Thứ Ba, 30 tháng 6, 2020

Chuyện kể trong đêm trung thu

Chuyện kể trong đêm trung thu
Đã 6 giờ chiều, hắn vẫn còn ngồi ở quán bia “cóc” tại một thị xã đông đúc. Chả là, anh bạn thân ở hội văn nghệ địa phương sau khi viết xong cái truyện ngắn, biết hắn đang có việc ở thị xã bèn truy tìm bằng được để khoe. Đọc xong dòng cuối bản thảo, ông bạn kéo hắn bằng được đi chiêu đãi. Biết văn nghệ sĩ tỉnh là nghèo nên hắn đã chủ động “tiến cử” một quán bia bình dân mà hắn từng đến, để ông bạn đỡ thâm thủng “màng túi” khi tỏ lòng hiếu khách và cũng không làm tổn thương đến sĩ diện của bạn… Nhưng thật oái oăm, ở ngay cạnh quán bia này vừa mới khai trương một cửa hàng đặc sản “Gà quê”. Bạn hắn định chạy sang kiếm nửa con gà sang nhậu với bia vi sinh (mà hắn phải bấm bụng nói là bia địa phương có hương vị rất đặc biệt!). Hắn giữ tay bạn lại: “Thôi, uống không cho mát. Uống nhanh, tôi phải về. Ông quên đêm nay là Trung thu, còn tôi có con nhỏ à?” Ông bạn nhăn mặt: “Ông buồn cười nhỉ. Lâu ngày mới gặp nhau. Xe ông về chỉ hơn tiếng đồng hồ! Mà uống thì phải có đồ nhậu. Gà quê đây ngon lắm, lại an toàn!” Hắn lắc đầu quầy quậy: “Nhưng tôi không biết ăn thịt gà!” Không hiểu sao hắn bịa ứng phó nhanh thế! Ông bạn tròn xoe mắt sau cặp kính cận dày cộp: “Thế à? Nhưng hình như, lần trước trong cuộc chiêu đãi của tỉnh…Vậy thịt chó nhé? Hôm nay không phải đầu tháng, cũng chưa phải cuối tháng. Trẻ con không được ăn thịt chó (*), nhưng chúng ta thì ăn được”. Đúng là lý luận cù nhầy cốt là để cuối cùng được bày tỏ lòng quý bạn. Hắn nhún vai. “Tôi càng không biết ăn. Ông biết đấy, tôi tiêu hoá kém, mà thịt chó quá nhiều đạm.” Điều này thì hắn nói đúng trăm phần trăm, và bạn hắn thì “tâm phục khẩu phục” hoàn toàn.
Lẽ ra những câu chuỵên văn chương lẫn đời thường của hai “vĩ nhân tỉnh lẻ” sẽ rất trọn vẹn, lý thú, nếu như không có cái mùi cánh gà nướng, chân gà nướng bay sang ngào ngạt, cái mùi “hoa tiêu” đặc trưng của dân nhậu chuyên nghiệp. Xin mở ngoặc, hắn chỉ là dân nhậu nghiệp dư, nhưng cái mùi “đưa đẩy” bia rượu kia quả là hấp dẫn! Nếu ông bạn hắn là dân doanh nghiệp “máu mê” văn nghệ, hắn chẳng nề hà gì để xơi gọn cả hai đùi gà quê bạn chiêu đãi, và thêm vài cái cẳng gà nướng cũng chẳng sao - mặc dù hắn không phải là kẻ có “tâm hồn ăn uống” gì! Hắn bỗng nhớ lại một lần cũng lâu rồi, ở một ngôi nhà sàn miền núi, vào bữa cơm rượu đãi khách, hắn đã gắp ngay hai cái đùi gà cho hai đứa trẻ con, trước những ánh mắt thán phục và lời trầm trồ khe khẽ: “Cán bộ hiểu phong tục đồng bào quá!” Và rồi hắn chỉ chọn toàn xương xẩu để gặm. Lúc đó, hắn chỉ hành động theo thói quen hình thành ở gia đình; và mới ra trường, hắn đâu đã biết gì về phong tục đồng bào! Hắn chỉ biết một điều: vì quý khách mà gia chủ chọn con gà béo nhất trong đàn gà thường chỉ để đem ra chợ bán chứ ít khi được thịt trong bữa ăn hàng ngày…
Câu chuyện giữa hắn và ông bạn bên cốc bia địa phương, đĩa lạc luộc chẳng mấy chốc lại xoay sang chủ đề “cái ăn” trong nghệ thuật chữ nghĩa. Bạn hắn bảo: “Ông thấy không, văn chương nước mình viết về miếng ăn, cái đói sao mà thấm thía! Chắc nhà văn thế giới không ai vượt qua được ông Nam Cao trong “lãnh địa” này!” Hắn gật đầu đồng tình, lặng lẽ uống, và mặc dầu bia rất khó uống hắn cũng làm ra vẻ “bia rất lạ” như hắn tuyên bố lúc đầu, lại còn đòi thêm cốc nữa!
Lúc chia tay, bạn hắn về trước, còn hắn chạy vào toa let (toilette) nồng nặc của quán để nôn ra bằng hết thứ bia cỏ rẻ tiền. Khi ra, đang lục túi quần tìm chìa khoá xe máy chẩn bị cho cuộc hành trình gần 60 cây số về Thủ đô thì có một người đàn bà quang gánh toòng teng đến gần hắn năn nỉ: “Anh ơi, mua nốt giúp em đi...” Hắn nhìn người đàn bà. Gọi là chị cũng được mà gọi là bà cũng không quá. Người ấy thuộc type không thể đoán được tuổi vì sự lam lũ, khổ sở, nhẫn nhịn và có lẽ cả sự tự tôn nữa. Hắn nhìn vào đôi sọt. Vài quả na thâm xì, mấy quả hồng rụng cuống lấm tấm đen, đôi ba quả xoài nẫu. Hắn bật cười vô thức, vẻ giễu cợt: “Mấy thứ này còn ăn làm sao được nữa hở bà trẻ! Với lại, tôi phải đi xa, không mua hoa quả làm gì!” Hắn tra chìa khoá vào cổ xe, rồi bất giác ngước nhìn lên. Đôi mắt người đàn bà ẫng nước. “Bác mua hộ cho các con em đi…” Lời người đàn bà nhẹ như hơi thở, nhưng hình như có một sức mạnh kỳ lạ nào ẩn phía sau, và chị ta nói thật nhanh, thật khẽ khàng dường bằng cách đó mới có thể duy trì được lòng dũng cảm “… Em bán rẻ cho bác… Em chỉ cần đủ tiền mua một chiếc đèn ông sao…và mấy cái chân gà bị loại cho các cháu đêm nay…” Một lời lẽ thông thường sắp bật khỏi cổ họng hắn, như phản ứng của hầu hết mọi người lúc đó: “Việc ấy thì liên quan gì đến tôi! Để tôi đi, cái bà này lôi thôi quá!” Nhưng lời lẽ đó bỗng tắc lại giữa chừng. Hắn chợt “ngộ” ra cái hoàn cảnh của người đàn bà xa lạ… Người ấy đang cầu xin hắn, với tất cả tính chất cấp bách và cả lòng tự trọng cần phải có… Hắn có thể gạt đi, phóng vù xe, và con đường đêm đầy gió lộng trong lành sẽ giúp hắn quên đi tất cả sự trớ trêu của nhân thế lẫn cảnh ngộ đau lòng này… Nhưng đó có phải là một giải pháp tối ưu? Còn nếu không, hắn sẽ phải làm gì với cái đống hoa quả nát này? Liệu vợ hắn, mẹ hắn, các em, các cháu hắn có cười vào mũi hắn là kẻ dở hơi?... Hắn cứ nghĩ ngợi bao đồng trong lúc lục túi để trả tiền và nhét các thứ quả vào túi nylon, rồi lại phải làm ra vẻ hí hửng vì đã mua rẻ được của hời! Hắn biết trước là mẹ hắn sẽ lôi đống hoa quả đó ra từ tủ lạnh rồi kêu trời kêu đất đến hàng xóm cũng phải nghe thấy và phì cười!
Nhưng đó là chuyện của ngày hôm sau. Còn đêm đó, hắn về đến Hà Nội lúc hơn 8 giờ rưỡi. Bụng đói mềm, hắn mở lồng bàn đậy mâm cơm để phần (hắn đã gọi điện về là sẽ ăn cơm ở nhà). Mẹ hắn vì đợi lâu quá nên đã ăn trước rồi lên phòng riêng xem tivi. Sáng nay, vợ hắn thuê taxi đưa đứa con gái đầy tháng tuổi về quê ngoại. Theo tục lệ ở quê vợ hắn, bà mẹ vợ sẽ ra chăm sóc con gái một tháng sau khi sinh nở tại nhà chồng, rồi sau đó lại đón hai mẹ con để chăm sóc một tháng nữa ngay tại quê. Trước khi vợ con hắn đi, mẹ hắn đã thịt một con gà to để làm cơm thắp hương, và ở nhà chỉ còn hai mẹ con hắn ăn cơm cúng tối nay. Lúc chiều tối, hắn ngăn bạn không mua gà để nhậu, phần lớn vì ái ngại cho túi tiền của bạn, nhưng cũng một phần vì hắn biết chắc lát nữa về cũng được ăn gà quê (bố vợ hắn đã gửi ra cho gia đình nhỏ của hắn một đôi gà bự nhân dịp đầy tháng con bé.)
Nhưng mở lồng bàn, món quan trọng nhất trong một mâm cơm cúng thì hắn chẳng thấy! Hắn mở chạn. Rồi mở tủ lạnh. Đều không thấy. Hắn chạy lên gác. Mẹ hắn không rời mắt khỏi tivi. “Mẹ ăn cơm chưa?” - “Rồi! tao đợi mãi…” - “Thế…sáng mẹ không mổ gà à?” - “Sao lại không! Gà hơn cân, béo lắm!” - “Thế có còn không, mẹ?” Lúc ấy mẹ hắn mới rời màn hình tivi, cười hể hả: “Cả nhà Nhíp đến ăn mà chỉ hết có nửa con! À, Nhíp nó vừa đem cho con mày cái đèn ông sao đấy!” (Mẹ hắn hay gọi gia đình cô em thứ tư của hắn bằng biệt danh đứa cháu gái mà bà yêu quý và nuôi dạy từ bé). Hắn sốt ruột: “Thế bà để chỗ còn thừa ở đâu?” - “Cái gì còn thừa?” - “Thịt gà ấy!” Mẹ hắn ngẩn ra một giây rồi gật gù nhẹ: "Thế mày có bạn đến ăn à?” - “Không ạ, chỉ mình con ăn thôi!” Mẹ hắn ngạc nhiên thực sự: “Ơ kìa, tao nghĩ là mày không biết ăn thịt gà, nên tao đã cho mẹ con nó mang về hết rồi! Để mai thì chẳng ai ăn, tao đã chán thịt gà...”
Nói xong, mẹ hắn quay lại với tivi… Còn hắn thì sững người. Một nỗi xót xa xộc lên mũi hắn. Thì ra, bao nhiêu năm nay, mẹ hắn vẫn giữ nguyên cái ấn tượng: thằng con trai trưởng không biết ăn thịt gà!...Suốt những năm dài chiến tranh, sơ tán, rồi đận Giá-Lương-Tiền, mẹ hắn- một cô giáo dạy nhạc phải tần tảo nuôi dạy 5 đứa con, trông vào đồng lương còm giáo chức và số tiền khiêm tốn của bố hắn nhờ vẽ tranh truyền thần, tranh quảng cáo, cổ động, minh họa sách báo… Ở tuổi niên thiếu, rồi đến khi đi học chuyên nghiệp, hễ cứ ở nhà là hắn lặp lại thói quen nhường cho các em từ bát cơm độn mỳ độn ngô đến miếng thịt, gắp cá! Đôi lần bố hắn đi thực tế sáng tác kết hợp vẽ truyền thần ở tỉnh xa về, hý hửng đưa tiền cho mẹ hắn mua con gà nhép cải thiện, tới bữa ăn, lần nào hắn cũng phải giả bộ: “Con không thích ăn thịt gà đâu!” Có thế, bố mẹ hắn mới yên tâm rằng: không phải thằng lớn nhường nhịn cho cả nhà… Những ngày tháng ấy đã in đậm trong tâm trí anh em hắn. Và trong ký ức của của mẹ hắn, khổ thay, đã hằn vết một điều: “Thằng lớn không biết ăn thịt gà!”... Ngồi trước mâm cơm, hắn đã chảy nước mắt, vì thương thân thì ít mà thương bố mẹ hắn thì nhiều… Mẹ hắn lúc này đã tắt tivi, đi lại trong phòng, chắc là đang nhớ đứa cháu gái bé bỏng… Bao ngày tháng qua, dường như bà đã động viên con cháu chịu đựng thử thách bằng cái vẻ ngoài hồn nhiên vô tư lự của bà - kể cả khi chạy vạy lo toan từng cân gạo, từng chai nước mắm, từng lít dầu hoả, từng lạng thịt đậu tem phiếu, rồi lo chạy chương trình ở nhà trường, rồi lọ mọ đạp xe đêm hôm đi thăm các con nơi sơ tán; lúc rảnh rỗi lại ngồi son-phia những bài hát mới hoặc vùi đầu vào một cuốn truyện dày cộp giấy đen xì do thằng con trưởng vác về… Giờ đây, đã qua tuổi “cổ lai hy”, bà lại vất vả và vui đùa với đứa cháu nội muộn mằn…Còn bố hắn, một họa sĩ bất đắc chí thì đã nằm yên nghỉ dưới mộ sâu gần 10 năm nay, người chưa kịp được hưởng chút sung sướng gì của thời kinh tế mở cửa, người mà lúc sinh thời “chỉ bát mì tôm cũng ngon lành tựa bữa ăn đặc sản”- như hắn đã viết trong một bài văn tế bố.
Đêm ấy, nhớ con gái, hắn đã nhớ thương cho cả một thời đói khổ của gia đình hắn. Hắn chợt nghĩ đến người đàn bà với cái đèn ông sao chị ta phải mua bằng được cho con trước lúc Trung thu. Chị ta chắc cũng đông con, và chắc cũng phải có một đứa con lớn hay nhường nhịn những đứa bé mấy chiếc chân gà loại rẻ tiền, với lý do đầy sức thuyết phục: “Con không thích ăn thịt gà…”
(*) Tên một truyện ngắn của Nam Cao.
Nguyễn Anh Tuấn
Theo https://vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...