Trường ca Hàn Mạc Tử - Một tác phẩm
Trong kho tác phẩm đồ sộ của Phạm Duy, thơ phổ nhạc có một
vai trò rất đáng kể. Phải nhận rằng nhạc của ông đã làm bất tử một số những bài
thơ, và ngược lại thơ đã gợi hứng cho ông viết những giai điệu mượt mà quyến rũ
nhiều thế hệ người nghe.
Trường Ca Hàn Mặc Tử là công trình thơ phổ nhạc rất khác với
những bài trước đây thường chỉ là những đoản khúc hoàn chỉnh riêng rẽ, dù có đặt
chúng vào một tập hợp như Ðạo Ca, Ngục Ca, Hoàng Cầm Ca. Một công trình dài hơi
và dài ngày, nếu cứ tính từ khi lần đầu tiên bài Tình Quê xuất hiện như một phụ
bản trong tập san “Thế Kỷ Hai Mươi” (1960) tại Sàigòn.
Thi sĩ Hàn Mặc Tử
Ngoài Phạm Duy ra, có Hải Linh và Viết Chung trước đây cũng
phổ nhạc Hàn Mặc Tử, mỗi người một phong cách khác nhau. Nhưng cũng chỉ với Phạm
Duy rất đáng chú ý vì tính cách đa dạng và thể hiện một phong cách đặc biệt.
Trong Trường Ca Hàn Mặc Tử, có đủ các kỹ thuật phổ nhạc mà Phạm Duy thường vẫn
sử dụng: lắp giai điệu vào lời thơ, biến thể các giai điệu để phát triển nhạc đề,
và chuyển ý thơ thành điệu. Kỹ thuật lắp giai điệu và thủ pháp quen thuộc thường
thấy ở thơ phổ nhạc: Bài Chiều Ðông phổ nguyên lời bài thơ Khoác Kín của Cung
Trầm Tưởng là một thí dụ. Phải nói ngay là Phạm Duy rất hiếm khi phổ nguyên lời
thơ của toàn bài, vì đòi hỏi của cấu trúc câu nhạc cũng có mà vì sự chọn lọc lời
ca của ông cũng có. Vì vậy, bài thơ phổ nhạc của Phạm Duy thường phong phú về
giai điệu và nhạc đề nhờ ở nghệ thuật gây ấn tượng qua những kết hợp kỹ thuật
khác nhau.
Audio: Trường ca Hàn Mặc Tử
* Tình Quê Duy Quang
* Đây Thôn Vĩ Dạ Thái Hiền
* Đà Lạt Trăng Mờ Tuấn Ngọc
* Trăng Sao Rớt Rụng Thái Hiền - Tuấn Ngọc
* Hồn Là Ai Tuấn Ngọc
* Trút Linh Hồn Tuấn Ngọc
* Ave Maria Lạy Bà
Là Đấng Trinh Thuyền Thánh Vẹn Duy Quang - Thái Hiền - Thái
Thảo
* Hỏi Sứ Thần Thiên
Chúa Gabriel Thái Hiền - Thái Thảo
* Phượng
Trì Ôi Phượng Trì Tuấn Ngọc - Duy Quang - Thái Hiền
Bài thơ phổ gần như nguyên vẹn trong Trường ca Hàn Mặc Tử là
Ðây thôn Vĩ Dạ (gồm có ba khổ thơ thất ngôn) thật ra cũng phải tôn trọng cấu
trúc của bài hát mà kết cấu như sau: đoạn một của bài hát gồm khổ một và khổ
hai, đoạn hai gồm khổ một và khổ ba. Sự láy lại khổ thơ là một nghệ thuật gây ấn
tượng bằng sự láy lại nhạc đề của phân khúc này. Kỹ thuật biến thể các giai điệu
để phát triển rộng nhạc đề là thủ pháp đã được dùng trong khi phổ bài Tình Quê.
Ông đã bố cục bài hát làm hai đoạn lớn có giai điệu không xa nhau lắm và nối
chúng lại với nhau bằng bản lề rất khéo là hai câu thơ ngũ ngôn trong bài thơ
nhưng đã phổ thành hai biến điệu khác nhau cho phù hợp với âm hành của câu nhạc.
Sự tròng tréo các giai điệu trong hai đoạn có tác dụng nghệ thuật đặc sắc cho
bài hát. Kỹ thuật mà Phạm Duy thường sử dụng là kỹ thuật chuyển ý thơ thành
giai điệu.
Thôn Vĩ Dạ
Ðây là một kỹ thuật đòi hỏi khả năng thưởng ngoạn văn học ngõ
hầu có thể nắm bắt được ý của câu đoạn hay cả bài thơ để chuyển thành giai điệu.
Phạm Duy đã sử dụng kỹ thuật này mà hoàn thành những tác phẩm bất hủ như Tiếng
Sáo Thiên Thai, Vần Thơ Sầu Rụng, Hoa Rụng Ven Sông...
Trong Trường Ca Hàn Mặc Tử, phần phổ nhạc nhóm bài thơ về
Trăng là phần rất công phu nhờ sự biến ảo của giai điệu theo nhịp điệu phù hợp
với tâm trạng trong thơ. Phạm Duy đã tổ hợp các bài thơ khác nhau theo một thứ
tự do ông thiết định để làm bật lên trạng thái tâm hồn của nhà thơ trong phân
khúc này. Không có được khiếu thưởng ngoạn thi ca sâu sắc thì không thể có được
những bản thơ phổ nhạc như thế. Cứ so sánh lối tiếp cập của Hải Linh và Phạm
Duy khi phổ bài thơ Ave Maria sẽ thấy ngay phong cách Phạm Duy: ông tước bỏ đoạn
đầu của bài thơ mà Hải Linh đã dùng để phát triển nhạc đề cho bài hợp xướng:
Ave Maria giầu tính cách tôn giáo: Như song lộc triều nguyên ơn phước cả...
Phong cách phổ nhạc ở đây đã phản ánh phong cách người nhạc
sĩ. Bao trùm lên các kỹ thuật vừa kể là nghệ thuật gây ấn tượng qua sự nhấn mạnh
nhạc đề. Ðây là điểm đặc sắc của nghệ thuật sáng tác Phạm Duy. Bài Ðà Lạt Trăng
Mờ chẳng hạn, đã láy đi láy lại nhiều lần nhạc đề bài hát. Ta tìm thấy lại nghệ
thuật ấy trong tất cả các phân khúc của Trường Ca Hàn Mặc Tử. Ấn tượng về câu
nhạc được tô đậm trong trí người nghe là nhờ những sự nhấn mạnh nhạc đề như thế.
Ðiều kỳ diệu là những câu hát được tô đậm bằng sự láy lại đã không hề tạo ấn tượng
nhàm chán. Làm sao nắm bắt được nhạc đề của bài thơ phổ nhạc, hoàn toàn thuộc về
sự bén nhạy của tư duy nghệ thuật của Phạm Duy. Nếu những bài thơ hay là những
bài thơ có thần thì những câu thơ phổ nhạc của Phạm Duy trong Trường Ca Hàn Mặc
Tử cũng có thần của chúng, tạo nên khí vị nhất quán khi nghe riêng từng bài hay
lúc nghe toàn thể chín phân khúc. Ma lực cuốn hút của những phân khúc thơ phổ
nhạc Trường Ca Hàn Mặc Tử là ở những đợt sóng cảm xúc xô đẩy tới lui như những
đợt sóng khác nhau dào dạt đuổi bắt không ngừng.
Nhạc sĩ Phạm Duy
Trường Ca Hàn Mặc Tử là một dấu mốc đặc biệt trong sự nghiệp
sáng tác của Phạm Duy. Nếu thơ phổ nhạc nói chung đã là một gạch nối đặc biệt
giữa văn học và nghệ thuật âm nhạc thì Trường Ca Hàn Mặc Tử còn có ý nghĩa một
phác họa chân dung của một nhà thơ bằng âm nhạc. Giá trị của tác phẩm như vậy
là đa dạng. Hãy chỉ nhìn tác phẩm trong địa hạt âm nhạc thôi, Trường Ca Hàn Mặc
Tử cũng là một công trình đồ sộ: giai điệu phong phú, hòa âm tân kỳ, giọng hát
nhã luyện. Tác phẩm để lại dư vị ngất ngây và những bâng khuâng không dứt về
thân phận người thi sĩ quá cố mà cũng là của mỗi chúng ta. Ðạt được như thế
không thể không có một khí lực âm nhạc dữ dội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét