Một cõi thơ gắn số phận
với những bước thăng trầm của Thơ mới
Những câu thơ đó như là chìa khóa mở vào cõi thơ Bích Khê. Một cõi thơ gắn số phận với những bước thăng trầm của Thơ mới. Và hôm nay, thật ngẫu nhiên, sự trùng hợp 90 năm ngày sinh và 60 năm ngày mất với trường hợp của Bích Khê - thi nhân của sông Trà, núi Ấn nói riêng và của non sông Việt nói chung.
Thời gian trôi qua, cuộc đời và sự nghiệp thơ ca Bích Khê dù đã từng gây ít nhiều “phân vân” vẫn thu hút sự mến mộ, chú ý của công chúng và bạn đọc. Ở cõi vĩnh hằng, chắc ông không ngờ Những tờ thơ nát đầy hơi hám; Tay khách đa tình sẽ chuyển giao lại luôn mời gọi người đương thời tiếp nhận, đồng cảm, thưởng thức và phát hiện những giá trị nghệ thuật và nhân bản trong đó. Bằng “Tinh huyết”, “Tinh hoa” của đam mê và sáng tạo, Bích Khê đã kiến trúc nên một cõi thơ riêng - một cõi thơ trường kỳ với thời gian, với đời sống thi ca đương đại và với bạn đọc hôm nay.
Cùng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê là thành viên của Trường thơ loạn, từng gây tiếng vang và tạo ấn tượng không chỉ ở địa phương mình mà còn cả phong trào Thơ mới. Những cách tân, duy tân và quan niệm riêng, hết sức độc đáo của họ về sáng tạo, về nghệ thuật, về thơ ca đã góp phần đưa thơ hòa nhập vào tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX và đưa tên tuổi của mỗi người vào vị trí xứng đáng của nền văn học Việt Nam hiện đại. Điều đáng nói ở đây, là cùng ở trong Trường thơ loạn, cùng chịu ảnh hưởng lẫn nhau nhưng cũng như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê vẫn tạo tác cho mình “một cõi trời” - một cõi thơ “mê ly không bờ bến”, in đậm dấu ấn cá nhân, đậm đặc chất liệu cái tôi, cái cốt cách của Bích Khê: tinh tế mà phức tạp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét