Mưa và những cuộc tình buồn
Có rất nhiều bản tình ca nổi tiếng gắn liền với những cơn
mưa. Mưa hồng, Tháng sáu trời mưa, Thương nhau ngày mưa… là những ca khúc gắn
liền với nhiều thế hệ yêu âm nhạc. Ít ai biết, bên cạnh những giai điệu da diết
đó là những cuộc tình tan vỡ…
Diễm xưa, Mưa hồng - Cuộc tình của nhạc sĩ họ Trịnh với hai
chị em
Một sự trùng hợp khi hai ca khúc gắn liền với cơn mưa của cố
nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đều để dành tặng cho hai nàng thơ, cũng là hai chị em ruột.
Theo nhiều tư liệu, “người sáng tác nhiều nhạc tình hay nhất thế kỷ” Trịnh Công
Sơn đã có hai mối tình thơ mộng với cả hai chị em Ngô Vũ Bích Diễm và Ngô Vũ
Dao Ánh.
Trong mối tình với Diễm, Trịnh Công Sơn dường như chưa kịp
nói lời yêu, mà chỉ thổ lộ tình cảm qua những ca khúc tặng Diễm và Diễm cũng
không dám đáp lại tình cảm của ông. Mối tình ấy đẹp như một nụ hoa e ấp. Với Diễm,
nhạc sĩ họ Trịnh có tuyệt tác Diễm xưa: “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ, dài
tay em mấy thuở mắt xanh xao…”
Những lúc Trịnh Công Sơn đến nhà Diễm, thì Dao Ánh - em gái của
Diễm còn là một cô bé. Mấy năm sau Dao Ánh trở thành một thiếu nữ xinh đẹp.
Sau khi biết chị mình chia tay với Trịnh Công Sơn, cô em Dao
Ánh đã viết thư an ủi và chia sẻ cùng nhạc sĩ. Trịnh Công Sơn đã viết thư trả lời
và tình cảm nảy sinh. Cuộc tình của nhạc sĩ tiếp tục đi vào kết cục buồn. Trịnh
Công Sơn chủ động chia tay với Dao Ánh bằng những lời lẽ vô cùng thống thiết.
Sau năm 1975, Dao Ánh theo chồng sang Mỹ và không quên mang theo tất cả những kỷ
vật đã có với nhạc sĩ.
Cái tên Dao Ánh tuy không được nói ra nhưng được ngầm hiểu là
giai nhân trong hàng loạt những Mưa hồng, Tuổi đá buồn, Như cánh vạc bay,
Chiều một mình qua phố, Lời buồn thánh…
Mưa nửa đêm - Bài ca sầu tủi của Trúc Phương
Theo ghi chép của bạn bè, cố nhạc sĩ Trúc Phương có rất nhiều
mối tình lãng mạn. Nói là mối tình có lẽ, cũng chỉ là sự đơn phương từ phía
ông. Bởi từ tư liệu tìm được thì Trúc Phương yêu đơn phương rất nhiều người.
Những ngày đầu đặt chân lên đất Sài Gòn, không tiền bạc,
không một ai thân quen, Trúc Phương nhận dạy nhạc cho cô con gái của một gia
đình giàu có. Thương hoàn cảnh đơn côi của ông, gia đình ấy đã cho ông trọ lại
tại nhà. Cảm thông, rồi dần dần ngưỡng mộ tài năng, trái tim cô con gái của chủ
nhà đã rung động trước chàng nhạc sĩ nghèo. Quyết ngăn cản tình yêu của đôi trẻ,
ba mẹ của cô gái đã đuổi xua ông đi nơi khác. Ngậm ngùi cho số kiếp nổi trôi,
Trúc Phương đành trút tâm sự vào những câu hát đớn đau, sầu tủi.
Những cơn mưa dai dẳng càng làm cho nỗi buồn của chàng nhạc
sĩ dày thêm: “Ngoài hiên mưa tuôn mưa lạnh xuyên qua áo ai, canh dài nghe bùi
ngùi…”. Mưa nửa đêm là một trong những nỗi lòng của ông về đời người với tình
duyên lận đận.
Thương nhau ngày mưa - Điệu Slow Rock vương vấn
Đây là ca khúc được phổ biến rộng rãi của nhạc sĩ Nguyễn
Trung Cang trong thời điểm còn gắn bó với ban nhạc Phượng Hoàng. Bản nhạc đã làm
xao xuyến con tim của biết bao thế hệ sinh viên Sài Gòn thuở đó. "Như
mưa ngày nào thấm ướt vai em, như mưa ngày nào khuất lấp sao đêm"... Điệu
Slow Rock nhẹ nhàng vương vấn, dòng nhạc tựa những cơn mưa tuôn rơi đều đặn
trên những khuôn nhạc réo rắt.
Đây là ca khúc đánh dấu sự thăng hoa đầu tiên của Nguyễn
Trung Cang với định mệnh âm nhạc của mình. Khi cùng Phượng Hoàng lang thang khắp
các phố phường, quán bar biểu diễn, giọng ca chính Elvis Phương của nhóm đã thắp
lửa cho Thương nhau ngày mưa bằng giọng hát đặc biệt của mình. Tiếng ngắt dứt
khoát của điệu Slow Rock và những trần tình chắp vá, không đầu không cuối của một
tình yêu trai trẻ đã làm nên một trác tuyệt cho đến giờ vẫn đủ đánh thức tâm hồn
của nhiều người yêu nhạc đang say ngủ.
Tháng sáu trời mưa - Bài thơ được hai nhạc sĩ cùng phổ nhạc
“Tháng sáu trời mưa trời mưa không dứt, trời không mưa anh
cũng lạy trời mưa…”, lời ca này đã quá quen thuộc với nhiều thế hệ yêu nhạc.
Đây là ca khúc đóng đinh cùng với tháng sáu của nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm. Bài
hát được phổ nhạc từ bài thơ tình tuyệt tác của thi sĩ Nguyên Sa.
Bài thơ này đã được hai nhạc sĩ tài danh phóng tác thành hai
ca khúc nổi tiếng: Ngô Thụy Miên dựa trên ý thơ mà phổ thành ca khúc Tình khúc
tháng sáu (1984) và Hoàng Thanh Tâm phổ thành ca khúc Tháng sáu trời mưa
(1987).
Hoàng Thanh Tâm sáng tác hơn 60 tác phẩm nổi tiếng, có sức ảnh
hưởng không nhỏ trong nền âm nhạc Việt Nam từ thập niên 1980 đến nay. Các tác
phẩm của ông được những giọng ca đình đám như Thái Hiền, Khánh Ly, Lệ Thu... chọn
thể hiện.
Lạnh trọn đêm mưa - Cuộc tình u hoài
“Mưa buồn ơi thôi ngừng tiếng, mưa cho phố nhỏ càng buồn
thêm…” là lời ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Huỳnh Anh. Sinh năm 1932 tại Cần
Thơ, Huỳnh Anh là tay trống lẫy lừng thập niên 40-50, ngoài trống, ông còn chơi
được nhiều nhạc cụ từ guitar, piano cho tới kèn, percussion. Ông có hai ca khúc
về mưa được nhiều người yêu thích là Mưa rừng và Lạnh trọn đêm mưa.
Ngoài những ca khúc trên còn rất nhiều tình khúc mưa nổi tiếng
khác được người nghe nhạc rất yêu mến.
Đỗ An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét