Thứ Tư, 24 tháng 6, 2020

Cảm thức sáng tạo ngôn ngữ trong ca khúc Trịnh Công Sơn

Cảm thức sáng tạo ngôn ngữ trong 
ca khúc Trịnh Công Sơn
Gõ vào các trang web ca nhạc như nhacso.net, zing mp3, nhac.viet.giaitri, nhaccuatui.com..., ta sẽ thấy các ca khúc của Trịnh Công Sơn luôn được lưu trữ trong một thư mục riêng, mục “nhạc Trịnh”, tương đương với các dòng nhạc khác như nhạc trẻ, nhạc rap/ hiphop, nhạc tiền chiến, nhạc cách mạng... Dẫn điều này để thấy rằng trong khoảng 80 năm nền tân nhạc Việt Nam, những ca khúc của Trịnh Công Sơn đã tạo nên một dòng chảy riêng, không lẫn với ai. Cho đến nay, bất chấp sự lấn sân ồn ào của các dòng nhạc thời thượng, vẫn có một thế hệ người Việt đông đảo từ trong đến ngoài nước mê đắm thả hồn vào trong nhạc Trịnh. Chỉ xét về tiền tác quyền, dù đã qua đời nhưng hằng năm Trịnh Công Sơn vẫn luôn dẫn đầu danh sách với hơn 1.000 nhạc sĩ cả nước. Riêng trong năm 2014, gia đình ông đã nhận được 820 triệu đồng từ Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.
Vậy thì yếu tố nào đã quyết định đến sự quyến rũ và sức sống bền vững của ca khúc Trịnh đến vậy?
Theo nhiều nhà nghiên cứu lý luận, và quan trọng hơn là sự... “cảm luận” của đa số công chúng yêu nhạc Trịnh, trong hai thành tố là ca từ và giai điệu thì ca từ có vai trò nổi trội hơn trong việc tạo nên sức hút trong mỗi tác phẩm của Trịnh Công Sơn. Riêng về mặt này lâu nay đã có rất nhiều sách báo đề cập, thậm chí có cả những luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ khoa học. Ở đây, người viết chỉ xin lạm bàn đến một khía cạnh hẹp hơn, đó là “Cảm thức sáng tạo ngôn ngữ trong ca khúc Trịnh”.
Chúng ta hát nhạc Trịnh, thậm chí thuộc lòng lời ca nhiều bài hát của ông. Tuy nhiên trong đó có những từ ngữ, những khái niệm mới mà nhiều khi chúng ta chỉ cảm thụ chúng một cách vô thức chứ không thể nào giải thích được ý nghĩa một cách tường minh. Bởi đó là thứ ngôn ngữ riêng của Trịnh, chưa hề có trong từ điển tiếng Việt, trong văn chương bác học cũng như trong ngôn ngữ giao tiếp. Chúng được ông sáng tạo ra để diễn đạt những biểu tượng, những ý niệm mới vừa nảy sinh trong cảm thức bất chợt của riêng ông. Trước Trịnh Công Sơn có lẽ chưa ai nói tới “con tinh yêu thương” (mà nhiều người hát nhầm thành “con tim yêu thương”) “dấu chân địa đàng”, “lời ca dạ lan”, “vết lăn trầm”, “bồn gió hoang”, “lời thánh đêm”... Và có lẽ cũng không ai dám chắc mình “ngộ ra” được ý nghĩa ẩn dụ của những thực thể vạn thù quen thuộc như  mặt trời, dòng sông, làn mây, cơn gió, đá cuội, giọt mưa, cánh vạc... vốn xuất hiện trong khá nhiều tác phẩm Trịnh Công Sơn nhưng dường như đã thăng hoa thành những siêu ảnh mới. Hay trong bài Dấu chân địa đàng, “loài sâu” mang ý niệm nào mà được nhắc lại 3 lần với 3 cảm thức khác nhau: “Mùa xanh lá, loài sâu ngủ quên trong tóc chiều”, “Vùng u tối, loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng”, và “Rồi từ đó, loài sâu nửa đêm quên đi ưu phiền”? Với mỗi ẩn dụ ngôn ngữ của Trịnh Công Sơn, có những cách cảm thụ khác nhau tùy thuộc vào “độ mở” trong trí huệ mỗi người và mỗi trạng thái tâm hồn khác nhau. Chẳng hạn với bài “Vết lăn trầm”, liệu rằng sự cảm thụ của chúng ta có thể gặp nhau ở một điểm nào đó chăng?
“... Đá lăn, vết lăn buồn. Từ hoang xưa dấu chân anh dã cầm, ôi vết hằn ghi trên bồn gió hoang. Chờ ta da du một chuyến, ôi môi hờn xin đừng kể lại tích xưa buồn hơn, đợi chờ năm làm gió qua truông thiên đàng...”.
Có thể đó là cảm thức về phận người, có thể là ý nguyện tiếp tục dấn thân, nhưng cũng có thể là lời sám hối sau một cuộc hành trình giữa vô thường... Chúng ta sẽ không bao giờ xác tín được cảm thức thực sự của tác giả khi viết những lời ca đó, nhưng chắc chắn rằng mỗi người nghe sẽ cảm nhận được những tia sáng vừa đánh thức một góc khuất vốn ngủ quên đâu đó trong tâm hồn mình.
Có người bảo lời ca của Trịnh Công Sơn là một loại thơ thiền, là những triết lý độc thoại về vũ trụ và nhân sinh quan của ông, vừa huyền ảo lại vừa có sức quán chiếu đến từng nẻo khuất trong tâm hồn người, giống như lời kinh cầu trên môi các tín đồ trong nhà nguyện. Có lẽ vì thế mà những bài hát của ông chưa bao giờ mãn khai trụi trần qua mọi cố gắng lĩnh hội của chúng ta. Dù có nghe đi hát lại trăm lần thì những ý niệm như “Dấu chân địa đàng”, “Đêm thấy ta là thác đổ”, “Cỏ xót xa đưa”, “Đóa hoa vô thường”... vẫn còn đó như những “mặc ngôn” đầy bí ẩn.
Và cũng vì thế mà các tác phẩm âm nhạc của Trịnh Công Sơn đã trở thành “Những bài ca không năm tháng”, luôn quyến rũ người nghe vào trong nhu cầu tự khám phá, tự cảm thông về  bản thể chính mình.
28/3/2015
Phan Văn Minh
Theo http://baoquangnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...