Thứ Năm, 25 tháng 6, 2020

Tiến sĩ Lê Văn Tuấn - Nhà khoa học thế giới đa tài

Tiến sĩ Lê Văn Tuấn
Nhà khoa học thế giới đa tài
Tiến sĩ Lê Văn Tuấn là Nhà khoa học thế giới; là  Nhà thơ, Nhà văn với  hàng chục tập thơ, văn xuôi đã xuất bản; ông còn là Nhà soạn nhạc, Nhà lưu trữ, Kỷ lục gia Việt Nam - Châu Á - Thế giới. Hiện ông là Phó Chủ tịch Hiệp hội Những người Lao động Sáng tạo Việt Nam; Tổng giám đốc Trung tâm UNESCO Khoa học Nhân văn và Cộng đồng (UNESCOM); Tổng đại diện Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam tại phía Nam, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị NPO Việt Nhật, đồng thời là Uỷ viên Ban chấp hành của Tổ chức kỷ lục Việt Nam, hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam.
Đã có rất nhiều tờ báo, tạp chí trong và ngoài nước viết về ông. Tạp chí Sáng tạo giới thiệu bài viết mới nhất về ông của ThS. Báo chí Hiền Trang - Hoa Mặt Trời.
Người đầu tiên đưa ụ nổi 6000 tấn về Việt Nam
Nhà khoa học, TS Lê Văn Tuấn sinh ngày 25 tháng 6 năm 1953 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông được cử đi du học tại Đại học Bách khoa Minsk, Belarusia - Liên Xô. Năm 1976, ông về nước và được phân công công tác tại Bộ Ngoại thương - Cục Hàng hải Việt Nam. Năm 1992, sau giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, ông là người đầu tiên đưa ụ nổi 6000 tấn về Việt Nam, cũng là người đầu tiên áp dụng cơ chế “khoán” sản phẩm trong công nghiệp để từ hai bàn tay trắng xây dựng thành công nhà máy dân sự sửa chữa tàu biển và gian khoan biển Shiplacom bằng ụ nổi bê tông cốt thép duy nhất tại miền Nam - Việt Nam. Trong những năm đầu đất nước đổi mới, khi lĩnh vực sửa chữa tàu biển bằng ụ nổi còn rất mới lạ, với đầu óc sáng tạo của mình, ông đã mạnh dạn liên doanh liên kết với nước ngoài để mời các chuyên gia giỏi của họ về đào tạo và huấn luyện thợ lành nghề và kỹ sư Việt Nam. Nhà máy sửa chữa tàu biển và gian khoa biển bằng ụ nổi là công nghệ tiên tiến nên đã lấy được nhiều hợp đồng sửa chữa các tàu biển lớn của các nước như: Hy Lạp, Nga, Ấn Độ,… tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân Sài Gòn. Ông nhận được cái nhìn thiện cảm, quý mến trân trọng từ nhân dân và các đồng nghiệp nước bạn, điều đó còn là một minh chứng cho thấy rằng Việt Nam cũng không thiếu những con người giàu ý chí và kiên cường.
Năm 1995, sau khi xây dựng nhà máy giai đoạn 1 với ụ nổi xi măng cốt thép 6000 tấn thì ông đã bảo vệ thành công trước Chính phủ, 8 Bộ phải tham gia xét duyệt, dự án: “Xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển và giàn khoan biển Shiplacom giai đoạn 2 với ụ nổi 8000 tấn” mở ra một thời kỳ mới trên con đường tiến lên hiện đại hóa theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Nhà khoa học thế giới
Nhận bằng tiến sĩ danh dự của trường Đại học kỷ lục thế giới
Năm 2011, ông vinh dự được Liên hiệp UNESCO Thế giới  trực thuộc tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp Quốc - UNESCO vinh danh ông là một Nhà khoa học thế giới bởi sự đóng góp giá trị cho WFUCA qua công trình về nền khoa học toàn phần với tựa đề “Giọt nước mắt của Đấng tạo hóa và Học thuyết Vũ trụ” NXB Văn học) tại Đại hội UNESCO Thế giới lần 8 tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Ông George Christophides - Chủ tịch liên hiệp UNESCO Thế giới và Ông Nguyễn Xuân Thắng - Tổng thư ký các Hội UNESCO Thế giới, Chủ tịch Liên Hiệp UNESCO Việt Nam đã chính thức vinh danh TS. Lê Văn Tuấn với những đóng góp vô cùng ý nghĩa mà ông đã mang tới cho Đại hội lịch sử lần này. Xuyên suốt cuốn “Giọt nước mắt của tạo hóa và Học thuyết vũ trụ” độc giả sẽ dần “ngộ” ra những điều tưởng như đơn giản nhất và cả những điều cao siêu đến khôn cùng. Theo cách lý giải của nhà khoa học Lê Văn Tuấn, thì không có gì là ngẫu nhiên. Những cái cao siêu chưa hẳn là vĩ đại. Nhưng, những cái vĩ đại bao giờ cũng giản dị đến vô cùng. Vũ trụ và Đại quy luật (Phản diện - Đối xứng - Cân bằng) được Lê Văn Tuấn viết ra hết sức dung dị. Cuốn sách “Giọt nước mắt của Đấng tạo hóa và Học thuyết Vũ trụ” đã được Ban tổ chức Đại hội UNESCO Thế giới lựa chọn để làm món quà ý nghĩa gửi đến các đại biểu quốc tế đến thăm Việt Nam và tham dự đại hội. Cuốn sách dày 999 trang nằm trong trọn bộ 7 tập, là kết quả tâm huyết của hơn 40 năm nghiên cứu của Lê Văn Tuấn về cuộc sống con người, cuộc sống vũ trụ không tách khỏi nhau. Cuộc sống con người và sự phát triển của nó luôn được chi phối bởi các quy luật tuyệt đối hoàn hảo và bất biến của tự nhiên. Và sê - ri 7 quyển sách này lần lượt trình bày về những quy luật đó. Cuốn sách viết về khoa học nhưng lại được mô tả dưới ngòi bút văn học và thi ca. Đây không chỉ là niềm vinh dự lớn lao của TS Lê Văn Tuấn mà còn là niềm tự hào của giới văn nghệ sĩ nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.
“Cha đẻ” của nền âm nhạc CROR
TS. Lê Văn Tuấn đã từng đặt chân đến nhiều nơi trên trên khắp thế giới. Thâm nhập, len lỏi, tiếp cận với sự đa dạng của nhiều tầng lớp nhân dân, TS. Lê Văn Tuấn thấu hiểu được cuộc sống muôn màu muôn vẻ của trần gian. Âm nhạc CROR là âm nhạc viết về số phận con người và cuộc mưu sinh vĩ đại của họ. Ngày 27-10-2012, Tổ chức kỷ lục Châu Á trao bằng xác lập kỷ lục cho Lê Văn Tuấn: “Người sáng tạo ra âm nhạc CROR và thực hiện thành công quyển sách âm nhạc CROR độc đáo và sáng tạo được ấn loát với kích thước lớn nhất”. Có thể nói, âm nhạc Cror đã trở thành “thương hiệu” của Lê Văn Tuấn. Ngày 29-08-2016, TS. Lê Văn Tuấn đã được Liên minh Kỷ lục Thế giới trao bằng xác nhận kỷ lục thế giới cho quyển sách lý luận về âm nhạc CROR: “Cuốn sách độc bản khổ siêu đại giới thiệu về dòng nhạc CROR với hình thức và nội dung sáng tạo mới lạ nhất”. Nói về danh hiệu Kỷ lục gia Châu Á, Thế giới, Lê Văn Tuấn rất xúc động: “Tôi thật sự bất ngờ và sửng sốt. Và tôi đã đón nhận danh hiệu này như một ân huệ của tổ tiên và trời đất dành cho những cống hiến nhỏ bé của mình. Tôi đã từng được vinh danh là nhà khoa học thế giới, nay đón nhận danh hiệu Kỷ lục gia… như thế là đã có một sự nối liền giữa Việt Nam - Châu Á - Thế giới trong tôi”. Âm nhạc CROR là sự phối hợp giữa âm nhạc cổ điển, âm nhạc lãng mạn, đại ca kịch của phương Tây và Rock- sự gặp gỡ giữa Blue và Country (Classic - Romantic - Opira - Rock viết tắt là CROR)... Ở đó, khi tiếng đàn Ghita bass đi ra theo những chuỗi đàn rất nhẹ nhàng, thì đàn Piano không theo cách đánh của ngày xưa, lại có tính ngẫu hứng, nhưng cái ngẫu hứng phù hợp với người dân Việt. Giáo sư Trần Văn Khê nhận xét âm nhạc CROR trước khi về cõi vĩnh hằng: “Từ trước đến nay tôi chưa nghe âm nhạc CROR lần nào, nhưng năm 2011 tôi có thể ngồi nghe trong hơn 2 tiếng đồng hồ, đi từ khám phá này đến khám phá khác, từ yếu tố này khám phá ra yếu tố khác. Khi đó tôi nói với Lê Văn Tuấn: Âm nhạc của em không phải viết ra bằng lý trí, không phải viết ra bằng những dấu hiệu trên tờ giấy, mà em viết ra bằng con tim, bằng tình thương và tất cả những gì thiêng liêng, quý giá của con người. Mặc dù không được khỏe lắm nhưng khi nghe nói có buổi biểu diễn của em tôi nhất định phải tới nghe…”
Người khai sáng con đường Việt Nam nhân văn
Ngày 3-10-2013, sự ra đời của Trung tâm UNESCO Khoa học Nhân văn và Cộng đồng đã mở ra chân trời mới, hướng đến sự phát triển không ngừng của các giá trị nhân văn. Tại buổi lễ ra mắt, Tiến sĩ Lê Văn Tuấn - Tổng giám đốc Trung tâm UNESCO Khoa học Nhân văn và Cộng đồng đã chính thức phát động Lễ khởi động Con đường Việt nam nhân văn. Con đường Việt Nam nhân văn đã gióng lên tiếng chuông để nhân loại hành động vì một thế giới đại đồng. Ông đã xây dựng được những hành trình tìm đến những con người cụ thể, những tổ chức cụ thể, những vết tích cụ thể dù đã trôi đi trong quá khứ. Ông đi tìm kiếm những con người, những tập thể đang âm thầm lao động, sáng tạo làm ra của cải cho đất nước để ngợi ca, để tôn vinh giá trị tất cả những việc làm cao quý của những con người dù họ bình dị hay xuất chúng. Ông mong muốn, sẽ tập hợp chân dung cao quý của họ trong bảng vàng nhân đạo thế giới.
Cục văn thư và lưu trữ nhà nước, Trung tâm lưu trữ Quốc gia II đã tổ chức Lễ tiếp nhận tác phẩm xác lập kỷ lục sách Việt Nam “Giọt nước mắt cho đại dương và âm nhạc CROR” cùng các công trình thi ca, văn học, văn hóa nghệ thuật, âm nhạc, khoa học. Toàn bộ những công trình này được Trung tâm lưu trữ Quốc gia II lưu trữ vĩnh viễn, trở thành một di sản trong kho tàng di sản của dân tộc. TS Nguyễn Xuân Hoài - Giám đốc Trung tâm lưu trữ Quốc gia II cho biết: “Những công trình của Lê Văn Tuấn rất xứng đáng được đưa vào bảo quản vĩnh viễn”.
Tất cả các tác phẩm của ông, từ truyện thiếu nhi, truyện ngắn, thơ, tiêu thuyết, các tác phẩm âm nhạc… là một trái tim luôn đập những nhịp đập tràn đầy tình yêu thương cho số phận con người, cuộc sống, thiên nhiên. Hơi thở của hạnh phúc, tiếng kêu rên của đớn đau, tình yêu thương của nhân gian bá tánh đã liên tục gào thét trong ông làm nên những bản nhạc thấm đẫm tình người, mênh mang bất tử ngay cả ở những cõi vô hình. Ông viết: “Với một tình yêu thương lớn lao như trời cao biển rộng  thì nỗi đau nào cũng làm máu chảy ở khắp nơi”
Nội dung bao trùm và sự tư duy xuyên suốt tất cả các tác phẩm của ông: đó là một triết học của con người, tôn vinh một thế giới đại đồng trong hòa bình, hạnh phúc và sáng tạo. Hơn 40 năm thai nghén nghiên cứu về vũ trụ và cuộc sống con người. Ông đợi đêm về để nhìn mưa rơi trong dải thiên hà và ngẫm nghĩ về những quy luật vũ trụ đã điều khiển các hành tinh được sắp xếp một cách hoàn hảo trên quỹ đạo ngàn năm của chúng. Ông đợi nắng lên đón ánh nắng mặt trời để ngẫm về cái vòng tròn trường sinh của tạo hóa và nảy nở những vần thơ “trời xanh sẽ rắc ngàn hoa xuống, vá lên áo rách những chùm hoa”. Bao trùm và xuyên suốt tất cả các tác phẩm văn học, âm nhạc, khoa học của ông là một triết học vì con người. Điều thú vị, như chia sẻ của nhiều bạn bè ông, là một số tác phẩm khoa học lại được viết một cách rất độc đáo, gần gũi bằng cả thơ ca, … Đến nay, tác giả Lê Văn Tuấn đã xuất bản 8 tập thơ: Chảy trong mạch đất, Mùa hoa bưởi nở trên sa mạc, Giấu hoa mộc miên nở trong tim, Sương mai còn ướt trên mặt sóng, Bài ca chim cắt, Mật mã trường sinh, Hòa bình trên đỉnh văn minh, Ân tình non nước. Ông đã chinh phục được rất nhiều trái tim bạn đọc qua “Bài ca con Linh Dương”, “Cánh chim lạc mẹ”, “ Chú Vịt Mốc”, “Mảnh giấy của chim”, “Mr.Beo” v.v… Ngoài ra, ông còn được biết đến như một cây bút siêu thực với tác phẩm “Anh em rắn và chú bé Tan”; “Lời cầu hôn của Quỷ”; cùng với hàng loạt các tác phẩm đặc sắc khác như “Sự lố nhố trên bãi biển”, “Một bàn tay cuối cùng bám vào bờ vực thẳm” v.v… Trái tim ông luôn đập những nhịp đập đầy tràn tình yêu thương cho số phận con người, cuộc sống, và một tình yêu đặc biệt dành cho các em nhỏ.
Sinh ra để mang sứ mệnh
Suốt cuộc đời mình, ông đã và đang hiến dâng cho nhân loại những công trình khoa học vĩ đại, trong đó 7 tập học thuyết Thiên - Địa - Kinh đã hoàn thành. Đây là một nền khoa học mới, đưa đến cho con người khả năng phi thường đối thoại được với tự nhiên và giải mã mọi bí ẩn hữu hình cũng như vô hình của cuộc sống. Với tầm hiểu biết sâu rộng, trí óc và sự lao động bền bỉ của một bậc thầy về khoa học thực nghiệm và tâm linh, Tiến sĩ Lê Văn Tuấn đã ấp ủ một nền khoa học kết hợp được cả khoa học đương đại hữu hình lẫn khoa học tâm linh vô hình. Khoa học Toàn phần Thiên - Địa - Kinh ra đời là nhu cầu đòi hỏi của nhân loại để hiểu về chính họ, tìm một đường lối khoa học cụ thể thoát ra khỏi cái hang tăm tối của tri thức phiến diện, những u mê một chiều của tín ngưỡng và những cảm nhận hay là sự diễn giải trừu tượng, phi khoa học đang bủa vây trói buộc loài người. Đường lối Khoa học quy luật Thiên - Địa - Kinh là một nền văn minh mới mà trong đó đẳng cấp khoa học cao siêu của nó đủ sức dẫn dắt con người hiểu về tâm thức, nhận ra tâm linh là những thứ vô hình - Tức là khoa học có đủ tầm vĩ đại để giúp con người nhận ra cái cao cả, cái vô hình cái siêu đẳng của tự nhiên. Nền khoa học mà Tiến sĩ Lê Văn Tuấn được phép chấp bút là chìa khóa giải mã những câu chuyện dưới ánh sáng của Khoa học Qui luật Toàn phần Thiên - Địa - Kinh. Ở đó, nó phải trả lời được các câu hỏi to lớn bí ẩn một cách minh bạch chứ không phải né tránh hay suy luận chủ quan của bất cứ cá nhân nào. Đó chính là “Sự bùng nổ của bóng tối và lời hứa trước bình minh” cho một tương lai rạng rỡ huy hoàng. Và khi đó, loài người đón nhận nó, như đón nhận những phút giao thời, những tiếng chuông cuối cùng của một thời đại bế tắc, lạnh lùng của vật thể vật chất, sự bất lực và cô độc khi xa rời tự nhiên.
Ngoài khối lượng tác phẩm khoa học và âm nhạc đã được lưu trữ vĩnh viễn trong di sản văn hóa quốc gia, mới đây, vào mùa xuân 2017 này ông đã cho ra đời thêm 16 ấn phẩm bao gồm 3 quyển truyện cho các em nhỏ, 6 tập” Qùa tặng từ trái tim”, 6 tập “Đối thoại xuyên thế kỷ” và một  kiệt tác có thể gây chấn động loài người, kiệt tác về “Người đồng tính và các thể người khác dưới ánh sáng khoa học Thiên - Địa Kinh”. Đây là quyển sách duy nhất đầu tiên trên thế giới đưa ra kiến giải khoa học giải mã bản chất thực của các thể người mà chính họ hàng trăm năm nay cũng chưa hiểu nổi “Họ là ai”.
22/12/2018
Hiền Trang - Hoa Mặt Trời
Theo http://doanhnghiepxanh.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...