Thứ Ba, 22 tháng 2, 2022

Nhà mái lá - Nét văn hóa độc đáo của làng quê Bình Định

Nhà mái lá - Nét văn hóa độc đáo
của làng quê Bình Định

Đối với người Bình Định, ngoài lo cái ăn, cái mặc thì việc dựng nhà  là sự kiện trọng đại nhất của một  đời người. Ngày Xưa, nhà cửa ở nông thôn Bình Định đều lợp tranh. Chỉ có đền, chùa, đình, miễu hoặc vùng thị tứ giàu có mới lợp ngói. Nhà cửa của dân thường có hai loại: nhà cặp và nhà lá mái.                                 
Nhà lá mái to lớn hơn nhà cặp. Cột kèo, xiên trính đều bằng gỗ danh mộc. Đoạn tiếp giáp các cột kèo có chạm hình lân, quy, hoặc nho sóc tuỳ theo từng nhà. Vách thường trét đất ở trong, tô vôi ở ngoài, hoặc xây toàn đá ong hay gạch, rồi tô vôi láng; thường thì nhà nào cũng ba gian hai chái, có nhà đến 5 gian hai chái. Những gian giữa, phía trước đóng bàng khoa, có nhà đóng phên dại, hoặc cổng. Hè trước rất rộng. Có khi lại làm một lớp cổng hoặc phên dại ở ngoài cho thêm chắc chắn. 
Vì tính chất quy mô như vậy, nên để làm được ngôi nhà lá mái là cả quá trình gian khổ, lâu dài và là một sự kiện trọng đại của đời người. Người Bình Định có câu tục ngữ: “Một lần cất nhà bằng ba lần cha chết” là vậy. 
Thợ làm nhà lá mái thường phải là thợ giỏi, có tay nghề cao trong vùng. Họ được gia chủ  rước về nuôi ăn ở trong trại (được cất lên gần nơi làm nhà) để làm từ năm này sang năm khác. Có nhà, từ khi khởi công dựng nhà, người con trai chưa lấy vợ, nhưng đến khi khánh thành thì đã có cháu nội để ẵm bồng; nghĩa là phải mất hai-ba năm mới hoàn thành, mặc dù trước đó việc chuẩn bị khởi công dựng nhà cũng đã khá lâu. Gia chủ phải  đi mua gỗ tận vùng Bình Khê (Tây Sơn) đóng bè chở về, rồi tre phải được chặt, ngâm ở ao, mương trước đó cả năm trời để chống mối mọt; còn đá ong thì đặt cho  các thợ làm đá ở Nhơn Mỹ hay Thiết Trụ xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn… chọt theo kích cỡ đã định sẵn.Vì thế nên ca dao mới có câu: 
“Anh về dỡ gỗ đa đa
Cất nhà lá mái tháng ba em về.” 
Đặc biệt, khoảng một tháng trước khi dựng nhà, gia chủ còn phải tổ chức giã gạo để nấu cơm cho thợ làm nhà ăn. Đây là công việc được khá nhiều nam thanh nữ tú trong thôn và các vùng lân cận hưởng ứng; vì giã gạo không đơn thuần là một hoạt động nặng nhọc mà đây là một buổi sinh hoạt văn hóa khá độc đáo của người Bình Định, bởi nó gắng liền với loại hình hò đối đáp mà ta gọi là hò giã gạo. 
Tuy hoàn toàn làm bằng gỗ, nhưng nhà lá mái là một loại hình kiến trúc khá bền vững, nhiều nhà do bị cháy phần mái, hoặc vì điều kiện phải di dời, người ta tháo rời các mộng bằng gỗ, cắt các vòng mây buộc rồi  dỡ từng cây cột, kèo, trính để dựng nhà khác.
Ngôi nhà của cha tôi ở thôn Vĩnh Phú, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn có dàn cột kèo, xiên, trính… truyền qua ba đời với ba lần dựng nhà, đến đời cuối cùng đã gần một trăm năm sử dụng, nhưng vẫn vững chắc.         
Nét độc đáo của nhà mái  lá nó có tới hai lớp mái. Lớp mái thứ nhất (giống phần trần trong nhà xây), nhưng được lợp phủ lên các đầu cột, kèo vào bám chặt  vào các đòn tay bằng các sợi dây mây chuốt rất kỹ. Phần mái này có nơi lát ván hoặc vỏ cây đập dập, hoặc bằng những cây tre già (có sẵn ở khắp nơi) đã ngâm nước hơn 1 năm để khỏi mối mọt, rồi dùng chàng (dụng cụ của thợ mộc) đục, dầm thành những tấm khịa bằng phẳng trải lên trên đầu cột, kèo và các đòn tay trước khi đắp đất sét đã trộn nhuyễn với rơm. Lớp mái thứ 2 được chống cao phần đỉnh với độ dốc lớn, song song với lớp mái thứ nhất để đến mùa mưa thoát nước nhanh, giữ được độ bền của mái rạ lâu hơn.
Như vậy, nhà lá mái có hai lớp đòn tay. Lớp đòn tay của mái trong đỡ phần khịa đã trét đất; lớp đòn tay của mái ngoài đỡ thêm rui, mè để có chỗ lợp tranh hoặc móc ngói.           
Lớp mái này lợp bằng tranh rạ đánh thành tấm dài độ 1,5-2m. Người ta dùng lạt tre cột tấm tranh vào cây mè phủ lên trên lớp mái thứ nhất theo thứ tự lớp lang từ dưới lên đến nóc. Ngày nay lớp mái tranh này được thay bằng ngói cho vững bền hơn.
Mái nhà và mái lá nằm cách nhau chừng năm bảy tấc, hoặc một thước, do những trụ chống. Vì thế ở trong  nhà  lá mái, mùa nắng đóng kín cửa thấy mát rượi, mùa đông thì ấm áp, dễ chịu chứ không như nhà bê tông ngày nay phải luôn có quạt hoặc máy điều hòa nhiệt độ.                       
Vách nhà lá mái cũng được làm hai lớp. Để trét vách, người ta dùng tre đã ngâm kỹ, chẻ thành mầm, trỉ. Cây mầm to bảng hơn cây trỉ (khoảng ½ cây tre) dựng đứng bên trong vách cách nhau vài ba tấc để cột cây trỉ làm sườn trét vách. Ðất ruộng pha sét nhào nhuyễn với rơm, nhét vào những ô mầm trỉ. Hàng trỉ giữ cho đất không rơi. Trét 2 phía trong ngoài xong, thợ đất cũng dùng đất gò mối trộn nước dây tơ hồng hồ lại lớp mặt cho phẳng, nhuyễn. Nếu trét không kỹ hoặc trét bằng đất bở thì khi vách khô, đất nứt nẻ, rơm lòi ra ngoài rất xấu. 
Nền nhà lá mái vẫn là nền đất nện như kiến trúc nhà ở đồng bằng quen thuộc của người Việt, nhưng có một điểm khác là nền của nhà lá mái tuyền bằng đất thịt trộn muối đằm kỹ. Nền nhà kiểu này không bị nứt nẻ vào mùa nóng, lại khô ráo vào mùa mưa. Xung quanh nền thường đắp đá ong có nhiều ở đồi Gò Quánh, hoặc Nhơn Hậu, huyện An Nhơn. Nền nhà trên phải cao hơn nhà dưới, nhà trước phải cao hơn nhà sau, vì theo quan niệm của người Bình Định thì: 
Nền nhà nước đổ chảy vào
làm ăn phát đạt đón chào ngợi ca
nền nhà nước đổ chảy ra
làm ăn kha khá tiêu pha bội phần
nền nhà bằng phẳng như cân
đề phòng con cháu ái ân tư tình. 
Dàn cửa chính trong nhà lá mái được xoi chỉ rảnh, chạm khắc công phu. Ngày trước chủ yếu là cửa bàng khoa gồm nhiều khung hình chữ nhật theo chiều đứng. Mỗi khung lại chia ra nhiều ô, phần trên là những ô vuông, phần dưới là ô hình chữ nhật lát ván. Giữa các ô có nhiều khung với các rãnh lồi chạm hoa văn rất đẹp. Một số ô vuông ở trên có những trụ nhỏ đẩy qua đẩy lại được để tạo ra khoảng trống cho mát. Vì thế nên cửa này còn có tên gọi là cửa” thượng song hạ bảng” là vậy.
Nhà nghèo thì làm cửa ”phên dại”, cửa này cũng có cấu tạo bằng khung gỗ hình chữ nhật đứng, có khổ thường là khoảng (8 tấc x 1,6 m), có các thanh ngang cho chắc. Người ta chẻ tre, vót kỹ rồi gài vào các thanh ngang của khung này cho kín  sịt sẽ có một tấm cửa phênh dại bằng phẳng và kín đáo.
Những ngày giỗ kỵ hoặc cưới hỏi, người ta dễ dàng tháo rời từng tấm cửa cho rộng rãi và tận dụng kê làm bàn ăn hoặc giường nghỉ thật tiện lợi. 
Ngày nay, người ta ít dùng cửa phênh dại hoặc cửa bàng khoa mà thay bằng các cửa lá sách hoặc cửa bảng tiện lợi và đẹp hơn.
Cửa lá sách phần dưới khép kín bằng những tấm ván vuông như cửa bảng, phần trên có nhiều thanh gỗ xếp nghiêng nghiêng để thông gió và từ bên ngoài không nhìn vào được. Lối kết cấu cửa ngõ của nhà lá mái cũng thể hiện tính cách của chủ gia là sống khép kín, “đóng cửa bảo nhau”, không muốn “chuyện trong nhà chưa rõ, ngoài ngõ đã tường”. 
Cửa của nhà lá mái ở Bình Định thường thấp, bậc lại cao, đặc biệt là cửa đi lên gian nhà trên, nơi có bàn thờ.
Theo các cụ già giải thích thì cần bố trí cửa như thế  để nhắc nhở mọi người khi bước vào gian thờ tự phải cúi đầu, mọi động tác phải khoan thai, cung kính. Đặc biệt, ngày xưa, gian thờ này người phụ nữ không được vãng lai. Ngày nay, tục này không còn nữa, vì vai trò nam nữ bình quyền và cũng vì người đàn ông luôn đi làm ăn xa, mọi công việc ở nhà, kể cả nhang đèn, cúng giỗ đều do người phụ nữ quán xuyến, nếu không được vãng lai thì  lấy người đâu mà hương khói!
Ngoài việc chạm khắc sao cho sinh động, trình độ của thợ làm nhà lá mái sẽ được bộc lộ ở khâu xoi đục các ngàm miệng. Những ngàm miệng này vừa đẹp vừa chắc, lại rất khít khao. Nhiều chủ nhà đã thử bằng cách đổ nước vào chỗ lắp ghép, lúc tháo ra nếu phần lỗ mộng bên trong vẫn khô là đạt yêu cầu. 
Trong việc dựng nhà lá mái, quan trọng nhất là gác đòn dông. Lễ gác đòn dông thường tiến hành vào đêm khuya để tránh người ta “dòm ngó“, nhất là đàn bà chửa. Luận về cách chọn ngày giờ để gác đòn dông, dân gian Bình Định có bài thơ: 
Kinh Dịch luận gác đòn dông
Giờ Tí, giờ Sửu: Phước hồng trời ban 
Khi đòn dông gác lên phải dán một lá bùa và treo một bát quái bằng gỗ để cầu an, trừ tà. Gỗ làm đòn dông phải là cây thẳng, tròn, không bị sâu mọt. Khi gác đòn dông, bao giờ đầu ngọn cũng phải nằm bên tay phải của ngôi nhà. Về kinh nghiệm này, người Bình Định có bài thơ về cách đặt trang ông táo và gác đòn dông: 
Ngồi trong nhà nhìn ra đường cái
Gốc đòn dông tay trái tả ban
Ngọn dông  tay phải rõ ràng
Cùng là trang táo thiếp chàng nên ghi. 
Nhà lá mái ở Bình Định thường  có từ 12 đến 16 cây cột lớn trồng thẳng xuống đất theo bốn hàng, mỗi hàng bốn cây, bao gồm: Hàng cột cái (cao và to nhất) rồi đến hàng cột con, hoặc cột nhì, cột ba nhỏ và thấp hơn. Riêng bốn cây cột ở giữa cao từ 3,5m đến 4m, còn các cây cột bên ngoài giảm đều xuống từ 2 đến 3m. Đoạn tiếp giữa các đầu cột với các cây xiên, trính đều có chạm trổ hình con lân, quy, hoặc nho sóc rất công phu. 
Xiên là cây đặt từ đầu cột này sang đầu cột kia theo chiều dọc ngôi nhà.
Trính là cây  đặt từ đầu cột này sang đầu cột kia theo chiều ngang của ngôi nhà.
Ở Bình Định, cây xiên thường bào có cạnh lục giác, chạy rãnh nổi, hoặc chạm hoa văn rất đẹp; còn cây trính (để đỡ trụ lỏng) thì được đẽo bằng một khúc gỗ rất to, dáng cong hình vòm, và cũng được chạm trổ hoa văn, sống  nổi, uốn lượn  dọc theo thân cây.
Khi đầu cột có chạm trổ thì đầu kèo cũng chạm trổ cho cân xứng. Các cây trính, xiên dùng gỗ vuông thì ở cạnh có chạy chỉ và những gờ, rãnh dọc chiều dài cho đẹp. Ngoài các cột đứng còn có các trụ lỏng; tùy theo nhà mà có trụ lỏng cối, trụ lỏng ba lá hoặc trụ lỏng chữ lập.
Trong nhà lá mái, trụ lỏng và xiên, trính là các điểm trang trí quan trọng. Khách đến thường nhìn lên trần và thấy ngay trụ lỏng, cũng như trính, xiên… cho nên trụ lỏng không chỉ là cây gỗ thẳng đơn thuần mà còn được trang trí dưới nhiều hình thức.
Điều đặc biệt ở nhà lá mái là nơi giáp khớp, ngàm, người ta không dùng đinh như ngày nay mà khoan lỗ, đóng những con sẻ bằng tre đực già thay đinh  giữ chặt, vì thế khi chạm trổ không đụng đến lưỡi bạc, chàng, hoặc cưa đục của thợ mộc.           
Nhà cất theo kiểu ấy trông nặng nề vì cột choáng hết nhiều chỗ. Hơn nữa, ba gian nhà trên hoàn toàn dùng để thờ. Trước bàn thờ kê trường kỷ hoặc phản gõ, thỉnh thoảng khách đến ngồi và nằm, chứ người trong nhà ít khi dùng đến. Trong nhà lại treo nhiều liễn, đối, trướng, sáo… cho nên dù nhà rộng đến đâu, vào cũng thấy lấn cấn không được thoải mái.          
Nhà lá mái thường xoay mặt vào hướng Nam. Và nhà nào cũng đều có vườn cây ở chung quanh và sân ở phía trước, rồi hàng rào ở 4 bên. Nhiều nhà chỉ trồng ”cau liên phòng“ và chuối, (chuối vườn sau, cau vườn trước); sân phần nhiều dện đất thịt. Để khỏi nổi bùn, hàng năm dùng phân bò tươi khuấy nước sềnh sệch, đem tráng lên mặt sân cho láng để phơi thóc đậu, nông sản. Còn hàng rào thì mặt trước thường trồng duối, chè tàu, hớt tỉa mỹ thuật, hoặc rào cây tre khô, bằng thẳng chắc chắn. Phía sau và hai bên thường trồng tre, trúc cao xanh. Trong vườn thì trồng các loại rau cải, hoa quả, mùa nào thức ấy. Đặc biệt, đến ngày tết nhà nào cũng trồng hoa vạn thọ vàng ươm cả vườn.
Ngõ ra vào trổ trước nhà. Có nhà trổ thêm ngõ sau. Và ngõ sau cũng như ngõ trước đều trổ xiên một bên, chứ không bao giờ trổ ngay ở giữa. Ngõ trước nếu vì phương hướng phải trổ ở giữa, thì đường vào nhà cũng phải chạy né một bên, hoặc quanh co như ất tự:
Đường đi, nước chảy chớ cho ngay
Hai bên thềm uyển như ất tự
Gia nội an khương, tự nhiên hưng. 
Từ cách bố trí cửa, ngõ, sân, vườn như trên, đã tạo nên sự hài hòa giữa thiên nhiên và kiến trúc. Sống trong nhà lá mái, tuy kín mà không bí, thấp mà không ẩm, con người dễ giao hòa với thiên nhiên cây cỏ nên thường sống thanh bạch, đậm nhân văn và có cốt cách văn hóa cao.           
“Mái nhà xưa, khu vườn cổ“ chính là  môi trường thích hợp  để bảo tồn thuần phong mỹ tục, đạo lý truyền thống của gia đình mà người Bình Định gọi chung là “nếp nhà”. Phải chăng tên gọi “nếp nhà“ này cũng xuất phát từ gia phong của những chủ nhân ngôi nhà lá mái ở Bình Định.      
Như vậy, không chỉ là một di sản vật chất quý báu, nhưng còn là một phần đời sống tinh thần, một nét văn hóa tốt đẹp của người Bình Ðịnh.
Cách đây chừng hơn mươi năm, nhà lá mái vẫn còn khá nhiều ở vùng Binh Định, đặc biệt là ở khu vực ven kinh thành Hồng Ðế xưa. Nhưng nay do thiếu điều kiện bảo quản nên nhiều ngôi nhà cổ đã bị hư hỏng dần. 
Nếu ở Phương Tây có những ngôi nhà tuyền gỗ thì nhà lá mái của Bình Định cũng có thể coi là một loại hình kiến trúc nhà gỗ độc đáo không nơi nào có được. Bởi gỗ là vật liệu chính của nhà lá mái, gỗ hiện diện ở mọi lúc, mọi nơi, kể cả trong ký ức và tương lai, trong cuộc sống hiện tại và lâu dài, và ngay cả trong cái chết của con người. 
Những ai từng lớn lên trong nhà lá mái không thể quên cái bậc cửa mòn nhẵn, mỗi lần bước qua là một lần quệt vào ống quyển đau nhói; và cũng không thể quên những cây cột láng bóng đã không biết bao nhiêu lần va vào trán trong đêm khuya quờ lối tìm cửa ra ngoài. Và có lẽ tiếng động khó quên nhất trong nhà lá mái, đẫm đầy trong ký ức tuổi thơ là tiếng võng đưa cót két những trưa hè thanh vắng.
Am thanh ấy đối với tôi như một sức mạnh huyền bí neo giữ suốt đời những ký ức gắn liền với tuổi thơ trong ngôi nhà lá mái, và trở thành những vần thơ trong bài “Tiếng võng” viết năm 1989:                             
Đi mòn tuổi xanh
chiều nay con về thăm mẹ
mới đến đầu hè
đã nghe
tiếng võng đưa
cót két…
 mẹ đón con
lưng còng dáng võng
xưa mẹ ru
võng còng
cót két…
giờ mẹ già rồi
ru ai
mà cót két hoài
tiếng võng
Âm thanh ấy tạo nên từ gỗ, sắc màu ấy, tâm linh ấy phôi thai từ gỗ. Gỗ không chỉ che chở, nâng đỡ, bao bọc thân xác con người từ lúc mới sinh ra cho đến lúc đã qua đời mà còn hun đúc những ý chí bền bĩ, kiên trung; dưỡng nuôi những tinh thần thủy chung, nhân hậu.          
Thật vậy, ngoài những cột kèo, xiên, trính… gắn liền với ngôi nhà, gỗ còn kề cận với con người trong sinh hoạt, sản xuất qua những vật dụng, như: giường tủ, bàn ghế, hay thúng mủng, cuốc cày… Từ chiếc tăm xỉa răng, đôi guốc mộc đến chiếc nón đội đầu; từ tấm vạt giường  bện tre mát rượi  hay chiếc rế đặt dưới niêu cơm, chiếc rương đựng nữ trang, quần áo của cô gái mới về làm dâu, hay cái cối cái chày thức suốt những đêm hò giã gạo đến tấm phản gõ láng bóng ở nhà trên, hay bộ bình phong, liễn thờ chạm khảm cầu kỳ… tất cả  cùng sống, cùng yêu, cùng buồn vui chia sẻ với con người, giúp con người giữ nếp gia phong đạo lý, sống nhân hậu, yêu thương.        
Gỗ có mặt ở ruộng vườn, gỗ sinh sôi nảy nở ở đồi nương, sông suối, gỗ đi theo suốt cuộc đời người… Ngày nay, có xi măng, sắt thép, dù bền vững và tiện lợi hơn nhiều, song vẫn không thể thay được chiếc phản gõ mát rượi những trưa hè, không thể thay được chiếc võng đưa cot két, và lại càng không thể thay được ngôi nhà cuối cùng cho người đã qua đời. Người Bình Định bây giờ làm nhà không dụng nhiều cột kèo, xiên trính nữa, mà xây xông thẳng lên chứ không có chái, không có cột gỗ trong nhà. Người ta xây tường, thả đòn tay, đóng rui mè bằng tre ngâm kỹ (hoặc dùng sắt xà gồ) rồi móc ngói, lợp to-le cho tiện. Nhà giàu thì đúc trụ, đổ bê tông mái bằng chứ không dụng gỗ, vì bây giờ gỗ đã trở thành thứ không phải “của trời cho“ như xưa nữa. Song các thứ đồ dùng, như án thờ, bàn ghế, sập, gụ… thì lại được chạm trổ tinh vi, cầu kỳ trông rất sang trọng, cổ kính hơn xưa.
5/10/2006
Mai Thìn
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ngô Thụy Miên, giấc tình ca bất tuyệt

Ngô Thụy Miên, giấc tình ca bất tuyệt “L’amour est au monde pour l’oubli du monde (Tình yêu có trên đời là để cho quên hết đời đi)” Paul...