Thứ Ba, 1 tháng 2, 2022

Hương bưởi quê nhà

Hương bưởi quê nhà

Bên cạnh nhà tôi có một căn nhà bỏ hoang. Ðó là căn nhà của ông Phúc. Ông Phúc đã được con đón ra thành phố sinh sống. Căn nhà hai gian ẩm thấp, xây bằng gạnh tro lò, lợp ngói mũi. Rêu bám tràn qua bậc thềm lên tận bức tường hè.
Nom căn nhà im ỉm như khu miếu cổ. Không có người ở, cái sân gạch cũng xanh loang lổ rêu và đầy lá rụng. Trước nhà có một cây bưởi xum xuê. Vào tiết xuân cây bưởi nở hoa trắng xóa. Từ phòng học bên này tôi thường ngồi trước bàn sách, buồn bã ngắm những cánh hoa bưởi lặng lẽ rơi xuống. Thứ hương bưởi không có chủ bần thần đến hoang lạnh.
Một hôm, trong bữa cơm, bố tôi bảo nhà tôi sắp có hàng xóm mới. Sẽ có một gia đình từ ngoài đê chuyển vào. "Ông Phúc nhượng lại khu nhà ấy có năm triệu đồng. Rẻ thật...", bố tôi xuýt xoa. Mẹ tôi chép miệng: "Ở đây đồng trũng nước chua, làm ăn gì cũng khó. Căn nhà ấy còn bán được là tốt".
Tôi hồi hộp chờ đợi chủ nhân mới của căn nhà. Tháng tám, nắng thu vương vãi trên sân rêu. Những trái bưởi rám nắng, thả hương lãng đãng bay sang tìm tôi như để chia sẻ sự cô đơn. Mãi gần tối tôi mới thấy họ dọn đến - những người hàng xóm mới của nhà tôi. Một người đàn ông gầy gò mặc bộ quân phục cũ, chiếc ba-lô đeo trễ một bên vai. Theo sau ông là cô bé khoảng 17 tuổi gánh một gánh có vẻ không lấy gì làm nặng lắm. Họ đẩy cánh cửa cổng rít ken két bước vào sân. Tôi định đứng dậy sang làm quen với những người hàng xóm mới nhưng tôi cứ thấy ngài ngại. Có lẽ vì sự có mặt của cô bé. Tôi kịp nhận ra cô bé khá xinh. Toàn thân cô bé tỏa ra mầu trắng ngời như những bông hoa bưởi. Ðặt gánh xuống cô reo nho nhỏ chạy ngay đến chỗ gốc bưởi. Nhặt những lá bưởi vàng, cô ấp chúng vào giữa đôi bàn tay xinh xinh như hai cái bím tóc nhỏ của cô.
- Huyền ơi, vào nhà dọn dẹp, con!
Nghe tiếng người đàn ông gọi, cô bé giật mình chạy vào. Vậy là tôi đã biết tên cô bé. Tỳ tay xuống bàn tôi vẩn vơ suy nghĩ. Từ nay cây bưởi đã có chủ mới. Hương bưởi sẽ không còn cô đơn nữa. Nhưng không hiểu vì sao tôi lại thấy thoáng buồn.
Mấy hôm sau tôi biết bác Tấn (tên người hàng xóm mới) là bệnh binh. Hơn ba mươi tuổi bác Tấn mới lấy vợ. Vợ bác cũng là bộ đội chuyển ngành. Họ lấy nhau, mười năm chưa có con. Các bác sĩ chẩn đoán cặp vợ chồng lớn tuổi này cả hai đều bị ảnh hưởng chất độc da cam thời chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Thuốc thang mãi, mấy năm sau người vợ mới có thai. Nhưng khi đứa bé chào đời thì người đàn bà đó không bao giờ được nghe tiếng khóc của con mình. Ca đẻ khó, các bác sĩ chỉ cứu được đứa bé. Ðứa bé ấy chính là Huyền.
Ở cái vùng quê hẻo lánh này, tất cả thanh niên chúng tôi đứa nào cũng khát khao muốn vượt qua "cánh đồng làng". Mẹ thường động viên tôi: "Cố mà học con ạ, may ra mới thoát khỏi cảnh Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Tôi được bố mẹ chăm sóc, tạo điều kiện cho ăn học. Nhà người hàng xóm mới không giống nhà tôi. Bệnh cũ tái phát, bác Tấn đau ốm liên miên. Cô bé Huyền phải nghỉ học từ lớp 10 để chăm sóc bố. Họ sống tằn tiện, có phần đạm bạc, không ồn ào, và cũng âm thầm như cái vùng quê heo hút này.
Mùa thu qua nhanh, cây bưởi đã gần vơi hết quả. Bầu trời luôn xám xịt, thấp lè tè. Những cơn gió lạnh đầu mùa se sẽ vào vườn, rứt xuống đất những chiếc lá bưởi vàng cuối cùng. Buổi chiều chủ nhật tôi sang nhà người hàng xóm mới. Không thấy bé Huyền đâu. Người đàn ông ngồi im lìm trong nhà. Không đáp lại tiếng chào của tôi ông nói khe khẽ như đang nói với chính mình:
- Nó đi rồi... nó đi thật rồi...!
Tôi hiểu "nó" ở đây là Huyền. Ánh mắt người đàn ông vẫn đăm đăm nhìn ra ngõ. Ông thở dài lẩm bẩm:
- Sao nó phải đi cơ chứ. Vào tận miền nam. Miền nam, tận miền nam...
- Tại sao bác để cô ấy đi?
- Nó nói nếu không để nó đi, liệu tôi có lo được tương lai cho nó? - Bất thần người đàn ông đứng phắt dậy đấm vào ngực mình bình bịch: - Tại cái bệnh chết tiệt này. Tại tôi hèn quá. Tôi không lo được tương lai cho nó... Tại tôi... Tại tôi...!
Tôi buồn rầu nói với người đàn ông rằng lớp trẻ bây giờ đứa nào cũng muốn bay bổng, muốn vượt qua cánh đồng làng. Rằng ở xóm này những ai lớn lên không theo con đường học hành thì cũng phiêu tán ngược xuôi khắp nơi. Rằng không thể trói chúng tôi ở mãi cái nơi đồng trũng nước chua, không có nhà máy, không có khu công nghiệp này. Tôi nói một thôi, vẻ hùng hồn lắm. Người đàn ông lặng lẽ ngồi xuống. Khuôn mặt hốc hác của ông nhăn lại. Rồi ông ho. Những tiếng ho như muốn nổ tung cái lồng ngực lép kẹp của ông.
Thỉnh thoảng tôi gặp người bưu tá đến nhà bác Tấn. Rút từ chiếc cặp vải sờn mép ông đưa cho bác Tấn khi là lá thư, khi là giấy mời nhận tiền. Mẹ tôi nói với bố: "Ông Tấn sướng, con Huyền làm trong miền nam lương cao, tháng nào cũng gửi tiền về". Bố tôi không mặn mà lắm với câu chuyện của mẹ. Người thủng thẳng: "Có lẽ nó sắp gửi cả một cô vợ miền nam về cho ông Tấn đấy". Mẹ tôi nguýt dài. Bố tôi bỗng cáu kỉnh: "Không à, tưởng gửi tiền về là đủ à. Ông ấy sống lủi thủi một mình, thanh niên thời buổi này đứa nào cũng thích đi xa, nhăm nhăm bỏ cả làng, cả quê...". Tôi không biết cô bé Huyền vào trong ấy làm nghề gì. Ngồi trong phòng học tôi nhìn sang căn nhà người hàng xóm. Cây bưởi trơ ra những cành gầy guộc không một cọng lá, run rẩy trong mưa. Cái sân gạch đầy lá rụng và rêu tràn xanh lên bậc hè. Tôi thấy bác Tấn cặm cụi ngồi đan cót. Dạo này bác đan cót nhập cho hợp tác xã. Mẹ tôi bảo: "Ông Tấn hà tiện, một tháng vừa lương bệnh binh vừa tiền con Huyền gửi về dễ đến năm trăm nghìn đồng. Có tiền mà chẳng dám ăn, chẳng dám uống. Thuốc bệnh chỉ toàn uống loại thuốc lá rẻ tiền". Nhiều đêm tôi nghe tiếng ho từ bên nhà người hàng xóm vọng sang. Mùa hoa bưởi chưa đến. Cái hương bưởi ngan ngát chưa về. Thay vào đó là mùi thuốc lá hăng hắc xông qua ô cửa phòng học của tôi.
Năm sau tôi vào đại học. Ước mơ vượt cánh đồng làng của tôi đã thành hiện thực. Nghỉ hè tôi về thăm nhà. Phòng học giờ bố tôi làm nơi cất lúa khoai. Buổi tối bố tôi từ nhà người hàng xóm chạy về gọi giật:
- Sang nhà bác Tấn ngay, bác trở bệnh nặng lắm. E không qua được.
Tôi và mẹ chạy sang. Nhà bác Tấn đông nghịt người. Những người hàng xóm và các bác ở Hội Cựu chiến binh xã. Người ta bảo bác Tấn đang lóe sáng những phút giây cuối cùng, như ngọn đèn cạn dầu vụt sáng lên để rồi tắt. Bác vẫn nhận ra tôi. Bàn tay xương xẩu của bác khẽ vẫy, gọi tôi lại. Giọng bác thều thào, đứt quãng:
- Cháu điện... miền nam... gọi Huyền... Huyền về, cái rương... rương này... bác gửi... gửi nhà cháu cho... cho nó...
Bố tôi gật gật đầu, gương mặt xúc động tột độ.
Gần nửa đêm, bác Tấn trở mình gọi mấy tiếng: "Con ơi. Huyền ơi..." rồi "đi". Không có tiếng gào khóc, những người chung quanh lặng lẽ lau nước mắt. Tiếng gió rú ào ào ngoài vườn. Trời lắc rắc mưa. Bản tin thời tiết báo đêm nay có gió lạnh tràn về.
Hơn mười ngày sau cô bé Huyền mới từ miền nam ra. Hai cái bím tóc xinh xinh không còn. Thay vào đó là mái tóc ngắn, được ốp sấy kiểu cách. Bố tôi trao chiếc rương lại và bảo tôi sang giúp Huyền dọn dẹp căn nhà lại cho "đỡ hơi lạnh". Cánh cổng lại rít lên ken két. Tôi giúp Huyền cạy nắp chiếc rương được bác Tấn đóng đinh cẩn thận. Hình như đồ đạc trong rương bác đã sắp xếp, chuẩn bị từ lâu. Một chồng báo xếp ngay ngắn. Một bọc tiền gói trong hai lớp ni-lông. Trong bọc tiền là một lá thư có rất nhiều lỗi chính tả. "... số tiền chín triệu đồng gồm tất cả tiền của con gửi về và tiền lương của bố dành dụm cho con sau này... Bố lo cho con lắm...". Huyền vừa đọc thư vừa khóc. Tôi thắp hương lên bàn thờ bác Tấn. Trên bàn thờ không có ảnh của bác, chỉ có chiếc ba-lô bạc mầu. Chiếc ba-lô tôi đã trông thấy bác Tấn đeo trễ một bên vai hôm dọn về nhà này.
Tốt nghiệp ra trường tôi quyết định xin về quê công tác. Căn nhà người hàng xóm vẫn còn. Huyền không vào miền nam làm nữa. Cô lập một trại trồng nấm tại làng. Mẹ tôi nói: "Con Huyền giỏi, vốn của nó bây giờ có đến vài trăm triệu đồng. Nó giúp hơn hai mươi đứa con gái thất nghiệp ở làng này có công ăn việc làm". Tôi vào căn phòng học cũ, mở toang cửa sổ. Cái sân gạch và khu vườn bên nhà người hàng xóm đã thành một khu trại nuôi nấm. Lảnh lót tiếng cười con gái. Cây bưởi vẫn đứng đó. Cái tán lá của nó nhô lên khỏi mái trại, xanh rì. Mùa hoa bưởi chưa đến nhưng hương thơm cứ ngào ngạt đâu đây...
3/12/2008
Hạ Huyền
Theo https://vnthuquan.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...