Ánh sáng nội tâm 2
TRÍ TUỆ VÀ SỰ QUÁN XÉT
Tác giả: Ogyen Trinley DorjeOgyen Trinley Dorje là một trong hai vị kế thừa ngôi thứ
17 Karmapa.
Một số người có thể nghĩ về tâm linh như là việc đặt lòng tin
vào một điều gì đó. Người khác thì coi pháp như là những lời dạy tâm
linh. Tuy nhiên, tôi lại xem pháp là trí tuệ, là sự quán sát, còn quan trọng
hơn cả niềm tin. Thực hành pháp là nhìn vào cách sống của ta một cách rất
sâu xa. Để làm được thế, ta phải có khả năng phân biệt giữa những yếu
kém và điểm mạnh của ta. Điều này không thể thực hiện chỉ bằng lòng tin.
Có người xem tâm linh như một phương cách để làm lắng dịu tâm
khi nó bị quấy nhiễu. Điều đó có thể xem như một ích lợi tạm thời trước mắt. Tuy nhiên, họ không có giải pháp lâu dài để đem an bình đến tâm, hoặc giải
thoát tâm hoàn toàn khỏi các cảm xúc tiêu cực. Như thế, nhiều người đi
tìm các kết quả trước mắt, một con đường tắt, nhanh chóng mà không phải bỏ nhiều
công sức. Ngày nay vì chủ nghĩa vật chất quá thịnh hành, tâm linh cũng bị
chúng ảnh hưởng, người ta cũng muốn có kết quả nhanh chóng trong lãnh vực tâm
linh. Như thế là chúng ta đã trở thành những con người vật chất một cách
tâm linh. Vì thế điều tôi muốn định nghĩa về pháp là sống một cuộc sống
sâu sắc và tự biết bản thân.
Khi đến với Phật pháp, một trong những điều đầu tiên ta cần
chiêm nghiệm là sự quý báu của thân người - xem cuộc sống của ta là vô cùng quý
giá. Nhìn ra được giá trị của cuộc sống và của các hành vi đạo đức, giúp
ta hướng cuộc sống của mình theo một đường hướng tốt. Như thế, chúng ta
trở thành những hành giả tâm linh tốt bằng cách trở thành những con người tốt.
Không phải là một người tốt, chúng ta không thể trở nên một hành giả tâm linh tốt. Đó là một trong những lý do tại sao chúng ta nói: “Những bước khởi đầu còn sâu
sắc hơn pháp tu chính”.
Tóm lại, trước tiên ta phải tự xét bản thân. Rồi, sau khi đã
hiểu rõ mình, ta có thể sống một cuộc sống sâu sắc hơn. Sống một cách sâu
sắc đó chính là định nghĩa của pháp.
4.2021
(Trích dịch từ một cuộc phỏng vấn của tạp chí Tricycle với
Ngài Karmapa thứ 17th, vào tháng 7, 2011).
MỖI NGÀY LÀ MỘT NIỀM VUI
Tác giả: Rinpoche Trungram GyalwaTiến sĩ Rinpoche Trungram Gyalwa, là người sáng lập và lãnh đạo
tinh thần của Trung Tâm Pháp An Lành (Dharmakaya Center for Wellbeing) tại
Cragsmoor, New York; Trung tâm Thế giới Hòa Bình và Thống Nhất ở Lâm Tỳ Ni,
Nepal; và nhiều trung tâm khác trên khắp thế giới. Uyên bác về Phạn ngữ
và Tây Tạng, ông nổi tiếng là người đã chuyển dịch các kinh sách, giáo lý Phật
giáo cổ xưa giúp các đọc giả Tây phương đương thời có thể nghiên cứu, tìm hiểu.
Bài viết dưới đây được trích ra từ một pháp thoại của ngài
vào tháng 6, 2018 tại Trung tâm Pháp An Lành ở Pine Bush, New York.
Kisa Gotami là một phụ nữ trẻ sống dưới thời Đức Phật lịch sử. Ngày kia, đứa con một của cô chết. Cô đau đớn cùng cực vì sự việc này đến
nỗi cô bắt đầu hủy hoại thân mình. Thấy thế, có người đã khuyên cô đến gặp
Đức Phật. Với niềm hy vọng, mong đợi lớn lao, cô đến xin Đức Phật làm
phép cho con cô sống lại. Đức Phật không từ chối hay chấp nhận lời thỉnh
cầu. Ngài chỉ nói, “Trước khi ta có thể giúp, con phải mang đến cho ta những
hạt giống cải trắng từ một gia đình chưa bao giờ có người chết”. Kisa Gotami
rất vui mừng. Cô đi từ nhà này sang nhà khác, từ thành phố này sang thành
phố khác, và hỏi tất cả mọi gia đình, “Có ai trong gia đình bạn đã chết
không?” Và tất cả mọi gia đình đều trả lời có. Vì thế Kisa Gomati
trở về và báo với Đức Phật rằng cô không thể tìm ra được gia đình nào không có
người chết như Đức Phật đòi hỏi. Ngay lúc đó, trước mặt Đức Phật, cô bỗng
nhận thức rằng cái chết là chân lý của cuộc sống - và cô đã trở nên giác ngộ;
cô đã trở thành một A-la-hán, người đã nhìn thấy chân lý.
Cái chết là không thể tránh vì nhân của nó không phải là bệnh
tật hay tai nạn. Nhân của nó là sinh. Chúng ta thường nghĩ, thí dụ,
rằng ung thư là nguyên nhân làm người ta tử vong. Nhưng đó chỉ là nhân
giúp làm chín cái quả cuối cùng của sinh: là Tử.
Chết là đề tài mà nhiều người - nhất là ở phương Tây, nhưng ở
phương Đông cũng thế - tránh nói đến. Ai cũng xem cái chết là tiêu cực. Không
phải là cái chúng ta mong muốn, nên ta không muốn bị nhắc nhở về nó. Nhưng có tránh né cũng không ích lợi. Thực ra, chúng ta sẽ đau đớn, khổ sở
hơn khi không chuẩn bị cho cái chết - không chỉ ở giây phút cận kề cái chết, mà
còn ngay bây giờ, khi ta chưa chết. Nếu ta không nghĩ nhớ đến sự thật về
cái chết, chất lượng cuộc sống của ta trở nên tồi tệ hơn.
Chúng ta biết một trong những sự thật về cái chết là nó không
thể tránh. Nhưng chúng ta luôn nghĩ: “Đúng, không thể tránh nó, nhưng tôi
còn thì giờ mà, vì tôi còn khỏe, vì tôi còn trẻ”. Đó là những lời phản biện ta
luôn dùng, nhưng chúng giống như đồ che mắt. Thực ra, tuổi tác và bệnh tật
không liên quan gì với cái chết. Có câu nói rằng, trong thời gian chờ một
người bệnh chết, nhiều người khỏe mạnh đã chết trước rồi.
Chúng ta cần phải hiểu rằng cuộc sống có hạn định. Có
lúc bắt đầu, và có lúc tận cùng. Không có gì hơn thế nữa. Đúng ra
cuộc sống của ta ngắn dần đi trong từng khoảnh khắc - không phải đo lường bằng
năm tháng, mà bằng phút giây. Và không kể là ta có ý thức về điều đó hay
không, nó vẫn cứ ngắn đi. Mỗi giây phút, mỗi hơi thở. Ngay cả lúc ta ngủ. Ngay cả khi ta đang làm việc thiện.
Nói chung, Phật giáo khuyên ta phải ý thức đến cái chết.
Chúng ta không nên ngồi đó chờ chết. Không nên trì hoãn hoặc nghĩ rằng ta
còn nhiều thời gian. Cái chết là không tránh khỏi, vậy hãy mang nó ra trước
mặt ta và quán sát nó. Làm thế có thể chuyển hóa cuộc sống của ta.
Dầu không có cái chết, chúng ta cũng có lắm khổ đau. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta bị người khác làm tổn thương. Chúng
ta sợ đánh mất cái gì đó. Sợ không có được cái ta muốn. Ta tranh
giành với người khác vì những thứ này.
Khi hành động như thế, trong tâm ta có một sự giả định căn bản
rằng ta sẽ sống rất lâu. Đó là lý do tại sao ta thấy những thứ này là quan
trọng. Thực ra khi làm thế, ta tạo thêm căng thẳng, đem lại nhiều khổ
đau hơn, và ta đánh mất sự an bình nội tâm.
Nhưng nếu ta có thể quán niệm về chân lý vô thường - của cái
chết và sự không chắc chắn về thời điểm ra đi của ta - thì mọi thứ khác trong đời
đều trở nên không đáng kể. Cảm nhận này sẽ xảy ra một cách tự nhiên và đột
nhiên. Nếu ta có thể nghĩ đến sự thật này của cái chết, trong khi đang
trãi qua những chấn động tình cảm, ta có thể nhận thấy rằng chúng không quan trọng. Vì không kể là chúng ta đã vất vả thế nào để có được và nắm giữ cái gì đó,
chúng ta sẽ vẫn mất nó.
Chân lý này sẽ thay đổi quan điểm của ta và mang lại cho ta
nhiều hạnh phúc hơn. Nó giúp chúng ta biết ơn cuộc sống mà mình đang có
trước mặt - từng khoảnh khắc. Nó giúp ta hiểu rằng được sống mỗi ngày là
một ân sủng.
THIỀN QUÁN VỀ VÔ THƯỜNG
Sự thực hành thông thường nhất liên quan đến cái chết trong
Phật giáo là thiền quán về vô thường. Đó là nền tảng.
Nhưng chỉ với sự suy tư về vô thường - chưa kể đến
thiền quán - cũng là chất xúc tác trên hành trình tâm linh. Hãy ngưỡng vọng Đức
Phật và cuộc đời của Ngài. Chỉ sau khi nhìn thấy một người bệnh, Ngài đã
bắt đầu cuộc hành trình tâm linh của mình. Nếu không có một sự hiểu biết
về vô thường, thì không có cách gì có được sự phát triển tâm linh kỳ diệu như
thế.
Đôi khi nhìn lại những tấm ảnh tôi đã chụp nhiều năm trước,
tôi thường nghĩ đã có bao nhiêu người trong ảnh đã ra đi. Có người giàu,
người nghèo, người là các vị thầy cao cả, nhưng tất cả đều giống nhau. Tất
cả đều phải ra đi. Bạn cũng có thể đọc các sách lịch sử để nhận ra sự thật
này. Hoặc bạn có thể tưởng tượng ra 100 năm sau, kể từ hôm nay và tự hỏi,
“Ai là người còn sống sót?” Có lẽ không ai. Những sự quán niệm này
có thể khơi dậy ý nghĩ về vô thường.
Có nhiều cách khác nhau để thiền quán về vô thường. Như
quán hơi thở. Mỗi lần bạn thở vào, mỗi lần bạn thở ra, cuộc sống của bạn
ngắn dần đi. Bạn có thể trải nghiệm một cảm giác sợ hãi, nhưng như thế là
bạn đã hiểu về vô thường. Bạn cũng có thể nghĩ về cuộc đời của mình thay
đổi thế nào khi từ khi là em bé, thiếu niên, rồi trưởng thành. Đó là vô
thường. Với mỗi đổi thay, cuộc sống của bạn ngắn đi. Sự rút ngắn của
cuộc đời trong từng giây phút thực là một phương pháp thiền quán sống động về
vô thường. Giờ bạn biết khoảng thời gian dài lâu đó không là một khối thời
gian đông cứng. Nó thay đổi. Nó không ở cùng một chỗ hay cùng trong
một trạng thái.
Tính chất vô thường cần được cảm nhận, chứ không chỉ là một sự
hiểu biết qua sách vở. Có câu chuyện nổi tiếng ở Tây Tạng rằng, có một
thiền sư sống trong một hang động. Mỗi lần cần lấy nước, ông phải đi qua
một lối nhỏ hẹp nơi có nhiều cây gai móc vào áo quần. Ông rất muốn cắt
các cây đó xuống, nhưng mỗi lần, ông lại nghĩ, “Thôi, để ta hành thiền trước
đã”. Đó là vì ông không biết mình có còn đủ thời gian để giác ngộ. Vì thế cuối cùng ông không cắt cành cây nào cả, nhưng ông đã tỉm được chân lý
cho tâm mình.
5.2021
(Lược dịch từ: Every Day Is a Bonus, tạp chí Tricycle
13/9/2018)
CHUẨN BỊ THỰC ĐƠN
Tác giả: Bernard GlassmanBernard Glassman, Viện trưởng của Cộng đồng Thiền ở New
York, và Trung tâm Thiền ở Los Angeles. Tốt nghiệp tiến sĩ Toán Ứng Dụng, ông
là kỹ sư không gian, làm việc cho hãng McDonnell-Douglas, trong chương trình gửi
người lên Mars những năm 1970. Ông mất ngày 4 tháng 11, 2018.
Khi tôi bắt đầu học thiền, thầy tôi cho tôi một công án, một
câu hỏi thiền, để trả lời: “Làm sao đi xa hơn đầu ngọn cờ một trăm thước?”
Ta không thể dùng lý trí để trả lời công án này - hay bất cứ
câu hỏi thiền nào một cách logic. Tôi quán chiếu một thời gian dài, rồi
thưa với thầy: “Câu trả lời là phải sống trọn vẹn”.
Bắt đầu như thế là tốt. Nhưng đó chỉ là phần lý trí, logic của
câu trả lời. Ta còn phải đi xa hơn thế. Ta còn phải thể hiện câu trả lời. Ta
còn phải thực tế hóa câu trả lời. Phải chứng tỏ cho thiền sư thấy bạn đã sống
trọn vẹn trong từng giây phút bằng cách nào. Phải áp dụng câu trả lời vào chính
cuộc sống của ta - trong các liên hệ hàng ngày ở chợ, chốn công sở, văn phòng
làm việc cũng như trong các chùa, các thiền đường.
Khi chúng ta sống trọn vẹn, cuộc sống của ta trở
thành cái mà trong thiền người ta gọi là một “bữa ăn hoàn hảo”.
Chúng ta sửa soạn cho bữa ăn hoàn hảo này bằng các vật liệu
có sẵn để nấu các món ngon nhất trong khả năng của mình và dọn ra mời khách.
Phần lớn các Phật tử tìm đến, cầu học khả năng của tôi với tư
cách là một giảng sư thiền, vì họ cảm thấy có cái gì đó thiếu sót trong cuộc đời.
Hay có thể nói rằng phần lớn người ta tìm đến thiền vì họ thiếu, họ đói một thứ
gì đó.
Có thể họ thành công trong kinh doanh nhưng cảm thấy rằng họ
đã bỏ qua những khía cạnh tâm linh sâu xa hơn của cuộc đời. Những người này tìm
đến thiền để tìm ý nghĩa trong cuộc sống. Lại có người quá chú trọng vào đời sống
tâm linh đến nỗi họ quên sống. Những người này tìm đến thiền để “lập lại cân bằng
trong đời sống”.
Có người tìm đến thiền vì lý do sức khỏe. Họ thấy rằng
các tư thế ngồi và cách thở khi tọa thiền rất hữu ích. Thí dụ, thường xuyên tập
luyện thiền giúp giảm huyết áp và làm sự tuần hoàn tốt hơn.
Người khác đến với thiền để tu sửa mình. Họ đến với
thiền vì muốn làm được cái gì đó hay trở nên một người “tốt” hơn.
Cuối cùng, dĩ nhiên, là có người thực tập thiền vì những lý
do tâm linh. Những người này muốn đạt được “Ngộ”. Để họ có thể nhìn được chính
mình không bằng con mắt thường mà bằng tất cả thân tâm.
Tất cả mọi lý do đều xác đáng. Thiền có thể giúp ta tìm lại
thăng bằng trong cuộc sống. Thiền giúp cho sức khoẻ ta tốt hơn. Tuy việc hành
thiền không thể giải quyết mọi xung đột, nhưng nó giúp cho ta có thể nhìn vấn đề
dưới nhiều khía cạnh. Việc hành thiền cũng đem lại an bình nội tâm, nên
khi những bất ngờ trong cuộc sống có xô ngã ta, ta có thể đứng dậy và lấy lại
thăng bằng nhanh hơn.
Việc hành thiền còn có thể giúp ta về nhiều mặt khác nữa. Nó
có thể cho ta kinh nghiệm của sự bình an nội tâm, nó có thể tăng thêm sức mạnh
cho sự chú tâm. Nó giúp ta vượt qua những định kiến và cố chấp. Nó dạy ta cách
làm việc hữu hiệu hơn. Đó là những mặt lợi ích của thiền - nhưng cũng có thể
nói, đó là “các phản ứng phụ”.
Ở mức độ sâu thẳm hơn, thiền - hay bất cứ con đường tâm linh
nào - còn mang đến cho ta nhiều hơn những thứ ta có thể liệt kê ra. Thiền là sự
nhận thức vẹn toàn về cuộc đời dưới mọi khía cạnh. Đó không chỉ có phần thánh
thiện, phần “tinh thần” của cuộc sống; nó là tất cả. Nó là hoa, là sông, núi,
suối, con phố, là những đứa trẻ không nhà. Nó là bầu trời quang đãng, là bầu trời
đầy mây, hay đầy bụi bặm. Nó là cánh hoa hồng trong vườn, là cánh hoa hồng cắm
trong bình, là cánh hoa hồng đã thành rác rưởi.
Thiền là cuộc sống - cuộc sống của chúng ta. Một cuộc sống
không có giới hạn.
Tôi đã hành thiền và tu học nhiều năm để trở thành một người
đầu bếp thiền để có thể sửa soạn bữa ăn hoàn hảo đó.
Những quy luật thiền tôi học được - quy luật của người đầu bếp
thiền - có thể áp dụng ở khắp mọi nơi.
Quy luật đầu tiên là chúng ta đã có mọi thứ vật liệu mình cần.
Nếu quan sát kỹ cuộc đời mình, ta sẽ thấy mình đã có tất cả mọi thứ cần thiết để
sửa soạn bữa ăn hoàn hảo đó. Bất cứ lúc nào, ta cũng có thể lấy những vật liệu
mình đang có để nấu những món ngon nhất. Không cần biết ta có ít hay nhiều. Người
đầu bếp thiền chỉ cần nhìn lại xem mình đã có những gì và bắt đầu từ đó.
9.2021
(Chuyển ngữ từ Preparing The Menu, theo sách Instructions
For The Cook, Harmony Books)
"ĐỂ XỨNG ĐÁNG LÀM NGƯỜI
NỮ TU"
CINDY RASICOT phỏng vấn Tỳ khưu ni DHAMMANANDATỳ khưu ni DHAMMANANDA, là vị ni Thái Lan đầu tiên được thọ đại
giới theo hệ phái Nguyên thủy. Bà thọ giới sa di vào 6 tháng 2,2001 tại
Tích Lan, vì không thể thọ giới ở quê hương, nơi có khoảng 300,000 tăng sĩ,
nhưng không có phụ nữ được thọ giới. Ba năm trước đó, dòng tỳ khưu ni đã
được thiết lập lại ở Tích Lan, sau khi bị xóa bỏ gần cả ngàn năm. Sự thọ
giới của Dhammananda đã làm dấy lên những cuộc tranh cãi gay gắt trong cộng
đồng tại Thái Lan, sự chống đối của các tăng sĩ và sự chế giễu từ các ngành
truyền thông bảo thủ. Mặc dù bị chống đối, bà đã trở lại Tích Lan năm
2003 để thọ đại giới làm tỳ khưu ni.
Theo lời kể của Dhammananda, lịch sử của ni đoàn Thái Lan có
thể chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn một xảy ra vào năm 1928, khi một nam
nhân tên Narin Klung tìm cách cho hai con gái được thọ giới. Hai phụ nữ
trẻ này bị bắt giam, không cho vận y áo người tu, sau đó, Tăng thống Thái ra lệnh
cấm tăng sĩ được trao giới cho người nữ. Lệnh đó, là Luật Tăng Đoàn 1928,
vẫn được tăng đoàn sử dụng trong việc từ chối chấp nhận tỳ khưu ni.
Làn sóng thứ hai bắt đầu vào năm 1956, khi mẹ của
Dhammananda, bà Voramai, thỉnh cầu sư phụ của mình để được thọ giới. Bà không muốn trở thành một maeji. Maejis là những nữ cư sĩ thọ tám giới,
mặc áo trắng, nguyện sống độc thân và sống một cuộc sống khổ hạnh. Phần lớn những
người phụ nữ này đã, và vẫn còn, bị thiệt thòi trong xã hội Thái Lan; nhiều người
không được đến trường, không nhận được sự hỗ trợ tài chính nào. Họ thường cư
trú trong chùa, hoặc đền thờ, nơi họ dọn dẹp và nấu ăn cho các sư. Thay vào đó,
Voramai chọn mặc y màu vàng và tự gọi mình là nakbuad, "người được thọ giới".
Năm 1960, bà thành lập Songdhammakalyani, một tu viện cho người nữ, nơi
Dhammananda giờ là trụ trì.
Vào năm 1971, Voramai đến Đài Loan, nơi bà được thọ giới trọng. Lúc đó, vì không thể được thọ giới theo truyền thống Nguyên thủy Thái Lan, nên
bà thọ giới theo dòng Dharmaguptaka, trở thành tỳ khưu ni Thái Lan hiện đại đầu
tiên, với pháp hiệu Ta Tao Fa Tzu. Trong trường hợp của bà, vì tăng đoàn
và xã hội Thái xem như bà xuất gia theo Đại thừa hơn là theo Nguyên thủy, nên họ
không phản đối mạnh mẽ.
Dhammananda xem chính sự xuất gia của mình là khởi đầu của
làn sóng thứ ba. Hai mươi năm sau khi bà xuất gia, có gần ba trăm phụ nữ được
thọ giới đầy đủ ở Thái Lan, trải dài qua bốn mươi hai tỉnh thành.
Cuộc phỏng vấn sau đây cho thấy Dhammananda là một tu sĩ có
nhiều đóng góp cho xã hội, một nhà hoạt động môi trường, nhà giáo, một nữ quyền,
và một huấn luyện viên. Quyết định xuất gia của Dhammananda, cũng như những
đóng góp về mặt học thuật và tâm linh của bà, tạo ảnh hưởng lớn cho sự hoạt động
của các nhà nữ quyền Phật giáo hiện nay ở Thái Lan, nhất là khi người ta thấu
hiểu mức độ mà phụ nữ Thái bị phân biệt đối xử vì tôn giáo của họ. Bà đã giải
thích cuộc hành trình của mình như sau: “Tôi đã chu du khắp thế giới để con
cháu tôi được hãnh diện về người mẹ/ bà đã dọn đường để họ có thể đường hoàng bước
tới với tư cách là một người nữ tu”.
CINDY RASICOT: Đầu tiên làm thế nào bà biết mình muốn xuất
gia?
DHAMMANANDA: Tôi đã tham gia trên truyền hình, tổ chức một
chương trình giảng Pháp nổi tiếng hàng tuần trong sáu năm. Trước mỗi chương
trình, tôi phải dành hàng giờ để trang điểm - đánh mắt, gắn mi giả, tô móng
tay, chọn trang phục phù hợp, đại loại những thứ đó. Phải thú nhận, tôi
cũng thích làm đẹp. Rồi một ngày, khi tôi nghiêng người, soi gương để kiểm tra
hình ảnh phản chiếu của mình trong gương, lúc đó Chatsumarn, hỏi tôi bằng tiếng
Anh, "Bà còn tiếp tục làm những thứ này trong bao lâu nữa?" Tôi
sững người. Vâng, tôi phải tô son, trét phấn đến bao lâu nữa? Tôi phải sống
cuộc sống thế tục này bao lâu nữa? Thật là một thử thách bất ngờ đối với bản
thân khiến tôi phải quyết định.
Đó là khoảnh khắc khi tôi quyết sống đời xuất gia; đó là năm
1999. Năm 2000, việc đầu tiên tôi làm là đi Đài Loan để thọ giới Bồ tát của
cư sĩ. Khi đã thọ Bồ tát giới, ta không còn quan tâm đến bản thân mình nữa - ta
phải phụng sự người, chăm lo cho xã hội và cho thế giới. Tôi muốn thực hiện cam
kết đó trước khi xuất gia.
Vào thời điểm đó, bà đã lập gia đình
hơn ba mươi năm và có ba người con trai đã trưởng thành. Đó có
phải là một quyết định khó khăn đối với bà khi phải rời bỏ gia đình?
Một câu hỏi thú vị - Vâng, tôi đã có gia đình, nhưng vào thời
điểm đó trong cuộc đời, tôi chỉ muốn hai điều: độc thân và ăn chay. Khi tôi nói
với chồng rằng tôi muốn ly hôn, anh ấy không tức giận mà chỉ bối rối. Anh ấy
nói, "Không sao, nếu em muốn được thọ giới, nhưng tại sao lại phải ly
hôn?" Lý do vì chồng tôi ở trong quân đội, ông không muốn bị mất mặt; ông
không muốn cảm thấy hổ thẹn với mọi người.
Bà sẽ khuyên một phụ nữ trong hoàn cảnh tương tự
như thế nào: đã kết hôn, có con cái, nhưng khao khát muốn xuất
gia, trở thành tỳ khưu ni?
Thứ nhất, nếu bạn đã chọn làm mẹ - bạn phải hoàn thành vai
trò đó một cách đầy đủ. Hãy chắc rằng con bạn đã có thể tự lo. Hãy chắc rằng
chúng đã trưởng thành, đã vững chãi. Được như thế rồi bạn mới nên nghĩ tới
chuyện xuất gia.
Nếu bạn còn trẻ và muốn xuất gia, thì phải xem xét điều gì
quan trọng hơn, lập gia đình hay xuất gia? Bạn phải chọn. Điều này rất
quan trọng vì một khi bạn đã có gia đình, không dễ từ bỏ nó. Bạn phải có
trách nhiệm với chồng con. Hãy giải quyết việc đó trước. Trong trường hợp
của tôi, các con ủng hộ quyết định của tôi. Chúng hoàn toàn trưởng thành -
chúng muốn tôi được quyền tự do lựa chọn những gì tôi muốn làm với phần còn lại
của cuộc đời mình. Lúc đó, một người con của tôi đã can thiệp và thuyết phục chồng
tôi, nên cuối cùng anh đồng ý ly hôn. Đến cuối năm 2000, cuộc ly hôn của tôi kết
thúc, và tôi cũng đã từ bỏ công việc ở trường đại học. Tôi đã được thọ giới
sadi theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy vào tháng 2 năm 2001.
Bà xuất gia ở Sri Lanka. Sau khi trở về lại Thái
Lan, thì chuyện gì đã xảy ra?
Khi đi thọ giới, tôi chỉ có một mình. Tôi không muốn có chuyện
ồn ào khi trở về Thái Lan. Tôi chỉ muốn an dưỡng âm thầm trong một tu viện
nào đó. Nhưng về sau, tôi được mời xuất hiện trên truyền hình, trên một
kênh bảo thủ, thuộc sở hữu của quân đội. Vào ngày tôi được phỏng vấn, cả hai
chương trình đều bị hủy vào phút cuối vì họ nói rằng cuộc phỏng vấn có thể có
"ảnh hưởng không mong đợi đối với xã hội". Việc hủy phỏng vấn gây ra
nhiều phản ứng đối lập.
Tôi thực sự bị các phương tiện truyền thông áp lực. Tôi đã nhận
được những lá thư đầy thù hận và email với lời lẽ không lịch sự. Cả hai năm trời,
tôi không đụng đến báo chí vì chiến dịch truyền thông quá hung bạo. Tôi đã sống
sót, nhưng tôi nhận ra rằng tôi đang đứng một mình, chơ vơ giữa đồng. Không ai bảo vệ tôi hoặc lên tiếng ủng hộ tôi. Mặc dù vậy, tôi có niềm
tin lớn lao rằng giáo pháp sẽ bảo vệ tôi.
Bà là một người tiên phong trong việc hồi sinh
dòng nữ tu theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy. Tại sao điều này
lại quan trọng đối với bà?
Tôi nhìn lại cuộc đời của mẹ tôi. Bà là vị tỳ khưu ni đầu
tiên ở Thái Lan và là trụ trì của tự viện này. Nhưng dòng truyền thừa của bà là
từ Đài Loan. Để tiếp tục dòng truyền thừa này, bạn phải rất uyên thâm tiếng
Trung Quốc, do đó dù mẹ tôi được thọ giới, nhưng bà không được đào tạo. Do đó,
bà không thể huấn luyện những người phụ nữ khác để họ được thọ giới; bà không
thể tiếp nối truyền thống.
Tôi cũng đã cân nhắc việc được thọ giới ở Đài Loan, nhưng ở
tuổi của tôi, tôi không thể học tiếng Trung đủ để thành thạo ngôn ngữ này. Tôi
cũng cân nhắc việc thọ giới theo truyền thống Tây Tạng - tôi có mối liên hệ sâu
sắc với Phật giáo Vajrayana vì tôi đang phiên dịch các tác phẩm của Đức Dalai
Lama. Nhưng theo truyền thống đó phụ nữ cũng không được thọ giới đầy đủ.
Tôi biết tôi thực sự muốn giúp phát triển ni đoàn. Tại
sao? Bởi vì Đức Phật đã thành lập tứ chúng gồm: nữ cư sĩ, nam cư sĩ, Tỳ khưu và
Tỳ khưu ni. Việc đó giống như một chiếc ghế có bốn chân. Bạn có thể nói rằng
ở đất nước tôi một chân ghế - các nữ tu được thọ giới đầy đủ - bị thiếu. Tôi cần
phải mang chân ghế thứ tư này về.
Bà thường nói Đức Phật là nhà nữ quyền đầu
tiên. Bà có thể nói rõ thêm về điều đó?
Vâng. Như bạn biết đấy, những lời vàng của Đức Phật ban
ra trong thời điểm Đức Phật cho phép phụ nữ được xuất gia: Ngài đã tuyên bố rằng
người nữ cũng có thể được giác ngộ. Không có tôn giáo nào khác trước Phật giáo
đã nhận ra rõ ràng tiềm năng tâm linh của phụ nữ. Tuyên bố đó vô cùng quan trọng…
Nữ quyền có ý nghĩa gì đối với bà?
Điều đó có nghĩa là người phụ nữ có thể làm bất cứ điều gì mà
tiềm năng cô cho phép. Và nếu bị ngăn trở, không được làm những gì cô muốn,
thì cô phải đối mặt với người cản đường. Đức Phật đã cho phép chúng tôi
được xuất gia. Đó là di sản của chúng tôi. Tôi không đấu tranh cho sự
bình đẳng; tôi đấu tranh cho quyền lợi của mình.
Bà nghĩ thế nào với sự khác biệt giữa giới luật
dành cho tăng (patimokkha) với 227 quy tắc, và ni với 311 quy tắc?
Bà có nghĩ là trong tương lai các quy tắc đó có thể được xem xét
lại?
Không. Theo Phật giáo Nguyên thủy, bất cứ điều gì được Đức Phật
ban ra, chúng tôi chấp nhận điều đó như thế. Tôi không thấy có gì
sai với các con số này; nếu bạn thực sự nghiên cứu chúng, bạn sẽ thấy sự khác
biệt rất nhỏ nhoi. Thí dụ, một số quy tắc bên tăng được tính là một,
nhưng khi áp dụng cho phía bên ni thì được chia nhỏ ra thành tám quy tắc. Tám quy tắc hay một quy tắc - đây không phải là vấn đề lớn đối với chúng tôi.
Đôi khi, vì không có thời gian để đi vào chi tiết, tôi chỉ đơn giản nói,
"Vâng, vì Đức Phật tin rằng chúng tôi có thể giữ nhiều quy tắc hơn!"
Qua hai mươi năm, sự chống đối của tăng đoàn
Thái Lan đối với sự xuất gia của người nữ có thay đổi không?
Có ạ - giờ, họ im lặng. Ngoài ra, Sangharaja hiện tại [trưởng
tăng đoàn Thái Lan] và nhiều vị sư biết cá nhân tôi.
Tôi mong rằng - tỳ khưu ni đi đúng hướng. Nếu họ không
gây ra bất kỳ vấn đề nào, thì cuối cùng tăng đoàn sẽ chấp nhận họ, thậm chí quý
sư còn sẽ có động thái hỗ trợ họ.
Bà có nghĩ rằng Đạo luật 1928, cấm người
nữ xuất gia sẽ bị thu hồi?
Đạo luật đó không hợp lệ và không tuân theo tinh thần của hiến
pháp; do đó, về mặt pháp lý, nó không hợp lệ. Tuy nhiên, theo văn hóa
Thái, khi một sắc lệnh được hoàng gia ban ra, rất khó để vô hiệu nó. Nhưng từ quan điểm pháp lý nghiêm ngặt, chính phủ có thể làm điều đó. Tăng đoàn
không thể thu hồi nó, nhưng ít nhất, họ không nên trích dẫn hay ủng hộ nó.
Điều đó gây trở ngại cho tăng đoàn Thái Lan. Nhưng nếu họ
không cản trở sự có mặt của ni đoàn, thì sẽ phù hợp với luật pháp hơn.
Thái độ của người Thái đối với nữ tu đã thay đổi
như thế nào trong hai mươi năm qua?
Bây giờ khi các nữ tu xuất hiện nơi công cộng, mọi người
không còn cảm thấy khó chịu nữa. Họ coi đó là một phần của cuộc sống hàng ngày.
Họ không đặt nhiều vấn đề như trước đây. Vì vậy, các nữ tu có mặt ngày hôm nay,
hai thập kỷ sau tôi - họ thoải mái hơn nhiều. Bây giờ sai trái hay không
là do chính các nữ tu. Họ phải chân thành trong tâm nguyện của mình và
không biến việc đi tu thành việc ‘kinh doanh’. Người cư sĩ đặt niềm tin
nơi các tu sĩ; chúng tôi không được lợi dụng niềm tin đó. Điều đó rất
quan trọng - chúng tôi đã thấy nó xảy ra trong tăng đoàn. Không nên để nó
xảy ra trong ni đoàn
Làm thế nào để tránh biến việc tu hành của người nữ thành việc
kinh doanh?
Chúng tôi cố gắng hết sức để đào tạo và giáo dục các nữ
tu. Chúng tôi chất vấn họ: "Tại sao muốn xuất gia?" Ý định xuất
gia, ngay từ đầu, phải là ý định đúng đắn. Có người xuất gia đơn giản vì họ
nghĩ rằng đó là một cách để kiếm tiền; nếu họ bắt đầu với loại ý tưởng đó, thì
tất nhiên họ sẽ không thể tiếp tục tu hành. Nhưng nếu họ có một ý định rõ ràng
và muốn được xuất gia để thực hiện mong muốn của Đức Phật, thì họ đang đi đúng
hướng.
Ví dụ, ngay bây giờ, vì Covid-19, chúng ta đã phải chịu nhiều
thiệt thòi về kinh tế. Chính phủ đã phát động chương trình hỗ trợ người nghèo.
Người nữ tu sẽ tự hỏi có nên nộp đơn xin hỗ trợ hay không vì đối với chính phủ,
họ là người dân, do đó họ có đủ điều kiện để được giúp đỡ.
Nhưng giờ bạn là tu sĩ, bạn đã được mọi người ủng hộ. Còn đây
là chính quyền đang cố gắng giúp đỡ người nghèo. Đừng lợi dụng lòng tốt của
họ; đừng cố gắng trục lợi. Tôi có thể đưa một thí dụ.
Bạn biết rồi đấy, người Thái thích tạo công đức bằng cách
mang tiền đến cúng dường cho các sư phải không? Ở tu viện của chúng tôi,
người ta không phải mang tiền đến để tạo công đức. Tôi đã thiết lập nơi đây như
một ngôi chùa sinh thái, vì vậy chúng tôi nói với Phật tử rằng họ có thể mang
tiền nếu muốn, nhưng họ cũng có thể mang rác để tạo công đức. Vì vậy, bây
giờ họ mang rác, và chúng tôi phân loại tất cả để tái chế.
Chúng tôi cũng chỉ cho họ cách tái chế và tái sử dụng các mặt
hàng. Chúng tôi cắt áo sơ mi cũ ra nhiều mảnh, rồi dệt chúng thành thảm; tôi đã
dệt bốn hoặc năm tấm thảm và tặng chúng cho các thí chủ.
Chùa này được cung cấp năng lượng mặt trời. Chúng tôi sử dụng
năng lượng sạch. Chúng tôi chăm sóc môi trường. Mỗi tháng chúng tôi bán tái chế
của mình trở lại cho các nhà máy.
Lúc nào chúng ta cũng có thể tái chế, ngay cả hơi thở của
mình. Khi bạn hít thở không khí trong lành, nuôi dưỡng bản thân và khi bạn
thở ra, hãy gửi năng lượng tràn đầy tình thương yêu và chăm sóc cho người.
Thông điệp của bà dành cho các bạn đồng hành trên
đường tu, đặc biệt người nữ là gì?
Chỉ điều này: đừng nghĩ rằng bạn không thể làm điều gì đó. Bạn
chỉ cần làm cho nó xảy ra bằng cách bắt đầu. Và mọi người khác sẽ góp tay.
7.2021
(Lược dịch theo “To Walk Proudly as Buddhist Women”,
Buddhadharma, Summer 2021)
SỐNG TRONG BÌNH AN
Tác giả: Tỳ Khưu ThanissaroTỳ Khưu Thanissaro (Geoffrey DeGraff) là một tu sĩ người
Mỹ theo truyền thống tu trong rừng của Thái Lan. Sau khi tốt
nghiệp Đại học Oberlin năm 1971 với chuyên ngành về Lịch sử Tri Thức Âu
Châu, ông theo học thiền với Thiền sư Ajaan Fuang Jotiko ở Thái Lan và
xuất gia năm 1976. Năm 1991 Sư giúp xây dựng Metta Forest Monastery
ở San Diego, California, nơi Sư sau này là trụ trì. Sư là một dịch
giả, người viết năng nổ. Nhiều tác phẩm của Sư có thể được tìm
thấy trên mạng: www.accesstoinsight.org.
Pháp mang lại an bình, là nơi trú ẩn và hạnh phúc cho thế
gian. Nếu thế giới bị tước đoạt Pháp, chúng ta không thể tìm thấy bất kỳ sự
bình an nào ở đâu cả. Nếu mọi người, cá nhân hoặc đoàn thể, luôn có Pháp trong
tâm, thì họ giống như cỏ xanh tươi mọc trên cánh đồng mùa xuân hay thung lũng
trên núi, liên tục được nước mưa tưới tẩm. Nếu người ta thiếu Pháp - nếu
họ xấu ác hoặc hành xử không khéo léo- thì họ giống như cỏ trong mùa khô hoặc
trên sa mạc, nằm chết trên mặt đất. Họ không có gì để khiến người khác cảm thấy
mến ưa hay tôn trọng. Ngược lại, họ sẽ bị coi thường và quên lãng. Họ sẽ không gặt hái được gì ngoài đau khổ và bất hạnh.
Những người có Pháp trong tâm, giống như cây có hoa đẹp, hoa
thơm. Mọi người đều muốn ở gần họ, kết thân với họ. Còn những người có hành vi
thô tháo, họ giống như loài cây có hoa tuy đẹp nhưng đầy gai, hoặc không có
hương thơm, hoặc hết sức hôi thối. Người khác chắc chắn sẽ chán ghét, không muốn
đến gần họ.
Pháp cũng có thể được so sánh với ngọn lửa trong chiếc đèn lồng,
mà bản chất của nó là sáng rực. Tâm của ta giống như cái lồng bao quanh ngọn
đèn. Nếu chiếc lồng không được chùi rửa, đầy bồ hóng, thì dù ngọn lửa có
sáng đến đâu, nó cũng không thể tỏa ánh sáng ra bên ngoài. Cũng thế, nếu
tâm của ta bị những ý đồ xấu ác che khuất, thì dù ta cố gắng làm bao điều tốt,
tâm cũng không thanh tịnh, bình an vì nó vẫn còn ô uế giống như bồ hóng làm mờ
ám vỏ đèn lồng.
Chúng ta đã đến tu viện này, đó là một nơi yên bình, nên
chúng ta cần cố gắng giữ bình an, thanh khiết trong hành vi của mình: thanh khiết
trong lời nói, hành động và ý nghĩ của mình. Khi ta có thể thanh khiết cả
bên trong và bên ngoài như thế này, chúng ta sẽ hòa hợp với sự yên bình, thanh
tịnh của nơi này.
Sự yên bình có được do nhiều nguyên nhân và mang lại nghiệp quả.
Nếu không có nhân, quả sẽ không có. Loại hạnh phúc thiếu vắng sự bình an chỉ
kéo dài trong một hơi thở ngắn. Nhưng hạnh phúc mà bình an, thanh tịnh
mang đến sẽ tồn tại trong một thời gian dài, rất dài. Nếu nơi chúng ta sống
không yên tịnh, thì các hoạt động của ta không mang lại lợi ích gì. Thí dụ,
nếu muốn đọc, viết hoặc ghi nhớ kinh văn, thì rất khó. Đây là lý do tại
sao sự yên tịnh là rất quan trọng mà tất cả chúng ta phải cố gắng cùng nhau tạo
dựng.
Thân chúng ta giống như một bình nước lớn, tâm như nước trong
bình; và ô nhiễm của chúng ta, như cặn lóng trong nước. Nếu chúng ta lấy một cục
phèn, khuấy quanh bình nước, các cặn lóng sẽ tụ lại kết tủa ở hai bên hoặc đáy
bình, khiến nước được sạch, trong. Pháp giống như viên phèn để làm cho tâm
chúng ta được sạch trong. Khi ta lắng nghe Pháp và mang nó về nhà suy ngẫm
để thêm lợi lạc, nó sẽ lọc bỏ các khuynh hướng bất thiện, cấu uế, để chúng kết
tủa, tách ra khỏi tâm. Khi Pháp trụ lại với tâm theo cách này, thì ngay cả
khi có cảm giác tức giận, chúng ta cũng không chạy đuổi theo cảm giác tức giận
đó. Khi có cảm giác thù hận, chúng ta sẽ không nổi sân theo đó. Khi có cảm
giác si mê, chúng ta sẽ không trở nên bồng bột theo đó. Nhưng ngay cả như thế,
những cảm xúc này vẫn nằm chờ đợi, ngủ ngầm trong tâm, đó là lý do tại sao
chúng ta phải phát triển các hình thức thiện lành cao hơn nữa để loại bỏ hoàn
toàn các cặn lóng ra khỏi bình nước của chúng ta.
Các hình thức thiện lành cao hơn mà ta phải phát triển là các
thực hành để tạo ra sự bình an trong tâm. Khi tâm được bình an, nó tạo ra một nội
tâm đầy phẩm chất, giống như cách ta để nước lắng đọng thì nó trở nên trong suốt. Ở bên trong phàm phu chúng ta có ba kẻ xúi giục: mắt, tai và miệng. Đó là trên
phương diện vật lý. Ở lãnh vực tinh thần, kẻ xúi giục bên trong chính là
tâm. Đây là những thứ tạo ra sự bất an trong nội tâm ta. Vì thế, ta
phải cẩn thận ngăn các độc tố đi vào nội tâm qua các cửa này. Nếu nhận ra
rằng mình đã ăn nhầm chất độc, ta phải nhổ nó ra ngay. Nếu không, nó sẽ làm hại
ta. Nói cách khác, mắt, tai và miệng là những nơi ta cần canh giữ, kiềm chế nhiều
nhất.
Thông thường, mắt luôn tìm kiếm rắc rối, tai cũng thế
và miệng có thói quen hay nói những điều gây rắc rối. Để lời nói của ta
không đem lại rắc rối, đòi hỏi sự khôn ngoan, sáng suốt. Khi ta sáng suốt, thì
giống như khi ta hấp thụ thức ăn ngon, ta sẽ an toàn. Ngay cả khi ăn phải
chất độc, ta cũng không chết. Sự sáng suốt đang được đề cập ở đây là sự hiểu biết
từ các kiếp quá khứ, hiểu biết về cách con người chết và tái sinh, và sự hiểu
biết để chấm dứt quá trình sinh khởi của ô nhiễm trong tâm. Nếu chưa có được những
loại sáng suốt này, ta phải cẩn thận hơn trong việc chăm sóc bản thân, để ta có
thể có được hiểu biết về những gì là thiện xảo, những gì là không.
Khi phòng ngự thân, ta phải (1) canh chừng cái ác để nó không
phát sinh; (2) canh chừng cái thiện để nó không lơi nhịp; và (3) sử dụng tâm
thiện lành để nó mang lại lợi ích. Khi nói, hãy để lời nói của chúng ta mang đến
sự bình yên. Nếu lời nói của ta gây rắc rối, thì khác gì ta đã ăn chất độc. Lúc đó, ta không chỉ làm hại bản thân, mà người khác cũng bị vạ lây, giống như
ta rải chất độc vào một cái bể nơi các con cá đang cắn nhau. Con này cắn
con kia, làm vết thương bị đầu độc, và cuối cùng chúng giống như một bè cá chết
nổi lên trên mặt nước. Vì thế, khi biết mình vẫn còn tham, sân và si trong tâm,
ta cần phải hết sức cẩn trọng trong lời nói. Khi chánh niệm để chỉ nói những gì
cần nói, và kiềm chế không nói điều không nên nói, là chúng ta đang gìn giữ để
sự thiện lành không bị hao tổn, đồng thời ta cũng ngăn chặn cái ác không khởi
lên. Ngoài ra, ta cũng phải chú ý đến đôi tai của mình. Đôi khi người
khác nói với thiện ý, nhưng ta nghe không lọt tai. Ngược lại, đôi khi ta nói với
thiện ý, nhưng người khác lại hiểu lầm. Trong trường hợp đó, người ta nói là
đàn gảy tai trâu. Nó không đem lại ích lợi gì.
Khi sống cùng nhau trong tăng chúng như thế này, chắc chắn sẽ
có đủ loại âm thanh khi chúng ta tiếp xúc với nhau. Nếu so sánh, chúng ta không
khác gì một dàn nhạc, gồm âm thanh của kèn, âm thanh của cồng chiêng, âm thanh
của mộc cầm, âm thanh cao, âm thanh thấp. Nếu tất cả các nhạc cụ đều có cùng âm
thanh, thì dàn nhạc này nghe không thú vị chút nào. Tương tự, khi nhiều
người sống cùng nhau, chắc chắn sẽ có những âm thanh tốt và xấu phát sinh trong
nhóm. Vì vậy, mỗi người chúng ta phải tự chăm sóc tâm mình. Đừng để bản thân cảm
thấy tức giận hoặc bất mãn với các âm thanh khó nghe, vì khi có nhiều bất mãn,
chắc chắn tâm sẽ chuyển sang sân hận. Khi có nhiều sân hận, tâm sẽ chuyển sang
ác ý. Khi có ác ý, nó sẽ dẫn đến cãi vã, phiền hà.
Vì lý do này, chúng ta nên phát triển các suy nghĩ thiện lành
tới người ở trên ta, ở dưới ta hay cùng cấp độ với ta. Khi người dưới ta thể hiện
sự khó chịu trong lời nói hoặc hành động, ta nên tha thứ cho họ. Khi có thể làm
điều này, chúng ta sẽ đóng góp cho sự bình yên và thanh tịnh của nhóm.
Tâm chúng sanh hiếm khi có thời gian để nghỉ ngơi và thư
giãn. Lúc nào ta cũng có điều phải suy nghĩ. Có thể nói rằng kể từ khi học được
ngôn ngữ của con người, chúng ta đã tiếp tục suy nghĩ mà không có thời gian để
dừng lại và nghỉ ngơi. Tâm khiến bản thân bận rộn cho đến khi chết. Nếu thân ta
cũng cần cù như thế, thì tất cả mọi người sẽ trở thành triệu phú. Nhưng khi tâm
không có thời gian nghỉ ngơi, nó chứa đầy các chướng ngại. Đó là lý do tại sao
tâm không được bình an. Vì vậy, chúng ta được dạy thực hành thiền, buông bỏ những
suy nghĩ về dục ái. Nói cách khác, chúng ta đóng cửa các giác quan của mình, để
tâm không chú ý đến bất cứ điều gì ở bên ngoài, và chúng ta có thể đặt hết tâm
trí vào các phẩm chất cao quý của Phật, Pháp và Tăng. Ta không để tâm rơi
vào sắc, thinh, hương, vị, hay xúc, là các đối tượng của dục.
Đối với các uế nhiễm, chúng ta không để tâm rơi vào trạng
thái tham, sân hay si. Sự thực hành đôi khi diễn ra như ý ta muốn, nên ta
sinh ưa thích, và coi thường. Đôi khi nó không diễn ra như ý ta muốn, và
ta bực bội, khó chịu. Đây là những trường hợp của tham và sân. Đối với si, đôi
khi khi chúng ta ngồi, mà không nhớ mình đang làm gì hay đang ở đâu. Chúng ta bị
phân tâm, lơ đãng, không biết chuyện gì đang xảy ra, tốt hay xấu, đúng hay sai.
Điều này làm cho tâm trí trở nên mù mờ, tăm tối. Đôi khi ta trôi giạt vào
những suy nghĩ về quá khứ, nhớ nghĩ đến người đã làm hại ta, khiến ta phát sinh
ác ý, muốn trả thù, trả oán. Như thế là chúng ta tự làm hại mình bằng
cách phá hỏng việc thực hành của mình. Ba loại uế nhiễm này - tham, sân
và si - là những đống củi khô chỉ chờ bắt lửa, vì thế chúng ta phải loại bỏ
chúng hoàn toàn ra khỏi tâm.
Chánh niệm tỉnh giác là phẩm chất của Đức Phật. Cảm giác hạnh
phúc thảnh thơi là đặc tính của Pháp. Nếu bạn có thể duy trì sự tự tại đó cho đến
khi nó đông cứng lại thành một khối - nói cách khác là bạn đã làm cho sự thiện
lành vững chắc và mạnh mẽ trong tâm - đó là đặc tính của Tăng (Saṅgha). Một khi
bạn đã có tâm thiện lành vững chắc như thế, bạn có thể mang nó theo, và sử dụng
nó theo bất cứ cách nào bạn muốn. Bất cứ bạn nói điều gì cũng mang
lại kết quả tốt. Bất cứ bạn làm điều gì cũng sẽ cho quả tốt. Khối tâm thiện
lành vững chắc đó giống như một viên ngọc ước thần kỳ, mang lại tất cả mọi hạnh
phúc cho bạn.
10.2021
(Chuyển ngữ từ Living In Peace, sách Meditations 10, bao
gồm các bài Pháp thoại về thiền và các chủ đề khác do Tỳ Khưu Ṭhānissaro giảng
tại tu viện Metta Forest khoảng 2018-2019)
TÀM VÀ QUÝ (1)
Tác giả: Tỳ khưu ThanissaroTỳ Khưu Thanissaro (Geoffrey DeGraff) là một tu sĩ người
Mỹ theo truyền thống tu trong rừng của Thái Lan. Sau khi tốt
nghiệp Đại học Oberlin năm 1971 với chuyên ngành về Lịch sử Tri Thức Âu
Châu, ông theo học thiền với Thiền sư Ajaan Fuang Jotiko ở Thái Lan và
xuất gia năm 1976. Năm 1991 Sư giúp xây dựng Metta Forest
Monastery ở San Diego, California, nơi Sư sau này là trụ trì. Sư là
một dịch giả, người viết năng nổ. Nhiều tác phẩm của Sư có thể được
tìm thấy trên mạng: www.accesstoinsight.org/
Vài năm trước, sư có hướng dẫn một khóa thiền ở Santa Fe (Mỹ)
về chủ đề Nghiệp. Một trong các bài kinh được chọn là từ Trung Bộ
kinh (Majjhima Nikaya), trong
đó Đức Phật dạy con trai 7 tuổi của mình, Rahula, cách quán xét hành động của
mình, giống như soi gương, để đảm bảo rằng mình không làm hại ai - cả bản thân
và tha nhân. Sau đó các thiền sinh được hỏi ý kiến về kỹ năng nuôi dạy con cái
của Đức Phật. Kết luận của tất cả là: "Nếu được giáo dục theo cách đó, thì
chúng tôi đã không có mặt ở đây để tìm phương cách trị liệu như thế này."
Đức Phật đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải phát triển cảm
giác hối lỗi về hành động của mình: Nếu Rahula không cảm thấy xấu hổ khi nói dối
một cách có chủ ý, thì Rahula đã đánh mất các phẩm chất thiện lành, giống như một
gáo nước đã bị lật úp không còn có nước bên trong. Nhưng nếu Rahula nhận ra rằng
mình có những suy nghĩ đưa đến việc tự làm hại mình - hoặc làm hại người - thì
Rahula phải cảm thấy xấu hổ về hành động của mình và quyết tâm không lặp lại
chúng.
Đức Phật không dạy sự biết lỗi cho riêng chỉ Rahula.
Trong các bài pháp dành cho đám đông, Ngài cũng dạy rằng sự biết xấu hổ là người
bảo vệ sáng suốt ở thế gian, vì nó giúp ta không làm mất lòng tin của người
khác. Ngài cho rằng sự biết xấu hổ là một kho báu quý giá, một thứ gì đó có giá
trị hơn vàng bạc, qua đó nó bảo vệ ta không làm những việc mà sau đó ta sẽ hối
tiếc.
Việc Đức Phật đánh giá cao sự biết xấu hổ tương phản gắt gao
với cách nó được đánh giá ở nhiều lãnh vực của nền văn hóa hiện đại. Trong kinh
doanh và chính trị, sự xấu hổ thường được xem là yếu đuối. Nhiều nhà trị liệu
coi sự xấu hổ là một bệnh lý - một sự đánh giá thấp bản thân khiến bạn không thể
trở thành tất cả những gì mà khả năng bạn cho phép. Thêm vào đó, hết sách
này đến sách kia đưa ra những lời khuyên về cách khắc phục cảm giác xấu hổ và
khẳng định các cảm giác đề cao giá trị bản thân khác.
Cũng dễ hiểu về phản ứng chống đối này của đa số đối với sự xấu
hổ. Cảm giác xấu hổ - cảm giác khiến bạn nghĩ rằng hình ảnh của mình
trong mắt người khác không được tốt lành - là một cảm giác mạnh mẽ. Đó là nơi
chúng ta cho phép ý kiến của người khác ảnh hưởng đến tâm lý của mình, khiến những
kẻ lưu manh sẽ lợi dụng sơ hở đó để uy hiếp ta: bắt nạt và ép ta chấp nhận các
tiêu chuẩn đánh giá không vì lợi ích thực sự của ta. Thật tồi tệ khi họ cố gắng
khiến chúng ta xấu hổ về những điều mà chúng ta có rất ít hoặc không có khả
năng kiểm soát: như là chủng tộc, ngoại hình, tuổi tác, giới tính, khuynh hướng
tình dục, mức độ thông minh hoặc tình trạng tài chính. Tệ hơn nữa họ còn lợi dụng
tính cách hay xấu hổ của ta để khiến ta làm những điều tác hại, như trả thù người
đã làm hại ta.
Nhưng nỗ lực để tránh các vấn đề này bằng cách xóa bỏ hoàn
toàn cảm giác xấu hổ là ta đã bỏ qua một điều quan trọng: Có hai loại xấu hổ -
sự xấu hổ không lành mạnh, trái ngược với lòng tự trọng, và sự xấu hổ lành mạnh,
trái ngược với sự không biết xấu hổ. Loại xấu hổ thứ hai này là sự xấu hổ mà Đức
Phật gọi là người bảo vệ sáng suốt và là một kho báu. Nếu, với lòng nhiệt
thành để thoát khỏi loại xấu hổ thứ nhất, ta có thể cũng sẽ trừ bỏ loại thứ
hai, thì ta sẽ tạo ra một xã hội của những kẻ, một là không quan tâm đến ý kiến
của người khác về đúng hay sai - hai là người cảm thấy xấu hổ về những chuyện
không đáng xấu hổ. Thí dụ, các doanh nhân và chính trị gia không thấy
xấu hổ khi nói dối, nhưng lại cảm thấy hổ thẹn nếu họ không trân tráo, tàn nhẫn
bằng các đối phương. Ngay cả khi ta có thể gạt bỏ mọi sự xấu hổ nói
chung, các nhà quảng cáo vẫn có thể bán sản phẩm dựa vào việc khiến bạn cảm thấy
xấu hổ về cơ thể của mình. Khi tất cả mọi xấu hổ đều bị bệnh lý hóa, nó sẽ
len vào tâm trí, khiến ta không thể suy nghĩ rõ ràng về nó, để rồi sau đó nó
phát tán các tác hại đến quanh ta.
Đây chính là nơi các lời dạy của Đức Phật về sự xấu hổ lành mạnh
có thể là một thuốc trị công hiệu, giúp đưa vấn đề ra ánh sáng, và chứng tỏ rằng
với sự tu tập đúng đắn, cảm giác này có thể là một động lực mạnh mẽ để ta vươn
tới điều thiện lành.
Để bắt đầu, Đức Phật đã liên kết sự xấu hỗ lành mạnh với ý thức
danh dự lành mạnh: với cảm giác rằng bạn xứng đáng được tôn trọng vì bạn biết
giữ tiêu chuẩn ứng xử cao đẹp. Theo nghĩa này, sự xấu hổ là dấu hiệu của lòng tự
trọng cao, chứ không phải thấp.
Danh dự, giống như sự xấu hổ, bắt đầu với mong muốn không chỉ
rằng mình tốt, mà trong mắt người khác, mình cũng được coi
là tốt. Đó là lý do tại sao danh dự cũng có ở trong cả hai nhóm
lành mạnh và không lành mạnh. Đấu tay đôi, thù hận, chiến tranh, băng đảng và
giết nhau vì danh dự - dựa trên niềm tin rằng họ có thể tạo được sự tôn trọng
nhờ vào khả năng tàn hại đối thủ - đã mang lại cho danh dự một ý nghĩa không
lành mạnh. Nhưng danh dự có thể được phục hồi và làm cho lành mạnh khi ta
có được nó bằng sự chính trực. Một xã hội không có ý thức danh dự lành mạnh này
sẽ tồi tệ như một xã hội không có sự xấu hổ lành mạnh.
Những hiểu biết sâu sắc của Đức Phật về danh dự và sự xấu hổ
lành mạnh đến từ chính kinh nghiệm tu tập và sự giác ngộ của Ngài. Việc
tìm kiếm ban đầu của Ngài về con đường tu đúng đắn, đã dạy Ngài rằng danh dự và
sự xấu hổ phải được nhìn nhận với trí tuệ, vì Ngài không thể tin tưởng vào ý kiến
của người khác. Nếu Ngài đã để sự tôn trọng của các vị thầy đầu tiên ảnh hưởng
đến mình, thì Ngài đã bị mắc kẹt trong việc thực hành thiền định. Hay nếu Ngài đã bị lung lay bởi sự khinh miệt của năm người bạn đạo khi
Ngài từ bỏ cách tu khổ hạnh, thì Ngài đã có thể chết trước khi đạt đến mục tiêu
của mình.
Nhưng sau khi đạt được giác ngộ, Ngài nhận ra rằng vấn đề với
sự xấu hổ và danh dự không phải là vì bạn muốn tỏ ra tốt đẹp trong mắt người
khác. Mà là vì bạn muốn trong mắt người xấu, bạn là người tốt. Nếu bạn có thể dựa vào người tốt, thì sự xấu hổ và danh dự là một hỗ trợ
lớn trong việc phát triển những gì (mà) Đức Phật xác định là yếu tố bên ngoài
quan trọng nhất đưa đến giác ngộ: được gặp thiện tri thức. Giờ Đức Phật đã ở vị
thế có thể ban cho người khác sự hướng dẫn mà Ngài đã không có được trên con đường
tìm cầu đạo giải thoát; và dạy các môn đồ của Ngài trở thành những thiện tri thức
cho người khác. Đây là lý do tại sao Đức Phật thành lập tăng chúng: là để giữ
cho truyền thống thiện tri thức được tồn tại.
Nhưng truyền thống này không chỉ nhằm giúp ta kết bạn với những
người đáng ngưỡng mộ. Ta cũng cần phải học theo những phẩm chất tốt đẹp của họ.
Đây là nơi cảm giác xấu hổ và danh dự đi vào tầm ngắm. Mong muốn được
các thiện tri thức nghĩ tốt về mình là một động lực thiết yếu khiến ta làm theo
tấm gương tốt của họ.
Các thiện tri thức có bốn phẩm chất: (1) tin vào sự
giác ngộ của Đức Phật và nghiệp quả; (2) đức hạnh, trong ý nghĩa là không phạm
giới hoặc khuyến khích người khác phạm giới; (3) rộng lượng; và (4) hiểu biết.
Sự hiểu biết của các thiện tri thức có thể được thể hiện qua
hai việc: các tiêu chuẩn mà họ đánh giá bạn, và mục đích của họ trong việc đánh
giá bạn. Nếu thực sự sáng suốt, họ sẽ đánh giá bạn qua hành động, chứ không qua
ngoại hình, tiền bạc hoặc bất cứ điều gì khác nằm ngoài sự kiểm soát của bạn. Họ
đánh giá hành động của bạn qua sự chủ tâm của bạn và kết quả của hành động ấy. Trong cả hai trường hợp - và đây là nơi ý thức về danh dự của Đức Phật trái ngược
với ý thức về danh dự trong quân binh mà Ngài được đào tạo lúc còn là một hoàng
tử trẻ - tiêu chuẩn đánh giá là nếu bạn thấy hạnh phúc khi sự chủ tâm và hành động
của bạn không gây hại cho ai: không cho bản thân hay bất cứ ai khác.
Mục đích mà quý thiện tri thức đánh giá bạn không chỉ đơn giản
là để đi đến một phán quyết. Họ muốn giúp bạn nhận ra lý do tại sao sai
lầm của bạn là sai lầm, để bạn có thể tránh không lặp lại chúng. Bằng cách này,
họ khuyến khích bạn phát triển nguồn mạch thực sự cho hạnh phúc của bạn: khả
năng hành động ngày càng thiện xảo của bạn.
Nếu các thiện tri thức đánh giá bạn theo cách này, có nghĩa
là họ đã phát triển cả hai yếu tố hiểu biết của đạo lộ: chánh kiến - khi thấy
được tầm quan trọng của hành động - và sự kiên quyết chia sẻ thiện chí với bạn.
Nếu bạn chấp nhận các tiêu chuẩn của họ, (là) bạn cũng đang chấp nhận con đường
đạo.
Đây là lý do tại sao Đức Phật dạy Rahula cách nhập tâm các
tiêu chuẩn đó bằng cách xem xét hành động của chính mình. Theo đó, dầu cả xã hội
xung quanh Rahula có sụp đổ và ngài có bị tách khỏi các thiện tri thức của
mình, ngài vẫn có thể sống tuân theo các tiêu chuẩn của họ. Làm được vậy thì
Rahula sẽ lợi lộc và hạnh phúc lâu dài.
Đức Phật đã mở đầu những lời dạy của Ngài với hình ảnh của một
chiếc gương. Giống như việc ta sử dụng gương để xem người khác nhìn thấy ta như
thế nào, Rahula đã nhìn vào hành động của bản thân để xem mình xuất hiện như thế
nào trong mắt của người trí. Và người trí (Đức Phật) đã khuyên Rahula nên đánh
giá hành động của mình như thế này:
Bất cứ ý nghĩ, lời nói và hành động nào, trước khi làm Rahula
phải xem xét chủ đích của mình. Nếu ông thấy rằng hành động mà ông dự tính làm,
sẽ tổn hại cho người và cho mình, thì ông không nên làm. Nhưng nếu ông
không thấy có tác hại nào, thì ông có thể hành động theo ý định đó. Trong quá
trình thực hiện, ông phải kiểm tra kết quả hành động của mình. Nếu ông gây ra
thiệt hại gì không lường trước, thì phải dừng hành động. Ngược lại, ông
có thể tiếp tục với việc làm của mình. Sau đó, ông cần xem xét kết quả lâu dài
của hành động. Nếu hóa ra ông đã gây hại bằng lời nói hoặc hành động, ông nên
chia sẻ với bạn đạo đáng tin cậy, để tư vấn cho ông về cách tránh gây thiệt hại
một lần nữa. Sau đó, ông nên quyết tâm không lặp lại hành động đó. Nếu suy nghĩ
của ông đã gây hại, ông nên cảm thấy xấu hổ về kiểu suy nghĩ đó và quyết tâm
không lặp lại nó. Tuy nhiên, nếu ông không gây hại gì, ông nên vui mừng trong sự
tiến bộ của mình trên đạo lộ và tiếp tục thực hành.
Bằng cách này, Đức Phật không chỉ đơn giản khuyên Rahula
không gây hại. Thêm nữa, Ngài còn bảo ông, "Cố gắng không gây hại, nhưng nếu
lỡ gây hại, đây là cách ông học hỏi từ những sai lầm của
mình". Điều này cho thấy thiện chí thực tiễn bao trùm giáo lý của Đức Phật.
Lời khuyên của Đức Phật về sự hoan hỷ cũng phản ánh thiện chí
của Ngài. Rốt cuộc, sự hoan hỷ là những gì sự xấu hổ và danh dự lành mạnh nhắm
đến: để giúp bạn tự nhìn thấy sự bình an đến từ việc làm chủ các kỹ năng và sự
vô hại trong hành động của bạn. Khi sự bình an này trở thành nguồn hạnh phúc của
bạn, bạn sẽ trưởng thành hơn, ít phụ thuộc vào sự tán đồng, chấp nhận của người
khác. Khi thấy được sức mạnh của hành động của mình và thực sự muốn hành động
không gây hại, bạn sẽ có chánh kiến và những giải pháp phù hợp riêng.
Một trong những mối nguy hiểm có thể đến từ sự xấu hổ và danh
dự là: vì muốn mình là người tốt trong mắt thiện tri thức, nên bạn có thể muốn
khoe khoang các phẩm chất tốt đẹp của mình. Tuy nhiên, để chống lại khuynh hướng
này, Đức Phật đã cảnh báo rằng nếu bạn là người hay khoe, các phẩm chất tốt đẹp
của bạn ngay lập tức bị hủy hoại. Ngài nói, một trong những biểu hiện của sự
chính trực là khiêm tốn - nói càng ít càng tốt về những phẩm chất tốt đẹp của
chính mình, và không bao giờ tôn cao bản thân hơn những người thua kém mình.
Mối nguy hiểm khác của sự xấu hổ và danh dự là bạn có thể muốn
che giấu những sai lầm của mình đối với các thiện tri thức. Đây là lý do tại
sao Đức Phật nhấn mạnh rằng, nếu ta đã phạm sai lầm trong quá khứ nhưng giờ đã
biết không lặp lại chúng, ta sẽ làm sáng thế giới như mặt trăng khi được giải
phóng khỏi đám mây. Và đó cũng là lý do tại sao Đức Phật đã nhắc đến sự trung
thực, khi khuyên dạy Rahula. Ngài dạy rằng việc phạm sai lầm ít đáng xấu
hổ hơn nhiều so với việc phạm sai lầm mà không thừa nhận điều đó. Nếu bạn che
giấu lỗi mình, bạn không chỉ làm mất niềm tin của bạn bè mà còn khép lại sự tiến
bộ của mình trên đạo lộ. Hoặc tệ hơn: theo lời của Đức Phật, nếu một người
không cảm thấy xấu hổ khi nói dối với chủ tâm, thì không có điều ác nào mà người
đó không làm.
Đức Phật đã minh họa điểm cuối cùng này với hình ảnh một con
voi trong trận chiến. Nếu voi tham chiến, sử dụng chân và ngà của mình, nhưng
không dùng vòi, người huấn luyện voi sẽ biết rằng voi không hết lòng vì nhà
vua. Nhưng nếu voi sử dụng chân, ngà và vòi của mình, người huấn luyện voi biết
rằng voi có thể hy sinh mạng sống cho nhà vua. Không có gì nó sẽ không làm cho
chủ của nó.
Hình ảnh này là một thí dụ phù hợp với ý thức danh dự mới mẻ
của Đức Phật. Thoạt nhìn, có vẻ như con voi thứ hai là người hùng của câu chuyện
- vì suy cho cùng, đó là loại voi mà vua muốn gửi vào trận chiến, và nó đại diện
cho loại danh dự thường được ca ngợi trong các nền văn hóa chiến chinh. Nhưng Đức
Phật thực sự muốn trình bày hình ảnh đó dưới ánh sáng tiêu cực, vì con voi sẵn
sàng sử dụng vòi của nó là một dấu hiệu của sự nô lệ đối với nhà vua. Đức Phật
bảo với Rahula rằng nếu, giống như con voi biết bảo vệ cái vòi của mình, Rahula
phải cẩn thận bảo vệ sự trung thực của mình, đó mới là danh dự thực sự - chứng
tỏ rằng ông không lệ thuộc vào ai, không là nô lệ của bất cứ ai ở bên ngoài
cũng như các uế nhiễm ở bên trong mình.
Sự đảo ngược ý thức danh dự trong quân binh xưa này được lặp
lại trong một lời dạy khác của Đức Phật rằng chiến thắng trong trận chiến trước
hàng vạn người không bằng chiến thắng một người: chính bản thân bạn.
Những lời dạy của Đức Phật trong việc dạy dỗ để Rahula phát
triển một ý thức lành mạnh về danh dự và sự xấu hổ cuối cùng đã có kết quả. Thay vì tự mãn về việc mình là con trai của Đức Phật, Rahula đã thể hiện sự sẵn
sàng học hỏi từ tất cả các vị đồng tu. Sau khi ngài chứng quả, Đức Phật khen ngợi
ngài là vị tỳ khưu với hạnh ham học hỏi vượt trội nhất.
Dĩ nhiên, lúc đó Rahula không chờ đợi lời khen ngợi của Đức
Phật. Ngài đã tìm thấy hạnh phúc trường cữu vượt cao hơn cả sự tôn trọng của
người khác. Thực ra, Đức Phật đã khen ngợi Rahula vì lợi ích của chúng ta, để
cho chúng ta biết rằng sự xấu hổ và danh dự có thể là công cụ hữu ích trên đường
tu. Nếu bạn cẩn thận trong việc lựa chọn ý kiến của ai để cho vào tâm thức của
mình, và nhập tâm các phẩm chất của sự xấu hổ và danh dự lành mạnh, bạn sẽ
không chỉ tốt trong mắt của người trí, mà cái nhìn của
11.2021
(Chuyển ngữ theo bài Pháp thoại SHAME của tỳ khưu Thanissaro,
vào mùa hè năm 2017).
Chú thích:
[1] Từ tiếng Anh tác giả sử dụng ở đây là SHAME, nhưng trong
bài dịch này, chúng tôi đã linh động tùy theo nghĩa ngữ câu mà dịch là: hối lỗi,
xấu hổ, hổ thẹn, nhục nhã… để dễ hiểu hơn. Hay quen thuộc với Phật tử Việt Nam
hơn là Tàm và Quý. - Tàm là mắc cỡ, xấu hổ trước mặt mọi người về một việc
làm sai trái của mình. - Quý là tự mình cảm thấy xấu hổ về việc làm sai trái của
mình mặc dù không có ai thấy, hay biết.(ND).
28/12/2021Nhiều tác giảDiệu Liên Lý Thu Linh dịch
Tác giả: Rinpoche Trungram GyalwaTiến sĩ Rinpoche Trungram Gyalwa, là người sáng lập và lãnh đạo tinh thần của Trung Tâm Pháp An Lành (Dharmakaya Center for Wellbeing) tại Cragsmoor, New York; Trung tâm Thế giới Hòa Bình và Thống Nhất ở Lâm Tỳ Ni, Nepal; và nhiều trung tâm khác trên khắp thế giới. Uyên bác về Phạn ngữ và Tây Tạng, ông nổi tiếng là người đã chuyển dịch các kinh sách, giáo lý Phật giáo cổ xưa giúp các đọc giả Tây phương đương thời có thể nghiên cứu, tìm hiểu.
Bài viết dưới đây được trích ra từ một pháp thoại của ngài vào tháng 6, 2018 tại Trung tâm Pháp An Lành ở Pine Bush, New York.
Kisa Gotami là một phụ nữ trẻ sống dưới thời Đức Phật lịch sử. Ngày kia, đứa con một của cô chết. Cô đau đớn cùng cực vì sự việc này đến nỗi cô bắt đầu hủy hoại thân mình. Thấy thế, có người đã khuyên cô đến gặp Đức Phật. Với niềm hy vọng, mong đợi lớn lao, cô đến xin Đức Phật làm phép cho con cô sống lại. Đức Phật không từ chối hay chấp nhận lời thỉnh cầu. Ngài chỉ nói, “Trước khi ta có thể giúp, con phải mang đến cho ta những hạt giống cải trắng từ một gia đình chưa bao giờ có người chết”. Kisa Gotami rất vui mừng. Cô đi từ nhà này sang nhà khác, từ thành phố này sang thành phố khác, và hỏi tất cả mọi gia đình, “Có ai trong gia đình bạn đã chết không?” Và tất cả mọi gia đình đều trả lời có. Vì thế Kisa Gomati trở về và báo với Đức Phật rằng cô không thể tìm ra được gia đình nào không có người chết như Đức Phật đòi hỏi. Ngay lúc đó, trước mặt Đức Phật, cô bỗng nhận thức rằng cái chết là chân lý của cuộc sống - và cô đã trở nên giác ngộ; cô đã trở thành một A-la-hán, người đã nhìn thấy chân lý.
Cái chết là không thể tránh vì nhân của nó không phải là bệnh tật hay tai nạn. Nhân của nó là sinh. Chúng ta thường nghĩ, thí dụ, rằng ung thư là nguyên nhân làm người ta tử vong. Nhưng đó chỉ là nhân giúp làm chín cái quả cuối cùng của sinh: là Tử.
Chết là đề tài mà nhiều người - nhất là ở phương Tây, nhưng ở phương Đông cũng thế - tránh nói đến. Ai cũng xem cái chết là tiêu cực. Không phải là cái chúng ta mong muốn, nên ta không muốn bị nhắc nhở về nó. Nhưng có tránh né cũng không ích lợi. Thực ra, chúng ta sẽ đau đớn, khổ sở hơn khi không chuẩn bị cho cái chết - không chỉ ở giây phút cận kề cái chết, mà còn ngay bây giờ, khi ta chưa chết. Nếu ta không nghĩ nhớ đến sự thật về cái chết, chất lượng cuộc sống của ta trở nên tồi tệ hơn.
Chúng ta biết một trong những sự thật về cái chết là nó không thể tránh. Nhưng chúng ta luôn nghĩ: “Đúng, không thể tránh nó, nhưng tôi còn thì giờ mà, vì tôi còn khỏe, vì tôi còn trẻ”. Đó là những lời phản biện ta luôn dùng, nhưng chúng giống như đồ che mắt. Thực ra, tuổi tác và bệnh tật không liên quan gì với cái chết. Có câu nói rằng, trong thời gian chờ một người bệnh chết, nhiều người khỏe mạnh đã chết trước rồi.
Chúng ta cần phải hiểu rằng cuộc sống có hạn định. Có lúc bắt đầu, và có lúc tận cùng. Không có gì hơn thế nữa. Đúng ra cuộc sống của ta ngắn dần đi trong từng khoảnh khắc - không phải đo lường bằng năm tháng, mà bằng phút giây. Và không kể là ta có ý thức về điều đó hay không, nó vẫn cứ ngắn đi. Mỗi giây phút, mỗi hơi thở. Ngay cả lúc ta ngủ. Ngay cả khi ta đang làm việc thiện.
Nói chung, Phật giáo khuyên ta phải ý thức đến cái chết. Chúng ta không nên ngồi đó chờ chết. Không nên trì hoãn hoặc nghĩ rằng ta còn nhiều thời gian. Cái chết là không tránh khỏi, vậy hãy mang nó ra trước mặt ta và quán sát nó. Làm thế có thể chuyển hóa cuộc sống của ta.
Dầu không có cái chết, chúng ta cũng có lắm khổ đau. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta bị người khác làm tổn thương. Chúng ta sợ đánh mất cái gì đó. Sợ không có được cái ta muốn. Ta tranh giành với người khác vì những thứ này.
Khi hành động như thế, trong tâm ta có một sự giả định căn bản rằng ta sẽ sống rất lâu. Đó là lý do tại sao ta thấy những thứ này là quan trọng. Thực ra khi làm thế, ta tạo thêm căng thẳng, đem lại nhiều khổ đau hơn, và ta đánh mất sự an bình nội tâm.
Nhưng nếu ta có thể quán niệm về chân lý vô thường - của cái chết và sự không chắc chắn về thời điểm ra đi của ta - thì mọi thứ khác trong đời đều trở nên không đáng kể. Cảm nhận này sẽ xảy ra một cách tự nhiên và đột nhiên. Nếu ta có thể nghĩ đến sự thật này của cái chết, trong khi đang trãi qua những chấn động tình cảm, ta có thể nhận thấy rằng chúng không quan trọng. Vì không kể là chúng ta đã vất vả thế nào để có được và nắm giữ cái gì đó, chúng ta sẽ vẫn mất nó.
Chân lý này sẽ thay đổi quan điểm của ta và mang lại cho ta nhiều hạnh phúc hơn. Nó giúp chúng ta biết ơn cuộc sống mà mình đang có trước mặt - từng khoảnh khắc. Nó giúp ta hiểu rằng được sống mỗi ngày là một ân sủng.
THIỀN QUÁN VỀ VÔ THƯỜNG
Sự thực hành thông thường nhất liên quan đến cái chết trong Phật giáo là thiền quán về vô thường. Đó là nền tảng.
Nhưng chỉ với sự suy tư về vô thường - chưa kể đến thiền quán - cũng là chất xúc tác trên hành trình tâm linh. Hãy ngưỡng vọng Đức Phật và cuộc đời của Ngài. Chỉ sau khi nhìn thấy một người bệnh, Ngài đã bắt đầu cuộc hành trình tâm linh của mình. Nếu không có một sự hiểu biết về vô thường, thì không có cách gì có được sự phát triển tâm linh kỳ diệu như thế.
Đôi khi nhìn lại những tấm ảnh tôi đã chụp nhiều năm trước, tôi thường nghĩ đã có bao nhiêu người trong ảnh đã ra đi. Có người giàu, người nghèo, người là các vị thầy cao cả, nhưng tất cả đều giống nhau. Tất cả đều phải ra đi. Bạn cũng có thể đọc các sách lịch sử để nhận ra sự thật này. Hoặc bạn có thể tưởng tượng ra 100 năm sau, kể từ hôm nay và tự hỏi, “Ai là người còn sống sót?” Có lẽ không ai. Những sự quán niệm này có thể khơi dậy ý nghĩ về vô thường.
Có nhiều cách khác nhau để thiền quán về vô thường. Như quán hơi thở. Mỗi lần bạn thở vào, mỗi lần bạn thở ra, cuộc sống của bạn ngắn dần đi. Bạn có thể trải nghiệm một cảm giác sợ hãi, nhưng như thế là bạn đã hiểu về vô thường. Bạn cũng có thể nghĩ về cuộc đời của mình thay đổi thế nào khi từ khi là em bé, thiếu niên, rồi trưởng thành. Đó là vô thường. Với mỗi đổi thay, cuộc sống của bạn ngắn đi. Sự rút ngắn của cuộc đời trong từng giây phút thực là một phương pháp thiền quán sống động về vô thường. Giờ bạn biết khoảng thời gian dài lâu đó không là một khối thời gian đông cứng. Nó thay đổi. Nó không ở cùng một chỗ hay cùng trong một trạng thái.
Tính chất vô thường cần được cảm nhận, chứ không chỉ là một sự hiểu biết qua sách vở. Có câu chuyện nổi tiếng ở Tây Tạng rằng, có một thiền sư sống trong một hang động. Mỗi lần cần lấy nước, ông phải đi qua một lối nhỏ hẹp nơi có nhiều cây gai móc vào áo quần. Ông rất muốn cắt các cây đó xuống, nhưng mỗi lần, ông lại nghĩ, “Thôi, để ta hành thiền trước đã”. Đó là vì ông không biết mình có còn đủ thời gian để giác ngộ. Vì thế cuối cùng ông không cắt cành cây nào cả, nhưng ông đã tỉm được chân lý cho tâm mình.
5.2021
(Lược dịch từ: Every Day Is a Bonus, tạp chí Tricycle 13/9/2018)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét