Thứ Tư, 2 tháng 2, 2022

Ánh sáng nội tâm 3

Ánh sáng nội tâm 3

BUÔNG SÂN HẬN
Tác giả: Luang Por Plien
Luang Por Plien (Phra Ajahn Plien Panyapatipo) sinh năm 1933, tại bang Sakon Nakorn (quận Sawang-dan-din) về phía Đông Bắc Thái Lan. Ngài là con thứ ba trong gia đình có 6 người con. Từ lúc nhỏ, ngài đã đến sống với ông bà cho đến năm 11 tuổi, ngài trở về giúp gia đình buôn bán. 
Năm 18 tuổi, ngài ngỏ ý muốn học về y khoa và phụ việc với một bác sĩ nông thôn, cũng là người bà con.  Nhưng dự tính tiếp tục học y khoa ở Bangkok phải bỏ dở khi mẹ ngài yêu cầu ngài ở lại nhà để giúp đỡ gia đình.
Dầu ngài cũng có ý định xuất gia từ lúc còn nhỏ, nhưng mãi đến năm 1959 ngài mới được xuất gia tại Wat dhat’ Mechai tại Sakon Nakorn.
Ngài mất ngày 15 tháng 2, năm 2018, thọ 84 tuổi.
Tại sao chúng sinh ở thế gian thường sống trong sự xung đột, cãi vả và khổ đau? Chúng ta thấy những điều này nơi bạn bè, gia đình, thân quyến, thuộc mọi giai cấp, thuộc mọi quốc gia. Đức Phật đã dạy chúng ta phải quay nhìn lại tâm mình để tìm ra các nguyên nhân gây khổ đau và xung đột. Để có thể sống chung hạnh phúc, chúng ta phải chánh niệm về cách nghĩ suy, nói năng và hành động đối với nhau. Sự thật là các trạng thái tâm nhiễm ô như tham, sân và si đã khiến chúng ta phải khổ đau qua nhiều kiếp sống. Do đó chúng ta phải chánh niệm - trong những gì ta nói, suy nghĩ hay hành động - nếu không các trạng thái bất thiện sẽ chế ngự ta. Khi đã bị chúng chế ngự, rất khó để buông bỏ các thói quen cũ, để sửa mình cho đúng.
Sân hận có thể phát khởi dưới nhiều hình thức. Thí dụ, sân phát sinh khi ta không vừa lòng với hành động của người khác, nhưng trái với ý mình muốn. Giả dụ ta tặng cho ai đó một chiếc đồng hồ đẹp, rồi thấy người đó không gìn giữ cẩn thận. Ta có thể khó chịu, bực bội.  Hay trong trường hợp cha mẹ cho phép con lái xe, căn dặn con chỉ được lái đi đâu đó. Nhưng đứa con sử dụng xe không đúng như thế, lái xe đi khắp nơi, không gìn giữ xe. Kết quả là cha mẹ nổi giận vì đứa con không nghe lời dặn dò của mình. Ta cũng có thể nổi sân khi nhìn thấy ai đó có hành động mà ta không cho là phù hợp. Thí dụ, người này có thể nói sau lưng người khác, cho rằng họ xấu xí, dơ bẩn hay hành vi thô tháo. Khi người bị nói xấu nghe được những điều này, họ sẽ nổi giận, có thể đến độ khó kiềm chế. Tâm họ sẽ tán loạn với ý nghĩ tại sao người ta lại nói thế về mình, nói những điều làm tổn thương mình.  Người khác cũng có thể kích động để ta sân. Thí dụ ta có nghe những lời chỉ trích mình, nhưng giữ được bình tĩnh.  Rồi có một người thứ ba đến và khiêu khích ta bằng những lời như: "Nếu là bạn, tôi không để yên cho họ như thế!" Sau đó, ta thấy mình tức giận. Như thế, hận thù có thể được gây ra bởi sự xúi giục. Một thí dụ khác về điều này là khi sự tức giận được khơi dậy bằng cách nói xấu hay nói về các hành vi không thể chấp nhận được của người thứ ba. Ác cảm cũng thường phát sinh trong các gia đình. Người chồng có thể nói điều gì đó với vợ khiến người này phản ứng lại ngay, không kiềm chế trước những lời nói của chồng. Cả hai sau đó đều mất bình tĩnh và bắt đầu trao đổi những lời cay nghiệt và đắng cay.
Sự sân giận cũng nảy sinh giữa cha mẹ và con cái. Cha mẹ khuyên bảo để con cái của họ được tốt, nhưng nếu người con trả lời lại hoặc phản ứng không phù hợp, cha mẹ có thể trở nên bực bội, giận hờn.  Hiểu lầm và xung đột cũng có thể xảy ra giữa bạn bè. Điều này có thể tạo ra sự tiêu cực và phá hoại tình bạn.
Khi quán tưởng thấu đáo về sân hận, ta có thể dễ dàng thấy nó độc hại như thế nào và những khổ đau mà nó gây ra. Từ những thí dụ trên, ta thấy sân hận có thể phát sinh bằng nhiều cách. Có người dễ dàng cảm thấy khó chịu về những vấn đề nhỏ. Người khác có thể chịu đựng các tình huống căng thẳng trước khi nó đến một mức mà họ không thể chịu đựng được nữa và sự tức giận bùng nổ thông qua lời nói hoặc hành động. Tức giận có nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, nguyên nhân gốc rễ là ô nhiễm trong tâm trí. Cộng thêm sự thiếu chánh niệm và trí tuệ để kiềm chế sân hận bằng sự kiên nhẫn.
Ta thường để tâm trí mình tập trung vào những suy nghĩ không lành mạnh, đưa đến sự bùng nổ sân giận. Từ đó mất khả năng duy trì chánh niệm, thực hành sự kiên nhẫn và chịu đựng, khiêm cung. Chúng ta cần nhận thức rằng sự hiềm hận nguy hiểm như thế nào. Khổ nảy sinh ngay khi chúng ta cảm giác khó chịu, bực bội. Đức Phật đã nói: "Nahi Sathu Kotho", có nghĩa là "Hiềm hận là bất thiện". Nếu chúng ta không thể nhìn thấy những bất lợi của sân giận và tác hại mà nó gây ra, thì ta sẽ không thể kiềm chế nó. Ta sẽ không thể thanh lọc nó khỏi tâm trí. Khi sân hận chế ngự tâm, nó chỉ mang lại đau khổ cho ta và tai hại cho người khác. Có rất nhiều cách và hoàn cảnh qua đó hiềm hận có thể phát sinh và hoàn toàn thống trị tâm trí của ta. Thí dụ ở nơi làm việc: đồng nghiệp có thể trở nên khó chịu với nhau đến nỗi mọi sự hợp tác kết thúc và cuối cùng họ la hét, cãi cọ nhau như những kẻ thù. Sự xung đột theo cách này có hại cho cả người gây hấn lẫn những người bị hại. Hiềm hận có thể là một xu hướng tiềm ẩn sâu trong một số người hoặc giữa một số cá nhân, đã phát triển qua nhiều kiếp sống. Khi họ gặp lại nhau trong cuộc sống này với vai trò hoặc là chồng, vợ, anh chị em, thì những thói quen đó lại bùng khởi trở lại. Sự oán hận tích lũy từ trong những kiếp sống trước, sẽ khiến họ dễ dàng xung đột lẫn nhau, ngay cả với những điều nhỏ nhặt. Đôi khi ta có thể trải qua nhiều kiếp với cùng một nhóm người. Nhiều gia đình luôn xung đột, tranh cãi với nhau. Không có sự hòa hợp trong cuộc sống của họ. Nghiệp lực, thói quen trong quá khứ của họ, là những thứ khiến họ lại sống cùng nhau. Có nhiều trường hợp, cha mẹ và con cái có thể sống cùng nhau, nhưng không thể hòa hợp. Cuộc sống của họ và con cái có thể sống cùng nhau, nhưng không thể hòa hợp. Cuộc sống của họ tràn ngập phiền muộn. Những nỗi buồn lặp đi lặp lại nhiều lần, hết đời này đến kiếp khác. Những người đó thậm chí chỉ nhìn thấy hay nghe giọng nói của nhau cũng khởi sinh bực bội, oán ghét. Khi ta kết nối với nhau theo cách này, chỉ cần nghĩ về nhau cũng có thể đưa đến rất nhiều đau khổ và bất thiện ý khiến tâm trí quay cuồng thiếu kiểm soát. Xung đột và thậm chí giết hại có thể xảy ra.
Như thế, rõ ràng là những người vô minh trải qua nhiều khổ đau, phiền muộn. Họ thấy mình luôn xung đột với người khác và sự sân giận của họ thể hiện thông qua lời nói và hành động. Đức Phật dạy rằng sân hận giống như bị kiếm đâm vào tim. Nỗi đau của sân hận triền miên trong lòng và khổ đau triền miên là hậu quả đương nhiên. Nghiệp được tạo ra bởi hành động theo thói quen này. Nếu có hai người luôn chướng ngại nhau, có thể là do trong nhiều kiếp sống trước đây họ đã có xu hướng bực bội mỗi khi có dịp gặp nhau. Ngay cả khi họ cố gắng nói chuyện một cách thân thiện với nhau, cố gắng tỏ ra hiểu biết, quan tâm, nhưng cuối cùng rồi họ cũng hiểu lầm nhau, và đưa đến cãi vả.  Điều này là do những thói quen không tốt lành được hình thành trong các kiếp trước. Trong những kiếp trước, có thể họ đã ẩu đả, cãi cọ, liên tục khiêu khích và phản công lẫn nhau.
Có một loại sân hận khác có thể phát sinh vì tình yêu hoặc nhục dục. Hãy xem xét trường hợp của hai người yêu nhau thắm thiết. Tuy nhiên, nếu họ để cho sự chiếm hữu chen vào tình yêu thì cảm giác sở hữu và ghen tuông nảy sinh. Nếu một người trở về nhà muộn, thì người kia lo lắng, đưa đến cảm giác ghen tuông và ngờ vực. Hoặc khi một trong hai người cảm thấy bị bỏ mặc hay không được lắng nghe, thì có thể dẫn đến cảm giác oán giận và thất vọng. Loại sân hận này phát sinh từ tình yêu, sự bám víu, nhục dục và ghen tuông. Tương tự, đôi khi cha mẹ càng yêu thương con cái, họ càng mong đợi con cái phải tuân theo lời họ nói. Cha mẹ có thể trở nên rất khó chịu khi con cái không hành xử theo cách họ muốn. Cha mẹ có thể dạy con phải nói năng lễ phép, lịch sự, nhưng rồi chúng nói năng thô lỗ hoặc chửi thề - sự ngỗ nghịch đó có thể khiến cha mẹ giận dữ. Sự sân giận của cha mẹ thực sự bắt nguồn từ tình thương yêu và bám chấp. Đứa con đã nhận được nhiều tình thương yêu, chăm sóc từ cha mẹ, đổi lại cha mẹ muốn đứa con biết quan tâm, chia sẻ đến người khác. Khi điều này không xảy ra, cha mẹ sẽ tức giận.
Tóm lại, chúng ta thấy rằng sân hận có thể dễ dàng phát khởi do yêu thương nhau, như là giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái hoặc giữa bạn bè. Một người đang yêu có thể nổi cơn thịnh nộ nếu đối tượng của họ không làm theo mong muốn, hoặc chỉ trích, đổ lỗi, nói xấu họ. Đó là một bản năng phổ biến, tiềm ẩn trong mọi chúng sinh trên thế gian này. Tâm trạng cảm thấy bị tổn thương, xúc phạm khi người họ yêu thương không thực hiện mong muốn, đòi hỏi của họ. Thù hận là hình thức giận dữ cao độ và có thể rất khó kiểm soát. Trả hận thậm chí còn dữ dội hơn hận thù. Mặt khác, những cảm giác thất vọng, bực bội nhỏ là những khía cạnh ít thách thức hơn của sân hận, và thường có thể được kiềm chế. Nếu những hình thức hờn giận nhẹ nhàng này phát sinh, kích động tâm trí, nhưng sau đó không được phép thể hiện qua lời nói, hoặc cử chỉ, chúng sẽ dễ dàng biến mất. Tuy nhiên, nếu cơn thịnh nộ của người đó tăng lên, họ có thể hoàn toàn mất kiểm soát. Trạng thái tâm sân nhẹ có thể biến thành những phát ngôn và hành động xúc phạm, đưa đến xung đột lớn. Oán giận hay ác cảm là tâm thái của người không có kiên nhẫn, không biết nhường nhịn. Kết quả không thể tránh khỏi là khổ đau. Hiềm hận này có thể phát triển thành niềm khao khát trả thù, thậm chí toan tính giết người. Khi những suy nghĩ không lành mạnh này hoàn toàn thống trị tâm trí, người ta có thể cảm thấy phấn khích khi nghĩ rằng việc giết người của mình có thể thành công. Những suy nghĩ không kiềm chế dẫn đến các hành vi bất thiện, tạo bao nỗi bất hạnh về tâm sinh lý. Hãy nhớ, sân giận là một sự lựa chọn - một cảm xúc tiêu cực được phép chạy tán loạn trong tâm trí ta. Không ai thực sự "làm" ta tức giận. Tự ta làm sân giận phát sinh trong tâm. Thậm chí ta có thể tự giận mình. Thí dụ, một dự tính khi thực hiện không mang lại kết quả như mong muốn, ta có thể thất vọng và oán trách bản thân. Cho dù sân hận hướng vào người khác hay vào bản thân, con đường đi đến đó cũng không khác nhau. Mới đầu là ý nghĩ bất thiện nảy sinh trong tâm trí - chẳng hạn như tự trách - rồi ý nghĩ đó bành trướng và ta chấp vào đó. Chẳng mấy chốc, ta trở nên tức giận, thậm chí có thể đến mức mất kiểm soát bản thân, vì ta không thể có được cái mình muốn. Nếu ta không tập cách kiểm soát và gìn giữ tâm, thì ta có thể nói những điều sai trái không đúng lúc, hoặc nói xúc phạm hay hành động lỗ mãn đối với người khác. Sau đó, ta cảm thấy có lỗi và hối hận vì đã cư xử theo cách đó. Điều này khiến ta càng tự trách mình hơn. Nhưng không ai khác làm cho ta tức giận. Chính ta khiến bản thân tức giận. 
Quá trình để sân hận phát sinh rất đáng cho ta tìm hiểu và suy gẫm.  Ta phải nhớ kỹ rằng sân hận nảy sinh thông qua sự suy nghĩ của chính mình, không phải ai khác. Thất vọng phát sinh từ việc khao khát những điều khó đạt, nói năng không khéo léo hoặc hành xử không chánh niệm. Thí dụ, người ta có thể buồn bã khi bị bệnh, hoặc cảm thấy thất vọng vì không xinh đẹp như người khác. Tại sao trạng thái bất mãn nảy sinh như thế? Đó là vì thiếu nhận thức, và không luôn chánh niệm. Khi chánh niệm và sự hiểu biết rõ ràng không có mặt, tâm sân hận có thể phát sinh. Có người thậm chí còn tức giận với chính việc hành thiền của họ! Trong quá trình hành thiền, họ đã cố gắng rất nhiều để tĩnh tâm và tập trung nhưng không thành công. Tâm họ lang thang đây đó, nghĩ suy về nhiều thứ ngoài việc tập trung. Cuối cùng, họ đành bỏ cuộc, bực tức vì không thể kiểm soát tâm mình. Ai trong chúng ta cũng biết bộ mặt của sân hận. Chúng ta tin rằng ngoại cảnh kích hoạt nó, nhưng thực sự là chúng ta tự tạo ra. Người không cư xử chừng mực, không nói nhẹ nhàng, cũng không biết đúng lúc và đúng nơi để ăn nói, chắc chắn sẽ thấy bất ổn và khó tập trung khi hành thiền. Khi ta để cho các trạng thái bất thiện ngự trị trong tâm, sự kích động tiềm ẩn dễ dàng khởi lên thành sân hận. Tỉnh thức biến mất khi điều này xảy ra. Chỉ có khổ đau và các hậu quả xấu theo sau. Chúng ta thực sự khổ vì không hiểu lộ trình này. Khi một người đang tức giận, ta có thể thấy điều đó thể hiện trên nét mặt, trong lời nói và hành động của họ. Tâm của người phẫn nộ bị che khuất, chao đảo và đầy đau khổ. Như một quả trứng thối, nó không có ích gì cho bất cứ ai. Dầu người đó có đeo trang sức đắt tiền, ăn mặc sang cả, nhưng một khi họ đã để sân hận ngự trị tâm mình, thì chỉ có sự khốn khổ, xấu xí và đớn đau dành cho người ấy. Đức Phật dạy rằng: “Sân hận giống như lửa đốt tâm ta”, và chính ngọn lửa đó đã bắt cháy cả lời nói và hành động của chúng ta. Ngài đã nói: "Nahi Sathu Kotho," sân hận hoàn toàn đáng trách và đáng nhục. Hãy quán tưởng xem sân hận tốt hay xấu. Từ thuở bé đến trưởng thành, đã bao nhiêu lần chúng ta nổi sân? Rất nhiều lần đối với tất cả mọi người. Giờ chúng ta già đi, nhưng nhiều người vẫn tích trữ những tư tưởng bất thiện, não hại đó. Các uế nhiễm đó hôi thối, khiến ta và người phải khổ sở! Nhưng thay vì thanh lọc tâm, chúng ta lại để cho các rác rưởi này ở yên, không bao giờ cố gắng để dọn sạch chúng. Đức Phật dạy rằng nếu không biết giảm thiểu sân hận, tiêu cực thì chúng ta không phải là người trí.
Hãy tự hỏi: Sân hận có tốt không? Chúng ta đã có tánh sân hận từ bao lâu rồi? Chúng ta chưa chán tâm trạng tiêu cực đó sao? Không lẽ những cơn giận trào sôi làm bạn hạnh phúc? Bạn không muốn thanh tịnh hóa tâm sao? Bạn không muốn sống hạnh phúc sao? Hay bạn thích nắm giữ sân hận để sống một cuộc đời khổ sở? Nếu chúng ta muốn cuộc đời mình hướng tới sự tích cực, thì hãy quán sát lại nội tâm, xét lại các hậu quả của sân hận. Bạn sẽ thấy rằng việc quan trọng nhất là phải chiến thắng sân hận. Vậy thì làm sao để đoạn trừ nó để ta được sống hạnh phúc?  Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần quán sát nội tâm cặn kẽ để có thể hiểu sự việc rõ ràng. Nếu không làm như thế, chúng ta sẽ sống một cuộc sống bất hạnh. Đơn giản như thế. Đức Phật đã dạy chúng ta rằng chẳng bao giờ nên phản ứng lại một người đang giận dữ với sân hận. Nếu phản ứng giống thế, chúng ta còn tệ hơn họ, còn điên dại hơn và chắc chắn là không thể tốt hơn họ về mặt nào cả. Đáp trả lại tâm sân bằng sân tâm, thật vô ích. Chúng ta hãy tìm cách để tránh, để buông, và thanh lọc khỏi sự rồ dại này. Hãy nghĩ đến những cách để buông sự si mê này. Điều này có thể thực hiện được bằng cách huân tập sự kiên nhẫn, khiêm cung. Thí dụ, cha mẹ có thể cho con một món đồ chơi mới, sau đó thấy nó bị bể vỡ. Lúc ấy, thay vì nổi giận, cha mẹ có thể quán tưởng về tính không bền vững của vạn vật. Do đó cũng bình thường khi đồ chơi bị sờn cũ, hư hỏng, dầu đứa trẻ có gìn giữ như thế nào. Trái lại, nếu cha mẹ chỉ chú tâm đến sự bất cẩn của con đối với món đồ chơi, thì chắc chắn họ sẽ phật lòng. Trong bất cứ hoàn cảnh xã hội nào, chúng ta cũng cần nỗ lực buông bỏ các cảm giác sân hận. Nếu chúng ta nổi sân và không thể chịu đựng hơn nữa, thì tốt nhất là tách mình ra khỏi hoàn cảnh đó.  Không liên hệ với những người phiền nhiễu ta, sẽ giúp làm giảm sự hiềm hận. Đó là một cách buông bỏ sân hận tạm thời. Cách này giúp sự hiềm hận được kiểm soát cho đến khi ta lại gặp người hay hoàn cảnh gây bất mãn cho ta.
Có những cặp vợ chồng khi trao đổi, họ thường nói theo kiểu ‘ăn thua’ đưa đến tranh cãi, giận hờn. Họ không lắng nghe nhau. Thay vào đó, họ không ngừng thóa mạ lẫn nhau. Con cái cũng thường tranh cãi với cha mẹ, không tuân theo lời dạy bảo, khiến cha mẹ nổi giận, dầu họ rất yêu thương con cái. Vậy cha mẹ phải làm gì? Khi cha mẹ thực sự tức giận, thì đó là lúc phải bỏ qua tranh chấp.  Như thế, cha mẹ sẽ có cơ hội để nguôi giận. Dầu xung đột vẫn có thể lại xảy ra, nhưng họ đã có một khoảng không gian để thở bằng cách làm giảm bớt sự căng thẳng trong một thời gian ngắn. Hãy nhớ rằng đây không phải là cách ngăn trừ sân giận khởi lên vĩnh viễn.
Chúng ta thường có khuynh hướng tự trách. Ngay cả khi ta cố gắng phát triển tình thương yêu, ta cũng có thể trở nên bực bội bản thân.  Khi phạm một lỗi gì đó, chúng ta kết tội bản thân gắt gao. Thí dụ khi ta có một quyết định sai lầm trong công việc hay mua một món hàng không tốt, có thể khiến ta thất vọng, tự trách, cho rằng mình dại dột.  Sự chú trọng vào lỗi lầm là cách khiến sân hận phát khởi và kéo dài.  Thay vì chìm đắm trong sự tự trách, ta nên nghĩ rằng việc phạm sai lầm cũng là bình thường. Không có chúng sanh nào không phạm lỗi lầm. Dầu rất khó để không bao giờ bị sân giận làm chủ, hãy cố gắng kiên nhẫn và khiêm cung. Tâm chưa từng được rèn luyện thì khó kiểm soát. Vì thế hãy quán chiếu để phát triển hiểu biết về cách sân hận sinh khởi. Chúng ta không thể kiểm soát tâm mình, cũng như không thể kiểm soát tâm người khác, kể cả con cái chúng ta. Không phải lúc nào chúng cũng nghe theo ta, vì chúng là một cá nhân riêng biệt. Con cái không phải là sở hữu của ta. Ta không thể ép buộc chúng chỉ làm theo ý ta, vì thế oán giận chúng thật vô ích. Thay vào đó, chúng ta cần học hỏi từ chúng, để biết tính cách, trạng thái và hiểu cách chúng phản ứng như thế nào trong một số hoàn cảnh. Khi ta có thể hiểu tánh cách, tính khí của người khác thì ta có sự trang bị tốt hơn để đối phó với họ.  Tránh né những người làm ta sân giận không thể giải quyết vấn đề.  Thay vào đó, chúng ta cố gắng vun trồng sự chịu đựng đối với những người hay khiến ta nổi sân. Cố gắng để tìm các phương tiện thiện xảo giúp ta có thể nhìn sự việc từ quan điểm, ý nghĩ của họ. Khi đã có thể hiểu họ hoàn toàn, là chúng ta đã tập sống thân thiện với nhau, trao đổi hòa nhã, ít tranh cãi, sân hận, ác ý hay thành kiến. Đây là điểm mấu chốt. Nếu ta không hiểu những người chung quanh, ta khó tránh khỏi xung đột. Ta chỉ có thể kiềm nén các cảm xúc sân hận một cách tạm thời hay ngắt khoảng. Thay vào đó, ta cần buông bỏ sân hận bằng cách vun trồng kiên nhẫn, và luôn buông các cảm giác tiêu cực phát sinh. Chúng ta cần phát triển khả năng lắng nghe và đối thoại. Thí dụ, khi người chồng nói, thì vợ cần cố gắng lặng yên lắng nghe mà không chỉ trích. Tương tự, khi người vợ nói thì chồng phải kiên nhẫn, không trả lời cộc lốc. Bằng sự kiên nhẫn, vợ chồng sẽ không phiền hà nhau.  Rồi họ sẽ đạt được kỹ năng giao tiếp hòa hợp. Trái lại, nếu vợ chồng tiếp tục cãi vả, mức độ căng thẳng sẽ gia tăng, lời nói sẽ ồn ào đến độ tất cả hàng xóm đều biết chuyện. Ai cũng biết chắc chắn trong ngôi nhà đó không có hạnh phúc, và họ trở thành đề tài đàm tiếu của mọi người.
Thay vì phản ứng lại cách đối xử không tốt đẹp của các thành viên trong gia đình, ta vẫn có thể nhìn họ với con mắt yêu thương. Chúng ta có thể tạm thời bực bội, vì họ không hành xử giống như ta mong muốn. Nhưng ta nên tự hỏi: “Bực mình có ích lợi gì không?” Chúng ta có thể muốn con cái cư xử lễ phép, quan tâm, chân thật, nhưng ta phải chấp nhận sự thật là con người sinh ra có những tính cách khác nhau và hành động khác nhau. Những người sống chung nhau có trái ý nhau cũng là chuyện bình thường. Chúng ta cần phải tìm hiểu về tính cách và tánh khí của nhau để có thể hiểu các hành động của nhau. Có người siêng năng, tánh dễ thương, nói dễ nghe, mau hiểu biết. Kẻ thì lầm lì, chậm chạp, bung thùa, nói năng cộc lốc. Con người rất khác nhau. Khi có sự hiểu biết, thì dễ tha thứ hơn và không để bị dính mắc vào các phản ứng tiêu cực. Hãy cố gắng luôn quán chiếu rằng sự thật là con người rất khác nhau. Hãy phát triển khả năng tìm hiểu và quán sát người dầu cho họ là ai, không kể tuổi tác, giới tính. Thí dụ, ta quán sát thấy người già thường than phiền hơn. Đôi khi họ bực bội một cách vô cớ. Khi đã hiểu như thế, thì thay vì bực bội, chúng ta có thể thay đổi cách nhìn và thái độ đối với họ. Nếu ta cố gắng tự sửa chữa mình hơn là thay đổi người khác, thì những sự thay đổi tích cực của ta sẽ được người khác ghi nhận. Nhìn ra được sự nguy hiểm và khổ đi kèm với sân hận chính là cách để buông bỏ nó. Khi ta sân hận, đó là sự uế nhiễm của tâm. Sân hận và tiêu cực ở trong tâm, và đó là nơi chúng cần được chế ngự và buông bỏ.  
Nếu mọi người hiểu sự tai hại mà sân hận mang đến bằng cách sử dụng sự hiểu biết rõ ràng về Phật pháp, thì tất cả chúng ta đã có thể vứt bỏ sân hận để sống với tâm trí nhẹ nhàng.
Khi sân hận khởi lên, hãy để cảm xúc đó lắng xuống trước khi hành động. Cố gắng kiên nhẫn và khiêm cung. Đừng biểu lộ các cảm xúc bất thiện. Hãy chịu đựng. Chớ thể hiện sự tiêu cực ra nét mặt. Nếu ta có thể tiết giảm sân hận, rồi buông bỏ nó, thì tất cả mọi người sẽ sống chung trong hòa bình và hòa hợp, bất kể chủng tộc, tín ngưỡng, giới tính của chúng ta là gì.
Vì vậy, chúng ta hãy tóm tắt những cách để từ bỏ sân hận. Trước tiên, chúng ta có thể tránh xa một tình huống hoặc người đang kích động cảm giác tức giận trước khi ta nói hay hành động sái quấy. Kế đến ta có thể quán sát, tìm hiểu những người quanh ta để có thể hiểu những thói quen và cá tính của họ. Sau đó, ta có thể quán sát những thói quen sân giận của ta, để thấy những cử chỉ, lời nói hay ý nghĩ gì có thể kích động ta đánh mất sự bình tĩnh. Sau đó với sự hiểu biết sâu rộng hơn, ta sẽ thấy sân hận vô ích như thế nào. Ta sẽ thấy nó chỉ mang lại bất hạnh như thế nào. Rồi với tư cách là những chúng sanh có trí tuệ, chúng ta sẽ có thể buông bỏ nó. Khi ta có thể làm như thế, tâm trí ta sẽ được bình an. Sau khi nghe được giáo lý của Đức Phật, chúng ta phải nhớ để áp dụng Pháp trong sự thực hành hằng ngày. Trong bất cứ điều gì ta nghĩ, nói hay làm. Nhờ thế ta có thể hoàn toàn trừ diệt sân hận và học sống vui vẻ. Xin hãy cố gắng thực hành. 
11.2021
(Lược dịch từ THE ABANDONING OF ANGER, 2003)
Thực Tại Của Tuổi Già
Tác giả:Lewis Richmond
Lewis Richmond là đệ tử xuất gia với Roshi Shunryu Suzuki. Ông là giám đốc Tuyên giáo trong nhiều năm tại Thiền viện Green Gulch ở San Francisco, tiểu bang California, Mỹ.
Tất cả chúng ta sẽ già đi và chết, đó là một sự thật không thể chối cãi. Tôi đang ở tuổi bảy mươi. (Nếu bạn đã chọn đọc bài viết này, tôi nghĩ bạn cũng đã bước vào tuổi xế chiều). Dầu tôi đã bắt đầu học Phật từ khi còn trẻ, sự sâu sắc, có chiều sâu của Phật giáo chỉ thực sự hiển nhiên khi tôi đã lớn tuổi. Tôi nhận ra rằng tuổi già chính là căn bản của những điều Phật dạy.  Ngài nói rằng chúng ta cần sống đúng theo thực tại - không phải đúng theo các quan điểm, suy diễn hay lý thuyết. Tuổi già là một thực tại.
Cách đây không lâu, tôi có dự một buổi thuyết giảng của một vị Lạt ma Tây Tạng. Trong buổi nói chuyện, vị Lạt ma nói rằng một trong những giáo lý đơn giản và quan trọng nhất mà ngài nhận được từ các vị thầy của mình là "Pháp là thực tại". Sau đó, tôi hỏi ý ngài là sao.
Ngài trả lời: "Tôi đã đi chu du thế giới. Nhiều người đã đến, ngồi dưới chân tôi và lắng nghe những lời tôi nói. Đôi khi họ tổ chức các sự kiện lớn và tiệc tùng cho tôi. Nhưng những thứ đó không phải là Pháp.  Không phải là thực tại. Thực tại là vô thường. Thực tại là sự thay đổi".
Sư phụ tôi, Roshi Shunryu Suzuki,đã từng nói một điều tương tự như thế. Thí dụ, sau một buổi thuyết giảng tại tu viện Tassajara Zen ở California, một sinh viên bày tỏ ý kiến: “Ngài đã nói rất nhiều thứ phức tạp về Phật giáo nhưng tôi không hiểu gì. Có thứ gì ngài có thể nói để tôi hiểu chăng?”
Roshi Shunryu Suzuki.
Roshi Suzuki đợi cho tiếng cười trong khán phòng lắng xuống.  Đoạn ngài bình tĩnh nói: “Tất cả mọi thứ đều thay đổi.”
Cả hai vị, Lạt ma Tây Tạng và Roshi Suzuki, đều nhấn mạnh đến sự thật về vô thường. Tôi đã học được từ các vị thầy này rằng chúng ta cần phải sống cuộc sống sao cho phù hợp với cách mọi vật thực sự là - và rằng bạn có thể thấy thực tại này được phản ánh rõ ràng nhất trong cơ thể và tâm trí già nua đi của chính bạn.
Một lần khác có người hỏi: "Tại sao chúng ta thiền?" Roshi Suzuki trả lời: "Chúng ta hành thiền để có thể an hưởng tuổi già". Vào thời điểm đó, có lẽ ông đã ở độ tuổi sáu mươi và vừa hồi phục sau một cơn bệnh kéo dài cả năm, nhưng ông dường như đang rất yêu đời, luôn cười rất nhiều, như ông vẫn thường như thế.
Lúc đó tôi không hiểu ý ông, nhưng giờ tôi hiểu. Để có thể chấp nhận và an hưởng giai đoạn của tuổi già, của việc hướng đến cuối đời, chúng ta cần phải có một nền tảng và cơ sở trong việc hiểu biết thực tại là gì.
Giáo lý về thực tại của "già, bệnh và chết" là cốt lõi của truyền thống Phật giáo. Khi ta thoáng nghe "Già là một thực tại", có vẻ không hấp dẫn - nó có thể khiến ta chán nản, trầm cảm. Thật ra việc nhấn mạnh đến thực tại của già, bệnh và chết không phải để người nghe chán nản. Nhưng đó là cách để nhắc nhở mọi người về bản chất của thực tại: mọi thứ đều hao mòn và cuối cùng hoại diệt. Điều này, tất nhiên, đúng với tất cả mọi chúng sinh có mặt trên cõi đời này. Không kể là bạn giàu hay nghèo, quyền lực hay bất lực.
Đối với chúng ta ngày nay, sự thật về cái chết khó tránh khỏi hơn bao giờ hết. Đại dịch Corona toàn cầu là một thực tế mà chúng ta chắc chắn không thể phủ nhận hoặc trốn tránh. Ta có thể nghĩ về COVID-19 như một khoảnh khắc "tia chớp" - một khoảnh khắc nhận thức không phải là không giống với những gì Đức Phật đầu tiên tiếp cận với già, bệnh và chết.
Đầu tiên thái tử Siddhartha nhìn thấy một người bệnh. Thái tử hỏi, "Chandra, người đó bị vấn đề gì?" Chandra thưa: "Người đó bị bệnh". Điều tương tự cũng xảy ra khi ngài nhìn thấy người già và xác chết: hai khoảnh khắc không thể tránh nữa của thực tại. Tuy nhiên, người thứ tư mà ngài nhìn thấy là một nhà sư với vẻ mặt thanh thản, điều này đã gợi ý cho ngài về khả năng có một cách để vượt qua những thực tại khắc nghiệt này về già, bệnh và chết.
Với đại dịch Corona, chúng ta phần nào đã trở lại trong thế giới mà Đức Phật đã sống, đó là một thế giới của sự không chắc chắn, sợ hãi và lo lắng. Có vẻ như chúng ta đang chìm đắm trong thực tại ghê rợn đó. Nhưng vấn đề là - cho dù chúng ta có nhận ra hay không - bằng cách thuận theo theo cái khổ này, chúng ta đang hiện thực hóa giáo lý của Đức Phật. Đối mặt với già, bệnh và chết, khiến bạn đương nhiên trở thành một Phật tử.
Tôi tin rằng khi bạn đối mặt với cái chết của mình - cho dù bạn có thiền định hay không, cho dù bạn có bình tĩnh hay không - bạn thực sự đang thực hành giáo lý cốt lõi của Đức Phật. Khi chúng ta đeo khẩu trang, găng tay và đứng cách nhau hai thước, nỗi sợ chết của chúng ta liên tục được kích hoạt. Nhưng những lời nhắc nhở liên tục rằng chúng ta phải chịu sự vô thường có thể là những lời nhắc nhở rất hữu ích để ta có thể thực hành Phật giáo như Đức Phật đã làm - bằng cách đối mặt với nỗi sợ hãi về già, bệnh và chết với lòng can đảm và mong muốn làm giảm bớt nỗi khổ của mình và của người.
12.2021
(Lược dịch theo Reality of Aging, tạp chí Phật giáo Tricycle 2/9/2020)
VUN TRỒNG CHÁNH NIỆM TRONG CÔNG VIỆC
Tác giả: Michael Carroll
Michael Caroll đã nghiên cứu về Phật giáo Tây Tạng từ năm 1976, đã hoàn tất chương trình Phật học năm 1982, và là một giáo thọ được truyền thừa trong dòng thiền của thiền sư Tây Tạng Chogyam Trungpa.
Michael Carroll đã dạy ở các trường như đại học Columbia, đại học St. Mary, trường Cao Đẳng Swarthmore, Tu viện Sơn Thiền (Zen Mountain) và nhiều trung tâm tu học khác ở khắp nước Mỹ, Canada và Âu Châu.
Huân tập chánh niệm trong công việc rất thực tế và đơn giản.  Đó không phải chỉ là ý tưởng; chúng ta không thể chỉ hy vọng rằng mình được tỉnh thức, rồi phú mọi thứ cho may rủi, với ý nghĩ mơ hồ về việc đạt được một trạng thái an lạc trong công việc. Chánh niệm trong công việc là tập buông bỏ sự chống đối và cảnh giác một cách thông minh, đầy năng lượng đối với cuộc sống của ta ở nơi làm việc. Tiến trình này rất riêng tư và cam go. Nó có nghĩa là tập sống cuộc sống của ta một cách cao đẹp, không sợ hãi, tận tình và tiếp xúc trực tiếp với trải nghiệm của mình.  Điều này đòi hỏi nỗ lực và kỷ luật.
Bạn có thể nghĩ đến kỷ luật như một loại tâm lý ở các trại lính hay một thứ hình phạt. Có thể nói đến kỷ luật, là bạn nghĩ đến việc phải từ bỏ món ăn mình ưa thích, phải chạy đường xa, phải chào cấp trên và thực hiện bổn phận của mình. Tuy nhiên, trong trường hợp này, kỷ luật không phải là hình phạt, sự cấm đoán hay sự bó buộc. Đúng hơn, kỷ luật đòi hỏi sự tỉnh thức trong công việc là tập cho ta hoàn toàn chân thật với bản thân và chế ngự bất cứ sự giả tạo, làm màu về các tình huống trong công việc.
Sự chân thật như thế đòi hỏi ta phải tiếp cận công việc của mình với một trí tuệ sắc bén, và tâm trong sạch chứ không phải càn bướng hay dại khờ. Kỷ luật trong công việc đòi hỏi chúng ta không được lừa dối bản thân - dừng cố gắng bảo vệ công việc, quyền lợi của mình, con đường bằng phẳng thẳng đến thành công của mình - mà nguyện chú trọng đến và chân thành về kinh nghiệm thực sự của mình. Sự sẵn lòng này trang bị cho giai đoạn tham gia vào công việc một cách thiện xảo, lúc công việc khai triển chứ không cố gắng để bảo vệ quyền lợi hay thu thập những sự đảm bảo nửa vời. Cái kỷ luật chân thật đó là cốt lõi của chánh niệm, và nó cũng không tự động xuất hiện mà ta phải vun trồng nó với thời gian.
Phật giáo có bề dày truyền thống về các phương pháp chánh niệm, đã từng được phát triển và trao truyền từ thầy xuống đệ tử hằng bao thế kỷ. Phương pháp phổ thông nhất trong các hệ phái Phật giáo và một số truyền thống ngoài Phật giáo được gọi là thiền chánh niệm-tỉnh giác (mindfulness-awareness). Lúc tọa thiền, chúng ta tập yên tĩnh, trải nghiệm tâm trí một cách trực tiếp trong giây phút hiện tại. Chúng ta khám phá một cách nhẹ nhàng và chính xác chúng ta là ai, và là gì, rồi dần dần nhìn xuyên qua được những sự tự lừa mị bản thân, để trở nên tỉnh giác về trải nghiệm của ta và thoáng nhận ra một sự tỉnh thức cơ bản mà thực chất của nó là luôn có mặt. Nhờ tọa thiền, chúng ta bắt đầu liên hệ trực tiếp với quyền lực đơn giản và sự uyển chuyển của việc là chính mình, ngay tại đây, ngay bây giờ.
Tọa thiền đơn giản một cách không ngờ: Chúng ta ngồi thẳng, trong ghế hay trên tọa cụ trên sàn nhà, và duy trì sự chú tâm ở giây phút hiện tại. Mắt có thể mở, hai tay nhẹ nhàng để trên đùi hay trong lòng, hơi cúi nhìn xuống. Thở bình thường và ngồi yên. Căn bản, chúng ta chỉ cần làm thế. Chỉ ngồi. Điều đó có vẻ rất đơn giản, nhưng có rất nhiều chuyện xảy ra.
Khi ngồi yên, chúng ta sẽ khó tránh việc nhận ra sự sinh động của giây phút hiện tại, dầu chỉ là trong tích tắc ngắn ngủi. Chúng ta có thể ghi nhận âm thanh của chiếc quạt hay cảm nhận sự xúc chạm với các thớ gỗ trên mặt sàn. Có thể chúng ta nhận ra tiếng vọng mơ hồ của xe cộ ở phía xa, hoặc cảm nhận sự ẩm ướt, mát lạnh của giọt mưa nhẹ nhàng rơi trên mái nhà. Khi ngồi, chúng ta thoáng thấy cái bây giờ (nowness) đơn giản, rõ ràng của cảnh sắc, âm thanh và xúc cảm vật lý (thọ). Chúng ta cũng có thể nhận ra rằng mình đang nghĩ suy. Chúng ta có thể nhớ lại một chương trình truyền hình ưa thích hay tưởng tượng ra cuộc trao đổi không dễ dàng với người thân yêu sắp diễn ra.
Tư tưởng của ta có thể lăng xăng, bực bội, uẩn khúc, tẻ nhạt hoặc đầy màu sắc và cuốn hút. Tính chất lăng xăng, biến đổi của tâm không phải là một vấn đề; đó là cái chúng ta phải giải quyết. Khi ngồi, chúng ta theo dõi sự nghĩ suy và cảm xúc bằng cách huân tập một sự chú tâm về hơi thở một cách nhẹ nhàng, nhưng chính xác. Khi nhận ra mình đang suy nghĩ, chúng ta nhẹ nhàng chuyển đổi. Chúng ta cố ý ghi nhận sự suy nghĩ của mình và nhẹ nhàng đem sự chú tâm trở về với hơi thở. Khi ngồi thiền, ta tập dõi theo hơi thở một cách nhẹ nhàng như thế để thăng bằng sự chú tâm của ta trong khoảnh khắc hiện tại.  Bằng cách ngồi như thế đó, chúng ta cảm nhận được nhịp điệu của tim, thâm nhập vào xúc cảm, nghĩ suy đủ loại. Tuy nhiên, thay vì để mình chìm vào trong tình cảm và sự nghĩ suy đó, ta tập nhận biết các cảm xúc đó, rồi buông bỏ, đem sự chú tâm trở về với cuộc sống trong khoảnh khắc tức thời, ngay tại đây, ngay bây giờ.
Có thể bạn đã thử qua một phương pháp chánh niệm nào đó. Nếu bạn chưa từng biết qua chánh niệm và hành thiền, thì cũng tốt thôi, vì giờ bạn sẽ có cơ hội để nghĩ đến việc vun trồng chánh niệm trong đời bạn và nhất là trong công việc.
Nếu bạn mong muốn liên hệ với công việc bằng một phương cách cởi mở, khôn ngoan, và nhẹ nhàng, tôi tin rằng bạn sẽ được nhiều ích lợi hơn khi thực hành tọa thiền thường xuyên. Rất nhiều người trước chúng ta đã thực hành thiền và đã khám phá ra trí tuệ tự nhiên, giúp chuyển đổi cuộc đời họ, và những khả năng đó cũng có thể xảy đến cho chúng ta. Chánh niệm trong công việc sẽ giúp ta tin vào những khả năng tự nhiên và khám phá lại cảm giác an lạc ở nơi làm việc.
Dĩ nhiên, chánh niệm sẽ không giúp cho công việc của ta bớt bộn bề.  Khách hàng khó tính, máy tính bị nhiễm vi-rút, hay một đồng nghiệp quá tỵ hiềm, sẽ không tự dưng biến mất chỉ vì chúng ta chánh niệm, tỉnh giác trong giây phút hiện tại. Và sự chống đối của ta đối với những khó khăn trong công việc cũng thế. Chúng ta có thể vẫn cảm thấy bực bội với người bạn đồng nghiệp cứng đầu, luôn chỉ trích báo cáo của ta, hay cảm thấy bất ổn với viễn ảnh mất việc hay lòng oán trách đối với cấp trên. Chánh niệm trong giây phút hiện tại sẽ không bao giờ có thể loại trừ được những vấn đề có thật và không bao giờ dừng của công việc hoặc tất cả sự chống báng của ta đối với công việc.
Nhưng chánh niệm giúp ta tăng thêm sự hiếu kỳ về khó khăn của mình. Ta càng chú tâm đến công việc trong giây phút hiện tại, thì chánh niệm của ta càng bắt đầu phát triển tâm hiếu kỳ sắc bén.  Chúng ta vẫn tiếp tục công việc mình làm, nhưng giờ ta chủ tâm hơn với việc làm thế nào mà công việc thành ra bề bộn, và ta đã phản kháng như thế nào. Sự khó chịu của ta đối với khách hàng hay sự lưỡng lự khi muốn thẳng thắn với cấp trên, không còn là sự biểu lộ bực bội mà đã trở thành rõ nét và thú vị đối với ta.  Điều đó giống như chúng ta bị ám ảnh bởi tính chánh niệm cao độ của mình. Ta tiếp tục chủ tâm hơn, biết dừng lại giữa bộn bề công việc, cởi mở hơn với sự thô ráp của những trải nghiệm hằng ngày trong công việc, và trở nên thẳng thắn với bản thân.
Do đó, phát triển chánh niệm thực sự là trách vụ chính của chúng ta ở nơi làm việc. Nhưng không phải vì chúng ta thích phát triển tâm linh cho bản thân hơn là hoàn thành công việc. Chánh niệm trong công việc không có nghĩa là biến nơi làm việc của ta thành một khóa tu ở Hy Mã Lạp Sơn hay một chỗ ngồi thiền. Thực ra, chánh niệm trở thành cốt lõi vì cuối cùng chúng ta cũng muốn thực hiện công việc của mình cho đúng, hơn là bảo vệ bản thân khỏi những tiêu cực trong công việc.  Chúng ta chánh niệm trong công việc - đúng vậy, suốt đời - vì một lần cho tất cả, ta muốn sống một cuộc sống tốt đẹp, không lo lắng, sân hận.
9.2021
(Trích dịch từ Awake At Work, NXB Barnes & Nobles, 2004)
LÒNG BIẾT ƠN
Tác giả: Ajahn Sumedho
Ajahn Sumedho, thế danh là Robert Kan Jackman. Ông sanh năm 1934 tại thành phố Seattle, tiểu bang Washington, Mỹ và lớn lên trong một gia đình đạo Tin Lành cùng với một người chị. Từ năm 1951 đến 1953, ông học tiếng Trung Hoa và sử học tại Đại học Washington. Sau đó ông làm cán bộ y tế cho Hải quân Mỹ. Làm y tế được bốn năm, ông quyết định đi học trở lại và tốt nghiệp bằng cử nhân khoa Đông phương học. Nhờ ngành học này, ông được làm quen với đạo Phật qua sách vở; và bốn năm làm y tế trong Bộ Hải quân Mỹ đã cho ông cơ hội tiếp xúc với Giáo hội Phật giáo Nhật Bản.
Năm 1966, ông đến Thái Lan, tìm hiểu thêm về đạo Phật, tu thiền và sau đó thọ giới sa di tại một ngôi chùa quê hẻo lánh, Wat Sri Saket, thuộc tỉnh Nong Khai, miền đông bắc Thái Lan. Sư tu học thiền minh sát (Vipassana) với ngài Ajahn Chah tại tu viện Wat Nong Pa Pong, thuộc tỉnh Ubon trong hơn 10 năm.
Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỷ-kheo, nếu một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm, cho đến trăm tuổi;... Hơn nữa, này các Tỷ-kheo, nếu có an trí cha mẹ vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy báu này, như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, họ nuôi dưỡng chúng, cho chúng cơm áo, sinh chúng ra đời.
Nhưng này các Tỷ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn an trú các vị ấy vào lòng tin; đối với mẹ cha theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào thiện giới; đối với mẹ cha xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào bố thí; đối với mẹ cha theo ác trí tuệ, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha.
(Tăng Chi Bộ Kinh, HT Thích Minh Châu, Chương 2, Phẩm Tâm Thăng Bằng)
Thiền viện AMARAVATI - Một ngày đặc biệt. Buổi sáng nay nhiều người đã tụ họp về đây dự một buổi lễ theo truyền thống, để hướng về cha mẹ -những người đã quá cố hay vẫn còn hiện tiền. Vào ngày này, chúng ta nghĩ đến kataññu kataveti, trong tiếng Pali có nghĩa là biết ơn. Biết ơn là một hành động thiện trong cuộc sống; để phát triển kataññu chúng ta chủ tâm nghĩ đến những điều tốt đẹp chúng ta có được trong cuộc đời. Vì thế vào ngày này, chúng ta đặc biệt nghĩ đến những hành động thiện của cha mẹ và quán tưởng đến họ.  Chúng ta không nghĩ đến những sai lầm của họ; thay vào đó, chúng ta cố ý chỉ nghĩ đến những điều tốt đẹp. Và sự tử tế mà cha mẹ đã dành cho ta - dầu trong một số trường hợp, không phải lúc nào tâm rộng lượng cũng có mặt. Đây là một ngày trong năm mà chúng ta nghĩ đến cha mẹ với lòng biết ơn và tưởng nhớ đến những điều tốt đẹp mà cha mẹ đã dành cho ta.
Sống mà không có lòng biết ơn là một cuộc sống vô nghĩa. Nếu cuộc đời chỉ là một chuỗi của những lời oán than về sự bất công, về những thua thiệt mà ta đã gặp phải, nhưng lại không nhớ đến những may mắn đã từng đến với ta, thì chắc chắn là chúng ta sẽ bị trầm cảm - một căn bệnh thường gặp trong xã hội ngày nay. Khi rơi vào trạng thái trầm cảm, chúng ta không thể nhớ có điều gì tốt đẹp đã xảy ra cho ta. Điều đó đã ngưng đọng trong trí não, và ta khó thể nghĩ là mình sẽ lại cảm thấy hạnh phúc bao giờ: trái lại ta nghĩ là sự khốn khổ này sẽ không bao giờ chấm dứt.
Ở Tích Lan, cũng như toàn châu Á, kataññu kataveti  là một nét văn hóa; nó rất được coi trọng và dung dưỡng. Có khả năng hỗ trợ và chăm sóc cha mẹ được coi là phước lớn trong đời. Điều này khá thú vị đối với những ai đến từ nền văn hóa phương Tây, vì những giá trị phương Tây hơi khác hơn thế.
Nhiều người trong chúng ta được có cuộc sống sung túc, nhưng dầu được sinh ra trong hoàn cảnh may mắn, chúng ta thường coi đó là lẽ đương nhiên. Chúng ta có nhiều đặc quyền, nhiều bổng lộc, và một cuộc sống tốt đẹp hơn rất nhiều những gì mà nhiều dân tộc trên thế giới mong ước có được. Có rất nhiều điều để ta hàm ân, nhiều thứ để ta cảm thấy biết ơn, khi ta được sống ở một nơi như Anh quốc.
Tôi nhớ lại khoảng thời gian khi tôi còn là đứa trẻ, và cách mà cha mẹ tôi đã cống hiến cả cuộc đời họ để chăm lo cho tôi và chị gái tôi. Lúc nhỏ, tôi chẳng hề quan tâm về điều đó chút nào. Là một đứa trẻ Mỹ, chúng tôi không hề nghĩ gì về điều này, chúng tôi xem việc làm đó của cha mẹ là đương nhiên. Chúng tôi không hề nhận thức được những gì họ đã hy sinh, những gì họ đã chịu đựng để chăm lo cho chúng tôi.  Chỉ khi đã lớn khôn, đã phải hy sinh nhiều thứ cho con cái hay cho người khác thì chúng tôi mới biết hàm ơn và cảm thấy biết ơn (kataññu kataveti) cha mẹ.
Tôi lại nhớ về cha tôi. Trước thời kinh tế khủng hoảng năm 1929, cha tôi là một nghệ sĩ có nhiều triển vọng. Rồi cuộc khủng hoảng xảy ra năm ’29 đã tước đi tất cả mọi thứ mà cha mẹ tôi sở hữu. Cha tôi vì thế phải đi bán giày để lo cho chúng tôi. Chị gái và tôi sinh ra trong thời kỳ Khủng Hoảng, nên ông phải lo cho chúng tôi rất nhiều. Rồi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, cha tôi đã quá tuổi gia nhập quân đội, nhưng ông rất muốn ủng hộ cuộc chiến đó, nên ông trở thành một công nhân đóng tàu ở New Seattle. Ông làm việc ở một bến tàu. Ông cũng không thích công việc đó mấy, nhưng đó là công việc tốt nhất mà ông có thể tìm được trong thời kỳ thế chiến thứ hai. Sau thế chiến, ông trở về với việc kinh doanh giày và trở thành quản lý của một cửa hàng bán lẻ.  Sau này lớn lên, khi nói chuyện với ông, tôi mới biết ông cũng không thật sự yêu thích công việc đó, nhưng ông cảm thấy mình không còn trẻ để có thể tìm được công việc nào khác. Việc ông phải hy sinh những sở thích của mình chính là để chăm lo cho mẹ tôi, chị tôi và tôi.
Ngược lại, tôi có nhiều lựa chọn hơn, nhiều cơ hội tốt hơn. Thế hệ những người trẻ chúng tôi sau này có quá nhiều lựa chọn. Tuy nhiên cha mẹ tôi thì không có những cơ hội như thế; thế hệ của họ cực nhọc hơn và phải tự lo thân khi còn khá trẻ. Cả cha và mẹ tôi đều có khả năng nhưng họ không có cơ hội để phát triển vượt lên cách kiếm sống bình thường.
Khi tôi lên đại học, vào những năm 1950, môn học thời thượng lúc bấy giờ là triết học. Lúc đó những người trẻ tuổi đều có xu hướng đổ lỗi cho người mẹ về tất cả những thất bại, bất như ý trong cuộc đời của họ. Người mẹ là đối tượng bị nhắm vào, bị gán là nguyên nhân của mọi khổ đau của con cái họ. Lúc đó tôi chưa nhận thức được rằng khổ là điều không thể tránh trong kiếp nhân sinh. Dĩ nhiên mẹ tôi cũng không hoàn hảo. Bà đâu phải là người đã giác ngộ khi sanh tôi ra, nên hiển nhiên là có nhiều điều bà có thể làm tốt hơn. Nhưng nói chung, sự hy sinh, tận tụy, tình thương yêu, lo lắng luôn có mặt - tất cả chính là để làm cho cuộc sống của cha tôi, chị tôi và tôi được tốt đẹp, được hạnh phúc trong khả năng mà bà có thể mang đến. Mẹ tôi không đòi hỏi gì riêng cho bản thân. Vì thế, khi nghĩ lại những điều như thế, thì lòng biết ơn (kataññu) đối với cha mẹ, phát khởi trong tôi. Giờ tôi khó lòng nhớ lại bất cứ sai lầm nào của họ; những sai lầm mà khi còn trẻ, chúng luôn ám ảnh trong đầu tôi; giờ những lỗi lầm đó quá nhỏ bé khiến tôi khó thể nhớ lại điều gì.
Tuy nhiên, nếu chúng ta để mãnh lực của thói quen và hoàn cảnh lôi kéo, chúng ta ít nhiều gì cũng dính mắc với tất cả những thứ ta đã khắc ghi trong lòng - với những thói quen mà ta đã huân tập từ khi còn bé - những thứ này có thể chiếm lĩnh tâm thức ta ở tuổi già. Nhưng khi lớn lên, trưởng thành, ta nhận thức là ta có thể phát triển sự thiện xảo trong cách mà ta nghĩ về bản thân, và trong cách mà ta nghĩ về người khác.
Đức Phật khuyên chúng ta nên nhớ nghĩ đến những điều tốt đẹp mà cha mẹ, các vị thầy, thân hữu, hay bất cứ ai, đã làm cho ta; và phải chú tâm làm điều này - vun trồng nó, chủ tâm đem nó vào tâm thức- hơn là để nó xảy ra một cách tình cờ, ngẫu nhiên.
Khi trở thành một tu sĩ Phật giáo ở Thái Lan, tôi may mắn được gặp vị thầy, Luang Por Chah (Ajahn Chah), người đã trở thành chất xúc tác cho lòng biết ơn (kataññu) trong tôi trỗi dậy. Lúc đó tôi khoảng ba mươi ba hay ba mươi bốn tuổi, và tôi phải thú nhận rằng tôi chưa hề có lòng hàm ân trong cuộc đời. Tôi vẫn còn chấp ngã nặng nề, lúc nào cũng là tôi muốn gì, tôi nghĩ gì. Tuy nhiên, sau một thời gian tu tập, khoảng năm thứ sáu trong cuộc đời tu của mình, tôi đã có được một trải nghiệm sâu sắc, một trải nghiệm được coi như là một trải nghiệm của lòng biết ơn (katannu katavedia).
Tôi đã xuất gia nhiều năm trước khi được gặp ngài Luang Por Chah.  Tôi bị Phật giáo cuốn hút năm 21 tuổi, nên tôi rất ngưỡng mộ và tin tưởng vào Phật giáo, cũng như rất sốt sắng để học và thực hành Phật pháp. Nhưng tận cùng sâu thẳm vẫn là cái cảm giác của ngã chấp, của tôi tu học, tôi thực hành. Khi xuất gia, trong đầu tôi vẫn còn cầu mong: “Tôi muốn được giải thoát. Tôi muốn được giác ngộ”. Tôi không quan tâm đến người khác, đến cha mẹ, hay ngay cả đến ngài Luang Por Chah, là người đang giúp tôi tu học. Tôi cũng nghĩ là ngài rất tốt vì đã giúp đỡ tôi (xin ‘cảm ơn’), nhưng trong lòng tôi không có cảm giác hàm ân.
Thật là một ý nghĩ rất lạ kỳ, một loại suy nghĩ không tốt lành gì: Tôi nghĩ rằng đó là chuyện tự nhiên, rằng cuộc đời phải mang đến cho tôi những thứ đó - một thứ ngã mạn khó chấp nhận. Khi lớn lên trong sự đầy đủ của một gia đình thuộc giai cấp trung lưu, chúng tôi đã coi mọi thứ là chuyện đương nhiên. Cha mẹ tôi đã phải làm việc cực khổ để chúng tôi được sống thoải mái, nhưng tôi luôn nghĩ là họ chưa làm đủ bổn phận, và rằng đáng lý ra tôi phải được đầy đủ hơn nữa. Dầu đó không phải là những điều tôi nói ra, nhưng thái độ tôi tỏ rõ điều đó, rằng tôi xứng đáng được có tất cả mọi thứ: người khác phải chu cấp cho tôi tất cả; cha mẹ tôi phải mang đến cho tôi một cuộc sống tốt nhất, vì tôi muốn được như thế. Do đó, tôi nghĩ bổn phận của thiền sư Ajahn Chah là phải dạy dỗ, dìu dắt tôi!
Đôi khi tôi có ý nghĩ rằng sự có mặt của tôi là một đại phước, một tài sản quý báu cho tu viện. Tôi không thực sự ý thức về điều đó, nhưng khi tôi bắt đầu quán tâm tôi có thể thấy được ý nghĩ này, và bắt đầu ý thức đến sự vô cảm này. Chúng ta có thể xem thường rất nhiều thứ và than thở là cuộc đời không tốt, không hoàn hảo, không nhiều lợi lộc như chúng ta tưởng; tệ hơn ta luôn nghĩ là kẻ khác được nhiều may mắn hơn ta.
Khi ở Thái Lan, tôi tu hành tinh tấn và kiên định trong cuộc sống xuất gia. Sau năm mùa an cư, vị tăng sĩ không còn là sa-di nữa mà có thể tự đi con đường riêng. Dầu tôi cảm thấy ở bên cạnh một vị thầy cũng tốt thôi nhưng tôi cũng muốn đi con đường riêng của mình, nên từ Đông Bắc Thái tôi đến miền Trung Thái Lan. Rồi sau một mùa an cư tôi hành hương đến Ấn Độ. Đó là vào năm 1974, tôi quyết định đi như một vị tỳ khưu - đó là đi bộ từ nơi này đến nơi khác như một cách hành pháp của một vị tu sĩ. Một thí chủ đã cúng dường cho tôi vé bay từ Bangkok đến Calcutta, và ở Calcutta tôi vấn y, đi khất thực với bình bát - vì tôi không mang tiền - không một đồng xu. Đi khất thực ở Thái Lan thì dễ rồi, nhưng ở Ấn Độ, dường như việc đi lang thang với bình bát và không tiền bạc, có thể rất đáng sợ. Sự việc xảy ra là năm tháng mà tôi ở Ấn Độ quả là một cuộc phiêu lưu, và tôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ về khoảng thời gian đó. Cuộc sống của một tu sĩ khất thực ở Ấn Độ rất suôn sẻ. Dĩ nhiên phải như thế vì so với tất cả các quốc gia khác, đây là nơi Đức Phật đã từng sống và giáo huấn.
Trong khoảng thời gian này tôi bắt đầu nghĩ đến Luang Por Chah.  Tâm tôi bắt đầu nhận thức về sự tử tế mà ngài đã dành cho tôi. Ngài đã nhận tôi làm đệ tử, chăm lo cho tôi, quan tâm đến tôi, giáo huấn tôi và giúp đỡ tôi gần như trong mọi hoàn cảnh. Ngài còn là tấm gương để tôi soi. Nếu bạn muốn làm một tu sĩ, hãy làm người tu sĩ như ngài.  Ngài là một người hoàn hảo, là người tôi muốn noi theo, là người truyền cho tôi cảm hứng - và tôi phải thú nhận rằng không có bao nhiêu người có thể khiến tôi suy nghĩ như thế. Nhiều mẫu thần tượng ở Mỹ không hấp dẫn tôi chút nào như tài tử John Wayne hay Tổng thống Eisenhower hay Richard Nixon đều là những người tôi không muốn noi theo. Các ngôi sao điện ảnh hay thể thao đều được coi là rất quan trọng, nhưng cũng không có người nào có thể khiến tôi cảm phục.
Nhưng rồi tôi được gặp vị tu sĩ ấy. Ông là người nhỏ thó; tôi cao ngất ngưỡng đối với ông. Khi chúng tôi ở cạnh nhau, điều này đôi khi làm tôi ngạc nhiên, vì sự có mặt của ông thì quá lớn. Không kể đến kích thước nhỏ bé của mình, ông dường như luôn to lớn hơn tôi. Uy lực, khí thế của người đàn ông nhỏ bé này thật đáng nể - tôi thực sự không thể coi ông là người nhỏ bé, tôi nghĩ ông là một đại nhân, và đó là vì tâm từ bi của ông. Ông là người có tâm từ bi vô lượng. Chính vì vậy mà người ta cảm thấy quý mến ông. Ông giống như một thỏi nam châm thu hút bạn đến gần với ông. Do đó những khi có thể tôi đều tìm đến thất của ông; tôi không bỏ cơ hội nào để được gần gũi, thân cận bên ông. Và tôi nhận thấy đó cũng là việc đa số các đệ tử thường làm đối với ông. Ông có rất nhiều đệ tử ở Thái Lan, cả người Thái và người Tây phương, do công hạnh từ bi của ông. Có lần tôi hỏi điều gì ở ông đã thu hút nhiều người tìm đến tu học với ông, và ông bảo, “Tôi cho đó là do thỏi nam châm của tôi”. Ông là người rất dễ gần; ông có đặc tính sôi nổi, nhiệt huyết, tỏa sáng, vì thế các đệ tử theo ông rất đông. Ông đã dùng ‘thỏi nam châm’ của mình để thu hút người ta, để ông có thể dạy cho họ Phật pháp. Đó là cách ông sử dụng cá tính dễ gần của mình: không phải cho bản ngã, mà là để cứu giúp người.
Tôi cảm thấy vô cùng hàm ân vì những việc làm như thế này - rằng ông đã bỏ thì giờ, công sức để chăm lo cho cư sĩ và những tăng sĩ đầy nghiệp chướng như bản thân tôi, phải chịu đựng những người không ngừng tạo rắc rối như chúng tôi; chúng tôi luôn chấp ngã, luôn bám víu vào ái dục, nghi hoặc, ý kiến, quan điểm của mình. Cả ngày lẫn đêm bị vây chặt bởi những người không dừng phiền não, sân hận, người ta cần phải thực sự từ bi, và ông đã làm được như thế. Ông có thể đi đến một nơi thanh tịnh để sống bình an. Đó là điều tôi cũng muốn làm lúc đó. Tôi muốn được giác ngộ để có thể sống một cuộc sống hạnh phúc, bình an ở một nơi thanh bình, an vui. Tôi muốn tất cả mọi người trong tu viện phải hòa thuận, phải ăn ý và phải hòa nhịp với tôi để không có mâu thuẫn hay xung đột gì. Nhưng trong các tu viện Thái luôn có các vấn đề và chướng ngại. Kinh Luật (Vinaya Pitaka - là bộ kinh về giới luật do Đức Phật chế ra cho hàng đệ tử xuất gia) bao gồm tất cả các tích truyện về những gì các vị tu sĩ đã làm khiến Đức Phật phải chế ra các điều luật hướng dẫn này. Một số giới luật về những điều rất tồi tệ mà các tăng sĩ có thể phạm phải. Một số các vị tu sĩ ở bên cạnh Phật thật đáng trách.
Sau khi giác ngộ, lúc đầu Đức Phật đã nghĩ là giáo Pháp của Ngài quá vi tế, khó ai có thể hiểu được, vì thế không ích lợi gì đem chúng đi truyền dạy. Sau đó, theo truyền thuyết, một trong các vị trời đã đến trước Ngài và nói, ‘Bạch Thế Tôn, hãy vì lợi ích của những người có ít bụi trong mắt mà dạy Pháp’. Đức Phật sau đó với tâm trí tuệ đã quán xét xem những ai có thể hiểu được Pháp mà Ngài sẽ dạy. Ngài nghĩ đến các vị thầy trước kia của mình, nhưng với thần lực của mình, Ngài biết rằng cả hai đều đã qua đời. Rồi Ngài nhớ đến năm người bạn đồng tu thuở xưa, những người đã từ bỏ ngài. Với lòng từ bi, Ngài tìm đến năm người bạn này và giảng về Tứ Diệu Đế cho họ. Việc này cũng khiến tôi đầy hàm ân đối với Đức Phật. Thật tuyệt diệu: tôi đây - kẻ này, ở đây, trong thế kỷ này - được có cơ hội lắng nghe Pháp, được biết chân pháp vẫn còn tồn tại.
Hơn nữa, có được một vị thầy như ngài Ajahn Chah, khiến tôi không phải chỉ tôn kính một vị tiên tri sống cách đây hơn 2500 năm, mà thực sự là tôi như được thừa kế sự truyền thừa của chính Đức Phật. Có thể nhờ được viếng thăm các thánh địa Phật giáo ở Ấn Độ mà lòng hàm ân (kataññu kataveti) trong tôi càng trở nên rất mãnh liệt. Nhận ra điều này và nghĩ đến Luang Por Chah ở Thái Lan, tôi nhớ lại mình đã suy nghĩ như thế nào trước đây: ‘Tôi đã hoàn tất năm năm tu học, giờ tôi phải ra đi. Tôi sẽ thực hiện vài cuộc phiêu lưu, làm tất cả những gì tôi muốn làm, thoát khỏi tầm kiểm soát của ông lão kia’. Tôi nhận ra rằng mình thực sự đã chạy trốn. Vào thời điểm đó có rất nhiều người Tây phương tìm đến tu viện của chúng tôi ở Thái Lan, nên tôi không muốn bị phiền hà vì họ. Tôi không muốn phải huấn luyện, thông dịch cho họ, tôi chỉ muốn sống cuộc đời của mình, không bị người khác quấy rầy.  Do đó chuyện tôi ra đi là vì động cơ ích kỷ; hơn thế nữa, tôi đã bỏ Luang Por Chah lại với những thiền sinh Tây phương không biết tiếng Thái này. Lúc đó chỉ có tôi là có thể thông dịch cho họ vì Luang Por Chah không nói được tiếng Anh.
Khi tôi cảm nhận trạng thái đầy hàm ân (kataññu kataveti) này, tôi chỉ muốn trở lại Thái Lan để phục vụ Ajahn Chah hết mình. Làm sao tôi có thể trả ơn một vị thầy như thế?… Tôi không có tiền, mà ông cũng chẳng quan tâm gì đến thứ đó.  Sau đó tôi nghĩ cách duy nhất mà tôi có thể làm để ông vui là trở thành một vị tu sĩ Phật giáo lỗi lạc, rồi trở về giúp đỡ ông; dầu ông muốn tôi làm gì, tôi cũng làm theo. Với dự tính đó, sau năm tháng ở Ấn Độ, tôi trở về lại Thái và dốc tâm phục vụ thầy. Đó là một sự cúng dường đầy hoan hỷ, không phải do ích kỷ, hẹp hòi, vì hành động đó phát xuất từ lòng biết ơn (kataññu), biết ơn về những điều tốt lành tôi đã thọ nhận từ thầy.
Từ đó trở đi, tôi nhận thấy việc hành thiền của mình bắt đầu có tiến bộ. Tâm ích kỷ sâu dày trong tôi bị vỡ nát: cái tôi muốn điều này điều nọ, muốn mọi người hòa thuận, cái tôi và tâm mong cầu tu tập để được một cuộc sống bình an, cái tôi không muốn có trách nhiệm với bất cứ điều gì mà chỉ muốn lo việc của riêng mình. Khi tôi buông được tất cả những thứ đó, mọi thứ dường như ổn định hơn. Những gì khi trước khó khăn, như định tâm chẳng hạn, trở nên dễ dàng hơn, và tôi cảm thấy cuộc sống vui tươi hơn. Tôi bắt đầu thích cuộc sống trong tu viện.  Tôi không chỉ ngồi đó than thở, ‘Tôi bị quấy rầy, tôi không thích tu viện này - Tôi muốn chuyển đi nơi khác’, như tôi vẫn thường làm trước đây. Tôi cũng không thấy nhiều phiền não như trước kia: “Ông tăng này làm phiền tôi quá, tôi không thể sống ở đây’, vân vân. Tâm phiền não này thường là chướng ngại trong việc tu tập của tôi, nhưng giờ bỗng nhiên những điều này, và những gì xảy ra trong tu viện không còn là những vấn đề quan trọng đối với tôi nữa.
Thực sự tôi đã nghĩ là khi trở về, tôi sẽ xin Ajahn Chah gửi tôi đến một tu viện nơi không có vị sư nào muốn tới, giống như một tu viện nhánh gần biên giới Campuchia. Nơi đó được gọi là Chùa Bahn Suan Kluey, ‘Chùa Làng Vườn Chuối’. Chùa ở trong rừng sâu, không có đường xá, một vùng còn rất hoang sơ của Thái Lan, dân chúng thì rất nghèo khổ.  Khí hậu nơi đó thường rất nóng, cây cối thì còi cọc, tôi không thấy có nhiều chuối mọc quanh đây! Tóm lại đến đó cũng giống như bị đày qua Siberia. Nên khi trở về, tôi đã đề nghị Ajahn Chah gửi tôi đến đó.
Ông không làm thế; nhưng ông khuyên tôi nên đến Bahn Bung Wai, là một làng cách tu viện chánh này khoảng sáu cây số. Do đó đến năm 1975 chúng tôi lập được chùa Pah Nanachat, “Lâm Viên Viện Quốc Tế - The International Forest Monastery” gần làng này. Trước khi chúng tôi đến thì nơi đó chỉ là một khu giữ cốt, nơi hỏa táng của làng, và người ta tin là khu rừng đó toàn là ma. Vì thế dân làng thường đến hỏi, “Có ổn không?” Lúc đầu chúng tôi không thực sự biết nơi này có ý nghĩa gì đối với dân làng. Nhưng rồi tôi nhận ra mình đang ở ngay tại chỗ mà những con ma tinh quái nhất trong khu rừng đang sống, vì thế vị trưởng làng thường đến thăm hỏi, ‘Sư ngủ có yên không? Có thấy gì khác lạ?’ Tôi thực sự chẳng thấy gì cả, mấy con ma đó chẳng quấy phá gì tôi. Nhưng kinh nghiệm sống ở đó đã giúp tôi chứng tỏ rằng mình thực sự sống cuộc đời của một tăng sĩ, và đó là nhờ vào lòng biết ơn (kataññu).
Điều đó cũng giống như khi tôi đến Anh quốc năm 1977. Khi Luang Por Chah yêu cầu tôi đến đây, tôi quyết định nghe theo, chứ không chỉ làm theo cảm tính hay trạng thái riêng tư nào của tôi - vì năm đầu tiên ở đây tôi cảm thấy rất bực bội, chỉ muốn quay trở lại Thái Lan ngay.  Nhưng vì tình cảm biết ơn này mà tôi không hành động theo tánh bốc đồng của mình. Tình cảm này khiến tôi cảm thấy có trách nhiệm, phải phục vụ, nhưng không quá nặng nề, áp lực. Kataññu có nghĩa là tôi ở lại đây không vì cảm thấy trách nhiệm - là điều khiến cuộc sống mất vui - mà do tâm nguyện muốn phục vụ, muốn hy sinh. Đây là việc thiện lành đáng làm. Nhờ thế chúng tôi có thể cảm nhận được lòng biết ơn (kataññu) đối với những vị thầy như Luang Por Chah.
Nói về lòng biết ơn khiến tôi nhớ lại một câu chuyện khá lý thú. Vị tăng hướng dẫn tôi đến gặp Luang Por Chah cùng tuổi với tôi; thầy đã từng ở trong Hải quân Thái, còn tôi ở trong Hải quân Mỹ trong chiến tranh Hàn Quốc. Thầy có thể nói thứ tiếng Anh pha tạp, đã từng tu theo tudong (khổ hạnh) - đã lang thang từ tỉnh Ubon, nơi Ajahn Chah từng sống, đến Nong Khai, nơi tôi đang có mặt. Đó là năm đầu tiên của tôi với tư cách là một sa-di, và thầy là vị sư Thái đầu tiên tôi gặp biết nói tiếng Anh, nên tôi thật vui mừng khi có người để trò chuyện.  Thầy cũng rất nghiêm trì giới luật, giữ kỹ mọi luật lệ trong Luật tạng Vinaya. Thầy thọ thực ngay trong bình bát khất thực, mặc y màu nâu đậm của chốn núi rừng, trong khi ở tu viện nơi tôi sống, quý tăng sĩ mặc y màu vàng cam; thầy thực sự gây ấn tượng như là một vị tăng sĩ mẫu mực. Thầy khuyên tôi nên đến sống nơi ngài Ajahn Chah, để sau khi thọ giới tỳ khưu, vị pháp chủ sẽ cho phép tôi theo thầy đến ở với ngài Luang Por Chah. Nhưng trên đường đi tôi bắt đầu thấy bực bội với vị thầy này - người té ra rất khó chịu. Thầy không ngừng than phiền về mọi thứ, chê trách các vị sư khác, cho rằng tăng chúng nơi thầy ở là tốt hơn cả. Tôi không thể chịu được tính cao ngạo, hống hách của thầy, và cầu mong là ngài Ajahn Chah không giống như thế. Tôi hoang mang không biết mình đang rước thứ gì vào thân.
Khi đến Wat Pah Pong, tôi thở phào khi thấy ngài Ajahn Chah không giống như thế. Một năm sau, vị thầy đó, tên là Sommai, đã hoàn tục và trở thành một kẻ nát rượu. Chính cuộc sống nơi tu viện đã giúp thầy xa rời rượu chè, vì thế sau khi hoàn tục thầy quay lại với rượu, trở nên một người rất tệ hại, gây bao tai tiếng tại bang Ubon. Thầy trở thành người vô gia cư, một hoàn cảnh rất tệ hại, khiến tôi cảm thấy khinh bỉ, chán ghét thầy. Một chiều kia khi trao đổi với ngài Ajahn Chah về chuyện này, ngài đã nói: ‘Con phải luôn có lòng biết ơn (kataññu) đối với Sommai, vì chính thầy ấy đã mang con đến đây. Dầu thầy ấy có hành động tệ hại đến đâu, trở thành bệ rạc đến thế nào, con cũng phải đối xử với thầy ấy như là một minh sư, và phải tỏ lòng biết ơn. Con có thể là một trong những điều thực sự tốt lành đã xảy đến trong cuộc đời thầy ấy, một điều mà thầy ấy có thể tự hào; nếu con tiếp tục nhắc nhở thầy ấy về điều này - một cách khéo léo, không phải với cách làm thầy ái ngại - thì rồi thầy ấy dần dần có thể sửa đổi’. Vì thế Luang Por Chah khuyến khích tôi đi tìm Sommai, chuyện trò thân mật với thầy ấy, và bày tỏ lòng biết ơn với thầy ấy vì đã mang tôi đến với ngài Ajahn Chah. Đó đúng là một việc tốt đẹp nên làm. Khinh bỉ người đó và nói những lời như: ’Thầy làm tôi thất vọng quá. Thầy thường chê trách người khác và nghĩ mình là tốt hơn cả, vậy mà giờ nhìn thầy kìa’, thật là việc dễ làm. Ta có thể tức giận và thất vọng với một người nào đó vì họ đã không sống đúng như chúng ta mong mỏi. Nhưng điều mà Luang Por Chah muốn dạy ta là: ‘Đừng làm như thế, chỉ tốn thời gian, gây thêm tổn hại, mà hãy hành động thiện lành vì lòng từ bi’. Tôi có gặp lại Sommai hồi đầu năm này, vẫn thảm thương như bao giờ; tôi không thấy thầy ấy có gì thay đổi. Tuy nhiên, bất cứ khi nào thầy nhìn thấy tôi, dường như điều đó tạo ảnh hưởng tốt cho thầy. Có lẽ thầy nhớ lại rằng thầy là người đã giúp tôi đến tu học với Luang Por Chah - và đó là nguồn hạnh phúc hiếm hoi trong cuộc đời thầy.  Ta có thể cảm thấy rất vui khi có thể đem lại chút hạnh phúc cho một người rất bất hạnh.
Tương tự, tôi nghĩ tưởng đến các vị thầy mà tôi không được biết cụ thể, thí dụ như Alan Watts, tác giả của quyển ‘The Way of Zen’ (Phương Cách Thiền), là một trong những quyển sách Phật giáo tôi đọc sớm nhất. Quyển sách đã tạo ấn tượng mạnh cho tôi. Vào thời gian đó, có được cái gì về Phật giáo để đọc là một niềm vui, và tôi thường đọc đi, đọc lại quyển sách đó nhiều lần. Nhưng sau đó, tôi được biết ông cũng thay đổi. Tôi được gặp ông, khi tôi tham dự một số buổi nói chuyện của ông tại San Francisco, nhưng, dầu ông là một nhà hùng biện, còn tôi, lúc đó đang ở trong giai đoạn chuyên tu, ông cũng không thuyết phục được tôi.
Vì thế, giờ nhìn lại, tôi cảm thấy hàm ân (kataññu) đối với những vị như Alan Watts, các tác giả, quý thầy, những người đã khuyến khích, giúp đỡ tôi khi tôi cần đến. Họ đã làm gì sau đó, hoặc họ có sống như tôi mong mỏi hay không lại là chuyện khác. Có lòng từ bi và lòng biết ơn (kataññu) là không được chỉ trích, hay kết tội, hoặc chăm bẳm vào những điều không tốt đẹp của người; mà đó là khả năng chọn lọc và nhớ nghĩ đến những điều thiện lành họ đã làm.
Có được một ngày như thế này, khi chúng ta chủ tâm nghĩ đến cha mẹ với lòng biết ơn, là một cách để mang niềm hoan hỷ và những tình cảm tích cực đến trong cuộc đời ta. Buổi sáng nay, quý vị nguyện thọ Năm Giới và dâng cúng thực phẩm cho Tăng đoàn như một cách để nghĩ đến cha mẹ với lòng biết ơn là một cử chỉ đẹp. Ở những lúc như thế này, ta cũng nên nghĩ đến việc biểu hiện lòng biết ơn (kataññu) đối với đất nước mà ta đang sinh sống, vì ta thường xem đó là việc đương nhiên. Chúng ta có thể nghĩ đến những phúc lợi, những điều tốt đẹp mà đất nước, xã hội tạo ra cho chúng ta, hơn là chú trọng đến những cái chưa tốt, những điều ta không thích… Chúng ta cần phát triển lòng biết ơn (kataññu), dầu tư tưởng hiện đại không khuyến khích ta làm thế.  Đó không phải là yêu nước mù quáng hay có tính tự hào dân tộc quá đáng, nhưng đó là sự hàm ân và biểu hiện của lòng biết ơn về những cơ hội và những điều tốt đẹp mà ta được hưởng khi sống trong xã hội. Cách suy nghĩ như thế điểm thêm nét vui tươi cho cuộc đời thay vì nghĩ là đất nước này, xã hội này nợ tôi bao nhiêu thứ: ‘Tôi đáng được hơn thế nữa. Họ chưa đáp ứng cho tôi đầy đủ’. Cách suy nghĩ đó là của tâm lệ thuộc, đúng không?
Lần đầu tiên tôi để ý đến điều đó khi tôi ở trong Hải quân Mỹ trên tàu tiếp tế, thường đi lui tới giữa các căn cứ quân sự Nhật và Phi. Tôi rất thích làm lính biển, được ở ngoài biển khơi, nên tôi không có chi để phàn nàn. Tôi cảm thấy Á châu thật quyến rũ khi đến các nước Nhật, Hong Kong và Philippine. Tôi nhớ lần đầu tiên đến Hong Kong vào năm 1955, tàu vào bến cảng, tôi rất hào hứng về việc được đi thăm thành phố này. Tôi cố rủ ai đó đi chung, nhưng họ từ chối, ‘Ý, tôi không thích Hong Kong đâu’. Tôi thì quá hứng thú nhưng không tìm được ai để đi với mình.  Những người khác có xuống tàu thì cũng chỉ để đi đến lầu xanh, quán bar - họ chỉ nhìn thấy Hong Kong như thế. Đúng là một trạng thái tâm tiêu cực phải không? Quân lính Mỹ những ngày ấy không được sáng suốt lắm. Nếu nơi nào không phải là Des Moines, Iowa, thì nơi ấy không tốt. Họ không tìm thấy vẻ đẹp ở những nơi xa lạ, họ chỉ thấy đó không phải là Des Moines, Iowa hay Birmingham, Alabama.
Tôi phục vụ bốn năm trong Hải quân, suốt khoảng thời gian đó tôi phải luôn nghe những lời ta thán. Những người lính trên tàu kêu ca đủ thứ chuyện. Thực ra thời gian đó, ở trong quân đội chúng tôi được biết bao quyền lợi - thí dụ như những cơ hội về giáo dục. Nhờ đã phục vụ trong quân đội, tôi được học bổng trong bốn năm đại học, cũng như rất nhiều thứ khác mà giờ tôi cảm thấy rất hàm ân. Mặc dầu vậy, thái độ của mọi người là cố vơ vét càng nhiều càng tốt từ quân đội, và sử dụng chúng cho mục đích riêng tư; ta thán về tất cả mọi thứ và luồn lách bằng mọi cách. Ngay cả điều họ đang làm là phạm pháp, vô đạo đức, cũng được - miễn là không bị bắt gặp tại trận. Và thực tại đó là trong một xã hội có thể cung ứng tất cả cho họ!  Cuộc sống được đảm bảo, nhưng thái độ của họ là: ‘Cho tôi, cho tôi, cho tôi. Tôi được lợi gì trong đó?’ Kết quả là nó trở thành một xã hội đầy tiêu cực, trong đó mọi người ta thán, kêu ca không dứt.
Nên hôm nay là ngày để ta phát khởi kataññu (lòng biết ơn). Đừng nghĩ rằng đó chỉ là một ngày để ta có thể sống tình cảm. Kataññu là một phương cách tu tập ta phải phát triển trong cuộc sống hằng ngày, vì nó mở rộng trái tim ta, đem hoan hỷ đến trong cuộc sống của ta. Và chúng ta cần niềm hoan hỷ đó. Nó nuôi dưỡng ta, nó cần thiết cho sự phát triển tâm linh của ta.  Hỷ là một trong những yếu tố giác ngộ.  Cuộc sống không có niềm hoan hỷ sẽ rất đáng sợ - u ám, tẻ nhạt và buồn chán. Nên ngày hôm nay là ngày để dành cho những hồi tưởng vui tươi.
CÂU HỎI 1
Câu Hỏi: Làm thế nào để người có rất nhiều nỗi oán hận đối với cha mẹ có thể phát triển lòng biết ơn đối với cha mẹ?
Ajahn Sumedho: Đây không phải là một vấn đề cá biệt, vì Sư biết rằng giảng dạy về lòng từ bi trên một nền tảng tình cảm có thể thực sự làm gia tăng sự sân hận. Sư nhớ có một nữ thiền sinh trong một khóa tu, bất cứ khi nào đến phần thực hành trải tâm từ bi đến cho cha mẹ là bà nổi cơn giận. Sau đó bà cảm thấy rất hối hận về việc đó, vì bà không thể tha thứ và phát khởi tâm từ bi đến cho mẹ bà. Mỗi khi nghĩ đến mẹ, bà chỉ có lòng oán thù. Đó là vì bà chỉ sử dụng cái đầu; bà muốn thực hành tâm từ bi, nhưng bà không cảm thấy gì ngoài sân hận.
Điều quan trọng là phải thấy ra sự xung đột giữa cuộc sống lý trí và tình cảm. Chúng ta biết trong đầu là phải tha thứ cho kẻ thù và thương yêu cha mẹ, nhưng trong tim chúng ta cảm thấy, ‘Tôi không bao giờ có thể tha thứ cho họ về những gì họ đã gây ra cho tôi’. Rồi sau đó chúng ta hoặc cảm thấy giận dữ hoặc oán trách, hay chúng ta sẽ lý luận rằng: ‘Vì cha mẹ chúng ta quá tệ, quá đáng ghét, quá bất nhân, họ khiến ta phải quá khổ đau đến nỗi ta không thể quên hay tha thứ lỗi lầm của họ’, hay: ‘Chắc tôi là người không bình thường, tôi là kẻ xấu xa vì tôi không thể tha thứ. Nếu tôi là người tốt, tôi đã có thể tha thứ rồi, do đó chắc chắn tôi phải là kẻ không ra gì’. Đây là những xung đột xảy ra giữa cuộc sống lý trí và tình cảm. Khi chúng ta không hiểu về sự xung đột này, chúng ta cảm thấy hoang mang; chúng ta biết mình nên cảm thấy như thế nào nhưng chúng ta không thực sự cảm thấy như thế.
Với lý trí chúng ta có thể tính toán mọi thứ hoàn hảo; chúng ta có thể tạo ra những hình ảnh và tư duy tốt đẹp trong tâm trí. Nhưng trạng thái tình cảm thì không thể lý giải. Đó là bản chất của tình cảm. Nó không tuân theo những gì hợp lý, lôgic, biết điều - vì thế trên bình diện tình cảm, chúng ta phải hiểu chúng ta thực sự cảm giác thế nào. Tôi cảm thấy việc có lòng từ bi đối với tình cảm cá nhân của mình rất có ích lợi. Vì thế khi cảm thấy cha mẹ chúng ta tàn nhẫn, vô tâm đối với chúng ta, ta có thể trải tâm từ bi đến với cảm giác trong tim ta; không phán xét, nhưng có lòng kiên nhẫn đối với tình cảm đó - để thấy rằng tình cảm của ta là như thế đó, rồi chấp nhận tình cảm đó. Sau đó ta có thể giải tỏa tình cảm đó. Nhưng khi ta bị mắc kẹt trong một trận chiến giữa tư duy lôgic và những phản ứng tình cảm, thì ta sẽ rất hoang mang.
Một khi tôi đã bắt đầu chấp nhận đặc tính tiêu cực của mình hơn là đè nén nó, tôi có thể giải tỏa nó. Khi chúng ta giải quyết điều gì đó với chánh niệm, thì chúng ta có thể buông bỏ và giải thoát bản thân khỏi áp lực của việc đó - không phải bằng cách trốn tránh hay chối bỏ, nhưng bằng sự cảm thông, chấp nhận tình cảm tiêu cực đặc biệt đó.  Giải pháp của xung đột hướng ta đến sự quán tưởng về ý nghĩa của cuộc đời.
Cha tôi mất sáu năm trước đây. Lúc đó ông đã chín mươi tuổi. Ông chưa hề bày tỏ tình thương hay sụ tử tế nào đối với tôi.  Vì thế từ thời thơ ấu tôi đã có cảm giác rằng ông không hề thương tôi. Tôi mang cảm giác này đi gần suốt cuộc đời mình. Tôi cũng chưa bao giờ có tình cảm yêu thương, hay bất cứ mối liên hệ mật thiết nào với cha tôi. Lúc nào ông cũng nói một cách máy móc: “À con, gặp con vui rồi”. Hình như ông không cảm thấy thoải mái với sự có mặt của tôi. Tôi nhớ, mỗi khi tôi trở về nhà với tư cách là người tu sĩ Phật giáo, ông thường nói, “Hãy nhớ, đây là nhà của cha, con phải làm theo ý cha”. Đó là câu chào hỏi của ông - khi tôi đã gấn năm mươi tuổi đầu! Tôi không biết ông nghĩ là tôi sẽ làm gì!
Khoảng mười năm cuối đời, ông khá khổ, và trở nên quạu quọ. Ông bị viêm khớp khá nặng, nên luôn bị đau đớn. Ngoài ra, ông còn bị bệnh Parkinson, nên mọi thứ đều trở nên tồi tệ. Dần dần chúng tôi phải đưa ông vào nhà dưỡng lão. Ông hoàn toàn bại liệt. Ông có thể chuyển động mắt và trò chuyện, nhưng toàn thân hoàn toàn bất động, cứng ngắt. Ông rất ghét điều đó. Ông buồn phiền về những gì đã xảy ra cho mình vì trước kia ông từng là một người đàn ông mạnh khỏe, rắn rỏi, tự lập. Ông từng có khả năng làm chủ và quản lý tất cả mọi việc trong cuộc đời mình. Vì thế ông ghét và bực tức về việc phải phụ thuộc vào các cô y tá để cho ông ăn, vân vân.
Lần đầu tiên trở về Mỹ, tôi nhớ đã trao đổi với chị tôi về cha mẹ. Chị bảo cho tôi biết cha tôi là người rất biết điều. Ông rất quan tâm, biết điều đối với mẹ tôi. Ông luôn sẵn sàng giúp đỡ mẹ tôi khi bà mệt hay không khỏe - một người chồng rất nhiệt tình. Vì gia đình tôi thường vẫn như thế, nên tôi chẳng bao giờ nhận ra những đức tính này. Chị tôi nói rằng không có nhiều người chồng biết giúp đỡ hay nhiệt tình với vợ như thế. Ở thế hệ cha tôi, quyền phụ nữ và nữ quyền không phải là một vấn đề. ‘Tôi mang tiền về nhà, còn bà lo việc bếp núc, giặt giũ’, đó là quan niệm của xã hội thời đó. Lúc đó tôi nhận ra rằng không những tôi hoàn toàn coi thường những đức tính tốt đẹp đó, mà tôi còn không nhận ra chúng.
Lần cuối cùng khi đến thăm cha, tôi đã quyết định sẽ tạo ra một không khí ấm cúng giữa hai chúng tôi trước khi người ra đi. Chỉ nghĩ đến điều này thôi tôi đã thấy khó, vì tôi từng sống với ý nghĩ là ông không hề thương tôi. Thật khó để vượt qua những suy nghĩ như thế. Tuy nhiên, thân ông cần được khởi động, nên tôi nói, ‘Để con xoa bóp chân ba”. “Không, con không cần phải làm thể”, ông nói. Tôi nói, “Ba cần phải được xoa bóp, nếu không nằm một chỗ sẽ bị hăm da’. Nhưng ông vẫn nói, ‘Không, con không cần phải làm thế’. Tôi nói, ‘Con thực sự muốn làm thế mà”. Cha tôi vẫn cố từ chối, nhưng tôi thấy ông có vẻ đang lưỡng lự.  Rồi tôi nói, ‘Cần phải làm thế ba à, và con thực sự muốn làm thế’. ‘Con thực muốn làm thế à?’ ông nói. ‘Dạ,’ tôi nói.
Tôi bắt đầu xoa bóp chân, đùi, cổ, vai, tay và mặt ông; ông thật sự thích thú sự tiếp xúc gần gũi này. Đó là lần đầu tiên ông được tôi chăm sóc như thế. Tôi nghĩ người già cần sự tiếp xúc này vì sự xúc chạm vật lý này đầy ý nghĩa, nó là một cách để biểu hiện tình cảm. Và tôi bắt đầu nhận ra rằng cha tôi thực sự rất thương yêu tôi, nhưng ông đã không biết làm sao diễn tả điều đó vì cách ông được giáo dục. Ông lớn lên trong một môi trường giáo dục rất nghiêm khắc. Gia đình ông không bày tỏ tình cảm ra ngoài, không ôm ấp, nựng nịu con cái. Họ không có những sự biểu lộ tình cảm ồn ào. Tình cảm luôn được kiểm soát. Giờ thì tôi hiểu là cha tôi cũng tràn đầy tình thương, nhưng ông không thể biểu lộ tình cảm vì ông không được giáo dục như thế. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm và tràn đầy lòng biết ơn. Khi còn trẻ, tôi không hiểu ông vì không biết ông đã được dạy dỗ khi lớn lên như thế nào.  Chỉ khi đã lớn tuổi, tôi bắt đầu hiểu hậu quả của sự giáo dục như thế; một khi đã được rèn luyện theo khuôn mẫu đó, thật khó để bỏ thói quen đó.
Những ai đã từng chăm sóc người nằm một chỗ hay bại liệt đều biết rằng đôi khi người bệnh rất khó tính, thích gây gỗ. Chúng ta có thể nghĩ là mình đang giúp đỡ họ, nhưng họ khá độc đoán vì khi người ta trở nên bất lực như thế họ trở nên rất nhạy cảm đối với thái độ hống hách của người nuôi bệnh: ‘Để tôi giúp bạn - bạn là người tàn tật’.  Điều này cũng đúng khi người trẻ chăm sóc người già.
Tám năm trước đây, có một ông lão muốn đến tu viện để được qua đời tại đây. Ông là người Anh, 80 tuổi, đã theo Phật giáo từ năm 1937, và bị bệnh ung thư giai đoạn cuối. Ông là người rất lịch sự. Do đó ông đã đến ở tu viện Amaravati này và người trong nhóm Phật tử Harlow mà ông đã thành lập và động viên, thường đến chăm sóc ông; khi họ không đến được thì quý sư sẽ chăm sóc ông. Tôi để ý thấy một số sư có thái độ ban ơn. Nhưng ông lão đâu có để cho họ làm thế: ‘Tôi có thể sắp chết, nhưng tôi không phải là kẻ ngu’, ông nói, nhấn mạnh cho các vị này biết là ông không thể chấp nhận cách đối xử như thế. Vì thế, chúng ta phải cẩn thận khi chăm sóc người già hay người bệnh, chúng ta phải chánh niệm về cách ứng xử của mình.
Khi quán sát cuộc đời từ góc cạnh lịch sử, ta thấy cuộc đời luôn đầy khổ đau. Khi thăm viếng một nghĩa trang, đọc qua các bia mộ, ta có thể thấy nhiều tấm dành cho các em bé hay là phụ nữ trẻ - chừng khoảng hai mươi mấy - chết khi sinh sản. Điều đó thường xảy ra ở Anh quốc khoảng 100 năm trước. Thai phụ thường mất mạng khi sinh nở.  Giờ thì khi chuyện đó xảy ra, chúng ta ngạc nhiên và phẫn nộ. Chúng ta nghĩ cuộc sống phải thay đổi, phải công bằng. Những gì ta mong mỏi, chờ đợi rất cao; chúng ta có thể rất hay chỉ trích vì chúng ta nghĩ là cuộc sống phải mỗi ngày một tốt hơn. Tuy nhiên, dầu chúng ta có mọi thứ đi nữa, cuộc sống vẫn có thể thiếu niềm vui. Do đó vấn đề là cách ta nhìn cuộc sống, và chúng ta đã phát triển tâm như thế nào mới là điều đáng kể - điều đó không liên hệ gì đến tài sản, danh vị hay ngay cả sức khỏe.
Sống là một trải nghiệm đầy khó khăn, và nó luôn đi tới. Ta cứ phải học hỏi cho đến ngày ra đi. Cuộc sống không dễ, nhưng ta cứ tưởng nó không phải vậy, cứ muốn nó phải dễ dàng. Riêng tôi, tôi nghĩ rằng cuộc sống cần phải khó khăn, có thế ta mới học hỏi, tu tập được. 
Câu Hỏi 2
Câu Hỏi: Thưa, Sư giảng giùm con về ‘Tứ Vô Lượng Tâm’ (Four Brahmaviharas).
Ajahn Sumedho: Tứ Vô Lượng Tâm - metta (từ), karuna (bi), mudita (hỷ), upekkha (xả) - được gọi là những Trú Xứ Thánh Thiện (Divine Abodes). Chúng là những trạng thái tâm trong sạch. Là bản chất tự nhiên của tâm trong sạch. Tâm được coi là thuần khiết khi ta tự giải thoát mình khỏi các tư lợi - tham, sân và si. Khi tâm không bị vướng mắc trong những thứ ấy, thì Vô Lượng Tâm là trú xứ tự nhiên của nó.
Từ (Metta) là thái độ chung đối với mọi chúng sinh -một cảm giác của sự kiên nhẫn, thương yêu, và sự vắng mặt của sự tìm lỗi. Bi (Karuna) tựa như lòng bi mẫn; là sự cảm thông với nỗi đau của người, nhận thức được thế nào là khổ. Đó là nơi chúng ta cảm thấy cảm thông và bi mẫn với người, không giống như tình cảm thương hại người khác. Mudita được dịch là hoan hỷ; là niềm vui chúng ta có được khi nhìn thấy người khác được hạnh phúc. Niềm vui chúng ta tìm thấy trong nét đẹp thiện lành của người. Nó trái ngược lại với ghen ghét. Thường khi ta thấy người khác đẹp hơn, giàu hơn, chúng ta cảm thấy ganh tỵ. Nhưng hoan hỷ là đức tính của sự mừng vui, tán thán cái đẹp, sự thành công của người khác. Và upekkha là sự xả bỏ của tâm -sự tĩnh lặng và quân bình của tâm.
Như thế đây là những đức tính thánh thiện, nhưng chúng có thể được trải nghiệm trong cõi người. Tôi cảm thấy dễ bi mẫn đối với những người khốn khổ, bị áp bức, với thú vật, với những chúng sanh kém may mắn hơn bản thân tôi. Tôi chưa bao giờ cảm thấy thích thú khi làm hại hay bắt nạt người khác. Nhưng điểm yếu của tôi là tôi thường cảm thấy ganh tỵ, ghen ghét với những người hơn tôi, và tôi cũng thường chỉ trích họ, tìm cách hạ uy tín họ. Thật rất khó để mong cho ai đó được điều tốt lành, khi họ hơn hẳn ta. Nên hỷ đối với tôi là một đức hạnh rất quan trọng để quán tưởng. Thật tuyệt vời để hoan hỷ trong việc thiện lành, sắc đẹp và sự thành công của người khác. Do đó tôi quán tưởng về nó và vun trồng nó thật nhiều để có thể mang được đức tính này vào cuộc sống của tôi.
Trong bốn tâm vô lượng này, từ - metta - là căn bản, và xả (Upekkha) - tâm xả bỏ, an tĩnh - là kết quả của tâm từ đó. Karuna (bi) và mudita (hỷ) là phản ứng đối với cuộc sống quanh ta - đối với những khổ đau và hạnh phúc trong cuộc đời ta. Trước đây tôi thường cảm thấy giận dữ, phẫn nộ khi nghe những chuyện khủng khiếp, như là một nhóm người xấu xa nào đó tấn công nhóm người vô tội, hay sự tàn sát hàng loạt như là vụ Khmer Đỏ tàn sát hàng loạt người dân Campuchia. Tôi có thể hiểu cảm giác muốn trả thù, muốn đòi công bằng trong những trường hợp đó. Nhưng khi quán tưởng về các cảm giác này, tôi nhận ra rằng chúng không phải là những điều tôi muốn hành động, vì chính sự trả thù và những tình cảm oán thù khiến cho những điều khủng khiếp như thế xảy ra. Nếu bạn đánh tôi, tôi sẽ đánh lại bạn, rồi khi tôi đánh bạn, bạn sẽ đánh lại tôi, rồi tôi đi đến chỗ giết bạn. Rồi người thân của bạn sẽ giết người thân của tôi. Chúng ta có thể thấy điều đó trong các phong trào khủng bố. Họ đi tìm nhau để trả thù và giết hại lẫn nhau - điều đó cứ tiếp diễn. Nên giờ nó phải chấm dứt.
Các trú xứ thánh thiện này, bốn vô lượng này, là những điều đáng suy gẫm và là phương cách để phát triển tâm tha thứ, là những đức hạnh trong cuộc sống và chúng có thể mang đến nét đẹp và sự hoàn hảo cho nhân loại.
Câu Hỏi 3
Câu Hỏi:  Làm thế nào chúng ta có thể phát triển từ bi trong khi ta chứng kiến bao khổ đau, bất công trên thế giới?
Ajahn Sumedho: Chúng ta cần quán chiếu các hành động của mình, và chủ đích của chúng, quán tưởng về hậu quả của chúng, cả hai mặt tốt và xấu. Nếu tôi quán tưởng về các vụ giết người ở Rwanda, và bảo rằng các nạn nhân bị giết là do nghiệp của họ, thì thật quá nhẫn tâm.  Giống như một sự quay lưng. Ở Ấn Độ, đôi khi ta gặp những kẻ ăn xin, người phong cùi, nếu ta phớt lờ họ bằng cách cho rằng đó là nghiệp của họ, thì đó chỉ là chúng ta không muốn bị bận tâm về họ.  Đó thực sự không phải là cách ta nên quán tưởng về luật nhân quả. Đó chỉ là cách ta sử dụng luật nhân quả để gạt vấn đề qua một bên.
Tháng sáu vừa rồi tôi đến Delhi. Trời thật nóng: 46°c. Lúc này ở Ấn Độ đã cho phép uống Coca Cola. Ở Delhi, ai cũng uống Coca Cola. Tôi đi chung xe với những người đang cho tôi tạm trú, và họ dừng xe ở một cửa tiệm để mua Coke. Lúc đó tôi thấy hai phụ nữ bệnh phong trẻ.  Một người đẩy chiếc xe và người còn lại ngồi trong xe, tay bồng một cô gái nhỏ. Họ đang xin ăn ngoài cửa tiệm. Cả hai người phụ nữ đều xinh xắn, mặt họ không xấu hay bị biến dạng, chỉ có tay họ bị phong rút - và nhìn họ cũng không đến nỗi khổ sở lắm. Họ có vẻ sáng sủa, tươi tắn. Dầu sự đau đớn thể xác của họ không nhỏ, tôi có cảm giác họ chấp nhận sự việc đó khá tốt. Trong khi ở đây (ND - Anh quốc), ta thường thấy những người hết sức trầm cảm, đầy tiêu cực; dầu họ chẳng có bệnh gì nơi thân, nhưng tâm họ không lành mạnh. Tôi gọi đó là sự thống khổ cùng cực. Bạn sẽ thấy bệnh trầm cảm này ngay cả ở những người giàu nhất. Họ thấy cuộc đời họ chẳng có ý nghĩa gì, nên họ bám chặt vào sở hữu vật chất của họ. Tôi thà ở gần người bệnh phong hơn kẻ chán đời!
Trong quyển sách ‘Thành phố của Niềm Vui - City of Joy’, do một Giám mục Thiên chúa giáo người Ba Lan viết khi ông đến sống tại một khu ổ chuột tồi tệ nhất ở Calcutta. Đó là khu ổ chuột tồi tệ nhất, nghèo nàn nhất của những người bệnh phong. Nơi đó được gọi là Anandanagar - City of Joy (Thành phố Của Niềm Vui). Ông tả lại cuộc sống của những người bệnh phong và niềm vui, tinh thần lạc quan của họ. Dầu nghèo nàn, khổ sở, cuộc đời bất hạnh, họ vẫn tràn đầy niềm tin. Chúng ta sẽ cảm thấy lòng tràn đầy kính phục đối với những con người khi, dầu ở trong những hoàn cảnh xấu nhất, họ cũng không để bị khuất phục.  Chuyện kể rằng có một người phu xe vất vả ngày đêm để có đủ tiền gả con gái chứ không để cô thành gái điếm. Dầu không mấy ai trong chúng ta phải ở trong hoàn cảnh tồi tệ như thế - phải kéo xe để có tiền gả con gái đàng hoàng. Nhưng người phu xe cuối cùng cũng thành công trong việc tìm cho con gái một tấm chồng xứng đáng. Hành động này thật cao cả; ta có thể thấy được tinh thần tự trọng của những người như thế.
Nhưng ở những nơi như Rwanda, dường như đầu óc ma quỷ đã chiếm lĩnh, ở đó chỉ có sự tàn nhẫn cùng cực, đến mức độ mà dường như nhân tính đã biến mất. Mà những con người này không phải là người bệnh phong. Họ là những con người bình thường nhưng tràn đầy lòng hằn thù, nên họ có thể đập đầu phụ nữ, trẻ em và nhúng tay vào những tội tàn ác nhất. Những thứ đó từ đâu đến?…  Điều đó cũng có thể xảy ra cho chúng ta. Điều đó cũng nằm trong những hành vi khả thi của nhân loại mà.
Ở Amaravati, tôi quán chiếu tâm mình. Chúng ta có thể than phiền rất nhiều điều về Amaravati; tâm thường than vãn khi chúng không thích điều gì. Nhưng là những người tu sĩ Phật giáo, chúng ta đã tự rèn luyện để chỉ quán tưởng về những gì ta có; đó là bốn thứ ta cần - chiếc bình bát, chiếc y, thuốc men cho những khi đau ốm và một chỗ nương thân. Do đó, tôi quán tưởng: ‘Tôi đã dùng bữa hôm nay rồi; tôi có y áo và một nơi để ngả lưng’. Rồi tôi nghĩ, ‘Tôi còn có giáo pháp và khả năng được sống với những thiện hữu tri thức’. Vì thế tôi hàm ân về những gì tôi có được, hơn là bị vướng mắc vào các trạng thái tâm khó chịu mà chúng có thể làm chủ tôi, nếu tôi cho phép chúng làm thế.
Chúng ta thường luôn nghĩ cuộc sống phải lý tưởng như thế nào, dựa trên những khả năng cao độ nhất. Vì thế ta chỉ có thể cảm thấy là có điều gì đó không ổn đối với cuộc sống hiện tại. Nhưng cuộc sống ít khi nào ở đỉnh điểm. Chúng ta có những lúc thăng hoa, nhưng không thể kéo dài chúng mãi. Phần lớn cuộc sống của chúng ta không giống như thế, mà nó giống như hiện tại. Trong khi hành thiền chúng ta tập theo dõi dòng chảy của cuộc sống, và chúng ta rút ra bài học từ đó - tốt hơn là nghĩ có điều gì không ổn trong cuộc sống khi nó không như ý ta muốn.
Nhờ hành thiền, chúng ta có thể buông bỏ mọi thói quen và sự chống đối đối với cuộc sống. Chúng ta thường để bản thân vướng mắc vào những bận rộn, những bộc phát, nên chúng ta không nhận thức được rằng để sống làm người, chúng ta thực sự không cần nhiều thứ lắm.  Tất cả mọi người đều nghĩ là mình cần có một cuộc sống vật chất cao với đủ loại tiện nghi, nhưng thực sự là, nếu chúng ta phải từ bỏ chúng, ta vẫn có thể rất hạnh phúc. Chúng ta không cần phải đến sống ở City Of Joy (Thành phố của Niềm Vui) để chứng nghiệm điều đó, chúng ta vẫn có thể thấy được điều đó trong cuộc sống hằng ngày. Chất lượng cuộc sống thực sự tùy thuộc vào cách chúng ta suy nghĩ và hành động. Nếu chúng ta có thể vun trồng một tâm an lạc, tự tại, chúng ta không còn cần phải mua sắm thứ này thứ nọ, hoặc muốn cuộc sống phải bảo đảm và dễ chịu. Một khi tâm ta được an lạc, không ai có thể tước đoạt nó từ ta. Nhưng một ngôi nhà đẹp đẽ có thể bị thiêu hủy, côn đồ có thể đến chiếm đoạt, một con đường cao tốc có thể chạy qua phòng khách nhà; bao nhiêu thứ có thể xảy ra!
2018
(Chuyển ngữ từ Gratitude to Parents, www.amaravati.org/)
LO ÂU VÀ CẨN TRỌNG
Tác giả: TỲ KHƯU THANISSARO
Tỳ Khưu Thanissaro (Geoffrey DeGraff) là một tu sĩ người Mỹ theo truyền thống tu trong rừng của Thái Lan. Sau khi tốt nghiệp Đại học Oberlin năm 1971 với chuyên ngành về Lịch sử Tri Thức Âu Châu, ông theo học thiền với Thiền sư Ajaan Fuang Jotiko ở Thái Lan và xuất gia năm 1976. Năm 1991 Sư giúp xây dựng  Metta Forest Monastery ở San Diego, California, nơi Sư sau này là trụ trì. Sư là một dịch giả, người viết năng nổ.  Nhiều tác phẩm của Sư có thể được tìm thấy trên mạng: www.accesstoinsight.org/
Đặt chú tâm vào hơi thở. Cố gắng hít thở theo cách mà bạn cảm thấy thoải mái. Và cố gắng trụ lại với hơi thở vào, hơi thở ra đến tận cùng, mỗi khi bạn hít vào, thở ra. Tuy nhiên, điều thường xảy ra là bạn chỉ có thể trụ lại với vài hơi thở, sau đó một suy nghĩ nào đó xuất hiện, hấp dẫn hơn, quan trọng hơn, và bạn phóng tâm theo nó. Nó được coi là một chướng ngại.
Đó là cách tâm trí hoạt động bình thường, và trong cuộc sống hàng ngày, dường như nó không gây cản trở nhiều. Nhưng khi bạn đang cố gắng thăng hoa tâm trí lên một mức độ cao hơn, những suy nghĩ như thế thực sự có thể gây cản trở. Một số chướng ngại này cũng là những vấn đề trong cuộc sống hàng ngày: Ác ý là một vấn đề. Bồn chồn, lo lắng, hoài nghi, hôn trầm: chúng là vấn đề. Một phần của vấn đề là đôi khi chúng cũng có khía cạnh tốt. Thí dụ như với hoài nghi, đôi khi cũng là khôn ngoan khi hoài nghi về một số điều, nói cách khác, không chấp nhận quá nhanh vào thứ gì. Thêm nữa, có một số điều bạn cần suy nghĩ, chuẩn bị, nếu bạn là người biết lo lắng.
Có bản kinh trong đó Đức Phật nói về những nguy hiểm trong tương lai. Vị xuất gia cần suy ngẫm về thực tế là cái chết có thể đến rất dễ dàng, lão hóa có thể đến, bệnh tật có thể đến rất dễ dàng. Nạn đói có thể xảy ra. Xã hội có thể bị đảo lộn. Tăng đoàn có thể rã tan. Khi bất kỳ điều nào trong số này xảy ra, sẽ rất khó để tu hành. Và cũng sẽ có những khó khăn khác nữa.
Đức Phật dạy chúng ta không phản ứng bằng cách giả vờ rằng những nguy hiểm này không có thật, mà là chuẩn bị để đón nhận chúng một cách khôn ngoan. Đó là sự khác biệt giữa lo lắng và sự cẩn trọng. Người lo lắng chỉ ngồi đó luẩn quẩn với những nỗi lo của mình, trong khi người cẩn trọng sẽ nói: "Được rồi, có mối nguy hiểm, nhưng cũng có cách giải quyết được”. Điều đó đòi hỏi một mức độ tự tin rằng có lối thoát, và nó cũng đòi hỏi bạn phải nỗ lực để phát triển các kỹ năng mà bạn sẽ cần để bảo vệ bản thân.
Trong trường hợp vị xuất gia ở trong rừng quán tưởng về những nguy hiểm có thể xảy ra trong tương lai, nhưng với quyết tâm là: "Ta phải tập trung vào việc cố gắng đạt được cái chưa đạt, đến được cái chưa đến, để biết và thấy những điều ta chưa biết và thấy trước đây" - nói cách khác, để tìm được điều gì đó trong tâm không thể bị những nguy hiểm chạm đến. Hiện tại, điều đó có vẻ xa vời, bởi vì Đức Phật đang nói về Niết bàn. Gần gũi hơn với chúng ta là những kỹ năng ta có thể phát triển khi thiền định - đặc biệt là trí tuệ khi nói về vấn đề ta có thể tìm kiếm hạnh phúc và an toàn ở nơi đâu.
Khi bạn nhận ra rằng những điều quan trọng nhất trong cuộc sống không phải là công việc, gia đình, các mối quan hệ, mà là những phẩm chất bạn tạo dựng trong tâm, nhận thức đó giúp bạn đi đúng hướng. Thí dụ, khi bạn có sự tập trung, mặc dù nó có thể không hoàn hảo, nhưng nếu nó là một nguồn lực nội tâm, là  nguồn dinh dưỡng nội tại, thì khi mọi thứ bên ngoài trở nên tồi tệ, ít nhất bạn có cái để trụ vào.  Khi bạn có đức hạnh của mình, khi bạn có sự chịu đựng, khi bạn phát triển phẩm chất của sự quyết tâm, tất cả những điều tốt đẹp này là cái bạn có thể nắm giữ.
Đó có thể là một trong những lý do tại sao tên Pali cho những phẩm chất này là parami: (Ba-la-mật).  Khi bạn nắm giữ chúng, chúng sẽ đưa bạn qua đến bờ bên kia của lũ. Trái lại, nếu bạn không phát triển các phẩm chất này, bạn sẽ bị cuốn trôi đi.
Vì vậy, khi bạn lo lắng về các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày, thì cho dù bạn có hành thiền hay không, hãy nhắc nhở bản thân: Ta có thể tìm thấy sự an toàn thực sự ở đâu? Sự an toàn có thể được tìm thấy: Đó chính là sự tự tin. Câu hỏi tiếp theo là: Bạn phải làm gì để tìm được nó? Đó là khi bạn hướng sự lo lắng đến một kỹ năng: kỹ năng nội tại. Nếu bạn để bản thân quan tâm hoàn toàn đến những thứ bên ngoài, bạn sẽ không bao giờ tìm thấy bất kỳ sự an toàn nào.
Tôi nhớ có người đã mô tả hành vi của những người ở Phố Wall trước vụ khủng hoảng tài chánh lớn. Họ biết rằng thảm họa sẽ đến từ tất cả các hoạt động nguy hiểm của họ, vì vậy ai cũng đều cất giấu "hạt dẻ" của mình, như cách họ gọi nó, giống như con sóc - cất giấu tài sản ở một nơi nào đó mà họ cảm thấy an toàn. Một số nơi an toàn được kể đến, nhưng trong mắt tôi, chúng chẳng an toàn tí nào.
Bạn sẽ nghĩ đến những người được sống sót và tất cả những thực phẩm họ đã chất chứa. Tôi biết có người chứa dưới hầm nhà thực phẩm có thể ăn trong ba tháng.  Nhưng nếu tin này lộ ra, các nhà hàng xóm biết bạn có chứa đồ ăn, liệu bạn có thể giữ được chúng trong ba tháng không? Tất cả những giải pháp này giống như ta dựng lên một bức tường bằng giấy để chặn làn sóng biển khi nước biển trào dâng.  Bạn không thể tìm thấy sự an toàn ở đó.
Điều đó có nghĩa là, khi quán sát thân, bạn sẽ nói, "Được rồi, ta không thể dựa vào thân này để cung cấp sự an toàn bên trong cũng như bên ngoài, nhưng ta có thể sử dụng thân để phát triển giới hạnh, định tĩnh, trí tuệ và đó là những điều sẽ mang lại sự an toàn cho ta". Hãy dựa vào thân để hành bố thí, dùng thân để giữ giới, dùng thân làm đề mục hành thiền, cũng như đối tượng của trí tuệ..
Vì khi tập trung vào thân, ta bắt đầu nhận ra rằng ta có thể thấy các uế nhiễm của tâm ngay tại đây, trong khoảnh khắc hiện tại rất rõ ràng. Tất cả tụ họp lại ngay đây. Nếu có đau ở thân - hay sự lo ngại về thân bệnh, thân đang già đi - thì nỗi sợ hãi, lo âu, thất vọng của ta sẽ tụ hội về đây. Để hoán chuyển chúng, ta có thể quán về ba mươi hai thể trược nơi thân như trong các bài kinh tụng. Bạn sẽ nhận ra rằng không có gì đáng quý ở đó. Nếu bạn bám chấp vào thân vì thương quý thân, thì bạn sẽ trở nên giống như những người chết, sau đó trở thành giun giòi trong chính xác chết của họ.
Nhưng nếu ta sử dụng thân như một công cụ, nó có thể mang lại nhiều lợi ích. Vì vậy, hãy nghĩ về nó như một công cụ. Nó không phải là thiên đường của ta, nhưng nó có thể là công cụ giúp ta tìm được thiên đường bên trong, nơi những phẩm chất ta đã phát triển trong tâm trí. Và có nhiều tự tin vào các phẩm chất đó. Có quá nhiều điều về tương lai ta không thể biết, nhưng ta biết rằng nếu có bất cứ điều gì bất ngờ xảy ra, ta sẽ cần đến chánh niệm, sự tỉnh thức, tập trung, trí tuệ - tất cả những phẩm chất tốt đẹp của tâm. Chúng sẽ là nơi nương tựa của ta. Vì thế, khi tâm trí của bạn bị bao phủ bởi những lo lắng, hãy dừng lại và quán niệm: Có thể làm được gì? Ta có thể làm được gì ngay bây giờ? Đó là những gì bạn nên tự hỏi mình.
Tất nhiên, hiện giờ bạn đang thiền định, điều cần làm là phát triển những phẩm chất này. Nhưng ngay cả khi bạn trở về với cuộc sống hàng ngày, hãy nhắc nhở bản thân rằng có sự khác biệt giữa tâm lo lắng và cẩn trọng. Lo lắng là một trở ngại. Trái lại, sự cẩn trọng, quan tâm là nguồn gốc của tất cả mọi thiện xảo. Và khi nói đến sự cẩn trọng, ta hiểu rằng qua đó, có giải pháp cho mọi vấn đề. Nếu không có lối thoát, thì việc quan tâm, cẩn trọng sẽ không đạt được điều gì. Với sự cẩn trọng ta mặc định là có lối thoát, có cách để an toàn, và nếu bạn thực sự quan tâm, cẩn trọng, bạn sẽ dành thời điểm này ngay hiện tại để phát triển những phẩm chất để mở con đường, đưa bạn đến an toàn.
Vì vậy, sự khác biệt nằm, thứ nhất trong sự tự tin rằng có một lối thoát; và thứ hai, trong việc thực sự huân tập các kỹ năng mà ta sẽ cần. Đó là cách chúng ta biến lo lắng thành một cái gì đó thực sự thiện xảo - một cái gì đó, thay vì ăn mòn tâm trí, thực sự cung cấp cho tâm một nơi an toàn.
12.2021
(Chuyển ngữ từ WORRY vs. HEEDFULNESS, sách MEDITATIONS 10 - DHAMMA TALKS, Nov.16, 2019)
PHẬT PHÁP CHO MỌI NGƯỜI
Tác giả: Ajaan Lee Dhammadharo
Ajaan Lee Dhammadharo (1907-1961) là một trong những vị tỳ khưu theo truyền thống tu khổ hạnh trong rừng của Thái Lan bậc nhất. Cuộc đời Ngài ngắn ngủi nhưng đầy biến động. Nổi tiếng là vị thầy đạo hạnh và có khả năng thần thông, Ngài là người đầu tiên đã đem truyền thống tu khổ hạnh ra khỏi những cánh rừng thuộc lưu vực sông Mê-kông, để hòa nhập vào xã hội hiện đại ở ngay trung tâm Thái Lan. 
Bài Pháp này nhắc nhở các bạn về một số điều Phật dạy, như một cách để sách tấn, khuyến khích các bạn chăm chỉ thực hành đúng theo lời Phật dạy. Những lời dạy đó được gọi là Pháp.  Pháp để tôn trang cho tâm. Pháp cũng là phương tiện để phát triển các chức năng của tâm. Bài Pháp này dựa trên Patimokkha (Giới Luật Tỳ khưu), nói về những bổn phận mà các vị tăng sĩ xuất gia theo Phật phải tuân giữ, nhưng chúng cũng áp dụng cho hàng cư sĩ. Cư sĩ tại gia có thể tu tập, gìn giữ các giới luật này để rèn luyện thành người tốt hơn, để có thể trở thành tai, mắt, chân, tay, trong việc gìn giữ và phát triển đạo Pháp.
Những giới luật này, áp dụng cho tất cả mọi người, có thể chia làm các phần chính như sau:
Thứ nhất: Anupavado. Đừng tìm lỗi người khác. Có nghĩa là đừng nói xấu về người khác, đừng xuyên tạc, đừng nói điều gì gây chia rẽ.  Đừng nói sai trái về người khác, hay khuyến khích người khác làm điều đó. Đừng trách móc, la mắng nhau. Thay vì tìm lỗi người, ta hãy tự thấy lỗi mình. Đó là giới luật. Dầu là hàng tu sĩ hay cư sĩ đều có thể gìn giữ theo giới luật này ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào.
Thứ hai: Anupaghato: Đừng ghét bỏ lẫn nhau. Thường khi chung sống, không phải mọi người đều cư xử giống nhau. Có người biết cách cư xử khéo léo, người khác lại cư xử thô lỗ - chứ không phải là do ác ý, hãy nhớ điều đó. Về thể chất cũng thế, có người siêng năng, đầy sinh lực; kẻ khác thì yếu đuối, hay bệnh hoạn. Về lời nói thì có người khéo léo, người không. Người nói nhiều, kẻ lại rất kiệm lời; kẻ thì ba hoa đủ chuyện trên trời dưới đất, người chỉ thích bàn chuyện Phật pháp; kẻ thì thường nói sai, người hay nói đúng. Đó được coi là sự không tương ưng. Khi điều này xảy ra, tất nhiên sẽ có mâu thuẫn, xung đột ở một mức độ nào đó. Nếu có những điều này xảy ra trong chúng, khi chúng ta cùng sống trong Pháp, chúng ta không nên để tâm. Chúng ta cần tha thứ cho nhau, cần rửa sạch những tỳ vết khỏi tâm ta. Vì sao? Vì nếu không, ta sẽ trở thành ganh tỵ, soi mói, thù hằn nhau. Hành động tha thứ được coi là quà tặng của tâm từ. Nó khiến ta không chấp giữ điều chi, không canh cánh bên lòng điều gì, không bị thứ chi gây phiền não - đó là những người không mang lòng hằn thù. Dầu đôi khi có sai trái, có lầm lỗi, chúng ta vẫn tha thứ lẫn nhau. Chúng ta cần nên có lòng thương yêu, tử tể, cảm thông với tất cả mọi người quanh ta, càng nhiều càng tốt. Đó được gọi là anupaghato. Đó là một phần trong quá trình tu tập làm người Phật tử, dầu ở tại gia hay chốn thiền môn.
Thứ ba: Patimokkha samvara: Hành động như thế nào để giúp ta đến gần cửa vào Niết Bàn hơn. Cửa vào Niết Bàn là gì? Patimokkha.  Mukha có nghĩa là cửa vào. Mokkha nghĩa là giải thoát. Hãy ngồi gần đồ ăn để miệng ta được ăn. Đừng ngồi xa quá, ta sẽ khó ăn được.  Ngồi đủ gần để sự giải thoát ở trong tầm tay, để ta có thể với tới thực phẩm. Nói cách khác, bất cứ hành động gì giúp ta đến gần hơn với đạo pháp, thì ta cần phải hành động như thế. Gần với đạo pháp có nghĩa là đi theo con đường đạo. Người cư sĩ cũng có con đường đạo của mình, giống như hàng xuất gia có con đường đạo của họ.
Tuy nhiên người cư sĩ có thể thực hành con đường đạo của mình theo hai cách. Cách đầu tiên là gìn giữ năm giới: không giết hại; không trộm cắp; không tà dâm - đây là điều giúp ta sống đạo đức; không nói dối; và không sử dụng những chất làm say. Đó là một cách sống đưa ta đến gần với Niết Bàn. Cách sống đạo thứ hai đối với người cư sĩ là giữ tám giới luật. 
Còn đối với các sa di và các vị tỳ khưu thì phải giữ mười hay 227 giới luật. Ngoài ra, họ cũng không được bỏ qua bất cứ hành động tốt lành nào mà họ có thể làm được. Đó được gọi là acara-gocara-sampanno.  Đừng đi ra ngoài những giới luật đó, làm tổn hại chính bản thân mình.  Nói cách khác, đừng để thân, lời nói, ý của mình phạm vào các giới luật đó. Đừng thân cận với kẻ ác, những người hành động không kiềm chế. Đừng nghe theo những người không có phẩm hạnh. Đừng để tâm vướng bận vì họ. Hãy nghĩ đến những thiện hữu, những người mà hành động hợp với những điều tốt đẹp mà ta đang muốn phát triển.  Đó là con đường đạo. Bất cứ ai hành động như thế được gọi là đã sống theo Patimokkha, gần ngay cửa Niết Bàn.
Thứ tư Mattaññuta ca bhattasmim: Ăn uống điều độ. Ở đây chúng ta chỉ nói đến thực phẩm vật chất. Có ba cách ăn uống thông thường.  Trước hết là tham ăn. Dầu bụng đã no, nhưng tâm còn đói. Miệng đã no, không thể nuốt trôi nữa, nhưng tâm vẫn muốn ăn nữa. Đó được gọi là tham ăn. Đừng đế tánh tham ăn làm chủ bạn.
Cách thứ hai là ăn uống một cách tự tại. Bạn nhận lãnh những gì có trong bát của mình, và không ăn gì ở ngoài bình bát. Hay bạn chỉ ăn những gì có trước mặt, trong tầm tay. Không đòi hỏi những gì ở xa tầm tay. Không biểu lộ bằng cử chỉ, bằng mắt, hay bằng nét mặt rằng bạn muốn ăn thêm nữa. Chỉ ăn những gì trong dĩa, hay trong bát của bạn.  Đó được gọi là ăn uống một cách tự tại.
Cách thứ ba là ăn uống tiết độ. Đó là một cách ăn uống nền nếp, tốt đẹp trong đạo và cả ngoài đời. Một ví dụ điển hình là Đại đức Sivali.  Sư luôn ăn uống tiết độ. Sư thường nhận được rất nhiều vật phẩm cúng dường. Sư có nhiều của cải. Của cải đó có được là nhờ sự tiết độ. Đại đức Sivali đã làm như thế này. Khi Sư được cúng dường vải vóc, Sư không hề mặc những vải vóc đó, mà Sư đem tặng cho người khác. Khi được cúng dường thực phẩm, Sư cũng không dùng chúng, cho đến khi Sư có thể cúng dường lại cho ai đó. Bất cứ tứ vật dụng nào mà Sư được nhận - thực phẩm, quần áo, chỗ ở, hay thuốc men, không kể ít hay nhiều - một khi đã thuộc sở hữu của Sư, Sư sẽ không sử dụng cho đến khi Sư đã có thể chia sẻ chúng với những người chung quanh. Khi nhận nhiều, Sư chia sẻ với nhiều người. Khi nhận ít, Sư vẫn cố gắng chia sẻ. Kết quả đem đến cho Sư bao điều lợi ích.  Thân hữu yêu mến Sư, các chúng quý trọng Sư, ân cần với Sư. Đó là lý do tại sao người ta nói rằng sự rộng rãi kết nối thân hữu, và xóa bỏ bạn thù. Đó là công đức mà Đại đức Visali đã tạo nên. Khi ngài qua đời và được tái sinh trong một đời sống đầy đủ, sung túc, không bao giờ ngài phải chịu đói khổ. Ngay cả khi ngài đi đến những nơi hoang vu, nơi khó có thực phẩm, ngài cũng không phải chịu đựng thiếu thốn, vất vả.
Câu chuyện này dạy chúng ta rằng, bất cứ chúng ta có gì, chỉ nên sử dụng một phần ba của cải đó, và hãy cho đi hai phần ba còn lại.  Những gì có thể cho thú vật, ta cho chúng, những gì có thể chia sẻ với người, ta dành cho người. Phần mà chúng ta có thể chia sẻ với bạn đạo, hãy cúng dường với trái tim trong sáng. Đó là ý nghĩa của việc sử dụng một cách tiết độ. Chúng ta sẽ cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng khi làm được như thế. Khi tái sinh, chúng ta sẽ không phải chịu đói nghèo. 
Cách sống này không chỉ làm tốt đẹp cho đạo, mà đối với xã hội nói chung cũng thế. Đó là phương tiện hữu hiệu nhất để chống khủng bố.  Nó giúp chống khủng bố như thế nào? Khi người ta không còn nghèo khổ, người ta không dễ bị khích động. Nguyên nhân đưa đến khủng bố là gì? Một phần do người ta đói nghèo, không nơi nương tựa, không ai chăm sóc. Khi đó, con người dễ suy nghĩ rằng, “Tôi khổ, thì mọi người khác cũng phải khổ theo…”. Cách suy nghĩ đó là do con người còn nghèo đói và thiếu thốn. Nhưng tại sao họ đói nghèo? Vì còn có những người chỉ biết lo cho bản thân. Họ không biết chia sẻ với đám đông.  Do đó số đông nghèo khó sẽ nổi giận, sẽ trở thành khủng bố.
Như thế khủng bố là do lòng tham lam, ích kỷ, không biết chia sẻ những gì ta có.
Nếu có mười đồng, chúng ta có thể cho chín, và chỉ ăn những gì mà đồng tiền còn lại có thể mua. Được thế, ta sẽ có biết bao bạn bè. Sẽ có tình thương, hòa bình và phát triển. Tại sao? Vì khi con người có đủ ăn, có nơi trú ngụ, có thể an tâm thì tại sao họ lại phải dấn thân vào những lập trường chính trị phức tạp?
Đó là lý do tại sao Đức Phật dạy chúng ta rằng tiết độ trong sự hưởng thụ là việc tốt lành, cao thượng, đáng trân quý. Khi chúng ta thực hành được như thế là chúng ta đã sống đúng theo tinh thần của mattaññuta ca bhattasmim. Đó là chúng ta đã tu đúng, đã thực hành đúng, để đem lại lợi ích cho bản thân và cho người khác. 
Thứ năm, Pantañca sayanasanam: Đừng làm người lăng xăng. Bất cứ bạn sống ở đâu, hãy sống tĩnh lặng, an bình. Đừng gây chuyện hay, ‘hùa theo’ với những người khác trong nhóm. Đừng dây vào những vấn đề phải tranh cãi, trừ khi đó là việc chẳng đặng đừng. Khi bạn đã tu tập, hiểu được bổn phận của mình rồi, thì hãy tìm nơi vắng vẻ, yên tĩnh để sống, để hành thiền. Nếu sống trong chúng, thì hãy thân cận với các chúng thích tĩnh lặng. Khi sống một mình, ở nơi vắng vẻ, hãy là người trầm lắng. Khi sống trong chúng, hãy là người tĩnh lặng. Chỉ thâu nhận những gì tốt đẹp, an lành mà chúng bạn đạo có thể mang đến cho bạn. Khi sống một mình, đừng lăng xăng, bận rộn. Hãy trầm lắng trong hành động, lời nói và tâm ý. Khi sống với nhóm - dù hai hay ba người - đừng dây vào những việc tranh cãi, vì ở đâu có tranh cãi, ở đó không có an tĩnh. Hành động của bạn lúc ấy khó thể tự tại, vì bạn phải náo động. Lời nói của bạn sẽ không được êm dịu. Tâm ý của bạn - đầy những ý nghĩ giận hờn, oán trách - thì không thể an bình. Và điều đó sẽ là nguyên nhân dẫn ta đến bao nghiệp xấu. Khi bạn sống trong một cộng đồng - khoảng từ 4 đến 99 người trở lên - bạn phải biết chắc đó là một cộng đồng hòa hợp, không có tranh chấp, cãi vả, không ai muốn làm tốn thương hay gây đau đớn cho ai. Cộng đồng đó phải hòa hợp để tu tập giới luật và Phật pháp. Một cộng đồng có kỷ  luật, văn minh, nhắm đến việc phát triển cho tất cả mọi thành viên. Đó là bổn phận của người con Phật, phải sống theo lời Phật dạy. Đó được gọi là patañca sayanasanam: tạo ra nơi thanh vắng để sống, để thân tâm được an lạc.
Thứ sáu, Adhicitte ca ayogo: Đừng dễ duôi. Hãy tinh tấn trong việc hành thiền để đạt được định. Hãy thường xuyên định tâm, hành thiền, để làm gương tốt cho chúng noi theo. Khi tham vấn đạo, hãy tìm những lời dạy làm thế nào để phát triển chủ đề thiền quán. Hãy trao đổi về những lợi ích của việc hành thiền. Thực tập tẩy sạch những uế nhiễm trong tâm. Làm được như thế, là bạn đang đi trên con đường tiến tới trạng thái tâm cao thượng.
Sâu xa hơn nữa là khi tâm đã được giải thoát khỏi mọi chướng ngại, đã vào được định, không còn dao động lên xuống. Tâm đã ổn định, kiên cố, mạnh mẽ, không còn gì có thể làm uế nhiễm nó.  Đó được gọi là adhicitte ca ayogo, nguyện đạt được tâm giải thoát. Vì thế đừng dễ duôi. Hãy luôn tu hành miên mật.
Etam buddhanasasanam: Khi bạn làm được những điều này, là bạn đã sống theo lời Phật dạy. Đây là những lời Phật đã dạy, từ kim khẩu Phật. Vì thế tất cả chúng ta đều phải cố gắng để thực hành những lời ấy nơi bản thân. Nếu bạn đã thấm nhuần những lời dạy này, bằng tâm chân thật, trọn lành, thì dù bạn chưa thể giải thoát tâm hoàn toàn khỏi khổ đau, thì ít nhất bạn cũng đang tự vun trồng, phát triển tâm theo đúng hướng. Những hành động bất thiện của bạn sẽ ngày càng bớt, và những tánh thiện mà bạn chưa có được sẽ phát khởi thay vào đó.  Trong khi các tánh thiện bạn đã có, sẽ ngày càng tăng trưởng, nở hoa.
Giờ bạn đã được nghe bài Pháp này, hãy chiêm nghiệm và thực hành.  Hãy rèn luyện bản thân để sống đúng theo lời Phật dạy. Làm được như thế rồi, thì bạn sẽ được hạnh phúc, tự tại, tâm bạn ngày càng tăng trưởng theo lời Phật dạy.
6.2009
(Chuyển ngữ từ DHAMMA FOR EVERYONE, sách Heightened Mind, Thanissaro Bhikkhu chuyển từ Thái sang Anh ngữ. Nguồn: http://www.accesstoinsight.org/lib/thai/lee/everyone.html). 
28/12/2021
Nhiều tác giả
Diệu Liên Lý Thu Linh dịch
Theo https://vnthuquan.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...