Hành trình Xuân Diệu
Xuân Diệu, đi vào làng thơ qua cửa báo Phong Hóa, 1935, sẽ trở
thành đoàn viên thứ bảy trong nhóm thất tinh Tự Lực văn đoàn. Là người của Cõi
Thơ, đã đem thơ về lại Cõi Người: đó là hành trình ảo diệu của một mùa xuân,
qua khúc quanh Cách mạng tháng Tám.
Cõi Thơ Xuân Diệu, thuở ấy, là một hành tinh riêng, long lanh
ngôn ngữ và dìu dặt âm giai trong quy luật tuần hoàn và sinh hóa riêng. Những
vườn thơm và những con đường nhỏ, những đêm trăng và những buổi chiều, những
cành tơ hoa mới. Và rất nhiều, rất nhiều trai trẻ yêu nhau.
Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ quá
Chỉ biết yêu thôi chẳng biết gì
(Vì sao, tr.68)
Chàng trai "ngu ngơ" ấy đã lả lướt buông tay người
đẹp xuống một mùa Xuân Huyền Diệu, mùa thơ Xuân Diệu.
Hãy tự buông cho khúc nhạc hường
Dẫn vào thế giới của Du dương,
Ngừng hơi thở lại nghe trong ấy
Hiển hiện hoa và phảng phất hương [...]
Hãy uống thơ tan trong khúc nhạc,
Ngọt ngào kêu gọi thuở xa khơi.
(Huyền Diệu, tr.70)
"Ngừng hơi thở lại": là điều khách phải biết, vì thế
trong giới huyền diệu đó, không ai thở, vì không thở vẫn sống, vẫn hưởng được
hoa hương, mà khỏi làm vẩn đục không gian, khỏi làm loãng "âm điệu thần
tiên thấm tận hồn".
Rồi giai nhân, trong hành tinh kia, cùng với người yêu, bước
sang vườn bên cạnh:
Trong vườn đêm ấy nhiều trăng quá
ánh sáng tuôn đầy các lối đi
Tôi với người yêu qua nhè nhẹ
Im lìm, không dám nói năng chi.
(Trăng, tr.69)
Nhưng khi rời Cõi Thơ ấy, khách lại phải về với Cõi Người, để
nghe một cô gái khác:
Thấy anh em cũng muốn theo
Em sợ anh nghèo, anh bán em đi
Lấy anh em biết ăn gì
Lộc sắn thì chát, lộc si thì già
Lấy anh không cửa, không nhà,
Không cha, không mẹ biết là cậy ai?
Ca dao
Cô này không những phải thở, mà lại còn đòi ăn, đòi cửa đòi
nhà, đòi cha đòi mẹ, lôi thôi quá! Yêu cô làm gì cho vất vả, mà chắc gì cô đã đẹp
bằng cô trên kia!
Trong những người làm thơ, trước và sau Cách mạng, Xuân Diệu
là một trong những người sáng suốt nhất. Sáng suốt trước cuộc đời, trong văn
chương, và trước lòng mình, trước nghệ thuật của mình, anh luôn luôn minh mẫn.
Trong bài Mời yêu anh nói thẳng:
Ta tưởng tượng một tình duyên mới nụ
Người được nói, tôi được nghe, là đủ
Thực càng hay, mà giả dối lại sao? […]
Tôi lắng đợi! Nhịp lòng tôi đứng lại!
Tôi cần tin, tôi khao khát được nhầm!
Cho tôi mơ một ảo tưởng âm thầm,
Và mặc kệ đó là dối trá
Mở miệng vàng! Và hãy nói yêu tôi!
Dẫu chỉ là trong một phút mà thôi.
Khi đã nói ngay ra là mình "khao khát được nhầm" và
"mơ ảo tưởng" thì con người không còn "dối trá" nữa, dù là
dối mình hay dối người. Chẳng qua là ở một giai đoạn nào đó. Xuân Diệu phải làm
thơ như thế.
Tôi réo rắt chẳng qua trời bắt vậy
Chiếc thuyền lòng, nước đẩy phải trôi theo
Gió đã thổi, cho nên buồm phải dậy
Hồn vu vơ, tội ấy ở mây đèo.
Lời thơ vào tập "Gửi hương cho gió", tr.104
Thơ Xuân Diệu, trước Cách mạng, đã thành công mỹ mãn vì một
lý do, anh đã bắt đúng mạch thời đại, đã tận dụng tâm hồn phong phú và ngôn ngữ
thần tình của mình, để tạo cho một thế hệ thanh niên "cái ảo giác tự do và
cái ảo ảnh hạnh phúc".
Vấn đề đặt ra có vẻ mông lung, nhưng thực tế thì đơn giản. Tự
do, ở phạm vi này, chỉ là tự do yêu đương, đưa đến hạnh phúc trong nghĩa hẹp: hạnh
phúc lứa đôi. Câu chuyện của tôi sẽ được thu vào một kích thước nhỏ: thơ Xuân
Diệu đã đáp ứng lại nhu cầu sâu xa của các thế hệ, một giấc mơ bình thường:
tình yêu và hạnh phúc.
Xuân Diệu sinh năm 1916, một năm sau khi thực dân Pháp bãi bỏ
thi hương ở Bắc Kỳ và hai năm trước khi bỏ thi hương ở Trung kỳ. Chính quyền bảo
hộ, sau khi đã xây dựng vững vàng nền thuộc địa, đã bắt đầu khai thác tài
nguyên, cô lập triều đình Huế, tìm cách bôi xóa truyền thống Việt Nam qua các
chế độ khoa cử, vì khoa cử là một thành phần của nền móng phong kiến Việt Nam.
Nói khác đi, Xuân Diệu là thế hệ thanh niên Việt Nam đầu tiên bị bắt buộc học
chữ Pháp, học trường Pháp - Việt vì không còn một sự lựa chọn nào khác. Thời
đó, ai còn học chữ Hán, là học thêm (trường Bưởi năm 1927 dạy một giờ chữ Hán mỗi
tuần); đó cũng là thời khai sinh ra Đông Dương tạp chí (1913) và Nam phong tạp
chí (1917)
Thế hệ thanh niên Xuân Diệu, ở cái tuổi dậy thì, chịu ảnh hưởng
của văn nghệ phương tây trong sức hấp dẫn lớn của nó, là nhu cầu tự do (với gia
đình), tình yêu (nam nữ) và hạnh phúc (lứa đôi). Giữa ba khái niệm này, hạnh
phúc là hiền lành nhất, phát triển mạnh trong thơ, không phải vì tình cờ, mà
chính bản thân "thơ là ngôn ngữ của hạnh phúc"
Tiểu thuyết, thời đó, là phương tiện tranh đấu, còn thơ, là
ngôn ngữ hóa giải.
Khi thế hệ thanh niên tân học phát triển, thì xã hội cũng
thay đổi. Chính quyền thực dân phục hưng những thị trấn cũ, khuếch trương những
thành phố mới – với một số nghề nghiệp liên hệ, thu hút một số dân quê về các
đô thị. Lớp trí thức tây học xuất hiện từ những gia đình công chức, hay giai cấp
tư bản và tiểu tư sản thuộc địa. Lớp thị dân tân học đó, tách rời khỏi đồng ruộng
và văn hóa cổ truyền, đang đòi hỏi một nền văn hóa mới, văn hóa phương Tây.
Hoài Thanh đã ghi lại giai đoạn này bằng những nét sắc bén: "Một cái đinh
cũng mang theo nó một chút quan niệm của phương Tây về nhân sinh, về vũ trụ…
Cái ngày người lái buôn phương Tây thứ nhất đặt chân lên xứ ta, người ta đã đem
theo, cùng với hàng hóa của phương Tây, cái mầm sau này sẽ thành thơ mới"2.
Và thành quả của ngần ấy biến chuyển về chính trị, xã hội và
văn hóa đã được phản ánh qua sự phát triển của phong trào thơ mới, từ 1934 đến
1940 mà Thơ thơ (1938) của Xuân Diệu là điểm cao.
1932 - 1935, thời Xuân Diệu bắt đầu làm thơ, là thời phát triển
rất mạnh của văn chương quốc ngữ và nhất là qua báo chí. Một thế hệ độc giả
thanh niên cùng ùa đến tìm những văn đàn, và những nhà thơ, nhà văn của họ.
Lưu Trọng Lư, trong Người sơn nhân năm 1933 đã nói: "Người
thanh niên Việt Nam ngày nay đương bơ vơ đi tìm thi nhân của mình như người con
đi tìm mẹ"3.
Và dĩ nhiên, lớp độc giả mới đòi hỏi trong thơ những thể loại
mới, những tình ý mới, một ngôn ngữ mới.
Thật thà mà nói, thì Xuân Diệu không phải là người sáng tạo
ra ngôn ngữ đó. Anh đã thừa hưởng công trình xây dựng đầu tiên của những Thế Lữ,
Lưu Trọng Lư, Vũ Đình Liên, Nguyễn Nhược Pháp. Hay, xa hơn nữa, của Tản Đà,
Đoàn Như Khuê, Đông Hồ, Tương Phố. Thơ mới hình thành trong quy luật tất yếu của
xã hội văn học, chính thức từ 1932 với sự trùng hợp: bài Tình già của Phan Khôi
đăng trên Phụ Nữ Tân Văn và năm khai sinh báo Phong hóa, in ở Hà Nội, của nhóm
Tự lực văn đoàn, ngay số đầu (22-9-1932) đã khẳng định "thơ ta phải mới, mới
văn thể, mới ý tưởng".
Phái tân học phần đông đều nghĩ như vậy. Nhưng muốn thơ mới
thành công thì phải có người làm thơ (dễ có thôi) và làm thơ… hay (điều này
không dễ).
Khi Xuân Diệu gửi những bài thơ đầu tiên cho báo Phong hóa,
1935, thì thơ mới, thẳng thế về lý thuyết, vẫn nghèo về tác phẩm. Mươi bài thơ
của Lưu Trọng Lư in chung với truyện ngắn trong tập Người sơn nhân3. Thế Lữ,
con chim đầu đàn, vừa làm những bài thơ vững vàng nhất, vừa phê bình, giới thiệu
thơ và bàn về kỹ thuật thơ trên Phong hóa, Ngày nay, năm 1935 cho in Mấy vần
thơ rồi sau đó, hơi thơ đuối sức. Do đó, nhiều lần Thế Lữ đã ca ngợi, chào đón
thơ Xuân Diệu với tấm lòng nồng nhiệt lạ thường - điều ít khi xảy ra trên báo của
nhóm Tự lực, thường ít khen người ngoài nhóm. (Mãi về sau này, Xuân Diệu mới là
thành viên của Tự lực văn đoàn, khi anh đã nổi tiếng. Anh là thành viên thứ bảy,
trong nhóm thất tinh (Pleiade), theo một tư liệu viết tay của Nhất Linh4).
Công bằng mà nói, thì sự thành công - không dễ dàng, nhưng rực
rỡ, của thơ Xuân Diệu ít nhiều nhờ vào uy thế của nhóm Tự lực thời đó. Độc giả
của các báo Phong hóa, Ngày nay, là tiềm lực của quần chúng Xuân Diệu.
Xuân Diệu cần độc giả của Tự lực văn đoàn thì ngược lại nhóm
Tự lực cũng cần Xuân Diệu, về cả hai mặt: về tư tưởng nói chung và về sức sáng
tác thơ.
Về tư tưởng, khi thơ Xuân Diệu ra đời (khoảng 1935 - 36) thì
nhóm Tự lực đã cạn đề tài. Những tư tưởng cải cách gia đình thì Nhất Linh đã
nói hết trong Đoạn tuyệt (1934) hay Lạnh lùng (1936), Khải Hưng đã nói hết
trong Nửa chừng xuân (1934). Họ tìm về với nghệ thuật thuần túy: cũng với hai
nhân vật Dũng và Loan, Nhất Linh sẽ viết Đôi bạn mô tả tình bạn, tình yêu, hạnh
phúc (hiểu theo nghĩa rộng và sâu hơn trong thơ Xuân Diệu). Khái Hưng sẽ viết
Tiêu sơn tráng sĩ, Thế Lữ viết truyện trinh thám, hoặc Trại Bồ Tùng Linh.
Các nhà văn trong nhóm Tự lực rất ý thức chỗ mạnh, chỗ yếu của
mình. Họ biết là không có khả năng đặt những vấn đề xã hội, và cũng không có khả
năng viết tác phẩm theo khuynh hướng xã hội, nên một mặt họ xoay sang hoạt động
xã hội với những đoàn Ánh Sáng, mặt khác họ tặng giải thưởng Tự lực cho những
tác phẩm có tính cách xã hội như Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, Kim tiền của Vi Huyền Đắc,
Cái nhà gạch của Kim Hà. Nghĩa là Xuân Diệu đến với nhóm Tự lực rất đúng lúc:
giấc mơ tình yêu và hạnh phúc của Xuân Diệu là Hồn bướm mơ tiên nối dài của
Khái Hưng, là mùi hoa khế hay tiếng gió reo trên đồi thông trong Đôi bạn, là
tia Nắng trong vườn của Thạch Lam. Và cái nhu cầu tình yêu và hạnh phúc đó là một
đặc tính của giới thanh niên thời 1935 - 40, khi chính quyền thực dân đưa ra
phong trào "vui vẻ trẻ trung", với những chợ phiên, phong trào thể
thao…
Hoàn cảnh khách quan, không khí xã hội lúc đó, giải thích tiếng
vang của tác phẩm Xuân Diệu – người yêu người ghét – và nói được là thành công
nhanh chóng: tập Thơ thơ do Đời nay xuất bản cuối năm 1938 (in một nghìn cuốn
thời đó là thường), năm sau đã thấy tái bản. Thơ Xuân Diệu được đưa vào chương
trình giáo khoa, sách giáo khoa của Dương Quảng Hàm: chàng trai mới ngoài hai
mươi tuổi ngồi bên cạnh các cụ Tố Như, Yên Đổ. Thành công đó, trước hết là do
giá trị nội tại của thơ Xuân Diệu, nhưng nó cũng nhờ hoàn cảnh đưa đẩy. Sinh thời,
Hàn Mạc Tử (1912 - 1940) chỉ xuất bản được một tập Gái quê (1936) và chết trong
nghèo nàn, bệnh tật.
Cái may mắn của Xuân Diệu cũng là cơ hội của cả phong trào
thơ mới. Sở dĩ Thế Lữ nhiều lần nói "tôi rất mừng đã có một Xuân Diệu
trong thơ ta lúc bấy giờ"5 là vì Xuân Diệu xuất hiện khi thơ Thế Lữ, và
thơ mới nói chung, đang yếu sức (1935). Nhưng khi xuất bản và tái bản Thơ thơ
(1938-39) thì chính thơ Xuân Diệu cũng bắt đầu mòn mỏi. Và ngay lúc đó, 1938,
trong nhóm, có thêm Huy Cận nhảy vào đưa vào thơ mới một kích thước mới, rung cảm
con người trước vũ trụ. Tập Lửa thiêng (1940) in hai nghìn cuốn, cũng do nhà Đời
nay xuất bản, đã gây một âm hưởng sâu xa trong văn giới.
Nhưng ngay sau đó, nguồn thơ Huy Cận lại phân vân, tập văn
xuôi Kinh cầu tự (nhà xuất bản Mới, Hà Nội, 1942), tạo cảm giác hoang mang, anh
tiếp xúc với phong trào Việt Minh (1942) và chuyển dòng thơ lãng mạn về một
chân trời khác. Nhưng khi đó thì thơ mới lại tiếp thu những nguồn thi hứng khác
với ít trụy lạc của Vũ Hoàng Chương Thơ say, 1940; Mây, 1943), một ít chán chường
của Thâm Tâm, Trần Huyền Trân. Phong trào thơ mới là vệt lửa dài, một ngọn đuốc
tiếp nối từ 1932 đến 1945 - từ Tình già đến Gửi hương cho gió, nó có cái may mắn
là lúc nào cũng có những hồn thơ tiếp nối, Chế Lan Viên, Tế Hanh và nhất là Lưu
Trọng Lư với tập Tiếng thu (1939) và Hàn Mạc Tử mà chúng ta chưa từng được đọc
trọn vẹn tác phẩm.
Nói tóm lại, trong mùa hoa nở rộ khoảng 1932 - 1945, Xuân Diệu
là một trong năm ba đóa hoa rực rỡ nhất - và có lẽ là đóa hoa sặc sỡ nhất.
Sau khi gợi lại bối cảnh xã hội và văn học đã làm nổi bật
thơ Xuân Diệu, chúng tôi xin đi vào thi giới Xuân Diệu, theo một vài chủ đề,
qua những biến chuyển của anh từ khi anh bước vào đến khi anh vĩnh biệt làng
thơ, 1985.
Đề tài đơn giản nhất là tuổi trẻ, trong thơ văn Việt Nam chưa
bao giờ được ca ngợi như ở Xuân Diệu.
Hình ngực nở, nụ cười tươi, màu tóc láng
Và liền theo đó, anh miệt thị tuổi già:
Già sẽ đến, giơ tay xua ánh sáng
Đuổi bướm chim, làm sợ cả hoa hương
Và dần dà càng rõ rệt bộ xương
Mà bạn hữu sẽ đặt nằm dưới đất.
Thanh niên, tr. 141
Những lời lẽ như vậy đi ngược với quan niệm Việt Nam vốn trọng
tuổi già, và khi ca ngợi tuổi trẻ thì cũng rất kín đáo. Trần Quốc Toản, vị anh
hùng mười bốn tuổi, được mô tả như là "tuổi trẻ chí cao" cái quý là
chí cao, người chinh phu thì "chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt" nghĩa
là quý ở cái lý lịch. Cho đến hai chị em cô Kiều:
Xuân xanh xấp xỉ đến tuần cập kê
Êm đềm trướng rủ màn che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai
Họ được quý ở đức hạnh, chứ tuổi trẻ tự nó không phải là một
giá trị. Thơ Xuân Diệu, trước Cách mạng chỉ giới hạn trong những đam mê của tuổi
trẻ.
Sau Cách mạng, anh nhìn các thế hệ bằng con mắt khác, mỗi lứa
tuổi đều có chỗ đứng của nó trong xã hội. Anh làm thơ về những người già, cảm động
nhất về người "Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong" về một người chị họ
Chị Bốn Nhữ, về Cụ Muỗi, về Ông cụ trồng cây, về Bà má Năm Căn, Bà cụ mù
lòa.
Thêm vào một chi tiết: thơ Xuân Diệu trước Cách mạng không có
trẻ con. Nếu có một lần anh nhắc đến là để mỉa mai người bạn trói cuộc đời vào
lụy thê nhi.
Cơm xong chén nước chờ bên cạnh
Em bế thằng con được mấy năm
Tặng bạn bấy giờ, tr. 116
Sau Cách mạng, nhất là về sau này, thơ Xuân Diệu ríu rít tiếng
trẻ thơ. Anh mừng khi Một em bé ra đời, cảm động nhìn Mẹ tắm cho con, anh thèm
thuồng Cho chú xin một quả si và, trong bài đó, anh đã nói đến " thế giới
thiên đường của tuổi nhỏ" (mà dường như Baudelaire đã nói đến: "le
vert paradis des amours enfantines"). Anh ước mơ có Đứa con của tình yêu,
anh âu yếm nhìn cảnh bố dạy Con làm toán, lo lắng khi nhìn các Em nhỏ ở Hương
Khê lúc vào trường học dưới những phi vụ oanh tạc của Mỹ. Trong tình cảm nhân đạo
và dân tộc ấy, anh đã làm được nhiều bài thơ hay, nhiều đoạn cảm động như bài
Các cháu đi sơ tán, (tr.305):
Cái tuổi lên mười ăn háu háu
Thích ngồi nhìn miệng nó nhai ngon
Mười ba tính nết còn nhanh nhảu
Mười bốn xem chừng đã biết khôn
Nay chúng rời xa cha mẹ chờ
Nhất là mẹ nhớ bé còn thơ
Ban ngày công việc lo mê mải
Đêm ngủ xa còn mới thẫn thờ…
Anh tả tình cảm mẹ con rất hay. Ban ngày thì dù không mải việc,
mẹ cũng ít nhớ con, vì thường chúng nó đi học. Còn về đêm, trong điều kiện ăn ở
chật hẹp của Việt Nam, con có khi ngủ chung với bố mẹ. Người mẹ Việt Nam thương
con có khi còn hơn cả yêu chồng, đêm vắng con mới thẫn thờ.
Với Cách mạng, bạn đọc thấy Xuân Diệu đã đi một con đường rất
xa.
Hãy đốt đời ta muôn thứ lửa
Cho bừng tia mắt, đọ tia sao.
Ngọn lửa đam mê của Xuân Diệu đã đốt lên tại Quy Nhơn cách
đây già nửa thế kỷ – mấy câu thơ trên làm năm 1933 – đã tắt ngấm với hơi thở
Xuân Diệu tại Hà Nội ngày 18 tháng 12 năm 1985. Giờ này tia mắt của anh đã vĩnh
viễn "đọ tia sao".
Khó có ai tổng kết được một đời người, dù khiêm tốn đến đâu.
Huống hồ là một đời phong phú và sôi nổi như Xuân Diệu. Tuy nhiên, trong chút
tình riêng với anh tôi mạn phép tượng trưng sự nghiệp Xuân Diệu như một chuỗi dài
cống hiến. Tôi mường tượng đời anh như một chuỗi cườm, đồ trang sức của các bà
mẹ quê, mà mồ hôi thời gian làm sáng long lanh từng hạt một. Chuỗi hạt huyền ấy,
tôi chia ra làm ba giai đoạn.
Trước hết, là những đóng góp của anh vào phong trào thơ mới.
Tập Thơ thơ xuất bản một ngày Nô-en 1938 là thịnh thời của thơ mới, xuất hiện
trước đó không lâu và Gửi hương cho gió xuất bản năm 1945 là cao điểm, đồng thời
là dứt điểm. Về ý lẫn lời, Xuân Diệu là người tạo sinh lực cho thơ mới - hiểu
theo nghĩa một trào lưu trong lịch sử văn học.
Những đóng góp của Xuân Diệu, trước 1945, có tính cách tự nhiên
như một quy luật của bản năng sáng tạo, của con chim ngửa cổ hát chơi.
Giai đoạn hai: với Cách mạng tháng Tám 1945, anh là nhà thơ
lãng mạn nổi tiếng đi tiên phong vào thơ cách mạng, thơ kháng chiến, với Ngọn
quốc kỳ (1945) và Hội nghị non sông (1946), cùng nhiều tập thơ khác tiếp theo.
Những cống hiến ở giai đoạn giữa này là một cố gắng vượt bực
về ý thức, tình cảm, một hy sinh của con người cho một lý tưởng, giải phóng đất
nước và phục vụ nhân dân.
Giai đoạn ba: sau 1954, về Hà Nội, anh vẫn tiếp tục làm thơ
như trước, nhưng lại dành nhiều thì giờ nghiên cứu, theo hai hướng chính: thơ
văn Việt Nam cổ điển và văn học dân gian, bên cạnh một số bài về thơ hiện đại
và thơ nước ngoài.
Những cống hiến của anh giai đoạn thứ ba này là sức lao động
không ngừng nghỉ. Anh nghiên cứu trước hết là để bồi dưỡng trí tuệ và tình cảm
của riêng anh. Đã là người Việt Nam thì ai cũng có tính chất Việt Nam, nhưng
tính chất ấy đậm hay nhạt là tùy người, tùy lúc, tùy sinh hoạt và chúng ta có
thể giới hạn hay phát huy tính chất đó, tùy nhu cầu.
Xuân Diệu dư biết tài năng và địa vị của mình. Nhưng nhà thơ
lại có thêm tham vọng làm nhà thơ của dân tộc và nhân dân. Muốn đạt đến hoài
bão đó, anh phải hiểu biết sâu rộng về dân tộc và nhân dân. Lăn lộn trong quần
chúng sau Cách mạng tháng Tám, Xuân Diệu thấy rõ những hạn chế của mình, của
người nghệ sĩ trí thức tiểu tư sản, lỡ thành danh trước Cách mạng. Chúng ta thấy
điều này qua những bài nghiên cứu của Xuân Diệu về ca dao: anh rất thiết tha, rất
cố gắng, mà vẫn không xuất sắc như khi nghiên cứu thơ cổ điển.
Về Xuân Diệu, bạn đọc có nhiều tư liệu. Bài Tựa của Hoàng
Trung Thông đầu Tuyển tập Xuân Diệu (tập I, Thơ)6 là một bài hay, nghiêm túc,
uyển chuyển, tế nhị, thuộc loại hiếm hoi trong ngành phê bình hiện nay. Trong
bài này, tôi chỉ nhấn mạnh ở những cố gắng của một nhà thơ để mỗi ngày một gần
quần chúng, để có thể nói Tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi.
Trong các nhà văn, nhà thơ đi kháng chiến sau 1945, Xuân Diệu
là một trong vài người hy sinh nhiều nhất, Hoàng Trung Thông, trong bài Tựa nói
trên7, và Vũ Quần Phương trong một bài báo Nhân Dân kỷ niệm 50 năm làm thơ của
Xuân Diệu8, cho rằng sự tham gia cách mạng của anh có tính cách tất yếu. Chữ tất
yếu của hai nhà thơ - trong hai bài phê bình và ý Xuân Diệu - có tính cách đề
cao Xuân Diệu, qua bản chất cách mạng của anh, đưa anh đến con đường cách mạng.
Tôi ngờ lắm. Nói rằng người này tất yếu cách mạng, thì có
nghĩa là người kia tất yếu phản động, vì bản chất phản động. Nói thế, không tạo
thêm hào quang cho ai. Lấy cái gì để đoán trước là một người yếu đuối như Lưu
Trọng Lư, ham vui như Nguyễn Tuân thì gắn bó với kháng chiến đến cùng, trong
khi người hùng Lê Văn Trương bỏ về thành? Tại sao, cùng trong nhóm Tự lực, Thế
Lữ là người không chịu được văn Kim Hà, nhà tôi là một cái nhà gạch lại chấp nhận
văn nghệ hiện thực, khi Khái Hưng, người bênh vực Kim Hà, người chủ trương cải
tạo xã hội, lại chống lại cách mạng? Cái gì giải thích tại sao Nguyễn Bính, trước
Cách mạng làm thơ với phong vị bình dân, và khi kháng chiến, gắn bó với nhân
dân, lại làm thơ … tiểu tư sản?
Nhân đây, cũng nên nhắc là Xuân Diệu rất thích bài Cô hái mơ
của Nguyễn Bính, vì nó đáp lại nhu cầu mơ mộng của tuổi trẻ, và anh chua thêm
Khi cách mạng kêu gọi thì không phải kẻ thực tế hưởng ứng mà những người mơ mộng,
nhiều tình cảm, yêu người yêu đời, đáp lại trước nhất (trong bài Đọc thơ Thế Lữ9). Tóm lại, về tâm lý, tôi rất hoài nghi về những công thức tất yếu.
Chỗ mạnh của thơ Xuân Diệu trước Cách mạng là những hình ảnh
tinh tế, những âm điệu gợi cảm, tiêu tao:
Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt
Những vườn xưa nay đoạn tuyệt dấu hài
Những đặc điểm ấy, có giá trị của nó, nhưng không thể đưa vào
thơ chiến đấu. Đối với một nghệ sĩ, không có gì đau khổ hơn là phải nhượng cái
thế mạnh, giữ lấy thế yếu. Và Xuân Diệu đã chấp nhận đau khổ đó, một cách rất ý
thức. Càng đi sâu vào cách mạng, sự sáng tác càng gian nan. Từ trước tôi viết
cho những người "có học", tức là trên những nét lớn, những người tiểu
tư sản trở lên trong xã hội cũ. Bây giờ, những con người "vô học" cũ,
nhờ cách mạng, họ đã có học, họ đã đọc sách và họ biết cả phê bình nữa […]. Những
người "có học" lớp trước kia, bây giờ cũng đã thay đổi yêu thích cũ,
chính họ cũng đòi hỏi nói về những người lao động. Mà đó cũng lại càng là cái
nhược điểm rất sâu sắc của tôi. Gian khổ, khó khăn không phải chỉ ở đằng xa,
nơi quần chúng vẫn chịu và gánh mà đã đụng chạm ngay bản thân tôi. Tôi không thể
"kháng chiến vui vẻ, cách mạng vui vẻ" nữa […]. Sáng tác cái mới thường
bị thất bại, tôi quay về dựa lưng vào các thứ "của chìm"" tác phẩm
ngày trước của mình. Kỳ tình tôi vẫn biết đứng vào chỗ cũ không thể được nữa,
tuy nhiên lại ngại sang đứng chỗ mới, tâm trạng tôi như người bị chẹt, tâm thần
bất ổn, vẫn gần với quá khứ, vẫn xa vợi với tương lai. Cứ chạy sang bên này rồi
chạy sang bên kia, thật là đau đớn10.
Tôi tưởng tượng Xuân Diệu như một người thợ sơn vác một cái
thang dài trong một căn phòng hẹp, không va bên này thì cũng chạm bên kia, mỗi
va chạm là một lần nhói trong tim. Chúng ta cảm ơn những tâm sự chân thật của
anh: theo cách mạng không phải dễ dàng, lúc nào cũng Đi trên đường lớn. Nguyễn
Đăng Mạnh, trong một bài rất phong phú về Xuân Diệu đã có lý cho rằng Xuân Diệu
là cả một kho kinh nghiệm lớn, có ích lâu dài cho những ai muốn đi vào cái nghề
rất đỗi khó khăn này.11
Ghi chú nhân kỷ niệm 80 năm xuất bản báo Phong Hóa.
Xuân Diệu, họ Ngô, theo hiểu biết của chúng tôi, sinh ngày
Nhâm thìn, tháng Nhâm thìn, năm Bính thìn, tính theo dương lịch là ngày 25
tháng 4 năm 1916, không trùng hợp với thư tịch trong sách báo hiện hành.
Chú thích:
1. Những đoạn thơ trong bài này trích từ "Tuyển tập Xuân
Diệu, I, Thơ", nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1983. Mỗi lần, tôi ghi tên và
sổ trang để người đọc dễ tìm lại. Có khi tôi chua thêm thời điểm sáng tác, trường
hợp tôi biết và cho rằng cần thiết.
2. Hoài Thanh "Thi nhân Việt Nam", 1941, Thiều
Quang, Sài Gòn, tái bản 1967, tr.10 và 12.
3 Lưu Trọng Lư "Người sơn nhân", Ngân Sơn tùng thư,
Huế, 1933. Lưu Trọng Lư thời đó phụ trách nhà xuất bản này.
4. Văn hóa Nghệ thuật, tạp chí, California, số 3, tháng
7-1985, tr. 309. Bài báo chỉ độ một trang khổ nhỏ, nhưng tài liệu chính xác nhất
về các thành viên nhóm Tự lực và cộng tác viên báo Ngày nay, với bút hiệu và
tên thật.
5. Thế Lữ Tuyển tập, nhà xuất bản Văn hóa, Hà Nội, 1983,
tr.17, do Lê Đình Kỵ trích dẫn trong lời tựa.
6. Tuyển tập Xuân Diệu, nxb Văn học, Hà Nội, 1983, tập I, Thơ,
tuyển thơ Xuân Diệu từ 1933 đến 1979.
7. Hoàng Trung Thông, Tuyển tập Xuân Diệu, sách đã dẫn, tr. 18.
8. Vũ Quần Phương, Nhân dân, Hà Nội ngày 28-8-1983.
9. Tuyển tập Thế Lữ, nxb Văn học, Hà Nội, 1983, trang
597.
10. Tuyển tập Xuân Diệu, sách đã dẫn, trang 33 - 34.
11. Nguyễn Đăng Mạnh, Văn nghệ, Hà Nội, số 29 ra ngày 20-7-1985.
1986
Đặng Tiến
Kim Khánh sưu tầm
hãng hàng không eva air của nước nào
Trả lờiXóavé máy bay eva đi mỹ
hang may bay han quoc
mua vé máy bay đi mỹ
vé máy bay đi canada giá bao nhiêu
Nhung Chuyen Di Cuoc Doi
Ngau Hung Du Lich
Kien Thuc Du Lich