Vũ trụ đi
theo con đường của nó dù chúng ta có thích hay không.
"Tự nhiên có trí tưởng tượng phong phú hơn loài người rất nhiều".
Chính vì thế chúng ta luôn cảm giác trừu tượng cho thể loại sách khoa học. Quả
thật vậy ngay từ tựa đề quyển sách đã chứng minh cho điều đó. "Hư
không" theo cách hiểu thông thường của chúng ta đó là không tồn tại bất cứ
thứ gì hay một trạng thái nào. Nhưng hư không của vũ trụ lại lấp đầy "vật
chất". Vậy "vật chất" đó là gì? Tại sao cái hư không ấy lại
không vĩnh cửu mà nhất định phải tạo ra một điều gì đó? Ở đây tác giả nhấn mạnh
vào câu hỏi tại sao. Mà theo ông, ai đặt ra câu hỏi tại sao cho vấn đề nào đó đều
có một mục đích mong muốn hiểu "bằng cách nào đó mà vấn đề lại diễn ra
theo cách này thay vì cách khác."
Lawrence trình bày tóm tắt về "lịch sử thuyết bigbang" để chúng ta thấy
được sự kinh ngạc của các nhà khoa học và chính chúng ta do vũ trụ mang đến. Chỉ
một thế kỷ trước khi nói đến vũ trụ tất cả chúng ta đều nghĩ ngay đến một vũ trụ
tĩnh chỉ gói gọn là thiên hà (ngân hà) của chúng ta. Bởi thế làm sao hình dung được
cái cảm giác của các nhà thiên văn, vật lý thiên văn khi dần dần khám phá ra rằng
vũ trụ rộng lớn hơn sức tưởng tượng của loài người. Nó không hề tĩnh tại mà là đang
nở rộng. Thiên hà chứa hệ mặt trời của chúng ta to lớn ư? Ừ, nó to thật nhưng
so với vũ trụ chứa hàng tỷ thiên hà và mỗi thiên hà với hàng trăm tỷ sao thì
thiên hà của chúng ta cũng chỉ là một "đám bụi" nhỏ bé mà thôi. Cũng
xin nói thêm rằng chúng ta chỉ đang nói đến "vũ trụ khả kiến" tức là
vũ trụ có thể "đo đạc, quan sát" được.
Khi đọc sách về thiên văn chúng ta dễ đặt câu hỏi "Làm sao mấy bác khoa học
gia có thể đo đạc được thời điểm bigbang hay làm sao đo đạc được khoảng cách giữa
các thiên hà? Nghe cứ mơ mơ hồ hồ!". Trong quyển sách này để tiện cho độc
giả hiểu về quan điểm của mình, Lawrence trình bày hết sức cơ bản về quang phổ
và bức xạ nền vũ trụ - cách mà các nhà thiên văn dùng để tính toán khoảng cách
và "độ tuổi" các "vật thể" trong vũ trụ rộng lớn.
Câu chuyện về một Einstein đầy trí tuệ nhưng cũng có lúc "kém tự tin"
để rồi phải tự nhận "đó là sai lầm lớn nhất trong đời". Nhắc đến
Einstein chúng ta đều biết đến "thuyết tương đối rộng" một thuyết cho
chúng ta hình dung được không thời gian. Ngoài ra trong các phương trình tính
toán Einstein nhận thấy vũ trụ đang giãn nở nhưng thời đại Einstein đang sống
khoa học đều cho rằng vũ trụ tĩnh thế là để "phù hợp" với quan điểm
lúc bấy giờ Einstein đã thêm vào phương trình tính toán của mình một số gọi là
"hằng số vũ trụ". Vậy con số này là đúng hay sai? Một thời gian dài
các nhà vật lý bỏ qua nó khi mà Hubble bằng những quan sát thực nghiệm của mình
đã chỉ ra các thiên hà đang trôi dạt ra xa chứng minh rằng vũ trụ không hề đứng
yên. Thế nhưng "hằng số vũ trụ" vẫn có một vai trò của nó trong việc
thách thức các nhà vật lý nghiên cứu vấn đề về vũ trụ "đóng, mở hay phẳng"
và nếu chúng ta đang "trôi dạt" thì đang trôi với tốc độ nào. Cái gì đang
giữ chúng ta và cái gì đang kéo chúng ta trôi đi?
Phần quan trọng nhất trong quan điểm của Lawrence mà như chính tác giả đã nhấn
mạnh "làm sáng tỏ sự hình thành vũ trụ" để có thể hình dung một tương
lai cho chúng ta. Một vũ trụ giãn nở sẽ đi đến kết thúc thế nào? Một tương lai
khó kiểm chứng nhưng cũng là một tương lai khả dĩ.
Một số "mách nhỏ" nếu bạn muốn đọc quyển sách này:
- Cần một chút kiến thức về cơ học lượng tử, hạt cơ bản (có thể đọc quyển Thế
giới lượng tử kỳ bí)
- Cần một chút kiến thức về thiên văn (có thể đọc quyển Nguồn gốc những nỗi
hoài niệm về thuở ban đầu)
- Cần một chút khái quát về lịch sử khoa học (có thể đọc quyển Lược sử vạn vật,
Lược sử khoa học)
- Một số sách tham khảo thêm để có cái nhìn riêng về quan điểm của tác giả
Lawrence (chê/khen): sách của Trịnh Xuân Thuận, Stephen Hawking, Einstein thuyết
tương đối dành cho mọi người, tại sao lý thuyết dây.
Và một điều mà theo mình cần lưu ý trước nếu bạn là một tín đồ tôn giáo trước
khi đọc quyển sách này xin hãy cởi bỏ quan điểm tôn giáo về vũ trụ. Tiếp cận
quyển sách với tư duy cởi mở bạn sẽ không khó chịu khi đọc. Bởi tác giả thỉnh
thoảng châm biếm một chút về quan điểm của các nhà thần học:
"Tôi chẳng thấy có chút mục đích nào khi sống trong một Thế Giới được trị
vì bởi đấng toàn năng - người không chỉ tạo ra tất cả nguyên tắc mà còn trừng
phạt nghiêm khắc những ai không tuân thủ. Tôi cảm thấy sống trong một vũ trụ vô
mục đích có khi lại tuyệt vời bội phần, vì nó khiến cho sự ngẫu nhiên tồn tại
và ý thức của chúng ta thậm chí đáng quý hơn."
24/10/2019
Phạm Nhật Huy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét