Thứ Ba, 30 tháng 6, 2020

Một thời kỷ niệm những ấn loát phẩm thơ họa nhạc

Một thời kỷ niệm 
những ấn loát phẩm thơ họa nhạc
Lời giới thiệu: Vườn CVA 5461 xin giới thiệu một bài văn viết về những kỷ niệm của một thời hoàng kim của nền âm nhạc Việt Nam, một thời chói sáng đã qua đi, mà có lẽ chúng ta ít có hy vọng thấy tái hiện trong nền âm nhạc nước Việt, ít ra là hàng thế kỷ nữa. Những bản nhạc được phân biệt là “Nhạc Vàng”, quả thật đã trở thành những tài sản bằng vàng quý giá trong gia tài văn hóa của cả dân tộc Việt Nam. Bài văn dưới đây viết về những ấn bản của những bản nhạc, thơ, họa, đã được phát hành trước đây mà ngày nay chúng ta khó mà tìm lại được.
Cùng với bài viết “Một thời kỷ Niệm: Những Ấn Loát Phẩm Thơ, Họa, Nhạc”, Vườn CVA 5461 xin giới thiệu một bộ sưu tập “Hình bìa những bản nhạc xưa”, sưu tập gồm hơn 900 hình bìa các bản nhạc và được xếp trong trang Hoài Cổ cùng nhửng tài liệu đặc biệt khác về âm nhạc ngày xưa. Nếu so với hàng chục ngàn bản nhạc đã phát hành, thì sưu tập chỉ có một con số khiêm tốn, nhưng có thể tạm coi sưu tập này là bộ hình bìa các bản nhạc xưa có số lượng nhiều nhất trên Web hiện nay.
Sưu tập hình bìa những bản nhạc xưa
Thời trước, không hẳn là quá xưa, chỉ độ chừng từ 1955, mỗi lần muốn có được những bản nhạc hay đáng sưu tập, ta đâu có sẵn những phương tiện điện tử tối tân để có thể tải xuống ngay như laptop, iPad, Smartphones của thời đại hiện nay. Cho nên những ấn loát âm nhạc rất quý đối với ta thuở ấy. Đó là những ấn loát phẩm phối hợp thơ (đúng ra thì không phải vần điệu mà là lời văn chương bóng bảy hay đậm tình dân dã) cùng nhạc dĩ nhiên, và cùng hình ảnh minh họa ngoài bìa bản nhạc. Ta nhớ khổ giấy ấn loát những tác phẩm âm nhạc như vậy tương đương với khổ giấy tiêu chuẩn quốc tế cho thư từ, đánh máy, in ra từ computer. Có thể lớn hơn một chút để có thể đặt vừa vặn lên các khay mà nhạc công có thể nhìn khi đánh đàn. Các họa phẩm ngoài bìa thường rất lớn, choáng gần hết trang giấy.
Ta cũng nhớ lúc khởi đầu thời kỳ rộ lên tân nhạc với nhà xuất bản “Tinh Hoa” ở Huế, sau này cơ sở phát triển đến Sài Gòn thành nhà xuất bản “Tinh Hoa Miền Nam”. Nhà xuất bản đã tiên phong trong việc trình bày các ấn phẩm phối hợp thơ họa nhạc, với khổ lớn kể trên. Trước đây, nếu người viết không lầm thì các bài hát (đa số là các bài hát vọng cổ) in ở các khổ nhỏ như những cuốn sách thật mỏng. Tại sao gọi là thơ mà không gọi là lời nhạc cho đúng hơn. Bởi vì lời các bản nhạc sáng tác sau 1955, ngoài những bài tình ca thì tính chất thơ hiển nhiên, nhưng ta thấy những bài hát của thời kỳ muốn phục hưng nông nghiệp sau cuộc chiến tranh 1945-1954 cũng lồng vào nhiều chất thơ, như “Trăng Về Thôn Dã”, “Tiếng Hò Miền Nam”, “Nắng Đẹp Miền Nam”, “Khúc Ca Ngày Mùa”, “Nắng Lên Xóm Nghèo”… 
Cả về những bài hát lính, chưa hẳn về chiến tranh vì khoảng thời gian từ 1954 đến 1960 tình hình yên ổn, cho nên nhạc lính cũng nhiều chất thơ như “Tình Anh Lính Chiến”, “Tình Thư Của Lính”, “Phiên Gác Đêm Xuân”, “Tuyết Trắng”, “Thủy Thủ và Biển Cả”… 
Rồi đến thời chiến tranh khốc liệt, không kể những bài có chất thơ đồng thời chứa đựng tư tưởng phản chiến hay chính trị chống đối ý thức hệ, chỉ kể chất thơ lãng mạn thì vẫn không thiếu như “Lính Nghĩ Gì”, “Những Đóm Mắt Hỏa Châu”, “Xuân Này Con Không Về”, “Kẻ Ở Miền Xa”, “Biệt Kinh Kỳ”…  Làm sao ta không nhớ những lời như thơ:
… Tình tang ơi này tình tang/ Ta ngước xem ông Sao Thần Nông/ Bên Sông Ngân Hà vắng/ Bóng Ngưu Lang trầm ngâm nhớ nàng/ Em có nghe chăng dư âm đồng quê/ Khi trăng ngàn mờ tỏa chiếu trên đê… Đom đóm bay quanh trên ao bèo xa/ Khi bao người dìu dịu giấc Nam Kha/ Mộng triền miên say sưa dưới mái vàng/ Ánh trăng khuất chìm vào rặng tre cuối làng… (Trong bản: Trăng Về Thôn Dã).
… Em bé thơ ơi, trên mình trâu nắng em ước mong điều gì/ Cô hái dâu ơi bên dòng sông vắng cô có buồn người đi… Trên đường về quê hương/ Nghe dạt dào tình thương/ Cánh chim giang hồ/ Vẫn trôi giữa trời/ Bước chân lãng du/ Ôi chỉ là mộng thôi… (Trong bản: Nắng Lên Xóm Nghèo). 
… Xuyên lá cành trăng lên lều vải/ Lòng đất ấm thương tình đôi mươi… Đôi đứa mình còn mỗi đêm nay/ Nói gì cạn niềm thương/ Để rồi mai anh lên đường… (Trong bảni: Tình Anh Lính Chiến).
… Có những đêm dài anh ngồi nhìn hỏa châu rơi/ Nghe vùng tâm tư cháy đỏ xoay ngang lung trời/ Những đóm mắt hỏa châu bừng lên trong màn tối/ Như mắt em sáng ngời/ Theo anh đi ngàn lối… (Trong bản: Những Đóm Mắt Hỏa Châu).
òn với họa phẩm, nhiều người trong chúng ta chắc không quên thời kỳ đầu với các ấn loát phẩm âm nhạc do nhà xuất bản “Tinh Hoa” ở Huế: những hình vẽ thường là các họa phẩm theo khuynh hướng cổ điển. Những nét vẽ quy ước như các hình chụp. Chẳng hạn bản “Con Đò Đưa Xác” với hình một dòng sông rộng, bầu trời màu xám, bên kia là chân trời có dãy Trường Sơn, và trên dòng nước buồn phẳng lặng một con đò lẻ loi (không thấy rõ quan tài của người kháng chiến chống Pháp tử trận). 
Chẳng hạn bản “Về Miền Trung” thì hình ảnh nổi bật là một lũy tre ven làng, phía sau nền cánh đồng lúa xanh có con trâu đang gặm cỏ, vài cánh cò trắng bên bờ ruộng xa xa, và xa hơn nữa có vài mái nhà tranh màu nâu vàng dưới những cây cau thật cao.
Mãi về sau, các bức họa trong ấn loát phẩm âm nhạc xuất bản tại Sài Gòn vẫn còn mang dấu cổ điển, ví dụ bản “Thành Phố Buồn” với một phần thành phố Sài Gòn trong buổi hoàng hôn nhá nhem, in lên nền phía xa là nóc nhà thờ Huyện Sỹ. 
Như vậy các hình vẽ hình như đều lấy mẫu từ những cảnh quang có thật ở trong đời.
Trong số những hình bìa theo phong cách cổ điển của những  ấn loát phẩm âm nhạc, hình vẽ cho bìa bản nhạc “Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn” (nhạc và lời: Văn Phụng) gây ấn tượng màu sắc rất đẹp, nhớ mơ hồ những bóng người màu đen đi trên con đê cao, phía chân trời màu nâu vàng huyền ảo. 
Nhưng rồi các hình vẽ theo phong cách tân kỳ, nổi bật với các hình vẽ bìa bản nhạc của họa sĩ Duy Liêm theo lối hội họa lập thể.
Về sau, còn một số ấn loát phẩm âm nhạc với hình bìa theo các phong thái tân kỳ khác, nhưng thuộc các họa sĩ dường như không được nhắc nhở đến trong những tác phẩm viết về hội họa Việt Nam. Cả họa sĩ Duy Liêm cũng ít được nhắc tên, mặc dầu hình bìa lập thể của ông đa số quần chúng yêu âm nhạc thuở trước đều không quên một khi có người nhắc đến. Phải chăng các họa phẩm của ông gắn liền với mục đích vẽ cho thương mại, vẽ cho quảng cáo, vẽ cho hình bìa bản nhạc, không phải vẽ cho nghệ thuật, có phải là như thế không? Theo thiển nghĩ, nếu như các họa phẩm lập thể của họa sĩ Tạ Tỵ nay được coi như tài sản quý của quốc gia, các họa phẩm lập thể của họa sĩ Duy Liêm trên các bản nhạc nên được miễn trừ điều bị coi như chỉ có mục đích vẽ cho thương mại. Vì các nét vẽ của họa sĩ Duy Liêm rất độc đáo, không trùng lặp với ai.
Hoặc vì lý do nào khác bị ghét mà không kể thuộc về hội họa, thì sự phê phán do liên hệ chặt chẽ đời tư với sáng tác, thật khác thái độ người Tây phương trước những sáng tạo nghệ thuật. Ta đã biết các hoa văn vẽ trên trên các đồ cổ sành sứ được đánh giá là những sáng tạo nghệ thuật. Ngoài chất liệu chế tạo, hình dáng, đồ sành sứ được trân trọng cất giữ như của gia bảo, một phần cũng vì những hoa văn ấy. Mục đích của các hoa văn ấy trước tiên cũng vì mục đích thương mại: vẽ trên sành sứ để hấp dẫn người mua. Các hình tượng trên đá, trên cây, trên kiếng, mục đích thờ phượng tôn giáo, cũng đã được nhận định là những tác phẩm nghệ thuật. Thật may mắn, trong hành trang người Việt đi ra nước ngoài sinh sống qua nhiều thời kỳ, từ di tản đến vượt biên, từ ra đi theo chương trình HO đến ra đi theo diện nhân đạo, từ ra đi theo diện đi du học đến ra đi theo diện theo chồng theo vợ mới lập hôn nhân, có một số ấn loát phẩm âm nhạc xưa được mang theo, và phổ biến trong cộng đồng qua báo chí, qua internet.
Trong số ấy, những bức họa gây ấn tượng nhất trong các hình bìa do Duy Liêm vẽ ở các ấn loát phẩm âm nhạc là: “Hoa Soan Bên Thềm Cũ” (lời và nhạc: Tuấn Khanh); “Chiều” (nhạc: Dương Thiệu Tước, lời: Hồ Dzếnh); “Con Thuyền Không Bến” (nhạc và lời: Đặng Thế Phong); “Tôi Sẽ Đưa Em Về” (nhạc và lời: Y Vân).
Màu trắng ngự trị trong họa phẩm bìa của bản nhạc “Hoa Soan Bên Thềm Cũ”, mà theo ta nghĩ đáng lẽ phải là màu đỏ vì hoa soan (chắc là hoa phượng vĩ ?), nhưng họa sĩ vẽ hình dáng một phụ nữ rất yểu điệu với chiếc áo dài trắng trên nền màu tím nhung nhớ.
Còn màu vàng ngự trị trong hình bìa ấn loát phẩm của bản nhạc “Tôi Sẽ Đưa Em Về”: màu vàng của con đường tràn trề ánh trăng trên đó có người nhạc sĩ mang cây đàn trên vai, tiễn bước em ra về. Hình cây trong họa phẩm của Duy Liêm thường trụi lá, có những cành bị cắt ngắn nhưng xòe ra hình cây quạt, không có vẻ tang thương như hình cây với các cành bị cắt cụt của nhạc sĩ Đặng Thế Phong mà qua đó có người nói vẽ cây như thế là báo trước một cuộc đời yểu mệnh. 
Và màu đỏ ngự trị trong họa phẩm bìa bản nhạc “Chiều”: màu đỏ của nền chân trời hoàng hôn, với hình một người đi qua khu rừng lá có những cây rẽ quạt. Lại vẫn bóng người nhạc sĩ với cây đàn trên vai, nhưng trong hình lần này một mình nhạc sĩ cô đơn trên con đường có lẽ thuộc khu rừng lá ở tỉnh Đồng Nai tiếp giáp với tỉnh Bình Thuận. 
Bản nhạc thứ tư với họa phẩm của Duy Liêm ta đề cập đến, bản “Con Thuyền Không Bến” với màu xanh thể hiện dòng sông, màu đen thể hiện cái bến mà thuyền không ghé. Đặc biệt có một cành cây nhiều nhánh cụt, phải chăng họa sĩ Duy Liêm liên hệ đến bức họa báo hiệu yểu mệnh của nhạc sĩ Đặng Thế Phong. Bóng trăng lại là màu trắng, tỏa ánh sáng trắng xuống con thuyền đang trôi không biết về đâu. Tiếc rằng đa số trong chúng ta không rành lắm về hội họa nên không thể bàn luận nhiều về đường nét, những màu sắc chủ đạo, nét họa lập thể, trong họa phẩm của họa sĩ nói chung, và của Duy Liêm nói riêng. Ta chờ đợi đọc các bài viết của những nhà chuyên về hội họa. 
Thơ nhạc họa quyện vào nhau trong những ấn loát phẩm âm nhạc thuở trước, đã in đậm nét vào hồn ta những kỷ niệm làm gợi nhớ gây xúc cảm, dù hôm nay đôi người chuyên môn nói có thể có những bản nhạc ấy bất cứ lúc nào khi in ra với các máy computer đủ loại từ trên bàn làm việc, ở trong cặp da, hay ở trong túi áo. Dĩ vãng thuở nào khoảng vài chục năm trước, ta cất giữ những bản nhạc dưới đáy va ly hành trang đi đó đi đây, hay trong hộc tủ ở nhà; ta trân quý những ấn loát phẩm âm nhạc in trên giấy mà qua thời gian trở thành ố vàng. Kỷ niệm của một thời vang bóng, khiến ta đôi lúc ngậm ngùi cho phương thức in ấn của thế hệ có ta trong đó, so với những tiện nghi văn minh hiện đại.
1/2013
Trần Văn Nam
Theo https://sites.google.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...