Thứ Ba, 30 tháng 6, 2020

Nhạc sĩ Văn Ký: Từ "Bài ca hy vọng" tới "Bay lên Việt Nam"

Nhạc sĩ Văn Ký: Từ "Bài ca hy vọng" 
tới "Bay lên Việt Nam"
Trong hơn 400 tác phẩm ở cả thanh nhạc, khí nhạc, nhạc múa, ca kịch... mỗi tác phẩm ra đời với nhạc sĩ Văn Ký lại có những khởi nguồn rất riêng.
Cuộc đời làm nghề, tôi may mắn được trò chuyện với nhạc sĩ Văn Ký nhiều lần. Song ở bất cứ thời điểm nào, chuyện đời, chuyện nghề ở ông luôn tiếp thêm năng lượng cho người đối diện, khiến câu chuyện luôn mới. Ở ông toát ra một phong thái an nhiên, tự tại.
Ông bảo: “Cuộc sống đẹp lắm, đất nước đi lên với rất nhiều điều đáng vui mừng. Tất nhiên, cuộc đời chẳng có gì là hoàn hảo 100%, nhưng so với những năm tháng trước đây, cuộc sống thay đổi quá nhiều, đất nước phát triển trên mọi phương diện không thể nào phủ nhận được”.
Trong hơn 400 tác phẩm ở cả thanh nhạc, khí nhạc, nhạc múa, ca kịch... mỗi tác phẩm ra đời với nhạc sĩ Văn Ký lại có những khởi nguồn rất riêng.
Ký ức không bao giờ quên
Ngược thời gian, nhạc sĩ Văn Ký cũng như nhiều nhạc sĩ cùng thời vinh dự đồng hành cùng dân tộc từ những ngày đầu cuộc khởi nghĩa cho tới ngày toàn thắng và trong thời kỳ đất nước đổi mới. Và không phải dễ gì ai cũng có được những tác phẩm để đời và những ký ức khó phai mờ trong trái tim người nghệ sĩ.
Ông Văn Ký kể: "Mùa xuân năm 1958, từng ca từ của bài “Bài ca hy vọng” được bật ra trong tôi một cách tự nhiên. Tình hình đất nước thời điểm đó nhiều khó khăn. Dù vậy, tôi cũng như nhiều người cùng thời có một niềm tin mãnh liệt, chắc chắn vào ngay mai tốt đẹp, tương lai đón chờ. Thậm chí tôi muốn bay lên cùng với đàn chim đi về tương lai mà tôi viết: Về tương lai! Ngày quê hương màu xanh áo mới, chứa chan niềm tin/ Đường ta đi xanh thắm mộng đời/Về tương lai! Đàn chim ơi! cùng ta cất cánh… Vài tháng sau tôi mang đến Nhà xuất bản Âm nhạc để in, nhưng bị từ chối. Ban biên tập nói bài hát lạc quan quá, lãng mạn quá, không phù hợp với giai đoạn cách mạng hiện thời.
Tôi đọc lại bản nhạc của mình, nhưng thấy không thể khác được nên đã mang đến Đài Tiếng nói Việt Nam. Giám đốc Đài lúc ấy là ông Trần Lâm đã giao cho nhạc sĩ Phạm Tuyên - Trưởng ban Âm nhạc bố trí để tôi trực tiếp dàn dựng. Đó là thời kỳ đất nước hai miền bị chia cắt, phong trào cách mạng miền Nam bị đàn áp, không hiểu cuộc đấu tranh kéo dài đến bao giờ… Nhưng chính chân lý “Việt Nam nhất định thắng” và niềm tin sắt đá của những người chiến sĩ cộng sản, của chính bản thân khi nghĩ về hiện tình đất nước, đã khiến cho “Bài ca hy vọng” có sức lan tỏa mạnh mẽ, thể hiện được tầm cao tư tưởng và có sức cổ vũ lớn lao, hướng công chúng vươn tới cái đẹp".
Nhớ lại những kỷ niệm xưa, nhạc sĩ Văn Ký kể nhiều về những kỷ niệm, cảm xúc theo ông suốt cả cuộc đời. Ông cũng không quên nhắc tới những người bạn, những người đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường và cả những người bạn vì điều kiện hoàn cảnh nào đó mà phải sống xa đất nước nhưng trong lòng họ luôn nặng trĩu một nỗi niềm với quê hương, dân tộc. Có những ký ức cứ hiện về như mới ngày nào.
Nhạc sĩ Văn Ký.
Ông tâm sự: "Khi sáng tác, tôi đặt mình vào một vị trí khác, không đơn thuần là tình cảm bình thường, tình yêu đôi lứa mà là cảm xúc tự nhiên bật lên, biến suy nghĩ của mình hướng đến những điều lớn lao, tươi đẹp của dân tộc mà ngay chính tôi cũng không hình dung được.
"Bài ca hy vọng" ngay khi mới ra đời không phải ai cũng thích, ủng hộ. Dường như chỉ những người đã sống trong ngục tù, từng trải qua những mất mát, đau thương trong chiến tranh mới thấy thấm thía. Chính câu chuyện của Bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước - cựu tù Côn Đảo từng kể rằng trong tù bà vẫn hát "Bài ca hy vọng" với tất cả niềm tin tưởng ở tương lai. "Khi nghe tù nhân hát Bài ca hy vọng, bọn cai ngục cho đổ vôi bột vào hầm, nhưng mọi thủ đoạn của chúng không bao giờ dập tắt được niềm hy vọng của những người cộng sản. Bài hát làm cho mọi người thêm đoàn kết không rời.
Bài ca hy vọng - Lan Anh
Không chỉ bà Trương Mỹ Hoa, bà Phan Thị Quyên - vợ anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, hay bà Trần Thị Châu là những minh chứng cụ thể và sinh động cho sức lan tỏa và trường tồn của "Bài ca hy vọng", mà theo nhạc sĩ Văn Ký thì: "Các chiến sĩ cộng sản có cùng một tư tưởng, một niềm tin như thế, cho nên dù trong tù ngục, gông cùm, họ vẫn hát Bài ca hy vọng với những lời ca bay bổng. Bởi chỉ có những người có cùng hệ tư tưởng mới cảm nhận rõ những ý nghĩa xa xôi về niềm tin chiến thắng.
Đã hơn 60 năm, tôi gặp được người nghe khi tận cùng cảm xúc trong tôi được biểu hiện ra và hòa với tầng cảm xúc của công chúng. Không dừng lại ở một tác phẩm thanh nhạc thông thường. Các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ còn chuyển soạn "Bài ca hy vọng" cho nhiều cây nhạc cụ độc tấu như: Guitar, sáo, violin cello, piano, phối khí cho dàn nhạc dân tộc, dàn nhạc giao hưởng và được đưa vào làm nhạc nền trong phim phim Đừng đốt".
Hy vọng để "Bay lên Việt Nam"
Nhạc sĩ Văn Ký là một trường hợp hiếm trong giới nhạc sĩ. Từng bị bệnh nặng, nhưng chính lối sống sống lạc quan và tập yoga hàng ngày theo phương thức của Ấn Độ đã cho ông một sức khỏe tốt hơn mà nếu không nói, ít ai ngờ năm nay ông đã ở tuổi xưa nay hiếm, 91 năm cuộc đời nhưng vẫn miệt mài sáng tạo với năng lượng tràn trề. Chính sự chiêm nghiệm cuộc đời đã tạo nên những cảm xúc sáng tạo nhất định, bởi ngày ấy và bây giờ cách xa rất nhiều.
Trong hơn 400 tác phẩm ở cả thanh nhạc, khí nhạc, nhạc múa, ca kịch... mỗi tác phẩm ra đời với ông lại có những khởi nguồn rất riêng. Và câu chuyện về tác phẩm “Bay lên Việt Nam” cũng khiến ông rưng rưng mỗi khi nhắc lại.
 "Bay lên Việt Nam' do Trọng Tấn 
và Mai Trang thể hiện.
Nhạc sĩ Văn Ký tâm sự: "Năm 2006, khi Việt Nam chuẩn bị chính thức gia nhập WTO, không khí xã hội hồ hởi, phấn khởi. Tổng biên tập VietNamNet lúc đó anh Nguyễn Anh Tuấn có ý tưởng tạo ra một trào lưu trong xã hội, truyền cảm hứng cho khát vọng Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam cất cánh bắt kịp các nước văn minh tiên tiến. Anh chọn từ cho trào lưu này là Bay lên Việt Nam để khích lệ, cổ vũ và âm nhạc nghệ thuật có tác dụng cổ vũ lớn còn hội hoạ là biểu tượng cho thị giác.
Từ suy nghĩ đó anh Nguyễn Anh Tuấn nghĩ ngay đến tôi và gọi điện thoại nói chuyện về ý tưởng này và mời tôi sáng tác bài hát với tựa đề Bay lên Việt Nam". 
Bay lên Việt Nam là cả một quá trình, cả một thời kỳ của cuộc đời sáng tạo của nhạc sĩ Văn Ký.
"Ở một góc độ tư duy nào đó thì "Bay lên Việt Nam" là phiên bản 2 của "Bài ca hy vọng". Tất nhiên, mỗi bài có một hình tượng âm nhạc khác nhau, ngôn ngữ âm nhạc khác nhau, cách biểu đạt cảm xúc cũng khác nhau, nhưng tư tưởng, tinh thần và tình cảm gần như nhau. Và Bay lên Việt Nam là một giai điệu hùng tráng, nhưng cũng có những phút giây lắng đọng, dịu dàng và lãng mạn vút lên, mở ra bầu trời lớn của tự do và khát vọng hòa bình trên hành tinh.
Một hình ảnh Việt Nam năng động, trẻ trung, biết trân quý những giá trị lịch sử, nhưng cũng biết quên đi quá khứ của chiến tranh để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. “Việt Nam ngày mới… hát lên gọi mời/ Bạn bè ta ở khắp nơi, về đây đất lành chim đậu/Ngàn năm sang trang sử mới/ Rồng thiêng tung cánh Thăng long Hà Nội/ Hà Nội hôm nay… Việt Nam bay lên… bay lên… bay lên Việt Nam bay lên...”
Hồn dân tộc trở thành ngôn ngữ của thời đại
Sáng tác của nhạc sĩ Văn Ký có giai điệu đẹp, ca từ giàu chất thơ, gợi hình ảnh rõ nét và đậm chất nhân văn sâu sắc. Có lẽ, những chiêm nghiệm từ cuộc đời đã cho ông có được những cảm xúc mãnh liệt trong sáng tạo và mang đến cho công chúng những tác phẩm nghệ thuật đích thực, trở thành những bài ca đi cùng năm tháng trong dòng chảy của âm nhạc Việt Nam.
91 tuổi nhạc sĩ Văn Ký vẫn miệt mài 
sáng tạo với năng lượng tràn trề.
Ngay trong Bài ca hy vọng cũng xuất phát từ chất liệu âm nhạc dân gian. Chưa nói đến sự phát triển của âm nhạc dân gian trong tác phẩm, chỉ câu hát cuối “Mùa đông và mây mù, sẽ... tan”, với việc sử dụng luyến âm ở chữ “sẽ” đậm chất dân gian, mà chỉ có trong âm nhạc ngũ cung của Việt Nam đã cho thấy nhạc sĩ Văn Ký phát triển, biến hóa để giai điệu ấy mang một sinh mệnh khác - sinh mệnh của một thời đại mới. Bởi với ông, mọi tác phẩm đều phải bắt nguồn từ dân tộc, bắt nguồn từ những gì tinh túy từ ngàn đời xưa cha ông ta xây dựng, hình thành nên.
Mặc dù các bạn trẻ có thể có những suy nghĩ khác. Cuộc sống cũng có những yêu cầu phát triển mới, cùng với sự phát triển của đất nước. Ngôn ngữ âm nhạc cũng cần có những thay đổi, nhưng tinh thần sẽ không thể khác. Bởi một tác phẩm thành công của thời kỳ này cũng sẽ mang tầm tư tưởng của cả một thế hệ, mặc dù hình tượng và ngôn ngữ âm nhạc của mỗi thế hệ cũng có những điểm khác biệt, nhưng về cơ bản thì tình cảm con người và lòng tin vào tương lai của đất nước cũng sẽ vẫn là như thế.
Ông quan niệm rằng: “Âm nhạc nói riêng, nghệ thuật nói chung phải độc đáo, phải có cái riêng, chứ nếu giống như các dân tộc khác trên thế giới thì cũng không hay lắm. Cho nên các bạn trẻ nên nghiên cứu kỹ âm nhạc dân gian và phát triển nó theo tư duy và ngôn ngữ mới - ngôn ngữ của ngày nay. Tôi không lo ngại về sự du nhập của âm nhạc ngoại lai. Tất nhiên trong sự phát triển đa dạng của nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng, không phải tất cả sáng tạo, làm mới đều là hay, nhưng cũng có những điều mới mẻ, sáng tạo rất độc đáo mà những cái đó chỉ có thời gian và công chúng sàng lọc, chứ cũng không nên cụ thể quá. Hãy để thời gian đủ để ta chiêm nghiệm, công chúng kiểm nghiệm và những gì còn lại  - đó mới là nghệ thuật đích thực".
Âm nhạc nghệ thuật luôn luôn là những tìm tòi sáng tạo, phát triển với những điều mới mẻ. Nhưng tất cả những cái mới cũng đều phải bắt nguồn từ cội rễ dân ca, dân nhạc cổ truyền của dân tộc. Với nhạc sĩ Văn Ký, âm nhạc cổ truyền ngấm vào máu. Song hồn cốt dân tộc đã được ông biến hóa trở thành ngôn ngữ của thời đại, và ngay trong từng câu hát được ông sử dụng ngôn ngữ dân tộc ở một dạng thức rất riêng - rất Văn Ký.      
14/8/2019
Trần Lệ Chiến

Ảnh: Lê Anh Dũng
Theo https://vietnamnet.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...