi vọng mong manh. Tất cả
chen nhau thoáng hiện trên hai gương mặt đối lập, một nua già một trẻ măng, khi
không gian giữa rừng sâu biệt lập của mình bỗng chốc bị xáo lên bởi ba người
đàn ông xa lạ.
“Không phải... cháu gái mô. Vợ tui đó”. Ông già chợt cất lời.
Ba chúng tôi như nảy lên vì bất ngờ. Trung đội phó Mạnh tỏ ra
là người tâm lí, anh vừa cởi thắt lưng bao đạn, vừa phân bua, như chưa hề xảy
ra chuyện khó nói ban nãy. “Báo cáo chú, ba chúng tôi là quân giải phóng, bị lạc
rừng”. Ông già chợt giãn nở nụ cười móm mém. Mấy sợi râu bạc lưa thưa trên chiếc
cằm nhọn nhăn nheo khẽ rung rung. Nhất loạt, chúng tôi gọi ông bằng “chú” một
cách chân thành. Riêng cô bé, vẫn gọi “em”, không thể khác. Và tuyệt nhiên, cố
tránh những gì liên quan đến hai chữ “vợ, chồng” của họ.
Cô bé trở lại sự hồn nhiên của lứa tuổi, nhanh tay giúp tôi nấu
nước sôi, rửa vết thương cho trung đội phó Mạnh. Sống biệt lập giữa rừng sâu,
ông già sắm tủ thuốc khá đầy đủ. Toàn thuốc Mĩ. Có cả kim tiêm, panh, kéo. Cô
bé thành thạo và khéo tay như một y tá chiến trường. Bữa cơm tối, có thể nói là
cao lương mĩ vị đối với chúng tôi. Cơm vẫn độn khoai, nhưng thơm bùi. Lươn hang
đá xào bắp chuối rừng, cá tràu nấu canh lá bứa chua thanh, cá khe kho tộ khô
queo. Sáng hôm sau còn có món thịt chồn kho sả. Hóa ra, ở trong hẻm núi này, cả
một kho thực phẩm trời ban. Rừng đồi thì chim chóc, muông thú. Khe có lươn lệch,
cá chình, cá lăng. Dưới ruộng là ốc và vô vàn các loại cá tràu, cá diếc. Ông
già có vẻ là tay sát chim sát cá có hạng. Thảo nào ông chọn hẻm núi thâm u này ẩn
cư.
Coi ba chúng tôi như khách quý, ông già bê dưới gầm sàn lên một
hũ rượu màu da lươn, nút lá chuối khô. Mỗi người một li nhỏ rồi ông đậy lại,
đem cất ngay. Mùi rượu sực lên, phả ra thơm mùi thuốc bắc dịu ngọt, lại có vị
tanh nồng của rắn hay tắc kè núi ngâm lâu. Tôi hiểu, giữa rừng sâu ma thiêng nước
độc, thứ rượu thuốc này coi như phương thuốc trị bách bệnh. Thảo nào, dù lớn tuổi,
ông vẫn tinh tường hoạt bát. Được li rượu bổ, mặt ai nấy trở nên hồng hào, linh
lợi. Mắt cô bé sóng sánh cái nhìn ướt át về phía tôi. Có lẽ do tôi chỉ hơn em
vài tuổi, nên dễ đồng điệu chăng. Ông già có vẻ mãn nguyện và trở nên rộng rãi
khác thường. Ông cười nói giả lả, hể hả kể rằng, mẹ ông đẻ ông trong cái rổ sảo,
loại rổ to đan thưa, dùng đựng khoai sắn củ, nên đặt tên Sảo. Còn vợ ông, được
mẹ đẻ rơi khi gặt lúa, phải dùng liềm cắt dây rốn, nên đặt tên Liềm. Nhưng khi
đi học, thầy giáo không biết vô tình hay cố ý, bỏ mất dấu huyền, thành ra Liêm.
Cơm nước xong, đêm rừng đã tối mịt, ông Sảo nghiêng qua nói với
trung đội phó Mạnh, nhưng cố ý để mọi người cùng nghe. Như thể ông cậy là người
lớn tuổi nhất, lại là chủ nhà, được cái quyền phân công. “Mấy hôm ni, tụi Mĩ lết
phục rình các lối rừng, nên ta phải cảnh giác. Tui quen rừng quen lối, trực ở
đây lo khi có tình huống xấu. Thủ trưởng Mạnh đang bị thương, để chú Bun chăm.
Còn chú Hạnh và Liêm, hai người trẻ tuổi nhất, gác trực cửa rừng phía đông, nơi
có lối mòn xuôi về các làng đồng bằng”. Anh Mạnh cho là phải nên gật đầu ngay.
Tôi thấy chờn chợn, khi nghĩ đến một mình với cô gái trẻ xinh đẹp nơi rừng đêm
hoang vắng. Đưa mắt cầu cứu anh Mạnh, có ý đổi cho anh Bun. Nhưng anh Mạnh cầm
bàn tay tôi, đặt lên đùi anh Bun. Tôi vội rụt tay khi chạm phải làn da nóng
rãy. Anh Bun đang lên cơn sốt.
Tôi lúc cúc bước sau chân Liêm, tay lăm lăm AK, căng mắt dò dẫm
trong bóng tối. Lúc sau, rừng thưa dần, cây lúp xúp, thỉnh thoảng gặp những
hoang cỏ bằng mảnh chiếu. Tôi cắm cổ bước theo Liêm, không biết cửa rừng ở đâu,
và lối nào xuôi về đồng bằng. Đầu óc căng ra, sợ bất ngờ gặp tụi Mĩ lết phục
kích đâu đó trong các lùm cây. Nhưng ngược lại, Liêm như con chim cà lơi sổ lồng
nhảy chân sáo, miệng khe khẽ hát. Tôi nhắc em về tụi Mĩ phục kích, em cười rinh
rích bảo, ở đây làm chi có đường về đồng bằng. Trước mặt toàn đầm lầy. Còn nói
chưa hề có bóng lính Mĩ ở đây, nhiều hôm sẩm tối em còn hái sim ở các mái đồi
này. Thần kinh tôi dịu đi đôi chút, ngón tay rời cò súng, khi nghe em nói.
Đã gặp mặt đất bằng dưới chân, tôi hiểu là mình đang đứng ở đỉnh
đồi. Trải trước mặt rộng xa tít, cây rừng màu thâm đen dưới trăng nhạt nhờ. Và
xuôi ra mờ xa là đầm lầy sương đêm giăng dày. Bốn phía tĩnh mịch. Lặng câm. Có
thể chúng tôi đã ở cách ngôi nhà hẻm núi chừng vài cây số. Thoáng nhìn địa
hình, tôi hiểu chỗ này không phải nơi địch phục kích, có chăng là bọn thám báo
hay biệt kích nhảy dù nhóm nhỏ. Đang miên man nghĩ sao ông Sảo lại đề nghị anh
Mạnh cử người ra trực gác bọn Mĩ lết ở đây thì Liêm đã trải tấm ni lông xuống mặt
cỏ mềm. Hóa ra, Liêm đã giấu tấm ni lông đem theo trong người mà tôi không hay.
Em nằm xuống duỗi chân giang tay, bình thản như không hề có chiến tranh, chết
chóc rình rập. Trăng hào phóng thoa bụi phấn mỏng lên gương mặt trái xoan dịu
dàng. Lên đôi mắt thẳm đen lim dim khép mở mơ màng. Lên bờ môi non tơ, hé mở nụ
hoa đón đợi. Lên vầng ngực tròn đầy, nhấp nhô dưới lần vải mỏng. Lên đôi chân
thuôn dài, chắc lẳn như của một vũ nữ lạc về nông quê thôn dã. Hình như ông Sảo
nuôi vợ như nuôi con chim quý trong lồng. Không cho phong trần sương nắng...
“Anh thấy... em có đẹp không?”. Câu hỏi rất khẽ bật lên, làm
tôi giật mình. Như bị bắt quả tang đang mê man ngắm trộm. “Rất đẹp!” Tôi thật
thà đáp. “Hi. Nếu em... chưa có chồng, anh có yêu em không?”. “Có chứ! Em đẹp
thế nớ, ai cầm nổi lòng?”. Tôi hào hứng nói, không suy nghĩ sâu xa bởi em đã có
chồng, giờ mình ba hoa thế nào chẳng được. Chợt nhiên, một cánh tay con gái nà
nuột khẽ mơn man, kéo tôi nằm xuống sát bên em. Mùi thơm tự da thịt con gái tỏa
hương, vấn vít cơ thể đứa con trai chưa một lần động tà áo phụ nữ. Tôi ngốt ngấy,
bủn rủn cả thân mình. Vừa sợ hãi, vừa lâng lâng. Vừa lo lắng, vừa thích thú.
Chân tay thừa thãi, ngọng ngượng. Để yên không được, nhưng không biết làm gì. Đầu
óc chếnh choáng, mị muội. Có lẽ sau hai ngày say nước, giờ tôi chuyển sang say
đất.
“Anh biết không?”. Lúc sau, Liêm chợt thầm thì rất khẽ, người
em nghiêng hẳn sang, tựa như muốn ôm lấy tôi. “Em... coi như chưa...”.
Rồi em kể, giữa cánh đồng hai làng nơi em ở có một ngọn đồi
cao, gọi là Cồn Đa. Nghe nói xưa có một cây đa rất to, du kích đặt vọng gác
ngay chạng ba, bọn Pháp đi càn, từ xa đã bị phát hiện nên bị chúng dùng bộc phá
hất đi, Cồn Đa giờ toàn sim mua. Cồn Đa thành cứ điểm khét tiếng với các cuộc
hành quân bố ráp, bắt bớ chém giết liên miên của Mĩ ngụy. Viên đồn trưởng là đại
úy Tư Đảm, lù lù như con gấu, dân trong vùng gọi là Tư “khỉ đột” vì hắn luôn để
mắt đám đàn bà con gái dễ ưa. Người thì hắn đóng cửa xực ngay tại chỗ, kẻ đem
theo về đồn dăm bữa nửa tháng. Em, mười sáu tuổi, bôi lem luốc đủ thứ vẫn không
qua mắt Tư Đảm. Vải vóc đường sữa giày dép, có người mang đến tận nhà em. Cha mẹ
mất từ những trận càn trước, anh trai nhảy núi theo quân giải phóng, em bơ vơ
như gà con mất mẹ trước đôi mắt thèm khát ăn tươi nuốt sống của gã diều hâu
kia. Phải lấy chồng ngay. Đó là kế duy nhất thoát khỏi Tư Đảm. Nhưng cả vùng chỉ
còn ông già và trẻ nít, thì làm sao đây. Vắt óc tính kế, cuối cùng, em tìm đến
ông già Sảo ở làng bên, cũng đang đơn độc một mình. “Ông già rồi! Xin lỗi, cháu
đi tìm người khác.” Ông Sảo tay xua đây đẩy như xua hủi. Em nói lẩy: “Ông không
cứu, đang tâm để cháu cho thằng Tư khỉ đột ăn thịt, răng?”. Ông Sảo lặng im. Rất
lung, ông khẽ nói: “Làm rứa là không công bằng với cháu. Với nữa, chịu chi thấu
miệng lưỡi người đời…”. Em thấy những lời cuối của ông Sảo có vẻ đuôi đuối, liền
dấn tới: “Cháu chịu được, ông ạ. Miễn là thoát được thằng khỉ đột ấy”. Ông Sảo
vớt vát: “Vậy thì chỉ giả đò thôi”. “Cháu cám ơn ông. Nhưng... phải thật, ông ạ...
Lộ ra, chết cả nút”. Em quá nhỏ để hiểu được chồng vợ nghĩa là thế nào.
Đám cưới rênh rang, cỗ bàn đề huề. Khách khứa rộn rịp. Đám rước
dâu xêng xang đi qua trước cửa đồn Cồn Đa cốt để Tư Đảm thấy. Dân xóm dưới làng
trên kéo đến đông đúc, hiếu kì xem đôi đũa lệch lạ đời. Trai ngấp nghé tám
mươi, gái chớm thì mười bảy. Tân lang Sảo, áo thâm chìm chữ thọ, quần trắng guốc
mộc, nói cười rổn rảng. Tay ngượng nghịu khoác hờ vai tân nương Liêm đẹp rạng
ngời. Hôm sau, khi trả đồ cho tiệm thuê áo cưới trên thị trấn xong, Liêm đến sống
với ông già Sảo. Cả hai như vừa sắm xong vai diễn, trở về kiếp ủ dột của gánh
hát nghèo.
Những tưởng được yên thân, không ngờ giông gió nổi lên đùng
đùng buộc họ phải bỏ làng chạy trốn lên chốn rừng hoang núi hiểm này. Tư Đảm
thi thoảng vẫn lượn lờ kiếm cớ gầm ghè, sớm muộn gì hắn cũng giở quẻ, trong khi
lũ trẻ nít trong làng, hễ thấy mặt một trong hai người, là rồng rắn chạy theo
như hộ tống. Miệng hát vang lặp đi lặp lại bài vè chúng tự đặt. Con cấy
(gái) mà lấy ông tra (già). Ba năm chín tháng đẻ ra con chồn. Con cấy mà lấy...
Tôi nằm im. Lòng trào sôi những cảm xúc nhức nhối. Thương phận
má hồng giữa nhiễu nhương đạn lửa. Liệu em có gặp được hạnh phúc đôi lứa, hay
mãi chôn vùi tuổi xuân thế này? Tất cả phụ thuộc vào chiến tranh. Lửa gần rơm,
nhiều đôi vợ chồng giả, sống lâu thành thật. Nhớ lại túp lều đơn sơ của vợ chồng
họ giữa rừng, một sạp ngủ ghép ván bé tẹo, một manh chiếu trải, người tôi nóng
ran.
Tưởng tôi đã ngủ, em quàng tay ôm người, chân quặp lên tôi.
Áp đôi má nóng rực lên ngực tôi, như nghe tim tôi đập. Tôi giả như ngủ say từ
lâu lắm, cố giữ hơi thở đều. Em yên trí, lướt nụ hôn thiếu nữ cháy khát lên tóc
tôi, trán tôi, mắt tôi, rồi dừng lại đắm đuối trên đôi môi trai tráng của tôi.
Đấy là lần đầu tiên tôi tận hưởng cảm giác ngọt ngào mê đắm của nụ hôn. Tôi rơi
vào chốn địa đàng mông lung mụ mị. Không còn lí trí. Không còn phải trái. Quên
mất hai ngày đêm ngâm mình giữa sình lầy. Quên mất cuộc chiến tranh đang hàng
giờ đối mặt. Quên mất Liêm là vợ ông Sảo. Một cái gì như bản năng bị đánh thức
dữ dội. Một con sư tử trẻ sổng chuồng...
Đôi khi nghĩ lại, một cái gì như số phận. Số phận đã không
cho hai chúng tôi đến với nhau. Cả đêm đó, rồi ngày hôm sau nữa, tôi đã suy
nghĩ rất nhiều. Đêm đó, khi chúng tôi nồng nàn trong nụ hôn, bàn tay riết lấy
cơ thể nhau thì một loạt đạn nổ ngay trên đầu. Đêm lắng, tiếng nổ của loạt pháo
sáng địch khiến tôi, trong cơn bấn loạn, tưởng đạn của bọn Mĩ lết phục kích. Cả
vùng rừng đồi sáng trưng. Vạt cỏ chúng tôi nằm, trơ ra như giữa ban ngày. Hai
người hai khẩu AK, áp dưới hai mô đất, chĩa về hai hướng đối diện. Mãi khi pháo
sáng địch lụi tàn, ngoảnh lại, bình minh đã kịp len chân lên từng nẻo lá.
Chúng tôi vừa về đến ngôi lều trong hẻm núi, cũng gặp lúc ông
Sảo xách một con chồn hương béo núc bước vào. Hóa ra, đêm qua khi hai chúng tôi
quấn nhau trên đồi, ông Sảo cũng đi đặt bẫy thú. May mà ông đi sang dãy phía
đông nam, khi chúng tôi ở dãy đông bắc. Hai dãy núi này như hai cái tay ngai,
ôm lấy cánh đồng ruộng sâu trước mặt ngôi lều. Dẫu vậy, tôi vẫn thấy ngượng
ngùng, không dám nhìn thẳng mặt ông, trong khi Liêm nhí nhảnh cười nói như
không có chuyện gì. Ông Sảo vẻ mặt còn vui hơn nữa, không biết vì thấy vợ vui
hay vì bẫy được con chồn béo đãi khách.
Cơm nước xong, trung đội phó Mạnh giao mệnh lệnh, rằng tôi phải
nhanh chóng vượt rừng, về báo cáo gấp kết quả chuyến trinh sát. Không để kẻ địch
ở cao điểm 312 có thời gian gia cố công sự. Tôi biết việc không thể chậm trễ,
trong khi anh Bun khật khừ sốt và anh Mạnh bắp chân sưng vù. Anh Mạnh vừa nói vừa
đưa mắt sang ông Sảo, có ý xin ông giúp đỡ. Ông Sảo còn sốt sắng hơn, nói ngay
khi lời anh Mạnh vừa dứt. Rằng, để Liêm đi theo dẫn đường cho tôi, rằng Liêm trẻ
trung nhanh nhẹn, hồi ở làng từng làm giao liên nên thông thạo địa hình vùng rừng
này.
Hai chúng tôi nhanh chóng lên đường. Mỗi người một khẩu AK.
Liêm mang gói cơm nắm và bi đông nước. Tôi có thêm trái lựu đạn và con dao găm
gài thắt lưng. Liêm đi trước một quãng, lanh như sóc. Hết dõi mắt về phía trước,
lại quay lui nhìn tôi mỉm cười khích lệ. Trong bộ bà ba đen chít co, chiếc khăn
rằn quàng vai dưới hai bím tóc tết gọn, em đẹp róng rảy và đài các. Nhớ đến
hoàn cảnh của đôi vợ chồng lệch, tôi thấy lòng nao nao.
Trưa tròn bóng, rừng lặng phắc, chỉ trào sôi tiếng ve chói
chát ngày hạ. Liêm ra hiệu cho tôi dừng lại nghỉ chân. Cơm nước xong, hai đứa
như lấy lại sức lực, nhưng đôi mắt riu ríu. Liêm cười nũng nịu, khẽ nói, anh Hạnh
thức, cho em nhắm mắt chút xíu, hỉ. Rồi em ngả người, đầu gối lên đùi tôi, đôi
mắt đẹp khép lại. Lùm cây không khác một ngôi lều nhỏ, lá che bốn phía. Không
còn bóng đêm mờ ảo, tất cả hiện lên rõ nét, rất gần. Trên gương mặt trái xoan
xinh tươi, một đôi môi hé mở. Hơi thở thiếu nữ phập phồng, vầng ngực trắng nõn
vun đầy hé lộ sau cái cúc áo vô tình để tuột. Tôi ngất ngư như say sóng. Hình
như em run rẩy. Hình như...
Hình như có tiếng trực thăng. Đúng là trực thăng thật. Em giật
mình, kéo tôi lao ra. Chiếc trực thăng bay qua đầu khá thấp, bị bóng cây khuất
lấp. Em nói, bọn thám báo. Tôi chột dạ, chúng đổ quân ngẫu nhiên, hay chúng tôi
bị lộ? Có cây nhiệt đới nào trên đường rừng chúng tôi qua chăng? Lát sau, chiếc
trực thăng quay về. “Sao em biết chúng thả thám báo?”. “Chỉ đi một chiếc, lại
quay về liền, chắc chắn là thả thám báo, hay biệt kích”. Liêm đắn đo nói, xốc lại
hành trang. Tôi cung cúc bước, lòng vương vất thầm mừng, thầm tiếc những gì
chưa kịp xảy ra giữa hai đứa.
Rừng xế bóng khê đặc tiếng ve, khê đặc cả không khí thở. Tôi
nhìn như thôi miên vào bóng người con gái nhập nhòa phía trước. Sự bình thản của
em khiến tôi tự tin hơn. Thảng hoặc, Liêm quay đầu nhìn lại, khẽ mỉm cười với
tôi. Nụ cười mê hồn khiến tôi phấn chấn. Gió từ thung xa len lách tán cây chia
một phần mát mẻ cho chúng tôi. Lối đi quanh co mờ lá rụng. Bóng em thoắt ẩn thoắt
hiện, lúc gần lúc xa, như ú tim với tôi. Đôi bím tóc em ngúng ngẩy vẫy gọi. Chợt
gặp một quãng rừng thưa, cây cối như dành chỗ cho những hoang cỏ mượt. Đầu óc
tôi lâng lâng. Bỗng một tràng tiếng nổ rộ lên bất ngờ, tiếng của AR15. Liêm giật
giọng: “Nằm xuống!”. Tôi tắp lự lăn xuống cạnh mô đất, súng hướng về phía trước.
Liêm nổ một tràng AK, dõng dạc hô to: “Tất cả, xung pho... ong!.”, rồi phóng
lên như tia chớp. Tôi kéo một loạt đạn về phía địch, yểm trợ cho em. Bỗng
nhiên, Liêm khựng lại, loạng choạng nửa giây rồi đổ sấp xuống. Tôi chạy đến, em
khoát tay ra hiệu, hãy truy kích địch. Tôi kéo một tràng AK hướng xuống mé đồi,
nơi mấy bóng áo rằn ri bỏ chạy tháo thân.
Tôi đỡ Liêm ngồi dậy, băng bó cầm máu cho em. Nhìn miệng vết
thương, tôi biết những mảnh đạn phóng lựu M79 đã nằm sâu trong ngực. Mỗi nhịp
tim, mỗi hơi thở nhẹ, máu cũng rỉ ra. Mặt em tái nhợt, giọng thều thào. “Em chết
mất...”. “Đừng nói gở... Em sẽ không sao cả”. Tôi nói cứng, và xốc em lên vai bước
đi. Đã hai lần bên nhau nhưng chưa bao giờ tôi thấy hai cơ thể chúng tôi hòa
làm một như lúc này. Những gì em chưa kịp trao cho tôi, giờ em đã trao? Thân
hình nóng rẫy. Hơi thở nóng rẫy. Trái tim đập loạn trên lưng tôi. Tôi bước chập
choạng, không biết do đường rừng khó đi, hay bao ý nghĩ bấn loạn trong người.
“Thôi, em ở đây được rồi... Anh đi đi... Phía trước là thung lũng... Độ năm, bảy
cây nữa thôi...”. “Không! Anh đưa em về đơn vị, trạm phẫu tiền phương sẽ mổ cho
em”.
Phía trước vẫn mênh mông là rừng, ánh chiều soi thấp cao các
tầng bậc lá thẫm. Vẫn chưa thấy tăm hơi đâu là thung lũng, nơi sư đoàn bộ đứng
chân trong khi tôi cần báo cáo gấp và trao tấm bản đồ trinh sát của trung đội
phó Mạnh. Không thể đi nhanh được vì sức đã giảm, và còn vì trĩu nặng trên vai
là Liêm, người con gái xinh đẹp cũng nặng trĩu một số phận, đang có dấu hiệu
hôn mê, bước chân tôi chậm dần. Chợt thoảng bên tai tôi, tiếng em rủ rỉ tươi tỉnh.
“Anh Hạnh à...” Em ngừng chút rồi tiếp. “Ông Sảo bố trí em đi gác suốt đêm qua
với anh... và sáng ni còn bảo em đi theo anh dẫn đường cả ngày... là có ý đấy...”.
Tôi ngớ người thảng thốt “Em nói sao?”.
Song em đã im lặng. Như chưa từng mở lời. Tựa thể những điều
vừa nghe là do tôi ù tai mà sinh chứng. Nhưng chút sau, lại có tiếng em thì thào.
“Anh... tin không?”. “Tin gì cơ?”. “Là em... Là em... vẫn còn...”. Chợt cơ thể
em xuội ra. Tôi dừng lại vội xốc vai mấy cái, như thể lay gọi, xem em còn tỉnh
không. “Anh... đặt em... lại đây được rồi...”. Tiếng em yếu ớt, bàn tay trắng bợt
khẽ chỉ về một hố pháo trước mặt. Tôi nhẹ xoay mình, ôm em vào lòng. Gương mặt
em chợt sáng bừng. Đôi mắt đen rợp mi sáng quắc, long lanh man dại. Đôi môi hồng
tươi rực rỡ, nhoẻn cười: “Hạnh. Hôn em đi...”. Tôi trào nước mắt, đặt nụ hôn thắm
thiết lên đôi môi còn nóng ấm. Em đón nhận nụ hôn của tôi, khẽ cười âu yếm. Mãn
nguyện. Chợt em nấc lên, như giật mình. Máu trào ra khóe miệng. Hai cánh tay
rơi thõng.
Tôi vừa khóc vừa đào như một cái máy. Nước mắt lã chã. Lưỡi
dao găm chạm đá tóe lửa. Mặc. Mở rộng cái hố pháo em chọn về hai phía đối diện
và sâu xuống để em mồ yên mả ấm, không bị thú rừng quấy nhiễu. Bất ngờ gặp một
viên đá trắng, tôi đặt lên phía đầu, thay bia mộ.
Trong ánh tà dương chói lọi xuyên qua cây rừng, tôi lau nước
mắt đứng lặng vĩnh biệt em. Nghiêm trang của người lính, lại luyến lưu âm thầm
của trái tim mang nặng mối tình đầu.
Đồng Hới, 5.3.2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét