Thứ Ba, 23 tháng 6, 2020

Tôi đã chọn thồ cả vật lý lẫn hội họa

"Tôi đã chọn thồ cả vật lý lẫn hội họa"
Nguyễn Đình Đăng trả lời phỏng vấn của Sài Gòn Tiếp Thị
Bài này đã được đăng tại Sài Gòn Tiếp Thị, ngày 11/10/2010, mục “Giá trị sống”, sau khi tòa soạn đã cắt vài chỗ (phần in màu đỏ trong nguyên bản dưới đây).
Thành lập năm 1917, RIKEN ngày nay là một trong số 10 viện nghiên cứu khoa học cơ bản hàng đầu của Nhật Bản, có ngân sách khoảng 1 tỉ USD/ năm, với 7 cơ sở trong nước và 6 cơ sở tại châu Á, châu Âu và Hoa Kỳ. Trong số hơn 3000 nhà khoa học làm việc tại RIKEN có hơn 400 nhà khoa học nước ngoài, nghiên cứu về các lĩnh vực khác nhau như vật lý, hoá học, sinh vật, não, tin học v.v... Từ năm 1995 Nguyễn Đình Đăng được mời tới nghiên cứu lý thuyết cấu trúc hạt nhân nguyên tử tại cơ sở chính của RIKEN ở thành phố Wako, tỉnh Saitama. Thế nhưng trong câu chuyện với độc giả Sài Gòn Tiếp Thị, nhà vật lý hạt nhân này lại nói về một khía cạnh khác của bản thân: hội họa.
Mê vẽ và nghệ thuật từ nhỏ, song anh đã chọn học đại học về vật lý. Bây giờ nhìn lại, anh có luyến tiếc gì không? Ví dụ như nếu gia đình lúc đó khá giả, đất nước thì văn minh và nhiều giai tầng trung lưu, quý tộc hơn - anh đã toàn vẹn là một nghệ sĩ?
Tôi chọn học vật lý vì tôi cũng rất mê vật lý. Nhờ đạt điểm cao tại kỳ thi vào đại học năm 1975 tôi được sang học vật lý tại Đại học Quốc gia (ĐHQG) Moskva. Nước Nga đã mở cho tôi cánh cửa vào thế giới không chỉ của khoa học, mà còn của nghệ thuật và âm nhạc cổ điển thứ thiệt. Nếu lịch sử đã diễn ra theo một cách khác, hoặc nếu người ta có thể lựa chọn nơi mình sinh ra và lớn lên thì tôi đã không phải là tôi bây giờ nữa. Chưa chắc khi đó tôi đã vẽ được như bây giờ. Song nếu mất cơ hội để trở thành nhà vật lý, đối với tôi, sẽ thật sự là một điều đáng tiếc. Nếu bạn có tài, bạn có thể tự học để trở thành hoạ sĩ. Còn để trở thành nhà vật lý ngày nay hầu như chỉ có một con đường: tốt nghiệp đại học, bảo vệ luận án tiến sĩ, trải qua nghiên cứu tại các viện nghiên cứu hiện đại trên thế giới.
Nhưng cũng trong một bài trả lời phỏng vấn đài NHK (Nhật Bản) gần đây, anh đã tách bạch và dí dỏm về chuyện hai bán cầu não, về hai con người trong anh. Có thể cắt nghĩa hay minh chứng một chút về điều này cho độc giả quê nhà hiểu được?
Có lẽ tôi giống con lừa của Buridan ở chỗ tôi có hai đống thóc để chọn. Con lừa đã chết đói vì không biết chọn đống thóc nào để ăn. Tôi không chết đói mà cũng không bị bội thực, có lẽ vì, nhờ có cái dạ dày to và hai hàm răng khoẻ, tôi nhai ngấu nghiến một lúc cả hai đống thóc.
Nhiều người dành 4-5 năm vào đại học mỹ thuật để thành hoạ sĩ. Hẳn anh đã dành ra nhiều thời giờ hơn để tự học?
Tự học có cái hay của nó là mình học những gì thực sự thích và thấy cần thiết, không bị sức ép của thi cử, không phải học những môn vô bổ như lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô hay Chủ nghĩa Cộng sản Khoa học. Nếu chẳng may gặp phải thầy dốt hay một chương trình đào tạo “dở hơi” thì cái sự học ở nhà trường sẽ chỉ làm phí thời gian và phí tiền, thậm chí còn có hại. Dĩ nhiên tốt nghiệp đại học mỹ thuật không có nghĩa là bạn nghiễm nhiên trở thành họa sĩ. Trường đại học chỉ cung cấp các kiến thức có hệ thống và một số kỹ năng cơ bản để bạn có thể bắt đầu sự nghiệp sáng tác hội hoạ của mình. Để trở thành họa sĩ thực thụ bạn vẫn phải tự học, tự rèn luyện, tiếp xúc, trao đổi rất nhiều.
Nếu bỏ từ “nhà vật lý”, anh hoàn toàn là một họa sĩ. Cuộc đấu tranh trong anh đã diễn ra như thế nào? Khi ở Liên Xô theo học vật lý, vốn bận rộn và khó khăn với một sinh viên Việt Nam, anh không dành thời giờ đi buôn để cải thiện như bao người, lại đến Bảo tàng Pushkin để tập chép tranh, phân tích và tập vẽ?

Thân lừa ưa nặng nên tôi đã chọn thồ cả vật lý lẫn hội họa. Những năm tôi là sinh viên, cuộc sống tại Moskva còn tương đối đầy đủ. Khi nền kinh tế của cái gọi là “chủ nghĩa xã hội phát triển” sa sút, tôi làm nghiên cứu sinh tại viện Liên hợp Nghiên cứu Hạt nhân Dubna, có điều kiện nghiên cứu khoa học khá tốt, và thành phố còn có một cửa hàng nhỏ cung cấp thực phẩm cho các nhà khoa học nước ngoài, nên cũng sống ổn. Tôi chỉ tập trung vào vật lý và vẽ nên chẳng còn thì giờ cho những việc khác… như đi buôn. Nói vậy chứ đi buôn cũng phải say mê mới có hy vọng thành công. Sau nhiều cao trào, cuộc đấu tranh “ai thắng ai” giữa vật lý và hội hoạ trong tôi đã đến hồi “diễn biến hoà bình”.
Có lần anh nói mình thường mơ thấy căn phòng có nhiều đàn dương cầm. Anh có bao giờ mơ ước sẽ trở thành nghệ sĩ dương cầm? Tự nhìn nhận, anh nghĩ mức độ chơi đàn dương cầm của anh đến đâu?
Khi tôi còn bé, nhà tôi có một chiếc piano đứng, vỏ bị mọt, búa và phím lọc xọc, nhiều khi phím bị mắc cứng, dây đàn không bao giờ chuẩn. Thợ lên dây đàn không dám lên đúng cao độ tuyệt đối vì sợ nếu đứt dây sẽ khó tìm được dây thay thế. Khỏi phải nói tôi không thích tập trên chiếc đàn đó như thế nào. Tôi rất lười tập đàn, chỉ hôm trước ngày trả bài tôi mới tập. Cô giáo dạy đàn nói tôi không có tài chơi piano. Tôi cũng chưa bao giờ mơ ước mình sẽ thành pianist. Nhưng tôi rất thích nghe nhạc cổ điển. Có vẻ như tôi có đôi tai tốt, nên khi học nhạc tại trường Nghệ thuật Hà Nội tôi thường được điểm cao về ký xướng âm và ghi âm (nghe một đoạn nhạc rồi ghi lại nốt nhạc). Thời sinh viên tại Nga tôi từng là người đệm piano cho dàn đồng ca và đội múa của sinh viên - nghiên cứu sinh Việt Nam tại ĐHQG Moskva.
Tới Nhật vào năm 1994, tôi đã mua piano để dạy con trai tôi và tự tập hàng ngày. Tôi chơi piano trước công chúng mỗi năm khoảng 3 lần tại buổi trình diễn của trung tâm khí nhạc Yamaha nơi tôi học piano 5 năm nay, tại các buổi hoà nhạc tại viện Nghiên cứu Vật lý Hóa học (RIKEN), và tại khai mạc triển lãm thường niên của hội Mỹ thuật Chủ Thể. Năm nay tôi chơi Scherzo Op. 39 No. 3 của F. Chopin. Ngoài Chopin, tôi thích chơi tiểu phẩm của các nhà soạn nhạc trào lưu lãng mạn (R. Schumann, E. Grieg, S. Rachmaninov). Tôi cũng thích C. Debussy (trào lưu ấn tượng). Tuy nhiên, nếu về hội hoạ tôi đã hoàn toàn điều khiển được kỹ thuật, thì về piano tôi vẫn phải cố gắng tập luyện, mỗi ngày ít nhất khoảng 2 giờ. Có lẽ đó là lý do đôi khi tôi thấy piano hiện lên trong mơ.
Oscar Wilde (1854 - 1900) đã từng phát biểu: “Cái cớ duy nhất để làm ra một vật vô dụng là vì ta ngưỡng mộ nó sâu sắc. Toàn bộ nghệ thuật là vô dụng”; anh cũng thích câu này. Tại sao anh chọn làm những việc vô dụng (như chơi đàn, vẽ tranh)?
Oscar Wilde đã giải thích câu này như sau: “Nghệ thuật là vô dụng bởi mục đích của nó đơn giản là chỉ nhằm tạo nên một tâm trạng. Nó không nhằm để chỉ dẫn hay tạo ảnh hưởng lên hành động theo bất cứ một kiểu gì (…). Nếu việc thưởng ngoạn một tác phẩm nghệ thuật lại được nối tiếp bởi một hành động dưới bất cứ hình thức nào, thì hoặc đó chỉ là một tác phẩm rất thứ cấp, hoặc người xem không cảm nhận được toàn bộ ấn tượng nghệ thuật của nó. Một tác phẩm nghệ thuật cũng vô dụng như một đóa hoa. Đoá hoa nở cho niềm sung sướng của chính nó. Chúng ta có được một khoảnh khắc sung sướng khi ngắm hoa nở. Đó là tất cả những gì có thể nói về quan hệ giữa chúng ta và hoa. Tất nhiên, người ta có thể đem hoa đi bán và thu lợi cho mình, nhưng việc đó chẳng dính dáng gì đến hoa cả. Đó không phải là một phần của bản chất của loài hoa. Đó là một sự tình cờ. Đó là một sự lạm dụng.”
Tôi vẽ tranh hay chơi piano trước hết là do say mê. Vẽ một cái gì đó cho “giống” đối với tôi không phải là việc khó. Tôi muốn tự mình chơi được những bản nhạc hay bằng tiếng đàn và nhạc cảm của chính mình. Tôi nghiên cứu vật lý chủ yếu cũng do say mê và tò mò. Kết quả đối với tôi không hấp dẫn bằng quá trình đạt tới kết quả đó.
Có vài quan điểm cho rằng vật lý lượng tử và hạt nhân là gần với triết học, nghệ thuật nhất. Nếu gần như vậy, theo anh, vật lý có vô dụng không? Đã có ứng dụng gì của vật lý hạt nhân tại Việt Nam?
Vật lý vốn có tên là “triết học tự nhiên”, là khoa học nhằm tìm hiểu bí mật của vũ trụ. Nguyên lý bất định trong cơ học lượng tử đã đưa đến nhiều cách trình bày, suy diễn, tranh cãi về mối quan hệ giữa nhận thức và thực tế. Tuy nhiên, trong số những quan điểm đó cũng có nhiều khoa học giả hiệu (pseudoscience) kiểu “lượng tử hóa Phật giáo”. Salvador Dalí cũng đã từng định “lượng tử hoá hội họa”!
Bản thân tôi thấy vật lý và hội họa có một điểm chung: đều là những lĩnh vực của sự sáng tạo, trí tưởng tượng, và trực giác. Vật lý tìm hiểu quy luật của vũ trụ khách quan được tạo ra bởi Nghệ sĩ vĩ đại nhất: Tạo Hóa. Còn trong hội họa mỗi nghệ sĩ sáng tạo ra một vũ trụ của riêng mình. Theo quan điểm yếm thế thì cả vật lý lẫn nghệ thuật đương đại còn có một điểm chung nữa là đều không loại trừ xu hướng chạy theo thời thượng, mà hậu quả là sự phung phí tiền của người đóng thuế trong một số dự án nghiên cứu đầy tham vọng của vật lý và hàng loạt nghệ phẩm được “sản xuất” theo thị hiếu của thị trường.
Vật lý có rất nhiều ứng dụng trong công nghệ, đời sống. Từ bóng đèn điện, xe máy, xe hơi, tivi, internet, mobile phone, tới… đường sắt cao tốc, nhà máy điện nguyên tử - tất cả đều là ứng dụng của vật lý. Song đó không phải là mối quan tâm trực tiếp của các nhà khoa học cơ bản. Khi một thượng nghị sĩ hỏi liệu máy gia tốc nhiều triệu đô-la tại Fermilab (Hoa Kỳ) có đóng góp gì cho chương trình an ninh quốc gia, giám đốc Fermilab Robert Wilson đã trả lời: “Nó chẳng có đóng góp trực tiếp gì cho việc bảo vệ tổ quốc chúng ta, ngoài việc làm cho đất nước này xứng đáng được bảo vệ.”
Việt Nam mới nhập một máy gia tốc cyclotron 30 MeV để phục vụ y học với số vốn đầu tư hơn 500 tỉ đồng. Máy này cũng có một kênh dự định dành cho nghiên cứu cơ bản. Tuy nhiên, tôi nghĩ cách tổ chức và tài trợ cũng như môi trường nghiên cứu khoa học tại Việt Nam hiện nay không khuyến khích, nếu không nói chỉ làm thui chột nhân tài. Một nghiên cứu sinh của tôi, sau khi tu nghiệp tiến sĩ tại RIKEN, được Quỹ tưởng niệm Nishina tài trợ làm nghiên cứu sau tiến sĩ cũng tại RIKEN, khi về nước, đã được nhận vào làm hợp đồng với lương tháng 2 triệu đồng. Lương như vậy thì họa may có thể sống thoi thóp, đừng nói tới nghiên cứu khoa học.
Làm một con người đa diện, có khoa học - nghệ thuật, sẽ vui hơn con người đơn điệu?
Leonardo da Vinci từng nói: “Niềm sung sướng cao quý nhất là niềm sung sướng của sự hiểu biết”. Vậy nên những người đa diện (am hiểu nhiều lĩnh vực) chắc chắn có đời sống tinh thần phong phú hơn những người… độc diện. Ông bạn tôi, Luciano Moretto, giáo sư vật lý tại Lawrence Berkeley Laboratory, là một bách khoa toàn thư sống về văn chương, lịch sử, mỹ thuật, âm nhạc. Nói chuyện với ông ta thực sự là cả một niềm sung sướng.
Nhìn lại hành trình của đời mình, trải qua những chọn lựa và đổi thay, anh có nghĩ đó là một may mắn?
Tôi cho rằng may mắn luôn có vai trò, đôi khi quyết định, trong tất cả những thành công lớn hay nhỏ mà người ta đạt được. Có lẽ tôi cũng là một người gặp may vì được cha mẹ sinh ra với một chút năng khiếu hội hoạ trời cho, rồi được cha mẹ truyền cho những cảm nhận cơ bản về văn minh, dân chủ, tự do ngay từ khi tôi còn rất bé, trong khi Việt Nam còn chìm trong khói lửa của chiến tranh, bị trói buộc bởi bao áp đặt về tư tưởng. Tôi đã gặp may vì đã thoát chết trong một trận bom Mỹ năm 1972, để sau đó ra nước ngoài du học. Đã 16 năm nay tôi được sống một cuộc đời bình thường cùng gia đình tại Nhật Bản, được tự do làm những gì mình thích, thậm chí được trả lương cho cái tự do đó, đủ để nuôi sống bản thân và vợ con. Đó chẳng phải là điều may mắn sao?
Nguyễn Đình Đăng sinh tại Hà Nội, tốt nghiệp vật lý đại học Quốc gia Moskva (1982), tiến sĩ (1985) và tiến sĩ khoa học (1990) về lý thuyết vật lý hạt nhân tại đại học này; từ năm 1982: nghiên cứu viên viện Khoa học kỹ thuật hạt nhân (viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam); từ năm 1995: nghiên cứu vật lý hạt nhân tại trung tâm Nishina của viện RIKEN; hội viên hội Mỹ thuật Việt Nam và hội viên hội Mỹ thuật chủ thể (Nhật Bản); tác giả và đồng tác giả của khoảng 100 công trình nghiên cứu đăng tại các tạp chí chuyên ngành (xem danh mục). Các kết quả này đã được thuyết trình ở hơn 70 hội thảo khoa học quốc tế, seminar, lớp học tại các trung tâm nghiên cứu của gần 20 nước.
9/9/2010
Hiền Hòa
Theo https://ribf.riken.jp/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...