Ở lại cùng sông
“Trong đời tui hạnh phúc nhất là khi sanh thằng Phúc,
thằng Hậu và cái lúc tui té sông bị chân vịt chém xém đứt mấy ngón tay”. Dì cười
héo hắt, nhỏ mấy giọt nước mắt đặc quánh, bên bết như sình non. Tôi bâng quơ
nghĩ: nước mắt chi mà lạ… Hay là thứ nước mắt của những khổ đau dồn nén?
Hay là tôi lóa mắt nhìn lầm?.
Dưới ánh sáng của cây đèn Hoa Kỳ để góc ghe đủ để tôi nhìn rõ
gương mặt dì. Đó là gương mặt cam chịu đến ám ảnh, những nếp nhăn xô lệch rơi
vãi khắp nơi, đôi mắt to, sâu hun hút như không có đáy, mớ tóc dày quấn cao
càng khiến các góc cạnh của khuôn mặt phô ra hết.
– Sao dì lại thấy mình hạnh phúc vào những lúc đó?
– Cô là dân bàn giấy đâu có hiểu được dân mạt hạng tụi tui. Tối
ngày lo mần không đủ ăn, đâu có ngó nhiều tới nhau. Lúc người đờn bà ở cái miệt
này sanh con là lúc được người đờn ông chăm sóc nhiều nhứt. Tui có phước té
sông bị chân vịt chém vài đường thịt chớ nhiều người chết luôn. Cữ đó, ổng ở
nhà chăm sóc tui y như cái hồi tui sanh tụi nhỏ…
Tôi dựa vào mạn ghe, kế bếp lửa dì đốt hun tay chân cho tôi
khi vớt tôi từ dưới sông lên. Lúc tôi trầm mình xuống dòng này chỉ muốn chết
cho nhẹ nợ trần gian không nghĩ mình được vớt lên rồi ngồi đây nghe một người
đàn bà sống kiếp thương hồ kể chuyện. Dì nấu cháo hàu biểu tôi ăn cho lại sức.
Dì nói không có thứ nào ngon hơn hàu, chỉ đưa thìa cháo vào miệng, răng khẽ chạm
vào thân hàu và cảm nhận một tiếng vỡ bục thật khẽ, vị thơm ngậy cứ lẩn quất
mãi trong vòm miệng, để rồi khi đã trót ăn một lần thì cứ vấn vương mãi không dứt.
Còn tôi trong cơn đê mê hụt chết chỉ thấy miệng đắng ngắt, ứ đầy một cảm giác mệt
mỏi, đôi mắt trĩu nặng muốn ngủ như khi tôi gieo mình xuống đáy sông.
Nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà
Giọng dì vẫn nhàn nhạt, buồn buồn, trầm trầm lẫn vào tiếng
sóng vỗ vào bờ dứt ra từng tảng đất đổ oàm xuống sông, sóng liếm vào chiếc ghe
chùng chình lay lắt…
“Hồi đó ổng đem có cặp vịt qua nhà dắt tui về làm vợ chớ có
đám đình chi đâu. Ổng nghèo, tui cũng nghèo, phận nghèo với nhau hiểu dạ nhau
mà sống chớ tui không đòi hỏi gì nhiều. Tài sản ổng có là chiếc ghe cũ chở
khách, bán đồ tươi, đồ khô, vớt phế liệu… Ổng nói ổng rải tro cốt ba má xuống
sông Gành Hào này nên mơi mốt dù có đất ở trên bờ ổng cũng không ở trển. Biết
hoàn cảnh ổng vậy nên tui thương ổng nhiều hơn. Tình thiệt mỗi ngày lặn lội ở
khúc sông dơ dáy tui cũng tủi cái thân tui. Những ngày trời nóng nước sông hôi
thúi kinh hoàng. Người ta quăng tất cả những gì rác rưởi xuống dòng sông này.
Nhưng cũng có lúc khúc sông này cũng xôm tụ chớ không hiu quạnh như giờ. Dân
thương hồ tụi tui hay cạp vách xuồng xin mồi lửa, trao đổi cho nhau nắm gạo lức,
tấm vải bố tời, trái bầu, trái bí. Bà con dân tình ghé mua, thấy buôn bán được
nên tụi tui neo chỗ này luôn thành cái chợ nổi bán đủ thứ từ bàn ghế, giường tủ…
đến mắm muối rau quả. Có bầu thằng Phúc tui nghỉ vớt phế liệu, tui bán đồ tươi,
bán café còn ổng đục hàu, sống cũng được. Tui nhớ đất liền, chiều chiều nấu
cơm, khói bay lên mui, tui muốn về thăm má hết sức. Ổng biết dạ tui, nói trỏng:
– Để đục hết hàu ở bờ kè này tui với em về thăm má nghen.
Tui mừng rân, muốn khóc, ngó ổng. Ổng quấn điếu thuốc xếp gối
ngồi trên ghe phì phà nhả khói lên trời, tui biết ổng buồn. Ổng buồn vì thương
tui lênh đênh theo ổng hết khúc sông này tới khúc sông khác”.
Dì dừng kể lom khom khêu ngọn đèn dầu, dáng dì nhỏ thó, héo
quắt như nhánh lục bình quẳng lên bờ phơi nắng. Trên trang thờ di ảnh một người
đàn ông rất trẻ, đôi mắt to lanh lợi, thông minh như đang nhìn thẳng vào tôi.
Thoáng giật mình, luống cuống tôi hỏi:
– Bức ảnh trên bàn thờ là… là…
– Thằng con lớn của tui đó cô. Thằng Phúc anh thằng Hậu.
– Sao… lại…?
– Ờ, nó đục hàu bị vọp bẻ chết đuối. Tội lắm, chết hơn ngày
tui mới biết. Cũng hên chưa trôi mất xác. Khi vớt nó lên bụng nó còn cột cọng
dây nối với cái thau đục hàu cho khỏi trôi. Nó chết mấy năm rồi, mới 24 tuổi,
chưa có người yêu…
Tôi giật mình, khi Phúc mất năm 24 tuổi nghĩa là bằng tuổi
tôi hiện giờ… Dì quệt nước mắt, thứ nước mắt sình non dưới ngọn đèn Hoa Kỳ lại
lóe lên. Dì đốt cây nhang thắp cho con, lẩm bẩm:
– “Họ đường 3 tháng, láng giềng 3 ngày”, tui thờ con tui cho
nó đỡ tủi, đỡ lạnh chớ không như người ta nói con chết trước cha mẹ là nghịch cảnh,
bất hiếu. Trời bắt nó đi thay tui thì nó phải đi. Tui biết nó thương ba má nó lắm…
– Tui hỏi thiệt, sao cô ngán sống nhẩy sông tự tử?
– Sắp đến ngày cưới, người yêu con lại đi ngủ với bạn thân của
con… Con khổ quá dì ơi… Con muốn chết cho xong…
Nói được đến đó tôi bật khóc nức nở. Dì lấy cái mềm cũ phủ
lên người tôi:
– Coi vậy chớ trước sau gì cũng xẩy ra cái chuyện đó thà biết
trước còn hơn, đờn ông mà. Đó là cô chưa có chứng kiến những chuyện đời sông nước
tụi tui còn khổ hơn nhiều. Như tui còn có chồng, có con để chia sẻ. Chớ có người
cả đời không biết mùi đờn ông là gì, quanh năm chỉ vò võ một mình, một mái chèo
với sông nước.
Dì lui cui dọn dẹp tới lui trong ghe. Tôi vẫn không hiểu nổi
bao năm qua bằng cách nào gia đình dì có thể xoay xở trên chiếc ghe xác xơ, chắp
vá ấy. Tôi tỉnh hẳn, đôi mắt người con trai lớn của dì trong di ảnh vẫn bám riết
lấy tôi, dù ngọn đèn dầu dì đã dịch chuyển ra giữa ghe ánh sáng không đủ để
nhìn rõ bức ảnh. Không hiểu sao tôi luôn ám ảnh những bến sông. Có bến sông gần,
có bến sông xa, có bến sông buồn, có bến sông vui. Cuộc đời mỗi người đàn bà
cũng vậy, như cái bến sông Gành Hào này có lẽ dành cho những người bị phụ bạc
như mẹ, như tôi. Mùa thu, miền Tây không dấu chân người. Những đồng nước cứ
riên riết chảy mênh mang khắp sông rạch, ruộng đồng. Đâu đâu cũng một màu phù
sa ngầu đục. Năm nào, nhìn dòng nước đổ về, tôi cũng khóc. Năm xưa khi bước xuống
tàu, nhìn lên bờ thấy cha đi với một người đàn bà trẻ đẹp, mẹ tôi không khóc chỉ
có tôi oà khóc nức nở. Mẹ ôm lấy tôi, gương mặt đầy vẻ xót thương, chịu đựng.
Khi ấy trời mưa, tôi không phân biệt được đâu là nước mắt của mẹ đâu là nước mắt
của trời. Để từ khi đó với tôi, mỗi bến sông đều mang bóng dáng gương mặt mẹ
tôi.
– Sao cô hổng ăn? Trời đất, nguội hết rồi nè!
– Con ăn đủ rồi. Cháo hàu ngon nhưng chắc lúc nãy húp mấy ngụm
nước sông nên giờ ngang dạ.
– Ờ, chén nước gừng hồi nãy cô chưa uống hết đâu nghen.
– Dạ, con uống nè dì. Con chưa biết tên dì?
– Tư Rum, cô gọi tui là dì Tư hay Tư Rum đều được. Cô ngủ đi
cho khỏe, sớm mai tìm đường về nhà cho mọi người đỡ lo. Coi như cô với tui có
duyên.
– Con không biết lấy cái chi trả ơn dì…
– Cô này ngộ héng? Cứu mạng người hơn xây bảy tòa tháp. Với lại
tui làm phước cho thằng Phúc sớm đầu thai.
Giọng dì Tư chùng lại, ngân ngấn. Trong đôi mắt của người đàn
bà, tôi cảm thấy những đớn đau òa vỡ, cuồn cuộn.
– Cô nghe chuyện tui đi, rồi cô thấy chuyện của cô có thấm
thía gì đâu?
– Cô chắc mệt dữ lắm, may phước lúc cô nhẩy sông cũng là lúc
tui đứng ngoài mũi ghe vái trời cho cha con thằng Hậu lên Sài Gòn đặng công
chuyện nên mới vớt được cô liền. Chớ không giờ này cô làm bạn với hà bá rồi.
– Dạ, số con chưa tận. Có phước gặp dì cứu.
– Sống khó chớ chết dễ lắm. Có phước có phần mới được sống
lâu can chi đi chết…
– Chú với Hậu lên Sài Gòn chi vậy dì?
– Nó đậu nhứt cái trường chi mà về làm thầy cãi cho tòa án
trên Sài Gòn đó cô. Cả xóm ghe này mình ên thằng Hậu nhà tui lên bờ đi học
thành danh. Mấy bữa nay ai cũng mừng cho vợ chồng tui. Tui hứa với bà con sông
nước rồi, ai có oan ức gì đem đây để cho thằng Hậu cãi dùm…
– À, Hậu làm luật sư…
– Ờ, đúng rồi, luật sư, tui quên hoài…
Dì Tư Rum cười, khuôn mặt héo hắt của chị bừng lên niềm vui
khó tả. Khuôn mặt phản bội méo mó của người chồng sắp cưới khiến tôi phải gieo
mình chợt nhòe đi như có vết tẩy mạnh đẩy ngang vết chì trong bức kí họa anh
trong tôi. Cả khuôn mặt rất xinh đẹp của cô bạn thân quằn quại trên chiếc giường
cưới cùng với người yêu tôi như bị phù sa châu thổ tràn lấp… Trước mắt tôi chỉ
có Dì Tư Rum, cánh tay gầy nhưng rắn rỏi có vài vết sẹo do chân vịt chém phải,
đôi tay ấy khỏe khoắn bơi ngược dòng Gành Hào kéo tôi lên ghe của dì. Giọng dì
đều đều, rỉ rả như giọt mưa rơi trên đám lục bình:
“Tôi không biết mình đã đi bao nhiêu dòng nước sông, con rạch,
ghé buôn bán ở những chợ nào, nhưng chắc ăn sông nước ĐBSCL này tôi rành rọt từng
ngõ ngách, thuộc từng tên chợ như nằm trong lòng bàn tay. Đời thương hồ tụi tui
họp tan theo con nước vơi đầy, theo từng buổi chợ đông, chiều muộn. Sống trên
sông riết rồi quen, tui không còn muốn lên bờ nữa. Cực lắm cô. Nồi cơm, nồi
canh nhiều khi nấu chín, chưa kịp ăn đã bị đổ sạch do bị sóng đánh mạnh làm chiếc
ghe lắc lư. Đêm đến, ngủ không trọn giấc, gặp khi mưa to, giông, gió lớn thì
không sao nhắm mắt được, lòng phập phồng lo sợ, mong gió, mưa sớm tạnh, mong trời
mau sáng. Dân thương hồ mỗi người một hoàn cảnh, một xứ sở, một quê hương nhưng
khi gặp nhau ở một chợ, neo đậu ghe cùng khúc sông thì kết nghĩa anh em bầu bạn
giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, khó khăn. Cô có nghe câu “Bớ chiếc ghe sau chèo mau
tôi đợi. Khúc sông này bờ bụi khó qua” thì tụi tui y rang vậy đó. Tui sống với ổng
chừng này tuổi đầu mà hồi giờ chưa có cự lộn. Nếu có thì “Bướm vàng đậu trái mù
u/ Vợ chồng lục đục, con c… làm lành”. Mấy đứa con tui sanh ổng đỡ đẻ hết chớ
không mượn bà mụ vườn nào đâu. Thằng Phúc lớn lên chỉ biết trên đò là trời, dưới
là mặt nước sông. Nó lăn lóc trên sàn, đeo bám trên thành ghe mà lớn. May thời
con tui dễ sanh, dễ nuôi không bệnh tật chi. Chớ có nhiều cảnh thương tâm lắm,
cha mẹ mắc bán hàng, con nhỏ bị rớt xuống sông, thậm chí bệnh tật cũng không kịp
đưa lên bờ để cứu chữa. Thằng Phúc không được đi học, nó biết bập bõm có mấy chữ
tui dạy nó. Nó nhanh như con rái cá, bắt cua, bắt cá không ai nhanh bằng nó. Lớn
tí đỉnh nó theo cha đi đục hàu. Thằng Phúc 10 tuổi tui mới sanh thằng Hậu. Mần
ăn buôn bán lời lãi phập phùng như con nước lớn ròng, tụi tui cho ghe xuôi dưới
miệt sông Cái Đôi bán đồ khô. Cha sắp nhỏ theo ghe bạn đốn củi hầm than dưới Gò
Công, Ông Trang lận.
Thằng Hậu sáng dạ, 2 tuổi mà thứ chi cũng biết ráo. Thằng Phúc với tui có nhiêu chữ nó lấy hết. Nó thèm đi học đến nỗi nhìn thấy bóng mấy đứa nhỏ đi trên bờ là níu áo tui la lên: “ Má, má… Cho con lên bờ đi học nghen”. Thằng Phúc thấy em nó vậy không nói năng chi, cái thằng lầm lì không ai hiểu hết tánh ý nó. Nó đục hàu siêng hơn, quên ăn cơm trưa. Hỏi nó mới nói nó đục nhiều nhiều đặng có tiền cho thằng Hậu lên bờ đi học. Hồi đó muỗi xứ này nhiều như trấu phủ, ổng quấn tấm đệm che thân, tui đan bằng một thứ cỏ lác mọc bạt ngàn trên những cánh đồng hoang đất phèn. Tui nhắn lời cho bạn đường rừng nói ổng chuyện thằng Hậu. Ổng về liền, nhót lòng, hình như ổng khóc, tui với thằng Phúc cũng khóc, có ên thằng Hậu cười. Sớm, ổng nói với tui là ổng đi xin học cho thằng Hậu. Ổng lội bộ chừng 20 cây số. Ổng mang theo một cây gậy tre để chống đường gập ghềnh mà đi, để đuổi đàn chó dữ ở xóm ổng qua, để tự vệ rắn độc nấp trong lùm. Mấy thằng con tui sanh ra trọi trơ không có đứa nào có giấy khai sanh. Ổng xin tới xin lui thằng Hậu mới được đi học…”
Thằng Hậu sáng dạ, 2 tuổi mà thứ chi cũng biết ráo. Thằng Phúc với tui có nhiêu chữ nó lấy hết. Nó thèm đi học đến nỗi nhìn thấy bóng mấy đứa nhỏ đi trên bờ là níu áo tui la lên: “ Má, má… Cho con lên bờ đi học nghen”. Thằng Phúc thấy em nó vậy không nói năng chi, cái thằng lầm lì không ai hiểu hết tánh ý nó. Nó đục hàu siêng hơn, quên ăn cơm trưa. Hỏi nó mới nói nó đục nhiều nhiều đặng có tiền cho thằng Hậu lên bờ đi học. Hồi đó muỗi xứ này nhiều như trấu phủ, ổng quấn tấm đệm che thân, tui đan bằng một thứ cỏ lác mọc bạt ngàn trên những cánh đồng hoang đất phèn. Tui nhắn lời cho bạn đường rừng nói ổng chuyện thằng Hậu. Ổng về liền, nhót lòng, hình như ổng khóc, tui với thằng Phúc cũng khóc, có ên thằng Hậu cười. Sớm, ổng nói với tui là ổng đi xin học cho thằng Hậu. Ổng lội bộ chừng 20 cây số. Ổng mang theo một cây gậy tre để chống đường gập ghềnh mà đi, để đuổi đàn chó dữ ở xóm ổng qua, để tự vệ rắn độc nấp trong lùm. Mấy thằng con tui sanh ra trọi trơ không có đứa nào có giấy khai sanh. Ổng xin tới xin lui thằng Hậu mới được đi học…”
Dì Tư Rum ngừng kể, ngó mông lung ra ngoài, thỉnh thoảng có
con cá, con tôm giật mình búng lên mặt nước sáng loáng như rắc lân tinh, văng vẳng
trên sông có tiếng ai ru con não nuột: “… Ầu… ơ…Chớ anh đi xa anh trả áo lại
đây, để khuya em đắp gió Tây lạnh lùng. Lạnh lùng thì lấy mùng mà đắp, trả áo
đây anh đi học đường xa, chớ đường xa… xa lắm em ơi, gởi thư thư lạc chớ gửi lời
á… Ầu… ơ… chớ gửi lời lời quên…”. Tiếng ru trong đêm thanh vắng nghe nỉ non tha
thiết. Tôi hình dung người đàn bà cô đơn ru con mà nhớ chồng…
– Cô có nghe thấy tiếng ru con không?
– Dạ có …
– Con Lan nó ru con nó đó. Con nó lọt sông chết hồi năm ngoái
mà nó ru hoài… Chồng nó đi hầm than còn nó bán đồ tươi. Từ ngày con nó chết đêm
nào nó cũng ru, hồi mới ghe rợn sống lưng sau rồi riết quen. Khuya mà không
nghe tiếng nó ru con xóm thương hồ tụi tui lại lo. Hổm rày nó như con chuột sống
trong cái ổ chuột. Chồng nó mới thì bỏ ghe, bỏ nó lên bờ theo con Hiền bán café
đầu sông đó. Đờn bà mình khổ thiệt heng cô?
– Trời ơi… Sao bạc bẽo vậy trời…
Gương mặt người đàn ông đầy trí tuệ của tôi, người bạn gái
thân thiết của tôi xẹt ngang qua mặt. Tôi giật mình. Bọn họ như đang nhìn chòng
chọc vào tôi cười ngả nghiêng, họ quấn vào nhau lăn lộn lên đầu sóng bật ánh
lân tinh. Tôi chạy theo họ như lướt trên mặt sóng chập chùng, chới với..
– Nè cô, có sao không? Trúng gió hả?
Dì Tư Rum lắc lắc vai tôi. Tôi choàng tỉnh. Khuôn mặt của những
kẻ phản bội đã ám ảnh tôi, kéo tôi đi…
– Con không sao. Con hơi lạnh thôi.
– Để tui thêm than vô lò cho cô ấm nghen. Còn yếu trong mình
đó mà…
– Con đỡ rồi. Dì kể tiếp con nghe nghen.
– Chèng ơi, gấp gì cô, đêm còn dài mà, thủng thẳng tui kể… Để
tui xức dầu nước xanh cho cô nghen. Chén nước gừng uống hết rồi hả. Ừa…
Dì Tư lấy mấy cục than đước bỏ vô lò rồi lục túi áo lấy chai
dầu gió xức trên hai thái dương, sau ót cho tôi. Mùi bùn đất, mùi nắng, mùi gió
đồng, mùi lục bình xanh nhớt lẫn khuất trong hơi thở của dì phả ra. Tôi thấy ấm
áp lạ… Hơi thở ấy giống hơi thở của mẹ tôi khi còn sống, chỉ có khác mẹ tôi còn
mang mùi của bờ cỏ xanh non trên cánh đồng ngày gieo hạt. Dì biểu tôi gối đầu
lên đùi dì nằm cho đỡ mỏi, có hơi người cho ấm. Tôi nhỏ bé trong bộ bà ba rộng
thùng thình của dì chắc đã may từ lâu lắm vì tôi thấy vải đã giãn ra hết cỡ, mỏng
lét. Dì tiếp tục câu chuyện của mình:
“Lay lắt, vợ chồng tui cũng cho thằng Hậu lên bờ đi học như
người ta. May mắn nó gặp được ông thầy nhơn hậu cho ở đậu. Nghe ông thầy khen
nó học giỏi, có tương lai, vợ chồng tui mừng rơn. Mừng nhứt là thằng Phúc, nó
biểu tui: “Rồi má coi, mơi mốt thằng Hậu thành tài mần có tiền cất nhà lầu
trên bờ cho ba má, khỏi cực”. Vài tháng tụi tui xuôi về sông Cái Đôi một lần
thăm nó, đời thương hồ mà cô. Tụi tui sống theo con nước, tới đâu là cắm sào tới
đó rồi buôn gánh bán bưng, bán xong lại xuôi theo con nước tìm chỗ khác cắm sào
nên người đời mới gọi tụi tui là “dân thương hồ”. Hết nhổ sào lại cắm sào, cứ
thế dân thương hồ tụi tui lang bạt khắp miền. Hết sông Gành Hào, theo con nước
mà đến sông Ông Đốc, có khi tới Bến Tre, Tiền Giang…Mấy năm nay tụi tui mới cố
định ở khúc sông Gành Hào này, cho thằng Phúc đỡ tội… Khúc sông này coi vậy mà
luồng lạch dữ lắm, đâu nuốt có mình thằng Phúc nhà tui đâu mà kéo theo chú thợ
lặn chính quyền mướn xuống mò vật chứng là cái cây đục hào của con tui chi
đó… Nghèo khổ thì vậy đó cô, người ta mướn gì làm nấy lấy tiền lo cho vợ con…
Chú đó nghe nói cũng có vợ hai con rồi…”
Dì Tư Rum chợt nín thinh, thở dài thắc thỏm:
– Cha con thằng Hậu không biết xong công chuyện chưa?
– Mai mốt Hậu xây được nhà lầu, dì với chú có lên bờ sống
không?
Dì tư trầm ngâm hồi lâu mới nói:
– Tui với ổng dứt dạt ở lại với sông rồi. Thằng Hậu lên bờ nó
yên phận nó, nó xây được nhà lầu thì vợ nó cháu tui được sung sướng, vậy là tui
an tâm. Tụi tui quen sóng quen gió rồi, lên bờ cái thứ chi cũng lạ nhách. Mà lên
bờ tui với ổng bỏ ông bà nội sắp nhỏ, bỏ thằng Phúc sao đành cô ơi…
Tôi như thấy đôi mắt Phúc xuyên qua ánh sáng mờ mờ nhìn tôi với
dì Tư Rum. Tự nhiên không còn thấy sợ nữa… Đôi mắt ấy hiền lành, đầy yêu
thương… Tôi không thể lý giải vì sao lại có cảm giác Phúc như đang ngồi sát bên
tôi. Phúc bỏ thêm vài cục than rồi khom khom thổi cho than bén lửa. Phúc gần lắm,
gần đến mức chỉ cần tôi khẽ với là có thể chạm được Phúc… Tôi khẽ mỉm cười quay
về phía trang thờ gật đầu chào Phúc. Bức ảnh động đậy, rõ ràng tôi thấy khóe
môi Phúc hơi nhếch lên, Phúc cười. Tiếng dì Tư va với tiếng sóng vỗ oằm oặm vào
mạn ghe đều đều: “Ba thằng Phúc đặt nó lên cái bắp vế, lấy nước sông tắm cho
nó lần cuối. Tui không thấy ổng khóc, đôi mắt ông lặng lờ như hai viên đạn keo.
Thằng Hậu hồi đó đương thi, ổng dặn đừng có báo tin anh nó chết sông, nó động
tâm không làm bài được. Tới khi nó biết anh nó chết, nó khóc ran trời, chạy miết
trên bờ sông, nó biểu tro cốt anh nó đâu? Sao không chôn anh nó mà rải xuống
sông chi cho tội phận? Đến lúc đó ba thằng Phúc mới khóc, ổng đứng trên mũi ghe
chết trân dòm theo chân thằng Hậu chạy dài trên bờ sông, nước mắt ổng chảy nhiểu
xuống ướt điếu thuốc rê ổng đang hút.”
Dì Tư ngừng nói, ngó xuống nhìn tôi:
– Tui kể tui không khóc sao cô khóc ?
– Dạ, không có…
– Có chớ sao không? Nước mắt cô ướt bắp vế tui nè.
– Chắc mồ hôi đó dì. Người con ấm lại rồi nè. Có dầu gió xanh
dì xức, còn có chén nước gừng, có cái mền nữa…
– Ừa, vậy là cô khỏe trong mình rồi đó…
Tôi khóc lúc nào không hay. Là lúc tôi thấy Phúc nhìn tôi hay
lúc ba Phúc tắm nước sông cho Phúc lần cuối… Là lúc nắm tro cốt của Phúc bay trắng
như sương mù cả khúc sông hay lúc tôi thấy Phúc men hết bờ kè này đến bờ khác mải
miết đục hàu cho Hậu đi học… Trời tạnh mưa từ lâu, ánh trăng lưỡi liềm tỏa ánh
sáng xanh xao, mặt sông bớt cô quạnh,... Tiếng ru của chị Lan đã tắt, chắc chị ngủ
và đứa con hẳn đã bớt lạnh dưới lòng sông. Vài chiếc tắc ráng chạy vọt xô nước,
chiếc ghe chòng chành, Phúc hình như vẫn nhìn tôi và mỉm cười…
Sông lại lặng im. Ngoài tiếng gió lao xao trên tán dừa nước
không còn một âm thanh nào khác nữa. Tất cả đều im lặng. Phải chăng là cái im lặng
rình rập, cái im lặng hồi hộp, cái im lặng rợn người như một đoạn phim căng thẳng
quá độ, đạo diễn không cho nhạc đệm?… Hình như tất cả điều đó đều không phải.
Đó là cái im lặng êm đềm đang dành cho dì Tư, tôi và Phúc trong một cõi nửa thực,
nửa mơ…
Sóng vỗ mạn ghe đều đều, hơi ấm dì Tư tỏa sang tôi, bếp lửa vẫn
còn ấm nóng… Tôi nằm trên đùi dì Tư thiêm thiếp ngủ… Loáng thoáng tôi lại thấy
Phúc cười…
Miền Tây, đêm tháng 9 mưa rả rích tàn canh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét