Thứ Tư, 3 tháng 11, 2021

Ngoài song mưa bay

Ngoài song mưa bay

Chương 1

- Thư đây! Ai ra nhận thư!

Tiếng người phát thư vang lanh lảnh ở cổng. Thiều đẩy chiếc xe lăn lại gần bên cửa, nói lớn:

- Bác quăng dùm qua cổng đi bác.

- Có tiếng động của chiếc xe đạp lọc cọc sang căn nhà khác. Thiều dướn cổ nhìn qua cửa sổ: hai ba lá thơ nằm chập lên nhau, đè lên cả những chiếc lá khô của cây trứng cá vàng một góc sân. Một cơn gió nhẹ chợt thoảng qua đẩy những chiếc bì thư xa nhau hơn. Mắt Thiều như dán chặt vào những mẩu giấy đó. Chắc thế nào cũng có thư của Thục! Thiều chép miệng thầm lo nếu cơn mưa đổ xuống bất thần chắc thế nào cũng sẽ cuốn trôi mấy phong thơ một cách phũ phàng như cuốn những chiếc lá khô. Nhưng Thiều không biết làm cách nào, chiếc xe lăn của Thiều không thể lăn xuống mấy bậc tam cấp nếu không có bàn tay phụ lực của người khác. Thiều nhìn xuống đôi chân mình bất giác thở dài… nỗi buồn vẫn thường bất chợt kéo đến như thế! Khuôn mặt người con gái thoáng chuyển biến từ trạng thái hồn nhiên sang nét buồn vời vợi! Dòng ý nghĩ như bị che mờ bởi những hình ảnh cũ mà tiềm thức vẫn luôn luôn lưu giữ bởi vì đó là những kỷ niệm không bao giờ quên được.

Cách đây ba năm Thiều đang là một cô gái mười lăm yêu đời như các thiếu nữ cùng tuổi. Vốn sinh trưởng trong một gia đình khá giả, Thiều và các người em kế, Thục rất được cha mẹ nuông chiều. Tuy cách nhau một tuổi nhưng Thiều và Thục lại rất giống nhau, nhất là về khuôn mặt, hai chị em cùng học một trường, một lớp. Nhiều khi đi học cả hai ăn mặc giống nhau, ngay cả đến thầy giáo hoặc bạn bè cũng nhầm lẫn. Thục lớn con nhưng mặc dầu nhỏ hơn chị mà Thục cao lớn bằng Thiều nếu không muốn nói là cao hơn một chút đỉnh. Cuộc đời hoàn toàn được nhìn qua một lăng kính mày hồng tuyệt diệu. Thiều đã nhiều lần ngẫm nghĩ thấy mình thật là người có phước, được sinh trong gia đình có bậc cha mẹ thương yêu và lo lắng cho con, bạn bè quý mến, việc học hành không có gì trở ngại.

Nhưng ở đời mấy ai mà học được chữ ngờ! Đúng năm Thiều mười lăm tuổi, nhân một chuyến đi nghỉ mát ở Đà Lạt, gia đình Thiều đã bị tai nạn. Chiếc xe do ông Thanh, ba Thiều lái, đã đâm phải một chiếc xe hàng chạy ngược chiều! Kết quả thật là thê thảm! Bà Thanh chết ngay tại chỗ, Thiều bị thương nặng. Riêng ông Thanh và Thục nhờ một sự may mắn đặc biệt đã thoát chết và bình an vô sự, chỉ bị xây xát sơ sài. Phần Thiều, tuy tai nạn không gây một thương tích gì bên ngoài, nhưng tác dụng của tai nạn đã làm cô gái bị đau thần kinh một thời gian, và vết thương ở xương sống đã có một hậu quả thương tâm: Thiều bị liệt cả hai chân. Ngày đầu tiên được biết kể từ đây mình không còn được như người bình thường nữa, Thiều đã ngất đi và muốn chìm đắm luôn vào giấc ngủ thiên thu. Nhưng Thiều làm sao cãi lại với định mệnh? Từ một thiếu nữ đang yêu đời và ham sống, tung tăng đi giữa cuộc đời, Thiều trở thành một bóng mờ tật nguyền đứng bên lề đường của đời sống nhìn những bon chen của thiên hạ. Thoạt đầu, Thiều đã nghĩ tới việc tìm cái chết! Thiều tự cảm thấy mình không thể thích nghi với con người mới của mình được. Nhưng ông Thanh rất vốn hiểu con, đã an ủi Thiều nhiều. Ông tìm cách làm cho Thiều vui, ngoài những giờ làm việc, ông ngồi cạnh con gái kể chuyện đời cho con xao lãng nỗi buồn. Ông Thanh mua rất nhiều sách để Thiều đọc giải trí vì ông biết rằng ngoài việc đọc sách, Thiều còn biết làm gì để mua vui? Ngày tháng qua đi trong sự tẻ nhạt. Sau tai nạn, Thục xin lên Đà Lạt trọ học ỏ nhà bà dì ruột. Ông Thanh bằng lòng vì bây giờ ông không muốn làm buồn lòng một đứa con nào cả. Ông chỉ có hai mặt con thì Thiều đã thành tàn phế. Chính ông Thanh đã chạy chữa hết cách cho Thiều mà tình trạng vẫn không có gì khá hơn. Cách đây một năm, nhận thấy Thiều đã bắt đầu nhàm chán với sách vở, ông Thanh nhờ thầy về dạy cho Thiều học Guitar. Mục đích của ông là để Thiều đỡ thấy trống trải khi thời gian trôi qua buồn tênh mà không có gì tiêu khiển. Thoạt đầu Thiều không thích mấy nhưng dần dần, Thiều cảm thấy đàn là một thú tuyệt vời và Thiều bắt đầu tiến triển thấy rõ trong việc học…

Tiếng mở cổng lách cách làm Thiều giật mình thoát khỏi cơn hồi tưởng. Hoạt, ông thầy dạy đàn cho Thiều vừa đến. Tuy mang tiếng là “thầy” nhưng Hoạt còn rất trẻ, mới 23 tuổi. Và hiện đang theo học năm thứ năm ở trường Kiến Trúc. Hoạt là con một người bạn khá thân của ba Thiều. Gọi là mướn thầy dạy thật, nhưng chính ra là Hoạt tình nguyện dạy Thiều. Những giờ học êm đềm bên người còn gái nhỏ đã tạo ra trong Hoạt một cảm nghĩ đẹp về thiếu nữ. Hoạt cầm lấy mấy phong thư dứ dứ trong tay trêu Thiều:

- Mua lại không, anh bán!

Thiều lắc đầu cười dễ thương:

- Ai mà thèm mua, nhưng anh Hoạt trả đây không thôi Thiều mét ạ.

- Mét ai nè?

- Mét vú Năm.

Hoạt bước đến bên Thiều, đặt ba lá thơ lên thành chiếc xe lăn:

- Đây, sợ quá! Chưa thấy cô học trò nào mà dám bắt nạt thầy như Thiều đấy.

Thiều cầm ba lá thư, liếc sơ qua. Một lá thư mang con dấu bưu điện Đà Lạt, của Thiều, một lá thư của một đại diện gởi ông Thanh và một lá thư nữa từ Mỹ gửi về! Lá thư đề tên Thiều, nhưng không phải là Đỗ Ngọc Thiều, mà là Trần Mỹ Thiều và một số nhà lạ. Chắc là ông đưa thư già lẩm cẩm đã đưa lầm thư. Vốn thấy tên Thiều quen ngày nào cũng thường có thư Thiều gởi, ông ta nhìn lầm tên một người khác ông ta quăng đại thư vào nhà. Thiều nhét đại hai lá thư của Thiều và lá thư lạc vào dưới nệm xe, rồi gọi Hoạt lúc đó đang lấy đàn phía trong:

- Anh Hoạt ơi!

Hoạt chạy ra, tay cầm cây guitar cũ kỹ:

- Gì đó Thiều.

- Anh để dùm lá thư của ba lên tủ buffet hộ Thiều.

Hoạt cầm lá thư để lên tủ, dằn dưới chiếc gạt tàn rồi xách ghế đến ngồi bên Thiều. Hoạt nó:

- Hôm nay Thiều đàn và hát cho anh nghe thử coi cô học trò của anh đã tiến bộ đến đâu rồi.

Thiều nũng nịu lắc đầu:

- Thôi không chịu đâu, anh Hoạt cứ dụ Thiều hát hoài. Bữa nay anh hát cho Thiều nghe một lần đi!

Hoạt dỗ:

- Đâu phải anh dụ Thiều, nhưng học trò thì phải nghe lời thầy chứ. Ai đời cứ ăn hiếp anh hoài.

Thiều vẫn lắc lắc đầu. Hoạt nhìn mái tóc dài của cô gái chảy dịu dàng xuống bờ vai thon thả. Một niềm thương cảm dào dạt dâng lên làm Hoạt muốn nghẹn tiếng. Những ngày gần gũi bên Thiều đã đem Hoạt đến càng ngày càng gần với Thiều hơn. Thiều có những ước vọng thật đơn sơ và dễ thương mà không bao giờ thực hiện được. Có lần Thiều nói vơi Hoạt: “Thiều ao ước bây giờ có phép màu nào chữa lành cho Thiều khỏi bị bệnh hai chân, chắc Thiều sẽ bắt anh Hoạt dẫn Thiều đi phố một bữa cho đã đời. Mấy năm nay cứ giam mình trong nhà, trên chiếc xe lăn tay này, Thiều thèm được biết mặt phố xá quá”. Những lúc Thiều tâm sự như thế Hoạt chỉ biết an ủi Thiều là một ngày gần đây thế nào y học cũng sẽ chữa lành được cho Thiều. Từ những tình cảm nhỏ nhoi đó, Hoạt tìm được nơi Thiều những ý sống rất lạ khác hẳn những thiếu nữ đồng tuổi với Thiều đang ngày đêm nhan nhản ngoài phố. Có lẽ bởi vì Thiều sống thu hẹp trong một thế giới chỉ toàn là sách vở và mộng mơ, với những ước vọng hoàn toàn khó có trong thực tế! Nhiều khi Hoạt đã ngồi cả giờ đồng hồ đăm đăm nhìn Thiều đàn. Khuôn mặt hơi dài dài với đôi mắt to tròn dễ thương của Thiều, lâu ngày đã sâu vào tâm khảm người con trai. Vốn là con duy nhất của một thầu khoán, Hoạt trưởng thành trong những điều kiện hết sức dễ dàng cho một người con trai thành công trên đường đời! Đã có nhiều người con gái đến với Hoạt nhưng họ đều chỉ là những chiếc bóng mờ thoáng qua rồi mất hút! Ngày đầu ông Thanh ngỏ ý muốn nhờ Hoạt tìm dùm một người dạy đờn cho con ông. Hoạt đã hăng hái nói:

- Thưa bác, nếu bác và cô Thiều bằng lòng, cháy sẽ đến chỉ cho Thiều học.

Và từ đó những giờ rỗi rảnh Hoạt đều dành cho Thiều.

- Anh Hoạt, đàn đi chứ!

Thiều kêu lên đầy giận dỗi. Hoạt cười:

- Ừ thì đàn! Hôm nay Thiều nghe bản gì để tập.

Thiều lật lật tập nhạc:

- Tùy anh Hoạt vậy! Mấy bản trong này Thiều tập gần hết cả rồi.

Hoạt nói:

- Thôi, để anh tập cho Thiều bản này.

Hoạt lôi trong tập giấy mang theo một bản nhạc còn mới đặt trước mặt. Thiều cầm tờ nhạc lên xem. Đó là một nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn phổ theo thơ của Trịnh Cung mang một tựa đề rất lạ: “Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu”. Thiều nói:

- Tựa bản nhạc này hay quá hả anh!

Hoạt gật đầu:

- Ừ, nhưng nhạc và lời còn hay hơn nữa.

Thiều ngước nhìn Hoạt:

- Anh hát cho Thiều nghe đi.

Họa so dây và bắt đầu hát. Giọng Hoạt thật ấm vang lên trong căn phòng như một dòng nước chảy êm đềm qua từng khe đá nhỏ của một mạch nước trong vắt. Thiều tựa đầu vào thành xe, tay chống cằm nhìn ra cửa sổ. Lời nhạc rót vào tai… “Ừ! Thôi em về, chiều mưa giông tới, bây giờ anh vui…”

Lời ca Hoạt đã dứt, căn phòng rơi vào một sự im lặng bàng hoàng. Chừng như âm thanh ấm ngọt của Hoạt vẫn còn ngự trị đâu đó… Cơn gió bên ngoài khung cửa sổ làm lay bức rèm màu thiên thanh. Lá cây trứng cá rụng tơi tả chợt bị cuốn lên theo với một làn bụi mỏng bay là là rồi rơi xuống ở một vị trí khác nhau. Hoạt nói:

- Thiều nghĩ gì đó?

Thiều lắc đầu:

- Không anh ạ. Thiều chả nghĩ gì nhưng bản nhạc hay quá anh nhỉ.

Hoạt gật đầu:

- Ừ , anh thích. Lát anh về để bàn này lại Thiều mượn nha. Ở nhà Thiều tập lấy một mình.

Hoạt đứng lên cất cây đàn. Rồi đến bên Thiều. Trời bỗng kéo mây đen u ám. Có lẽ lại sắp mưa. Thiều chép miệng:

- Sắp mưa rồi đó anh Hoạt.

Hoạt nhìn qua chấn song cửa. Hàng cây dầu cao lớn bên ngoài hàng rào chao động mạnh tạo nên âm thanh xào xạc. những tàn lá rậm rạp cao ngất nghểu ngã qua ngã lại theo chiều gió. Có lẽ sắp mưa thật, mà mưa to nữa là khác. Sài Gòn mà mưa chả có gì thơ mộng cả nhưng chả hiểu sao Hoạt lại thích những cơn mưa của Sài Gòn. Cái quang cảnh nôn nao của những bộ hành trên lề đường mong về đến nhà trước khi cơn mưa kéo đến luôn luôn là một cái gì đó kích thích Hoạt nhìn ngắm hoài mà không chán mắt. Nhà Hoạt nằm ở một ngã ba gần đường Phan Đình Phùng. Những hôm mưa Hoạt thường đứng bên cửa kính trên lầu ba nhìn xuống đường, xe cộ và người ướt lướt thướt. Những chiếc áo che mưa đủ màu sắc trên đường phố là một bức tranh linh hoạt mà khó có một họa sỹ nào diễn đạt lại được qua nét bút! Từ lầu cao Hoạt nhìn những hạt mưa nhỏ li ti đan vào nhau, những sợi mưa đan thành hàng thẳng nhưng thỉnh thoảng có những sợi đi lạc, bay xiên trong không trung một cách lẻ loi trông thật tội nghiệp! Nhiều lúc Hoạt thấy mình mơ mộng và lẩm cẩm như con gái. Chính các bạn bè của Hoạt cũng thường phê bình như vậy. Bản chất con người Hoạt chỉ thích những gì mong manh yếu đuối, như những sợi mưa đan trên nền trời đục. Chính vì thế mà Hoạt không thể nào ưa được những người bạn gái của Hoạt, những thiếu nữ với các loại quần áo bắt mắt nhưng thiếu nét thùy mị mỏng manh mà Hoạt luôn luôn tìm kiếm khi vừa quen với bất cứ cô gái nào. Chỉ nơi Thiều, ngay lần đầu tiên gặp gỡ, Hoạt đã thấy nơi thiếu nữ tật nguyền này một cái gì không trường tồn. Dường như sương, dường như khói, sương sẽ bay và khói sẽ tan, Thiều mỏng như tờ giấy và nhẹ như hạt mưa! Nói chuyện với Thiều, nghe Thiều tâm sự, Hoạt lại càng thấy ở Thiều mối bất an đối với cuộc sống. Có lẽ Thiều rất cần một sự che chở, và Hoạt thật tình rất muốn che chở cho Thiều. Nhưng tự Hoạt không tự làm được điều đó. Còn Thiều, đã chắc gì Thiều bằng lòng cho Hoạt tạo với Thiều một liên lạc bền vững? Hay chỉ là gián đoạn? Phải nói là Hoạt không thể nào hiểu được người con gái đó. Thiều như một con ốc thu mình trong lớp vỏ cứng. Và Hoạt bất lực đứng nhìn.

Cơn mưa ào xuống thật mạnh. Cây trứng cá rũ mình đứng dưới cơn mưa thịnh nộ của trời đất. Một ít bụi mưa tạt qua cửa sổ bay vào đậu lấm tấm trên tóc Thiều. Hoạt kêu lên:

- Chết! Mưa ướt Thiều hết. Để anh đưa Thiều qua bên này tránh mưa nhé.

Thiều lắc đầu:

- Thôi khỏi anh à? Kệ, để Thiều ngồi đây hứng chút bụi mưa chứ. Với lại Thiều thích nhìn mưa.

Hoạt lơ đãng:

- Thiều thích mưa à?

Thiều gật nhẹ:

- Dạ, thích anh. Hồi nhỏ Thiều đi học, mỗi khi mưa tụi bạn Thiều càu nhàu dữ lắm. Tụi nó chê mưa dơ, đường trơn lại ướt áo quần, ướt sách vở. Còn Thiều, Thiều lại thích trời mưa. Nhiều hôm nhìn qua cửa lớp ngắm mưa, thầy giáo đến sát bên bàn mà Thiều không hay.

Hoạt nhìn Thiều. Trong lúc say sưa diễn tả niềm đam mê của mình, trông Thiều lôi cuốn lạ lùng.

- Anh Hoạt biết không? Thiều thích nhất là đi dưới trời mưa. Mỗi khi mưa tạt vào mặt mình, tuy đau thật nhưng thú ghê.

- Vậy Thiều đã đi dưới mưa nhiều chưa?

- Nhiều chứ anh. Hồi Thiều chưa bị tai nạn đó.

Âm thanh chùng xuống ở những tiếng cuối cùng rồi đôi môi Thiều như khép kín. Ánh mắt trĩu nặng nỗi buồn vô bờ bến mà không bao giờ ai có thể mang dùm đi để trả lại cho Thiều tuổi hồn nhiên vô tư. Hoạt im lặng tôn trọng nỗi buồn cố hữu đó của Thiều. Mưa vẫn rơi nhanh và mạnh. Bên ngoài khung cửa của gian phòng là gió và mưa. Bên trong gian phòng, hai người trẻ tuổi lặng ngồi bên nhau. Sư im lặng kéo dài…

Chương 2

Tiếng còi xe vang lên từng chập bên ngoài cổng. Thiều gọi vú Năm:

- Vú Năm ơi, ba về, mở cổng vú Năm ơi!

Vú Năm đang làm cơm tất tả chạy lên. Đi ngang mặt Thiều vú cười:

- Con gọi vú mà y như người ta gọi cứu hỏa.

Thiều cười lấp liếm. Bên ngoài, ông Thanh đang de chiếc Toyota du lịch màu trắng vào cổng. Vú Năm vào trước bảo Thiều:

- Hôm nay ông mua cho con bòn bon đó.

Thiều reo lên:

- Thật hả vú? Sao vú biết.

- Biết chớ, nhìn thì biết.

Ông Thanh đứng ở ngưỡng cửa từ lúc nào. Thiều quay lại thấy cha, ông Thanh lên tiếng trước:

- Con gái ba tham ăn nhé! Nghe tới bòn bon là chỉ hỏi thăm bòn bon thôi, không thèm hỏi thăm gì tới ba hết.

Thiều nói khỏa lấp:

- Đâu ba, bòn bon đâu ba?

Ông Thanh đưa gói bòn bon cho con. Ông vẫn biết Thiều rất mê ăn quả bòn bon nên mỗi khi đi đâu về mà tiện ông đều ghé mua cho con. Từ ngày Thiều bị tai nạn tới nay, tình thương của ông dành cho đứa con gái bất hạnh tăng dần theo ngày tháng. Ông thương cho tuổi dậy thì của Thiều phải chôn cuộc đời trên hai bánh xe lăn. Tuy bên ngoài không nói ra nhưng trong thâm tâm ông Thanh lúc nào cũng mang hy vọng một ngày nào đó khoa học sẽ mang lại cho con ông sự bình thường của cơ thể. Ông tự nguyện, dù phải chạy chữa cho Thiều tốn kém bao nhiêu ông quyết không nản lòng.

Ông Thanh vào nhà trong thay áo để sửa soạn dùng cơm tối. Khi vú Năm đẩy chiếc xe lăn lại bàn ăn, Thiều sực nhớ nói với ba:

- Có thư của ba đó ba.

Ông Thanh hỏi:

- Đâu, con? Thư ai vậy.

Thiều lắc đầu:

- Dạ, con không biết. Hình như của cơ sở thương mại nào đó.

Ông Thanh mắng yêu con:

- Có quá nên quên hết, con gái hư nhé. Con để thư của ở đâu.

- Dạ trên tủ buffet ba.

Ông Thanh ngồi ngay bàn cơm đọc thư. Ông bảo con:

- Vậy là ngày mai ba phải đi Vũng Tàu.

Thiều nhìn cha:

- Ba đi chừng nào về ba?

Ông Thanh lắc đầu:

- Xong công việc con ạ. Có lẽ một, hai hay ba ngày không chừng. Con ở nhà với vú Năm.

Ông Thanh vẫn thường đi lo những dịch vụ như vậy. Công việc của ông đòi hỏi ông phải thỉnh thoảng đi ca. Những chuyến đi như vậy ông vẫn áy náy về đứa con gái ở nhà. Ông Thanh tuy có hai con nhưng ông ít khi nào phải lo nghĩ về Thục vì ông hiểu rõ tính tình con. Hai chị em mang cá tính khác biệt nhau hoàn toàn. Thiều yếu ớt bao nhiêu thì Thục mang một bản chất tâm hồn mạnh bấy nhiêu. Thục rất tự tin, thực tế và dấn thân. Cá tính Thục có thể nói là rất con trai và chính nhờ vậy mà ông Thanh cho Thục đi học xa theo ý Thục đòi hỏi. Còn Thiều, ông tự thấy phải luôn luôn ở gần Thiều để đỡ con những khi con gái ông lao đao trong dòng đời. Phải thành thật mà nhận là Thiều cần đến ông nhiều hơn là Thục.

Ăn cơm xong Thiều coi ti-vi một chút rồi nhờ vú Năm đưa vào phòng. Hồi trước phòng của Thiều ở trên lầu, cửa sổ trông ra đường ngang tầm những bóng lá của hàng cây dầu cao mút ngọn. Nhưng từ ngày Thiều bị liệt hai chân, ông Thanh cho dọn căn phòng dưới nhà, ngang sát phòng ông để Thiều ở cho tiện. Vú Năm vừa đẩy xe Thiều vào vừa hỏi:

- Ti-vi bữa nay hay sao con không coi?

Thiều uể oải:

- Thôi vú, sao hôm nay con mệt quá

Vú Năm sờ trán Thiều:

- Ờ, hâm hấp nóng đây nè, hèn chi. Thôi mai ăn cháo.

Thiều nhăn mặt, vú Năm lo cho Thiều nhiều đến nỗi nhiều lúc làm Thiều khó chịu. Cứ nghe ê mình một chút là vú bắt ăn cháo. Ăn ngán lên đến cổ mới thôi. Bởi vậy nhiều khi nhức đầu sổ mũi vú Năm lại có tật ưa tưởng tượng phóng đại. Cứ nghe Thiều mệt là vú lại bảo nóng đầu ngay dù thật sự đầu Thiều có mắt rười rượi đi nữa. Vú Năm nói:

- Vậy con đi nằm nghen.

Thiều lắc đầu:

- Chưa, con chưa buồn ngủ mà nằm nỗi gì. Vú để con ngồi bên bàn viết đi.

Vú Năm trợn mắt:

- Không được, mệt là phải ngủ. Con nghe lời vú chỉ ngủ một đêm là khỏe ngay.

Thiều cắn môi phụng phịu:

- Vú có chịu để cho con ngồi một chút không?

Thấy Thiều sắp sửa rưng rưng vú Năm lại đỡ Thiều khỏi xe ngồi trên giường cạnh bên bàn viết. Ông Thanh đã cho kê chiếc bàn ngay sát giường Thiều để có thể ngồi ngay trên giường mà viết, và nằm ra ngủ mà không cần phải di chuyển. Thiều nói:

- Vú bật dùm con ngọn đèn viết đi. Rồi vú đóng cửa phòng cho con luôn.

Vú Năm dặn trước khi rút lui:

- Nhớ ngủ sớm nghe.

Như chưa yên tâm, trước khi ra vú còn nói thêm:

- Lát vú vào coi chừng đó.

Thiều dạ lấy lệ cho vú Năm yên tâm rồi chờ vú đóng cửa phòng xong Thiều thò tay lôi hai lá thư dưới nệm xe ra. Cầm lá thư của Thục trên tay, hình dung ngay được khuôn mặt em mình đang tươi cười. Thiều nôn nóng bóc lá thư.

Đà Lạt ngày…

Thiều yêu mến.

Gớm, mấy hôm nay Đà Lạt lạnh quá đi mất mà không sao, em vẫn khoái trời lạnh như thế, thích lắm Thiều ạ. Định ngày mai mới viết thư cho Thiều mà tối nay vừa có chuyện vui vui nên viết liền kể cho Thiều nghe kẻo để lâu sợ nguội mất.

Thiều ơi, hồi chiều em đến nhà con bạn, trên đường về nhà, có một nhân vật theo tán tỉnh em ghê quá. Để em thuật lại đầu đuôi nhé. Thoạt tiên anh chàng lò dò theo em. Biết là chàng theo mà em làm bộ coi như không. Em làm bộ rẽ qua lối khác. Chàng ta vẫn bám riết. Đến một chỗ quẹo vắng, chàng ta liền nhanh bước đi ngang mặt em và nói: “Thưa cô, xin lỗi tôi trông cô hơi quen, hình như cô vừa từ Sài Gòn lên đây”. Thiều cũng hiểu là em dư biết cái đòn làm quen cổ lỗ sĩ đó. Tuy nhiên em không nỡ phá hoại vì trông anh chàng cũng bô trai, kệ cho anh chàng tán dài dài đến cổng nhà mình em bèn quay lại tuôn cho một câu “Xin lỗi ông nhé nãy giờ tôi quên nói với ông tôi là dân Đà Lạt chánh gốc đây”. Rồi mặc cho anh chàng đứng đực mặt ra đấy, em lòn vào đóng cổng. Tức cười quá phải không Thiều, nhưng em đoán là thế nào hắn cũng trở lại mà. Chờ xem.

Mãi nói chuyện vẩn vơ mà quên hỏi thăm Thiều có khỏe không? Vú Năm có nhớ tưới cây hồng Đà Lạt em trồng hàng ngày không? Thiều nhớ nhắc vú Năm hộ em đi nhé.

Thôi em buồn ngủ quá. Mai mốt có gì em sẽ viết tiếp thông báo với Thiều liền. Cho em kính thăm ba sức khỏe.

Em.

Thục.

Thiều nắm chặt lá thư, mỉm cười một mình. Con bé vẫn thế, đã lớn rồi mà cái tính nghịch ngợm và phá phách thiên hạ vẫn chưa bỏ được. Ánh mắt Thiều chợt đậu vào lá thư lạ. Thiều cầm lên săm soi. Lá thư viết từ tiểu bang Elpaso của một người mang tên Trần Hoàng Ngự - Thiều lẩm nhẩm “Trần Hoàng Ngự gởi Trần Mỹ Thiều”. Có lẽ là anh em. Không hiểu do động lực nào thúc đẩy Thiều xé bì thư. Lá thư rất ngắn của người anh trai gởi đứa em gái để hỏi thăm gia đình, Thiều nhăn mặt:

- Vậy mà mình tưởng có gì hấp dẫn lắm.

Thiều quăng lá thư trên mặt bàn rồi nằm duỗi người trên mặt nệm. Vừa lúc đó có tiếng mở cửa phòng. Vú Năm thò đầu vào thăm chừng. Thiều vờ nhắm mắt giả ngủ. Vú Năm nhìn không rõ, yên tâm đóng cửa. Thiều tin chắc là vú lầm tưởng Thiều đã ngủ, sẽ không trở vào nữa. Lăn trở một hồi lâu, Thiều vẫn không ngủ được. Thiều chống tay gượng dậy, lết lại mép giường định viết thư trả lời Thục. Lá thư Thục và lá thư người con trai tên Ngự vẫn nằm chơ vơ trên mặt bàn. Đột nhiên, Thiều nảy sinh ra ý muốn làm quen với anh chàng Ngự nào đó. Tại sao không? Thiều đang có những chuỗi ngày dài buồn thảm, viết thư cho một kẻ ở phương xa, không phải là một cách giết thì giờ sao? Biết đâu Thiều lại chẳng tìm được trong mối tương giao này một tình bạn đẹp? Nhưng làm quen cách nào, chẳng lẽ lại nói là “Tôi bóc trộm thư của anh nên viết thư trả lời à”, kỳ quá! Nhưng nếu không thì phải nói làm sao? Lỡ mình viết cho người ta mà người ta không trả lời lại thì “quê” chết. Bao nhiếu dấu hỏi to tướng đặt ra trong đầu người con gái. Thiều do dự cầm bút lên. Thôi cứ viết đại đi, nếu không trả lời thì… thôi, ăn nhằm gì! Nhưng bắt đầu thế nào bây giờ? Ánh mắt Thiều nhìn chăm chăm vào trang giấy trắng, dường như chính tờ giấy sẽ giúp cô tìm được cảm hứng vậy. Cuối cùng Thiều viết:

“Sài Gòn ngày…

Thưa anh.

Trong một sự tình cờ, lá thư của anh gởi cho người em gái tên Trần Mỹ Thiều đã đến tay tôi, một người con gái cũng mang tên Thiều nhưng là Đỗ Ngọc Thiều. Có lẽ anh rất ngạc nhiên và khó chịu nữa khi thấy tôi đã xem lá thư anh, nhưng anh tha thứ bởi vì chính tôi cũng không hiểu vì sao tôi lại mở thư ra đọc và bây giờ viết thư cho anh. Anh có cho sự đường đột của tôi là quá đáng không? Nếu có, xin anh vui lòng xem như không có lá thư này!”

Thiều dừng bút đọc lại mấy dòng chữ vừa viết. Được lắm, cũng văn hoa lắm! Nhưng viết tiếp gì đây? … “…tôi không biết nên viết gì nhiều đến anh khi tôi chưa được phép quen anh? À, hay là tôi kể cho anh nghe về mưa nhé! Sài Gòn bây giờ trời đang mưa. Đường phố lúc nào cũng ướt nước. Hàng cây dầu trước cửa nhà tôi ngày nào cũng bị rụng lá vì những cơn gió lớn. Tôi rất thích mưa, không biết anh thế nào? Ở xa quê hương như vậy, anh có nhớ quê không? Riêng tôi, tôi vẫn ao ước được đi du lịch một chuyến, nhưng điều đó có lẽ khó thực hiện lắm. Quên nói với anh là tôi học rất dở và ưa thích âm nhạc. Tôi biết chơi guitar, chút xíu thôi. Anh có thích đánh guitar?

Thôi tôi xin tạm dừng bút! Chúc anh mọi điều may mắm và rất trông thư anh - nếu có.

Kính

Đỗ Ngọc Thiều

Thiều đọc lại lá thư của mình nhiều lần thấy nó lủng củng làm sao, đầu chẳng ra đầu, đuôi chẳng ra đuôi. Thiều đã đọc nhiều văn, có lúc Thiều đã tưởng mình có thể trở thành một nhà văn nữa đấy! Thế mà khi viết thư cho người lạ thì viết chả ra hồn gì! Thôi kệ, cứ gửi coi người ta có trả lời không? Nếu trả lời thì mình có thêm một người bạn ở xa, không thì thôi! Thiều nghĩ thầm như vậy rồi kéo ngăn tủ lấy bì thư. Thiều nắn nót đề tên và địa chỉ theo góc bì thư. Ngày mai sẽ nhờ Hoạt gởi dùm. Không biết Hoạt có chịu gởi không nhưng nếu không nhờ Hoạt thì nhờ ai bây giờ? Vú Năm đâu có biết ra bưu điện gởi thơ đi nước ngoài? Còn ba? Thôi, không dám nhờ ba đâu. Thiều nghĩ là mình sẽ ngoại giao với Hoạt cho kỹ thế nào cũng nhờ được. Thiều dán lá thư cẩn thận rồi lăn người nằm xuống. Lá thư của Thục vẫn chưa được trả lời.

° ° °

- Anh Hoạt nè!

Tiếng Thiều dịu dàng bên tai. Hoạt ngẩng lên:

- Sao Thiều?

- Thiều nhờ anh ngày mai đi học ghé bưu điện bỏ dùm Thiều lá thư.

Hoạt ngạc nhiên:

- Ủa, thư thì Thiều nhờ ông đưa thư bỏ dùm, lâu nay Thiều vẫn nhờ thế mà.

Thiều lắc đầu:

- Phải rồi, nhưng…

Hoạt cắt ngang:

- Thư cho Thục chứ gì?

Thiều ấp úng, tự dưng Thiều thấy ngài ngại:

- Không phải, nhưng… thư này gởi đi nước ngoài.

Hoạt “à” một tiếng rồi nói:

- Thế à? Ờ… để đó anh gởi.

Thiều vuốt tóc nhìn Hoạt:

- Anh nhớ gởi sớm dùm Thiều nhe.

Hoạt cười:

- Thư cho ai đó! Hối lộ anh đi, không anh mét.

Thiều bậm môi:

- Thư cho bạn Thiều.

Hoạt liếc nhìn thấy Thiều cầm lá thư giấu sau lưng.

- Đưa đây anh bỏ cho, đùa đó chớ ai mà dám ăn hối lộ của cô.

Thiều e dè đưa lá thư cho Hoạt:

- Cám ơn anh trước.

Hoạt mỉm cười:

- Có gì đâu mà ơn với nghĩa. Thiều lại khách sáo rồi. À, mà sao lâu nay Thiều không nhờ anh gởi?

Thiều nói dối:

- Tại mới đi, bạn Thiều mới qua bên đó.

Hoạt nói bâng quơ:

- Vậy hả, vậy mà anh mới biết.

Thiều hỏi:

- Anh nói gì ạ?

Hoạt lắc đầu:

- Không, không anh có nói gì đâu.

Rồi Hoạt đứng lên:

- Thôi, anh về nghe.

Thiều ngạc nhiên:

- Hôm nay sao anh sớm vậy?

Hoạt thoáng bối rối nói nhanh:

- Hôm nay… anh hơi bận tí việc.

Hoạt đi ra đến cửa Thiều còn dặn với:

- Nhớ bỏ thư dùm nha anh Hoạt.

Bước ra khỏi cổng nhà Thiều, Hoạt chậm bước lại. Cơn hậm hực từ đâu kéo đến với Hoạt ngay lúc nhìn chiếc bì thơ. Thiều nhờ gởi. Bạn Thiều? Lâu nay Hoạt có bao giờ nghe Thiều nhắc đến người bạn nào đâu mà bây giờ gởi thư? Thiều lại có vẻ quý mến người bạn mới này… Hoạt nhìn lại bì thư, và tên người nhận. Lòng Hoạt phân vân buồn. Ừ nhỉ, lâu nay Hoạt nghỉ là Thiều không hề quen một ai ngoài mình, thế mà…

- Ê Hoạt!

Giọng con trai gọi lớn. Hoạt quay phắt lại. Thịnh rà chiếc Honda sát bạn!

- Đi đâu lang thang giống thất tình vậy mày?

Hoạt nhếch môi:

- Thất tình thật chứ còn giống nỗi gì.

Thịnh cười ha hả:

- Vậy sao? Lên đây tao làm cho mày vui tức thì.

Hoạt leo lên yên sau:

- Chở tao ra bưu điện Sài Gòn đi mày.

Thịnh rồ máy, chiếc Honda lao mạnh làm Hoạt phải vịn vào hông Thịnh. Thịnh vẫn lớn giọng:

- Ra bưu điện chi? Đánh điện cho bồ hả?

- Còn lâu, gửi thư thôi.

Thịnh dừng xe trước bưu điện:

- Lẹ nghe mày. Cà rà tao đi mất à.

Hoạt phóng ba bước một vào. Bỏ xong thơ cho Thiều, Hoạt thấy lòng mình trống rỗng kỳ lạ. Dường như vừa mất mất một chút gì thân thiện và gần gũi trong tầm tay. Thịnh ngó bạn:

- Sao thấy mày buồn buồn.

- Vậy hả?

Thịnh gắt:

- Thằng khỉ này, bữa nay ai hớp hồn hả?

Hoạt không đáp lời bạn, hỏi lại:

- Chở đi đâu đây?

- Lại tụi thằng Tứ rồi đi đánh billard chơi cho đỡ buồn chứ làm gì.

Hoạt thở ra:

- Vậy mà tưởng gì.

Thịnh nhe răng cười rồi phóng đi.

Chương 3

Buổi sáng tạnh ráo. Mặt trời đã lên khá cao… Ngoài sân mấy vũng nước do cơn mưa đêm qua còn đọng lại từng vũng, lấp lánh dưới ánh thiều quang ban mai. Cây trứng cá tươi hơn sau cơn mưa đêm rầm rộ. Hàng cây sấu xanh mướt lá hùng dũng oai nghi chấn ngự hai bên lề đường. Nơi thềm nhà sát khung cửa sổ, cây hồng Đà Lạt nở một nụ hồng thật đẹp, phô mình tươi như sức sống của thiếu nữ đương thì. Hơi đất nhẹ nhàng quyện với mùi hoa Huệ cắm trong bình lan trong phòng khách. Thiều ngồi thừ người bên cửa sổ chăm chú nhìn ra cổng. Từ hôm nhờ Hoạt gửi lá thơ đi, ngày nào Thiều cũng trông thơ cả. Chính Thiều cũng tự ngạc nhiên về mình. Không hiểu sao Thiều nghe náo nức! Cảm giác thật kỳ lạ! Lần đầu tiên Thiều biết thế nào là chờ mong! Trong đời, Thiều đã tưởng mình không bao giờ bắt gặp một cảm giác nào khác hơn nỗi buồn thiên thu của kẻ tàn phế! Sự chờ đợi thổi vào tâm hồn Thiều một nguồn sống mới. Có một chút gì nhẹ nhàng mà hồi hộp mà làm Thiều xúc động lạ lùng! Mỗi lần ông đưa thư đi qua ngõ, Thiều đều mong sẽ có thư Ngự nhưng chỉ là thư Thục. Thục trách Thiều lười viết thư và kể tiếp chuyện anh chàng tán tỉnh Thục. Đã ba lá thư, Thiều vẫn chả hồi âm. Không biết sao từ lúc viết thư làm quen Ngự và đâm ra lười cả học hành làm Hoạt phải nhắc nhở. Thiều biết thái độ của mình chắc sẽ làm Hoạt khó chịu nhưng Thiều tự chủ được.

- Thư đây! Ai ra lấy thư.

Giọng nói quen thuộc kéo dài trước cổng. Con tim Thiều co thắt nhanh hơn lúc bình thường. Thiều gọi lớn:

- Vú Năm ơi, thư!

Vú Năm bước ra cầm lá thư trao cho Thiều:

- Thư của con.

Bàn tay Thiều chợt run lên khi ánh mắt chạm phải bì thư. Thư của Ngự! Vú Năm xuống nhà, Thiều cầm lá thư không dám xé! Tự dưng Thiều hồi hộp lạ lùng. Vậy là Ngự bằng lòng hồi âm cho Thiều. Ngự cho phép Thiều làm quen? Lá thư sẽ giải đáp biết bao thắc mắc trong đầu óc thiếu nữ. Thiều bóc lá thư.

Elpaso… ngày…

Đỗ Ngọc Thiều,

Tôi thú nhận là rất ngạc nhiên khi nhận được thư Thiều, nhưng mà là ngạc nhiên vô cùng thích thú. Cám ơn Thiều đã cho tôi được hưởng một bất ngờ hạnh phúc.

Để tôi giới thiệu sơ về cái “tôi” của mình nhé, tôi hai mươi tư, hiện đang học năm cuối của ngành kỹ sư tại đây. Tôi có một bà mẹ và đứa em gái mà Thiều đã biết sơ qua về lá thư đi lạc. Có lẽ sự dung rủi nào đó đã cho phép chúng ta quen nhau. Thiều viết thư rất dễ thương, tôi đọc đi đọc lại hoài và buổi tối khi các bạn trong phòng ngủ hết tôi trở dậy lấy thư của Thiều ra đọc rồi trả lời Thiều. Thiều viết thư khiến tôi nhớ quê hương! Thiều thích mưa là chúng ta gặp nhau ở một điểm rồi đó. Tôi cũng mê mưa không chịu được, nhất là mưa đêm. Hồi còn ở Sài Gòn tôi vẫn có cái thú khoác áo mưa đi vào, đi lang thang trong cơn mưa tìm một nơi ấm cúng. Tuyệt vời đó Thiều. Đối với tôi Sài Gòn có nhiều kỷ niệm bởi vì tôi sinh ra và trưởng thành tại đó. Đọc thư Thiều đột nhiên tôi thèm trở về Sài Gòn, nói chuyện với người Việt Nam bằng tiếng Việt Nam, ăn hột cơm trắng với món cá kho tộ của dân Nam chúng ta và nghe đứa em gái nói chuyện tình yêu của nó…

Tôi định viết về đời sống bên này nhưng bây giờ thấy không cần thiết. Rất mong Thiều sẽ nhận và viết cho tôi thường xuyên như nỗi an ủi của một người xa quê. Tôi nói thế này Thiều có tin không. Tôi không có một người bạn gái nào ở đây! Chán lắm, và cả ở Việt Nam nữa. Tôi đã nghĩ về Thiều như một người bạn duy nhất.

Chờ thư Thiều.

Trần Hoàng Ngự.

Thiều áp lá thư lên ngực, nỗi sung sướng đột ngột và lạ lùng tràn ngập từng tế bào của da thịt. Thiều nhìn bầu trời, như xanh thêm, đẹp thêm và nụ hồng ngoài cửa sổ chừng như tươi thắm rực rỡ hơn nhiều lắm. Lời thư của Ngự thật lạ và thật lôi cuốn. Thiều đọc đi đọc lại lá thư hai ba lần, lần nào Thiều cũng xúc động. Cảm giác đầu tiên bắt gặp đó làm Thiều xôn xao khôn cùng - Trần Hoàng Ngự! Viết thư rất hay và thân thiết mặc dù mới quen nhau qua lá đầu! Thiều không ngờ nỗi chờ mong của mình đã được đáp ứng. cơn buồn chợt nhường chỗ cho nỗi vui! Và nỗi vui đã ngăn chặn mọi giác quan ghi nhận sự chuyển động chung quanh đời sống! Hoạt đến sau lưng lúc nào mà Thiều vẫn không hay, tay vẫn còn cầm lá thư! Mắt Hoạt như tối lại, chút bực tức làm Hoạt suýt bước trở ra. Nhưng Thiều đã chợt quay lại. Thấy Hoạt, Thiều reo lên:

- Anh Hoạt!

Hoạt chua chát nghĩ thầm, cả gần mấy tháng nay mới thấy Thiều vui một chút, có lẽ nhờ lá thư trên tay. Thấy Hoạt vẫn bất động trên khuôn cửa, Thiều lăn xe đến gần:

- Anh sao thế!

Hoạt trấn tĩnh thật nhanh:

- Không! Anh có sao đâu . À, hôm nay có gì vui vậy?

Thiều giơ lá thư lên:

- Nhận được thư.

Hoạt cố làm ra vẻ tự nhiên:

- Thế a? Thư gì mà vui vậy.

Thiều cười bí mật:

- Thư người quen.

Giọng Thiều ríu rít như chim non. Ánh mắt Thiều ngọt như giòng suối. Thì ra lá thư có tác dụng lớn đến ngần ấy. Hoạt im lặng vào lấy đàn. Thiều nói:

- Hôm nay Thiều hát cho anh Hoạt nghe.

Hoạt nhếch môi:

- Lâu lắm mới thấy Thiều đòi hát.

Thiều vui vẻ:

- Chớ sao! Hát thật hay là khác. Anh đàn nhé.

- Thiều hát bản gì?

- Bản “Như Cánh Vạc Bay”.

Hoạt so dây. Thiều lim dim đôi mắt, môi tròn nụ cười, rồi cất giọng hát. Bàn tay Hoạt thờ ơ trên giây đàn. Khuôn mặt Thiều thật đẹp, thật dễ thương, nhưng có phải là dễ thương cho mình đâu? Hoạt mỉa mai nghĩ thầm.

“Nắng có còn hờn ghen môi em, mưa có còn buồn trong mắt trong. Từ lúc đưa em về, là biết xa ngàn trùng… suối đón từng bàn chân em qua, lá hát từ bàn tay thơm tho… lá khô vì đợi chờ, cũng như đời người mãi lênh đênh…”

Hoạt nói:

- Hôm nay Thiều hát hay quá.

- Thật không anh?

Hoạt gật đầu. Thiều chỉ tay ra cửa sổ:

- Hôm nay tạnh ráo, đẹp trời hả anh.

- Thiều thấy vậy sao?

- Dạ, Thiều thấy hôm nay yêu đời lắm.

Bàn tay Hoạt co lại để giữ cho cơ thể một thế quân bình.

- Anh thấy không, cây hồng cũng nở thêm bông, nó chúc vui Thiều đó!

- Thế à!

Thiều không để ý đến vẻ khác thường của Hoạt. Người con gái đang reo vui trong một trạng thái tình cảm mới, và Hoạt là chứng nhân duy nhất.

Sau khi tập xong mấy bản cũ, Hoạt đứng lên ra về. Thiều phụng phịu:

- Anh Hoạt ở lại chút xíu nữa đi. Gì mà anh về sớm hoài. Anh ở lại nói chuyện với Thiều đi.

Hoạt do dự:

- Có cần thiết không?

- Cũng không cần lắm. Nhưng Thiều không thích anh về.

Câu nói làm Hoạt xao xuyến, dù Hoạt biết là Thiều không nghĩ gì khi nói câu đó. Con người lãng mạn trong Hoạt vẫn dễ tha thứ và dễ tự an ủi. Hoạt ngồi xuống cạnh Thiều:

- Rồi, thì ở lại một chút.

Thiều nghiêng đầu cho mái tóc chảy mềm mại trên vai, một cử chỉ làm duyên của người thiếu nữ bất hạnh. Hoạt lặng ngắm nhìn Thiều. Cả hai cùng im lặng nhưng mỗi người cùng theo đuổi một ý nghĩ khác. Tuy Thiều không nói gì với Hoạt nhưng Thiều cần Hoạt ngồi đó. Thiều đang sung sướng, và Thiều muốn có kẻ chia sẻ sự sung sướng đó của mình dù Thiều không nói gì cả. Còn Hoạt, Hoạt mang tâm trạng của một kẻ thua cuộc anh dũng đứng nhìn địch thủ nhận chiến thắng mà không làm một phản ứng nào bất lợi cho hắn ta! Hoạt câm nín và che giấu cảm tình đối với Thiều để giờ phút này, nhìn niềm vui đến với Thiều qua một kẻ khác… nhưng Hoạt biết mình không thể làm gì khác hơn! Nếu còn muốn nhìn thấy Thiều, gần gũi Thiều, Hoạt chỉ còn biết im lặng nhận chịu tất cả…

Chương 4

Đối với Thiều bây giờ, đời là những ngày tháng rất đẹp, ngồi bên cửa sổ chờ thư Ngự. Nửa năm trời trôi qua với rất nhiều cánh thư từ nửa quả địa cầu bay về. Đó là nguồn sống duy nhất cho Thiều. Ngự viết những lời thư thật đẹp : “…bây giờ, đối với tôi, Sài Gòn trở nên địa danh hết sức lôi cuốn bởi vì ngoài tình yêu quê hương, nơi đó còn có mẹ tôi, em gái và bạn nữa. Nhưng hơn thế nữa, nơi đó có Thiều và lời thư thân quen. Tôi thèm về Sài Gòn…”, hay là : “…Nhiều lúc tôi nghĩ giá như bây gờ mình đứng ở phi trường nhìn qua phòng đợi để thấy mẹ, em gái và một người nữa chờ mình… có lẽ tôi sẽ hạnh phúc đến ngất ngây…”

Lời Ngự làm Thiều vui bao nhiêu thì cũng khổ bấy nhiêu. Ngự mơ ước một ngày trở về có Thiều đón đợi! Nhưng Ngự làm sao biết được Thiều chỉ là một người con gái tật nguyền! Liệu khi biết rồi, Ngự sẽ nghĩ thế nào về Thiều? Và Thiều có nên để Ngự thất vọng đến thế không?

Những lá thư đến và đi và đã tạo trog Thiều một thứ tình cảm mới lạ. Hơi lâu mà không có thư Ngự và Thiều đâm ra bồn chồn không làm được gì cả, không muốn nói chuyện với ai và cáu kỉnh. Nhiều đêm đang ngủ Thiều giật mình tỉnh giấc lo sợ cho một ngày về! Lúc đó sẽ ra sao? Nhiều lúc trong giấc ngủ, Thiều mơ thấy mình đi bên Ngự nhưng khi tỉnh dậy, Thiều lại khóc thầm bên gối. Chỉ là một hạnh phúc mỏng manh đang chờ lịm tắt theo ngày về càng gần với Ngự.

Mỗi tuần, Hoạt vẫn lặng lẽ mang thư đi gửi, có khi mỗi tuần đến hai cái. Niềm an ủi lớn của Hoạt bây giờ là nghe Thiều ríu rít kể chuyện về người quen ở xa. Nhiều lúc Thiều kể về thời tiết sống ở Elpaso qua lời thư Ngự mà cứ y như Thiều đã từng sống ở bên đó. Niềm say mê đã đánh tan nỗi ưu tư bất hạnh của Thiều nhưng lại làm dâng cao trong Hoạt cơn đau vô bờ bến. Chỉ còn mỗi lối thoát cho Hoạt là nhìn hạnh phúc của Thiều mà vui. Nụ cười luôn nở trên môi Thiều, những tình ca được hát bằng âm thanh sôi nỗi của một kẻ đang yêu. Thiều vẫn vô tình nói với Hoạt về tình cảm mới đến của mình. Nhiều lúc huyên thuyên nói Thiều bất chợt định thần nhìn lại thấy Hoạt đang thẩn thờ nhìn đâu đâu. Những lúc đó nếu Thiều giận hờn, Hoạt vội vàng xin lỗi, nhưng nét buồn vẫn luôn luôn hiện trên nét mặt của Hoạt.

Riêng phần Thiều, nỗi lo sợ lớn nhất là ngày về của Ngự! Thiều không biết lúc đó mình sẽ làm gì, sẽ giải quyết cách nào! Qua lời thư, Thiều chắc chắn Ngự phải thương Thiều như Thiều đang thương Ngự! Nhưng đó là Ngự thương Thiều qua những hình ảnh lành lặn, bình thường kia. Có bao giờ Ngự tưởng tượng được cô bé Thiều đáng yêu trong hình dung của Ngự lại ngồi trên một chiếc xe lăn? Chắc chắn là không! Nhưng thôi, càng nghĩ đến đó càng đau lòng. Thiều chỉ biết đọc thư Ngự để thấy là còn có Ngự, thế thôi…

- Có lẽ sắp hết mùa mưa rồi phải không anh Hoạt?

Thiều hỏi nhỏ, mắt mơ màng nhìn ra ngoài trời – Gió thổi từng cơn lạnh buốt. Đêm sâu thăm thẳm. Cơn mưa dứt đã lâu nhưng hơi ẩm ướt vẫn còn vương lại Hoạt ngồi trên tay chiếc canapé, Thiều ngồi lạnh trong xe lăn. Ánh đèn neon tỏa sáng căn phòng ấm cúng. Hoạt khoanh tay nhìn trời, lơ đãng:

- Có lẽ thế!

Thiều chép miệng:

- Hết mùa mưa buồn ghê.

Hoạt nheo mắt:

- Mưa mới buồn chứ.

- Buồn nhưng vui. Anh có thích đi lang thang trong mưa đêm, rồi chui vào quán cà phê không?

Hoạt nhìn Thiều:

- Ai nói cho Thiều biết cái thứ đó?

Thiều mỉm cười:

- Ngự cũng thích vậy!

Tim Hoạt chợt nhói lên. Ngự! Lúc nào cũng ở trên đầu môi Thiều. “Ngự nói vậy”, “Ngự viết vậy” rồi bây giờ “Ngự thích vậy”. Tiếng nói muốn thoát ra mà nghẹn lại nơi cổ Hoạt. Thiều vô tình tiếp:

- Lúc trước Thiều chưa biết, nhưng sao thấy Ngự nói đến Thiều cũng đâm ra thèm.

Hoạt muốn nói một câu gì khiến Thiều đau đớn nhưng Hoạt dừng lại kịp thời. Thiều không có lỗi gì cả. Hoạt không có quyền hành hạ Thiều dù là bằng lời nói. Thiều cao giọng:

- Ngự có nhiều cái tính rất hay và lạ. Chẳng hạn như Ngự thích mùi hương của hoa bưởi, thích màu tím nhàn nhạt của hoa khế! Anh Hoạt thấy không? Tính Ngự giản dị lắm đó chứ!

Hoạt thẫn thờ!

- Có lẽ thế!

Thiều hát nho nhỏ một đoạn nhạc của bài “Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu” Hoạt chợt cau mày, gọi khẽ:

- Thiều!

Thiều ngưng hát:

- Dạ?

- Thôi, đừng ca nữa.

Đôi mắt Thiều mở to trong nỗi kinh ngạc lớn.

- Sao vậy anh?

- Anh… không thích.

Thiều mỉm môi. Chưa bao giờ Thiều thấy Hoạt có thái độ bất lịch sự như vậy. Từ lâu nay, Thiều thấy Hoạt có vẻ hơi thay đổi, nhưng không để ý đến chuyện đó. Có lẽ Hoạt gặp một chuyện buồn gì đó cũng nên? Nghĩ vậy Thiều mỉm cười vui vẻ:

- Anh ra lệnh Thiều xin tuân ngay.

Hoạt hối hận liền tức thì nhưng thật tình Hoạt không tự chủ được. Bài hát đó Hoạt rất thích và chính Hoạt mang lại tập cho Thiều hát, nhưng Hoạt lại không muốn Thiều hát nó trong trạng thái lâng lâng của tình cảm. Thiều với Ngự! Hoạt là con người, Hoạt biết ích kỷ, nhất là ích kỷ trong tình cảm. Điều đó bình thường và giản dị,

Giưa hai người sự im lặng chợt biến thành một bức tường lặng lẽ mà kiên cố. Đêm lênh láng muôn ngàn sợi đan ngang dọc với nhau, tâm hồn mở rộng trong đêm thanh nhưng tâm hồn cũng rất dễ đóng kín lại trong đêm sâu.

Có tiếng phi cơ bay ngang trời, âm thanh xé gió vun vút nghe não nuột. Hoạt định lên tiếng nói một câu xin lỗi Thiều nhưng rồi Hoạt lại thôi. Mọi sự chỉ đến đây mình có nên tiếp tục đeo đuổi? Hoạt nghĩ có lẽ nên đi về để trả cho Thiều sự yên tĩnh.

- Thôi anh về!

Thiều không cản:

- Vâng ạ.

Hoạt buồn giọng:

- Mai Thiều học chứ?

Thiều thở ra, nghĩ đến mối hoài nghi giữa Hoạt và mình, nghĩ đến thái độ của Hoạt.

- Hay mai anh cho Thiều nghỉ một hôm.

- Tùy Thiều vậy.

Hoạt buông thõng và bước nhanh ra cổng. Tự dưng Thiều thấy có một cái gì vướng víu. Hình như từng bước đi của Hoạt có mang theo một ít sức sống của Thiều. Thiều bất chợt gọi:

- Anh Hoạt!

Hoạt quay lui thân hình nhưng vẫn không bước lại.

- Gì đó Thiều?

Thiều không biết tại sao lại gọi Hoạt! Có gì để nói đâu? Có gì để giữ lại đâu?

- Dạ… không! Thiều xin lỗi anh.

Hoạt không nói gì lặng lẽ đi. Thiều bỗng muốn khóc mà không hiểu sao mình lạ lùng vậy. Gió thổi mạnh hơn và cây trứng cá tội nghiệp cong mình như muốn gãy. Thiều thấy cô đơn lạ lùng. Phải chi Hoạt đừng về có lẽ Thiều đỡ bắt gặp cảm giác ấy không? Thiều không giận gì Hoạt nhưng Thiều linh cảm có gì không ổn. Thiều gọi lớn:

- Vú Năm ơi vú Năm!

Vú Năm chạy ra:

- Gì con?

- Vú ra đây chơi đi vú, con ngồi một mình buồn quá.

Vú Năm đến cạnh Thiều:

- Ủa thế cậu Hoạt đâu?

- Anh ấy về rồi.

- Sao con không giữ cậu ấy ở lại nói chuyện chơi cho đỡ buồn. Vú đang bận dở tay.

Thiều chép miệng:

- Thôi vú làm tiếp đi, con ngồi một mình!

Vú Năm ái ngại nhìn Thiều chăm chăm rồi chậc lưỡi quay gót. Thiều chống tay vào cằm, hình như có lúc nào đó mình không còn ý nghĩ nào trong đầu óc cả. Trắng xóa như tờ giấy trắng tinh tươm. Những lúc đó mới đáng sợ. Vả chắc chắn là Thiều không bao giờ muốn có.

Chương 5

Thục nhảy xuống taxi chạy như bay vào nhà:

- Thiều ơi, Thiều ơi!

Thiều lăn chiếc xe lại gần cửa. Thục quỳ xuống ôm khuôn mặt chị hôn tít lên đó.

- Em nhớ Thiều kinh khủng. Nhớ lắm. Vú Năm đâu rồi? Vú Năm ơi! Ra đem valy vào dùm con đi vú Năm.

Đợi cho Thục nói xong cả tràng dài, Thiều mới nhìn em:

- Cha lớn dữ há? Có gì vui không đó?

Thục vẫn quỳ cạnh chiếc xe, cười hớn hở:

- Có chứ. Nhiều chuyện vui lắm, để từ từ rồi em sẽ tường thuật với đầy đủ chi tiết cho Thiều.

Thục đưa tay nâng mặt Thiều, reo lên:

- A, dạo này Thiều hồng hào, trông Thiều đẹp ghê nơi đi. Có ngọn gió nào thổi vào Thiều đó?

Thiều đập vào vai Thục:

- Khỉ ạ! Cứ gặp đến nó lá lại chọc.

Thục chu môi:

- Ở đó mà chọc hả? Thiệt chứ bộ!

- Còn lâu.

Thục nhìn quanh hỏi Thiều:

- Ba chưa về hả Thiều?

- Chưa, hôm nay ba về trễ lắm. Thôi Thục vào thay áo rồi tắm cho khỏe đi đã.

Thục láu táu:

- Khoan. Để em lấy quà cho Thiều.

Thục lôi trong túi xách ra một lô trái mơ, mận, dâu, Thục nói, vừa lục sâu trong vali:

- Có một tặng phẩm đẹp nhất đây.

Đó là tấm hình bà thánh Thérèse, thánh bổn mạng của Thiều khắc trên một mảnh gỗ thông rất đẹp. Thục khoe:

- Cái này không mua được đâu nhé. Của một người làm lấy để chưng đấy. Sau em năn nỉ mãi mới xin được. Em biết thế nào Thiều cũng thích lắm.

Thiều cảm động đỡ lấy tấm hình gỗ trong tay em. Thục tiếp:

- Bạn em đứa nào cũng hỏi thăm Thiều hết đó. Hè này tụi nó về thế nào tụi nó cũng đến thăm Thiều.

Thiều vui lây cái vui của em:

- Có mua quà cho ba không?

- Dạ có, nhưng chưa soạn được.

Có tiếng vú Năm gọi Thục vào tắm. Thục đi rồi, Thiều lại cảm thấy trống vắng kỳ lạ. Ước gì Thiều được lấy một chút ít cái vô tư lự của em. Thục khỏe mạnh quá, trông Thục căng đầy nhựa sống, chân Thục nhảy ríu rít như chân chim. Còn mình? Thiều đưa mắt nhìn xuống đôi chân vẫn bình thường nhưng không còn cử động được nữa của mình. Tiếng thở dài nghẹn lại trong cổ rồi trôi đi. Khi Thục trở ra, tươi mát, gọn gàng, Thiều hỏi:

- Thục về như vậy là về luôn à?

Thục gật đầu:

- Dạ về luôn chị! Teminale em học ở Sài Gòn cho tiện.

Thiều cười nhẹ:

- Chán Đà Lạt rồi hả?

- Đâu có! Nhưng ở Sài Gòn cho vui một chút.

Chợt nhớ ra, Thục hỏi:

- À còn cây hồng Đà Lạt của em ra hoa nhiều chưa?

Thiều gật đầu:

- Rồi, ra hoa nhiều rồi. Cây hồng ấy tốt lắm.

- Em tính mang nhiều thứ mà tại đi phi cơ nên đành chịu. Với lại phải khiêng hết đồ đạc về nữa.

Trên khuôn mặt trắng hồng của Thục, hai gò má như hai trái đào chín đỏ. Thiều và Thục có khuôn mặt rất giống nhau nhưng Thục hồng hào mập mạp, còn Thiều xanh xao. Khi hai chị em ngồi kế nhau, sự tương phản đó thật rõ rệt. Thục kể đủ thứ chuyện ở Đà Lạt, từ chuyện anh chàng tán gái đến chuyện ăn cắp hoa bị rượt. Sau cùng Thục càu nhàu:

- Dạo sau này sao Thiều không viết thư gì cho hết à, trong khi em viết thư cho Thiều rất đều.

Thiều giật mình. Chết, con nhỏ này mà chất vấn thì mệt. Thiều vội đính chính:

- Đâu có, vẫn thường đấy chứ!

Thục lắc đầu:

- Không phải. Em biết, dạo này Thiều có cái gì bất thường lắm mà giấu em.

- Không có đâu.

- Có mà.

- Đã bảo không.

- Em bảo có.

Thiều đành cười xòa với đứa em bướng bỉnh. Thục hỏi:

- Anh Hoạt vẫn đến dạy đàn cho Thiều chứ?

- Có, vẫn đến.

Thục bĩu môi:

- Đàn với địch! Mất thì giờ.

- Mình ở không làm gì.

Câu chuyện của hai chị em chợt ngưng bặt vì sự xuất hiện của Hoạt.

- Ô xin chào thầy giáo.

Hoạt cười chào Thục:

Thục liếng thoắng:

- Vâng ạ. Thế còn anh mới đến phải không?

Thiều rầy em:

- Sao mà phá gớm thế không biết.

Hoạt tiến vào ngồi ở xa-lông. Thục ngồi ghế đối diện. Hoạt hỏi bâng quơ một vài câu về Đà Lạt. Nhìn Thục, Hoạt thầm công nhận hai chị em giống nhau đặc biệt. Nhưng Thục căng tràn nhựa sống bao nhiêu thì Thiều xanh xao yếu đuối bấy nhiêu.

Thục hỏi:

- Sài gòn có gì vui không anh Hoạt?

Hoạt cười mỉm:

- Đáng lẽ anh hỏi Thục là: “Đà Lạt có gì vui không Thục” mới phải chứ?

Thục đưa tay tém mái tóc gọn gàng. Mái tóc demi garcon làm cho khuôn mặt người con gái như trẻ ra, nồng nóng ra.

- Đà Lạt chi vui khi nào đi “hai mình” thôi.

Hoạt đùa:

- Thế cô bé có “hai mình” không đây?

Thục cười hồn nhiên:

- Ai thèm!

Trong lúc Hoạt và Thục nói chuyện, Thiều im lặng nhìn ngắm cả hai. Thiều thấy thèm sự tự nhiên bình thường của Hoạt và Thục. Họ sống không một mặc cảm nào, không một bất hạnh nào. Họ sống vô tư quá còn Thiều thì dằn vặt quá. Con người cũ của Thiều bây giờ đã là một hình ảnh rất xa và có lẽ không bao giờ tìm lại được!

Chương 6

Thiều đọc lại lá thư lần thứ mấy cũng không nhớ được. Dòng chữ quen thuộc, như đập mạnh vào mắt Thiều… “Khoảng cuối tháng này tôi sẽ về đến Sài Gòn. Trở lại quê hương của mình, đó là điều ước mơ của bất cứ thằng con trai đi du học nào. Hơn nữa tôi không mơ ước đơn thuần là được nhìn lại mảnh đất thân yêu của mình mà tôi còn ngưỡng vọng về một hình ảnh khác. Dù đã sống qua bao nhiêu thăng trầm của đời, con người mộng mơ trong tôi vẫn tồn tại. Và tôi xây đắp. Thiều có biết tôi xây đắp gì không? Có lẽ không nên nói ra mà lại hay hơn.

Còn hai mươi ngày nữa, thời gian không bao nhiêu nhưng đối với tôi nó dài hàng bao nhiêu thế kỷ. Sự chờ đợi luôn luôn làm mình cảm thấy ray rứt lạ lùng…”

Ngự còn viết nhiều, nhiều nữa. Ngự mơ ước quá nhiều trong khi Thiều cảm thấy con người mình không thể đáp ứng được bao nhiêu. Ngự càng mong ngày về cho gần, Thiều càng mơ ngày về thêm xa. Đọc thư Ngự, Thiều vừa bàng hoàng vừa rưng rưng khóc! Trong con người Thiều giờ đây, hai thứ tình cảm xung đột nhau rõ rệt. Tình thương của Thiều đối với Ngự xui Thiều mong chờ Ngự về để được nhìn thấy Ngự hiện hữu để biết rằng đối tượng đã đem đến cho Thiều nguồn vui trong những ngày bệnh tật có trước mặt mình chứ không là chiếc bóng. Nhưng lý trí của Thiều lại cản ngăn. Không! Thiều không thể nào gặp Ngự được. Thiều không thể mang lại cho Ngự sự thất vọng quá lớn như vậy sau những tháng ngày đã an ủi Ngự, tạo cho Ngự niềm vui và hy vọng. Thà là không bao giờ Thiều cho Ngự gặp mặt còn hơn là để Ngự vỡ mộng với đối tượng là một kẻ tật nguyền. Thiều lăn trở lên giường, chiếc gối đã đẫm nước mắt mà Thiều vẫn không tìm được một giải pháp nào êm đẹp mà khả dĩ có thể giải quyết một cách hoàn toàn tình trạng hôm nay. Thiều cố gắng nhắm mắt thử tìm giấc ngủ nhưng Thiều không tài nào ngủ được. Viễn ảnh ngày về của Ngự như xoáy động tâm tư Thiều. Ngự, theo lời thư, chắc phải là một người cao và gầy gầy. Đó là khổ người mà Thiều thích nhất, khổ người trong mộng của Thiều. Bây giờ người trong mơ đó, mình đây mà vẫn thấy xa nhau ngàn trùng.

Tiếng trở mình của Thục ở giường bên làm Thiều chép miệng thờ dài. Thục đã ngủ từ chập tối, con bé chóng ăn chóng ngủ thật - Dưới ánh đèn ngủ, khuôn mặt Thục tròn trịa hồng hào, khuôn ngực cao nhịp nhàng theo nhịp thở. Mỗi tối vô giường là Thục ngủ ngay, ít khi nào Thục thức lâu tâm sự với Thiều. Vả lại, theo Thiều thấy, Thục chẳng có gì đáng để mà tâm sự! Đời sống Thục phẳng lặng và bình yên, Thục diễm phúc hơn Thiều ở chỗ Thục vẫn nguyên vẹn.

Nhìn em say sưa đắm mình trong giấc ngủ, bấc giác một ý nghĩa thoáng qua đầu óc Thiều như một làn chớp trong cơn mưa mù đục. Tại sao Thiều lại không nhờ Thục đóng vai Thiều cho đến một lúc nào đó, biết đâu Thiều được chữa lành bệnh và Thiều sẽ thú nhận với Ngự? Lúc đó cũng đâu có muộn màng gì và Ngự chắc sẽ tha thứ cho Thiều! Không ai có thể giận hay kết án được hành động như thế. Vả lại hành động của Thiều không làm hại một ai cả mà, Thiều chợt mỉm cười sung sướng với giải pháp mới của mình. Vậy mà lâu nay mình không nghĩ ra. Nhưng như một áng mây mờ, đầu óc Thiều lại liên tưởng đến những ngày dài bệnh hoạn của mình sẽ không bao giờ lành? Không, Thiều thầm nhủ, Thiều sẽ tin là một ngày nào đó khoa học sẽ giúp Thiều tìm lại được sức mạnh cho đôi chân để quân bình đời sống, lúc đó, Thiều sẽ hạnh phúc đi bên Ngự trên con đường tương lai dài mà cả hai đã lặng lẽ xây đắp cho nhau. Tình cảm quả thật có một mãnh lực lớn, Thiều đã nhờ vào đó mà tự tạo cho mình niềm yêu đời.

Nhưng… liệu Thục có chịu giúp Thiều không? Mấy ai thích một vai trò khó diễn xuất như thế? Liệu Thục có đóng tròn vai trò không hay một sớm một chiều nào đó sự thật sẽ đổ bể ra, lúc đó Thiều biết ăn nói làm sao với Ngự đây? Thôi kệ, bây giờ không phải là lúc nghĩ xa xôi. Điều quan trọng là Ngự sắp về nước, và chắc chắn là Ngự sẽ tìm đến! Vậy thì lo giải quyết cho xong đã!

Giấc ngủ muộn đưa Thiều vào những cơn mộng kinh hoàng. Thiều tỉnh giấc trong một trạng thái căng thẳng. Đầu óc Thiều lùng bùng và hai tay mỏi nhừ, từng khớp xương và tế bào da thịt nhão ra.

Thiều chống tay ngồi dậy, nhớ lại những quyết định đêm qua, lòng thoáng buồn - Thục từ ngoài đi vào, tươi mát trong bộ đồ lụa màu xanh lơ, Thục đến bên giường Thiều:

- Sao hôm nay Thiều dậy trễ vậy? Em trông Thiều có vẻ mệt mỏi hả?

Thiều gật đầu:

- Ừ đêm qua chị ngủ không được.

Thục lo lắng:

- Sao vậy Thiều?

Thiều uể oải:

- Cũng chẳng có gì… À, Thục đỡ hộ chị qua xe đi.

Thục vội vàng đẩy chiếc xe lăn tới bên cạnh, âu yếm đỡ Thiều lên xe.

- Em đưa Thiều qua toilette nhé.

- Ừ!

Buổi sáng mang một vẻ quạnh vắng thế nào ấy. Trên hàng cây, từng đàn chim sẻ nhỏ nhắn ríu rít chuyền theo những lộ trình ngắn. Bầu trời xanh không gợn một áng mây đen nào. Gió khoan hòa nhẹ nhàng từng đợt lướt thướt trên ngàn lá. Thục nhỏ giọng:

- Sáng nay chắc là không mưa nhỉ.

Thiều gật đầu tán đồng:

- Hôm nay trời đẹp thật.

Ánh mắt hai chị em không hẹn mà cùng ngước nhìn lên bầu trời cao, trong và xa. Đôi mắt Thục long lanh sáng chứa chất bao niềm tin yêu trong đời sống, còn ánh mắt Thiều thì buồn vời vợi chứa ngàn âu lo không phương giải tỏa. Tiếng Thiều:

- Thục này!

- Dạ?

Thục quay sang Thiều chờ đợi. Thiều thoáng bối rối:

- Thục. Có bao giờ nghĩ đến một bất ngờ nào đó sẽ xảy ra trong đời sống mình không?

Thục gật đầu:

- Có chứ Thiều. nhưng em không bao giờ lo sợ trước bất cứ một việc nào xảy đến trong đời sống của mình cả.

- Thục tự tin quá!

- Chưa hẳn. Nhưng em cảm thấy sự lo sợ những bất trắc xảy đến chỉ làm cho bất trắc dễ xảy ra hơn.

Thiều gật gù:

- Dạo này Thục người lớn lắm rồi đó.

Thục cười:

- Bé hoài sao chị!

Giọng Thiều mơ màng:

- Nếu một bất ngờ ngoài dự tưởng của mình… thí dụ như đón một người không quen biết trở về từ một nơi rất xa… Thục này, nếu thế, Thục nghĩ sao?

Thục ngạc nhiên quay người nhìn Thiều:

- Thiều nói gì em không hiểu.

Thiều gật đầu nhìn em:

- Chị biết là Thục không hiểu nhưng chị vẫn nói. Thục, chị có việc này mà tự chị không thể giải quyết…

Thục nhìn chị chờ đợi. Thiều hắng giọng:

- Chị muốn nhờ Thục đóng thế vai chị… trong một thời gian.

Thục tròn mắt:

- Đóng vai Thiều?

- Ừ!

- Những… nhưng sao lại thế? Hôm nay Thiều nói hoàn toàn những chuyện lạ lùng không à. Thiều giải thích thêm đi.

Thiều đan hai bàn tay vào nhau:

- Chị… có một người quen sẽ đến thăm chị nay mai.

- Quen chị rồi thì làm sao…

Thiều cắn nhẹ môi:

- Thục đừng ngắt lời chị… Đó chính là vấn đề nan giải. Chị quen một người bạn trai một cách tình cờ qua thư từ.

Thục buột miệng:

- Nghĩa là người ta không biết Thiều…

Thục im bặt, biết mình lỡ lời. Thiều đau xót nhìn em:

- Thục thông minh lắm, Thục đừng ngại, Thục nói ra điều đó chị không giận Thục đâu, trái lại chị càng thấy câu chuyện dễ trình bày hơn nữa. Chị quen người ấy và người ta sắp về nước. Trong thời gian giao du, chị không cho Ngự biết hiện nay chị đang bị tật nguyền. Bây giờ Ngự sắp trở về và sắp đến đây thăm chị. Thục em biết chứ, chị không muốn đập vỡ bao nhiêu mộng Ngự đã xây. Chính vì vậy mà chị muốn em thay chị mà đón Ngự.

Thục ấp úng:

- Em… em.

Thiều cười buồn:

- Không có gì khó khăn đâu. Thiều ạ. Ngự chưa biết mặt chị, vả lại chị và Ngự chỉ biết nhau qua thư từ thôi.

Thục ngẫm nghĩ:

- Nếu như Thiều không muốn gặp anh ấy thì cần gì em phải đóng trò? Thiều cắt đứt liên lạc là xong.

Thiều thở dài:

- Nếu nói vậy thì dễ quá, ai mà không nghĩ được. nhưng Thục ạ, con người ta, trong tận cùng đáy tâm hồn bao giờ cũng có những lưu luyến mặn nồng dành riêng cho một nhân dáng nào đó mà mình gởi trọn tâm hồn.

Thục kêu lên:

- Nghĩa là Thiều…

- Có thể nói là chị thương. Ngự nên chị không muốn mất Ngự. Với em, chị không dối là chị muốn nhờ em giữ Ngự lại cho đến một lúc nào, nhờ may mắn chị thoát được cơn bệnh… lúc đó…

Thục nhìn chị chăm chăm. Trong thâm tâm Thục, không bao giờ ngờ Thiều lại lãng mạn như vậy. Thiều luôn luôn sống trong một thế giới đóng khung mà Thục không bao giờ chen chân vào được. Hai chị em tuy rất thương nhau nhưng hình như không hiểu nhau bao nhiêu. Thục càng sôi nổi thì Thiều càng trầm lặng. Cứ thế, cả hai nhìn nhau với hai khía cạnh đối kháng nhau.

Thiều nhìn em:

- Được chứ Thục? Giúp chị một lần đi.

Thục không biết trả lời Thiều thế nào. Dĩ nhiên với Thiều, Thục không bao giờ muốn từ chối bởi vì Thục không muốn làm buồn lòng Thiều. Tuy nhiên, việc Thiều nhờ làm hôm nay lại là một việc vượt ngoài ý nghĩ của Thục. Thiều giục:

- Nói đi Thục.

Thục lắc đầu.

- Em chả biết nói gì. Khó quá.

- Thục nhận nhé.

Đôi mắt Thiều nhìn Thục van lơn quá. Thục miễn cưỡng gật đầu.

- Em chịu làm nhưng thành công hay thất bại em không bảo đảm nghe.

Thiều vui giọng:

- Chỉ cần Thục chịu thôi. Chị sẽ đưa cho Thục xem hết những thư từ Ngự đã gởi cho chị để Thục hiểu Ngự hơn, khi gặp nhau sẽ dễ nói chuyện.

Rồi Thiều kể sơ cho Thục nghe về lá thư đầu.

Hoạt xuất hiện bất thần nơi cổng. Thiều bảo Thục:

- Thôi để tối hãy kể tiếp kẻo anh Hoạt đến kia rồi. Anh ấy mà nghe thì ảnh cười chết.

Thục chạy lại bên Hoạt:

- Anh Hoạt xấu nhé! Thục về đây lâu rồi mà anh không dạy đàn gì hết à.

Hoạt cười hiền hòa:

- Biết cô đâu thèm học mà dạy.

Thục nũng nịu:

- Ờ hé! Anh nói vậy giận cho xem.

Hoạt dễ dãi:

- Thôi đừng, giận anh rồi nhè cả Sài Gòn ướt đấy.

Thục đấm mạnh vào vai Hoạt. Hai anh em đi gần đến bên chiếc xe lăn Thiều. Cô gái vẫn bất động trên xe, hai bàn tay nâng khuôn mặt xanh xao. Thế ngồi của một kẻ đang chìm đắm trong cơn suy tư thật lớn. Hoạt đùa:

- Kìa, thi sỹ đang tìm vần thơ đấy à?

Thiều cười gượng:

- Đâu có anh! Thơ với thẩn gì nổi?

Thục chen vào:

- Hôm nay chị Thiều vui lắm chứ bộ.

Hoạt quay sang Thục:

- Thế à? Thiều có gì vui cho anh ké với.

Thiều lườm em:

- Con nhỏ này chúa là hay phịa.

Thục nheo mắt trêu Thiều rồi ngồi xuống thềm ciment trước hiên nhà cạnh Thiều. Hoạt cũng ngồi xuống. Thiều nói bâng quơ:

- Hôm nay anh Hoạt đến sớm nhỉ.

Hoạt gật đầu:

- Ừ rảnh quá không làm gì.

Thiều lườm Hoạt:

- Chỉ rảnh anh mới đến đây thôi phải không? Nói vậy đó.

Câu nói của người con gái mang một vẻ hờn dỗi thật dễ thương thổi vào tâm hồn Hoạt như một cơn gió mát dìu dịu xoa nhẹ lên vết thương đang nhói buốt trong Hoạt. Dù rằng Thiều không có ý tình gì trong đó nhưng âm vang dịu dàng vẫn giúp Hoạt vui. Mỗi khi ở gần bên Thiều, lòng Hoạt cứ mang mang buồn. Thiều ở đây, thật gần mà cũng thật xa Hoạt. Nói cho Thiều hiểu là điều Hoạt không bao giờ làm cả. Biết đâu thời gian sẽ chả giúp Hoạt! Đôi mắt Thiều buồn Hoạt thấy như mùa thu, đôi mắt Thiều khép nhẹ Hoạt thấy như nụ hải đường. Mái tóc Thiều chảy dài mềm mại trên đôi vai thon gầy gầy, Hoạt liên tưởng đến một dòng suối êm đềm mang một lượng nước trong vắt nuôi sống muôn cây cỏ. Cái gì nơi Thiều cũng gợi lên trong Hoạt một niềm thương cảm vô bờ khó giải thích. Thục chợt la lên:

- Ơ kia, anh Hoạt mơ mộng gì mà thừ người ra vậy?

Hoạt giật mình:

- À, có gì đâu…

Thục ranh mãnh:

- Chắc lại mơ tới một cô nào chứ gì.

- Bậy!

- Bậy à! Có tật giật mình.

Thiều chúm chím cười, thêm vào lời Thục:

- Vậy là tụi này bắt quả tang anh Hoạt nhé.

Hoạt đỏ bừng mặt phân bua:

- Thục đừng có đoán ẩu mà hại anh.

Thục trợn mắt:

- Hại gì, ở đây anh em cả mà.

Câu nói vô tình của Thục xác định cương vị của Hoạt trong tâm hồn Thiều và Thục. Nhưng đó là một cương vị Hoạt không mong muốn giữ mãi. Hoạt nhìn Thiều… một mai có lẽ Hoạt sẽ mất Thiều. Giòng suy nghĩ đưa Hoạt đi xa, Hoạt chăm chú ngắm Thiều mà không biết Thục đang để ý nhìn Hoạt. Trên khuôn mặt cô bé chợt nở một nụ cười ranh mãnh.

Chương 7

- Thục à, còn mấy ngày nữa là anh Ngự về rồi.

Đang mãi mê xem báo, nghe chị hỏi Thục vội ngẩng lên:

- Thiều nói gì ạ?

Thiều lập lại:

- Còn mấy ngày nữa anh Ngự về.

Thục lơ đãng:

- Dạ…

Thục không mấy chú ý đến ngày về của Ngự vì thật ra Thục đâu có muốn đóng vai trò bất đắc dĩ đó! Chỉ có với Thiều, thời gian càng gần ngày Ngự hồi hương càng làm cho Thiều cuống quýt thôi. Đôi khi Thiều nghĩ, hay là cứ liều mạng gặp Ngự rồi chuyện tới đâu thì tới nhưng lý trí Thiều lại cản ngăn. Không được! Thiều không được quên làm Ngự thất vọng. Nếu Thiều không thương Ngự thì dễ, sao cũng được, nhưng đàng này Thiều thương mến Ngự và không bao giờ đủ can đảm đạp đổ trong tâm hồn Ngự lâu đài mộng mơ! Dù sao, Thục cũng là em ruột của Thiều! Để Thục gặp Ngự thay cho Thiều không có gì lá trái cả… Từ bên cạnh Thiều và Thục, chiếc máy phát thanh nhỏ đang nhè nhẹ vang ra giọng ca của một nữ ca sỹ “Tuổi nào ngồi ngắm mây bay ngang trời, mưa, mây đen trên vùng tóc dại bao nhiêu cơn mơ vừa tuổi này… em xin tuổi nào còn tuổi nào cho em… trời xanh trong mắt em sâu, mưa xuống vây quanh giọt sầu…”. Lời nhạc dễ thương một cách thấm thía! Lời ca làm Thục chợt nhớ đến Hoạt và những lần Hoạt đến chơi. Nhìn Hoạt, Thục ngầm biết Hoạt rất thương Thiều. Để ý thêm nhiều chút nữa, Thục nắm chắc trong tay ý nghĩ của mình là đúng. Thục định hôm nào sẽ trêu Hoạt chơi để bắt nạt Hoạt mà vòi quà chứ! Có điều Thục thấy hình như Thiều không mảy may biết gì về tình cảm đó của Hoạt dành cho Thiều. Thục chợt nghĩ thất tất cả gút mắc của con đường tình cảm. Chỉ là sự đuổi bắt giữa những chiếc bóng mà thôi. Rốt cuộc lại, sẽ chẳng ai bắt gặp được gì cả. Thục luôn chủ trương sống cho bổn phận, công việc học hành, tình cảm là thứ yếu và chỉ nên nhường một bên, mang tình cảm vào đời sống chỉ tổ làm cho đời sống thêm đau xót. Một lần khi nghe Thục tâm sự như vậy, một đứa bạn gái đã bĩu môi bảo Thục: “Ừ phải, bây giờ thì cho mày ba hoa như vậy, nhưng chưa đâu Thục ạ. Mày chỉ nói được thế là bởi vì mày chưa gặp được thần tượng của mày đó thôi. Một ngày nào đó khi mày đã phải lòng một hoàng tử nào đó rồi, mày sẽ thấy tình cảm là trên hết và lúc đó mày mới thấy quan niệm của mày sai”. Thục và con nhỏ bạn cãi nhau kịch liệt rồi đành huề vì mỗi đứa có một lý lẽ riêng nhưng Thục vẫn nhớ như in vào đầu óc lập luận của nhỏ bạn. Bây giờ nhìn vào bộ ba Thiều - Ngự - Hoạt, Thục càng thấy quan niệm của mình đáng giá hơn. Và Thục đã mang ý nghĩ sẽ nói cho Thiều biết nhận xét của mình về Hoạt… Thục đề nghị:

- Thiều đàn em nghe một bản đi Thiều!

Thiều hạ giọng:

- Lười quá.

Thiều nhăn mặt:

- Kệ! Thiều ca nữa, bản nào Thiều thích nhất đó!

Nói xong Thục quay vào lấy cây đàn. Thiều so phím rồi hát: “Ừ thôi em về, chiều mưa giông tới…. bây giờ anh vui, lời ca anh mỏi nỗi lòng anh say…”

Thục khen rối rít:

- Bài này Thiều ca hay ác.

- Anh Hoạt dạy đó.

Thục “nhập đề” luôn.

- Thiều nè, em hỏi thiệt, Thiều thấy anh Hoạt thế nào?

Thiều thản nhiên:

- Chả thế nào cả, thường thôi.

Thục nhún vai:

- Sức mấy! Em thì thấy khác.

- Khác ở chỗ nào?

Thục đưa một ngón tay lên môi, bí mật:

- Anh Hoạt thương Thiều đó!

Thiều nhìn Thục ngạc nhiên. Con bé hôm nay ăn nói lạ.

- Bậy!

- Bậy gì. Em nói thật đó, em để ý nhận xét nhiều rồi mời dám nói vậy chứ đâu phải khơi khơi mà em nói.

Thiều la em:

- Thục không được nói vậy nghen, lỡ anh Hoạt nghe ảnh giận.

- Ở mà giận, ảnh còn thích nữa.

Thục nói xong cười, bỏ chạy ra nhà sau. Điều tiết lộ của Thục làm Thiều hoang mang. Có thật vậy không? Bộ… Hoạt thương Thiều thật sao? Một đứa con gái tật nguyền mà vẫn được thương sao? Đồng thời, Thiều chợt nhớ đến ánh mắt Hoạt nhìn mình những lần Thiều kể chuyện Ngự. Đột nhiên Thiều nghe một niềm ân hận len lén đi vào tâm não. Nếu quả thật Hoạt thương Thiều thì lâu nay Thiều đã làm khổ Hoạt mà Thiều không hay: Nhưng làm sao bây giờ? Hoạt kín đáo quá! Muộn màng hết! Thiều chép miệng nhủ thầm. Cầu mong sao cho ước đoán của Thiều không phải là sự thật…

- Xin lỗi cô cho tôi hỏi cô Thiều.

Người con trai đứng trước mặt Thiều mang một vóc dáng cao cao gầy gầy, khuôn mặt dài với đôi mắt chìm dười một vầng trán quá rộng được che phủ bởi mớ tóc bồng bềnh rất nghệ sỹ. Người con trai mặc một chiếc chemise trắng tinh tươm và quần sẫm màu. Giọng nói ấm và ngọt. Tim Thiều như muốn nhảy vọt ra khỏi lồng ngực, hai bàn tay lạnh lẽo bất động trên thành xe lăn. Ngự đó, làm sao bây giờ? Ngự đó, trước mặt nhưng mình không có quyền nhận! Đôi môi Thiều run run:

- Xin lỗi, ông là ai?

- Tôi là Ngự, Trần Hoàng Ngự. Không biết Thiều có nhà không ạ?

Thiều chua xót đến tê tái. Phải rồi, làm sao Ngự ngờ được chính Thiều đang hiện diện trước mặt Ngự? Làm sao Ngự ngờ được người con gái trong mơ của mình lại ngồi trên chiếc xe lăn. Cho nên Ngự không thể nào cúi xuống nhỏ nhẹ hỏi “Có phải cô là Thiều?” mà lại hỏi “Thiều có nhà không?”. Sự đau đớn làm Thiều nghẹn tiếng. Thiều nắm chặt hai bàn tay vào nhau, thu hêt bình tĩnh nói nhỏ:

- Dạ mời ông ngồi.Thưa… ông kiếm em tôi có việc gì?

Ngự tần ngần:

- Tôi từ xa về. Nếu Thiều vắng thì tôi xin kiếu, chiều tôi trở lại.

Thiều vội vã lắc đầu:

- Xin lỗi ông tôi hơi tò mò. Ông ngồi chơi, Thiều có nhà đấy.

Ngự bước tới ngồi vào chiếc canapé. Ngự thật sự xúc động khi nhìn thấy người con gái này mà ngay phút đầu Ngự đoán là chị hay em của Thiều. Thiều quay vào gọi to:

- Vú Năm ơi!

Vú Năm chạy ra. Thiều nói nhỏ nhờ vú Năm gọi Thục dùm. Khi Thục xuất hiện một cách bỡ ngỡ nơi ngưỡng cửa, Thiều vội ra dấu cho em rồi nói luôn:

- Có anh Ngự từ xa về muốn gặp em đó.

Thục nhìn người con trai lạ rồi nhìn chị trong một giây ngạc nhiên. Rồi Thục nhớ đến phận sự phải làm, đến vai trò phải đóng. Vai trò mà Thiều đã ân cần dặn dò. Thục bước đến bên salon, cúi chào Ngự!

- Thưa… anh mới về!

Cảm nghĩ đầu tiên của Ngự là hai chị em nhà này giống nhau. Và Thiều xinh hơn tưởng tượng của Ngự rất nhiều. Ngự nói:

- Anh vừa đến sáng nay… vội đến Thiều.

Thục cố làm quen với hoàn cảnh mới… Trong khi Thục và Ngự nói chuyện, Thiều lặng lẽ lăn xe vào bên trong. Từng câu nói chuyện của Thục và Ngự như đóng vào tim Thiều những nhát búa. Thiều muốn khóc nhưng nước mắt không thể chảy, Thiều muốn gào to nhưng âm thanh không kết tụ, Thiều muốn được hôn mê nhưng Thiều vẫn tỉnh. Biết làm sao bây giờ. Người thương của Thiều đó mà Thiều đành cúi mặt làm ngơ. Ngự thật đúng là một hình ảnh trong mơ của Thiều! Khuôn mặt đó, vóc dáng đó. Không phải dành cho mình! Nỗi chua xót dậy lên rồi loang ra trên từng cảm nghĩ của người con gái. Thiều gục mặt vào hai bàn tay, không biết nên nghĩ gì và nhớ gì.

Một bàn tay đập nhẹ lên vai Thiều rồi tiếng Thục:

- Thiều!

Thiều ngước nhìn em:

- Ngự về rồi à!

- Dạ!

- Có gì trắc trở không?

Thục ngồi xuống bên chị:

- Không Thiều ạ. Anh Ngự nói chuyện rất hay.. có điều em cứ quen miệng xưng Thục hoài.

Thiều kêu lên:

- Chết, có sao không?

Thục lắc đầu:

- Chả sao. Anh ấy ngạc nhiên, em bèn giải thích Thiều là tên Thiều, lúc em gửi thư cho anh ấy, em sợ nên nhờ Thiều cho mượn tên đỡ.

Thục thông minh thật. Thiều nói:

- Ngự có thắc mắc tại sao lúc nãy Ngự vào hỏi mà chị lại gọi Thục?

- Dạ có. Nhưng em bảo tại em kể chuyện em và anh ấy cho chị nghe nên chị đoán ra.

Giọng Thục trong như pha lê và có một chút gì hớn hở trong đó. Thiều thoáng rùng mình khi chợt thấy hình như mình đang giận Thục. Thục có lỗi gì đâu? Ngự có lỗi gì đâu? Không ai có lỗi gì cả… mọi người đều vô tội, chỉ chua xót cho mình. Thiều hỏi:

- Bao giờ Ngự trở lại?

- Dạ, ngày mai.

Rồi Thục ngập ngừng. Thiều hỏi em:

- Gì đó Thục?

- Anh Ngự nói chuyện làm em khớp nhiều lúc suýt lộ.

Thiều trấn em:

- Không sao đâu chị tin là Thục đủ khả năng.

Câu nói của Thiều nặng nề và buồn lạ. Thục nhìn chị rồi cũng đâm buồn lây. Tự dưng Thiều nói:

- Thục đưa chị vào phòng hộ.

Thiều thèm được nằm một mình không biết để làm gì.

Chương 8

Thục đứng trước gương xăm xoi chiếc áo mới. Kiểu áo này thật hợp với khổ người Thục. Tự dưng Thục liên tưởng tới Ngự. Không hiểu sao một vài lần nói chuyện với Ngự, Thục thấy nơi mình có một cái gì khó diễn tả. Mỗi lần Ngự đến Thục vui mừng. Mỗi lần Ngự về, Thục buồn bã và cứ muốn cầm chân Ngự lại bằng bất cứ giá nào. Khi nào hơi lâu Ngự không đến là Thục thấy bồn chồn trong lòng. Thục thấy lo ngại thầm cho thái độ của mình. Đáng lý ra những tình cảm đang có trong lòng Thục phải là của Thiều mới đúng! Chả lẽ… Thục thương Ngự rồi sao? Không, Thục không có quyền thương Ngự, khi với Ngự, Thục chỉ là một diễn viên tạm và sẽ được thay bất cứ lúc nào không biết trước. Thục không ngờ con người mình lại chóng thay đổi như vậy. Từ lúc gặp Ngự, Thục đã biết nhớ biết buồn. Thục muốn tự chế ngự mình nhưng con tim có những lý lẽ riêng của nó, biết làm sao được? Đành chịu. Có tiếng gọi:

- Thục ơi, có khách!

Thục buông vội chiếc áo chạy ra, Ngự ngồi trên salon.

- Anh!

Ngự cười:

- Hôm nay Thục xinh quá. Sắp đi đâu mà diện vậy?

Thục bẽn lẽn:

- Dạ đâu có anh…

Hôm nay đến định mời Thục đi chơi. Từ hôm về tới nay anh định mời Thục đi chơi nhiều lần nhưng anh ngại Thục hiểu lầm anh. Bây giờ quen thân rồi, chắc Thục không từ chối?

Thục cắn môi. Từ chối thì Thục đâu muốn từ chối Ngự, nhưng liệu Thục có được phép đi chơi thế không? Thục đóng vai trò chỉ một giới hạn nào thôi, chứ đi quá giới hạn đó chuyện gì sẽ xảy ra? Ngự ân cần:

- Thế nào, được không Thục?

Thục đứng lên:

- Anh cho phép Thục xin bà chị đã.

Nói xong Thục đi vào. Thiều đang ngồi cạnh tập nhạc, mắt mơ màng. Thục lại bên chị.. Thiều hỏi nhỏ giọng:

- Ngự về rồi à?

Lần nào cũng vậy, khi Ngự đến và về Thiều chỉ hỏi một câu, hình như Thiều không có gì để hỏi mà thật sự là thế! Thục vân vê chéo áo:

- Chưa Thiều ạ, nhưng…

Vẻ bối rối ngập ngừng của Thục làm Thiều ngạc nhiên:

- Có chuyện gì thế?

- Ngự… mời em đi chơi. Em muốn xin phép Thiều.

Thiều nghe mình tê tái đến lặng người. Như vậy là đổ vỡ hết rồi sao! Tấn kịch do mình đạo diễn đã không đi đúng với ước mơ. Hậu quả có thể rất thảm hại cho mình… Ngự và Thục… Thiều chợt muốn khóc vô cùng nhưng không được.

- Thiều nghĩ sao Thiều?

Tiếng Thục vang bên canh, Thiều buồn giọng:

- Thục cứ đi!

Như con chim vành khuyên, Thục quay gót líu lo chạy đi. Thiều nhìn vẻ hớn hở của em, lòng gợn lên một niềm đau vô bờ. Thế là hết!...

Thục chạy ra vui vẻ:

- Anh Ngự chờ tí xíu nhé Thục thay đồ.

Ngự gật đầu:

- Được mà, anh chờ bao lâu cũng được.

Nhìn Thục khuất sau màn cửa, Ngự mỉm cười cầm tờ báo trên bàn lật mấy trang. Thục xinh thật, duyên dáng thật nhưng có một điều… một điều mà Ngự hơi buồn là qua lời thư trao đổi thì Thục là một con người mơ mộng, lãng mạn một cách dễ thương, thế nhưng thực tế bên ngoài thì Thục lại không thế. Điều đó làm Ngự thắc mắc không ít nhưng Ngự lại cho rằng có lẽ khi viết thư, con người thường sống bằng mộng nhiều hơn thực cho nên Thục mới mơ mộng vậy! Tuy nhiên, càng trò chuyện với Thục, Ngự càng thấy Thục lạ lẩm với mẫu người mà Ngự đã thân thuộc qua từng dòng thơ… Ngự vẫn cố quên qua từng thắc mắc đó nhưng nhiều lúc nó vẫn ám ảnh Ngự. Từ trong nhà vẳng tiếng guitare rồi giọng hát con gái thật ấm vang lên khe khẻ. Bài Hoài Cảm của Cung Tiến! Ngự nghe một cái gì ấm cúng đi vào tâm hồn mình. Ngự biết người đàn và hát là Thiều, chị của Thục, người mà Thục đã mượn tên để liên lạc với mình. Ngự chưa nói chuyện với Thiều lần nào nhưng đôi lúc Ngự thấy Thiều có một vẻ gì dễ thương, mỏng manh như cây mai cây liễu. Mỗi lần Ngự đến là Thiều vội lăn xe vào nhà. Nhiều khi Ngự rất muốn trò chuyện với Thiều mà đành chịu…

Thục trở ra nhí nhảnh trong chiếc áo robe màu xanh có kẻ ô trắng. Ngự hỏi:

- Có cần anh vào xin phép nữa không?

Thục lắc đầu:

- Thôi khỏi, Thục xin phép rồi anh ạ.

Cả hai bước ra khỏi cửa. Sau lưng họ, đôi mắt buồn vời vợi âm thầm nhìn theo. Thiều thở dài lầm bầm:

- Trông họ xứng đôi quá.

Bây giờ nước mắt Thiều mới trào ra được. Nước mắt muộn màng, nước mắt đau xót, nước mắt tủi phận! Thiều vòng hai tay làm thành một điểm tựa rồi úp mặt vào đó.

- Thiều!

Thiều ngẩng lên. Khuôn mặt đầm đìa nước mắt của người con gái làm Hoạt xúc động. Anh quỳ xuống cạnh Thiều.

- Sao Thiều khóc?

Thiều vẫn lặng lẽ nhìn Hoạt rồi đột nhiên Thiều nức nở lớn hơn. Cơn đau tích tụ từ bao giờ không dựng tuôn trào ra. Hoạt rụt rè nắm bàn tay Thiều lên. Khuôn mặt thân yêu kia đang đẫm lệ mà mình đang bất lực. Hoạt chua xót với ý nghĩ đó. Thiều chợt gục mặt vào vai Hoạt:

- Anh Hoạt, Thiều khổ quá.

Hoạt nhẹ choàng tay qua vai Thiều, chia sẻ nỗi buồn của cô gái một cách thầm lặng. Nước mắt của Thiều thấm ướt vai áo Hoạt. Thiều nghẹn ngào:

- Làm sao bây giờ anh Hoạt?

Hoạt nghẹn giọng:

- Thiều, nếu anh có thể làm bất cứ gì để Thiều vui giờ phút này cũng sẽ làm, dù có nguy hiểm đến đâu.

Thiều cười buồn nhìn Hoạt:

- Cám ơn anh. Nhưng chắc anh sẽ không làm được đâu.

Thiều không hiểu Hoạt có biết những gì giữa Thiều, Ngự và Thục không, nhưng Thiều tin rằng nếu Thiều buồn thì Hoạt cũng là người an ủi Thiều chân thành nhất. Nếu Thiều khổ Hoạt sẽ là người chia sớt Thiều nỗi khổ đó tận lực nhất!

Trong nỗi cô đơn bây giờ, Thiều cầu cứu Hoạt như một bênh nhân tìm vị lương y. Nhưng trong Thiều vẫn dậy lễn một cái gì đó thật mơ hồ mà dìm Thiều xuống cùng cực đau khổ. Hoạt nhẹ vuốt mái tóc cô gái, im lặng. Sự im lặng bây giờ đã nói rất nhiều…

Chương 9

Hôm nay ông Thanh về muộn, bữa cơm chiều đã dọn xong mà vẫn chưa thấy tiếng xe của ông. Thục lo lắng hỏi chị:

- Sao ba về trễ vậy Thiều?

Thiều lắc đầu:

- Chị không hiểu, có lẽ ba bận.

Đúng lúc đó tiếng còi xe ông Thanh vang lên. Thục chạy ra mở cửa. Nhìn nét mặt rạng rỡ của cha, hai cô con gái thầm đoán hôm nay ông Thanh phải có điều gì vui lắm. Quả nhiên, giữa bữa cơm ông Thanh thông báo một tin: Ông sắp gởi Thiều sang Đức chữa bệnh! Thiều tưởng chén cơm mình đang cầm trên tay hẫng đi, thân hình Thiều như chao nghiêng rồi bay lên cao. Thiều chồm tới:

- Thật hở ba!

- Thật chứ! Ba sẽ gởi con theo một người bạn sắp đi. Bây giờ, với phương tiện tối tân bên đó, ba tin họ sẽ giúp con lành bệnh không mấy khó khăn!

Niềm vui quá bất ngờ làm Thiều không kịp nhận lãnh! Thiều có thể trở lại bình thường được ư? Trời ơi! Nếu quả như vậy… đời sống sẽ thần tiên đến đâu… Và Ngự… và giấc mơ đi bên cạnh Ngự trong suốt đoạn đường dài có thể sẽ thực hiện được. Thiều ríu rít hỏi chuyện ông Thanh mà không nhìn thấy khuôn mặt Thục một nét tư lự vừa xuất hiện. Buổi tối Hoạt đến chơi một cách bất ngờ. Thiều kể lại cho Hoạt nghe về dự định của ba. Hoạt rạng rỡ chúc mừng Thiều. Lần đầu tiên Hoạt nhìn thấy trong bóng mắt Thiều một niềm tin rộng mở. Thiều huyên thuyên:

- Khi lành rồi chắc Thiều sẽ đi bộ khắp Sài Gòn này cho bỏ những ngày ngồi trên xe lăn.

Hoạt cười vui:

- Đến lúc đó đi bộ mỏi chân rồi lại khóc.

Thiều nhăn mũi:

- Không được ngạo à nhe.

Hoạt trầm giọng:

- Thiều có dự tính gì cho tương lai chưa?

Thiều lắc đầu:

- Chưa anh ạ. Nhưng… chắc là vui lắm, những gì mình ngỡ chỉ có trong mơ không ngờ lại có thể thành tựu.

Hoạt gật gù:

- Đó là phần thưởng của nghị lực…

Đêm ngoài trời đầy sao. Thiều chỉ tay lên những ngôi sao lấp lánh, hỏi Hoạt:

- Nhìn sao, anh biết Thiều nghĩ gì không?

Hoạt lắc đầu, Thiều mơ màng:

- Đến cậu bé chăn cừu trong Les Étoiles của Alphonse.

Hoạt nhìn theo tay của Thiều. Sao lấp lánh từng chòm. Trời không mưa, đứng gió nên hơi nóng hầm hập từ đất bốc lên. Trên nền trời đen, máu sáng của sao thật nổi bật. Hoạt chợt quay sang Thiều:

- Anh cũng đố Thiều, nhìn sao anh nghĩ gì?

Thiều chớp mi:

- Thua!

- Đến đôi mắt của Thiều, như hai vì sao.

Thiều thẹn thùng quay đi. Hoạt thấy dường như đôi mắt của Thiều đỏ hơn.

Thục từ nhà trong đi ra. Hoạt gọi:

- Đi đâu đấy Thục?

- Không anh ạ, đến đầu đường mua ít đăng-ten.

Nói xong Thục bước nhanh. Thiều nhìn theo dáng em, tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra sau khi mình lành lặn? Và Thục, có phải Thục bắt đầu thương Ngự không? Liệu con người khô khan như Thục có dễ dàng quỵ ngã trước tình cảm? Trước mắt Thiều, hình ảnh Ngự vẫn sáng đẹp như ngày đầu Ngự đến - Hoạt hỏi:

- Bao giờ Thiều đi?

- Khoảng nửa tháng nữa anh ạ.

- Trong bao lâu nhỉ?

- Thiều cũng không rõ. Có lẽ lúc lành hẳn.

Hoạt buông thõng:

- Thiều đi, buồn!

- Sao vậy anh?

Hoạt không hiểu Thiều hỏi như vậy với dụng ý gì? Thiều không hiểu Hoạt hay Thiều hiểu mà cố tình lẩn tránh?

- Tại vì… dạy Thiều quen rồi, Thiều đi thấy vắng.

- Anh yên tâm đi, Thiều sẽ viết thư thăm anh.

Thiều vô tình đến thế sao? Hoạt muốn hét to lên với Thiều là Hoạt đã thương Thiều từ lâu, những ngày Thiều mang bất hạnh? Hoạt thương Thiều từ bước chân đầu tiên Hoạt đã đặt vào đây và mãi mãi Hoạt còn thương Thiều!...

Thục trở về. Thiều gọi:

- Ngồi chơi Thục?

Thục lắc đầu:

- Em bận chút việc trong nhà.

Thiều cắn môi khẽ thở dài. Hình như giữa hai chị em vừa có một chiếc hố ngăn cách nào đó được đặt ra…

Sắp đến ngày đi, Thiều sống trong một trạng thái thấp thỏm, nghĩ đến những ngày mình sẽ xa quê, Thiều càng thấy thương Ngự, Ngự của những lá thư gởi ngày nào. Rồi đây mình cũng xa quê như Ngự ngày cũ. Thiều chờ đợi ngày đi như một cứu cánh cho ngày tháng buồn hiu hiện tại.

Rồi ngày đi cũng đến, tiễn Thiều ra phi trường có ba, Hoạt, ba của Hoạt, Thục và… Ngự! Ngự đến xa lạ, hững hờ. Ngự đến với tư cách người bạn của Thục và được Thục mời… thế thôi! Không có gì hơn nữa. Câu chào hỏi xã giao trên đầu môi. Chỉ có Thiều là vui nhất. Phần Thục, đứng bên cạnh Ngự mà đầu óc Thục rối bời. Cái hạnh phúc Thục đang nhận hưởng là một thứ hạnh phúc giả tạo do người khác mang đặt vào tay Thục và họ sẽ lấy đi bất cứ lúc nào mà họ cần đến. Nghĩ đến đó Thục thật buồn. Không phải là Thục ích kỷ và không vui với niềm vui của chị nhưng Thục cũng có nỗi buồn, nỗi buồn của người con gái thấy tình thương của mình sao mỏng manh. Bây giờ càng lúc Thục càng thấy đứa bạn gái của mình đã nói đúng! Trong tình cảm không bao giờ có sự so đo toan tính hay lựa chọn. Tự nó đến, âm thầm đến nỗi mình không thể ngờ trước được, rồi ra đi cũng lặng lẽ không kém. Khi Thiều đã khuất trong lòng phi cơ Thục mới dám gục đầu vào vai Ngự. Trước Thiều, Thục tự thấy mình không có quyền tỏ cử chỉ gì với Ngự. Cái mặc cảm đó đến thật tự nhiên. Ngự đưa tay vuốt tóc Thục. Trên phi cơ, Thiều nhắm nghiền mắt lại. Khi phi cơ cất cánh, Thiều tự nhủ mình đang bắt đầu làm cuộc đời mới…

° ° °

Những ngày đầu tiên sống xa nhà đối với Thiều thật là khủng khiếp. Thiều nhớ nhà dễ sợ. Nhớ Ngự, nhớ căn nhà ấm cúng với cây trứng cá lẻ loi đứng ở góc sân. Đôi lúc Thiều ước mong mình có được đôi cánh tiên, chắc Thiều sẽ chắp lại mà bay về Việt Nam mất. Mặc dù đã bắt đầu quen với cuộc sống ở đây mà Thiều vẫn thấy tẻ lạnh. Chính cái tâm trạng này càng làm Thiều nhớ Ngự hơn. Nỗi cô đơn của một kẻ sống giữa bao nhiêu người không cùng chủng tộc quả thật lớn. Thiều viết thư nhiều cho Thục và cho Hoạt. Nhiều lúc cầm lá thư Thục trả lời trên tay, Thiều xót xa nhớ đến những cánh thư ngày nào Ngự và mình trao gởi. Bây giờ mình xa quê hương, không có được một nguồn an ủi nồng đượm nào. Hoạt rất siêng viết thư cho Thiều và lá thư nào cũng đầy những lỡi lẽ khuyến khích Thiều cố gắng dưỡng bệnh để chóng lành mà về với gia đình với xứ sở. Đọc thư Hoạt, đột nhiên Thiều có ý nghĩ so sánh Hoạt với Ngự. Hai người thanh niên này khác biệt nhau hoàn toàn. Thư của Ngự lãng mạn, trau chuốt bao nhiêu thì thư của Hoạt thực tế, chân thật bấy nhiêu. Hoạt chẳng những là một người bạn mà còn là một người anh nữa. Nơi Hoạt là sự nương tựa một đời cho bất cứ ai tìm đến. Và Thiều, khắc khoải chờ đợi ngày về của mình.

Trong khi đó ở quê nhà Thục cũng mang một tâm trạng rối rắm không gì hơn Thiều. Càng ngày Thục càng nhận thấy tình cảm của mình và Ngự đã tiến quá xa. Bây giờ, không phải Thục đóng trò nữa mà chính là Thục sống thật với nội tâm mình. Nhiều đêm trằn trọc không ngủ được, Thục đã hình dung ra một ngày Thiều trở về. Khi đó, Ngự sẽ biết hết sự thật và Thục chỉ còn là một chiếc bóng di động qua một bên nhường lại cho Thiều quyền thụ hưởng một hạnh phúc thực thụ mà chỉ có Thiều là người được phép. Khi quen Ngự, chính Thục cũng thấy mình có lỗi với Thiều. Đôi khi Thục muốn thú thật hết với Ngự rồi ra sao thì ra nhưng Thục đã không làm được việc đó! Ngày trở về của Thiều có thể trở thành nỗi ám ảnh cho Thục.

° ° °

Ngự lo lắng nhìn Thục:

- Em mệt?

Thục lắc đầu:

- Không anh ạ.

Rồi mỉm cười cho Ngự an tâm. Cả hai đang đi trên con đường râm mát. Từng xác lá vàng bay tơi tả dưới chân Thục ngắn và chậm. Ngự bước thẳng, mặt ngước cao. Ngự nói:

- Lại sắp mưa rồi Thục nhỉ? Nhớ mùa mưa năm ngoái tụi mình quen nhau. Thấm thoát đã một năm, nhanh thật.

Thục vội lấp liếm:

- Vâng nhanh thật.

Thực ra, Thục rất sợ mỗi khi Ngự nhắc đến chuyện cũ, đến những lá thư mà hai người đã viết cho nhau. Thiều có đưa thư cho Thục giữ để phòng khi Ngự hỏi nhưng Thục chẳng đọc bao giờ. Thục chán ngấy những lời thơ than mây khóc gió như Thiều và Ngự viết. Thế nên thỉnh thoảng Ngự nhắc lại những điều trong lá thư là Thục luống cuống thấy rõ. Có một lần Ngự tình cờ nhìn thấy chữ viết trên cuốn sách Thục mới mua. Ngự thắc mắc hỏi:

- Sao em viết thư cho anh nét chữ mềm và lạ hơn nhỉ?

Thục cười giải thích:

- Vì viết thư em phải “gò” cho chữ đẹp chứ.

Nhờ Thục thông minh nên Ngự không nghi ngờ gì cả, nhưng Thục vẫn tự hiểu là không có sự thực nào giấu kín được mãi dưới ánh mặt trời. Sẽ có ngày màn bí mật được vén lên.

- Khi nào có cơn mưa đầu mùa, chúng mình sẽ chọn ngày đó làm ngày sinh nhật cho chúng ta Thục nhỉ.

Thục gật đầu:

- Vâng, tùy anh.

Ngự vẫn mơ màng:

- Em nhớ không, sở thích hai đứa mình giống nhau lắm! Nếu bây giờ mà trời mưa, anh sẽ đưa em đi lang thang rồi chui vào một quán cà phê nào đó, nhâm nhi cà phê mà nghe mưa.

Thục buột miệng:

- Anh điên à? Đi dưới mưa.

Ngự đứng dừng lại nhìn Thục:

- Em nói gì lạ vậy? Chính em cũng thích như anh mà.

Thục hốt hoảng. Thì ra đó là ý thích của Thiều ư?

Thục vội nói chữa:

- Em chọc anh đấy.

Ngự cười:

- Chả lẽ em nói thật…

Mắt Ngự nhìn vào Thục. Người con gái cố tạo cho mình một vẻ tự nhiên nhưng bất lực. Con đường như buồn hơn.

Chương 10

Bọn con trai kéo nhau ra khỏi cổng trường. Nam đề nghị:

- Ê, rảnh không tụi bây?

Thịnh cười:

- Làm gì mà không rảnh. Nói gì thì nói phứt cho rồi, cứ cù cưa mãi ông đây giận lại đá cho một phát bây giờ!

Nam cười hề hề:

- Lại nhà con em họ tao chơi. Nó sắp tổ chức sinh nhật rồi, lại đó thế nào nó cũng có chuyện nhờ vả mình.

Tuấn nhún vai:

- Đụng vào mấy cô nhóc tỳ chán lắm!

Thịnh phụ họa:

- Ừ, chán.

Đằng thêm:

- Chỉ biết vòi quà, chả được tích sự gì.

Nam la lên:

- Tụi mày hay à. Tao nói mà tụi mày không chịu thì thôi. Làm quái gì mà ầm lên vậy. Còn thằng Hoạt, sao mày câm như hến vậy?

- Thằng này tu!

- Tu hú hả.

Thịnh đỡ cho Hoạt:

- Đâu có, nó thất tình mà.

Mấy thằng bạn mỗi thằng một câu chọc nhăn nhở, Hoạt đành xuôi theo:

- Ừ, thất tình cho vui. Tao là kinh niên thất tình.

Nam phân bua:

- Đi đâu với nó chán lắm tụi mày. Mắt lúc nào cũng mơ huyền nhìn xa xa… mẹ, tao mà là con gái, tao cho hạng con trai như nó de sớm.

- Ừ ừ, vậy mà mấy cô mê đấy nhé.

Hoạt bực quá gắt:

- Vừa thôi, tao sùng lên rồi lại chửi. Không có mục gì thôi tao về.

Tuấn dài miệng:

- Mong về với ai thì nói quách cho xong còn làm bộ làm tịch nữa. Thôi, tụi tao tan hàng luôn.

Nam nói mấy tiềng rồi theo Hùng đi.

Hoạt bảo Thịnh:

- Chở dùm tao mày.

- Ừ, đi đâu.

- Về nhà Thiều!

Với Thịnh, thỉnh thoảng Hoạt vẫn nói về Thiều. Thịnh hiểu bạn và hiểu tâm sự bạn. Chính ngày đầu chơi với Hoạt, Thịnh đã đoán biết con người Hoạt thế nào cũng gặp một mối tình lãng mạn cỡ đó. Nhiều buổi tối đang ở nhà gạo gần chết, thấy Hoạt lang thang lại rủ đi uống cà phê. Nhìn mặt Hoạt buồn, Thịnh mới hay hôm nay Hoạt không nhận được thư Thiều nên buồn rủ Thịnh đi chơi cho quên, Thịnh tức giận nhưng dần dần lại thấy thương hại bạn.

Thịnh hỏi:

- Thiều chưa về sao mày đến hoài vậy?

- Đỡ nhớ.

- Chớ không phải cua cô em hả?

Hoạt nhăn mặt:

- Bậy!

- Tao thấy thời buổi này mà có mối tình Roméo-Juliette như mày, tao phục.

Hoạt chép miệng:

- Nhiều khi chính mình cũng không hiểu mình nữa chứ đừng nói ai xa lạ.

Thịnh ngừng xe. Hoạt nói:

- Vào chơi luôn.

Thịnh lắc đầu:

- Thôi, khi khác.

Thịnh nghĩ đến cái hẹn với Lan, cô bạn gái thân nhất của mình và phóng đi nhanh. Hoạt nhìn theo hút dấu Thịnh rồi mới tự động mở cửa vào. Phòng khách vắng lặng như tờ. Nghe tiếng chân, vú Năm chạy lên:

- A, cậu Hoạt.

Hoạt chào bà vú:

- Thục đâu vú Năm?

- Đi chợ Sài Gòn với mấy cô bạn chắc sắp về rồi đó. Cậu ngồi chơi chút đi.

Hoạt gật:

- Dạ, vú Năm để cháu tự nhiên.

Ngồi một mình, Hoạt nhìn lên tấm hình Thiều treo xéo cuối phòng. Khuôn mặt dịu hiền với dòng tóc dài mượt mà làm Hoạt nghe nhớ tha thiết. Ước gì bây giờ mà có Thiều ở đây nhỉ? Hoạt không biết mình sẽ phản ứng như thế nào nhưng chắc là Hoạt sẽ vui lắm.

Hoạt cúi nhìn mũi giày - Tờ giấy pelure trắng ló ra dưới nệm ghế! Tò mò! Hoạt kéo ra xem chữ viết của Thiều gởi Thục

- Hoạt ngẫm nghĩ rồi cầm lá thư lên đọc.

“Nhiều khi chị tự hỏi, ngày về của chị là ngày khởi đầu hay cáo chung cho hạnh phúc? Chị vẫn mơ thực hiện được giấc mơ của mình nhưng đôi lúc chị cảm thấy điều đó đã trở thành mộng ảo mất rồi. Ngự vẫn còn là hình ảnh lớn trong chị. Hình như dòng thời gian qua không làm phai hình ảnh đó. Nhưng Thục ơi, ở đời này mấy ai mà học được chữ ngờ phải không Thục?!...”

Hoạt vò nát lá thư trong tay một cách giận dữ, trong tâm thức Hoạt cảm thấy tổn thương nặng nề… nhưng dù sao giữa Hoạt và Thiều chưa có gì… Thiều không có tội…

- Anh Hoạt!

Hoạt nhìn Thục. Người con gái vịn vào cửa, hết nhìn khuôn mặt rồi lại nhìn bàn tay Hoạt. Khuôn mặt giận dữ và bàn tay bóp nghiến tờ thư. Hoạt bối rối:

- Xin lỗi Thục…

Thục bước vào ngồi đối diện Hoạt:

- Anh đừng khách sáo với Thục.

Hoạt thở dài, Thục vuốt tóc:

- Anh mới đến.

Hoạt lắc đầu:

- Khá lâu, anh xin lỗi đã đọc thư của Thục.

- Không sao.

Thục chợt thấy thương Hoạt thật nhiều. Tự dưng Thục hỏi Hoạt:

- Anh nghĩ thế nào về lá thư.

Hoạt buồn bã lắc đầu:

- Anh không được quyền nghĩ gì cả.

Thục cau mày:

- Sao anh lại nói thế?

Hoạt đốt thuốc:

- Thật đấy Thục ạ. Nhiều khi anh rất buồn mà nghĩ là mình đeo đuổi tình cảm một cách vô vọng.

- Chưa hẳn.

- Thục tin thế?

- Không phải, nhưng ở đời không có gì là tuyệt đối.

Hoạt trầm ngâm. Thục trầm giọng:

- Anh thương chị Thiều lắm phải không anh Hoạt?

- Thục hiểu?

- Dạ hiểu

Hoạt bảo:

- Nhiều khi… biết là thương chỉ nhận khổ mà vẫn thương. Anh hiểu Thiều không thương anh.

Thục cúi mặt:

- Biết đâu sau này tình thương sẽ đến với chị ấy.

Hoạt nhìn lên góc phòng. Tấm ảnh Thiều vẫn còn ở đó. Qua làn khói, Hoạt ngỡ như Thiều đang cười với mình.

Hoạt nói:

- Anh chỉ mơ ước như vậy.

Thục buồn buồn:

- Mỗi người có một hoàn cảnh. Chưa biết ai khổ hơn ai.

Hoạt nhìn Thục, Hoạt biết sự ngang trái giữa Thục, Thiều và Ngự nhưng Hoạt lại không chen chân vào được dù Hoạt rất muốn. Hình như không có một chỗ đứng nào dành cho Hoạt cả. Thục nói:

- Đôi lúc Thục mong mình được trở lại cái thưở hồn nhiên vô tư thưở xa xưa mà đành chịu.

Hoạt lắc đầu:

- Đừng tiếc Thục ạ. Cái gì qua hãy để cho nó qua.

Hai anh em nhìn nhau thông cảm. Giữa họ có một nỗi khổ mà họ cùng chịu. Giọng Hoạt mơ hồ:

- Dù thế nào, anh vẫn thương Thiều.

° ° °

- Anh ngồi chơi nhé, em ra lấy thư!

Thục nhìn Ngự nói, Ngự gật đầu. Khi Thục trở vào, nét mặt Thục mang một nét mặt thờ thẫn lạ.. Ngự hỏi:

- Gì vậy Thục?

Thục cố gượng cười:

- À, điện chị Thiều.

- Chị Thiều sắp về.

- Dạ.

Ngự thoáng ngạc nhiên về thái độ của Thục nhưng Ngự hỏi lơ sang chuyện khác. Ngự để ý thấy Thục có vẻ không lưu tâm lắm đến câu chuyện nên đứng lên. Thục vội nói:

- Xin lỗi anh, hôm nay sao em mệt quá.

Ngự âu yếm đặt tay lên vai Thục:

- Không có gì. Em vào nghỉ đi. Tối anh đến.

Ngự đi rồi, Thục ngồi xuống ghế ôm mặt. Thiều về, hai tiếng đó đánh mạnh vào cân não Thục. Thục vui mừng vì chị mình hồi hương vừa lo sợ vu vơ. Thục nghĩ đến Hoạt. Hoạt mà biết tin này chắc là sẽ mừng ghê lắm. Trong một thoáng Thục thấy tội nghiệp Hoạt vô cùng.

Chương 11

Ngồi trên phi cơ lòng Thiều rộn ràng bao nhiêu ý nghĩ. Chỉ còn một tiếng đồng hồ nữa Thiều sẽ đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất với một cơ thể lành lặn, bình thường như mọi người. Lúc đó, Ngự sẽ hiện diện ở đó, trong tầm tay Thiều! Thời khắc trôi qua chậm chạp, Thiều cứ nhìn vào cây kim đồng hồ mong nó chạy nhanh thêm chút nữa nhưng sao mà chậm chạp thế.

Rồi phút chờ đợi đã đến! Từ trên phi cơ bước xuống, Thiều hướng mắt nhìn qua phòng đợi. Những khuôn mặt thân yêu đang ngóng đợi, ông Thanh và Thục tiến đến trước tiên. Thiều nằm gọn trong tay cha, Thục ôm vai chị. Nước mắt Thiều ướt đẫm mặt. Ông Thanh nhìn con sung sướng. Thiều nghẹn ngào:

- Ba!

- Thục!

Nhìn con đã là lạnh lặn như xưa, ông Thanh cảm thấy nhẹ nhỏm. Ông đã làm tròn lời hứa với vợ, ông nghĩ mình sẽ lo cho con trọn vẹn!

Hoạt tiến đến bên cạnh. Thiều đưa bàn nhỏ bé ra. Bàn tay nằm gọn trong tay Hoạt:

- Mừng Thiều!

- Cảm ơn anh.

Thiều quay sang một người nữa… Ngự. Thiều đã mong ước cái giây phút này từ lâu nhưng không hiểu sao bây giờ Thiều thấy chừng như vô nghĩa, hững hờ và xa lạ. Ngự vẫn đứng trước mặt Thiều đó nhưng không phải là Ngự của những lá thư thăm hỏi nữa. Ngự ngập ngừng:

- Xin chúc mừng… Thiều!

Thiều nói tưởng như không ra lời:

- Cám ơn Ngự nhiều!

Thiều chợt đưa mắt nhìn Thục, bắt gặp đứa em gái đang nhìn mình. Tia mắt Thục là cả một sự van lơn, một nỗi thống khổ khó tả. Tia mắt của Thục là tia mắt của một con thú bị thương chờ giờ chết. Giờ phút này Thiều thấy thương em lạ lùng và bao nhiêu chờ đợi, bao nhiêu xây đắp trong lòng Thiều chợt vỡ vụn như mưa.

Ông Thanh kéo mọi người về nhà ăn mừng nhưng Ngự thoái thác xin về sớm. Thục quyến luyến nhìn Ngự:

- Anh về thật sao?

Ngự gật đầu:

- Không nên giữ anh lại.

Thục cắn môi, nước mắt chợt ứa ra trên rèm mi. Ngự quay lưng vội vã như chạy trốn. Đột nhiên Thục thấy khoảng trống trước mặt mình như rộng hẳn ra. Nỗi buồn kéo đến quá nhanh làm Thục chới với. Thục nhìn Thiều! Trong chiếc áo dài màu tím thẩm trông Thiều xinh lạ lùng, như một cô trong gái trong tranh. Ánh mắt Thục lướt qua Hoạt. Hoạt ngồi ngây như tượng đá ngắm Thiều. Tự dưng Thục thèm rời khỏi nơi đây, thèm một không khí yên tĩnh.

Thiều đến bên Hoạt:

- Sài Gòn vẫn thường hả anh?

Hoạt gật đầu:

- Thường lắm, chỉ thiếu Thiều thôi.

Thiều cười nhẹ:

- Thiều ăn nhằm gì.

Hoạt hạ giọng:

- Đối với mọi người thì không. Đối với anh thì có.

Khuôn mặt Thiều dưới ánh đèn làm Hoạt ngỡ như mê ngủ. Nhưng Thiều đang cười đang nói đó có phải thật là Thiều của mình đâu? Rồi Thiều sẽ ra đi…

Khi Thiều trở về phòng, Thục đã nằm xoay mặt vào vách tự bao giờ. Thiều xúc động đứng nhìn căn phờng thân yêu nơi Thiều đã sống qua những ngày tháng bất hạnh. Đây là chiếc giường kê cạnh bàn viết. Kia là khung cửa sổ nơi mà Thiều đã ngồi hàng giờ lặng nhìn ra bầu trời xanh biếc hay đen thẳm. Tất cả như gợi lên trong lòng Thiều một nỗi buồn mênh mang. Hình ảnh những buổi tối mưa ngồi trầm tư viết thư cho Ngự như sống dậy trong tâm hồn Thiều.

Vú Năm xuất hiện bất ngờ ở cửa phòng:

- Thiều tắm rửa và ngủ sớm đi nghe con.

Thiều dạ nhỏ rồi bước đến valy soạn đồ.

Thiều lay khẽ Thục:

- Thục ơi, dậy.

Chưa ngủ nhưng nghe chị gọi, Thục làm bộ trở mình ú ớ như mê ngủ.

Thiều nói:

- Dậy cho quà nè.

Thục ngồi dậy. Thiều lôi những hàng vải và đồ mua cho Thục ra.

- Mấy món này chị mua riêng cho Thục đó. Còn những gì của chị Thục muốn thứ nào cứ lấy.

Thiều nhìn vào mắt em. Thục lạnh lùng lướt qua các tặng phẩm. Thiều hiểu là tất cả các món quà bây giờ đều không nghĩa lý gì đối với Thục. Thục chỉ ước mơ một điều là hạnh phúc của Thục được giữ lại.

Trong một thoáng, Thiều thấy ngày về của mình trở nên vô nghĩa hết sức. Ước gì bây giờ Thiều xa nhà lại để sống trong sự mong chờ có lẽ thích thú hơn là những chua xót bây giờ.

Ngày trước Thiều vẫn mơ lành lặn để được yên tâm mà sống. Bây giờ Thiều đã lành lặn, nhưng một vết thương khác chừng như lớn hơn. Thiều chợt quay sang Thục:

- Thục có gì thay đổi không?

- Em vẫn thế.

- Nhớ chị không?

Thục gật:

- Nhớ chứ, nhớ Thiều dễ sợ.

Thiều cười bước đến bên em. Ôm Thục trong tay Thiều chợt xót xa khi nhìn sâu trong mắt em mình một nỗi bất an nào đó. Mối bất an ngày trước Thiều đã có khi bắt đầu yêu Ngự.

° ° °

Thiều giật mình tỉnh giấc. Bên ngoài, trời đang đổ mưa. Cơn mưa đầu mùa không ào ạt nhưng lạnh mang mang. Mưa bụi hắt qua khung cưa sổ chưa đóng vướng trên mền gối. Thiều trở dậy đến bên cửa sổ. Bầu trời đen lặng lẽ đắm chìm trong mưa. Chợt Thiều thấy nhớ da diết những ngày mưa Hoạt ngồi bên chân Thiều và hát. Hình như văng vẳng đâu đây Thiều nghe giọng ca của Hoạt ấm cúng: “Ừ, thôi anh về, chiều mưa giông tới bây giờ em vui… làm sao em biết mưa ngoài song bay, lời ca anh mỏi nỗi lòng anh say”.

Nhanh quá, thấm thoát mà đã một năm. Mùa mưa đã trở lại. Trở lại cùng với bao nhiêu là thay đổi. Từ hôm về đây đến nay đã một tuần rồi mà Thiều chưa hề gặp Ngự. Thiều muốn tránh mặt người con con trai đó và đồng thời rất nhiều ý nghĩ đến trong Thiều. Thiều đã nhìn rõ Thục như người ta đọc một tờ giấy và sự khám phá đó làm Thiều đau lòng không ít.

Có tiếng trở mình rất nhẹ ở giường Thục. Thiều rón rén bước đến bên cạnh em, bất thần nghiêng người Thục lại: Khuôn mặt người con gái đẫm nước mắt. Thục đang khóc âm thầm, như trước kia Thiều đã khóc âm thầm.

Thiều đau xót nhìn em, đột nhiên hai chị em ôm chặt nhau trong vòng tay, Thiều thì thầm:

- Nín đi Thục.

Thục nức nở:

- Thiều ơi, sao em khổ quá.

Thiều gật đầu:

- Chị hiểu?

- Thiều không giận em?

- Không đâu Thục. Mỗi người sống trong mỗi hoàn cảnh đều có những phản ứng hoàn toàn khác nhau và trái ngược. Chị không trách Thục cũng không trách ai. Trong câu chuyện này không ai có lỗi cả đâu em.

Thục mân mê cúc áo Thiều:

- Anh Hoạt thương chị lắm chị biết không?

Thiều gật đầu:

- Trước kia thì không biết nhưng bây giờ thì biết.

Thiều hình dung rất nhanh đến Hoạt. Đêm lạnh vắng chỉ có mưa rơi xào xạc trên đọt lá, Thiều bảo em:

- Thục ngủ đi

Thục ngoan ngoãn nằm xuống. Tự dưng hôm nay Thục thấy Thiều không còn cái vẻ yếu đuối, ủy mị nữa mà ở Thiều toát một sự che chở, dung thứ kỳ lạ. Thiều kéo mền đắp ngang ngực cho Thục rồi trở lại bên cửa sổ yên lặng ngắm mưa. Từng giọt mưa rơi thẳng tắp và trong như những hạt thủy tinh. Lời thư Ngự ngày nào… “Tôi thèm đi dưới cơn mưa đêm, lang thang một mình rồi chui vào một quán cà phê nào đó tìm hơi ấm”. Thiều rất muốn gọi tên Ngự nhưng bây giờ danh từ đó hầu như đã trở nên quá xa lạ.

° ° °

Hoạt khuấy đều chiếc muỗng trong tách cà phê. Khuôn mặt Thiều chao nghiêng, mờ ảo như bức tranh lụa. Mái tóc mây vẫn buông dài trên bờ vai. Thiều chợt hỏi:

- Anh Hoạt còn nhớ không, hồi trước Thiều vẫn nói với anh là Thiều mơ ước một ngày nào đó lành lặn, Thiều sẽ bắt anh dắt Thiều đi cùng khắp Sài Gòn.

Hoạt nhả khói:

- Làm sao anh quên được.

- Những ngày ở xa Thiều luôn luôn nghĩ đến ngày về, mơ mộng và xây đắp đủ thứ, thế mà đến khi chạm với thực tế mới thấy là mình nhầm lẫn.

Hoạt buồn buồn:

- Đời thì ai cũng thế. Mơ mộng không nuôi sống con người.

- Nhưng mình không thể sống thiếu mơ mộng.

Hoạt gật đầu:

- Đồng ý Thiều ạ, nhưng giới hạn mơ mộng một chút có lẽ sẽ dễ thở hơn.

Nụ cười trên khuôn mặt Thiều hình như không phải để diễn tả một trạng thái niềm vui nào. Nụ cười đó chỉ là một phản xạ của một tâm thức vừa thay đổi bởi một ý nghĩ nào đó thôi. Hoạt hỏi:

- Thiều có định học tiếp không?

Thiều gật đầu:

- Còn tùy anh ạ, nếu thấy không có gì trắc trở thì tiếp tục.

Hoạt nhìn sâu vào mắt Thiều:

- Thiều này!

- Dạ?

- Có những điều người ta không bao giờ nói ra nhưng kẻ trực diện hiểu rõ. Thiều có hiểu anh không?

Bàn tay Hoạt âm thầm nắm nhẹ bàn tay người con gái Thiều không rút tay lại nhưng ánh mắt thật buồn. Thiều bất chợt thì thầm:

- Mình về thôi, anh Hoạt.

ĐỂ THAY LỜI KẾT

Đà Lạt ngày… tháng…

Thục yêu của chị.

Viết thư cho Thục vào ngày đầu tiên lên đến đây, trong cái lạnh của Đà Lạt những ngày đông. Chị muốn nói với Thục tất cả những gì ẩn chứa trong chị đã không nói hay không thể nói được những lúc chị em mình ở cạnh nhau. Hơn ai hết, chị biết là Thục hiểu chị vô cùng. Từ những ngày đầu tiên chị quen Ngự, chị đã tâm sự với Thục, từ nỗi vui đến cơn buồn, những ngày chờ thư rồi những lúc được thư. Đến ngay cả việc nhờ Thục đóng vai chị để tiếp Ngự, chị cũng đã tự mình giăng ra cho mình một cái bẫy và ngày nay chính chị sa vào.

Thục còn nhớ câu cách ngôn của Pháp “Yêu mà không được yêu lại, chờ đợi mà không ai đến, khóc mà không ai dỗ là ba nguyên nhân dễ làm người ta đi gần đến cái chết”. Chị là kẻ hội đủ ba nguyên nhân đó. Ngày trước khi mới quen Ngự, chị đã mơ ước mình được lành lặn, được bình thường trở lại để sống cạnh người mình thương. Rồi chị được đi chữa bệnh. Ngày đi chị nhìn tương lai qua cặp kính màu xinh đẹp, chị tưởng như thế là chị nắm được hạnh phúc trong tay. Nhưng ngày qua ngày, sống nơi đât khách trong nỗi cô đơn, chị đã suy nghĩ nhiều và càng suy nghĩ chị càng thấy mình lầm lẫn khi sắp đặt vở kịch cho em thủ diễn. Tuy đã hiểu thế nhưng chị vẫn tự đánh lừa mình rằng mọi chuyện chưa có gì đáng gọi là trầm trọng.

Thục của chị,

Thế rồi chị đã về. Đêm đầu mùa mưa tình cờ bắt gặp em âm thầm khóc trong bóng tối, chị đã hiểu con đường nào chị phải đi. Tự dưng tâm hồn đâm ra bình thản lạ lùng Thục ạ, dù rằng nỗi đau đớn lúc đó chị tạm thời lắng xuống. Mấy ai trong khoảnh khắc mà quên được cả một mối tình đầu phải không Thục? Quyết định đến ngay lúc đó đối với chị. Ngay cả khi chị xin phép ba lên Đà Lạt, chị vẫn nhờ ba giữ kín đừng tiết lộ cho em hay. Chị không muốn em biết trước chuyến đi của chị, có thể em sẽ van nài khóc lóc hay em tự ân hận và làm chị thêm buồn, Thục hãy nghĩ rằng chị ra đi không phải chị oán hay giận dỗi em, trách hờn ai. Không đâu, chị ra đi chỉ với mong cho Thục được hạnh phúc. Hãy giữ lấy những gì đến trong tay mình nghe Thục. Chị thấy Ngự rất thương em và chị tin là Ngự đủ sức mang lại hạnh phúc cho đời em. Đừng mặc cảm hay lo nghĩ gì cả. Một thời gian – Có thể là rất ngắn. Chị sẽ trở về. Lúc đó Thục của chị chắc là đang vui hạnh phúc, chỉ cần vậy chị mừng rồi Thục ạ.

À, nếu Hoạt có đến chơi, Thục nhắn dùm với Hoạt đừng nên tìm đến chị. Không phải chị không hiểu gì đâu. Trái lại, chị hiểu tình cảm Hoạt, con người Hoạt lắm chứ. Nhưng biết làm sao. Có thể một ngày nào đó chính chị sẽ tìm lại Hoạt. Chị đang cần một khoảng thời gian yên tĩnh và không gian xa lạ để thảnh thơi. Sự thảnh thơi bắt buộc bởi vì chị không thể làm gì khác. Nhiều lúc chị đã cố tình nghĩ đến Hoạt, nhưng chị thất bại Thục. Không phải Hoạt thiếu điều kiện hay gì cả, nhưng chỉ vì Hoạt không phải là hình ảnh đã có sẵn trong tâm thức chị thế thôi.

Thời gian là phương thuốc có hiệu nghiệm với mọi tâm hồn, mọi vết thương. Bây giờ, khi xa Sài Gòn, chị còn mang một chút buồn thế nhưng rồi chị cũng sẽ nguôi ngoai thì biết đâu một ngày nào đó chị cũng sẽ tình cờ bắt gặp mình nhớ Hoạt và cần Hoạt? Thời gian dài chữa bệnh đã tập cho chị tính kiên nhẫn Thục ạ, bởi vậy chị quyết định dùng thời gian để giải quyết mọi chuyện.

Thục ơi,

Sài Gòn đang mưa phải không Thục! Mùa mưa buồn lắm. Chị đang làm một cuộc ra đi mà đồng nghĩa với chạy trốn. Mỗi khi nhìn mưa chị thường lôi kéo vào mớ kỷ niệm hỗn độn trong ký ức. Kỷ niệm một khi đã không giúp cho mình một hạnh phúc thêm thì nó chỉ tổ làm mình đau đớn thêm.

Can đảm mà ngước mặt nhìn đời sống nghe Thục. Chị tin rằng Ngự sẽ không bao giờ nghĩ ngợi hay thắc mắc gì về Thục, bởi vì nếu thắc mắc thì Ngự đã thắc mắc từ lâu. Có lẽ hình ảnh đầu tiên gặp Thục quá sáng đẹp đã khiến Ngự quên hết. Âu đó cũng là một may mắn cho Thục. Chị đã không giúp được gì cụ thể cho Thục, chị chỉ còn biết ra đi để Thục được tự nhiên một thời gian để chị quên..
Hàng cây dầu lề đường, cây trứng cá trước góc sân và những cơn mưa, chị xin gởi lại để Thục giữ dùm chị. Nhớ nói với Hoạt như thế nghe Thục. Chắc Hoạt sẽ buồn nhưng Hoạt còn nhiều niềm vui, nhiều phương tiện để quên lãng. Đôi khi chị cũng mơ hồ cảm thấy chị có tội với Hoạt nhưng nếu thật sự là có tội đi nữa thì đó cũng là một cái tội ngoài ý muốn của chị.
Gửi Thục tình thương còn lại trong chị.
Đỗ Ngọc Thiều
Năm 1973
Lý Thụy Ý
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...