Bay theo "Những mùa hoa anh nói"
và thơ Trương Anh Tú
Đọc tập thơ "Những mùa hoa anh nói"
“Cũng như nụ cười và nước mắt, thực chất của thơ là phản
ánh một cái gì đó hoàn thiện từ bên trong” (R. Tagore), nhà thơ Trương Anh Tú
có lẽ đã viết nên những câu thơ của mình theo đúng cái cách vô cùng giản đơn mà
tinh tế đó.
“Những mùa hoa anh nói” không chỉ là tên của một bài thơ
trong tập thơ này. Điều thú vị và như một sức hút tự nhiên, “hoa” dường như trải
đầy trong khu vườn thơ của nhà thơ Trương Anh Tú. Đó không phải chỉ là một loài
hoa, một mùa hoa cụ thể; cũng không phải chỉ là những vẻ đẹp, sắc màu đẫm hương
cuộc sống hay mong manh lúc tàn phai. “Những mùa hoa anh nói” mang đến những bầu
trời mà người đọc muốn bay theo bằng đôi cánh của cảm xúc, tâm hồn; và bay cao,
bay xa hơn bằng tư duy, ý tưởng.
“Cũng như nụ cười và nước mắt, thực chất của thơ là phản ánh
một cái gì đó hoàn thiện từ bên trong” (R. Tagore), nhà thơ Trương Anh Tú có lẽ
đã viết nên những câu thơ của mình theo đúng cái cách vô cùng giản đơn mà tinh
tế đó. Có lẽ tất cả những câu thơ, bài thơ của anh đều là sự chín muồi của cảm
xúc; và không chỉ cảm xúc, đó là sự thống nhất giữa cảm xúc và lý trí, giữa tư
tưởng và tình cảm của nhà thơ.
Nếu nói về việc chọn tựa đề chung cho tập thơ thì nhiều bài
có thể “đại diện”, vẽ nên chân dung thơ Trương Anh Tú, khi chứa đựng đầy đủ: những
cảm xúc ở độ nồng nàn, tràn đầy nhất; những tình cảm đẹp đẽ thiêng liêng nhất;
những triết lý, quan niệm sống sâu xa, đau đáu nhất trong con người vốn hết
lòng với cái đẹp, nhân văn và đắm đuối với cuộc đời. Có thể là “Hát với trời
xanh” (Ta ngồi bạc áo phong trần/ Mai sau còn lại trong ngần trẻ thơ), có thể
là “Mặt đất và bầu trời” (Anh hóa bầu trời/ Anh cũng là mặt đất), hay “Đôi mắt”
(Còn một đôi mắt nữa/ Lặng trong trái tim tôi/ Mai sau dù nhắm mắt/ Vẫn
long lanh lệ trời)… Nhưng nếu thử nhìn lại, chỉ cảm nhận về cái tên tập thơ đơn
thuần (chưa nói đến nội dung từng bài), nghĩa là khi chưa đọc các bài thơ mà mới
chỉ cầm trong tay tập thơ thôi, thì “Những mùa hoa anh nói” có thế mạnh hơn ở
chất riêng (dấu ấn) và sức gợi mở.
Ngay từ cái tên “Những mùa hoa anh nói” đã khiến người ta muốn
chú ý, lại rất “đúng” giọng của tác giả. Đến khi đọc tập thơ này, với nhiều
bài đẹp như những bức tranh, âm điệu du dương như có nhạc, thì bài thơ “Những
mùa hoa anh nói” nổi bật bởi có một cái tứ rất riêng và lạ, đậm chất “Trương
Anh Tú”, vừa nồng nhiệt, lãng mạn vừa chuyển chở tư tưởng lớn lao. “Những mùa
hoa anh nói” không chỉ ca ngợi vẻ đẹp và sức sống mạnh mẽ, mãnh liệt của tự
nhiên; mà HOA còn là cái đẹp, là con người, là tinh thần, nghị lực, sự tận hiến,
cũng như khẳng định cái tôi, khẳng định cá nhân nhỏ bé mà vô cùng kiêu hãnh
trong thế giới bao la: “Đẹp sao những loài hoa/ Đã một lần thật sống/ Để đi hết
bầu trời/ Của tận cùng sự sống!”. Không những thế, “Những mùa hoa anh nói/ Phải
tự trồng anh ơi” còn là sự định hướng của nhà thơ, mang sứ mệnh to lớn đặt vào
mỗi con người. Nhất là trong cuộc sống hiện đại, khi sự nhân bản, sao chép, cái
giả, cái ảo, những hào nhoáng bề ngoài càng “nở rộ” thì con người lại càng cần
phải lớn lên bằng chính sức mạnh thực chất của mình. Một bài thơ mang lớp lớp
tư tưởng trong từ ngữ đẹp!
Và trong “Những mùa hoa anh nói” ấy, hẳn rồi, bạn sẽ gặp những
loài hoa “có tên”, gắn với bao kỷ niệm, với quê hương, đất nước, với tuổi trẻ,
tình yêu: bâng khuâng giữa ký ức và hiện tại như “Mùa về bằng lăng hoa nở/ Bao
mùa lặng xuống vai em”; thăm thẳm tâm tư như “Hoa quỳnh” (Trắng đêm cùng đêm trắng);
dịu dàng quên mình như “Một bông hoa cúc/ Rơi vào trang thơ”, nồng nàn mà thầm
lặng như hoa gạo “Đợi ai thắp lửa bên trời”... Nhưng điều khiến bạn đọc lưu luyến,
tìm kiếm và khám phá, lại bao la hơn thế! Có khi, là nụ hồng mà xót xa như một
thân phận: “Ai ném những nụ hồng/ Tung tưởi rớt bên sông”, có khi đẹp như một
giấc mơ có thật “Thạch thảo bao mùa thương nhớ/ Sông hoa mơ bóng em ngồi” nhưng
dòng sông hoa ấy lại hóa một dòng thiền tâm: “Hoa nở quên mình đang nở/ Hoa rơi
quên hoa đang rơi” … Trong nhiều bài thơ khác, “hoa” không cần “có tên” hay
“không tên” nữa, hoa trở thành “Những mùa hoa anh nói”, như chính tác giả bộc bạch
khi chọn lựa tựa đề cho tập thơ, những mùa hoa ấy là “một câu thơ/ một câu hát/
một triết lý/ một con đường/ một giấc mơ về cái đẹp”, để bạn đọc bay theo những
cánh hoa, bay lên với bầu trời. Mỗi “bông hoa” không chỉ là hoa, mỗi bầu trời lại
mở ra một bầu trời: “Kìa hoa đào nở/ Từng cánh đỏ tươi/ Nghe trong dòng nhựa/
Có bao lòng người” (Hồng Hà mùa xuân)…
Tính triết trong thơ Trương Anh Tú luôn được trình bày bằng
những ngôn ngữ đẹp, giàu chất thơ mà tác giả dày công tìm tòi, sáng tạo, nhưng
như có lần anh tâm sự, tất cả đều như tự nhiên bật thốt, tự nhiên sắp xếp, để rồi
khi bài thơ ra đời, chính tác giả cũng lặng đi, rưng rưng, cũng lên “cơn sốt”,
và thấy mình bay lên vô tận, vượt thoát cả chính mình. Cái tự nhiên ấy thật ra
đã là cả một quá trình thấm và ngấm sâu trong tâm hồn nhà thơ: tình yêu thiên
nhiên, yêu quê hương tổ quốc, yêu đời yêu người, và tư duy mở rộng: “Trái đất
này sẽ nhỏ/ Nếu chẳng ngắm bầu trời/ Bầu trời này sẽ nhỏ/ Nếu chẳng ngắm mây
trôi” (Tiếng hát)…
Điều đó cũng lý giải trong tập thơ có những bài thơ nhỏ, rất
ngắn, nhưng đẫm chất thơ và chuyển chở rất nhiều tư tưởng, trong đó không ít lần
nhà thơ cho thấy cuộc đời là vô thường nhưng luôn luôn có một con đường để
chúng ta “tìm sao trên đất” và “một lần thật sống” (Con đường màu xanh, Lá đỏ
vì xanh, Cây mùa đông, Tìm tôi em hỡi... ).
Cứ nhẹ nhàng, trong trẻo như sương mai, như cánh buồm, như
mây trời, như mắt trẻ thơ, không “đao to búa lớn”, mà thấm sâu vào hồn người,
gieo trong lòng người những hạt mầm tí tách, những con sóng dâng tràn, những điệu
nhạc thiết tha bay bổng; lãng mạn, song lại chợt khiến ta dừng lại, lắng sâu
nghĩ suy. Trong nhiều bài thơ khác, dù là phút chạnh lòng trước một hình ảnh rất
nhỏ bé, rất đời (Thăm chợ cá cảnh; Thương em phơi áo mùa đông…); hay một câu
chuyện xúc động, ấn tượng mạnh từ thế giới rộng lớn khiến một nhà thơ có lương
tri và nhân sinh quan tích cực không thể không lên tiếng (Phiên tòa, Những đứa
trẻ, Cơn lũ, Thơ viết bên những lá cờ ở Liên Hợp Quốc…); dù là nỗi nhớ quê
hương với một Hà Nội “nguyên chất” trong veo, một Hà Nội lắng hồn lịch sử ngàn
năm mà cũng luôn trẻ trung, tha thiết trong lòng một người con xa xứ, cả khi thức
cả khi mơ (Khúc hát nhớ Hà Nội; Tan vào em như hơi thở mùa thu…); hay phút một
mình đối diện với nỗi cô đơn không tránh khỏi của người nghệ sĩ: “Ta ngồi chạm
tóc đêm dài/ túi thơ một bóng/ lạnh vai lá vàng”… nhưng người đọc vẫn luôn được
truyền từ thơ anh cái tinh thần tươi xanh ngời ngợi: “Những cánh hoa bao đời vẫn
gọi/ Hãy nở cùng tôi!”.
Nếu bạn là người yêu thích W. Goethe (điều thú vị là tác giả
Trương Anh Tú đang sống và làm việc ở Frankfurt am Main, Đức, chính nơi quê
hương của Goethe), muốn học theo lời khuyên nổi tiếng của ông: “Mỗi ngày, ai
cũng nên ít nhất nghe một bài hát, đọc một bài thơ, xem một bức tranh ảnh đẹp,
và, nếu có thể, nói một vài lời lẽ phải”, thì khi đọc một bài thơ trong tập thơ
“Những mùa hoa anh nói”, phần nào bạn sẽ có cảm tưởng mình vừa đọc thơ, vừa
nghe nhạc, vừa nhìn thấy tranh, và hẳn sẽ yêu đời hơn, muốn nói với ai đó một
câu tốt lành. Đó phải chăng cũng là những gì mà Thơ và nhà thơ Trương Anh Tú
mong muốn khiêm nhường mang đến cho bạn đọc, khi anh tự ví mình như “con kiến”
nhỏ, ngày lại ngày cứ vậy thôi: “Những chiếc lá xanh non/ những cánh hoa nhỏ
xíu/ với bầu trời/ tôi tha về đầy tổ/ nặng trĩu vai tôi”…
Sài Gòn 17.8.2018
Bích Hạnh
Nguồn: Tạp chí Thơ của Hội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét