Hoạt đưa tay chùi những giọt mồ hôi lấm tấm ướt chân tóc,
trán và hai bên thái dương. Buổi trưa nồng một cách khủng khiếp, Hoạt đã cởi nốt
chiếc áo mailot mà vẫn hầu như không chịu nổi. Căn nhà kho tuy cất khá cao ráo
nhưng vì lợp tôn nên hơi nóng hắt xuống thật nhiều. Hoạt đưa mắt nhìn ra ngoài
sân...nắng trưa trải lớp lớp trên những viên sỏi trải lối đi nhìn xa lóng lánh
như những hạt ngọc trai. Cuốn sách trước mặt dày cộm với những hàng chữ chi
chít làm Hoạt muốn ríu mắt lại. Cả đêm qua thức để lo cho ngày thi sắp đến,
trưa nay Hoạt thèm đánh một giấc nên thân nhưng viễn ảnh ngày thi làm Hoạt tỉnh
táo hẳn lại. Trời vẫn không có gió. Hoạt bỗng mơ ước mình có một chiếc quạt máy để
những lúc như thế này đỡ khổ. Cái mơ ước của người sinh viên nghèo thật đơn giản
và tội nghiệp, chính Hoạt cũng hiểu như thế và tự thương hại mình. Cái nghèo đã
ngăn tất cả ý nghĩ manh nha, những mơ ước hình thành. Cuối cùng của những lúc
suy nghĩ viễn vông đó, lần nào rồi Hoạt cũng như thầm để an ủi “Ồ, thiếu gì người
khổ hơn mình. May mà mình còn có mộtnơi để ở và cơm ăn ngày hai bữa mà lo học...”
Thật ra, trước kia cũng có thời gian Hoạt trọ lêu bêu từ căn gác tồi tàn này
sang căn nhà lẹp xẹp khác. Thời gian mới đây, dì Hai, bà dì ruột của Hoạt, kiếm
được chỗ đi chợ nấu ăn trong nhà này, bà xin chủ cho đứa cháu về ở trong căn
nhà kho. Hoạt giữ luôn nhiệm vụ buổi tối gác cửa cho ông bà chủ để kiếm ngày hai bữa. Dù thân phận nghe ra không khá gì nhưng Hoạt vui vì biết chắc mình có nơi
ăn chốn ở để học hành. Chỉ còn một năm nữa là Hoạt ra trường. Cứ nghĩ đến ngày
mình thành danh, Hoạt thấy nôn nao... Tiếng chuông gọi cổng làm Hoạt giật mình. Chàng buông vội cuốn
sách khoác chiếc áo treo trên móc chạy nhanh ra mở cổng. Người con gái độ mười bảy mười tám, mặc một bộ đồ thời trang
đang ngồi vắt vẻo trên chiếc cady. Thấy Hoạt hì hục kéo hai cánh cửa sắt cho mình
vào, cô gái hất mái tóc Francoise Hardy ra sau, gằn giọng: - Anh làm gì ở riết trong nhà, tôi bấm chuông nãy giờ không
ra? làm đợi nắng muốn chết. Không cho Hoạt có thời giờ phân trần, cô gái vọt xe vô phía
gara. Hoạt nhìn theo với chút ngán ngẩm. Người con gái đó là Bảo Anh, cô con gái lớn của ông bà Tổng
Giám Ðốc mà Hoạt đang làm công. Hoạt công nhận một điều là Bảo Anh có khuôn mặt rất
dễ thương nhưng tánh cô bé kênh kiệu và khi người không chịu được. Nhiều lúc
thái độ của Bảo Anh làm Hoạt muốn tát cho cô gái con nhà giàu kia một cái rồi ra
sao thì ra, nhưng chàng kịp nghĩ. Bảo Anh không bao giò thèm nói chuyện với Hoạt
dù chỉ một câu, ngoài những lúc lên giọng chủ nhà với Hoạt. Những ngày đầu đến
đây Hoạt bất mãn vô cùng nhưng dần dần chàng quen đi. Hoạt nghĩ, người ta không
liên quan gì đến mình, thế thôi. Hoạt lững thững đi trở về căn nhà kho. Hàng sỏi dưới chân
chàng kêu lạo xạo. Người con trai nhìn bóng mình đổ dài trên đường sỏi, nghe một nỗi buồn vô cớ... Dì Hai từ phía nhà bếp tiến đến bên Hoạt. - Ði đâu đó cháu? Hoạt lắc đầu: - Dạ không. Cháu có đi đâu. Ra mở cổng cho cô Hia. Dì Hai mỉm cười: - Cô Hai về hả? Hèn chi dì nghe tiếng mở cửa. Hai dì cháu đi về phía nhà kho. Hoạt bỗng nói: - Cháu sắp đi tí công việc, chắc tối cháu về trễ, có gì, dì
coi hộ cửa ngõ cho cháu. Dì Hai gật đầu: - Ừ, cháu đi đâu thì đi, để dì lo. Hoạt bước nhanh hơn vào nhà. Dì Hai nhìn theo bóng đứa cháu
trai, thở dài. Dì thấy thương cho thân phận những người trẻ trót sinh vào 1
hoàn cảnh khó khăn... Hoạt đẩy chiếc xe gắn máy cũ ra khỏi nhà mới cho nổ máy.
Chàng nhớ có lần, Hoạt đạp máy xe ngay trong vườn, Bảo Anh đứng gần đâu đó mà
chàng không hay. Hôm sau Hoạt nghe dì Hai la chàng sao nổ máy xe trong nhà để
khói mù trời làm cho cô Hai khó chịu. Từ đó Hoạt cạch luôn cái nết làm kiêu của
cô con gái nhà giàu. Buổi trưa nắng trên đường phố vắng. Hàng cây cao ngủ thiêm
thiếp dưới nền trời xanh lơ. Hoạt bỗng thấy yêu đời trong cái cơ cực của mình.
Chàng rồ máy xe. Con đường vào nhà Nghĩa quanh quẹo qua bao nhiêu ngõ hẹp. Nếu
không có một đầu óc “vĩ đại” thì đi một lần không ai tài nào có thể lại một lần nữa.
Hoạt chạy vòng vo và dừng trước căn nhà vách ván lụp xụp ở gần cuối hẻm. Nghĩa ở
đây trọ học với người em gái. Nghĩa học cùng phân khoa với Hoạt còn Thu, em gái
Nghĩa, đang học lớp 12C ở một trường Tư Thục Công Lập lớn. Trước ngày về ở với dì
Hai, có một thời gian Hoạt đã ở chung với anh em Nghĩa, cùng chia nhau từng miếng
bánh khô. Họ thân thiết nhau hơn ruột thịt... Chiếc xe vừa dừng thì cánh cửa bật mở, một khuôn mặt bù xù với
cặp kính dày ló ra: - Ði đâu giờ này mày? Nghĩa vừa hỏi bạn vừa mở rộng cánh cửa. - Ðến mày chớ đi đâu. Nghĩa cười: - Cám ơn. Hân hạnh dữ. Hoạt đẩy xe vào nhà. Căn nhà chật hẹp chỉ vỏn vẹn có cái bàn
gỗ lỏng chỏng bốn cái ghế và rất nhiều sách kê dọc hai bên tường. Hoạt đã sống ở
đây, thân thuộc gần gũi. Chàng buông người xuống ghế bố của bạn, thở ra. - Mẹ kiếp. Trưa nóng quá mày ạ. Tao chịu, không tài nào ngủ
được. Nghĩa rùn vai: - Mày ở đằng đó mà còn kêu nóng, chẳng trách tụi tao ở đây
như gà đút lò. Hoạt thở dài: - Thôi mày. Tao ở nhà kho nóng bỏ mẹ. Bộ tao ở nhà lầu máy lạnh
sao mày? Nghĩa đến ngồi bên bàn học: - Lo xong kỳ thi này chưa? Hoạt lắc đầu: - Ðại khái thôi. Chàng nhìn quanh: - Ủa, Thu đâu? - Nó mới chạy loanh quanh đâu đó. - Chắc qua hàng xóm hả? - Chắc vậy. Vừa lúc đó, một bóng người xuất hiện ở khung cửa. Nghĩa liếc
ra: - Cha, cô này linh dữ, mới nhắc đã về. Phải chi nhắc tiền nhắc
bạc mà được vậy chắc tao giàu to rồi. Thu nhìn Hoạt: - Thưa anh mới đến. Hoạt gật đầu. Thu bước ra phía sau, hỏi vọng lên: - Anh Hoạt dùng nước em rót. Hoạt xua tay: - Thôi khỏi, Thu. Nghĩa la lên: - Thì mày rót cho tao một ca bự coi. Sao mày hỏi nó không thôi. Thu cười khúc khích: - Tại anh Hoạt là khách. Anh Hoạt biết không, anh Nghĩa ảnh
kêu nhà này là cái lò sát sinh đó. Nghĩa bĩu môi: - Mày cho là không phải à. Tao sợ nó còn nóng hơn một bực là đằng
khác. Thu im lặng bưng lên cho Nghĩa ca nước. Hoạt nhìn mái tóc dài
hiền dịu trên bờ vai thiếu nữ...có một cái gì đằm thắm nơi Thu. Thời gian sống ở
đây, Hoạt đã thương Thu như 1 đứa em ruột thịt. Hoạt không có em, không anh chị.
Cả gia đình chàng đã chết trong 1 lần rất lâu V.C. pháo kích. Chàng đã nghĩ,
sau này nếu giầu, Hoạt sẽ lo cho Thu đầy đủ nếu Nghĩa không lo được cho em. Hoạt
biết tính Nghĩa lông bông lang bang...Thân mình còn lo chưa xong. Thu chợt hỏi: - Anh Hoạt làm sao mà thừ người vậy? Hoạt lắc đầu: - Không, có gì đâu. Thu chợt nhớ đến lá thư gởi cho Hoạt. Cô bé hất mái tóc ra
sau, ngước nhìn Hoạt tinh nghịch: - À, quên chứ, em có món hàng này muốn bán cho anh Hoạt quá
mà sợ anh hổng đủ tiền mua. Nghĩa lườm em: - Mày chỉ lắm lời. Mày thì có quái gì mà mua với bán. Thu để một ngón tay lên môi, dọa anh: - Chứ sao! Chỉ có anh là nói vậy thôi chứ anh Hoạt thì suya
là ảnh muốn mua rồi. Hoạt ngẩn người nhìn Thu. Con bé này chúa là láu lỉnh, chẳng
hiểu nó định giăng bẫy gì mình đây. Thu nhìn thái độ ngạc nhiên của Hoạt, tấn
công thêm: - Mà em bảo thật nhe, anh phải đoán đúng là em có cái gì cơ,
thì em bán, còn không... Hoạt mỉm cười: - Không thì sao? - Thì còn khuya em mới bán. Nghĩa quay sang rầy em: - Thôi mày ơi, đặt điều hoài. Thu cự lại: - Anh biết gì chứ. Nghĩa nhăn mũi trêu em: - Vừa thôi chứ cô! Tôi thừa hiểu mà. Tin rằng anh mình không biết, Thu chu môi: - Gì? Anh mà nói trúng em cho không anh Hoạt đó, khỏi thèm
bán. Nghĩa hỏi to: - Thật không? - Thật. Hoạt chêm vào: - Khoan đã! Lấy gì làm bằng chứng là Nghĩa nói trúng thì Thu
sẽ cho anh? Thu đưa tay phải lên cao. - Quân tử nhất ngôn ạ. Hoạt cười: - Quân tử nhất ngôn là quân tử dại. Quân tử nói đi nói lại là
quân tử khôn. Thu rùn vai: - Xời ơi, em chì mà. Nghĩa nháy mắt với Hoạt rồi nói với Thu: - Ðây, nghe cho kỹ nhé. Có phải mày đang giữ lá thư của thằng
Hoạt không? Thu hơi giật mình. Cô bé nhìn anh với ánh mắt nghi ngờ. Sáng
nay lúc thư đưa đến nhà thì Nghĩa đi vắng cơ mà. Làm sao anh ấy biết? Vậy là mất
toi “con tin” để vòi vĩnh Hoạt rồi. Thu hậm hực: - Ðúng vậy, nhưng sao anh biết? - Tao là Thánh mà. Bây giờ mày cho không thằng Hoạt đấy nhé. Thu xịu mặt: - Thì từ từ đã. Cô bé xoay người đi vào trong. Hoạt và Nghĩa nhìn theo. Hoạt
cười: - Sao biết mày? - Gì mà dấu tao nổi. Nó thì chỉ chờ có thư của mày để vòi
vĩnh mày. Tao biết thóp nó quá mà. Thu trở ra đưa cho Hoạt lá thư. Hoạt không nhìn bì thư và nét
chữ cũng đoán ngay được là thư của ai. Chàng nghe một chút gì dường như là nôn
nao, là xao xuyến muốn được ở một mình với lá thư. Lá thư mà chàng hiểu là có những
giòng chữ nghiêng nghiêng hiền hoà. Hoạt đút lá thư vào túi áo, chàng muốn trở
về căn nhà kho ngột ngạt của mình ngay bây giờ. Hoạt đứng lên: - Thôi tao về. Nghĩa ngạc nhiên: - Kìa. Ngồi chơi đã mày. Làm gì mà như ma đuổi vậy. Tự dưng Hoạt cảm thấy bạn nhìn rõ tâm can mình. Hoạt đâm ngượng
. Chàng chống chế: - Gì đâu. Tao nhức đầu. Nghĩa cười hì hì: - Mẹ, còn chối ông là ông “kê” cho vỡ nợ con ạ. Tao biết tỏng
tòng tong tim đen của mày. Hoạt cười trừ: - Ừ, rồi sao. Thôi tao về. Chàng quay sang Thu: - Anh về nghe bé. Khuôn mặt Thu mang một vẻ gì đó khó giải thích. Ðã nhiều lần Hoạt
tình cờ nhìn thấy nét mặt đó nhưng chàng không để ý. Hoạt tặc lưỡi một mình rồi dắt
xe ra. Thu bước đến đứng bên ngưỡng cửa khi Hoạt bắt đầu đạp máy. Nét buồn của
cô bé làm Hoạt thốt thấy mình có lỗi. Chàng nói một câu vớt vát: - Sao buồn vậy nhỏ? Thu vùng vằng: - Ai thèm làm nhỏ của anh. Hoạt cười vô tư: - Ô hay, con bé này hôm nay đến lạ. Thu dấm dẳng: - Lạ thì sao mà không lạ thì sao. Em vậy đó. Nói xong cô bé quay mình vào. Hoạt rồ máy xe phóng đi. Hoạt có quen một người con gái qua mục kết bạn của một tờ báo
Sinh Viên học sinh. Cô bé tên là Ðiềm Chi. Hoạt thấy tên hay hay. Cả hai thư từ
qua lại , nhưng chưa hề biết mặt nhau. Chính cả Hoạt lẫn Ðiềm Chi đều muốn thế.
Giữa họ tình cảm có một cái gì mang mang mà dễ thương. Chi cho Hoạt biết nàng
đang học lớp 12C, và nàng bắt buộc phải nhờ địa chỉ cô bạn vì gia đình nàng rất
khó. Phần Hoạt cũng thế. Chàng mượn địa chỉ Nghĩa và mang một cái tên khác. Hoạt
lấy tên Hiệp. Ðiềm Chi viết thư dễ thương. Lời lẽ trong thư đôi khi làm Hoạt
thật xúc động. Chi bé bỏng và hiền ngoan như một con mèo bông. Qua lời thư Chi
nói về nếp sống, Hoạt đoán Chi là con nhà giàu nhưng lời thư khiêm tốn, dịu
dàng. Nhiều lúc Hoạt mơ ước, một ngày nào đó chàng và Chi sẽ gặp nhau. Hoạt vẽ vời
trong đầu óc mình một cô bé mảnh khảnh, ngoan hiền, không kiêu căng phách lối.
Hoạt ghét nhất là hạng con gái ra vẻ “con nhà giàu” như cô con ông chủ ở nhà.
Nhiều lúc nhìn Bảo Anh, Hoạt chợt so sánh cô gái kênh kiệu đó với cô bạn nhỏ của
mình. So sánh để càng coi thường Bảo Anh và càng quý Ðiềm Chi hơn nữa. Hoạt mở lá thư: “ Anh Hiệp ơi! Mấy ngày hôm nay, Chi tự dưng cảm thấy buồn kinh khủng vậy
đó. Chiều hôm qua có nhỏ bạn lại chơi nhà. Nhỏ Thuý Diệu mà Chi nhờ địa chỉ đó
anh Hiệp! Hai đứa ngồi trước thềm nhà, buồn hiu. Ðôi lúc Chi tự hỏi những gì
là ý nghĩa của cuộc sống này? Bổn phận? Trách nhiệm? Hay là một cái gì đó nồng
nàn hơn, dễ thương hơn, mà Chi không dám gọi tên? Như tình yêu chẳng hạn. Anh Hiệp nè, trước sân nhà Chi có một cây hoa rất đẹp. Không phải
là “cây hoa” nữa, mà Chi cũng chả hiểu mình phải gọi nó bằng cây gì? Nó to ghê
lắm cơ, theo lời ba mẹ Chi thì nó phải sống hơn hai ba chục năm lận đó anh Hiệp. Hoa nó màu vàng, mỗi lúc có gió mạnh. Chi thấy từng chùm hoa rơi lả tả đẹp
quá anh Hiệp ạ. Hôm qua nhỏ Thuý Diệu ngồi với Chi, nó nhìn những cánh hoa rụng
rồi hỏi Chi: - Hoa này là hoa gì mà đẹp quá vậy mày? Chi lắc đầu: - Tao cũng không biết! Chắc là cây điệp tây. Thuý Diệu dẫy nẩy: - Hổng phải đâu mày ơi! Ðiệp tây khác kìa. Tao biết cây điệp
tây mờ. Chi thắc mắc: - Hay cây phượng vàng. Thuý Diệu la lên: - Ghê, mày ngu như bò ấy. Phượng thì là phượng hồng chứ , sao
lại phượng vàng. - Thì tại nó màu vàng mờ. Thuý Diệu lắc đầu: - Sức mấy! À , mà mày có quen anh chàng Hiệp canh nông gì đó,
sao mày không hỏi xem hoa này là hoa gì? Dân canh nông suya là biết. Lúc nghe nhỏ nói vậy, Chi mới nghĩ đến tại sao lâu nay Chi
không hỏi anh nhỉ? Anh Hiệp nói cho Chi nghe xem cây hoa ấy là cây hoa gì nhé?
Chi thích biết lắm, để mai mốt nhỏ Thuý Diệu khỏi chê Chi quen dân canh nông mà
cù lần nữa...” Hoạt ngừng đọc, bất giác anh nhìn ra sân. Ở sân nhà này cũng
có 1 cây hoa vàng như loại Chi vừa hỏi. Như vậy chắc nhà Chi phải giàu lắm , vì
chỉ nhà giàu mới dư đất mà trồng loại cây này. Bỗng Hoạt sợ! Chàng sợ cái giàu
của Ðiềm Chi . May mà Ðiềm Chi không có thói kiêu căng như cô chủ nhà này.Càng
nghĩ Hoạt càng mến cô bạn nhỏ. Hoạt biết những thiếu nữ con nhà sang trọng , được
trưởng thành trong nhung lụa, thường không thoát khỏi tính hợm mình. Riêng Ðiềm
Chi có lẽ là một ngoại lệ...Chàng mỉm cười một mình và cúi xuống lá thư. “... Lâu nay Chi không thích đi chơi nữa anh Hiệp ạ. Dạo trước
thỉnh thoảng Chi có đi. Bây giờ Chi chỉ nằm nhà đọc sách và viết thư cho anh
thôi. Anh Hiệp thấy Chi có ngoan không nào? Mà anh phải viết nhiều thư cho
Chi kìa? Chi thấy anh ăn gian Chi nhiều lắm! Chi viết hai, ba lá thư anh mới
viết lại một cái . Nhiều lúc Chi nghĩ mà giận anh Hiệp ghê vậy đó . Chi muốn nói cho anh Hiệp nghe nhiều chuyện lắm cơ, nhưng ...
thôi để anh giải đáp thắc mắc cho Chi về vụ hoa vàng đã, rồi Chi sẽ viết nhiều
hơn với anh . Thôi Chi dừng. Xin chúc anh Hiệp những lời chúc tốt đẹp nhất
của Chi. Cô bé của anh Điềm Chi" Bao giờ cũng thế, Chi kết thúc thư bằng mấy chữ "cô bé của
anh" . Hoạt thương ý nghĩ đơn sơ, những giòng chữ nhỏ bé của Chi . Hoạt ao
ước một ngày nào đó khi chàng ra trường, nắm trong tay một ngày nào đó khi
chàng ra trường, nắm trong tay một cái gì đó với đời, một mảnh bằng để tạm gọi
là thành danh! Chàng sẽ tìm đến Diễm Chi, đối diện, họ sẽ nói với nhau biết bao
nhiêu là điều ... - Hoạt ơi! Hoạt! Tiếng dì Hai gọi làm Hoạt giật mình. Chàng cất vội lá thư và
chạy ra. - Dì Hai kêu cháu. Dì Hai vuốt mấy sợi tóc lấm lan trên mặt, chỉ tay vào nhà xe: - Ừ. Cô Hai kêu cháu trong gara kìa. Hoạt hơi ngạc nhiên sao hôm nay cô chủ kêu mình sai bảo điều
gì? Hoạt đi về phía nhà xe. Bảo Anh mặc quần soóc trắng, áo sơ mi ngắn tay màu hồng đang
ngồi vắt vẻo trên mũi chiếc Fiat trắng của mẹ nàng. Thấy Hoạt, Bảo Anh chỉ chiếc
Cady của mình: - Anh rảnh không? Lau giùm tôi chiếc xe này coi . Hoạt nhíu mày khó chịu vì giọng noí hách dịch của Bảo Anh,
chàng đâu phải là tài xế mà có phận sự lau xe? Vả lại, thái độ xấc xược của Bảo
Anh làm Hoạt muốn tát cho cô ta một cái nhưng chàng nghĩ đến thân phận mình.
Hoạt lại im lặng. Chàng dắt chiếc xe đi. Bảo Anh kêu giật: - Ê! Anh xách nó đi đâu vậy? Hoạt đáp ngắn: - Thưa cô đi rửa . Bảo Anh kêu lên: - Kìa, tôi bảo anh lau xe cho tôi chứ tôi có bảo anh rửa xe
tôi đâu ? Anh lấy nước lên đây lau . Hoạt cắn môi trở xuống nhà bếp. Làn khói cay cay bay vướng
lên mắt. Hoạt không hiểu khói làm chàng cay hay là sự tủi nhục của một kiếp
nghèo làm chàng chua xót! Có lẽ cô con gái quá quắt này đang muốn hành chàng
cho bõ ghét! Mà Hoạt co đụng chạm gì đến cô ta đâu? Giữa hai người là hai thái
cực cách xa nhau mà... Hoạt vừa xách xô nước lên nhà xe vừa suy nghĩ. Chàng vẫn
không tài nào hiểu tại sao Bảo Anh muốn hành xác mình như vậy! Chương 2 Bảo Anh chăm chú nhìn người thanh niên đang cặm cụi lau chiếc
Cady của mình. Thoáng đầu óc cô gái một điều gì nhưng Bảo Anh cố gắng gạt đi,
thật ra cô bé cũng không muốn làm tình làm tội anh chàng làm gì . Ngay cả những
lần đi về trễ, Bảo Anh cáu kỉnh gọi anh chàng mở cửa, cô bé cũng chẳng chú ý gì
. Bảo Anh không để ý đến Hoạt nhưng chiều hôm qua, Mỹ Nga, một cô bạn gái của
Anh đến chơi . Thấy Hoạt từ trong nhà đi ra, Mỹ Nga hỏi: - Ê, ai vậy mày ? Bảo Anh liếc mắt theo tay chỉ của bạn: - À, tên gác dan nhà tao đó. Mỹ Nga nheo mắt: - Cha! Gác dan mà trông bô quá há! Bộ hết người sao ông già
bà già mày mướn dân choai choai vậy? Bảo Anh cải chính: - Đâu có choai choai mày . Anh chàng cũng hai mươi mấy rồi
đó, cháu của dì Hai nấu cơm . Mỹ Nga tò mò: - Coi mặt cũng sáng sủa dữ . Có học hành gì không ? Bảo Anh thành thật đáp: - Tao không biết . Tao đâu có giao du với anh ta . Mỹ Nga nhìn bạn: - Mày ngu lắm . Tao thấy mặt thằng cha này kênh kênh . Tao mà
là mày, tao hành nó cho bõ ghét . Bảo Anh im lặng không đáp . Cô bé biết tánh bạn . Mỹ Nga cũng
là con nhà giàu nhưng nổi tiếng đanh đá, chua ngoa nhất lớp . Bảo Anh không
chơi thân với Mỹ Nga, nhưng mẹ Mỹ Nga lại thân với bà bô của Bảo Anh . Thấy bạn im lặng, Mỹ Nga thêm: - Mày nhát . Hay là mày cảm nó ? Bảo Anh dẫy nẩy: - Ê! Bậy mày! Tao mà cảm kiết gì . - Vậy sao mày không phá nó chơi ? Bảo Anh lắc đầu: - Chịu thôi! Phá làm sao ? Mỹ Nga sành sỏi: - Thì sai bảo cho nhiều vào, bắt rửa xe cho mày . Bảo Anh không đáp lời bạn nhưng hôm nay cô bé lại "ra
tay" với Hoạt . Chính Bảo Anh cũng không hiểu sao mình lại làm như vậy! Vì
lời nói khích của cô bạn hay vì cái vẻ bất cần của Hoạt làm Bảo Anh khó chịu?? Bảo Anh thua. Cô bé không phân tích được cho mình nhưng vẫn thấy có chút gì ấm
ức với Hoạt . Bảo Anh đẹp và biết là mình đẹp . Bao nhiêu người đã phải xoay lại
nhiều khi đi ngang qua, thế mà anh chàng cù lần này, mặt mũi cứ gọi là lầm lầm
lì lì, lúc nào cũng ra vẻ không thèm chú ý đến ai. Chính cái vẻ của Hoạt làm
cho Bảo Anh tự ái lên và đâm ra kênh kiệu với anh chàng "cho bõ ghét". Bảo Anh nhủ thầm như vậy mỗi khi quát nạt Hoạt được một điều gì . - Thưa cô xong rồi . Tiếng người con trai làm Bảo Anh giật mình . Hắn ta thu dọn mấy
miếng khăn lau cho vào xô nước và bỏ đi không quay lại . Đột nhiên Bảo Anh tức
dễ sợ . Lời Mỹ Nga như vang vang đâu đây "mày nhát ..." Bảo Anh bỗng
bực mình . Cô bé gọi giật: - Này anh kia . Hoạt nghe tiếng nhưng chàng bỏ đi luôn . Hoạt không muốn nhìn
cái vẻ mặt Bảo Anh lúc đó. Bảo Anh cựa mình tỉnh giấc. Trời đã về khuya. Không gian
chìm trong tĩnh mịch. Bảo Anh muốn ngồi dậy nhưng cô bé cảm thấy đầu nặng như
búa bổ. Bảo Anh chợt nhớ mình đang đau, sốt li bì từ chiều hôm qua. Trong nhà
lại chẳng có ai, ba của Bảo Anh đi công tác xa... chỉ còn bà Phát, mẹ Bảo Anh ở
nhà. Bảo Anh mở mắt nhìn mẹ . Người đàn bà đang ngồi tựa người
trên chiếc phô tơi trông chừng giấc ngủ của con và chính bà vì mệt mỏi nên cũng
thiu thiu ngủ . Nghe tiếng cựa mình, bà Phát nhỏm dậy . - Kìa, con dậy rồi à ? Bảo Anh nhìn mẹ gật đầu . - Dạ . Má cho con miếng nước . Bà Phát bước lại tủ lạnh lấy ly cam vắt đổ từng muỗng cho con
. Bảo Anh nghe cơ thể rã rời và bừng bừng nóng . Cơn đau xâm chiếm bất ngờ làm
cơ thể thiếu nữ như rũ liệt ra . Bà Phát lo ngại nhìn Bảo Anh . - Hay mẹ đưa con đến bác sĩ ? Bảo Anh lắc đầu: - Con không đi . Mẹ điện thoại gọi bác sĩ đi . Bà Phát như chợt nhớ ra . Bà mỉm cười: - Ừ, mẹ quên . Để mẹ gọi thử bác sĩ Thanh xem . Không biết giờ
này ông ấy đã ngủ chưa ... Bảo Anh lim dim mắt nằm chờ mẹ . Cô bé ghét nhất là phải đi
bác sĩ . Thế mà hôm nay lại đau ... Nghỉ học đã hai hôm ... Bà Phát trở vào: - Mẹ gọi rồi! Nhưng xe ông ấy hỏng, bây giờ khuya quá khó đón
xe, mẹ có nói sẽ cho xe đến đón ông ta . Bảo Anh kêu lên: - Ai đi đón hả mẹ ? Bác tài theo ba đi rồi . Bà Phát cau mày: - Ừ nhỉ ? Chà ... không biết thằng cháu của bà bếp có biết
lái xe không, mẹ nhờ nó đỡ ... Khuôn mặt dễ ghét của người thanh niên hiện ra trong đầu óc Bảo
Anh . Cô bé lắc đầu: - Thôi mẹ, đừng thèm nhờ thằng cha đó . Bà ngạc nhiên: - Sao vậy con ? Chứ bây giờ mẹ đâu có đi được . Bảo Anh nhăn mặt: - Chắc gì hắn ta biết lái . - Thì mình cứ nhờ cầu may . Không để ý đến vẻ bất bình của con gái, bà Phát nhấn chuông gọi
người làm . Chị Tư bồi phòng chạy lên . - Chị gọi chị Hai hộ tôi . Đêm khuya bà chủ kêu, dì Hai cũng không hiểu chuyện gì . Dì hớt
hải chạy lên lầu . Bà Phát nhỏ giọng: - À, dì Hai . Cậu gì cháu của dì đó, có biết lái xe không ? Dì Hai gật nhanh: - Dạ thưa bà chủ, cháu nó biết lái nhưng phiền là nó chưa có
bẹc - mi . Bà Phát khoát tay: - Không sao. Chỉ lái đến đón bác sĩ Thanh ngay gần đây ấy mà. Dì gọi cậu ấy lên đây cho tôi chỉ đường nhé. Hoạt ngập ngừng bước vào căn phòng sang trọng theo chân dì
Hai. Đây là phòng của Bảo Anh, cũng là lần đầu tiên Hoạt đặt chân lên nhà trên
này. Từ trước đến nay, chàng chỉ luẩn quẩn ở nhà bếp và căn nhà kho. Bảo Anh nằm thiêm thiếp dưới lớp drap dầy phủ thân hình mảnh
dẻ . Khuôn mặt thường ngày hồng hào bây giờ xanh lướt . Đột nhiên Hoạt muốn
quay mình chạy trốn khỏi cái không khí phong lưu trưởng giả . Căn phòng này, tiền
trang trí đủ cho gia đình nghèo sống một đời! Tất cả cái bề ngoài phô trương ở
đây làm Hoạt cảm thấy mình xa lạ và lạc lõng . Dì Hai lên tiếng: - Thưa bà, cháu nó đây . Bà Phát lịch sự: - Mời cậu ngồi . Hoạt nói cám ơn nhưng chàng vẫn đứng . Bà Phát dịu dàng: - Tôi định nhờ cậu đánh xe lại đằng bác sĩ Thanh ở Hồng thập
Tự gần đây chở ông ta đến xem bệnh cho cháu Anh. Cậu biết lái xe vững chứ? Hoạt không nhìn thẳng người đàn bà nhưng cái dịu dàng thuần hậu
trong câu nói của bà làm chàng dễ chịu. Hoạt thầm nghĩ tại sao Bảo Anh có một
người mẹ như thế mà cô ta không biết noi theo? Hoạt muốn từ chối, chàng không
cảm tình với thiếu nữ nằm kia, mặc kệ nàng ta. Hoạt chỉ cần nói chàng có biết
lái nhưng chỉ tập sơ sơ chứ không vững là bà Phát sẽ không dám nhờ chàng.
Nhưng có một cái gì trong Hoạt đánh tan cái hèn hạ của ý nghĩ vừa thoáng qua.
Hoạt đáp: - Thưa, bà chỉ đường. Tôi có thể lái được . Bà Phát nói địa chỉ và Hoạt nhận xâu chìa khóa từ tay bà rồi
hấp tấp xuống lầu . Đường khuya loang ánh đèn . Những thân cây đổ bóng buồn hiu
trên mặt nhựa . Hoạt bỗng cảm thấy mình cô đơn, một nỗi cô đơn triền miên.
Chút tủi hờn len vào cân não người con trai. Hoạt nghĩ đến cái nghèo. Cái
nghèo không phải là một tội nhưng sao mọi người lại kết án nó? Mình nghèo, Hoạt
nhủ thầm một mình. Hình ảnh người thiếu nữ kênh kiệu đang nằm trên giường bệnh,
hình ảnh người đàn bà thuần hậu rồi hình ảnh mơ hồ về một nhân dáng chưa lần nhận
diện chập chờn trong trí Hoạt. Đột nhiên, chàng gọi khẽ: Điềm Chi! Chương 3 Buổi sáng nắng thật nhẹ. Cây phượng già nua ở gốc sân trổ rợp
màu đỏ máu. Thu ngẩn người nhìn qua cửa sổ. Sân trường vắng hoe, thỉnh thoảng
bóng cô giám thị già di động ngoài hành lang. Bước chân đều đặn tạo nên một âm
thanh rõ và khô khan. Hôm nay lớp Thu làm bài kiểm. Cả lớp im lặng như tờ, một con
muỗi bay qua nghe cũng lọt. Thu gấp tờ bài của mình đã làm xong, thả hồn theo
những ý nghĩ đâu đâu. Thu chợt nhớ mấy câu thơ của một nhà thơ nổi danh mà Thu
đã quên tên. Bốn câu thơ đó, Thu vẫn thường đọc thấy trên trang đầu của những
tập lưu bút bè bạn trao tay khi mùa hạ đến. Thu âm thầm đọc trong ký ức: "Đời thấp thoáng qua học đường nhỏ bé. Phố phường vui cuộc sống mới lên hoa Ta ngồi nghe những tiếng thị thành xa Hồn lơ đãng mộng ra ngoài cửa lớp" Đôi mắt người con gái như chìm vao một thế giới xa xôi nào.
Thu bỗng nghĩ đến Hoạt - Hoạt của những ngày còn thân thiết, cuộc sống thật dịu
dàng. Thu nhớ, mình đã lo cho Hoạt từng miếng ăn giấc ngủ, giặt cho Hoạt từng
cái áo cái quần ngày Hoạt còn sống chung với anh em mình. Thu không phân tích
được tâm hồn mình nhưng Thu hiểu, Thu không nghĩ về Hoạt bình thường như nghĩ về
những người con trai theo đuổi Thu. Với Hoạt, là sự tôn kính dành cho một người
hiểu mình nữa. Thu nhớ những ngày Hoạt sống, Hoạt chìu Thu một cách tận tình.
Hoạt không như anh Nghĩa. Tuy Thu hiểu Hoạt cũg chỉ coi Thu như em thôi, nhưng
sự lo lắng của Hoaạt làm an ủi Thu rất nhiều. Từ ngày Hoạt đi ở nơi khác, Thu
nhớ những gì thường ngày mình vẫn dành cho Hoạt. Anh Hoạt ăn cơm, anh Hoạt uống
nước, anh Hoạt đưa đồ em giặt... Những câu nói quen thuộc đó nhiều khi nghĩ lại
Thu còn thấy ngậm ngùi. Thu không hiểu mình đối với Hoạt là gì? Cái tình cảm
xôn xao mỗi khi Hoạt trở lại thăm hai anh em, phải chăng là tình yêu? Thu
không dám nghĩ nhiều đến điều đó. Có lẽ nàng sợ... Và cứ vài ba ngày Thu lại thấy Hoạt nhận được một lá thư với
tên Hiệp nét chữ mềm của con gái. Thu đã thấy Hoạt vui nhiều khi nhận thư. Cô
bé bỗng buồn vì chính mình không mang lại niềm vui cho Hoạt. Thu chỉ là người
nhận những lá thư rồi trao lại cho Hoạt. Trong lá thư viết gì? Chủ nhân lá
thư là gì của Hoạt, làm sao Thu hiểu được những điều đó để giải tỏa cho chính
mình một nổi khổ âm thầm? Có lẽ Hoạt không bao giờ biết, Thu đã gượng vui mỗi
khi nhận được thư và trao lại Hoạt. Thu bỗng thương hại mình một cách thật
tình. Cô bé lẩm nhẩm đọc lại câu thơ cuối. Hồn lơ đãng mộng ra ngoài cửa lớp Thu thích câu thơ. Câu thơ hợp với Thu những lần dõi mắt qua
cửa sổ tìm kiếm một vật gì đó không ở trong tầm tay mình... Thu vẫn thích làm thơ. Thu làm thơ rất có hồn. Một lần, Thu
làm một bài thơ chépv ào sưu tập, Tuyết, cô bạn ngồi cạnh mượn tập Thu. Hôm
sau Tuyết trả tập và khen rối rít. Tuyết nói: "Anh tao bảo thơ ai làm mà
hay quá vậy" Tuyết biết Thu làm và nó bảo không ngờ là Thi sĩ ẩn danh.
Nghĩa và Hoạt không ai nghĩ rằng Thu biết làm thơ, Thu thấy mắc cỡ... Tuyết thì thầm bên Thu: - Làm bài chưa mà mơ mộng đó thi sĩ? Thu mỉm cười với bạn: - Xong rồi. Mày cho tao xin hai tiếng thi sĩ đi nghe. Tuyết nhe răng cười: - Sức? Mày chê hả? Bộ mày tưởng muốn làm thi sĩ dễ lắm sao? Có biết bao nhiêu người muốn làm thi sĩ mà nặn hoài hổng ra. Thu cười: - Tao làm thơ con cóc. Tuyết xì một tiếng: - Bộ thơ con cóc dễ làm à? Xin lỗi. Mày đã nghe thơ con cóc
lần nào chưa? Thu tròn mắt: - Chưa, mà mày biết à? Tuyết suỵt khẽ: - Nói nhỏ kẻo cô la bây giờ, tao biết. Lát ra chơi tao đọc
cho nghe. Vừa lúc đó có tiếng chuông ra chơi reo vang. Cô giáo đi từng
bàn cầm bài. Những tà áo trắng đuổi nhau chạy nhảy như đàn bướm. Tuyết rủ: - Xuống mua xí muội ăn mày. Thu thành thật: - Tao hết tiền rồi . Lát phải về bộ nữa cơ. Tuyết nheo mắt: - Tao bao. Lát tao chở về cho. Thu huých tay bạn: - Mày bao coi chừng thủng túi à. Đôi bạn nắm tay nhau chạy xuống những bậc cầu thang cũ kỹ.
Thu sực nhớ hỏi bạn: - À, mà mày nói thơ con cóc ra sao . Tuyết cười khúc khích: - Mày muốn nghe thật à ? - Ừa! - Cấm cười, cấm chửi, cấm học đấy nhé . - Vậy là tam cấm hé . - Ừa, tam cấm . - Đọc đi . Tuyết hắng giọng: Con cóc Nó ngồi trong hóc Nó đưa cái lưng ra ngoài Nó là con cóc . Tuyết ngừng, Thu ngẩn người: - Mày nói thơ đấy hả ? Tuyết gật: - Chứ sao . Mày thấy không ? Loại thơ đó đâu có dễ làm hén .
Hì hì . Thu nhéo Tuyết: - Mày lừa tao . Mày ăn gian . Đôi bạn đuổi nhau chạy dài ra đến câu lạc bộ . Tuyết gọi đá
chanh, Thu gạt đi . - Mày uống đá chanh nhé . Tao không đâu . Tuyết ngạ cnhiên: - Ủa mọi hôm mày ưa uống đá chanh mờ . Thu gật: - Nhưng hôm nay "kẹt", hiểu không ? Tuyết ngẩn người rồi chợt cười thông cảm . - Tao hiểu rồi . Thôi đậu đỏ nhe . Tuyết gọi nước . Một giọng cao vút gọi sau lưng đôi bạn . - Ê, bà hàng! Cho hai ly đậu xanh bánh lọt đi . Nhớ lấy nhiều
nước dừa nhe . Tuyết cau mày liếc ra sau . Thu thì thầm . - Con Mỹ Nga ấy mà . Tao chúa ghét cái giọng nó . Tuyết gật đầu biểu đồng tình . - Ừa, tao cũng vậy! Con nhỏ làm phách thấy mồ . Mỹ Nga thuộc nhóm học trò con nhà giàu trong lớp. Bọn họ chỉ
chơi thân với nhau và ít thèm để ý đến ai. Thu bỗng cúi mặt nhìn xuống. Thu
nhớ Hoạt có lần bảo, nhà Hoạt ở có một cô bé bằng trạc Thu nhưng vì nhà giàu
nên rất kiêu và Hoạt không ưa . Thu nhìn một lần nữa về phía đám con gái đó và
đột nhiên cô bé muốn khóc . Tuyết nhìn vẻ rưng rưng của bạn, ngạc nhiên: - Ủa, mày sao vậy? Thu lắc đầu: - Không. Tuyết nhăn mặt: - Mày dối tao. Tao thấy mắt mày đỏ. Thu cười gượng: - Tại bụi bay vào mắt tao. Chương 4 Bảo Anh ngừng xe trước căn biệt thự song lập. Cô bé bấm
chuông. Một đàn chó Nhật ào ra sủa vang sân, chồm cả lên cánh cửa sắt vồ khách. Từ trong cửa chính, một cô gái bằng trạc Bảo Anh, mái tóc cắt ngắn làm tăng vẻ
con trai của vóc dáng cao và mảnh. Cô bé kêu lên: - Ủa, Bảo Anh. Tao ngỡ là ai? Bảo Anh mỉm cười: - Tưởng là "người ta" của mày phải không? Thúy Diệu vừa lui cui mở cổng, lắc đầu: - Còn khuya ạ. Tao làm gì có "người ta" . Dắt xe
vào đi mày. Đôi bạn sánh vai nhau vào nhà. Thúy Diệu liếc nhìn bạn rồi
nheo mắt. - Chẳng hay hôm nay người đẹp quá bước đến tệ xá có điều chi
dạy bảo? Bảo Anh đấm mạnh vào vai bạn: - Khỉ vừa thôi mày ạ. Tao đến mày chơi không được à? Thúy Diệu trề môi: - Mốc xì! Mày đến tao chơi ... - Chứ sao, tao nhớ mày mờ . Thúy Diệu phá lên cười: - Ôi giời, nghe cô công chúa mắt nâu của tui nè! Mày mới gặp
tao hồi sáng trong lớp mà bây giờ đã nhớ với thương rồi cơ à! Gớm sao mà yêu
tao thế. Chứ không phải mày đến thăm tao là vì... hưm... vì hồi sáng tao bảo
có thư của mày mà tao bỏ quên ở nhà à? Bảo Anh đỏ mặt im lặng. Thúy Diệu tấn công: - Nhưng khổ quá Bảo Anh ạ! Tao làm mất rồi! Thế mới mệt! Chà
lá thư lại dày cộm, chắc là viết nhiều điều ở trong lắm . Bảo Anh nhìn bạn ngờ vực: - Mày bảo thật à? Tại sao lại mất được chứ? Thúy Diệu phân trần: - Chẳng là tao để ở trên bàn học, chị người làm vô tình lại
lượm cho ngay vào sọt rác. Đôi mắt Bảo Anh mở lớn, đôi mắt không đen tuyền mà pha màu
nâu nhàn nhạt làm khuôn mặt thiếu nữ có một vẻ trẻ thơ thật đáng yêu. Thấy bạn
rưng rưng như muốn khóc, Thúy Diệu hoảng hốt: - Ấy chết, thôi tao nói đùa đấy mày! Lên phòng ta lấy thư... Bảo Anh tươi ngay nét mặt: - Vậy chứ! Tao biết mày đùa . Thúy Diệu trề môi: - Còn khuya! Chưa chi mà đã rưng rưng rồi . Đôi bạn vừa lên phòng Thúy Diệu vừa trò chuyện, Thúy Diệu hỏi
bạn: - Bảo Anh này, tao hỏi thiệt mày nhé! Theo sự nhận xét của
tao, tao thấy mày "cảm" anh chàng viết thư này rồi, phải không ? Bảo Anh tránh tia nhìn của bạn: - Không! - Có mà, mày dấu tao! Tao thấy mỗi khi có thư của anh chàng
là mày mừng ra mặt . Bảo Anh chống chế: - Ừ, thì ... có thư đọc cho vui ai lại chả thích. Thúy Diệu bỗng im lặng, nghiêm giọng: - Mày đừng giấu tao Bảo Anh ạ! Tao hiểu mày chứ đâu phải
không . Thí dụ như mày có cảm tình với một người nào đó mà mày quen thì đâu phải
là chuyện xấu. Vả lại, tao là bạn thân của mày, chả lẽ tao lại không hiểu mày
sao? Bảo Anh im lặng. Đã từ lâu, Bảo Anh quen một người con trai
qua thư từ. Bảo Anh nhờ địa chỉ của Thúy Diệu và lấy tên là Điềm Chi. Chàng
là Hiệp, một kỹ sư canh nông tương lai. Thoạt đầu Bảo Anh chỉ nghĩ là quen
chơi cho vui nhưng càng ngày, qua lời thư của Hiệp, Bảo Anh càng thấy mến người
con trai đó. Hiệp ghét hạng con gái nhà giàu mà kiêu căng. Biết thế, Bảo Anh
không bao giờ để lộ trong thư một chút gì về cá tính mình. Bảo Anh ngoài đời
và Điềm Chi trong thư là hai con người hoàn toàn khác biệt nhau. Càng ngày Bảo
Anh càng thấy sợ. Bảo Anh sợ một ngày nào đó, nếu do một sự vô tình Hiệp biết
được con người thật của mình! Không có gì bí mật dưới ánh nắng mặt trời! Chỉ
nghĩ tới câu đó Bảo Anh cũng đủ thấy lo âu. Hiệp rất đứng đắn nhưng ở lời thư
chàng có một cái gì trìu mến làm Bảo Anh nghĩ đến không nguôi. Bảo Anh biết Hiệp
nghèo, Hiệp phải sinh mưu bằng chính sức lực của mình để tạo cho mình một tương
lai. Có những lá thư Hiệp viết làm Bảo Anh rưng rưng. Hiệp viết về đời sống của
một sinh viên vừa lo học thi vừa lo chạy gạo. Đôi lúc đọc thư Hiệp xong, nhìn
lại nếp sống của gia đình mình Bảo Anh hơi thẹn. Cô bé cũng không hiểu tại sao
lại như vậy! Nhưng cứ hơi lâu mà không nhận được thư Hiệp là Bảo Anh không thiết
gì. Cô bé thấy buồn vời vợi và mọi việc bỗng trở nên vô nghĩa. Thấy bạn thừ người, Thúy Diệu vỗ vai: - Thôi, gì mà ngẩn ra vậy. Thư đây. Bảo Anh cầm lá thư với nét chữ rắn rỏi, đột nhiên cô bé thấy
xúc động lạ. Thúy Diệu hiểu ý bạn, nói với Bảo Anh: - Mày ngồi đây đọc thư nhé. Tao xuống nhà có tí việc. Bảo Anh nhìn bạn biết ơn. Chờ bạn đi khuất, Bảo Anh xé lá
thư. Những giòng chữ thân yêu, chạy dài trên từng hàng ô kẻ của trang giấy trắng. Một đoạn, Hiệp viết "Anh biết rất rõ loại hoa mà Chi hỏi. Không phải chỉ
vì anh là dân canh nông không đâu, mà còn vì một lý do khác mà anh chưa muốn
nói với Chi. Con đường Bà Huyện Thanh Quan anh thấy cũng có nhiều hoa đó lắm.
Dạo trước, anh có thằng bạn si một cô bé học Régina Pacis. Thằng bạn anh ưa rủ
anh đến đứng chờ mỗi cuối tuần. Anh phải đi bộ lang thang một mình trên đường
để chờ "anh chị" tâm sự với nhau. Những lúc đó anh thích vô cùng dẫm
lên những cánh hoa vàng nho nhỏ, trông chúng nó tội nghiệp đến dễ thương phải
không Chi. Anh không hiểu sao một cây hoa trông "đồ sộ" như vậy mà lại
có thể có những cánh hoa mỏng manh đáng yêu như vậy. Điềm Chi hỏi anh, hoa đó là hoa gì phải không? Danh từ canh
nông gọi nó là "hoa Cườm Thảo Vàng" Chi ạ. Có lẽ rất ít người biết đến
tên cây hoa này vì tên nó có vẻ chuyên khoa quá Chi nhỉ. Có lần anh đã muốn
tìm cách đặt riêng cho nó một cái tên mà chỉ anh biết thôi, nhưng anh tìm hoài,
kiếm một danh từ đẹp cho thích hợp với loại hoa, mà anh tìm không ra. Anh chỉ
trả lời Chi theo khả năng chuyên môn của anh thôi, còn nếu Chi thích một cái
tên nào, Chi hãy dùng để gọi nó . Một khi mình thích gọi, thì cái tên đó trở
thành vĩnh cửu trong ý nghĩ mình rồi đó Chi. Có nhiều loại hoa rất đẹp mà lại
mang những cái tên nghe... không êm tai tí nào. Thí dụ như, Chi có biết một
loại hoa mà nghệ thuật người ta gọi là "Lan hoàng hậu" lá nó chẽ ở
trên, tròn thuẫn, hoa nó từng chùm tím tím . Nghe người chơi hoa gọi thì hay lắm
nhé . Lan hoàng hậu. Thế mà nếu Chi hỏi ngay anh, anh sẽ bảo đó là cây
"móng bò". Chi biết tại sao không? Tại cái lá của nó có hình móng
bò. Giản dị quá hở Chi. Cái tên chả là gì cả, không đủ để người ta nghĩ về một
điều gì nữa kìa..." Thư Hiệp viết thật dài. Đây là một trong những lá thư dài nhất
của Hiệp. Bảo Anh đọc đi đọc lại lá thư mãi cho đến lúc Thúy Diệu ló đầu vào: - Xong chưa người đẹp? Bảo Anh cười gượng gạo: - Ờ... ờ... xong rồi. Thúy Diệu nheo mắt: - Khiếp, đọc thơ rồi lại nhớ người hay sao mà mặt mũi trông
thờ thẫn thế kia. Xuống nhà ăn bánh flan với tao. Bảo Anh hỏi: - Ai làm? Mày à? - Ừ. - Vậy tao ăn chắc câm luôn. Thúy Diệu rùn vai, nắm tay bạn lôi đi. Hai cô bé mở
frigidaire lấy mỗi cô một phần bánh rồi ra ngồi trước hiên nhà. Bảo Anh nhâm
nhi chất hột gà và mật ngọt cho tan dần trên đầu lưỡi. Bảo Anh khen: - Mày làm khá lắm. Thúy Diệu làm mặt giận: - Dạ phải. Hồi nãy có một người chê tui, nói là ăn bánh của
tui xong, chắc là câm luôn. Bảo Anh cười cầu hòa: - Thôi mà, cho tao vuốt giận. - Ủa, tao tưởng mày câm thật rồi chứ. Tiếng cười của đôi bạn vang như thủy tinh. Tiếng cười của những
tuổi trẻ không ưu tư vì miếng cơm manh áo. Chợt mắt Bảo Anh dừng lại trên cây
hoa tím được trồng trong một bồn sỏi xây khéo. Bảo Anh níu tay Thúy Diệu: - Ờ, Diệu nè, mày nhìn thấy cây hoa này có gì là lạ không? Thúy Diệu nhìn theo mắt bạn: - Có gì đâu? - Mày biết nó gọi là hoa gì không? Thúy Diệu nhăn mũi. Sao con bé này hôm nay lại lắm điều thế. Thúy Diệu gật đầu. - Nó là Lan hoàng hậu đấy mà. Bảo Anh chúm chím. Cô bé bắt đầu khoe cái "vốn liếng
canh nông" của mình. - Ư, tao cũng biết nó là Lan hoàng hậu. Nhưng nó còn một cái
tên nữa cơ. Đố mày đó. Thúy Diệu lắc đầu: - Tao chịu thôi. Tao tưởng nó chỉ một tên chứ. Bảo Anh nghiêm mặt: - Không, trong sách vở người ta gọi nó là cây móng bò mày ạ. Thúy Diệu trố mắt: - Cái gì? Mày nói lại coi. - Cây móng bò. Thúy Diệu kêu lên: - Tên gì mà kỳ cục vậy. Bảo Anh ra vẻ hiểu biết. Cô bé dắt tay bạn đến cạnh cây hoa,
cầm lấy nhánh lá giải thích. - Đây nè, mày phải để ý mới được. Sở dĩ người ta gọi nó bằng
một cái tên kém thơ mộng như vậy là vì hình dáng lá của nó giống cái móng bò. Thúy Diệu ngẫm nghĩ: - Mày nói nghe cũng có lý, nhưng tao hỏi mày, mày đã thấy cái
móng con bò lần nào chưa? Câu hỏi của bạn làm Bảo Anh ngẩn người. - Chưa! - Vậy sao mày biết giống. Bảo Anh lúng túng. - Ừ... - Vậy là có thể mày nói sai. Bảo Anh cương quyết . - Tao nói đúng mà . Không tin mày kiếm người nào học canh
nông mày hỏi coi. Thúy Diệu phì cười: - Đấy nhé, cho mày hết chối. Vậy là người hùng của mày giải
thích cho mày nghe đó phải không? Bảo Anh đỏ mặt gật đầu: - Ừ, anh Hiệp nói với tao đó. À, mày nhớ cây hoa vàng trước
nhà tao không? Cây hoa mà hôm nọ tao với mày cãi nhau là cây điệp tây điệp ta
đó mà . Thúy Diệu gật đầu: - Nhớ, sao? - Tên nó là hoa cườm thảo vàng mày ạ. - Sao lại Cườm Thảo Vàng? - Chắc... chắc tại nó màu vàng. - Lại anh Hiệp nói. Đôi bạn nhìn nhau cùng cười. Bảo Anh bỗng thấy mình hãnh diện
về Hiệp. Cô bé bỗng mơ ước một ngày nào đó Hiệp sẽ tìm đến gặp mìn . Có lẽ...
có lẽ ngày nào đó sẽ là một ngày vui cho Bảo Anh . Đã có nhiều buổi tối Bảo Anh
trăn trở không ngủ được, trở dậy lấy giấy bút viết thư cho Hiệp. Những lúc đó
Bảo Anh đã kể lể thật sự nỗi vui buồn của mình cho một người mà mình chưa hề biết
măt. nghe! Một người rất xa xôi mà đôi lúc Bảo Anh đã thấy gần gũi như chiếc
bóng. Bảo Anh cũng không hiểu sao mình lại có nhiều cảm tình với Hiệp đến như
vậy. Hay tại vì cái vẻ bất cần nơi Hiệp đã lôi cuốn một thiếu nữ sinh ra và
trưởng thành trong nhung lụa và được nuông chìu như Bảo Anh? Bảo Anh cắn bút ngồi thừ bên trang giấy. Ánh mắt cô bé hơi
dậu lại trên cây hoa vàng. Bảo Anh nhớ Hiệp. Trang thư trả lời cho Hiệp
đang viết dở dang. Có tiếng xe gắn máy. Bảo Anh nhìn xuống... tên gác cửa đang
dắt xe đi vào. Có lẽ hắn vừa tắt máy xe... Khách quan mà nói, Bảo Anh cũng
không ghét gì tên này, nhưng cái vẻ "gì gì" của hắn làm Bảo Anh bực
mình. Hắn coi cũng có vẻ có học, biết đâu chừng là một sinh viên nghèo. Biết
đâu hắn cũng lao đao kiếm sống như Hiệp? Thế nhưng Bảo Anh nghĩ là mình phải giữ
kẻ chủ nhà, vả lại Bảo Anh đã từng phá hắn bắt hắn lau xe cho mình nên bây giờ
đâu thể làm lành. Bảo Anh định kể cho Hiệp nghe chuyện anh chàng gác cửa này
nhưng cô bé lại thôi ngay. Bảo Anh không quên Hiệp rất ghét loại con gái phách
lối, ỷ nhà giàu hạch xách người khác. Bảo Anh đã giấu con người mình quá kỷ nên
càng ngày cô bé càng thấy mình phải thận trọng không thể để Hiệp nghi ngờ về
chính con người mình. Bảo Anh đã tự dối mình và dối Hiệp. Thật tình mà nói, nhiều
lúc Bảo Anh cũng muốn sửa đổi con người mình nhưng trong môi trường sống của Bảo
Anh, Bảo Anh không có ý chí để làm. Từ ngày quen Hiệp, đã nhiều lần Bảo Anh muốn
sống như cô bé Điềm Chi trong thứ sống ngoan hiền, sống thuần hậu. Chính bà
Phát, mẹ Bảo Anh là một người đàn bà hiền lành và dễ dãi nhất. Bà đã nhiều lần
khuyên con nên tập tành lại tánh nết, ngay cả việc sai bảo người làm trong nhà
cũng phải cho dịu dàng tử tế. Bà Phát dạy con, người ta nghèo, người ta phải đi
làm cho mình để kiếm tiền. Như vậy là nghèo đồng tiền chứ tư cách người ta đâu
có nghèo! Đôi lúc mình phải tỏ ra tôn trọng họ hơn những kẻ giàu nữa kia, vì họ
sẽ tự ái hơn. Những lời của mẹ chỉ thoáng qua và Bảo Anh cho đi khuất. Bây giờ
nghĩ lại những lời thơ Hiệp viết về cái giàu và nghèo, Bảo Anh đâm chột dạ. Bảo
Anh cũng tự hiểu nếu mình không sửa đổi, sớm muộn gì khi Hiệp biết rõ mình,
chàng sẽ không bao giờ viết cho Bảo Anh những lời lẽ như chàng đã viết cho cô
bé Điềm Chi. Có tiếng chuông điện thoại reo. Chờ một lúc không thấy ai dưới
nhà nhấc máy, Bảo Anh chạy xuống. - Alô? Giọng của Thúy Diệu vang lên ở đầu dây: - Bảo Anh phải không? Tao đây. Bảo Anh gật đầu như chính bạn đang đứng trước mặt mình. - Biết rồi! Có chuyện gì hả? - Ừ, bọn tao định lại rủ mày đi hội chợ no^.i hóa chơi đây. Rảnh
không? Bảo Anh nghĩ đến lá thư đang viết dở dang cho Hiệp, cô bé định
từ chối nhưng nghĩ sao lại thôi. - Cũng rảnh. Tiếng Thúy Diệu: - Sao lại "cũng rảnh"? Chắc lại hơi bận phải không?
Nếu bận thì thôi. - Không. Bọn mày cứ đến tao đi. À, mày với ai đây? - Tao với con Mỹ Nga. Bảo Anh cau mặt: - Con nhỏ đó nữa à? Nó lại rủ mày hay sao? - Nó đang ngồi salon chờ tao phôn cho mày đấy. Bọn tao đến
mày ngay ha? - Ừ. Bảo Anh cúp máy. Đứng trước tủ áo, Bảo Anh lựa cho mình một bộ
pant hơp thời. Mặc vừa xong đồ thì đã nghe tiếng chuông cổng réo vang. Bảo Anh
nghiêng người nhìn, cô bé thấy tên gác cổng đang lui thui đi từ nhà kho ra mở cổng.
Một thoáng thương hại dấy lên trong đầu óc Bảo Anh. Cô bé nghĩ đến cái nhìn giễu
cợt của Mỹ Nga sẽ hướng về phía hắn... Khi ba cô gái gởi xe chen được vào hội chợ, những gian hàng
đông nghẹt người. Cả ba nắm tay nhau. Thúy Diệu lên tiếng: - Mỗi đứa tụi mình phải đeo trước ngực một tấm bản để số nhà
mới được. Mỹ Nga thắc mắc: - Chi vậy mày? Thúy Diệu chúm chím: - Thì... để lỡ đi lạc người ta dẫn về. Mỹ Nga trêu: - Ai chứ nhỏ Bảo Anh mà đi lạc là có lắm người muốn dắt về
nhà lắm nhé, nhưng mà là về nhà của người ta cơ. Bảo Anh nhéo bạn: - Khỉ vừa thôi mày. Cả bọn kéo nhau vào những gian hàng chính. Đây là gian hàng vải
nội hóa. Kia là gian hàng thủy tinh, hàng máy... thôi thì đủ thứ... Bổng Thúy Diệu chỉ lại phía một gian hàng nằm khuất phía sau: - Kìa, gian hàng canh nông kìa. Bảo Anh đến đi. Mỹ Nga lôi tay bạn: - Nhanh lên. Chắc là toàn meo nấm rơm với lại phân bón. Bảo Anh cau mặt: - Sao tụi bây hạ dân canh nông quá vậy! Vừa thôi. Thúy Diệu gật gù: - Đấy nhé! Nàng bênh vực người hùng hết mình! Mỹ Nga làm chứng
cho tao nghe. - Ừ! - Từ nay nó hết chối là cảm người hùng rồi nhé. - Ừ! Bảo Anh xoay mặt đi. Cô bé bổng thấy có chút gì thích thú len
vào tâm não khi nghe hai bạn chế giễu mình và Hiệp... Chương 5 Hoạt ngừng xe trước nhà Nghĩa vừa lúc anh chàng này dắt chiết
Mobylette cũ ra cửa. Hoạt nói: - Đi đâu mày? Nghĩa đẩy rộng cánh cửa hơn cho Hoạt vào. - Tao đi tí công chuyện. Mày vào nằm nhà đi. Hoạt gật đầu và đẩy xe vào nhà. Chờ Nghĩa đi khuất, Hoạt khép
cánh cửa lại rồi cởi áo sơ mi. Căn nhà này nóng bức, chỉ mặt được maillot thôi.
Hoạt vắt chiếc sơ mi trên thành ghế rồi ngã mình trên chiếc ghế bố của Nghĩa.
Chiếc ghế bố chật chội mà chàng đã từng ngã lưng qua bao nhiêu lần mệt mõi. Hoạt
đốt điếu bastos, thả khói vòng tròn. Nhìn những dòng khói mơ hồ lãng đãng rồi
tan dần trong không gian, Hoạt bổng thật buồn. Cái buồn của người con trai đặt
quá nhiều thứ lên đôi vai mình. Cầu mong một điều gì đó cho tương lai, cầu mong
một chút gì đó trong hiện tại, với Hoạt, cái đã qua và cái bây giờ tất cả dường
như đã không còn có thật sự. Sự tin tưởng của một cô bé dịu hiền mà xa lạ: Điềm
Chi! Sự tin tưởng của Chi đôi khi làm Hoạt lo ngại. Chàng có lẽ không xứng đáng
với sự tín cẩn đó dù là sự thật những gì Chi nghĩ về chàng không có gì gọi là
quá lo. Có lẽ Điềm Chi rất giàu. Có lẽ đó là một thiếu nữ con nhà gia thế như Bảo
Anh. Nhưng dù sao, chắc chắn Điềm Chi không thể nào như Bảo Anh. Hoạt đã nghĩ
như vậy mỗi khi nhìn thấy cô chủ của mình. Điếu thuốc tàn dần trên bàn tay gầy guộc vàng khói của người
con trai. Hoạt trở người ngồi dậy. Chàng nhớ đến tập Cours mình vừa trả Nghĩa
hôm qua. Chàng lật lật trên bàn tìm xấp giấy. Chợt một cuốn tập của Thu để bên
cạnh bị bàn tay Hoạt đụng làm rơi xuống. Hoạt cúi nhặt. Chàng lật lật mấy trang
vở nhìn vào. Thu viết chữ thật đẹp. Điều này thì Hoạt vốn đã biết lâu. Tánh Thu
cẩn thận và chịu khó. Thu thuần hậu và thùy mị nên Hoạt rất thương Thu. Có lần,
khi bài hát "Em hiền như ma soeur" vừa được "lăng xê" Hoạt
đã đùa với Thu, bảo bài hát đáng lẽ phải đổi là "Thu hiền như ma
soeur". Hoạt nói đùa một cách vô tình nhưng chàng đã thấy hình như Thu ngượng
nên thôi. Từ đó Hoạt không nói đùa như vậy với Thu nữa. Chàng bắt đầu nhận thấy
Thu đã lớn, không phải là bé Thu của mấy năm trước nữa. Đôi khi sự săn sóc tận
tình của Thu đối với Hoạt làm chàng thoáng nghĩ tới một thứ tình cảm dậy thì
nào đó của cô bé này như Hoạt vội vã đánh tan ý nghĩ đó trong đầu. Ở cuối cuốn
tập, Thu viết hai câu thơ: Chẳng bao giờ anh thấy bận tâm đâu Em ngã chết cũng buồn như lúc sống Hoạt nhớ lại hai câu thơ này quen quen, dường như chàng đã đọc
thấy được một lần nào đó trên báo. Hoạt nhủ thầm, cô bé cũng lãng mạn gớm... Một
tờ giấy rơi ra, Hoạt lại thấy một bài thơ nữa. Chàng lẩm bẩm một mình: - Gớm, con bé này, thơ với thẩn. Hoạt đọc bài thơ : Mình đã có những đêm dài thao thức Khóc một mình trên trang giấy vô tư Sách vở ơi xin một phút tạ từ Mình gục mặt đi vào trong ảo mộng. Sao người đến cho hồn mình biến động Rất tủi hờn tuổi nhớ biết thương đau Người chẳng bao giờ hiểu được mình đâu Buồn da diết in sầu lên môi má Ôi người yêu một đời xa xôi quá Xin một lần hãy nhận hiểu dùm em Dù bao đêm em khóc tủi một mình Em vẫn mãi tôn sùng người cách mặt Bên dưới bài thơ ký tên của Thu. Hoạt đoán đây là bài thơ của
Thu làm. Con bé làm thơ cũng khá đấy chứ! Hoạt nghĩ đến con người của mình. Con
người mà chàng tự cho là khó khăn. Hoạt đã nghĩ, có lẽ suốt đời mình chả bao giờ
viết được một vần thơ. Hồi còn học ở trung học, thỉnh thoảng, Hoạt cũng muốn tập làm
thơ để cho nó có vẻ "văn nghệ" một tí nhưng chàng đành chịu thua. Thành, một thằng bạn thân của Hoạt lúc đó, đã khuyên bạn: - Mày nên nhớ, không có vấn đề tập tành trong việc làm thơ.
Cái hồn thơ là một cái gì thiêng liêng nhất đâu phải tập tành mà có! Nếu mày có
máu thi sĩ, nếu mày có khiếu văn chương, tự khắc khi mày cầm bút, ý thơ sẽ tuôn
ra. Trong trường hợp mày cố tình cắn bút tìm chữ cho hợp vần bằng trắc theo như
nguyên tắc bọn mình đã học thì bài thơ cũng có thể sẽ thành, tao đồng ý nhưng
lúc đó không nên gọi mày là thi sĩ, mà phải gọi mày là thi công. Hoạt hỏi bạn: - Nói như thế thì đâu được. Thơ cũng cần bằng trắc theo
nguyên tắc chớ mày. Thành gật đầu: - Tao đồng ý, nhưng cái gì cũng vậy, vừa phải thôi. Như mày
thấy, có biết bao nhiêu bài thơ của những thi sĩ lừng danh, đọc lên mình nghe
hay tuyệt mà nó có theo một nguyên tắc nhất định nào đâu? Vần, luật chỉ là một
phần, điều quan trọng chính là cái hồn thơ, cái chất sống trong bài thơ tạo cho
người đọc một say mê khi thưởng thức. Hoạt phục lăn lối giải thích của bạn. Dạo đó, Hoạt và Thành
chơi thân lắm. Con người của Thành ai nhìn một lần cũng dễ sanh cảm mến. Thành
như thuộc về một thế giới ảo mộng nào. Ít khi cu cậu chịu khó hòa mình vào thế
giới đang sống. Khổ người Thành mảnh mai như con gái, da trắng trẻo xanh xao.
Thành làm thơ rất hay. Những bài thơ Thành viết, đọc lên nghe như cả những lời
tâm sự nỉ non và vuốt ve dịu dàng. Thành không làm thơ ca tụng tình yêu. Thành
chỉ viết về nổi ưu tư của tuổi trẻ, vậy mà Thành bạc phận, đã chết bất ngờ
trong một cơn bạo bệnh. Ngày bạn chết, Hoạt đứng nhìn thân thể xanh xao nằm im
mướt dưới làn drap trắng phủ. Có một cái gì bất diệt nơi bạn mình làm Hoạt xót
xa. Hình như Thành vẫn còn sống đâu đó, Thành hay là hồn thơ lãng mạn của
Thành, Hoạt không phân biệt được... Cánh cửa bị xô mạnh cho ánh sáng ùa vào bất chợt. Hoạt ngẩng
lên, tay vẫn còn cầm cuốn tập của Thu. Thu đang đứng nhìn, cô bé vừa đi học về
có lẽ. Thấy Hoạt cầm cuốn tập, Thu chạy lại giật nhanh: - Ý, tập em mà. Hoạt cười: - Ừ thì tập em. Anh có nhận bừa là tập của anh đâu nào! Thu cầm cuốn tập nhét vội vào cặp, nhìn Hoạt nghi ngờ: - Anh... xem trong tập em hả? Hoạt nói dối: - Không, anh có xem gì đâu. - Em không tin. - Thì... mà nếu anh xem đã sao? Anh không có quyền kiểm soát
bài học của Thu hả? Thu ấp úng: - Không phải... nhưng mà... Hoạt cười: - Nhưng mà gì? Hay là tại trong cuốn tập này có gì đặc biệt? Thu cắn môi: - Anh đọc? Hoạt gât. - Em làm thơ hay lắm. Sao không đăng báo? Thu sầm ánh mắt lại. Cô bé đến ngồi trên ghế, tay lật lật những
tờ vở. - Em không thích. Tiếng Hoạt. - Sao vậy? Mình làm thơ hay tức là mình có cái thiên khiếu, tại
sao không phô ra cho nhiều người cùng thưởng thức? Thu lắc đầu: - Em làm chỉ để mình em biết. Đâu phải mình làm thơ để bán
rao tâm sự. - Nhưng như thế có phải Thu ích kỷ không? Thu giữ cái hay cho
một mình Thu biết. Thu cắn môi: - Cũng có thể là em ích kỷ, nhưng mọi người ai cũng muốn bảo
vệ một cái gì đó của riêng mình. Hoạt nghĩ hẳn cô bé phải có một tâm sự gì đây. Lúc sau này lại
chơi, đôi lúc Hoạt thấy Thu có vẻ buồn, không còn hồn nhiên như xưa... Hoạt chợt hỏi: - Có gì buồn mà làm thơ vậy bé? Hoạt biết, lần nào Thu có chuyện gì muốn dấu, Hoạt chỉ cần dỗ
dành một chút, cô bé sẽ khai ngay. Nhưng lần này Thu lắc đầu: - Dạ không. Hoạt châm thuốc: - Thu dấu anh nhỉ? Dấu thằng Nghĩa thì được vì có thể nó sẽ
la, nhưng anh đâu có la Thu. Người con gái cắn môi. Vòng khói thuốc bay tròn trước mặt người
con trai. Người ngồi đó! Khuôn mặt dấu yêu của tôi! Người ngồi đó, đối diện với
tôi mà làm sao tôi có thể nói với người bao nhiêu điều tôi đã nghĩ. Ôi người, sự
ngăn cách nào đã đẩy đưa tôi vào những nổi khổ không có danh từ để gọi. Nếu có
một lần nào người tình cờ nhận biết, xin người hãy cho phép tôi được một lần úp
mặt vào khuôn ngực rộng mà kể lể bao nhiêu nỗi vui cơn buồn. Tôi đã từng bao
nhiêu đêm thức trắng thi đèn, nghĩ về một tương lai không bao giờ có người
trong đó. Đã gọi một mình trong thổn thức một danh từ riêng tên của người.
Nhưng người có bao giờ hiểu cho đâu? Người sẽ muôn đời là của một người con gái
khác không phải là tôi... bức tường nào đã ngăn tôi và người? Hay bởi vì tôi
nghèo? Hay bởi vì người đã phân định cho tôi một biên giới rõ rệt giữa tình yêu
và thân hữu... Hoạt nói: - Nhất định dấu há? Chắc là cảm cậu nào phải không? Có cần
anh mua cho một vĩ Rhumex không đây? Thu thấy chua xót. Anh sẽ chẳng bao giờ hiểu đâu. Cô bé cười gượng: - Thèm mà cảm ai. Hoạt cười: - Ghê thế cơ à? Vậy mà dạo này anh thấy Thu sao sao ấy nhé!
Đôi lúc như người mất hồn. Thu giật mình! Chẳng lẽ Hoạt đoán biết. Thu không tin Hoạt có
thể nghĩ được về mình điều này điều nọ. Thu nói lãng: - Mấy hôm nay chắc anh Hoạt buồn lắm nhỉ? Hoạt ngạc nhiêu: - Sao lại buồn? - Tại không có thư cho anh. Hoạt rùn vai. - Không thành vấn đề. Thu cười. - Lời nói danh dự đấy hả? Vậy chứ em thấy anh có vẻ trông như
điên. - Sao biết? - Đoán. - Em tài nhỉ. Nhưng Thu đừng quên đối với anh bây giờ điều
quan trọng không phải là những lá thư gởi. Thu chống tay lên cằm nhìn Hoạt. - Vậy là gì hở anh Hoạt? - Là học, cố tạo cho mình một tương lai bằng chính sức lực
mình. Hoạt đã nói dối Thu và nói dối chính chàng nữa. Thật ra, những
lá thư của Điềm Chi đã chi phối chàng rất nhiều. Nhiều buổi ngồi bên sách vở,
Hoạt im lặng nghĩ đến Điềm Chi! Cô bé là ai? Sao bỗng dưng bước vào đời mình bằng
một lối bước rất lạ rồi định cư tại đó. Cô bé là ai, mà lời thư như những giọt
nước mắt tưới xuống đời cằn cỗi lao đao những nổi khổ của mình. Điềm Chi là một
loài hoa lạ và quý, được ai đó của một định mệnh bất thường mang đặt vào tay
mình. Làm sao mình có thể nắm giữ? Rồi một ngày nào con chim hoạ mi nhỏ bé đó sẽ
thôi hót với mình những lời véo von bởi vì mình là người không bao giờ nắm giữ
được một phần thưởng của số mệnh. Một ngày nào đó, loài hoa sẽ được mang trồng
sang một mảnh đất khác tươi tốt hơn, để cho loài cây đơm hoa hơn! Mình chắc chắn
sẽ mất Điềm Chi! Ý nghĩ làm Hoạt xôn xao trong một thời gian! Mình chẳng là gì
cả. Điềm Chi. Anh không là gì hết. Anh chỉ là một gã con trai nghèo, sống độ nhật
một cách vất vả, mưu sinh bằng nghị lực và khả năng mình. Anh chỉ là một hình
thể xác xơ... nghĩ về Chi bằng tất cả dấu ái mà không bao giờ anh có thể làm một
điều gì đó cho hai đứa mình... Hoạt về rồi, Thu bỗng thấy buồn lạ. Căn nhà trở nên trống
trãi một cách kỳ lạ. Đây là ghế người đã ngồi! Kia là những tàn thuốc người đã
hút! Tất cả còn đây nhưng Hoạt đã đi về một nơi cư ngụ khác, một nơi cư ngụ
hoàn toàn xa lạ với Thu. Ở cái thế giới đó, Thu muôn đời là kẻ lạ. Bỗng nhiên
cô bé muốn khóc! Thu nghĩ mình sẽ điên lên nếu ngồi nhà và nghĩ đến Hoạt. Thu
thay chiếc áo dài màu vàng và đến Tuyết. Nhìn bạn, Tuyết ngạc nhiên: - Sao thẩn thờ vậy mày? Thu nhỏ giọng: - Buồn quá đến mày chơi cho đỡ buồn. Tuyết nắm tay bạn lôi vào nhà. Nhà Tuyết không giàu, chỉ thuộc
hàng trung lưu đủ ăn đủ mặc. Nhưng gia đình Tuyết là cả một bức tranh hạnh
phúc. Mọi người thương yêu nhau, không khí vui vẻ và ấm cúng luôn luôn bao trùm
căn nhà. Mẹ của Tuyết hiền lành, ba của Tuyết dễ dãi, chị, anh của Tuyết lịch sự
và các em của Tuyết ngoan hiền. Mọi người trong nhà Tuyết đều thương yêu Thu,
nên những lúc buồn, Thu thường tìm đến Tuyết. Đôi bạn xuống bếp. Thu chào mẹ
Tuyết. Bà cụ tươi cười: - Cháu vào mà phụ em nó làm bánh đây này, chờ bác rảnh tay đi
công chuyện một tí. Tuyết nói thêm: - Tao đang làm bánh mày ạ. Nhờ má phụ một tay, có mày là vui
rồi. Thu hỏi: - Mày làm bánh gì thế? - Petit beurre. Thu nhìn những món đồ lỉnh kỉnh đặt trên thành bếp tráng men
trắng tinh. Tuyết chợt nhớ bạn còn mặc áo dài. - Mày lên lầu lấy áo ngắn của tao thay đi, mặc áo dài vướng lắm,
lát lại bẩn hết. Thu gật, trở lên lầu thay áo, Thu lấy chiếc áo bà ba màu xanh
nhạt của Tuyết. Chiếc này Thu mặc vừa vặn nhất. Đôi bạn lui cui nhồi bột. Tuyết thì thầm: - Nói tao nghe đi. Chuyện gì mà mày buồn đến nỗi phải đi lang
thang vậy? Thu chán nản: - Tự dưng tao thấy trống trãi quá. Tuyết nghiêm mặt: - Tao biết mày phải buồn lắm mới đến tìm tao với vẻ mặt thiểu
não như vậy! Thu gật đầu: - Tao đâu chối. Nhưng thôi Tuyết ạ, đừng hỏi làm tao buồn
hơn. Tuyết im lặng. Cô bé thông cảm nỗi buồn của bạn dù Tuyết
không chính xác được Thu thú nhận. Tuyết biết Thu có thương một người con trai
nào đó. Lại tình yêu đơn phương. Tuyết sợ nhất là nhữ màn yêu thương kiểu đó.
Người ta đã chẳng từng bảo "yêu mà không được yêu lại, khóc mà không ai dỗ,
chờ đợi mà không ai đến là ba nguyên nhân dễ làm người ta đi tìm cái chết nhất"
hay sao? Với Tuyết đời sống vô tư và bình thản. Hạnh phúc đến từ gia đình. Hạnh
phúc đến từ yêu thương của ba, từ dịu dàng của mẹ, từ dấu mến của anh chị, và
các em. Hạnh phúc không đến từ một kẻ nào khác! Tuyết thương bạn vì Tuyết hiểu Thu thiếu thốn tình thương gia
đình. Một người anh suốt ngày cặm cụi bên trang sách học không đủ tạo một tình
thương gia đình để Thu nương tựa. Tuổi dậy thì cần một cái gì để dựa vào đó.
Tuyết không bao giờ làm Thu buồn lòng. Chơi với Thu, Tuyết chìu bạn, Tuyết thường
kéo Thu về nhà mình để Thu tìm thấy trong không khí ấm cúng trong gia đình một
chút trìu mến dành cho Thu. - Cha, mùi gì mà thơm dữ hả? Một giọng nói con trai vang lên từ ngưỡng cửa làm cả hai cô
bé cùng giật mình ngẩng lên. Anh Thịnh, anh Tuyết đang đứng nhìn. Tuyết kêu: - Cha, anh bắt mùi hay dữ à! Chỉ có vậy anh mới chịu mò xuống
bếp thôi. Thịnh cười: - Chưa chắc nhé! À, mà hai cô định cho anh ăn bánh gì đây? Tuyết trề môi: - Còn lâu mới "cho anh ăn". Cha, chưa chi đã chận đầu
tụi này rồi. Thịnh nhìn Thu: - Còn Thu. Sao hôm nay im lặng hoài vậy? Tuyết đỡ cho bạn. - Nó đang buồn đấy. Thịnh nghiêm mặt: - Anh xin lỗi nhé. Thu ngước lên: - Tuyết nó đùa đấy anh ạ! Đâu có gì. Thịnh không nhìn Thu. Màu xanh nhạt của chiếc áo bà ba làm
Thu trở nên dễ thương vô cùng. Trong số các cô bé bạn của Tuyết, Thịnh thương
Thu nhất. Ở Thu có cái vẻ gì mong manh dễ vỡ như một mảnh thủy tinh trong suốt.
Nhưng ở Thu đồng thời cũng có một vẻ gì, ngăn tất cả những gì người khác muốn
mang đến cho Thu. Thu như sống trong một thế giới nào khác. Thu thiếu thốn ở đời
sống vật chất! Thu cũng thiếu thốn cả ở đời sống tinh thần. Đôi lúc Thịnh nghĩ,
mình dành cho Thu một thứ cảm tình gì đó hơn cảm tình của một người anh dành
cho một đứa em! Thịnh chợt nói: - Ừ quên! Đằng Rex sắp chiếu Cosa Nostra, hai cô muốn đi
không anh chở đi. Tuyết láu táu: - Phim gì vậy anh? Hay không? Thuộc loại nào? Ai đóng? Thịnh nhăn mặt: - Gớm, thì từ từ con nhỏ này hỏi gì mà hỏi lắm thế! Phim thuộc
loại đánh đấm, thanh toán nhau giữa các đảng buôn lậu ấy mà. Charles Bronson
đóng đấy. Tuyết reo lên: - A! Charles Bronson hả? Tưởng ai chứ thần tượn cinéma của em
thì suya là em đi. Thịnh cười: - Ham lắm. Ai cho đi. - Thì anh vừa hỏi xong. - Anh nói "cho hai cô đi" tức là cả Thu và em chứ,
đàng này Thu chưa chịu đi hay không mà em đã đòi một mình, coi bộ hơi khó à. Tuyết nheo mắt với anh: - A! Ghê quá nhỉ. Ra là thiên hạ không muốn cho tôi đi cơ.
Thu đi nhé mày. Thu lắc đầu: - Tao không thích. Tuyết gắt: - Lại thích với không. Rồi cô bé ghé tai bạn: - Kệ, không thích cũng đi cho vui. Mày cứ du dú ở nhà đời kiếp
nào mới hết buồn. Thu im lặng. Tuyết nói với Thịnh: - Đấy nhé. Anh Thịnh thấy rõ im lặng là bằng lòng đấy nhé.
Thu nó chịu rồi đó, bao giờ đi? Thịnh nhìn đồng hồ tay: - Các cô làm bánh bao giờ xong? - Chừng nửa giờ nữa. - O.K. Vậy nửa giờ nữa anh em mình đi. Đi xuất này cỡ 6 giờ
rưỡi ra là vừa. Thịnh vừa quay lên nhà vừa nói: - Anh đi lại đằng này tí, các cô làm bánh xong lên thay đồ sẵn
đợi anh nhé. Thịnh đi rồi Thu cằn nhằn: - Tao không thích đi cinéma. Xem về mệt trí mỏi mắt. Tuyết cãi: - Xem cho vui, cho khuây chứ ai bảo mày suy nghĩ mà mệt óc!
Phim ảnh là để cho mình giải trí mà! Vả lại, cuốn phim này thuộc loại đánh đấm,
tao bảo đảm mày xem xong sè không nghĩ gì hết. Thu nghĩ mình không nên nói nhiều. Anh em Tuyết chỉ muốn giúp
mình vui thôi. Hai cô bé tiếp tục cho bánh vào khuôn và đưa lên lò nướng. Sự im
lặng kéo dài. Sự im lặng là cả một hình phạt lớn cho nỗi buồn của Thu. Đến rạp, Thịnh dặn hai em: - Đứng đây chờ anh lấy vé nhé. Tuyết gật đầu, kéo tay Thu lại trước mấy tấm áp phích. Quầy
vé thật đông người nên Thịnh chờ có vẻ lâu. Chợt một giọng nói quen thuộc vang
lên sau lưng Thu. - Ủa, bé Thu cũng đi xem phim này à? Thu quay phắt lại. Hoạt đang đứng đó. Bàn tay Thu trong tay
Tuyết chợt run lên và mướt mồ hôi? Tuyết xiết tay bạn như để truyền thêm cho
Thu sự can đảm. Thu ấp úng: - Anh... Hoạt cười: - Thì anh đây. Ghê quá, phim đánh đấm thế này mà cô bé dám đi
à. Thu cười cho qua. Cô bé chợt quên là mình chưa giới thiệu bạn
và Hoạt. Thu quay sang Tuyết: - Đây là Tuyết, bạn em. Anh Hoạt, bạn anh Nghĩa. Tuyết láu lỉnh: - Anh ạ. Lâu nay cứ nghe Thu nhắc anh luôn. Thu đỏ mặt: - Mày nói láo. Tao nhắc bao giờ. Hoạt biết thu ngượng, chàng nói đỡ: - Nhắc anh thì có sao. Hai cô mà đi xem phim này về đau tim
thì nguy. Tuyết tự nhiên như quen Hoạt đã lâu: - Không sao anh ạ. Khoa học bây giờ tiến bộ lắm mà. Đau tim
chửa dễ lắm. Thịnh trở ra, Tuyết nói trước: - Anh Thịnh, anh của Tuyết. Anh Hoạt, anh của Thu. Thịnh và Hoạt bắt tay nhau. Thịnh lịch sự: - Vậy anh vào xem với chúng tôi luôn. Hoạt từ chối: - Cảm ơn anh, tôi đang chờ thằng bạn. Có lẽ nó cũng sắp đến. Thu bỗng thấy cái không khí này có gì gượng gạo. Ở Thu bây giờ
tâm trạng thật mâu thuẩn, Thu vừa muốn Hoạt cùng với Thu và anh em Tuyết vào
ciné, vừa muốn Hoạt đi đi, đừng đứng lại giây phút nào nữa. Cuối cùng, Thu bậm
môi bảo Thịnh. - Vậy anh em mình vào trước đi anh Thịnh. Tự nhiên Thu muốn tỏ ra thân thiết với Thịnh hơn. Thu không
hiểu có phải vì mình muốn trả thù Hoạt hay không? Nhưng vì sao lại trả thù? Khi
cả ba xoay lưng đi vào rạp, Thu rất muốn quay nhìn xem Hoạt có đứng trông theo
không, nhưng cô bé không dám. Thu sợ một sự thật phũ phàng hơn mình tưởng. Trong rạp, Tuyết nói nhỏ với Thu: - Sao lúc này vừa gặp anh chàng Hoạt là mặt mày mày xanh lét
mà tay lạnh run vậy? Thu chối nhanh: - Đâu có. Tuyết cười trong bóng tối: - Mày ở đó mà chối già chối non nữa. Lúc nãy chính tao nắm
tay mày và nhìn mặt mày mà. - Sự xúc động bình thường khi bất ngờ bắt gặp người quen của
mình ở một nơi như thế này? - Một sự xúc động hơi quá lố phải không? Thu im lặng. Tuyết có thể đã hiểu nhưng đáng lẽ Tuyết không
nên hỏi Thu. Hãy âm thầm hiểu và âm thầm quên, như Thu đã âm thầm thương và âm
thầm đau khổ. Ba người trẻ tuổi cùng nhìn lên màn ảnh nhưng mỗi người dường như
theo đuổi một ý nghĩ riêng tư. Thịnh muốn gợi chuyện với Thu nhưng thấy cô bé
có vẻ trầm tư, anh lại thôi. Thỉnh thoảng Thịnh nhìn sang Thu. Khuôn mặt thanh
tú nổi bật những đường nét rõ trong cái ánh sáng lờ mờ của những scène sáng. Thịnh
bỗng muốn nói với Thu về những điều mà mình đã nghĩ nhưng anh lại im lặng. Chương 6 Hoạt ngồi im lặng trên bục cửa căn phòng nhà kho. Buổi chiều
xuống thật thấp, ánh sáng hấp hối trên mái ngói cao của căn nhà chính, trải màu
buồn hiu quạnh trên mái tôn của dãy nhà bếp. Từ chỗ Hoạt ngồi, nhìn thẳng vào
phòng Bảo Anh trên lầu, căn phòng đã một lần chàng bước vào hôm Bảo anh đau. Hoạt
bỗng ngước mắt nhìn lên thân cây lớn. Cây Hoa Cườm Thảo Vàng. Những cánh hoa nhẹ
nhàng rụng nhẹ nhàng và mong manh như một phận đời sẽ ngã. Hoạt bỗng nhớ Điềm
Chi lạ. Nếu cô bé biết được mỗi buổi chiều mình vẫn ngồi ngắm cây hoa vàng này,
không hiểu Chi sẽ nghĩ sao? Chắc Chi sẽ hỏi đủ điều, hoa ở đâu mà anh ngắm? Và
ngắm hoa có nhớ Chi không? Hoạt vẫn biết con gái thường lắm thắc mắc như vậy!
Có thể ở nhà Chi, mỗi chiều cô bé cũng ngồi ngắm hoa vàng như Hoạt đang ngắm.
Và Hoạt đắm mình trong những ý nghĩ về Điềm Chi... Từ khung cửa sổ của phòng mình, Bảo Anh phóng tầm mắt nhìn xuống.
Gã con trai vẫn ngồi trên bục cửa căn nhà kho. Mắt mơ màng nhìn lên những cánh
hoa Cườm Thảo Vàng. Bảo Anh để ý, rất nhiều buổi chiều hắn ngồi như vậy, có vẻ
suy nghĩ xa xôi đâu đâu. Thoạt đầu, Bảo Anh không để ý, nhưng vài ba lần, cô bé
cứ tình cờ nhìn xuống vẫn thấy hắn ngồi đó. Có lúc Bảo Anh đã tưởng hắn ngồi
nhìn lên cửa sổ phòng mình nhưng không phải. Hắn không bao giờ nhìn lên phòng Bảo
Anh. Hắn chỉ nhìn những cánh hoa vàng... Những cánh hoa vàng như một thân thiết
nào đó của hắn. Dần dần, Bảo Anh bỗng thấy như mình gần gũi với gã con trai
hơn, bởi chính cô bé cũng hay ngồi trong phòng nhìn ra cây hoa mà nghĩ đến Hiệp,
Bảo Anh bỗng muốn xuống bắt chuyện làm quen với hắn! Tại sao không? Cô bé sẽ hỏi
hắn xem, tại sao hắn lại thích nhìn hoa dữ vậy? Và nếu hắn sẽ kể cho Bảo Anh
nghe một tâm sự hay hay, Bảo Anh sẽ mách lại cho Hiệp nghe... Chắc Hiệp sẽ
thích lắm. Bảo Anh không quên Hiệp vẫn bảo mình kể cho chàng nghe những mẫu vui
buồn nho nhỏ trong đời sống mình... Khi người con gái đi thẳng về phía mình, Hoạt mới chợt giật
mình. Chàng đứng lên định lẩn vào nhưng Bảo Anh đã lên tiếng trước: - Anh ngồi chơi đi. Hoạt không hiểu con bé tai quái này hôm nay xuống gợi chuyện
với mình có mục đích gì. Chàng đứng lên lùi lại một chút. - Thưa cô bảo tôi điều gì. Bảo Anh hơi ngượng. - Sao anh khách sáo với tôi vậy. Thấy anh ngồi đây nãi giờ...
tôi muốn xuống dưới này chơi. Hoạt cười thầm. Có lẽ cô ta sắp bắt bẻ mình một điều gì nữa
đây. Hoạt nói: - Để tôi lấy ghế. Bảo Anh cười: - Thôi khỏi. Tôi ngồi dưới bục cửa như anh cũng được. Hoạt không nói gì. Bảo Anh bỗng hỏi: - Chắc anh còn đi học. Hoạt nhìn Bảo Anh, đo xem trong câu nói có bao nhiêu chân
thành. Nhưng hôm nay trong ánh mắt thiếu nữ dường như có sự dịu dàng thân thiết.
Tại sao hôm nay cô ta lại làm thân với mình, Hoạt chịu không tài nào hiểu được.
Cô ta hỏi mình như thế để làm gì. Hoạt nói dối: - Thưa cô, không. Bảo Anh hơi ngạc nhiên. Cô bé nghĩ là hắn ta còn đi học. Bảo
Anh mỉm cười: - Hình như anh ghét tôi lắm phải không? Hoạt lạnh nhạt: - Cô nói quá. - Tại lúc trước tôi hay phá anh. Hoạt lắc đầu. Bảo Anh nhìn mong lung lên bầu trời. Ánh mắt cô
bé đậu lại trên những nhánh hoa vàng. Bảo Anh bỗng nói chuyện như những lời tâm
sự. - Anh biết tại sao tôi thích làm quen với anh không? Hoạt lại lắc đầu, Bảo Anh tươi cười: -Tại vì tôi thường thấy anh nhìn những cánh hoa vàng. Đến phiên Hoạt ngạc nhiên. Tại sao mình nhìn hoa cô bé này lại
muốn làm thân. Hoạt bỗng nghĩ đến Điềm Chi. Có lẽ Điềm Chi cũng bằng trạc Bảo
Anh thôi. Một chút cảm tình dấy lên trong Hoạt. Tiếng Bảo Anh: - Đẹp thật phải không anh? Tôi cũng thích nhìn những cánh hoa
này lắm. Trông chúng dễ thương. Hoạt đáp ngắn: - Vâng. Bảo Anh bỗng đứng lên chạy lại nhặt mấy cánh hoa rồi trở lại
ngồi gần Hoạt. Cô bé mân mê những cánh hoa vàng trong tay. Hoạt khẽ liếc nhìn Bảo
Anh. Vẻ trang trọng của cô bé làm Hoạt muốn bật cười. Hoạt bỗng nói: - Hình như cô yêu hoa này lắm. Bảo Anh ngước nhìn Hoạt, đôi mắt sáng long lanh: - Dạ, tôi yêu hoa này lắm. Những cánh hoa vàng nổi bật trong lòng bàn tay trắng mịn, Bảo
Anh nói như lời tâm sự. - Là vì loài hoa liên quan đến tôi. Đầu óc Hoạt bay nhảy trên những vườn ý nghĩ xa xôi hơn. Một
ngày nào đó Điềm Chi và chàng sẽ lang thang trên những con đường đẹp để nhặt những
cánh hoa này. Có lẽ lúc đó, Hoạt sẽ hỏi Điềm Chi: - Tại sao Chi thích hoa này? Chắc Chi sẽ dịu dàng đáp: - Vì anh thích hoa này. Không ai hiểu Hoạt như Điềm Chi dù họ chưa gặp nhau. Điều
quan trọng, với Hoạt, không phải là đứng nhìn nhau, mà là cùng nhau nhìn về một
hướng. Nhiều lúc HOạt thấy dường như Chi đọc trước được những ý nghĩ của mình rồi
viết ra cho mình đọc vậy. Tiếng nói Bảo Anh đưa Hoạt trở lại với thực tại: - Anh này, anh có để ý không, thân cây thì thật to mà cánh
hoa thì bé tí. Tương phản quá nhỉ. Hoạt gật đầu: - Vâng, cô chịu khó nhận xét lắm. Bảo Anh gục gặc đầu: - Với tôi, nhìn mấy cánh hoa này tôi cứ thấy như chúng sanh
ra chỉ để cho tàn sớm. Tội nghiệp. Hoạt hơi ngạc nhiên về lối nói chuyện của Bảo Anh. Không còn
vẻ kênh kiệu phách lối, tiếng cô bé cũng dễ thương. Bảo Anh tung nhẹ những cánh
hoa trong lòng bàn tay. - Anh thích hoa này há? Vây tôi đố anh đó, hoa này gọi là hoa
gì? Hoạt định nói nhưng chàng lại thôi. Hoạt nghĩ thầm, cô đố tôi
chớ sức mấy cô biết tên hoa này là hoa gì? Hoạt mỉm cười: - Tôi thích lắm nhưng không biết gọi là hoa gì, thế cô biết
không? Bảo Anh có vẻ tự đắc: - Thật ra thì... đáng lẽ tôi cũng không biết đấy. Anh biết
không, loại hoa này muốn biết tên phải là dân học Canh Nông cơ. Hoạt bỗng chú ý đến câu chuyện! Chắc cô nàng lại có bồ là dân
Canh Nông chứ gì? May mà cô ta không biết là mình học Canh Nông! Nếu biết, chắc
thế nào cô ta cũng hỏi hang mình lôi thôi lắm đây. Hoạt bỗng thấy vui vui. Vậy
là mình có "đồng minh" rồi. Bảo Anh như nói một mình. - Hoa này là hoa Cườm Thảo Vàng anh ạ. Hoạt hơi giật mình khi nghe Bảo Anh nói đúng tên loài hoa
này. Hoạt nói: - Chắc cô quen người học Canh Nông? Bảo Anh hồng đôi má. Hoạt nhìn thấy nơi cô bé nghịch ngợm này
một vẻ ngượng ngùng của một người đang yêu và nghe nói đến người yêu. Bảo Anh
nhỏ giọng: - Vâng, tôi... thoạt đầu tôi không biết, anh ấy nói đấy. Hoạt bỗng thấy xúc động. Hoạt bỗng muốn khơi chuyện với Bảo
Anh. Chàng nói: - Dạo trước tôi cũng có quen một thằng bạn học ở Canh Nông. Mắt Bảo Anh long lanh: - Thế ạ? Vậy bây giờ bạnh anh còn học không? Hoạt mỉm cười: - Chắc còn cô ạ. Bảo Anh bỗng muốn nhờ anh chàng này điều tra về Hiệp. Biết
đâu mình sẽ bí mật biết được Hiệp mà chàng không biết gì... ý nghĩ làm Bảo Anh
thích thú. Bảo Anh nhìn Hoạt: - Hôm nào anh hỏi bạn anh điều này hộ tôi nhé. - Điều gì vậy cô? Bảo Anh ngập ngừng: - Anh hỏi xem... xem anh ta có quen anh Hiệp không? Hoạt nghe một luồng hơi lạnh chạy dọc theo xương sống mình. Mặt trời chiều bỗng như nhảy múa quay cuồng trước mặt Hoạt! Tại
sao lại có thể như vậy? Mồ hôi rịn ra ướt chân tóc trán của Hoạt! Câu hỏi xoay
vần trong đầu làm người con trai bất động trong một khoảng thời gian tưởng chừng
là vỡ tan. Hoạt muốn mình tan biến đi đâu để không ngồi trong khung cảnh này,
ngồi bên cạnh một người con gái mình rất quen mà bây giờ bỗng vô cùng xa lạ! Hoạt muốn gọi lớn: Điềm Chi! Nhưng cổ họng chàng
như nghẹn lại! Cái nghẹn ngào của một chua xót chặn ngang... Tại sao lại có thể
như vậy được? Hoạt hỏi hoài trong đầu óc mà không trả lời được. Hoạt sợ! Chàng
sợ cái định mệnh trớ trêu đã đẩy chàng vào một vị trí không thể xoay trở được.
Tiếng Bảo Anh: - Sao anh có vẻ... buồn vậy? Hoạt giật nảy mình. Chàng cảm tưởng như Bảo Anh nhìn thấu gan
ruột mình. Nhưng không, cô bé vẫn vô tư như thường. Khuôn mặt trong sáng không
gợn chút nghi ngờ. Khuôn mặt của một đà sống thoải mái và đầy đủ. Hoạt lắc đầu: - Không cô ạ, có gì đâu. Bảo Anh nhắc lại: - Nhé, anh nhé! Anh hỏi hộ tôi xem... có quen anh Hiệp không
nhé? Giọng Hoạt chừng như vương vướng: - Vâng, tôi sẽ hỏi. Hoạt cầu mong Bảo Anh hãy bỏ đi! Đừng ngồi đây, bên cạnh
chàng nữa. Hãy để tôi một mình với cơn sóc mạnh đang dằn xé đầu óc tôi. Hình ảnh
mơ hồ về cô bé Điềm Chi bây giờ đã rõ rệt. Tại sao Bảo Anh lại là Điềm Chi? Cô
bé Điềm Chi thuần hậu lại là cô chủ Bảo Anh hách dịch này? Hoạt cảm nhận một sự
đổ vỡ trong chính con người mình. Hoạt vô cùng muốn gọi: Điềm Chi! Chắc Chi sẽ
ngạc nhiên nhiều lắm. Nhưng như thế để làm gì? Đã đổ vỡ cả rồi, niềm mơ ước về
một ngày mai tìm đến! Tất cả nhạt nhòa trước mắt Hoạt như phủ một màu tang. Màu
tang cho một tình cảm vừa lịm chết. Bảo Anh bỗng đứng lên: - Thôi tôi lên nhà. Anh nhớ hỏi dùm nhé. Cô bé nhặt mấy cánh hoa vàng đặt bên cạnh Hoạt: - Tặng anh. Hoạt tránh nhìn Bảo Anh. Chàng bỏ vào nhà ngã mình trên ghế bố.
Hoạt đốt thuốc liên miên. Từng giòng ý nghĩ luân lưu trong Hoạt. Mình sẽ làm gì
với một sự thật đau lòng như vậy? Mình sẽ nói thật với Bảo Anh? Hay mình sẽ âm
thầm ra đi và không bao giờ còn gặp lại. Điềm Chi chắc sẽ thắc mắc và có lẽ cô
bé sẽ buồn, nhưng không lâu, chung quanh Chi có quá nhiều người vui đủ để Chi
quên hết. Mình hãy trở thành một cái bóng đã lướt qua và vĩnh viễn mất đi trong
đời sống của Chi. Hoạt không thể nào quyết định được. Chàng quả thật chua xót.
Bây giờ Hoạt mới hiểu... cây hoa vàng... Hoa Cườm Thảo Vàng... Hoạt muốn hét to
lên một nổi ấm ức mà chàng không thể làm gì khác. Dì Hai nhìn cháu. - Vậy rồi cháu đi ở đâu? Hoạt cúi đầu: - Cháu đến ở nhà một thằng bạn. - Dì thật không hiểu nổi cháu. Lâu nay cháu không có chổ ăn
chổ ở, dì đã cố gắng tìm cho cháu một nơi để ăn ở, yên tâm mà học hành... Hoạt cắn môi: - Cháu cũng hiểu dì thương cháu và lo cho cháu. Cháu xin cám
ơn dì nhiều, nhưng bây giờ, cháu có một lý do riêng không thể ở đây nữa. Dì Hai nghĩ đến cô chủ nhà đã nhiều lần làm khó dể Hoạt, dì
an ủi cháu: - Thôi kệ họ cháu à, hơi sức đâu mà cháu để ý. Họ ỷ giàu có, ỷ
có đồng tiền nên họ muốn gì thì muốn. Hơi sức đâu mà cháu để ý. Mình sống qua
ngày cho yên mà cháu. Hoạt biết dì Hai hiểu lầm mình, chàng đính chính: - Không phải đâu dì ạ. Cháu đâu dám nghĩ này nọ về họ. Vậy dì
đã xin thôi dùm cháu chưa. Dì Hai lắc đầu: - Chưa cháu à. Dì để coi cháu có tính thật không? Hoạt gật nhanh: - Vâng. Dì nói hộ cháu. Dì Hai nói: - Bao giờ cháu đi? Hoạt nhìn những đồ vật đã được xếp gọn. - Ngày mai cháu đi. - Gì mà nhanh vậy cháu? Hoạt không nói gì. Dì Hai trở lên nhà. Hoạt thu dọn nốt mấy
cái áo cho vào sacmarin. Xin giã biệt căn nhà kho cũ kỷ, xin giã biệt chiếc bàn
gỗ ọp ẹp, nơi mình đã ngồi viết cho Điềm Chi bao nhiêu lá thư! Xin giã biệt tất
cả, nơi đây mình đã biết xây mộng, đã biết thèm muốn một tình cảm bình thường của
một người con trai dành cho một người con gái. Giã biệt cây hoa Cườm Thảo Vàng,
cây hoa lớn với những cánh nhỏ mong manh như những mảnh thủy tinh đổ vỡ. Mình sẽ
đi để rồi không bao giờ còn trở lại đây. Và xin giã biệt cô bé Bảo Anh... Bảo
Anh hay Điềm Chi cũng thế... Tiếng chân bước bên ngoài làm Hoạt chú ý. Bảo Anh xuất hiện.
Hoạt xúc động khi nhìn người con gái này. Bởi vì đây không phải chỉ là cô chủ
nhà, mà là Điềm Chi nữa... Cô bé của anh... Chữ viết Điềm Chi còn đây và Bảo
Anh đứng đó. Chỉ là một thôi. Chỉ là một mà mình tưởng có một bức tường cao chắn
lối! Hoạt cúi xuống đống áo quần của mình. Bảo Anh bước vào. - Nghe nói anh sắp đi... Hoạt gật nhẹ. Tiếng Bảo Anh: - Sao anh không ở đây nữa? Hoạt trầm giọng: - Tôi phải đi xa cô ạ. Bảo Anh vân vê chéo áo trong tay. Bộ đồ lụa màu hồng làm tăng
vẻ đẹp của con gái. Hoạt không dám nhìn. Bảo Anh nhỏ giọng: - Tôi nghĩ... tôi có những lúc không phải với anh. Anh bỏ qua
nhé. Hoạt xúc động thật sự. Giờ phút này Bảo Anh ngoan hiền dễ
thương quá. Nếu Hoạt gọi: Điềm Chi! Chắc chắn cô bé sẽ đến với chàng ngay.
Nhưng Hoạt kịp ngăn mình lại. Tất cả đã chấm dứt từ lúc mà chàng tình cờ biết Bảo
Anh và Điềm Chi chỉ là một... Bất giác Hoạt nói một cách mơ hồ: - Cũng mong cô không nghĩ gì về tôi. Bảo Anh ngạc nhiên ngước nhìn Hoạt, có lẽ cô bé định nói một
câu gì nhưng lại thôi. Chương 7 Bảo Anh tựa người trên khung cửa sổ nhìn chầm chậm lên những
chùm hoa vàng trên lá xanh. Nổi buồn kéo đến thật đây. Nhìn những cánh hoa, Bảo
Anh nhớ Hiệp quá! Đã hai tuần nay Bảo Anh không nhận được một lá thư nào của Hiệp.
Bảo Anh nghĩ nát óc mà không tài nào hiểu được nguyên do tại sao Hiệp lại bặt
tin. Hiệp đau? Hiệp bị tai nạn? Hay là Hiệp giận cô bé một điều gì đó rồi không
thèm viết thư nữa. Ý nghĩ đó làm Bảo Anh rưng rưng. Một giọt lệ nhỏ xuống đôi
má bầu bỉnh của thiếu nữ. Bảo Anh nghĩ mình sẽ điên lên nếu cứ nghĩ lẩn quẩn
hoài như vậy! Bảo Anh quay trở vào máy điện thoại. Phải hỏi lại Thúy Diệu xem
mình có thư chưa. Cô bé quay số. Từ đầu giây, tiếng Thúy Diệu vang lên. - Bảo Anh phải không? Chắc lại hỏi tao có thư mày không chứ
gì? Bảo Anh cắn môi: - Ừ! Sao mày biết? - Thì ngày nay mày đã điện thoại cho tao hai lần chỉ để hỏi
như vậy. Nước mắt chực trào ra, Bảo Anh trách bạn. - Mày ác lắm. Mày đừng nói với tao thế nữa. Thúy Diệu nói vội qua ống nghe. - Kìa Bảo Anh. Mày khóc phải không? Bảo Anh bậm môi lắc đầu: - Không. Tao nghe giọng mày tao biết. Thôi gác máy đi, tao lại đằng
mày ngay. Bảo Anh chờ bạn với sự bồn chồn. Phải chi Thúy Diệu đến với một
lá thư... không có thư Hiệp, tất cả đối với Bảo Anh trở thành vô nghĩa hết sức... Thúy Diệu đẩy chiếc P.C vào gara rồi lên phòng Bảo Anh. Nhìn
khuôn mặt buồn hiu của bạn, cô bé nắm tay Bảo Anh: - Buồn chi dữ vậy. Chuyện gì cũng thế, cứ từ từ mà giải quyết. Bảo Anh không đáp lời bạn. Cô bé chỉ tay lên cây hoa. - Mày nhớ hoa này là hoa gì không? Thúy Diệu gật nhanh: - Hoa Cườm Thảo Vàng. - Ừ... Vậy mày biết tại sao anh Hiệp không viết thư cho tao nữa
không? Thúy Diệu ngẩm nghĩ rồi lắc đầu: - Cái đó thì tao chịu thôi mày ạ. Đôi bạn ngồi bên nhau im lặng. Một lúc sau Thúy Diệu lên tiếng. - Vậy mày có viết thư cho anh ấy thường không? Bảo Anh gật đầu: - Có chứ! Tao vẫn viết thư về địa chỉ đó, nhưng chỉ có thư đi
mà không có thư lại. Thúy Diệu thắc mắc: - Kể cũng lạ nhỉ? Bảo Anh nắm hai bàn tay vào nhau. - Đôi lúc... tao không hiểu tao có viết một điều gì làm cho
anh ấy buồn không? Thúy Diệu im lặng nhìn bạn. Cô bé không ngờ người con gái
kênh kiệu ngồi trước mặt mình đây có ngày lại thẩn thờ thốt ra những câu như vậy.
Thúy Diệu hiểu, Bảo Anh đã dẹp hết tự ái để tâm sự với mình như thế. Con người
của Bảo Anh... Thúy Diệu hiểu quá mà. Bảo Anh: - Mày có cách gì giúp tao không? Thúy Diệu ngần ngừ: - Theo tao, chỉ có cách mình nên chờ đợi xem. Giọng Bảo Anh thật buồn: - Chờ đợi... chờ đợi! Tao đã chờ đợi bao lâu nay. Mày đừng
nói với tao như vậy nữa. - Tao làm sao giúp được mày. Chỉ còn biết hy vọng... biết đâu
anh ấy đi xa. Bảo Anh cười gượng gạo: - Đương nhiên bây giờ mình phải tìm đủ mọi cách để tự an ủi. Thúy Diệu bỗng đề nghị: - Hay là... mày thử đến nhà anh ấy xem sao? Bảo Anh lắc đầu: - Thôi mày ơi. Tao không dám đâu. Vả lại nhà đâu phải là nhà
của anh ấy. Anh ấy nhờ địa chỉ của người bạn mà... Thúy Diệu cau mày: - Mày nhát bỏ xừ, như vậy thì thôi. Tao nghĩ, nhà của anh ta
hay bạn anh ta thì ăn nhằm gì đâu. Điều quan trọng là anh ta đã lấy địa chỉ đó,
thế thôi. Bảo Anh nhỏ giọng: - Nhưng đến đó rồi được gì? Thúy Diệu phì cười: - Thì được biết về anh chàng nọ chứ còn được gì nữa mày. Bảo Anh tươi cười nét mặt: - Mày nói cũng có lý, nhưng mà... Thúy Diệu gạt đi. - Không nhưng không nhị gì cả. Bây giờ tóm tắt lại mày có đi
hay không? Bảo Anh nhìn bạn: - Tao muốn đi lắm, nhưng mày phải đi với tao và đến đó mày
vào hỏi cơ. Thúy Diệu dãy nảy: - Ấy chết! Đâu có được. Người ta có biết tao là ai đâu mà khi
không tao vác mặt vào. Bảo Anh làm mặt giận: - Thì người ta cũng có biết tao là ai đâu! Thế mới gọi là bạn
bè giúp đỡ nhau chứ. Nếu mày không muốn giúp tao thì thôi vậy. Thúy Diệp cầm tay bạn: - Tao lúc nào cũng muốn giúp mày. Thôi tụi mình xin phép bà cụ
mày rồi tao chở mày đi. Thúy Diệu thấy trên khuôn mặt bạn có mốt cái sáng rực rỡ lên.
Cô bé thầm nghĩ. Tình cảm là một cái gì thiêng liêng mà nó có thể khiến người
ta thay đổi nhanh đến như vậy? Con đường hẻm sâu hun hút làm đôi bạn ngại ngần. Bảo Anh mân
mê mảnh giấy nhỏ ghi địa chỉ trong tay. Thúy Diệu hỏi: - Mày coi xem số mấy? Bảo Anh lắc đầu: - Số gì đâu lăng nhăng quá. Mày đọc xem. Thúy Diệu ngừng xe vào lề, cầm mảnh giấy liếc qua rồi nhìn lên
những số nhà: - Chà, địa chỉ này phải vô tuốt phía trong kia. Chiếc P.C chầm chậm tiến vào hẻm. Quẹo qua hai ba đường hẻm
nhỏ nữa, hai cô bé dừng bước trước một căn nhà cửa gỗ thật lụp xụp, Bảo Anh
nhìn cánh cửa đóng im ỉm khóa bên ngoài, thất vọng ra mặt: - Thôi chắc đã dọn đi rồi mày ạ. Thúy Diệu cau mặt: - Mày kỳ quá, sao bi quan dữ vậy? Cái gì cũng để từ từ chứ,
tao hỏi xem. Cô bé tiến lại một căn nhà bên cạnh. Hai phút sau Thúy Diệu
trở lại. - Xong rồi! Người ta đi học không có nhà. Khi khác mình trở lại. Bảo Anh hồi hộp: - Vậy à... thì ra anh ấy còn ở đây. Thúy Diệu cười: - Mày lúc thì nói xuôi lúc thì nói ngược. Tao không hiểu nổi
mày nữa kìa. Thôi đi về cái đã. Khi hai cô bé ra gần đến đầu hẻm, cả hai cùng chợt nhìn thấy
một khuôn mặt khá quen. Đó là cô bé học cùng lớp và học rất giỏi nên cả lớp đứa
nào cũng biết! Thúy Diệu quay đầu ra sau nói với Bảo Anh: - Ai in nhỏ Thu phải không? Bảo Anh gật đầu: - Nó đó. Không hiểu nó đi đâu trong này. Thúy Diệu nhìn thoáng qua những căn nhà lụp xụp trong hẻm rồi
rùn vai: - Chắc nhà nó trong này. Bảo Anh hơi bất bình thái độ khinh bỉ của bạn. Từ ngày Hiệp
thôi viết thư, Bảo Anh đâm ra đổi tính. Cô bé đã biết sợ cái tính hợm mình của
những thiếu nữ con nhà giầu... Tiếng Thúy Diệu: - Thôi vậy là mày yên tâm rồi nhé. Bây giờ tụi mình xuống phố
đi một vòng nghe. Bảo Anh chán nản: - Thôi, tao về. Đột nhiên Bảo Anh ghét những cái gì trưởng giả sang trọng
chung quanh mình. Căn nhà ọp ẹp của người bạn Hiệp đã nói lên rõ rệt cái nghèo
của chàng. Biết đâu Hiệp cũng đang ở đó? Nhờ địa chỉ, chỉ là một cách nói mà
thôi. Cái nghèo của Hiệp và cái giầu của gia đình Bảo Anh sẽ phân định rõ rệt
chỗ đứng cho cả hai trong cái xã hội này, cái xã hội chỉ trọng vẻ bên ngoài hơn
là tấm lòng cao cả bên trong... Thu làm lơ đi thẳng vào. Cô bé đã thấy hai thiếu nữ ăn mặc hợp
thời trang ngồi trên chiếc P.C vừa chạy qua mặt mình là ai. Thu hơi ngạc nhiên,
tại sao hai con nhỏ này lại mò vào xóm mình làm gì? Bọn họ làm gì thèm quen với
dân nhà nghèo như mình? Ý nghĩ làm Thu thốt bật cười chua chát! Cô bé lũi thũi
vào hẻm. Chiếc bóng nhỏ đổ dài như một nổi cô đơn nào đó không bao giờ diệt được... Thu mở cửa bước vào nhà. Ánh sáng theo cánh cửa mở đổ loang lổ
soi rõ những đồ vật. Trên thềm cửa một lá thư nằm đó. Thu cúi nhặt lên - Lại
thư của Hiệp! Thu cầm lá thư để trên bàn rồi thay áo. Đã hơn nửa tháng nay, Thu nhận được năm sáu lá thư của Hoạt,
cứ cách vài ba ngày lại có một lá thư. Cũng dạo sau này, Hoạt dọn về ở với anh
em Thu. Đời sống rất đẹp, tuy rằng họ vô cùng chật vật. Một điều Thu nhận thấy
là mỗi lần nhận được thư, Hoạt không vui như ngày trước nữa, mà Hoạt thật buồn.
Có lúc, Thu tình cờ thấy Hoạt xé lá thư mà không đọc. Thu không dám tìm hiểu,
cô bé sợ. Thà là để như vậy mà mình có thể âm thầm nghĩ bao nhiêu điều theo ý
mình... Hoạt dọn về ở đây, Hoạt không nói tại sao chàng không ở đằng bà dì...
Hoạt không nói gì cả. Hoạt chỉ lặng lẽ đi về như một cái bóng. Nhiều lúc Thu thấy
Hoạt thẩn thờ làm sao. Dạo sau này Hoạt đâm đổi tính, không còn vui như xưa. Đã bốn ngày nay, Nghĩa và Hoạt đi Bảo Lộc. Lên thực tập gì gì
trên đó không biết. Căn nhà quạnh quẽ chỉ còn lại một mình Thu. Mỗi khi muốn đi
đâu phải khóa cửa lại. Hình ảnh hai cô thiếu nữ lúc nãy lại lờn vờn trong trí
Thu. Thu muốn quên đi nhưng không được. Nó đã như một nổi ám ảnh không rời. Chương 8 Nghĩa vất tàn thuốc ra xa, nhìn Hoạt : - Ði uống café mày. Hoạt gật . Ở đây lạnh, thèm 1 ly café nóng có khói thuốc. Ðôi
bạn vào quán tìm 1 góc vắng. Hoạt đốt thật nhiều thuốc, mỗi người đeo đuổi 1 ý
nghĩ riêng tư. Hoạt nhớ Ðiềm Chi. Ðiềm Chi hay Bảo Anh cũng thế. Hoạt nhớ những
lá thư gửi mà mình đã xé đi không bao giờ đọc. Hoạt sợ - Chàng sợ nếu đọc những
lá thư đó, chàng sẽ xiêu lòng, sẽ viết lại và lúc đó mọi sự chả còn gì nữa.
Khuôn mặt Bảo Anh hiện rõ trong ký ứa Hoạt đồng thời với vẻ xấc xược trước kia
của cô bé. Hoạt chán nản – không bao giờ Hoạt tự đặt mình vào 1 hoàn cảnh khó
khăn như chàng đang gặp. Hai cá tính tương phản nhau giữa Ðiềm Chi và Bảo Anh .
Tại sao Bảo Anh lại có thể viết được những lời lẽ dịu dàng khả ái đến như vậy ?
Cái thắc mắc của Hoạt sẽ không bao giờ được giải thích thoả đáng...có lẽ thế...không
bao giờ... Nghĩa xoay xoay ly café trong tay: - Ở đây chán bỏ mẹ, tao mong về Sài Gòn cho rồi. Hoạt nhìn bạn: - Mới đi mà mày! Nhớ đào à? Nghĩa cười: - Cái thân tao lo chưa xong mà còn đào với kép. Có điều
SàiGòn dầu sao cũng thân thiết hơn, gần gũi hơn. Hoạt gật đầu: - Mày nói cũng đúng. Nhưng tao lại đang muốn xa SàiGòn đây Nghĩa thở khói: - Lại có tâm sự vụn gì rồi. Hoạt không đáp lời bạn. Tiếng Nghĩa : - Mày định ra trường rồi sẽ làm gì? Hoạt trầm ngâm: - Có lẽ tao học thêm một năm sư phạm nữa rồi đi dạy. Nghĩa cau có: - Mẹ, hết việc để mày chọn hay sao mà lại chọn cái nghề bạc bẽo
đó mày? - Tao cũng không rõ mình. Có lẽ tao thích được sống , hoạt động
với 1 nhóm người trẻ . Tuổi trẻ, nhiệt huyết, sôi động, những thứ đó may ra
giúp tao vui. - Ði về Sư phạm là bay ra tỉnh con ạ. Hoạt cười nhẹ: - Ðương nhiên . Ðó chính là điều tao đang nghĩ đến. Nghĩa khoa tay làm một cử chỉ mơ hồ. - Bao nhiêu thằng mong ở lại SàiGòn không được. Mày có nhiều
triển vọng ở lại thì xin đi. Ðời sao khỉ quá. Một cặp tình nhân đi vào quán. Người con gái mảnh khảnh như Bảo
Anh làm Hoạt nhớ lạ lùng, nhớ da diết. Hoạt đưa ly café lên môi. Cầu xin những
ngày tháng sắp tới mình quên được Bảo Anh . Hoạt uống cạn chất đắng vào cổ.
Chàng bỗng muốn được ngồi 1 mình với nỗi khổ chỉ có mình hiểu. Bảo Anh chống tay lên cằm. Ðầu óc cô bé làm việc liên miên.
Chiều hôm nay đi cùng với Thuý Diệu đến nhà Hiệp , Bảo Anh đã tìm thấy nơi mình
một nỗi xúc động không cùng. Biết đâu trong căn nhà đó Hiệp đã sống, đã ăn, ngủ
và thở. Còn mình? Mình từ một thế giới xa lạ nào đâu, mình chẳng bao giờ du nhập
được vào đời sống Hiệp, mà có lẽ Hiệp cũng không muốn...bởi vì chính Hiệp đã
nhiều lần cản ngăn khi mình đưa ý định muốn tìm gặp Hiệp, Bảo Anh thấy khổ sở.
Tại sao Hiệp giận mình? Cô bé nói thầm một mình mà như nói với Hiệp: “Anh Hiệp
ơi! Ðiềm Chi không có lỗi gì cả, tại sao anh lại giận Chi? Anh không viết cho
Chi một lá thư nào nữa hết. Như lúc anh đến, bây giờ anh đi cũng rất âm thầm.
Làm sao Chi dứt cho mình những nỗi khổ này đây!” Bảo Anh chợt nghĩ, tại sao
mình không trở lại đó một mình? Cần gì phải đi với Thuý Diệu . Nghĩ là làm Bảo
Anh thay đồ dắt xe đi. Vẫn con hẻm chiều hôm qua mà sao Bảo Anh thấy hồi hộp lạ. Ðôi
tay cô bé hơi run run làm chiếc cady chạy như không muốn vững. Bảo Anh thấy lo
sợ đâu đâu. Lỡ như gặp ngay Hiệp thì sao? Mình sẽ nói gì bây giờ? Bảo Anh chần
chừ nửa muốn quay về nửa muốn đi tiếp. Cuối cùng nỗi ám ảnh về Hiệp đã thắng, Bảo
Anh cho xe tiến vào con hẻm ngoằn ngoèo. Hai cô bé nhìn nhau một lúc rất lâu, rồi Thu lên tiếng trước: - Ủa, Bảo Anh. Cô bé không nói được gì, cũng không hiểu tại sao người thiếu
nữ này lại tìm đến nhà mình. Riêng Bảo Anh, cô bé ngượng chín người. Bảo Anh
không ngờ nhà của Hiệp lại là nhà của Thu! Nếu Hiệp mà là anh của Thu nữa
thì...càng nguy. Vì trong lớp Bảo Anh không chơi với Thu. Bảo Anh ấp úng: - Thu ...ở đây à? Tôi tìm nhà người quen. Thu mở rộng cửa hơn: - Anh vào nhà chơi đã. Nhà tôi nghèo lắm nhé, ngồi tạm ghế gỗ
vậy. Bảo Anh đỏ mặt bước vào. Thu không có cảm tình với người con
gái này nhưng cô bé vẫn lịch sự. Chờ Bảo Anh ngồi xuống, Thu nói: - Anh tìm nhà ai, có địa chỉ sẵn không? Trong hẻm khó tìm lắm,
nhà cửa chi chít. Bảo Anh bỗng muốn dấu Thu, Bảo Anh thấy mắc cỡ với cô bạn
cùng lớp. Vẻ lúng túng của Bảo Anh bỗng làm Thu thương hại. Thu nhỏ giọng: - Anh có địa chỉ thì tôi tìm dùm cho. Như có một người thứ hai trong Bảo Anh xúi dục, cô bé bỗng nghe
mình nói: - Thu...đây có phải nhà anh Hiệp không? Thu nhìn trân trối vào Bảo Anh. Tất cả sự thật phơi bày trước
mắt Thu. Thì ra Bảo Anh chính là cô gái viết thư cho Hoạt ...và những tờ thư gởi
tới đã bị xé đi...tất cả...chỉ có thế. Thu bỗng muốn khóc vô cùng. Mình chỉ là
kẻ đứng bên ngoài...muôn đời không bao giờ bước vào được nữa. Người ta cao sang
và xứng đáng...Giọng Thu hơi run: - Anh ...quen với anh Hiệp ư? Bảo Anh gật đầu: - Chắc anh Hiệp là anh của Thu hả? Thu cắn môi. Cô bé muốn chạy trốn nhưng vẫn ngồi bất động. Tiếng
Bảo Anh : - Anh Hiệp ...bảo tôi gởi thư về địa chỉ này, chắc lâu nay
anh Hiệp ở đây hả Thu? - Không - Lâu nay anh ấy ở nhà bà dì Hai của anh, chỉ nhờ địa
chỉ thôi. Bảo Anh chú ý. Cô bé bỗng mạnh dạn hơn. - Thế nhà bà dì của anh Hiệp ở đâu, Thu biết không? Tôi có việc
cần gặp. Ánh mắt Thu chao mờ đi: - Bà dì anh ấy giúp việc cho ông Giám đốc nào ở đường Tú
Xương Bảo Anh ạ. Anh ấy ở nhờ đằng đó nhưng mấy hôm nay anh ấy dọn về đây. Bảo Anh chồm người lên - Dì Hai ...đường Tú Xương...những lá
thư không có hồi âm! Một màng mỏng như là nước mắt phủ lên võng mô. Bảo Anh nắm
bàn tay Thu: - Có phải ...anh ấy ở căn nhà kho không? Thu nói đi...có phải
thế không? Ðến phiên Thu ngạc nhiên: - Sao Anh biết? Ðúng rồi, anh ấy... Chung quanh Bảo Anh bỗng trở nên hoang vắng hết sức! Hình ảnh
người con trai gác cửa mỗi chiều ngồi nhìn cây hoa vàng như hiện ra trong đầu
óc Bảo An . Vẻ lạnh lùng của anh ta ...nụ cười khó hiểu khi Bảo Anh hỏi anh ta
có biết tên cây hoa vàng không...đó là Hiệp, Hiệp của những lá thư thăm hỏi mà
Bảo Anh trông đợi từng khắc, từng giây! Ðó là Hiệp! Bảo Anh tưởng như vừa sụp đổ một cái gì...Bảo Anh đã biết tại
sao Hiệp không viết thư cho mình nữa...Hiệp không bao giờ có thể thương được một người con gái có thái độ như Bảo Anh. Hiệp chỉ mến Ðiềm Chi ... Nhưng Hiệp đã
biết, và Hiệp đã ra đi... Bảo Anh bỗng khóc ngon lành trước mặt cô bạn gái không thân.
Bảo Anh muốn được gặp Hiệp ngay bây giờ để nói với Hiệp rằng cô bé sẽ luôn luôn
là 1 Ðiềm Chi thuần hậu của Hiệp đã quen...Nhưng bây giờ...có lẽ Hiệp sẽ chả
bao giờ còn nghe mình nói nữa. Bảo Anh nắm bàn tay Thu lay nhẹ: - Thu nói cho mình nghe đi, anh Hiệp có ở đây không Thu? Thu lắc đầu: - Anh ấy đi Bảo Lộc rồi, chắc vài ngày nữa về. Bảo Anh cắn môi. Thu bỗng nói: - Anh Hiệp là bạn của anh ruột tôi. Hai người cùng học chung
một phân khoa Canh Nông. Bảo Anh nhìn những đồ vật sơ sài trong nhà. Nơi đây Hiệp đã sống
và mình đang tìm đến. Mọi sự phơi bày một cách ngoài ý muốn. Bảo Anh bỗng nghĩ
mình sẽ phải gặp lại Hiệp với bất cứ giá nào dù chỉ gặp một lần rồi xa mãi mãi. Gặp
lại người con trai đó, nhưng trong một tư thế khác cho cả hai. Bảo Anh nhìn Thu. - Thu cho mình mượn cây bút, tờ giấy, mình viết mấy chữ để lại
cho anh Hiệp. Bảo Anh bỗng thấy hy vọng. Có lẽ rồi Hiệp sẽ bằng lòng gặp Bảo
Anh ...Rồi Hiệp sẽ hiểu là con người có thể thay đổi nếu họ được hỗ trợ...như Bảo
Anh đã bắt đầu thay đổi từ bây giờ... Người con gái ra về đã lâu mà Thu vẫn ngồi thẫn thờ trên ghế.
Những giọt nước mắt tuôn ướt đẫm tay áo bà ba của Thu. Mình sẽ làm gì bây giờ?
Hoạt có một người yêu đẹp như thế, giầu như thế, cao sang như thế. Mình có lẽ chỉ
còn là một chiếc bóng chưa bao giờ di động qua đời Hoạt. Mảnh giấy Bảo Anh viết
cho Hoạt vẫn còn nằm trên bàn. Thu bậm môi rồi cầm tờ giấy lên xem qua. “Anh Hiệp, Bảo Anh đã đến tìm anh nhưng không gặp. Hãy nghĩ về Bảo Anh
như anh nghĩ về Ðiềm Chi. Hãy cho phép Bảo Anh được gặp anh, dù chỉ gặp anh một lần thôi, để Bảo Anh nói với anh rằng những bông Cườm Thảo vàng ở nhà Bảo Anh mấy
hôm nay rụng nhiều mà chả có ai ngồi ngắm để chúng được vui như những buổi chiều
nào anh cũng ngồi thưởng lãm. Hãy tha thứ cho Bảo Anh. Cô bé của anh.” Thu cắn môi mình mạnh đến rướm máu. Ðột nhiên cô bé cảm thấy
có một cái gì bình lặng vừa êm đềm đi vào tâm hồn mình. Thu nhìn mảnh giấy, vuốt
lại thẳng nếp rồi cho vào cuốn tự điển lớn để trên bàn. Bên ngoài, ánh nắng thật gắt. Thu nghĩ đến lúc Hoạt về, chắc
chắn Thu sẽ đưa thư này cho Hoạt... Thu bước đến khép cánh cửa rồi nằm dài trên giường. Bóng tối
mờ mờ phủ lên mọi vật trong nhà. Thu bỗng thấy dường như mình vừa khóc...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét