Thứ Năm, 24 tháng 2, 2022

Nguyễn Thị Mai đời và thơ như tôi biết

Nguyễn Thị Mai đời và thơ như tôi biết

Nhà thơ Nguyễn Thị Mai sinh ra và lớn lên ở Thủ đô Hà Nội, nhưng chị lại không có may mắn được hưởng hạnh phúc, niềm vui tuổi thơ như bạn bè cùng trang lứa ở chốn kinh thành. Bố mất, mẹ đi bước nữa, chị được mẹ và bố dượng nuôi dạy từ nhỏ trong cảnh nhà nghèo khó đông con, phải chịu đói rét cơ cực, làm quần quật với đủ mọi thứ công việc. Hàng ngày phải thức khuya, dậy sớm xay bột, tráng bánh, rồi gánh bánh tới chợ cho mẹ khi còn chưa rõ mặt người. Giờ với vóc người khoẻ khoắn, trí thức pha chút quý phái, chắc không ai có thể tưởng tượng ra một cô bé gầy gò lam lũ, 11 tuổi đã đi chặt củi thuê, chặt cây thanh hao làm chổi bán. Bước vào học cấp ba, 15 tuổi đã phải dầu dãi phơi mình dưới nắng hạ như thiêu, để bốc dỡ bè nứa thuê lên bãi cát sông Đuống, rồi đóng gạch bê tông thuê cho phi trường Gia Lâm, làm thợ nấu nhựa: đổ, ép quai guốc, dép suốt ngày bên lò lửa với hàng nghìn độ nóng. Hoặc có khi, nắng cũng như mưa, nón lá úp sụp, đứng chầu trực ở đầu cầu Long Biên nhận đẩy thuê xe ba gác nặng vượt dốc lên cầu cho người chở hàng sang chợ… Nỗi thương cảm ấy theo cách nói xa xót, thì chị là “người không có tuổi thơ”. Có lẽ chính những khổ đau vất vả đầu đời đã giúp Nguyễn Thị Mai nghị lực vươn lên, sớm biết tự lập, để sống, để học tập, công tác và cả để trở thành thi sĩ có những cảm rung viết nên những thi phẩm thấm đẫm nước mắt sau này: Con đường có tuổi tôi đau/ Là khi cha mẹ chia nhau tháng ngày/ Bờ vai run bím tóc gầy/ Mắt tôi nhòe ướt hàng cây cuối chiều (Con đường). Ở vào những tháng năm nhọc nhằn, cam go ấy, nhất là những ngày sơ tán lên miền núi Mai Sưu, Bắc Giang, phải lao động kiếm sống mới có ăn để học. Với chị, được học đã là hạnh phúc, nên phải nghiến răng bấm bụng mà học, học như một sự giải thoát, học để giã từ nỗi khổ nhục đeo bám như nợ tiền kiếp không chịu buông tha. Nhờ động lực và quyết tâm ấy, Nguyễn Thị Mai đã học xong các cấp phổ thông, đại học và thạc sĩ ngữ văn năm mới 26 tuổi, ngày ấy con nhà nghèo khó, học được hết phổ thông đã là quý hiếm chứ phải đâu như sự học bây giờ. Đó mới là vốn liếng chắt chiu, là tài sản vô giá làm hành trang đưa chị vượt qua mọi biến cố vô thường. Ngay cả khi đã là cán bộ nhà nước, cô giáo, thạc sĩ Nguyễn Thi Mai, vẫn phải đầu tắt mặt tối với hàng chục nghề làm thêm để kiếm sống, để nuôi dạy con và các em. Chị không nề hà làm bất cứ việc gì, nào là đưa diêm thuốc cho các quán, cắt tóc rong, nguy hiểm hơn là nghề cuộn pháo nổ; Ở một căn nhà khu tập thể lụp xụp luôn chứa cả vài cân thuốc nổ, nên có thể xảy ra cháy nổ bất cứ lúc nào… có chấp nhận thế, chị mới lo trọn được cả việc nước lẫn việc nhà. Trong công tác, Nguyễn Thị Mai cũng long đong, phải thay đổi thuyên chuyển nhiều lần: Tốt nghiệp đại học ra trường, tình nguyện khoác ba lô lên vùng cao làm cô giáo Trường Cao đẳng sư phạm Hòa Bình, lăn lóc với núi rừng những năm tháng gian truân. Rồi bằng đồng lương ít ỏi phải vượt qua nỗi khốn khổ của thời “giá lương tiền” để học xong thạc sĩ, ra trường về tiếp tục đứng vững trên bục giảng Trường Cao đẳng sư phạm Hà Tây hơn chục năm trời. Nghề dạy học đã giúp chị góp phần đào tạo hàng ngàn thày cô giáo, Nay có người trở thành cán bộ chủ chốt của Đảng và nhà nước, có người trở thành nhà khoa học tài năng… Là nhà giáo có uy tín, lại có nhiều năm tham gia công tác các đoàn thể nhà trường, nên chị rất có kinh nghiệm tổ chức vận động quần chúng, do vậy cuộc đời lại được bẻ ghi sang một hướng khác. Chị tham gia Ban Thường vụ Tỉnh Hội Phụ nữ Hà Tây, rồi cán bộ Trung Ương Hội Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ. Và bến đậu có hậu cuối cùng, lại trở về nghề cô giáo - Trường Đào tạo cán bộ Phụ nữ Trung Ương. Ở các cơ quan chị công tác, đều làm nhiệm vụ truyền dạy, giáo dục đào tao con người. Muốn được khảng định mình, ngoài nỗ lực phấn đấu vươn lên trong nghề, phải rất mực yêu thương con người, gìn giữ mình như một tấm gương, và thực sự chị đã là một tấm gương sáng. Việc gì cũng tận tâm, sáng tạo và hiệu quả đạt được mang tính thuyết phục, để lại những dấu ấn sâu đậm, những tình cảm chân thành với cơ quan, đồng nghiệp, với những miền đất con người đã từng gặp, từng qua. Một người luôn chu tất với mọi việc, sống tình nghĩa, tự trọng, đầy đặn, thuỷ chung, tất phải vất vả lo toan, chịu nhiều áp lực. Chị luôn cởi mở, nhanh nhạy tháo vát, thông minh, quyết đoán, nhưng biết nhẫn nhịn, chờ đợi, nhận thiệt thòi thương khó về mình. Những người quen biết, yêu mến chị thường gọi đùa bằng cái tên: “Nguyễn Thị Tất Bật”.        
Song có một việc làm âm thầm bền bỉ, rất quyết liệt lại ít khi chị nói ra, đó là tâm huyết, là tình yêu dành cho văn học suốt cuộc đời mình. Nguyễn Thị Mai xuất hiện trên thi đàn khá sớm, năm 1976 đã có thơ in báo. Khi bài thơ Nhà không có bố đạt giải nhất cuộc thi sáng tác văn học cho trẻ em do Hội Nhà văn Việt Nam và ủy ban Thiếu niên Nhi đồng tổ chức 1992; rồi bài thơ Nói với con chồng giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi thơ: Viết về gia đình do báo Phụ nữ Việt Nam tổ chức năm 1994. Và có lẽ phần thưởng lớn nhất cho chị, là khi các thi phẩm công bố đều được phổ cập nhanh chóng, sâu rộng tới nhiều đội tượng bạn đọc, nhiều người chuyền tay nhau đọc đến thuộc lòng. Chỉ chừng ấy, cũng đã đủ vinh danh và xác lập tư cách thi sỹ của chị. Tôi còn nhớ, hồi đó tình cờ có một lần, mấy anh em thân thiết túm tụm chuyện trò rôm rả ngày chủ nhật, biết tôi cũng là người làm thơ, anh Nguyễn Văn Tài chánh Tòa Kinh tế Tòa án Nhân dân tỉnh Ninh Bình, người tưởng chẳng mấy liên quan tới thơ phú, lại hồ hởi đọc cho mọi người nghe liền một mạch hai bài thơ lục bát được giải nói trên của nhà thơ Nguyễn Thị Mai và hỏi tôi về chị. Thú thật, ngày ấy ngoài chút ít thông tin về thơ, tôi chưa biết gì về chị, nên cũng chỉ ậm ừ cho qua. Anh Tài hết lời ca ngợi thơ, rồi lại tếu táo kể: bà xã nhà tôi mỗi khi phàn nàn, trách cứ, tôi lại đọc: Không có bố, không thì giờ/ Bữa ăn sớm muộn chẳng chờ chẳng mâm/ Ngày đông gió bấc mưa dầm/ Đậy che mái dột âm thầm mẹ con… Cho dù bãi mật phù sa/ Mà không bên lở chẳng là dòng sông. (Nhà không có bố) vậy mà bà xã lại hạ hỏa, rồi nguýt lườm, trách yêu “chỉ khéo”…!  Thế là được dịp mọi người phá lên cười, còn tôi thì càng nể trọng Nguyễn văn Tài, thầm phục Nguyễn Thị Mai, và từ đó chú tâm hơn đến tìm đọc thơ chị. Tưởng chuyện chỉ đến thế, nào ai hay tình cờ, năm 1997 tôi gặp nhà thơ Nguyễn Thị Mai trong buổi chúng tôi cùng được trao giải thưởng của UBTQ Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam. Nhận ra tôi, chị cởi mở, bắt tay thay lời chào hỏi rồi đọc luôn: Yêu cho vành vạnh trăng ngần/ Ghét cho khuyết tán mây vần vũ mây. Đó là câu thơ của tôi, mà theo Nguyễn Thị Mai, chị có thú sưu tập những câu thơ trích trong các bài thơ in báo mình thích. Tôi bất ngờ và thật sự cảm kích vì sự quen biết chị trong hoàn cảnh và tâm trạng khá đặc biệt này. Tháng 1 năm 1998 tôi với Nguyễn Thị Mai cùng được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam một ngày. Từ đó thành quen, thành thân thiết. Rồi đặc biệt hơn, sau này được chị làm “Bà Nguyệt xe duyên” cho con gái tôi, và sự trùng hợp ngẫu nhiên, con gái chị thấy tôi cũng họ Lâm như bố cháu thì liền gọi tôi là bố. Đó là cơ duyên kết thân giữa hai nhà, để mỗi khi có công to việc lớn của mỗi gia đình đều đến để chia sẻ cùng nhau, tôi lại có điều kiện để hiểu biết thêm cuộc đời và thơ chị.        
Thơ Nguyễn Thị Mai rộng cả về thể loại lẫn đề tài, chị vận dụng rất hiệu quả từng thể loại để đạt tới sự giản dị, xúc động cho thơ mình. Thể loại nào thơ chị cũng có nét độc đáo xuất sắc riêng, song có lẽ dấu ấn sâu đậm nhất để lại trên thi đàn, là lục bát viết để sẻ chia với thân phận con người, nhất là phụ nữ, với gia đình, hạnh phúc lứa đôi.  
Người ta nói, chị rất có duyên với giải thưởng, thi đâu được đấy, mà tất cả những bài thơ được giải, đều là lục bát viết về những đề tài cuộc sống gần gũi: Nhà Không có bố năm 1992; Nói với con chồng năm 1994. Ru mẹ, giải nhất cuộc thi Phòng chống ma túy của Bộ Văn Hóa… 2007; giải C chùm thơ ba bài cuộc thi thơ tình của báo Văn nghệ Trẻ năm 2007; Chợ đêm Long Biên giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi thơ lục bát “Ngàn năm thương nhớ” do 6 báo đồng tổ chức năm 2010, trong đó có báo Văn nghệ. Hai tập thơ Thời hoa gạo cháy và Nón trắng sang đò của Nguyễn Thị Mai được giải B và A của UBTQ LHCH VHNT Việt Nam cũng có hơn phân nửa thơ lục bát. Nói thế để biết là thơ lục bát của chị đã tiệm cận tính toàn bích cả về hình thức lẫn nội dung. Bài viết này tôi chỉ bàn đến sự nỗ lực tìm tòi đổi mới lục bát làm nên thi pháp Nguyễn Thị Mai.                                 
Lục bát có nguồn gốc của ngôn ngữ đồng dao, ca dao, dân gian, giản dị mà thấm lắng dễ lay động hồn người, Nguyễn Thị Mai đã triệt để khai thác lợi thế đó. Tôi còn nhớ, nhân ngày nhà giáo Việt Nam, 20 - 11 - 2009, may mắn được cùng thày giáo Nguyễn Đình Quy đến giao lưu với thày trò Trường PTCS Đồi Ngô huyện Lục Nam. Được nghe một thày giáo của phòng Phổ Thông sở Giáo Dục Bắc Giang kể chuyện, thày rất tâm đắc với bài thơ Nhà quê của nhà thơ Nguyễn Thị Mai, nên đã lấy mấy câu để ra đề thi văn cho học sinh giỏi: Nhà quê còn chút mẹ già/ Đêm thâu thức giấc canh gà ho khan/ Mái nghèo một bóng ba gian/ Mảnh sân nắng gội mưa chan tháng ngày/ Vườn quê còn rặng xoan gầy/ lá rơi xót đất, Hoa bay đắng trời (Nhà quê). Thày nói tiếp, phải là người quan sát tinh tế, thấm đẫm hồn quê và tài hoa lắm mới viết được: Lá rơi xót đất, hoa bay đắng trời. Tôi chắc, khi thày giáo chọn thơ ra đề thi cũng không biết Nguyễn Thị Mai là ai, làm gì, ngoài vỏn vẹn cái tên tác giả dưới bài thơ. Thế mới biết cái hay tự nó tìm đến nơi cần đến.        
Cảm giác se thắt, thiếu vắng, trong hoài niệm, liên tưởng là một nét riêng làm nên hiệu ứng thổn thức lây truyền trong thơ chị: Người về thăm lại chúng con/ Ngày đi, thằng út hãy còn thơ ngây/ khăn tang chùng xuống gót giày/ Đưa ma mẹ, vẫn cầm quay khóc òa… Lời ru tắt lặng đã lâu/ bây giờ ai hát “Đồng sâu cấy cày…” (Giấc mơ gặp mẹ).    
Nguyễn Thị Mai rất diệu nghệ trong vận dụng thành ngữ, tục ngữ ca dao làm sâu sắc hơn, hiện đại hơn lục bát của mình:Thương quê, thương chuyến đò sang/ Gạo châu củi quế vắt ngang lở bồi… Thơ không nói nổi nghĩa đời/ Con thành chú cuội ời ời gọi cha (Thì thầm trước mộ cha)… Dì không mang nặng đẻ đau/ Đứt dây mà xót thương bầu bí ơi!/ Kệ cho bánh đúc mấy đời/ Người ăn người lại nói lời nghiệt cay (Nói với con chồng).                  
Thơ Nguyễn Thị Mai thường có những chi tiết đặc trưng mang dấu ấn riêng nổi bật về cảnh, tình, không gian, thời gian của thơ thật sắc sảo, hóm hỉnh không lẫn với ai, để người đọc tiếp nhận trong niềm xúc động và sự thán phục: Chợ trăng đêm khuyết đêm tròn/ Khiêng sương, vác gió cũng mòn hai vai/ Bữa ngon hiểu được mấy ai?/ Chỉ cây cầu biết thở dài với sông (Chợ đêm Long Biên)…Nâng bình rượu gốm mà say/ Thương người chuốt đất bàn tay dãi dầu (Về với Bát Tràng)… Gọi anh, máy nhả lại lời/ chỉ nghe thông mách cái thời vi vu/ Gọi tình, rối ngon su su/ Tình đang lãng đãng phiêu du… với tinh (Tam Đảo và Anh).     
Còn gì xúc động hơn khi lòng thương yêu nhân hậu của“em”dành cho “anh” qua phép đối sánh tinh tế tài hoa giàu liên tưởng: Đã từng ngang dọc thời trai/ Khơi sông, đắp bể, kê vai nghiêng đồng/ Giờ về như giọt sương đông/ Đậu vào tay ấm ngòn hồng búp hoa (Bàn tay em). Cũng không có sự níu gửi nào bền chặt hơn bằng tình “em” qua những câu lục bát đối sánh hóm hỉnh có phần “đáo để”: Anh là lãng đãng phù vân/ Mải mê với những xa gần thấp cao/ Em là vệt sóng trong ao/ Nhỏ nhoi với những khát khao riêng mình… Rồi kết lại đầy tự tin: Dù anh biển rộng trời xa/ Cũng không bước nổi qua tà áo em (Anh và em)        
Nguyễn Thị Mai cũng rất thành công trong sử dụng ngôn ngữ hiện đại để lục bát biểu đạt sát đúng tình cảm, tâm trạng con người thời @: Trăng chiều đã tỏ sang đêm/ Vẫn không ai cả về bên… tóc vàng/ Máy bàn chuông chẳng reo vang/ Gọi đi thì… sóng phủ hoang vùng chờ. (Bạn gái xóm giềng)… Thảo nào “con rế” rung ngân/ Sóng toàn phủ bến phù vân cuối trời (Tam Đảo và Anh)      
Lục bát Nguyễn Thị Mai có cả chất hài rất hóm hỉnh làm tăng thêm tính đa tầng đa ngữ nghĩa cho thơ, và để người đọc có cách hiểu tùy lòng, lại có được những giây phút thư giãn thú vị: Cà sa choàng gió phi lao/ Trở nguyên cõi tục òa vào thế nhân/ Triều khơi vai trắng ngực trần/ Từ bi hỷ xả một lần xem sao? (Tắm biển gặp sư)… Mỹ nhân nghiêng nước Ninh Kiều/ Người không tiếc bạc mà chiều hồng nhan/ Hô thầu tát cạn Hậu Giang/ Tìm được guốc giúp em sang Cái Vồn. (Đêm qua phà sông Hậu). Chút tình còn lại bây nhiêu/ Đưa ta giữ hộ xế chiều đam mê/ Người về nung hết đá quê/ Têm trầu vôi ấy mà thề đuốc hoa/ Rồi ra buộc cửa gửi nhà/ Theo ta mòn gót trăng tà được không? (Gửi bạn thơ). Và như vậy hài hước xem ra có chiều, rộng xa hơn: Mộng mơ cho nhẹ cõi hồn/ Để qua nước thẳm sóng cồn mà đi (Đêm qua phà sông Hậu)        
Lục bát cổ, đòi hỏi phải tuân thủ niêm luật ở câu 6 và 8 đó là (nhị tứ lục phân minh): bằng - trắc - bằng; bằng - trắc - bằng - bằng. Song, Nguyễn Thị Mai có khi phá luật để lục bát không chảy trôi mà còn thêm thi vị, là trường hợp câu 6 trong cặp câu: Anh chẳng sớm nắng, muộn mưa/ Sương chiều muối tóc mà chưa xuân thì (Lục bát Em và Anh). Câu 8 trong cặp câu: Nơi thơ lội nước nội đồng/ Nơi đá núi trổ hoa hồng lắm gai (Gửi bạn thơ)…       
Lục bát Nguyễn Thị Mai còn liên tục ngắt, biến nhịp, hay dùng lối điệp từ, láy từ ở đầu câu, cách quãng, vừa như tạo khổ thơ, vừa như liên kết trùng điệp ý: Quá giang còn một chuyến phà/ Đã tàu về trễ, lại xa lộ trình/ Lại mưa khuya bất thình lình/ Lại đêm mất điện, lại mình… guốc rơi (Đêm qua phà sông Hậu). Từ đây đến đấy là quê/ Nhận rồi. xót cỏ. thương đê. nhớ làng. Từ đây đến đấy được điệp tới ba lần: là sông;… là quê;… là thơ (Khoảng cách lòng yêu). Đó là những cặp lục bát điển hình cho ngắt nhịp và điệp từ thật đắc dụng.        
Nét mê dụ vượt trội ở lục bát Nguyễn Thị Mai còn ở, tứ thơ độc đáo, kết cấu chặt chẽ, buộc người đọc phải lần tìm những tín hiệu vi diệu của ngôn từ, cho tới sự bùng nổ của câu kết đầy ấn tượng, bất ngờ.   
Dành cả cuộc đời và tình yêu cho văn học, dẫu đường thơ còn dài, chị cũng đã có 8 tập thơ xuất bản. Chị còn là ngòi bút phê bình sâu sắc, góc cạnh, lại là tác giả những tập truyện ngắn đậm duyên nghề. Nguyễn Thị Mai đã thực sự sống bằng nghề cầm bút. Bạn đọc cả nước chắc đã quen với bút danh Hạnh Hoa xuất hiện đều đặn hơn mười năm nay trên chuyên san Hạnh phúc gia đình của báo Phụ nữ Việt Nam với cả hàng nghìn câu truyện. Giờ dù đã nghỉ hưu, nhưng với vốn kiến thức tổng hợp phong phú, chị thường xuyên được các cơ quan nhà nước, các tổ chức phi chính phủ mời giảng dạy cho các trường, các địa phương về công tác phụ nữ và bình đẳng giới, đó là niềm hạnh phúc mà nhiều người phải mơ ước khát khao.  
Một đức tính vô cùng cao quý đối với một nhà văn, không chỉ đeo đuổi, đam mê để khảng định mình, Nguyễn Thị Mai luôn dành sự quan tâm nâng đỡ, sẻ chia với những người yêu văn học, nhất là ai gặp hoàn cảnh khó khăn. Tôi được biết, chị thường qua những nhà xuất bản văn học quen biết, xin lại sách tồn kho rồi đóng gói gửi qua bưu điện cho các câu lạc bộ thơ quen chị, hoặc tự mua sách để tặng cho những ai trả lời xuất sắc trong các cuộc giao lưu mà chị lại là khách mời. Chị là người rất trân trọng những ai tặng sách mình, bận mấy cũng dành thời gian, không chỉ để đọc, mà còn viết thư cám ơn kèm theo những cảm nhận của mình với thái độ: khen, chê thẳng thắn, nên nhiều người chỉ một lần tặng sách mà trở nên gần gũi thân thiết với chị. Chính nhờ thơ giàu sức sẻ chia và tình cảm nồng ấm chân thành nơi chị, mà có những công chúng rất đặc biệt của mình. Một lần tôi và chị cùng mấy người về thăm câu lạc bộ thơ Làng Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Đông (nay là Hà Nội). Hàng trăm hội viên tề tựu, dành cho chúng tôi cuộc gặp gỡ ân tình, họ đã thi nhau: đọc, ngâm, hát và bình thơ Nguyễn Thị Mai. Tôi thật sự bất ngờ về sức lan toả, và hạnh phúc của người làm thơ khi đến được với những miền đất cần lao này…  
Tất cả những điều tôi biết, chắc chỉ là nét phác thảo về những thăng trầm, trải nghiệm thật có ý nghĩa, để làm nên hạnh phúc cho một đời người, một đời thơ của nhà thơ Nguyễn Thị Mai.                  
Thịnh Long, 18/11/2011
Lâm Xuân Vi
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...