Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2020

Bốn đóa vô ưu ngày cuối hạ

Bốn đóa vô ưu ngày cuối hạ
Xưa nay, thầy yêu trò không hiếm và điều vụng trộm, chơi vơi ngoài vòng lễ giáo phương Đông, ít được dư luận chấp nhận. Nhưng với truyện: "Tình như chiếc gương trong" Đào Thị Diễm Thuyên đã dẫn người đọc vào chuyện với lời thoại nhẹ nhàng xen chút nghịch ngợm: "Tôi bảo em trong trẻo quá/ Nếu vậy thì thầy đừng làm cho em vẩn đục, dù chỉ là một hạt bụi!/ Em nói và cười rất vô tư, sự vô tư như vết cắt của lưỡi dao lam, cắt rất nhẹ nhàng nhưng máu chảy rất tươi…". Tôi bị cuốn theo một giọng văn thiết tha, để thấy rằng chuyện tình thầy trò ở đây trong trẻo, không lấm bụi trần. "Phụ nữ khôn và đẹp sẽ dễ biến thành yêu tinh đó em/ Nhưng nếu có tâm hồn trong sáng thì sẽ là thiên thần". Đúng, suốt đời tôi không dám yêu phụ nữ khôn mà chỉ đắm đuối phụ nữ nhân hậu và thông minh. Và hãy xem lời thú nhận chân thành: "Em cũng thương thầy, thương là thương vậy thôi, thương đến suốt đời…". Giá như truyện dừng ở chỗ thầy đứng dưới mưa mời cô học trò đi uống cà -phê chứ đừng dẫn đến tan vỡ, người đọc còn được dự đoán. Truyện "Cha, con và tình nhân" cùng nói đến tình yêu giữa người đàn ông lớn tuổi va cô gái trẻ, hiện là "mốt" thời thượng, nhưng xem ra vẫn bất chính bởi luôn làm đau người thứ ba... Cuối cùng cha và con gái cùng thức tỉnh. Tôi vẫn thường nghĩ rằng, người đàn ông nên hư một chút để đời thi vị mà đủ sức đi qua cõi phàm trần gian truân này. Cùng với các truyện: "Chị gái em trai nói chuyện" và "Giấc mơ không màu", dù có truyện Đoàn Thị Diễm Thuyên hoá thân vào "tôi" ngôi thứ nhất nam giới, những vẫn nhẹ nhàng, giàu nữ tính mà không kém day dứt bởi những bất hạnh và những lầm lỡ vụn vặt người đời.
Chỉ một đoạn văn ngắn mở dầu, Đỗ Thị Hồng Vân đã cho người đọc thấy sự bát nháo của một "Karaoke… xóm phố". Tác giả miêu tả cái "Phố Xây dựng" để làm bối cảnh và khắc hoạ tính cách nhân vật từ những ngôn ngữ rất đời thường mà sáng lên cái tình của những bà vợ có các đức ông chồng thích của lạ. Cũng vì sợ chồng mình đi hát karaoke với "mèo mả gà đồng", các bà vợ chung tiền mua một giàn máy karaoke để chồng hát ở xóm nhà. Chính vậy, Phố Xây Dựng vốn ồn ã lại càng bát nháo hơn vì những ca sĩ nghiệp dư ấy. Ẩn trong lời văn chao chát, dửng dưng của tuyến truyện là ăm ắp cái tình các bà vợ - phụ nữ Việt Nam, dù đâu đó còn có bà đanh đá chua ngoa, nhưng vẫn son sắt lòng thuỷ chung, âm thầm chịu đựng vất vả vì chồng con.
Đến truyện: "Cô giúp việc kén chồng" tôi không khỏi phì cười bởi những câu thoại của cô gái giúp việc ở quê ra tỉnh. Hãy nghe Lạc - cô giúp viêc, nói xấu trai làng: "… Khi chúng chuẩn bị nấy vợ, thì giả vờ đóng vai chân chỉ hạt bột và rất giỏi cái trò cấm vận gái nàng", "… Hôm đó, anh ấy đánh bạo sang nhà cháu chơi để nói rõ ý định với mẹ cháu. Núc về, đến đúng giữa cây cấu nhỏ bắc qua con mương, tự nhiên hai toán "ác ôn" ập vào chặn mặt: "Chào anh bạn tốt số, hôm nay dám đá nấn sân hả? Nhưng đây cũng tha cho, chỉ phiền anh bạn nhảy xuống mương này mò giứp hai vợ chồng con ốc núc chiều bọn này đánh rơi. Nhớ nhé một ốc đực, một ốc cái". Rồi một, hai, ba,… Chúng tóm nấy anh ấy ném tòm xuống mương giữa núc trời nạnh cóng như thế. May mà anh ấy biết bơi…".
Nguyễn Thị Dị khiêm tốn với ba truyện ngắn, ở "Levan" với những mẩu đối thoại của hai người chưa hề quen biết nơi đổ rác, đã gây cho người đọc cảm động bởi sự miêu tả chân xác nỗi lòng của người xa quê; họ dễ dàng nhận ra nhau, tìm đến nhau ngoài chốn quê nhà. Truyện "Levan" tác giả viết tại Pháp, viết lên tình cảm những người Việt sống ở Troyes, một thành phố gần Paris. Tôi xúc động bởi những mẩu đối thoại: "À! đôi mắt to màu nâu đậm nhưng một mí lót và… đúng rồi cái nét của nụ cười, cái nét khó diễn tả của người có máu Việt Nam", "Kim đáp nhẹ nhàng như muốn nhắc nhở ông Lê Văn: - Còn ba ngày nữa là đến Tết! Thứ tư - 9/2. Ông có biết năm mới là năm con gì không?/ Con gà. Tôi đã nói với bà tôi là người Việt Nam mà!" và một đoạn khác dễ mủi lòng những ai cùng cảnh ngộ "Bàn tay ông Lê Văn siết chặt bàn tay nhỏ bé của Kim. Ông Lê Văn nói tiếng Việt Nam lơ lớ/ - Chuc mung nam môi/ Doi dao sức khoe.../ Như có hạt bụi nào rơi vào mắt, Kim chợt thấy cay cay. Nàng rút nhẹ bàn tay ra khỏi tay ông Lê Văn"… Trong truyện: "Một cảnh lấy chồng Việt kiều", tôi xa xót cho một gái Việt dại dột lấy anh Việt kiều vô tích sự, tàn tật cấp 3: "Nó bị cận quá trời, gần đui rồi cô ơi, bây giờ nó ăn tiền tàn tật cấp 3 đó cô!". Và, trong "Một cảnh ba quê" "Thảo nhìn người đàn bà nhỏ bé có trái tim thật bao la, nàng nhớ đến mẹ nàng đã một mình tần tảo nuôi bốn chị em khi ba nàng bỏ đi với người đàn bà khác, nàng nhớ lại câu hát ''Lòng mẹ bao la như biển Thái bình./ Bà cụ cúi mặt giấu ngấn lệ, một lát sau hỏi Thảo:/ - Bà về Việt Nam chưa vậy bà?/ - Dạ, ba lần rồi.
Thế còn bà?/ Bà cụ bóp mạnh chai nước nylon kêu một tiếng rắc….". Đây là một trong mười lăm truyện sử dụng bút pháp đồng hiện, ở đây tôi không nói bút pháp cũ hay mới, cổ xưa hay hiện đại mà trân trọng cả ba truyện của Nguyễn Thị Dị được viết bởi cây bút có nghề, viết người thực việc thực, không tưởng tượng, hư cấu vẫn thành văn chương gây xúc động cho người đọc là tài hoa rồi!. Ai đấy đã nói truyện ngắn chỉ có một ý thôi, đôi khi một lời bâng quơ đã giúp cho tác giả thực tài dụng công dựng được cái truyện ngắn hay!
Và cuối cùng là bốn truyện của Chiêu Hoàng. Đọc Chiêu Hoàng, tôi bỗng thấy tư tưởng nhà Phật ngân âm thầm trong lời văn khúc chiết của tác giả. Tôi đoán, Chiêu Hoàng không tu sĩ thì cũng là cư sĩ tại gia, có quá trình hành thiền, công phu chay tịnh và nghiền ngẫm lẽ vô thường, nhân quả của Phật giáo. Truyện "Mặc - Lan", nói lên số phận quá tương phản của cặp sinh đôi: "… Cả hai đứa bé cùng sinh một giờ, cùng nơi chốn, cùng mẹ cha, nhưng sự may mắn và bất hạnh được lộ rõ. Bao nhiêu yêu thương, cưng chiều đều dành hết cho thằng anh, còn Lan yếu đuối, bé nhỏ, đáng thương hơn lại bỏ rơi, hắt hủi…". Cuối cùng Lan chết, linh hồn em phơi phới ở từng trời, bỏ lại một trái tim xa xót duy nhất trên hành tinh này là Mạc -  người anh sinh đôi đã tụng kinh Phật trước ngưỡng tử sinh của Lan, giúp Lan siêu thoát kiếp người. Trong truyện ngắn "Gã Điên" tôi mãi nghĩ suy điều tác giả muốn chuyển tải đến người đọc bằng "Ý tại ngôn ngoại". Tôi xin trích trang cuối của truyện cũng là điểm khép lại truyển tập: "Này con. "Biết" chưa phải là "Ngộ". Mà "Ngộ" chưa phải là "Chứng đắc". Hãy suy tư và quán tưởng thêm điều này."/ Lời dạy rất đơn giản, sao tới giờ mới hiểu rõ ràng đến thế? Gã đã mỉm cười hóm hỉnh về những háo thắng của chính mìmh. Lại thấy mình trôi thêm về quá khứ, trở thành một đứa bé con sống dưới một mái chùa với vị sư già khụ, nơi đây lồng lộng những cát, gió của biển. Nhưng gã vẫn không ngừng ở đấy, vẫn đi như người đi ngược chiều gió.
Nhiều mảnh đời chắp vá từ vài kiếp liên tiếp nối nhau, từng mảnh, từng mảnh, như những bức hình nhiều màu lộn xộn phụt lên…/ Rồi bỗng nhiêu, ở một tầng mức sâu thẳm nào đó, Gã bỗng nhận thấy một cái gì vừa sụp đổ, để lại một khoảng không gian thênh thang mà tầm nhìn của gã không còn bị giới hạn nữa. Một niềm vui oà ngập như nước vỡ bờ. Gã bỗng biết được một điều hiển nhiên rất đơn giản. Mình là tất cả. Một dải nắng tung tăng nhảy múa dưới ánh mặt trời. Một con chim đại bàng với vực sâu. Một con cá nằm giãy chết trên mặt cát. Một vì sao vừa tắt trên cao…/ Người sinh ra, kẻ chết đi, đây đó xôn xao sự sống và nỗi chết, trập trùng, biến hiện qua những niềm vui, nỗi buồn bất tận… Mọi sự, mọi vật điều biến chuyển không ngừng, chập chờn như giấc mộng…/ Nửa đêm hôm ấy, có một bóng người lẳng lặng rời bỏ khu nhà thương điên. Hành trang duy nhất của ông là một cái máy niệm Phật rất nhở bé cùng với bộ đồ bẩn thỉu, rách nát trên người. Nhưng chỉ có ông mới cảm nhận được tâm ông rất tinh khôi như người vừa thoát kiếp. Ông đi đâu. Nào ai biết được!". Đọc xong truyện này, tôi thấy "Gã Điên" không điên mà dường như "Ngộ" và có lẽ điều tôi vỡ ra cũng là điều Chiêu Hoàng muốn đưa đến bạn đọc qua giọng văn phảng phất mùi Đạo giữa thời bôn ba mạt Pháp này!
4 Cây Bút Nữ Tuyển Truyện do Nhà xuất bản Văn Học, ấn hành, nộp lưu chiểu Quý III năm 2007 là mười lăm bông hoa đầu đời của Chiêu Hoàng, Nguyễn Thị Dị, Đỗ Thị Hồng Vân, Đoàn Thị Diễm Thuyên, gom lại thành một tâp sách dày hơn 209 trang, bìa vàng sang trọng. Mỗi người một nét, người thâm trầm triết lý, người dung dị dí dỏm, người tài hoa hé lộ… họ cùng trải lòng dâng bốn đoá vô ưu, dịu dàng nữ tính đến với bạn đọc trong và ngoài nước giữa những ngày cuối hạ. Cũng xin nói thêm rằng, đây cũng là tập sách đầu của Tủ sách Việt Văn Mới, thành quả của công trình hợp tác văn chương giữa, nhà xuất bản Văn Học, Công ty truyền thông Hà Thế Hà Nội Việt Nam và cơ sở Việt Văn Mới - Newvietart tại Pháp, nơi hội ngộ văn chương trong và ngoài nước do Từ Vũ, Tổng Giám đốc Newvietart chủ trương.
Lời mở đầu cho quả ngọt đầu mùa, dịch tác gia Từ Vũ viết: "… Văn phong của họ không cầu kỳ, không lập dị, rắc rối. Đọc 4 Cây Bút Nữ Tuyển Truyện, người đọc sẽ phải nỡ nụ cười thú vị qua sự dí dỏm của Đỗ Thị Hồng Vân, ngậm ngùi theo Đoàn Thị Diễm Thuyên, xúc động với Nguyễn Thị Dị rồi nhẹ nhàng vượt thoát cùng Chiêu Hoàng…". Theo tôi tuy còn khiêm nhường trong làng văn chương Việt, những sẽ là mảnh đất màu mở cho nhiều nhà văn, nhiều cây bút trong và ngoài nước có đất dụng võ, nói lên nỗi niềm, điều tư duy ngẫm ngợi của mình về cuộc đời mình và thời đại mình...
Huế, ngày 9 tháng 7 năm 2007
Nguyễn Nguyên An
Theo https://vanchuongviet.org/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...