Thứ Ba, 30 tháng 6, 2020

Người "Hiệp sĩ" nơi "Văn đàn bi tráng"

Người "Hiệp sĩ" nơi 
"Văn đàn bi tráng"
Ngay lần đọc đầu tiên "Trường ca Văn đàn bi tráng" (VĐBT) của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm (NVT), một ấn tượng đã nảy sinh trong tôi: tác giả VĐBT phải chăng đã vô tình làm một "hiệp sĩ"?...
Hình tượng người "hiệp sĩ" xuất hiện suốt thiên trường ca VĐBT, lúc ẩn lúc hiện, như một nhân vật chính, khiến ta không khỏi liên tưởng tới nhân vật Don Quichotte của văn hào Servantes, người có lúc đánh nhau với cả cối xay gió, anh ta thất bại nhưng người đọc lại rút ra được một cái gì đó cần thiết cho bản thân, anh ta đi tìm - có thể không tìm thấy cái mình tìm nhưng người đọc lại tìm thấy điều có ích... Anh ta chân thật và cả tin tới tới mức dại khờ - (chính tác giả VĐBT cũng cho tôi cái cảm giác ấy khi đọc tác phẩm: Từng thiện lương để đổi về tai họa/ Từng thủy chung đến độ phải nghi ngờ,  hoặc: Tôi lo ngại cái dại khờ đang vào kỳ suy thoái/ Để khôn ngoan hãnh tiến bước lên sàn) - sự dại khờ khiến nhiều lúc "hở cả xương sườn" có thể bị đâm đến tử thương; song khán giả của võ đài - độc giả của thiên tiểu thuyết "Chàng kị sĩ tài hoa xứ Mancha" sẽ có thêm dịp để chiêm ngưỡng vẻ đẹp lý tưởng của người dám xả thân bảo vệ công lý và sự thật...
 VĐBT, quả là tác giả đã xuất hiện trong tư cách kép: "hiệp sĩ" và thi sĩ - đúng hơn là thi sĩ trong "hiệp sĩ" và thi sĩ khác áo "hiệp sĩ"! Đã là "hiệp sĩ" như đúng danh từ này, anh ta phải đứng ra bảo vệ một điều gì thật thiêng liêng. Và đối tượng bảo vệ ở đây là văn chương đích thực mà Dẫu trang bị bằng ngôn từ thiết giáp/ Thì thơ nào phận số cũng mong manh, hơn nữa, nó từng và có thể còn đang bị bủa vây xâm thực bởi chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa thực dụng, bởi những gì rất xa lạ với văn chương song lại nhân danh những điều giả dối và to tát vì Con người...
Hiệp sĩ của Tây Ban Nha xưa bi hài; hiệp sĩ văn chương Việt Nam nay bi tráng; một nụ cười; một nước mắt!... Vẫn biết sự so sánh nào cũng khập khiễng, nhưng đây là sự liên tưởng- tuy có phần cảm tính và bồng bột song chân thành của tôi. Và theo thiển ý riêng tôi, phải xuất phát từ điểm này mới có thể thâm nhập vào cốt lõi tác phẩm VĐBT, mới mong khái quát được một tác phẩm có vẻ ngoài rất kỳ lạ và có sự phát triển chủ đề khá phóng túng, với hàng loạt tổ hợp hình ảnh và cấu trúc khá phức tạp mà có thể chính tác giả đôi lúc cũng không kiểm soát nổi!
Khi viết Thương nhớ tài hoa, Người thám hiểm thời gian, Nghìn câu thơ tài hoa, hoặc Đi tìm mật mã của thơ, NVT cũng đã luôn chứng tỏ là một "bà đỡ" tận tình của thơ ca, một "hiệp sĩ" biết nghiêng mình trước hạt bụi vàng của thơ mà "đời lặng thầm bỏ sót" (thơ Lưu Trọng Lư - cũng là một tác giả trong Thương nhớ tài hoa của NVT). Trong  VĐBT, ông không ít lần nói về niềm mê say của mình trong một công việc khổ sai nhưng lại là một sứ mệnh cao quý: Thực ra, tôi chỉ là một nô bộc trung thành/ Canh giữ bảo tàng và quét bụi/ Các tượng đài văn nhân.
Niềm say mê văn chương khiến nhà thơ không ít khi rơi vào cảnh ngộ "dở cười dở khóc": Tôi ngốn hơi bị nhiều tác phẩm đặt hàng gia công Văn hợp đồng khuyến mãi/ Thi phẩm cổ đông/ Bình văn cổ phiếu/ Thơ mỹ nhân kế suýt chết chìm mấy phen.
Nhưng có vậy nhà thơ mới đủ kinh nghiệm và cả sự hài hước để Cười câu thơ giả dối/ Khóc câu văn lý tài, để cười cợt những Tháp vinh quang ảo mờ/ Miệng hố rác sôi réo; để bình thản lắc đầu ngán ngẩm trước Mối lo bạc tóc/ Sự hoảng hốt hãi hùng của vài mươi tác giả/ Mỗi khi có tiếng xe rác thời gian xịch đến trước hiên nhà để ra nghĩa địa… ve chai. Ông giáng đòn không thương tiếc vào thói hư danh trong văn chương: Nhiều người còn sống khỏe/ Mệt mỏi vì đánh bóng tuổi tên/ Sách đã hòa tan, bốc khói. 
Tôi tin chắc rằng, trước khi bắt tay viết  VĐBT, nhà thơ NVT đã hùng hồn viết ra những tuyên bố này cho mình - và cho nhiều người cầm bút, là "Xin được chia tay" với Ngôn từ trang điểm véo von/ Những con chữ quen ký sinh bao cấp/ Chữ nhiễm khuẩn thị trường. Chính những con vi trùng khó thấy đó của văn chương phải chăng đã góp phần tạo ra những bi hài không đáng có, làm cơ sở cho căn bệnh ung thư của sinh hoạt văn nghệ trước thời đổi mới?
Luôn luôn ở thế tranh luận, không ưa thích những câu trả lời hoặc giải thích mòn sáo, những cách lý giải kinh viện - người "hiệp sĩ" đó lại mang tư chất của triết gia muốn đào xới đến tận gốc rễ mọi vấn đề của văn chương - nhưng lại diễn đạt chúng bằng hình tượng sắc nét và thấm đượm xúc cảm. Trước hết, có thể coi đây là một cuốn văn học sử bằng thơ, giúp người đọc và để chính tác giả suy ngẫm về "Đêm trước đổi mới", để góp phần “vuốt mắt quá khứ” - một quá khứ vừa có sự tráng lệ hào hùng, vừa có những bi kịch đau đớn - hơn thế, để suy ngẫm về những điều tạo nên cội nguồn văn chương. Nó bi tráng như bản thân tên gọi, ở cách chọn đề tài, ở thế tranh luận, ở tính triết lý và ở cái "hùng tâm" của tác giả với tư cách là một "hiệp sĩ" muốn bảo vệ những gì cần bảo vệ, trước hiện trạng: Đểu giả đớn hèn được định vị/ Thiện lương tử tế nhỡ tàu...
Người hiệp sĩ đó tung hoành trong một “bối cảnh khá rộng, thời gian khá dài”, và xuất hiện trong những cá thể khác nhau - khi là bản thân tác giả: Vì thơ tôi phải đi vay; khi là một số người mà tác giả coi là cùng chí hướng: Ra khỏi chiến tranh/ Nhiều người trong chúng tôi còn lành lặn/ Sao giờ đây thương tích đầy mình. Đó là nhân vật “em”- đối tượng trữ tình chủ yếu mà nhà thơ suốt đời đi tìm: Em mảnh mai vai gầy/ Sao đỡ nổi những bão bùng thời đại? Đó là nhân vật con đường được gắn huân chương bằng máu của nhà văn đổ xuống; đó là Ô sin, người được nhà thơ coi là "đồng bệnh tương liên" với mình, cùng khao khát Được uống chung nguồn nuớc tinh khiết của lẽ công bằng, thứ mà Tìm ngoài đời chả bao giờ có được/ May mà còn duy nhất ở trong văn. Đó là gã "Gã hành khất" nhưng "phong cách hào hoa vất vưởng" và đáng trọng bởi gã biết tự dày vò ân hận khi Mang theo thất bát trăm năm/ Lương tâm mất mùa nhiều vụ/ Bị gậy nợ nần quá khứ… Nhưng cũng có thể đó là “một người đẹp” ném vào mặt nhà văn: tôi không thể yêu được anh “vì anh quá tốt”; hay một nhà văn nào đó Mang những mỹ từ trong sạch/ Vấy dơ bẩn vào nhau. Người hiệp sĩ của  VĐBT còn đặt mình vào vị trí của một phóng viên. Ông hỏi chuyện Trạng Trình, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Vũ Trọng Phụng… Ông phỏng vấn ở hai kỳ Đại hội đối với một số nhà văn... Qua những cuộc phỏng vấn này, người đọc cảm nhận được một cách sinh động cái hiện trạng ngổn ngang và bi hài của văn đàn, thấy được những di hại của một thời ấu trĩ, cả những nôn nóng tìm tòi sáng tạo, những thử nghiệm thành công lẫn thất bại... Chính các cuộc phỏng vấn này giúp người đọc hiểu thêm động lực văn hóa của tác giả khi tự nguyện làm "hiệp sĩ" bảo vệ văn chương, hiểu thêm những quy luật nghiệt ngã của sáng tạo nghệ thuật ngôn từ, và cũng góp phần mở rộng âm hưởng bi tráng của bản trường ca.
Người "hiệp sĩ" đó đã đơn độc lên đường với bao nỗi niềm trăn trở cháy lòng. Hiên ngang đấy, song có mấy ai hiểu anh ta đã xuất phát từ nơi cô quạnh, mang theo "hùng tâm" của không ít kẻ thất bại: Đây đó, vài góc làng quên lãng/ Thoi thóp bậc chân tài/ Họ thành những ẩn sĩ bất đắc dĩ/ Chỉ còn cái bóng của mình làm bạn tri âm. Có mấy ai biết anh ta đã từng lặng lẽ lau giọt lệ!... "Tráng sĩ" mà có lúc cũng mắc cái bệnh "khéo dư nước mắt khóc người đời xưa" như nàng Kiều bất hạnh: Phải chăng vũ trụ niềm riêng/ Có chi nhắc nhớ trăm miền nợ vay/ Hay người ngoài ấy đứt tay/ Để tôi chảy máu trong này buốt đêm. Với "cây thương" là ngòi bút đơn độc, anh ta có thể chống đỡ cái gì và bênh vực cho điều gì? Thì đây: Bệnh trơ lì vô cảm, từng gây những vụ sạt lở niềm tin hàng triệu tấn, đè lên cả ánh mặt trời, rêu mốc bao hoài bão, thui chột mầm lương tri!
Nhà thơ NVT có một thời gian dài dạy học, rồi làm báo, với bản chất thi sĩ lương thiện, ông đã đúc kết sự từng trải của mình về  Những vết thương nhân tính, nhân văn trong một nỗi buồn đến ngơ ngác và rớm máu: Rẻ rúng nhau bằng những lời khen ngợi/ Người nói người nghe đều thấy hài lòng/ Người tự vả vào mình để thành người tin cậy/ Người được tin cậy rồi, bóc lưỡi hót cho hay/ Tự gọt đẽo thành viên bi nhẵn nhụi/ Để lăn tròn trong cái rãnh con con .
Vấn đề bi tráng lớn nhất của Văn đàn - cũng là của một thời lịch sử - chính là sự đảo ngược của những giá trị khiến lương tri nhức nhối: Lấy khen thưởng báo công làm thước đo giá trị/ Lấy bình quân làm cán cân công bằng/ Giá trị ảo được tôn lên làm thật.../ Để nhạt nhẽo đời thường loang lổ cả đời văn
Có một thời văn chương: nhấc bổng đồng quê lên chín tầng trời lãng mạn thì cảnh ngộ dân lành chẳng hề lãng mạn: Những đầy tớ của dân nanh vuốt như hùm/ Ông chủ run như cầy sấy... Không ít số văn nghệ sĩ cơ hội: Biến bè bạn anh em thành đối thủ lợi quyền/ Nửa văn nhân, nửa xênh xang mũ áo/ Nửa sĩ phu, nửa sấp ngửa kim tiền…
Trước hiện trạng đó, "hiệp sĩ" - thi sĩ NVT đã thẳng thắn phơi bày sự thật đau lòng của đời sống văn nghệ: Buồn trông cõi thực cõi mơ/ Thơ bay thì ít, thơ bò ngổn ngang!- Được chăn dắt quá kỹ càng/ Văn bò sát, thơ bầy đàn phổng phao/ Ra ngõ là gặp đỉnh cao/ Bằng khen giải thưởng ồn ào hàng năm…
Cái không khí văn đàn ấy, thực đáng buồn, có một thời đã khiến cho sinh hoạt văn chương nghệ thuật vốn là lĩnh vực tinh thần thanh cao thánh thiện thì lại trở thành một thứ chợ trời sặc mùi kim tiền - hơn thế, nó còn bị ngộ độc thê thảm: làn hương bị đánh bả quay cuồng- trong suốt bị hòa tan thuốc chuột- nõn nà bị nhiễm thuốc sâu... Trong bối cảnh ấy, không ít nghệ sĩ chân chính bị “đốn ngã” một cách oan uổng. Éo le thay, người tung ra những miếng hiểm khôn lường để đốn ngã bạn lại chính là người đồng chí đã từng súng bên súng, đầu gối bên đầu, đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ! Phải chăng, chính những điều nhức nhối trên khiến mọi người buộc phải suy ngẫm, nhìn nhận trở lại, rút ra điều gì đó có ích cho hôm nay và mai sau, và những "hiệp sĩ" mới cần phải xuất hiện- trong số đó có thi sĩ NVT?   
Không phải ngẫu nhiên mà tác giả đã dành một chương riêng viết về nhà văn có cốt cách khảng khái và khí phách ngang tàng là Phùng Quán - bởi qua số phận nhà văn này, có thể hé mở bí mật số phận chung của nhiều tác giả từng bị "tai nạn" văn bút trước đây, cùng nhiều tác giả không chịu thỏa hiệp với những khuôn mẫu và sự an toàn dành cho kẻ "hèn sĩ", họ đã âm thầm tìm lối đi riêng để vượt qua “tù ngục của tư duy”: Ta viết chui/ Để đẻ ra những con chữ không biết luồn cúi/ Những con chữ không thể nào chặt cánh / Biết tìm bầu trời trong sạch bay lên!
Nhà thơ còn ngợi ca lòng dũng cảm của những người nghệ sĩ dấn thân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc: Thơ cảm tử đục tường xây chiến lũy/ Thơ ôm bom ba càng/ Tiếng nổ phá xe tăng thành nhịp vần bất tử - Xe không kính vẫn lao vào chiến dịch/ Vầng trăng quầng lửa sáng trời thơ/ Người mang cả mặt trời vào lòng đất/ Mang cả hình tia chớp xẹt trời văn... Sự thật lớn này cũng là một trong những cái gốc của cảm hứng bi tráng trong tác phẩm mà người đã mang thân phận của một "hiệp sĩ" bảo vệ văn chương phải nghiêng mình nể trọng!
Trường ca  VĐBT chứa nhiều chất chính luận phản ánh tâm tư - thái độ của kẻ sĩ có liêm sỉ và có trách nhiệm trước thực trạng Đất nước, ngay ở giữa cái nơi có lúc được mệnh danh là Khu tự trị dối trá/ Sự thật muốn qua?/ Không được cấp thông hành.
Nhà thơ vì nặng lòng với Thơ, hiểu rõ sự yếu đuối và mỏng manh hầu như không được "bảo hiểm" của Thơ mà dũng cảm đứng ra bảo vệ nó:
 Có nỗi đau mang trang phục niềm vui/ Có tai họa được tô màu số phận/ Có cái ác gióng hồi chuông từ thiện/ Thơ vẫn thiền, hồn vẫn thanh tân!…
Làm người "hiệp sĩ" của thơ ca nên cũng đồng thời là con người vị tha, độ lượng, người hiểu hơn ai hết giá trị của lòng nhân ái - nhất là khi chủ nghĩa ích kỷ và thực dụng cực đoan đang đe dọa nhấn chìm tất cả những gì là thiên lương trong vũng bùn gớm ghiếc của nó:
Tôi rất vui được làm người thua cuộc/ Trong những cuộc giao tranh thân ái/ Khi tình yêu lấn sân, tôi bỏ ngỏ khung thành!
Với VĐBT, dấu ấn tinh thần của những người cầm bút có thể tìm thấy trong những góc khuất của số phận và trong mỗi bước đi của lịch sử được đề cập trong tác phẩm. Trường ca VĐBT có tên phụ là "Đêm trước đổi mới", tưởng đâu chỉ đề cập tới những vấn đề nổi cộm của một thời chưa xa, nhưng thực ra nó chứa đựng chân lý nghệ thuật của mọi thời đại. Nhiều suy tư trăn trở của các nhà văn được Nguyễn Vũ Tiềm khái quát khá sinh động; chính vì có sức khái quát, mà nó vượt ra khỏi giới hạn của một thời.
Và, "người hiệp sĩ" của văn chương đó đã khẳng định: Mọi cái đích của đời đều gặp đích của văn! Hơn thế, Văn đó lại cần phải thoát ra "mảnh ao làng" để có thể mang được vóc dáng của thời đại. Khi viết tiểu luận "Đến trường phái thơ Việt từ cảm thức hậu hiện đại Việt", nhà nghiên cứu Đỗ Quyên đã có nhận xét đáng chú ý mà theo tôi có thể lấy tác phẩm trường ca "VĐBT" làm một minh chứng tiêu biểu: "... Qua thập niên đầu thế kỷ 21, con sông trường ca Việt hiện đại ấy cũng trở mình theo tâm thức chung của văn học Việt Nam và thế giới, từ thể tài, cấu trúc đến giọng điệu, ngôn ngữ. Và, lẽ tự nhiên, đã có không ít biểu hiện của trường ca Việt mang gương mặt Hậu hiện đại." (Vandanviet.org)
Đi hết cuộc hành trình khá vất vả cùng VĐBT, tôi chợt có ý nghĩ: phải chăng tác giả đã viết nó với động lực ban đầu theo sự gợi ý của thi hào Pushkin trong bài "Gửi thi sĩ": “Hỡi thi sĩ, đừng quý trọng tình yêu của dân chúng/ Những lời ngợi khen cuồng nhiệt sẽ qua đi như tiếng ồn trong phút giây/ Anh sẽ nghe thấy lời phán của kẻ ngu và tiếng cười của đám đông ghẻ lạnh/ Nhưng hãy luôn luôn kiên định, bình tĩnh và đăm chiêu...” (Phạm Vĩnh Cư dịch)
Ở Chương Kết, qua lời "Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm", nhà thơ NVT tâm niệm: Hãy lắng nghe lòng mình trong im lặng, cảnh giác trước những lời tung hô và kèm theo đó là những âm mưu hòng biến văn chương thành loại hàng thứ phẩm. Cùng những người cầm bút có lòng tự trọng "giã từ" thứ Công nghệ văn chương theo tiếng kẻng/ Quen khai thác lộ thiên/ Vớt váng nổi rong rêu làm bảo vật, nhà thơ đã tôn vinh sức mạnh của tinh thần nhân văn chứa đựng trong văn chương:
Hãy lắng nghe lòng mình trong im lặng/ Sẽ thấy sấm rền ở phía chân mây!/ Không ít cuộc phế hưng/ Bắt đầu từ đồng dao con nít/ Không ít ngọn núi lửa/ Thức đậy từ địa chấn nhân văn.
Tôi chỉ là người "tạt ngang" qua lãnh vực lý luận phê bình văn học, nên mặc dù rất muốn được đi sâu nghiên cứu để có những khám phá khoa học về thi pháp của VĐBT thì cũng "lực bất tòng tâm", đành chỉ viết đôi dòng ngẫm ngợi đầy cảm tính về tác phẩm vừa kỳ lạ vừa cuốn hút này đối với tôi!...
Nguyễn Anh Tuấn
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...