Khi tôi dọn đến chung cư này, thằng bé đã ở với bà ngoại nó từ
lâu. Thiện có gương mặt sáng sủa, mới học lớp hai nhưng nó to con hơn bạn bè đồng
trang lứa. Thiện là một thằng bé ngoan, sau giờ học nó quanh quẩn chơi ở công
viên nội khu với đám trẻ con. Nhà chỉ có hai bà cháu, bà ngoại nó làm nghề môi
giới nhà đất nên bận tối ngày nhưng bà vẫn bỏ thời gian nhất định để chăm sóc
cháu, ít nhất tôi nhận thấy như thế.
Chung cư Hưng Vượng là một chốn bình yên, tôi nghĩ như vậy
sau hơn một tháng thành dân ngụ cư. Hì, thì là ngụ cư đứt đuôi con nòng nọc rồi
còn gì: bỏ nhà cửa ở Đà Lạt để về xứ nóng ở trông cháu giúp con. Ai cũng nói
“Đà Lạt không ở, sao uổng thế?”. Biết nói thế nào mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi
cảnh mà!
Chung cư nhỏ, tầng thấp lại là trung tâm một quận nên người
Việt dễ quen biết nhau. Nói vậy bởi người nước ngoài vào đây thuê nhà nhiều lắm,
những ngày đầu nhiều lúc tôi cứ tưởng một cô gái đi trên phố là gái Việt dè đâu
không phải. Sau một thời gian lân la với anh chàng bảo vệ hay cười, tôi mới biết
nơi này là nơi “trung chuyển” của nhiều người Việt. Ấy là số người sống ở đất
nước mình mà mộng để ở trời tây. Trời tây đây là Mỹ, là Úc… chí ít cũng là Sing!
Khi công ty PMH bắt đầu xây dựng, nghĩa là cách đây mười mấy năm, nhà giầu xuống
quận này mua liền tay. Mà không dễ mua đâu nhé, chuyện kể rằng lúc mở bán bạn
chỉ cần đi sớm bốc được một cái số thứ tự gần với số 1 nhất là có thể sang tay
cầm chắc dăm chục triệu. Bây giờ thì khác rồi, họ - người giầu chuyển qua những
khu phố quy hoạch đâu ra đấy và sống trong những biệt thự có giá mấy chục nhiều
khi cả trăm tỷ đồng còn một số khác thì qua bên trời tây như mộng ước!
Không sao cả, đời là một cõi vô thường, chẳng phải Phật đã dạy
như vậy sao? Đó là một chút suy tư của tôi khi sáng sáng đi ngang qua những con
đường râm mát bóng cây, nghe tiếng chim ríu rít chuyền cành, không gian im ắng
tĩnh lặng để đến với công viên Cảnh Đồi cũng trong lành không kém. Trong một
sáng như vậy tôi quen một ông bác sĩ về hưu người Hà Nội chính gốc, ông chở
cháu bằng chiếc xe đạp có cái ghế nhựa chuyên chở em bé đặt trên yên sau. Sau
vài ba lần trò chuyện tôi biết ông từng là quân y, lúc ấy chiến tranh ác liệt lắm,
ông nói vậy. Rồi ra quân, rồi làm bác sĩ ở một bệnh viện lớn, rồi về hưu… cuộc đời
bình lặng trôi qua, giờ an phận sống trong ngôi biệt thự yên tĩnh chỉ có ông và
bà. Con cái ư? Ông bà đủ nếp đủ tẻ nhưng đến tuổi hưu chỉ còn họ với nhau, nay
lại phải trông cháu nhỏ nữa! Số là con gái ông ôm mộng trời tây và rồi mộng
cũng thực hiện được, cô theo chồng qua “bển” dù phải học lại để lấy cái bằng dược
sĩ mà bên này cô đã có và đã làm ra tiền với nghề cô được đào tạo. Chồng cô
cũng như cô vì cả hai là bạn học lại là đồng nghiệp của nhau. Vậy thì cô nhóc
“An nì”, một công dân Mỹ thứ thiệt được gởi về quê nhờ ông bà chăm sóc vậy. Thỉnh
thoảng nhớ con quá mẹ bé về rồi lại bay qua xứ ấy. Cứ thế… cứ thế, “có lẽ khi bố
mẹ cháu ra trường đi làm gia đình cháu mới ổn định được”, ông bác sĩ nói.
Tôi hỏi “sao anh chị không qua luôn bển có tiện hơn không?”.
Ông bác sĩ trầm ngâm sau câu hỏi của tôi, thấy vậy tôi nghĩ hay là mình chạm
vào nỗi niềm của ông rồi chăng? Tôi nói “xin lỗi anh…” chưa kịp nói hết câu ông
đã khoát tay. “Không có gì đâu ạ… là tôi chợt nhớ chỗ tôi và anh đang ngồi trong
chiến tranh là vùng oanh kích tự do, tôi không chiến đấu ở đây nhưng có đi
ngang qua. Vùng này trước kia chỉ có sình lầy và cây dừa nước là nhiều nhất,
chính loại cây này cứu tôi mấy lần hút chết đó”. Người già hay hồi tưởng, tôi
im lặng nghe ông bác sĩ kể chuyện trong chiến tranh mà ông là nhân vật chính. Chiến
tranh tất có máu, máu của ông, của đội phẫu và của cô du kích dẫn đường. Cuối
cùng thì tôi cũng nhìn thấu được điều ông muốn nói, lời hứa sẽ về nhà cô giao
liên ấy ra mắt cha má và nói lời xin lỗi… “Thằng nhỏ chắc giờ trên bốn mươi tuổi
rồi mà tôi chưa biết mặt, không biết giờ này má con nó ra sao?”. Trời ạ,
hơn bốn mươi năm mà chiến tranh còn để lại một chuyện nặng lòng đến vậy, tôi chỉ
biết im lặng nghe ông bác sĩ nói tiếp. “Tôi không đổ cho hoàn cảnh, dù sao thì
tôi cũng có lỗi khi không tìm cô ấy ngay mà vùi đầu vào học đại học, cậu ạ lúc ấy
nhà tôi không có nỗi trăm bạc làm lộ phí vào Nam…”. Ông bác sĩ đổi tông, gọi
tôi bằng cậu thay cho tiếng anh khách sáo.
Đàn bà bao giờ cũng thua thiệt, tôi cay đắng nghĩ nhưng không
nói ra mà quay qua hỏi về cậu con trai ông bác sĩ. “Nó ở luôn bên Pháp sau khi
đi du học, giờ thành công dân… Mỹ rồi!”. “Nó cũng bảo con bảo lãnh bố mẹ qua sống
với con, nó nói bên này cái gì cũng tốt, cũng hơn Việt Nam mình… Này, tôi hỏi cậu
nước người ta gần hai trăm năm không biết chiến tranh là gì, người ta xây dựng
đất nước của họ mà không hơn mình mới lạ chứ, phải không?”. Tư lự một lúc ông
bác sĩ tiếp “giáo dục của chúng nó chuẩn…. Đấy, cái chính là điều ấy!”.
“Tôi không qua Mỹ sống với chúng đâu, nếu có sức khỏe qua du
lịch rồi về”, ông bác sĩ nói như kết luận.
Hôm nay là ngày bà Tám hay sao mà khi về đến chung cư tôi lại
được nghe chuyện ba mẹ thằng Thiện. Là bà Dư tâm sự với vợ tôi khi cô ấy hỏi mẹ
cháu đâu mà bà phải nuôi? Chuyện đời nay cũng đau lòng như chuyện đời xưa vậy. Con
gái bà Dư là một đứa đẹp người lại giỏi giang, “một tay cháu gầy dựng lên một
công ty xây dựng cũng khá tên tuổi, nó chết vì ung thư…”. Bà Dư kể với vợ tôi
như thế. “Bố cháu đâu?”. “Tôi vô phước gặp thằng rể không ra gì. Khi con gái
tôi còn sống không hiểu thằng đó nói thế nào mà nó sang tên một căn hộ cho nó,
tháng sau con bé chết. Thằng rể tôi đi tới giờ luôn bỏ mặc con chúng cho tôi
nuôi…”.
Tôi thở dài ngao ngán khi nghe bà xã kể chuyện người ta. Tôi
thầm trách người bố vô tâm, con mình đã không có mẹ giờ lại không có cả bố. Còn
vợ tôi thì hoài nghi “bây giờ ma ma phật phật…biết đâu thằng Thiện không phải
con của thằng Tài rể bà Dư?”. “Không lẽ lại có người vô lương tâm đến độ bỏ
luôn con mình, nếu không nuôi nỗi thì thỉnh thoảng cũng phải ghé thăm con chứ?”,
vợ tôi bình luận tiếp. Làm sao biết được hết chuyện đời, chỉ có con gái bà Dư mới
biết rõ ai là bố đứa bé nhưng cô ấy đã chết rồi… mà thôi, có vậy mới ra chuyện đời,
tôi nghĩ thầm như vậy.
Và cuộc đời vẫn trôi theo thời gian với vẻ bộn bề vốn có. Tôi
cũng không bỏ Đà Lạt được như nhiều người ở chung cư tiếc rẻ hộ tôi, tôi vẫn đi
đi về về trên cung đường giờ được đầu tư khá bài bản. Đó là sự kết hợp giữa cao
tốc với quốc lộ, giá gì tất cả đường về Đà Lạt của tôi đều là cao tốc bảo đảm
chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ bạn có mặt ở xứ sương giăng, tôi thích gọi Đà
Lạt với danh xưng ấy. Đó là những ý nghĩ vụn trên đường về, tôi mỉm cười tự thưởng
cho ý tưởng của mình. Ấy vậy mà khi vừa đến xứ sương giăng tôi được bà vợ báo
tin nóng sốt ở chung cư.
“Ba thằng Thiện mới về thăm nó, chị Dư mời vợ chồng mình ăn bữa
cơm mừng sum họp mà anh lại không ở dưới này!”. Tôi mừng cho gia đình họ, qua
điện thoại không tiện hỏi nhiều vì sao mà bẳn đi từng ấy năm ba nó giờ mới về
thăm con. Thôi thì chuyện đâu còn đó, tôi phải ngủ sớm để hai giờ sáng mai đi với
ông bạn hoạ sĩ ngắm sự sương giăng ở Tuý Sơn. Tuý Sơn, mới nghe tên thôi đã muốn…say.
Tôi “say” nơi này không phải vì rượu mà vì sương. Sương sớm Tuý Sơn ngoài
sự bàng bạc bao khắp chốn - những ngôi nhà cửa kính như chụm lại với nhau vì lạnh,
rau hoa trong nhà kính dường như cũng run rẩy theo, Tuý Sơn còn cho tôi biết thế
nào là sự tinh khôi của… cà phê! Tôi và ông bạn hoạ sĩ sáng sớm được cô em họ mời
ly cà phê. “Cà phê mô ka thứ thiệt, mời hai anh uống thử!”. Không thể nói là “uống
thử” mà chính xác tôi đắm hồn mình trong hương cà phê. Bên trong thứ nước nâu
nhạt ẩn chứa sự bí hiểm của mùi hương vừa dụ hoặc lại vừa kích thích gần giống
như hương thơm con gái dậy thì đánh thức nam tính của gã trẻ trai mặt đầy mụn bọc.
Tôi suýt cười với một sự so sánh… vớ vẩn nhất trong sớm mai như thế!
Tôi mang theo mùi sương giăng - phải, chính là sương
giăng từ ba bốn giờ chiều đến khi mặt trời mọc cao tầm ngọn thông mới khiến cho
cà phê Tuý Sơn và cả vùng Cầu Đất đượm hương như thế - về lại chung cư nơi cháu
tôi bi bô trông chờ ông và trong hành lý mang theo có ký cà phê Tuý Sơn cô em
ông bạn hoạ sĩ biếu. Cà phê tôi chưa kịp uống thì vị đắng của nó tôi được nếm
qua chuyện của Tài. Chẳng là vừa biết tôi về, bà Dư lên nhà mời vợ chồng tôi xuống
nhà bà “dùng bữa cơm thân mật, mai bố con nó đi sớm rồi”, bà Dư mời khách mà cặp
mắt thì hoe đỏ. Tài là một người thân thiện, qua dăm ly bia Tài kể cho tôi nghe
cuộc đời của mình.
Câu chuyện làm ăn thời nay na ná giống nhau, tôi nghĩ vậy khi
nghe Tài kể chuyện. Ừ, nếu muốn làm ăn lớn phải có thế lực “chống lưng” mới
giành phần thắng, rồi thì “biết điều”… các kiểu! Tôi gật gù làm bộ chăm chú
nghe. Cuối cùng rồi Tài cũng kể đến việc tôi quan tâm. “Cô ấy mất nên được đình
chỉ điều tra, còn cháu thì không. Bảy năm trong tù cháu không báo cho bà ngoại,
cháu mang ơn bà ngoại nhiều lắm…”.
Tôi rót đầy ly bia mời Tài cạn trăm phần trăm “để quên những
chuyện ấy đi, nhớ làm gì cho nặng lòng. Giờ tập trung lo cho thằng Thiện!”.
“Cháu phải nói lắm bà ngoại mới cho mang thằng Thiện đi, cũng may sắp vào
năm học mới, mấy hôm nay cháu xin rút hồ sơ của thằng Thiện để chuyển về
Túy Sơn”. Tôi thật sự ngạc nhiên vì sự trùng hợp kỳ lạ này, thấy nét mặt tôi
mang hình dấu hỏi Tài giải thích “sau khi ra tù cháu lên thôn Tuý Sơn làm vườn,
trồng rau hoa và cà phê với một người bạn, giờ tạm ổn mới tìm về bà ngoại…,
cháu mê Túy Sơn chú ơi, đó là xứ sương giăng đẹp lạ lùng”.
Tôi chợt hỏi “cháu người đâu ta?”. Tài hơi ngẩn người, tôi bắt
gặp một vẻ gì đó rất lạ nơi mắt nó. Tài đáp “nếu tính đúng thì quê cháu là Hà Nội,
còn giấy tờ là Đồng Tháp”. Tôi chưa kịp hỏi Tài đã nói tiếp “cháu sinh năm 75,
đúng vào ngày thống nhất đất nước… nghe nói bố cháu là người Hà Nội”. Sao lại
nghe nói? Chẳng là người bố không vào Nam như đã hứa với má nó, má Tài không biết
chuyện gì đã xảy ra, bà ẵm con lên Sài Gòn sống từ bấy đến nay. Lại chuyện con
rơi, tôi nghĩ. Nhưng không phải vậy, anh y tá đó hứa với má thằng Tài sẽ vào
Nam ra mắt cha má vợ. Chờ hoài chờ hũy không chút tăm hơi, má nó chỉ biết bố thằng
Tài người Hà Nội, vậy thôi!
Tôi cụng với thằng Tài ly nữa, rồi ly nữa. Chuyện của nó sao
tôi thấy quen quen nhưng sự hưng phấn bia rượu cộng với mồi bén khiến tôi không
để tâm đến cái sự quen quen ấy là chỗ nào. Tài nói “hôm nào rảnh chú lên Tuý
Sơn chơi nữa đi, hỏi thằng Tài râu là người ta chỉ nhà cháu cho chú!”. Tài đã
mua được nhà, không cần tôi hỏi nó giải thích liền “cháu bán căn hộ mới có tiền
mua đất mua nhà đó chú”.
Đêm đó tôi hơi say, bà xã giục mấy lần tôi mới chịu về. Sáng
hôm sau tỉnh giấc thì đã tám giờ, tôi đi bộ ra công viên Cảnh Đồi tập vẫy tay,
đến cái vẫy tay thứ một ngàn hai trăm năm chục tôi vụt nhớ chuyện đêm qua. Cái
quen quen đó là câu chuyện nặng lòng của ông bác sĩ, ông nội bé Anne có mấy
tháng học cùng lớp với cháu nội tôi. Anne đã qua Mỹ với mẹ trong dịp hè
này vì vậy lâu nay tôi không gặp ông bác sĩ nữa.
Tôi không hỏi địa chỉ ông Quang chỉ biết ông ở một khu biệt
thự. Mỹ Tú, Mỹ Quang, Mỹ Kim, Nam Viên, Mỹ Phúc, Phú Gia... biết tìm ông ấy ở
đâu? Vả chăng trên đất nước này có biết bao câu chuyện tương tự như vậy, chắc
gì câu chuyện bố con thằng Thiện có liên quan đến ông ấy?
Tôi sẽ kể cho ông Quang nghe chuyện Tài, cho dù không liên
quan gì cũng là một việc nên làm, tôi nghĩ.
Trả lờiXóahãng eva air có tốt không
gia ve may bay eva di my
số điện thoại hãng korean air
bán vé máy bay đi mỹ giá rẻ
giá vé máy bay đi canada
Cuoc Doi La Nhung Chuyen Di
Ngau Hung Du Lich
Kien Thuc Du Lich