Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2020

Giếng lạnh, ruộng đồng, nắng hạ, thương nhớ

Giếng lạnh, ruộng đồng, 
nắng hạ, thương nhớ
Nghe lạc ngựa rùng chân bên giếng lạnh
Dưới đường xa nghe tiếng guốc đi về
Tôi thích hai câu thơ này không phải vì chúng giữ lại những âm thanh của một thời đã xa. Tôi quý mến sự nghe ấy, thấy nó gần với mình. Nhưng tôi cũng biết Tố Hữu và tôi khác nhau. Tố Hữu hoạt động năng nổ và ào ạt. Sự lắng nghe và nghe thấy ấy diễn ra khi ông, lúc đó là một thanh niên, bị bỏ tù. Tình huống ở trong nhà ngục của Tố Hữu khiến tôi lưu tâm về cảnh ngộ của một cá nhân và của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ.
Gì sâu bằng những trưa thương nhớ
Hiu quạnh bên trong một tiếng hò
Gì sâu bằng những trưa hiu quạnh
Ôi ruộng đồng quê thương nhớ ơi!.
Tôi sinh ra và lớn lên ở một khu nhà tập thể trong nội thành Hà Nội, chẳng bao giờ nghe thấy tiếng hò, chỉ nhìn thấy ruộng đồng lướt qua những ô cửa kính của cái xe chở đám học sinh chúng tôi đi tham quan. Mà tôi rất ít khi đi đâu, cũng không có tivi mà xem. Đến năm lớp 10 về Chuyên Ngữ học, ra vùng ngoại ô, đi chơi nhà bạn, tôi đạp xe ven các cánh đồng lúa và mới biết mùi hương của chúng. Thế mà từ trước đó, tôi đã lưu trong tâm trí mình giọng hò và ruộng đồng quê, một đất nước của mình, mà nó không phân biệt với những đất nước khác không phải của mình.
Bầm ơi có rét không bầm
Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn
Bầm ra ruộng cấy bầm run
Mẹ tôi là tiểu tư sản thành thị, dù mẹ làm nhiều việc vất vả, tôi chưa từng gắn hình ảnh của mẹ với việc cấy lúa, tôi cũng chưa từng cấy lúa bao giờ. Nhưng tôi không hề thấy mình xa lạ với người con và người mẹ trong bài thơ.
Còn nữa:
Con chim sẻ sẻ mới ra đời
Hôm qua nó hãy còn bay nhảy
Chỉ một ngày giam đã chết rồi

Tôi đọc những dòng này trên bảng đen của các anh chị học lớp buổi sáng, đến thời của tôi đã không còn bài này trong sách giáo khoa. Nhưng chỉ gặp gỡ lần ấy thôi là nhớ, cái chết của một con chim nhỏ bé là một sự kiện quan trọng. Bao nhiêu người vẫn cứ thích nhốt những con chim đang tự do vào lồng, hàng ngày đem cho chúng một ít thóc, để cho chúng xơ xác rồi chết. Tôi cứ nghĩ nếu mà họ gặp gỡ với thơ Tố Hữu, họ sẽ để tâm nhiều hơn tới sự tự do, không bắt và nhốt các loài chim đang bay nhảy.
Thơ Tố Hữu giản dị thế thôi, rõ ràng, bình dân, khỏe khoắn, tích cực, nhiệt thành, say sưa, đôi khi hào sảng và đẹp đẽ.
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một là một vườn cây lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim
Tôi biết thứ mặt trời bình thường vẫn chiếu sáng, cây xanh quang hợp ánh sáng mặt trời… Và tôi có lúc thấy trái tim mình “bừng nắng hạ,” “rất đậm hương và rộn tiếng chim.” Hoặc có khi nó nhen nhóm những yêu thương:
Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về
Bạn giảng cho tôi người yêu và người thương khác nhau như thế nào: “Người yêu ở phía trên là gắn với không gian lãng mạn, mơ màng, còn người thương thì khác - ấy là không gian trong cái nhìn gắn với hiện thực, với vất vả, gió sương. Khi mường tượng về người yêu thì đôi khi tưởng tượng của mình có sự tạo dựng để thỏa mãn trạng thái của mình, nên thấy mình là nhiều. Còn với người thương thì mình có sự để ý, nhìn ra người ta, nên cái nhìn có sự thấy người ta.”
Người chê thơ Tố Hữu hay trích thơ “nịnh Đảng.” Tôi cũng biết, nhưng đấy là một chuyện khác. Tôi không nghĩ mình bị “tẩy não.” Mà giả dụ tôi, như một đứa trẻ ngây thơ không có sức kháng cự, đã đón nhận những “thông điệp tuyên truyền” từ thơ Tố Hữu, thì ấy là: sự lắng nghe, lòng yêu thương, khát vọng tự do, và một tinh thần bừng nắng hạ.
Tố Hữu không phải là nhà thơ tôi yêu thích, nhưng tôi thích khá nhiều câu thơ của ông. Nếu toàn thơ kiểu Tố Hữu trong chương trình Văn phổ thông thì đến là ngộp thở, nhưng rất may Tố Hữu chỉ là một trong rất nhiều giọng thơ được giới thiệu. Tôi cần một giọng thơ như thế.
5/12/2016
Theo https://thanhhaphung.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Mùa xuân trong thơ Việt 20 Tháng Một, 2022 Với vũ khí sắc bén là thứ tiếng Việt tuyệt vời dường như sinh ra để dành cho các nhà thơ, h...