Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2020

Huế trong âm nhạc

Huế trong âm nhạc
Kể từ khi nền tân nhạc Việt Nam ra đời, các ca khúc viết về Huế đã góp phần không nhỏ tạo nên diện mạo, bản sắc riêng cho nền âm nhạc xứ thần kinh, qua đó đóng góp một tiếng nói quan trọng trong nền âm nhạc Việt Nam hiện đại. 
Huế là thành phố nằm ven biển Đông, là thành phố miền Trung nằm giữa hai thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn. Đến thăm Huế, đi dạo trên đường phượng bay ẩn mình dưới những bóng cây chạy dọc suốt ven bờ sông Hương, từ Ga Huế đến Đập Đá, con đường có những ngôi trường từng nổi tiếng một thời với tà áo trắng thướt tha của nữ sinh Đồng Khánh xưa kia, được ngắm nhìn những vành nón nghiêng che và nụ cười thiếu nữ e ấp từ mọi nẻo đường của Huế đổ về, du khách mới thấy hết vẻ đẹp của mảnh đất Cố Đô này.  
Bên cạnh tà áo dài trắng, Huế còn đặc trưng bởi màu tím thủy chung - sự dung hòa với màu ráng chiều và màu áo dài - biểu tượng cho sự tinh tế và trang nhã. Phụ nữ Huế mặc áo dài tím trong những dịp giao tiếp, gặp gỡ mà có thời còn được chọn làm màu đồng phục của nữ sinh. Đến Huế, du khách được có thể chiêm ngưỡng được cảnh đẹp của núi Ngự Bình sâu nghĩa, của dòng Hương nặng tình. Để rồi đâu đó bất chợt gặp một hình bóng dòng Hương thướt tha e ấp nghiêng che núi Ngự vào lòng mỉm cười đón chào quý khách. 
Những cơn mưa dai dẳng đã để lại trong lòng người biết bao cảm xúc. Kẻ tha phương thì nhớ, người trụ lại thì thương. Nhìn mưa rơi trên sông Hương với biết bao tình cảm mến thương về Huế hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Đường vào Đại Nội kết đầy những lá phượng mỏng dính, chỉ chực búng tách một cái, thế là tan vỡ cùng cơn mưa. Dòng Hương vẫn nhẹ nhàng trôi, dịu dàng như mặt lụa êm dịu chiều lòng. Ánh mắt ai thân thương, ấp e sau chiếc nón Huế. Chợt yêu quá một buổi chiều. Yêu cái màu xanh của thôn Vĩ, cái nâu thầm lặng của màu đất, núi Ngự, bến Văn Lâu. Và yêu lắm cái màu tím thủy chung son sắt, chở đầy những cơn mưa Huế qua bao tháng ngày. 
Giữa cuộc sống hối hả và tấp nập của ngày hôm nay, Huế là thành phố duy nhất vẫn còn giữ nguyên những vẻ đẹp văn hóa truyền thống từ ngàn năm xưa của quê hương đất Việt. Không biết đã có biết bao nhiêu bài hát đã được viết về Huế và bao nhiêu bài thơ ca ngợi vẻ đẹp nơi này. Ai đã nhiều lần ghé thăm Việt Nam, chắc hẳn đã từng ghé chân qua Huế. Và chắc chắn đều gật đầu tán thành Huế quả là đẹp và thơ mộng lắm. Nếu du khách đã từng đến Việt Nam nhưng chưa bao giờ ghé thăm Hà Nội thì họ chưa thực sự đến Việt Nam. Nhưng nếu họ đã thực sự đến Việt Nam mà chưa một lần đặt chân tới Huế thì có nghĩa là họ đã bỏ qua một nửa của nền văn hóa Việt Nam. 
Nhưng có những người đã đến và trở lại với tâm hồn tan nát khi ngỡ đã quên, tưởng rồi ký ức sẽ mãi phai phôi theo một bóng hình người thương đã xa mãi mãi. Ấy thế mà nay bước trên từng con ngõ thân quen nơi đất cố đô trầm mặc một chiều mùa hạ, mưa lại rơi trên những bước đầu, người lại buồn nỗi nhớ thương sầu, nghe trong những sợi nắng, hạt mưa văng vẳng đâu đó tiếng người thuở trước, có phải là em? Huế hỡi? Xưa em nói chỉ yêu màu hoa tím, Sao trả về hồn hoa trắng tang thương? Huế vắng em lạnh lẽo những ngả đường, Anh cô lẻ bước đi buồn vô vọng. 
Chỉ riêng hình ảnh cô ca sĩ ca Huế trên sông Hương cũng đã có không biết bao nhiêu bài thơ hay. Bài thơ “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế” của nhạc sĩ – nhà thơ – họa sĩ tài danh Văn Cao là một trong những bài thơ đặc sắc viết về Huế và ca Huế trên sông Hương. Nhạc sĩ Văn Cao sinh năm 1923 ở Hải Phòng, mất ngày 10/7/1995 tại Hà Nội. Tuổi trẻ của ông theo học Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tự học âm nhạc, sáng tác nhạc và viết văn làm thơ từ rất sớm. 
Năm 1940, lúc chưa tới tuổi hai mươi, nhạc sĩ Văn Cao có chuyến đi vào Huế. Chuyến đi đã để lại dấu vết sâu đậm trong các sáng tác quan trọng của đời ông. Bài thơ “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế” ông sáng tác vào dịp này. Ngoài bài thơ, ông viết bản nhạc “Sông Hương”. Cả những bài hát nổi tiếng, đỉnh cao trong dòng nhạc lãng mạn Việt Nam như “Thiên Thai”, “Suối mơ”, “Trương Chi”… viết trong những năm từ 1941 đến 1943 của ông có nguồn gốc cảm hứng từ thành quách, sông nước, con người Huế trong đợt đi quan trọng ấy.
Những ca khúc hay xứ Huế
Vũ Hoàng
Nhắc đến Huế hẳn ai cũng nghĩ tới sông Hương, núi Ngự, vẻ trầm mặc của lăng tẩm, cố đô, và sự bình yên của những nhà vườn xanh mướt. Có lẽ cũng bởi vẻ mộng mơ, hiền hòa mà Huế trở thành nguồn cảm hứng vô tận để người đời lưu giữ đến muôn sau: Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được, nét dịu dàng pha lẫn trầm tư. 
Người ta yêu Huế không chỉ bởi những danh lam thắng cảnh đẹp mà hơn cả là sự tỏa sáng của những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể do con người tạo nên, điều này đã nên một thần thái rất riêng của Huế. Nằm bên bờ sông Hương, cố đô Huế - di sản văn hóa thế giới - luôn hấp dẫn ngọt ngào du khách với non xanh nước biếc thơ mộng, với quần thể kiến trúc cổ kính các thành quách, lăng tẩm, chùa chiền u tịch. 
Ở Huế có điều gì đó gợi lên nỗi buồn man mác, làm nao lòng không biết bao tâm hồn thi sĩ… phong cảnh ở Huế trầm lặng, gần gũi không phô trương ồn ào… Huế thật tế nhị nhưng đa sầu, đa cảm và vô cùng sâu lắng  
Đêm trăng lên dòng Hương như dát ngọc
Thả hồn trôi trong khoan nhặt tri ân.
Trong chương trình âm nhạc hôm nay, chúng tôi cũng có dịp được trò chuyện với một vài người con xứ Huế để nghe tâm tư, chia sẻ suy nghĩ của họ về mảnh đất và con người đầy lòng nhân ái nơi này:
Huế vào thu thì buồn lắm, ở Huế chỉ có 2 mùa mưa nắng, nắng thì cháy đầu, còn mưa thì lê thê, thế nên người ta nói rằng mưa Huế là một thứ đặc sản… Thời tiết ở Huế thay đổi thất thường, mùa thu nhưng có những ngày nắng nóng lên đến 39-40 C, vẫn có những cơn mưa dầm dề kéo dài hàng tuần và có cả những ngày lạnh của mùa thu heo may. 
Người Huế vẫn hay nhắc nhau rằng “Tháng 7 nước chảy lên bờ.” Huế buồn lắm, những lúc mưa Huế lại càng buồn hơn. Mưa ở xứ Huế cứ dầm giề, rả rich ngày này qua ngà khác làm cho nỗi buồn càng thêm trầm mặc hơn. 
Ở Huế mùa thu khiến lòng người man mác, buồn thoáng qua, thu ở Huế len lỏi trong mọi ngóc ngách của tâm hồn, vì thế không ít người đã từng nói mùa thu ở Huế sao ngắn qua, ngắn như một giấc chiêm bao, đến rồi lại đi trong chốc lát để lại bao nỗi tiếc nuối ngẩn ngơ…  
Thực ra bấy lâu nay nghe mùa thu thì mùa thu Hà Nội nhiều hơn. Ở Việt Nam thì Hà Nội, miền Bắc thì có mùa thu còn miền Trung thì ít lắm. Vào thời điểm này, cách đây chừng 10 năm em thấy trời mưa rầm mưa rì nhưng bây giờ thì nắng nhiều. Mùa thu ở em thì không có lá vàng mà chỉ có nắng thôi. Đối với mỗi người, đối với mỗi đối tượng thì họ có suy nghĩ về mùa thu khác nhau. Thí dụ như thời điểm này, nếu mưa rầm ngoài trời thì buồn thì người ta lại cảm tác thơ, ca rồi nhạc… Cuộc sống bây giờ có thể thời tiết ấm hơn, nhiều nắng hơn thì người Huế ra đường nhiều hơn, hiện tại mát mẻ không oi bức nhiều, nhưng em vẫn thấy thiếu mưa! 
Người xứ Huế yêu thơ và nhạc lễ
Tà áo dài trong trắng nhẹ nhàng bay
Nón bài thơ e lệ nép trong tay
Thầm lặng bước những khi trời dịu nắng... 
Các thi sĩ thường ví Huế như một thiếu nữ có nét đẹp cổ kính, nên thơ, sâu lắng… hình ảnh của Huế dịu dàng qua những tà áo dài tím của những thiếu nữ qua cầu Trường Tiền với chiếc nón bài thơ nghiêng nghiêng, của thấp thoáng những điệu nam ai, nam bình chạnh lòng bao lữ khách.  Có lẽ bởi Huế quá đẹp, quá dịu dàng mà con người nơi đây cũng vậy: 
Học trò xứ Quảng ra thi
Thấy cô gái Huế chân đi không đành. 
Người Huế trọng đạo lý, do đó, lối nói văn hoa của họ là phương tiện để dạy dỗ con cháu và họ hàng, nói ít mà hiểu nhiều, nói súc tích, thí dụ: “con nà! Nhà mình nghèo nhưng mình còn có danh giá của nhà mình, mô có bỏ được. Đói cho sạch rách cho thơm con nà. 
Người Huế trọng lễ nghĩa ngay cả trong lời ăn tiếng nói, họ hay nói “dạ bẩm thưa” 
Người Huế cũng rất tế nhị và thường kín đáo “nói khéo” để sửa giùm cho người khác, thế nhưng, đôi khi họ cũng “ngang tàn bướng bỉnh” đôi khi người dân xứ Huế khẳng định “tui rứa đó, mầm chi tui” 
Và nếu nói về con người Huế thì không thể nhắc tới chuyện nghịch ngợm bông đùa, họ cũng rất vui vẻ trong lời ăn tiếng nói, đôi khi ỡm ờ, giỡn cợt. 
Thực khó tìm ra nơi nào trên mảnh đất chữ S lại hội tụ đầy đủ vẻ đẹp tinh khiết hài hòa như Huế, Huế hẳn là nơi để trở về vì những gì thân thương, gần gũi đều có ở Huế. Một quán ăn nhỏ lề đường, một góc cà phê vắng lặng… không nơi đâu lại có nhiều chùa chiền như ở Huế, trên núi đồi, trong thung lũng, giữa lòng phố… luôn có sự tương giao hòa hợp giữa cuộc sống trần thế và sự mầu nhiệm của Phật pháp. 
Có lẽ ca ngợi về vẻ đẹp thiên nhiên và con người xứ Huế sẽ chẳng có bút mực nào tả siết, xin được mượn lời nhạc của Đêm Tàn Bến Ngự để được kết thúc chương trình âm nhạc hôm nay. Xin hẹn gặp lại quý vị trong chương trình âm nhạc tuần sau.
Đêm Tàn Bến Ngự (Dương Thiệu Tước) - Hà Thanh.
Thúy Vi
Kim Khánh sưu tầm
Theo https://sites.google.com/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...