Vũ trụ nhân sinh quan trong
văn hóa hiện đại
Đọc tôn giáo sử, ta thường thấy những chuyện đợi chờ. Trước
khi Thích Ca ra đời, dân Ấn Độ đã đợi chờ. Trước khi Giê-Su ra đời, những nhà
tiên tri Do Thái đã đêm đêm chờ xuất hiện một vì sao. Chúng ta bây giờ cũng sống
trong một tình trạng đợi chờ.
Cái vũ trụ khách quan ở ngoài ta chỉ cô một nhưng cái vũ trụ
ta quan niệm bao giờ cũng tùy thời tùy chốn mà thay đổi.
Bởi thế cho nên ta phải nói: có hằng hà vũ trụ bởi có hằng hà
quan niệm về vũ trụ.
Mặc dầu muốn hay không muốn, có ý thức hay không có ý thức,
chúng ta tất cả đều là triết nhân mà tát cả mọi loài có cảm giác đều là triết
nhân cả. Một người đàn bà quê mùa quỳ trước một cây đa đã có một vũ trụ quan mà
không biết, người tiền sử sùng bái lửa có một vũ trụ quan mà không biết, con dế,
con giun nhìn vũ trụ dưới một hình thức nào đó có một vũ trụ quan mà không biết.
Triết nhân chỉ khác chúng sinh là ở chỗ không những cảm giác thực tại mà còn tư
tưởng thực tại và biết mình tư tưởng.
Nhưng tất cả đều trông thực tại dưới những hình thức nhất định,
đều có những quan niệm về thực tại.
Sống trong một vũ trụ mà chúng ta tạo ra, chúng ta phải tìm một
lối sống thích hợp bởi thể cho nên muốn biết nhân sinh quan hãy tìm biết vũ trụ
quan, bởi thế cho nên tất cả mọi luân lý đều là những bộ phận trong toàn bộ
siêu hình. Ngay đến bây giờ, một nền chính trị, kinh tế như chủ nghĩa Mác cũng
suy ra tự một vũ trụ quan duy vật.
Mỗi thời đại, mỗi quần chúng có một vũ trụ quan của nó. Người
Ấn Độ sống trong bầu không khí nhất nguyên thần bí, người Do Thái sống trong bầu
không khí nhất thần, người Hy Lạp sống trong bầu không khí đa thần, người Cộng
Sản sóng trong bầu không khí duy vật.
Vũ trụ quan thoạt tưởng không có tác dụng lớn lao trong đời sống
nhưng thực ra sâu mạnh vô cùng.
Nếu vũ trụ quan là tác động của tinh thần con người thì dĩ
nhiên phải căn cứ vào văn hóa để tìm hiểu một vũ trụ quan, tìm hiểu một thời đại,
một lớp người.
Có người nghĩ: sao không riêng tìm hiểu ở triết học mà ở khắp
văn hóa? Nhưng triết học chỉ là kết tinh của một vũ trụ quan chứ không phải bước
đầu khi vũ trụ quan đó chưa thành hình rõ rệt. Mà đến khi nó đã thành hình, triết
học cũng không gồm tóm được hết sự phong phú linh động. Triết học Ấn Độ bắt nguồn
từ thi ca Vệ Đà, những bài tụng ca mà tình cảm là yếu tố lớn nhất, mà tất cả mọi
triết học đều bắt nguồn tự thi ca.
Bởi thi sĩ sống bằng tình cảm mà lẫn vào tình cảm là trực
giác mà trực giác là những lằn chớp đầu tiên của mọi triết học. Trong khi diễn
tả những xúc động, thi sĩ đã diễn tả cả những nhận thức thần diệu những nhận thức
mà chính thi sĩ cũng không có ý thức. Bởi thế thi ca bao giờ cũng là một mớ phức
tạp gồm những tình cảm phi lý và những trực giác hợp lý và siêu lý. Hội họa và
âm nhạc cũng vậy. Nhưng hội họa và âm nhạc khác thi ca là chỉ diễn tả được
trong một phạm ví nhỏ hẹp.
Thế giới của chúng ta hiện đương trải qua một thời kỳ thay đổi.
Biết bao nhiêu đạo lý bị lật nhào, biết bao nhiêu vũ trụ quan sụp đổ hay ít nhất
cũng bị đem ra thử thách. Cuộc chiến tranh vĩ đại ở khắp nơi chỉ là phản ảnh nhạt
mờ của cuộc chiến tranh trong lòng người, tiếng nổ kinh hoàng của nguyên tử chỉ
là tiếng vang yếu ớt của tiếng nổ trong lòng người. Không có một chỗ nào yên ổn.
Người bi quan bảo đó là chiến tranh tận thế, người lạc quan bảo
đó là chiến tranh vị tiến bộ nhưng khang ai có thể chối cãi dược tính cách khủng
hoảng chưa từng có trong lịch sử.
Không phải chỉ có cuộc chiến tranh giữa nước này với nước
khác mà còn cuộc chiến tranh vị chủ nghĩa. Cuộc chiến tranh này đã gồm tóm nhiều
quốc gia ở hai bên phòng tuyến và đã chia xẻ một quốc gia ra làm nhiều mảnh.
Nhưng thế cũng chưa đủ. Cuộc chiến tranh của nhân loại đi tìm
một lối sống phức tạp lắm mà những cuộc chiến tranh vì chủng tộc và giai cấp chỉ
mới là những khía cạnh, những biểu tượng.
Muốn được biết rõ hơn, hãy nhìn vào văn hóa từ thế kỷ XIX đến
bây giờ. Cảm tưởng đầu tiên của chúng ta? Phải chăng đó là một cơn mê sảng? Một
thế giới sấm sét, một thế giới tranh tối tranh sáng mà những hình thù và những
hình thù biến hiện, hóa sinh ra thiên hình vạn trạng.
Một thế giới đương oằn oại, đương rên xiết, đương khát khao,
đương hằn học. Nhân loại cần phải được giải thoát, nhân loại phải tìm thấy một
lối sồng, nhân loại đương muốn một vũ trụ, nhân loại đương đau khổ, nhân loại
đương điên cuồng.
Mỗi thời đại, mỗi quần chúng có một vũ trụ nhân sinh quan.
Nhưng thời đại ta đương sống có rất nhiều vũ trụ nhân sinh quan, những vũ trụ
nhân sinh quan chưa sinh mà đã diệt nhưng vẫn còn đương thai nghén không ngừng.
Người trung cổ bên Tây Phương có vũ trụ quan của người trung
cổ bên Tây Phương, người trung cổ bên Ấn Độ, có vũ trụ quan của người trung cổ
bên Ấn Độ, người trung cổ Việt Nam có vũ trụ quan của người trung cổ Việt Nam.
Sự nhất trí đã có bên Tây Phương, bên Ấn Độ, ở Việt Nam, ở khắp thế giới mặc dầu
nó không phải là một sự nhất trí mà là những sự nhất trí.
Những nghệ sĩ của mỗi thời đại ở trong một cương vực đều có một
vũ trụ chung mà chỉ khác ở cách cảm xúc vũ trụ đó.
Nghệ sĩ đời Đường, đời Tống lấy cái hồn của Thiên Nhiên làm đối
tượng.
Nhưng bây giờ? Có bao nhiêu đối tượng? Mà có bao nhiêu nghệ
sĩ trọn đời thờ một đối tượng?
Khẩu hiệu của nghệ sĩ là tìm tòi. Tìm tòi một lối sống, tìm
tòi một kỹ thuật.
Xưa kia, nghệ sĩ sinh ra đã có sẵn một lý tưởng, một vũ trụ
mà hẳn chỉ có việc là nhận lấy để phụng sự và sinh tồn. Đến bây giờ hắn sinh ra
với hai bàn tay trắng.
Chưa có một thời nào mà người ta lại chứng kiến một cuộc xung
khắc quyết liệt của những lý tưởng, những vũ trụ quan như bây giờ. Bên những
tác phẩm tả thực đến cực đoan của những nhà văn Emile Zola, Maxime Gorki, Vũ Trọng
Phụng, ta thấy những tác phẩm có khuynh hướng thần bi như của Edgar Poe,
Baudelaire. Cái vũ trụ của Emile Zola, Maxime Gorki, Vũ Trọng Phụng là cái vũ
trụ của quần chúng. Ai cũng trông thấy, cũng nghe thấy, cũng cảm thấy như vậy.
Cái vũ trụ của Edgar Poe, Baudelaire, Mallarmé là cái vũ trụ
huyền diệu mà tất cả muôn loài từ người cho đến cỏ cây đều có linh hồn, đều cảm
thông như chỉ có một linh hồn. Cái thế giới chúng ta đương gọi là thực đây chưa
chắc đã là thực mà chỉ là biểu tượng của thế giới huyền diệu. Ở giữa thời đại
cơ khí này, Edgar Poe, Baudelaire, Mallarmé đã đẩy chúng ta lùi lại hàng mấy
mươi thế kỷ đắm chìm trong thế giới của một tinh lực thấm nhuần cả vũ trụ.
Cái vũ trụ của Maeterlinck cũng là một vũ trụ thần bí, những
nhân vật trong kịch của người chỉ là những bóng khói sương để mặc cho những trận
gió phũ phàng của một mãnh lực mà ta không biết rõ là thế nào, từ đâu đến.
Nhưng cái thế giới của Edgar Poe, Baudelaire, Mallarmé,
Maeterlinck còn có thể hiểu được phần nào, chứ cái thế giới của Rimbaud thực
khó hiểu. Muốn diễn cái khó hiểu đó, Rimbaud đã đi đến chỗ dùng âm thanh cửa
ngôn ngữ chứ không dùng nghĩa của ngôn ngữ, và những hình ảnh phối hợp không
thường. Nghệ sĩ ghê sợ trốn tránh cái thế giới thường vẫn diễn bởi cú pháp thường
với những nghĩa thường.
Chớ nên nghĩ họ lập dị. Họ là những người thành thực nhất đời,
thành thực quá nên vượt qua biên cương của ý thức. Linh cảm thấy một chân lý
sâu xa, họ cố đuổi theo bắt lấy cho kỳ được, đoạn tuyệt với ngôn ngữ thông thường
đã che phủ cái tâm trạng thực của mình. Họ thành công hay không, đó lại là một
chuyện nhưng chúng ta hãy nghiêng mình trước những nhà thám hiểm anh dũng đó.
Mà chúng ta cũng nên biết thi ca họ là tiếng sấm báo sinh học thuyết Bergson.
Ảnh hưởng của Edgar Poe, Baudelaire, Rimbaud, Mallarmé thực
vĩ đại. Cùng với ảnh hưởng của tiểu thuyết tâm lý của Dostoievski, Tolstoi, nó
đã và hiện đương bao trùm cả văn học Pháp, văn học Âu Châu và văn học thế giới.
Những thi sĩ tiểu thuyết gia tiêu biểu của thế hệ trước bên
Việt Nam như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nhất Linh, Thạch Lam đều chịu ơn của những
bực thầy đó. Những bực thầy đó đã gây được ảnh hưởng như vậy là bởi vì họ đã sớm
có ý thức về nguyện vọng chung của loài người chứ không phải riêng họ. Những
người công kích họ là những người không chịu cúi xuống lòng mình.
Hội họa không phơi bày được như văn chương bề rộng và bề sâu
của cuộc thay đổi lớn lao nhưng lại kích thích ta ngay khiến ta nhận thấy ngay
rằng có sự thay đổi. Như thế là bởi vì nó đã dùng đến những hình ảnh cụ thể.
Quan niệm về hội họa, đề tài cùng kỹ thuật đều thay đổi. Và mỗi
thiên tài xuất hiện là một cuộc khủng bố. Nghệ sĩ đã đi trước quần chúng. Trong
vòng một thế kỷ không biết bao nhiêu họa phái đã sinh và đã diệt. Cái vũ trụ
duy nhất được diễn ra, được giải thích băng muôn ngàn cách. Tất cả đều là những
cuộc phá phách và những cuộc xây dựng kinh hoàng với cái cảm tưởng đau đớn của
người xây dựng là chưa đạt được. Còn đâu là cái vững vàng của Giotto, Michel
Ange, Greco và những họa sĩ đời Đường, đời Tống. Họ đã tìm thấy lý tưởng và vũ
trụ quan của họ.
Có những nghệ sĩ sống bê tha trụy lạc hoặc tự sát vì không
tìm thấy một lối thoát. Người ta bảo đó là vì nghệ thuật. Nhưng nghệ thuật chứa
đựng cái gì nếu không phải sự sống? Vậy họ đau khổ vì nghệ thuật tức là vì sự sống
vậy.
Phân tích cái hỗn mang của văn hóa hiện đại, ta tìm thấy nét
chính:
SỰ BÁ CHỦ CỦA TÌNH CẢM
Chưa có một thời nào mà tình cảm lại được đề cao như bây giờ.
Tình cảm là thước đo giá trị của một tác phẩm. Tình cảm đã thành một hệ thống
tư tưởng của nghệ sĩ. Nghệ sĩ không thiện, không ác mà phi thiện ác. Nghệ sĩ lắng
nghe tiếng nói của lòng mình, cái gì thâm thiết nhất tức là chân lý. Chân lý đó
có thể thiện, có thể ác, điều đó không quan hệ - nhưng nó phải là cái gì thâm
thiết nhất để phát huy bản ngã của con người.
Mục đích của tiểu thuyết tâm lý là tìm hiểu con người. Cái
tính chất luân lý trong những tác phẩm của một Tolstoi cũng vẫn phải rút ra ở
tình cảm. Nhân vật của Tolstoi cũng như Dostoievski trước khi đạt cái thiện đã
trải qua cái ác và cái thiện tìm thấy cũng chỉ là chung cục tất hữu của cuộc tiến
triển của tình cảm. Không phải luân lý tự trên trời rơi xuống mà tự trong lòng
mọc lên. Lý tính chỉ là sản phẩm của tình cảm.
Thi ca tượng trưng là sự thực hiện dưới hình thức khác. Người
ta đã tạo ra, hay đã tìm thấy, một thế giới ngoài phạm vi của lý tính. Mà cái
thế giới đó thiện hay ác? Không ai có thể nói được bởi nó chỉ là huyền diệu.
Cõi huyền diệu đó, quỷ hay thần ngự trị? Thi sĩ không cần biết. Chàng chỉ đòi hỏi
sự huyền diệu để mê ly ngụp lặn giữa Vô Cùng.
Mà đến thi ca tượng trưng thì tình cảm không còn là tình cảm.
Nó là một cái gì phi lý tính và tình cảm. Nó là tinh thần trước lý tính và tình
cảm khác mọi thứ tình cảm mà ta thường quan niệm.
Đọc tôn giáo sử, ta thường thấy những chuyện đợi chờ. Trước
khi Thích Ca ra đời, dân Ấn Độ đã đợi chờ. Trước khi Giê-Su ra đời, những nhà
tiên tri Do Thái đã đêm đêm chờ xuất hiện một vì sao. Chúng ta bây giờ cũng sống
trong một tình trạng đợi chờ.
Tại sao mà nghệ sĩ đoạn tuyệt với lý tính để trông vào tình cảm?
Ấy là bởi vì lý tính chỉ là sản phẩm của một tín ngưỡng đã thành và hóa thành một
công cụ đúc người ở trong tay xã hội. Cái gì hợp với thành kiến là hợp lý, cái
gì trái là phi lý. Trước khi Cơ Đốc Giáo, Hồi Giáo thành hợp lý thì đã có thời
phí lý bởi thế đã có bao nhiêu người tử vì đạo.
Nghe theo tình cảm có nghĩa là chống lại những tín ngưỡng hiện
hành. Nhưng nghe theo tình cảm tức là lao mình vào một cuộc phiêu lưu nguy hiểm.
Tình cảm có thể đưa ta đến một đạo lý cao siêu vì thâm thiết
nhất nhưng cũng có thể đưa ta xuống vực sâu của thú dục đê hèn. Biết bao nhiêu
Thượng Đế đa4 từ Đại Dương của tình cảm mọc lên nhưng cũng biết bao nhiêu ác quỷ
mọc lên tự đó. Bởi thế cho nên trong văn hóa hiện đại hay có khi trong một con
người có đủ hai mãnh lực. Với André Gide thì phi lý tính là tất cả và đọc tác
phẩm của ông người ta đã có nhiều quan niệm khác nhau: người thì thấy một luân
lý, kẻ thấy phi luân lý, sự thực ông chỉ là một kẻ tìm tòi qua tất cả mọi biên
thùy.
Sang thời Hậu Chiến thì tính cách phi lý tính đã trở thành một
hệ thống tư tưởng bao trùm khắp thế giới với chủ nghĩa Hiện Sinh (1). Nói
hệ thống và chủ nghĩa với Hiện Sinh chỉ là mượn danh từ để gợi các quyết liệt
và rộng lớn của một trào lưu vì thực chất của Hiện Sinh là vượt ra ngoài mọi hệ
thống, mọi chủ nghĩa, nó là một thái độ, một ngã ba đường, đến đó người
ta có thể đi về mọi nẻo. Có một thứ hiện sinh hữu đạo, có một thứ hiện sinh vô
đạo, và mỗi loại lại chia ra làm nhiều tiểu loại như: khuynh Cơ Đốc, khuynh Ấn
Giáo, khuynh Phật Giáo, hay khuynh Cộng Sản, khuynh Dân chủ!
Ở lãnh vực siêu hình, nó chủ trương cái hiện sinh trước cái bản
thể, một vũ trụ quan động mà đối tượng không phải là hòn đá bất di bất dịch để
nhận thức chụp lại, mà nó sáng hóa, biến diện với chủ thể. Ở lãnh vực nhân sinh,
nó chủ trương tự tạo luân lý, cá nhân tự do, tự do theo mình, tự do bắt mình
theo một cái gì. Tôn giáo được nhìn dưới ánh sáng mới: Thượng Đế thành một
phương tiện để kích phát sự sống của cá nhân lên đến tột độ.
Tìm tòi, thắc mắc, lo lắng, hy vọng, chán chường là tất cả Hiện
Sinh - Thái Độ.
Có những người đi bằng đường lối khác và đến một cứu cánh
khác nhưng cùng một chủ trương là thế giới này không thể sống được như nhà văn
Lỗ Mã Ni tác giả những cuốn Giờ thứ 25, Dịp may thứ hai (La seconde
chance) - Đối với ông, Quốc Xã, Cộng Sản, Tư Bản là kết quả tất hữu của một nền
văn minh nặng lý trí, nhẹ tình cảm, quên phắt con người, coi người như máy với
giá trị năng suất. Nhân Loại hiện ở trong “Giờ thứ 25”, không còn là cuối
cùng, mà sau cái cuối cùng. Sự thắc mắc tìm tòi, hy vọng không còn, chỉ còn một
tiếng kêu thảm thiết và bây giờ, thành thực can đảm nhất là những kẻ nhận rằng
Nhân Loại chết rồi.
Không quá bi quan như nhà văn Lỗ Mã Ni, có người nhận thấy rằng
cái tìm tòi hi vọng của Gide trước chiến tranh, của Hiện Sinh sau chiến tranh
có bề ngoài là sáng tạo một cái gì nhưng nhìn sâu chỉ là con đẻ của một nền văn
minh đương hết. Nó không sáng tạo một cái gì vì muốn sáng tạo phải vượt lên cái
đương hết nhưng mà cái văn minh này sở dĩ phá sản là bởi nó đặt nền tảng trên sự
vị kỷ, và phái Hiện Sinh nhìn tất cả qua lăng kính cá nhân: tôn giáo cũng chỉ
có nghĩa khi đưa đến cho cá nhân nhiều sự sống hơn. Và nếu Nhân Loại muốn còn
thì nó phải còn với Tình Cảm, với cái Yêu, cái Thương vượt ra khỏi cái tôi hữu
hạn, vì những xã hội hiện chỉ là những tổng số của những đơn vị vị kỷ, cả Nhân
Loại chỉ là một khối vị kỷ khổng lồ, làm khổ mình, lẩn thẩn tìm nguyên nhân cái
khổ, và lẩn quẩn gỡ cái khổ bằng cách thắt chặt nó vào.
Chúng ta là những kẻ đợi chờ.
Người xưa chờ giáo chủ, chúng ta đương lắng nghe tiếng nói của
tâm linh nhưng cũng do một động lực.
Tất cả mọi tôn giáo, mọi luân lý, mọi chế độ đều rung chuyển,
tất cả mọi người đều thắc mắc lo âu. Ngày mai đây là Bình Minh hay cũng là Tăm
Tối đời đời?
Điều đó ta có thể mà cũng không có thể. Với lòng tin thì cái
gì cũng phải có - với lòng tin thì chân lý nếu chưa có cũng phải ra đời.
Nhưng nếu thiếu lòng tin thì cái đã có cũng hóa ra hư ảo.
Thạch Trung Giả
Văn Học Phân Tích Toàn Thư, trang 656. Lá Bối in lần thứ nhất 1973
Văn Học Phân Tích Toàn Thư, trang 656. Lá Bối in lần thứ nhất 1973
(l) Trước Đại Chiến, tư tưởng Hiện Sinh đã được đưa ra
nhưng từ 1945 mới thực phổ biến mãnh liệt - Người ta thường quên Goethe mà
chúng tôi thấy Hiện Sinh khởi tự Goethe với cuốn Faust. Và Goethe nói tiếng đầu
tiên nhưng đến bây giờ, người hiện-sinh vẫn chưa tìm được một nửa cái Goethe đã
thấy.
2/12/2019
Thạch Trung Giả
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét