Thứ Ba, 22 tháng 2, 2022

Bên dòng sông Lý

Bên dòng sông Lý

Ðã khuya, ngoài trời gió đông bắc rít lên từng đợt. Mấy lần bà Nga giục chồng đi ngủ, nhưng ông vẫn ngồi nguyên như thế nắn tay cho vợ. Năm hôm rồi, kể từ khi bà lâm bệnh, ngày nào ông cũng thế. Chỉ khi nghe hơi thở đều đều của bà, ông mới đứng lên đi về phía giường của mình.
Sáng sáng, không ngủ muộn như mọi khi, ông dậy sớm, sắc thuốc, nấu cháo, giặt giũ quần áo cho bà, rồi tất tưởi đi chợ. Ông làm mọi việc nội trợ một cách khoa học, thuần thục. Ðứa con trai duy nhất của họ lại nối nghiệp cha theo đường binh nghiệp, giờ này đang tận biên giới phía bắc. Với lại có nó ở nhà cũng không thể làm được. Con trai mà! May, tác phong của mấy chục năm trong quân ngũ đã tạo cho ông sự nhanh nhẹn. Hơn thế, ông muốn bù đắp cho vợ, vì bà đã phải chịu đựng cả một quãng đời làm vợ héo mòn. Những lúc ông lăn lộn nơi chiến trường Tây Nguyên là khi bà một mình vừa dạy học vừa lận đận nuôi con ở vùng biên giới xa xôi khổ cực của tỉnh Lai Châu. Hết nghĩa vụ miền núi, được ngành giáo dục chuyển về xuôi, nhưng bà một mực xin ở lại. Ba năm sau, bà mới nghe lời gia đình nhà chồng về quê. Ngày đó, chú Tới, em trai chồng lên tận trường đưa mẹ con bà về. Ở rừng lâu năm, căn bệnh sốt rét chẳng tha cho người phụ nữ đơn độc, mà đeo đẳng bà về tận xuôi. Sức khỏe xuống trông thấy, bà quyết định nghỉ hưu ở tuổi năm mươi. Thương bà, ông cũng xin về để tuổi già bên. Ðó là những ngày hạnh phúc nhất của ông bà. Chỉ một cái hắt hơi của ông là bà sợ "mình cúm hay sao?" và một tiếng thở dài của bà là ông lại lo lắng bồn chồn "bà có điều gì buồn ư?". Duy chỉ có một điều khiến họ né tránh: Quá khứ. Quá khứ của một thời đã chôn chặt trong lòng, không ai muốn nói ra. Giờ đây, họ sống bên nhau êm đềm như hai bờ sông của một dòng đời với bao nỗi niềm. Ðôi bờ sông vẫn chung dòng chảy, theo nhau về tận cuối nguồn mà chẳng bao giờ gặp được nhau...
Cuộc hôn nhân của họ không như ngàn vạn đôi trai gái khác sau những lần hẹn ước. Chỉ có sự thúc ép của hoàn cảnh, của những nỗi đau số phận đã gắn họ với nhau, nên giờ đây cả ông và bà đều cảm thấy cần phải dành cho nhau nhiều hơn những gì đã có...
Những hàng cây lúp xúp lao xao gió. Những ánh nắng vàng cuối cùng còn vá víu đó đây trên cao nguyên. Cô gái đặt lên mộ người yêu những bông hoa rừng trắng muốt. Người con trai thắp cho bạn của mình mấy nén nhang. Họ là đôi bạn thân từ những ngày còn cắt cỏ chăn trâu bên bờ sông Lý, cùng xa quê hương một ngày, cùng xung vào lính biên phòng, cùng huấn luyện chung trong một tiểu đội và cả hai cùng được điều về đại đội cơ động của tỉnh. Trong một trận tiễu phỉ, một người đã ra đi. Còn cô gái trẻ là một giáo viên đồng hương với họ lên dạy học ở vùng biên giới này. Kỷ niệm tuổi thơ và tình cảm quê hương đã gắn bó cả ba bên nhau như một sự ngẫu nhiên của số phận... Những nén hương âm ỉ cháy tạo thành các đốm sáng nhòe dần nhòe dần, tan ra như tán sắc cầu vồng rồi lại thu vào li ti như ngàn vì sao sa. Nỗi đau trong lòng cô gái ngấm dần vào mạch đập, hòa vào trong máu, nghẹn lại nơi lồng ngực căng đầy. Hoàng hôn xa dần xa dần. Gió miên man thổi. Sườn đồi trải mầu xanh thẫm. Sương phủ ngày càng dày lên tấm thảm thiên nhiên và lên mái tóc của họ. Người con trai khẽ đặt tay lên bờ vai thấm sương:
- Nga, về thôi em! Chiều mai chúng ta lại ra với Huy.
Mười lăm ngày trôi qua, chiều nào họ cũng có mặt bên mộ Huy. Nga lại thay vào đó những bông hoa rừng tươi nguyên, trắng muốt. Cả hai ngồi lặng lẽ, chia nỗi đau riêng chung với người dưới mộ...
Chỉ có thời gian mới là phương thuốc thần kỳ xoa dịu cả những vết đau tưởng như có thể theo đến tận cùng thế giới bên kia. Trên khuôn mặt xinh đẹp của Nga, nụ cười dần dần trở lại. Hôm ấy, không tìm được những bông hoa trắng đặt lên mộ Huy như mọi lần, Nga chọn những bông hoa mầu tím. Vừa ngó nghiêng bó hoa, cô vừa nói:
- Anh Mạnh này, em thật là ngớ ngẩn. Suy cho cùng thì mầu trắng hay mầu tím thì cũng đều là mầu của hoa cả thôi. Người con gái muốn sự trắng trong cũng giống như người con trai thích mầu tím thủy chung, phải không anh?
Không ngờ câu nói ấy lại chạm vào nỗi đau của Mạnh. Sau ngày anh về thăm nhà và trở lại đơn vị vài ngày thì Huy hy sinh, chưa ai kịp hỏi việc riêng gia đình anh giải quyết ra sao. Thấy ánh mắt của Mạnh tối lại, Nga nhớ ra: Người vợ ở quê đã phản bội anh.
- Anh Mạnh, em xin lỗi, em thật là vô tâm. Chuyện nhà thế nào rồi anh? Nga khẽ khàng.
Tránh cái nhìn của bạn, Mạnh chậm rãi:
- Xong rồi em ạ! Tòa án cho anh ly dị. Cô ấy đã về ở với tay chủ nhiệm HTX ngay sau khi anh ta bị buộc thôi việc. Cũng may là giữa anh và cô ấy chưa con cái nên chẳng có gì ràng buộc nhau. Em nói đúng. Mầu trắng hay mầu tím đều là khát vọng của tình yêu. Với anh thì nó không còn ý nghĩa nữa rồi. Ai lường trước được những con đường rẽ ngang của cuộc đời...
Tiếng người con trai trầm buồn trong gió chiều thổi nhẹ vào vết thương lòng đang lành của cô gái. Hai nỗi đau hòa vào nhau...
Ðêm thanh vắng đến lạ lùng. Ngọn đèn hoa kỳ vẫn thủy chung thức với những kỷ niệm của con người. Thấy nhịp đập của vợ đều đều, tưởng bà đã ngủ, ông Mạnh từ từ gỡ những ngón tay vợ ra khỏi tay mình. Chợt bà mở mắt, đôi mắt tỉnh khô chưa hề ngủ, những ngón tay khô gầy của bà nắm chặt lấy bàn tay ông.
- Mình, mình ngồi đây với em. Em muốn nói với mình một chuyện...
- Em ngủ đi, đừng nghĩ ngợi linh tinh nữa.
- Mình ạ, em thấy người khó thở lắm. Mình đã điện cho thằng Châu chưa mà không thấy nó về? Em muốn nói chuyện với nó...
- Thôi nào! Ông Mạnh ngắt lời vợ. Mọi chuyện qua lâu rồi, em bận tâm mãi mà làm gì?
Có lẽ ông biết bà định nói điều gì chăng? Bao lần như thế, ông đều gạt đi một cách khéo léo. Nhưng lần này thì bà Nga không nghe. Lương tâm thúc ép đã tiếp thêm cho bà sinh lực. Bà nói gấp gáp, như kéo từ trong sâu thẳm cõi lòng cái ký ức mà bà tưởng chừng chỉ có một mình bà mới tường.
- Mình còn nhớ không, cái lần hai đứa đi hái hoa đặt lên mộ anh Huy, mình không biết vì sao em tìm bằng được hoa trắng cho Huy đâu. Mình ạ, trước ngày Huy cùng trung đội đi tiễu phỉ, chúng em đã gặp nhau và em đã trao sự trong trắng của đời con gái cho Huy. Nơi đó chính là chỗ mà em nhờ mình đề nghị đơn vị an táng cho Huy. Em muốn sự trong trắng ấy là của riêng Huy. Ðấy là lý do duy nhất em không dám nhận lời yêu mình.
Ông Mạnh vẫn ngồi bất động. Ðôi mắt mở to nhìn vợ. Ông mường tượng ra khuôn mặt cô giáo trẻ tràn trề nước mắt ép vào ngực ông, khi ông đề nghị cưới cô làm vợ. Ông biết đó không phải là giọt nước mắt hạnh phúc. Ông đã quặn lòng trong niềm đau tột cùng mà không thể nói thành lời. Và lúc này, cũng như gần ba mươi năm về trước, lại văng vẳng bên tai ông lời trăng trối của người bạn: "Mình không ân hận gì đâu và chắc Nga cũng vậy. Nhưng nếu có mệnh hệ gì đến với cô ấy, thì Mạnh ơi cậu hãy giúp mình. Ðừng để cô ấy phải khổ, phải mang tiếng với mọi người..."...
- Mình, mình đừng trách em!
Thấy ông im lặng, tưởng ông giận, bà vội xiết chặt lấy tay ông khẩn khoản. Ông cúi nhìn vợ, tay vén mấy sợi tóc vương trên trán cho bà.
- Mình không có lỗi gì cả! Ðừng nói những chuyện ấy nữa, mình...
Nhưng bà Nga vẫn thầm thào như nói với chính bà.
- Sau khi cưới mình, có một sự sống lớn dần trong cơ thể, em không biết đó là của mình hay của Huy. Với tình yêu, em mong muốn nó là của Huy, nhưng nghĩ mình đã là vợ chồng, em muốn đó là đứa con chung. Em chờ từng ngày, âm thầm như hòn sỏi nơi lòng suối, mặc cho dòng đời tuôn chảy, trăn trở giữa tình yêu và nghĩa vụ. Hơn bảy tháng sau khi cưới, thằng Châu ra đời. Nó là hoa trái của tình yêu chứ không phải là nghĩa tào khang. Em sống trong lẫn lộn giữa hạnh phúc và nỗi khổ đau đeo đẳng suốt những năm tháng mình đi xa và nhất là những ngày cuối cùng của cuộc đời được mình ân cần chăm sóc. Em phải nói với mình và con thì khi đi xa mới thanh thản được. Nếu thằng Châu không về kịp, thì hãy nói lại cho nó và nhớ là xin lỗi nó hộ em...
Ðêm yên tĩnh. Bà nghe từng nhịp đập của trái tim đang yếu dần. Các mạch máu như chùng lại, khắp người chỗ nào cũng tê tái, chân tay rệu rã. Chỉ riêng đầu óc là tỉnh táo hơn bao giờ hết. Bà biết, tâm trạng ấy của con người cũng giống như ngọn đèn, nó chập chờn, lóe sáng trước khi tắt lụi. Những tiếng ho khan đứt quãng bật ra từ lồng ngực khô lép vì sự dồn nén của ký ức trong mấy mươi năm. Ðôi mắt bà díu lại. Trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn hoa kỳ, ông Mạnh nhận ra trên khuôn mặt hốc hác của bà, đầm đìa nước. Bà không khóc, nhưng những giọt nước mắt vỡ òa ra từ đáy lòng. Ông ghìm tiếng thở dài, đưa tay lau qua hai làn mi mắt cho bà. Bà nắm lấy cổ tay của ông rồi mười ngón tay khô ráp yếu đuối lần tìm đan chặt vào nhau. Trong giây lát, ông Mạnh thấy như có những con kiến bò dọc theo mạch máu. Suốt cả cuộc đời, ít khi họ có những giây phút thiêng liêng như thế. Hạnh phúc - phải chăng chỉ đến cùng với nỗi đau?
Căn phòng tĩnh mịch. Phía sau nhà, cơn gió vật vã đổi chiều. Những lời bà Nga nói, chỉ khẳng định thêm lời trăng trối của đồng đội đối với ông Mạnh. Ðó cũng là một phần lời giải mà bà Nga không sao hiểu được khi ông Mạnh đề nghị cưới bà nhanh như vậy. Cả việc Mạnh được chi viện cho miền nam cũng là một lý do, lý do rất thực nhưng đấy là cái cớ tốt nhất để giấu đi điều mà ông không muốn nói ra và ông sẵn sàng chấp nhận nó. Vậy mà đôi lúc, ông không muốn cái điều dự báo kia là sự thật, nhưng nó lại là một tất yếu. Những năm tháng luồn rừng, giáp mặt với cái chết; rồi khi được trở về nhà, ông vẫn nặng niềm suy tư ấy. Ông biết sự thật là thế, vậy mà có lúc vẫn hy vọng "không phải thế". Bây giờ, hy vọng mơ hồ ấy lụi tắt, thì cái con người nhỏ nhen dù chỉ là một phần nghìn trong ông, cũng quẫy đạp một lần cuối, làm ông mất thăng bằng trong giây lát.
Sau phút ấy, ông Mạnh đã trở lại con người vốn có của mình, thương vợ, thương thằng Châu vô cùng.
- Mọi thứ đều đã qua rồi mình ạ. Với lại tôi đã đón nhận nó từ trước khi đề nghị cưới mình cơ mà. Chiến tranh, ai chẳng phải chấp nhận mất mát. Ðược bù đắp cho nhau bao nhiêu năm qua, bà không thấy hạnh phúc sao?
Bà Nga sững sờ trước câu nói của chồng. Ông biết tất cả rồi sao?
Vẫn giọng của ông:
- Mình ạ, hãy giữ lấy quá khứ ấy như một kỷ niệm thiêng liêng và nếu đến một lúc nào đó phải ra đi thì cũng hãy ra đi bằng hiện tại hạnh phúc của mình. Với thằng Châu cũng thế, mình ạ. Nó đã phải sống tuổi thơ vắng bố, cùng mẹ bươn chải giữa cuộc đời sóng gió. Nói ra điều ấy không giúp gì cho con, mà lại gieo vào tâm hồn trong sáng của nó nỗi đau buồn mà chúng mình đã chịu đựng. Thật là điều không nên.
"Trời ơi, ông ấy nói đúng". Bà Nga thầm nhủ. Hình ảnh của thằng Châu lại hiện lên trước mặt bà. Nhưng rồi, tận đáy lòng người mẹ và trong sâu thẳm của tình mẫu tử thiêng liêng, bà lại thấy không yên. Ngày ngày, nó vẫn cùng mẹ thắp hương cho người tạo sự sống cho nó mà không hề biết. Và hơn nữa với Huy, mình không thể không nói. Giấu con là có tội với Huy, có tội với cả chính mình.
- Không, không được đâu mình! Bất thần, bà Nga gượng dậy nắm lấy tay chồng lắc lắc. Mình hãy để cho em nói với con. Khụ... Khụ... Sao nó lâu về thế? Tết này là Tết thứ hai nó không nghỉ phép rồi. Khụ... Khụ...
Một tràng ho khan đã cắt ngang những lời khẩn khoản cuối cùng của bà. Những ngón tay lỏng dần, buông khỏi bàn tay ông...
Ông Mạnh đợi thêm một ngày nữa mà vẫn không thấy con về. Hai hôm sau, đám tang bà Nga được Hội bảo thọ thôn tổ chức chu đáo. Nơi bà nằm là một cồn đất cao bên triền sông Lý. Mọi người đã ra về, chỉ còn lại mình ông đứng giữa mênh mông trời và gió lộng từ triền sông thổi tới. Về nhà ư, còn ai nữa mà về? Chỉ sống với nhau được mấy năm hưu, nhưng ngôi nhà kia thực là một tổ ấm. Giờ đây, nó khác gì con ốc đã bị rút ruột? Ông như người mộng du lang bang bước trên bờ sông. Bà Nga ơi, sao bà nỡ đi trước tôi? Giá như ngày cưới, mình chưa mang giọt máu của Huy? Bà ơi, giá như những năm tháng sốt rét giữa núi rừng Tây Nguyên, chất độc da cam của kẻ thù không cướp đi của tôi niềm hạnh phúc được làm cha, thì có phải tôi với bà đã có những đứa con chung đẹp như thằng Châu không? Tôi không thể cho bà dù chỉ là một đứa con. Bà có biết chính vì thế mà tôi đã thương thằng Châu hơn cả bản thân mình, mặc dù tôi không có mặt trong sự sinh ra, lớn lên và trưởng thành của nó? Bà có nhớ không, cưới nhau ba ngày sau, tôi đã phải lên đường vào nam. Ngày tôi trở về thì nó đã theo đường binh nghiệp. Cha và con có được trong nhau chỉ bằng ý thức. Trời ơi! Có lẽ bà nói đúng rồi, bà Nga ạ. Tước bỏ cái ý thức xã hội kia đi, nó có quyền nhận người cha đích thực của mình...
4/11/2005
Bùi Bằng Giang
Theo https://vnthuquan.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mái tóc người vợ

Mái tóc người vợ HỘI LÀNG MẤT VUI Thuở ấy, giặc Minh đang xâm chiếm nước ta. Ở một vùng khuất nẻo, hội vật làng Liễu đang vào ngày cuố...