Thứ Ba, 22 tháng 2, 2022

Những nỗi tương tư của Thúy Kiều

Những nỗi tương tư của Thúy Kiều

Tương tư là một trạng thái tình cảm đặc biệt trong đời sống tinh thần của con người mà xưa nay nhiều nhà thơ muốn lý giải trọn vẹn bằng cách cậy nhờ vào ưu thế đặc thù của thi ca và trái tim nhạy cảm của mình. Tâm tư con người mãi là một miền bí ẩn cho thơ ca mang khát vọng khám phá không cùng. Không ít nhà thơ đã phải thốt lên: “Tương tư không biết cái làm sao” (Tản Đà), “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu” (Xuân Diệu)... Ấy thế mà đại thi hào Nguyễn Du không chỉ diễn tả đúng tình, đúng điệu bao nhiêu u uẩn của nỗi tương tư mà còn tinh tế nhận thấy những biến chuyển của trạng thái tình cảm này trong suốt cuộc đời của một người con gái luôn ép trong tim bao kỷ niệm về mối tình đầu.     
Ai có đọc “Truyện Kiều” đều biết rằng đời Kiều triền miên trong hoài niệm, xót tiếc dĩ vãng, “một ngày nặng gánh tương tư một ngày”. Nhưng đặc biệt, có ba lần Nguyễn Du chú tâm soi rọi thế giới nội cảm phong phú của Thúy Kiều lúc tương tư, lối thể hiện mỗi lần một khác, bất ngờ và đa dạng như chính cuộc đời vậy. Nỗi tương tư được diễn tả cài xen cùng với bao nỗi niềm nhớ thương khác trong nội tâm Thúy Kiều. Không hẳn rằng bao giờ Nguyễn Du cũng đặc tả nỗi tương tư của Thúy Kiều trên bình diện chủ đạo trong dòng độc thoại nội tâm của nhân vật nhưng những ai xa cách người yêu đọc “Truyện Kiều” đều có thể dễ dàng lẩy được rất nhanh những câu thơ tương tư nói hộ trái tim mình.     
Lần tương tư đầu tiên của Thúy Kiều trong quãng đời lưu lạc là lần ở lầu Ngưng Bích. Nguyễn Du tả nỗi tương tư của Kiều trước, rồi sau mới tả nỗi nàng nhớ thương cha mẹ. Điều này không phải ngẫu nhiên. Lúc này, Kiều đã là người tròn đạo hiếu nhưng nàng lại là người vừa mang tiếng là kẻ phụ tình. Là nghệ sĩ của muôn nghìn tâm trạng, Nguyễn Du không thể không tả nỗi tương tư của Kiều trước tiên, để phù hợp với lô gích tâm lý nội tại của nhân vật:          
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống hãy rày trông mai chờ
Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai?     
Mối tình Kim - Kiều rốt cuộc phải tan vỡ, nhưng cảnh tan vỡ này diễn ra khi tình chỉ mới đương độ sen ngó đào tơ, cho nên dư vị và dư âm của nó đọng lại trong đời Kiều hãy còn tinh khôi, mới mẻ. Biết thế để thấy rằng Nguyễn Du rất có lý, có tình khi cho Kiều sống trong tương tư mà như sống trong chiêm bao. Không gian cách trở bị xóa dần. Người yêu về gần kề, cùng uống chén thề nguyền đồng tâm, dưới vầng trăng làm chứng nhưng rốt cuộc, chiêm bao vẫn chỉ là... chiêm bao thôi. Cái nhìn đời nghiệt ngã của Nguyễn Du đã kéo nàng Kiều từ thế giới mộng tưởng về với đời thực. Câu thơ: “Bên trời góc bể bơ vơ” gợi lên sự giật mình, sực tỉnh của Thúy Kiều khi cảm nỗi cô lạnh, xót xa phận mình.     
Lần thứ hai Kiều sống trong tương tư là lần ở lầu xanh Tú Bà. Khác với lần trước, trong lần thứ hai này và cả lần thứ ba cũng vậy, Nguyễn Du tả nỗi lòng Kiều “Nhớ ơn chín chữ cao sâu” của cha mẹ trước, tả nỗi tương tư của Kiều sau. Đây lại là một lô gích tâm lý khác của nàng Kiều mà Nguyễn Du “theo sát” một cách nhất quán. Trước vấn đề lựa chọn mang tính đạo đức và mang tính hệ trọng, sinh tử của đời mình: “Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn”, Kiều đã chọn đạo hiếu làm đầu, dĩ nhiên, lô gích tâm lý của Kiều mà Nguyễn Du “phát hiện” là phù hợp với sự lựa chọn “hiếu nặng hơn tình” của Kiều.    
Thường thì tương tư nảy sinh trong con người mỗi khi không được thoả yêu. Nói cách khác, tương tư là sự khát yêu trong mộng. Kiều cũng khát yêu như thế khi thầm nhắn nhủ người yêu: “Xa xôi ai có thấu tình chăng ai”. Nhưng khát yêu tất sẽ dẫn đến chuyện đòi hỏi, mong mỏi được người yêu chia sẻ tình cảm. Mà tình yêu không đơn thuần là chuyện đòi hỏi, đó còn là chuyện quên mình, chuyện vị tha khi nàng thấu hiểu nỗi đau đớn của Kim Trọng và mong cầu Thúy Vân thay nàng đáp đền tấm tình Kim Trọng: 
Khi về hỏi liễu Chương Đài
Cành xuân đã bẻ cho người chuyền tay
Tình sâu mong trả nghĩa dày
Hoa kia đã chắp cành này cho chưa?     
Có mấy ai tương tư mà quên nỗi đau của mình để nghĩ đến nỗi đau của người khác như Thúy Kiều? Chữ “tình” đương nồng, nàng dành trọn cho lần tương tư đầu tiên: “Tấm son gột rửa bao giờ cho phai?”, còn với lần tương tư thứ hai, chữ “tình” mặn nồng phần nào đó đã chuyển hóa, đã ký thác vào chữ “nghĩa” sâu dày. Nhưng cho dẫu chữ “nghĩa” đã được Thúy Kiều cậy nhờ Thúy Vân đáp đền Kim Trọng, chữ “tình” vẫn cứ vò xé lòng Kiều: “Mối tình đòi đoạn vò tơ”. Thì ra, chữ “nghĩa” chỉ đắp đổi phần nào đó cho chữ “tình”, chứ không thể thay thế được chữ “tình”.       
Lần tương tư thứ ba của Thúy Kiều là lần nàng sống cô đơn, lúc Từ Hải đã giã biệt nàng để lên đường đánh đông dẹp bắc:          
Tiếc thay chút nghĩa cũ càng
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng     
Lần này, nỗi tương tư của Thúy Kiều không trào dâng bồng bột như sóng xô bờ trong lần ở lầu Ngưng Bích, không khiến nàng đớn đau, khắc khoải xé lòng như lần ở lầu xanh Tú Bà mà lắng lại trong dòng mạch thâm trầm của ký ức. Tuy nhiên, con sóng lòng dẫu không bồng bột nữa nhưng vẫn quẫy động nơi mạch ngầm sâu thẳm của tâm hồn. Kim, Kiều đã phải lìa nhau như ngó sen bị ngắt làm đôi, ý nguyện đá vàng thành mộng ảo, nhưng nỗi tương tư của Thúy Kiều cứ xe quyện hai tâm hồn lại với nhau, như những sợi tơ cứ vương nối hai đầu chỗ ngắt của ngó sen. Dùng hình ảnh cụ thể để biểu đạt ý tưởng trừu tượng như Nguyễn Du đã làm thật thần tình. Cặp tiểu đối “dẫu lìa ngó ý”, “còn vương tơ lòng” với chữ “còn” phủ định chữ “dẫu” cho thấy mặc dù trong cuộc đời Kiều có sự giằng xé, mâu thuẫn giữa cõi thực (“lìa ngó ý”) và cõi mộng (“vương tơ lòng”), cõi thực buộc Kiều phải dứt tình với Kim Trọng, nhưng sức bền của mối tương tư chứng tỏ tình cảm đã “lội ngược dòng” để cho cõi mộng “phủ định” trở lại đối với cõi thực, đối với định mệnh nghiệt ngã, đối với tai ương chia rẽ mối tình Kim - Kiều. Và như trên đã nêu, chữ “nghĩa” không thay thế được chữ “tình”, nhưng ở lần tương tư thứ ba này, nàng Kiều tiếp tục nhắc đến chữ “nghĩa”. Cho dẫu chữ “nghĩa dày” đã bị bụi trần thời gian vùi lấp thành “chút nghĩa cũ càng”, trước sau, đấy vẫn là một chữ “nghĩa” kiên trinh và chính chữ “nghĩa” này của Kiều đã băng bó cho những đau thương nhân tình của Kim Trọng trong cõi thực phũ phàng. Thời gian không làm phai nổi chữ “tình”, thời gian cũng không thể làm giảm đi sức bền của chữ “nghĩa”. Thế nên, thay cho câu hỏi thảng thốt trong lần tương tư trước: “Hoa kia đã chắp cành này cho chưa?”, lần này, nàng Kiều cảm thấy tự tin, yên lòng hơn ở chữ “nghĩa” mà nàng đã cậy nhờ Thúy Vân vun đắp: một chữ “nghĩa” có hậu, một chữ “nghĩa” đầy hứa hẹn (“may ra”) cho Kim Trọng về đường gia thất con cái:           
Duyên em dù nối chỉ hồng
May ra khi đã tay bồng tay mang      
Qua những trang Truyện Kiều viết về nỗi tương tư của Kiều cho thấy, Nguyễn Du không đơn thuần diễn tả nỗi tương tư mà còn đi sâu phân tích tâm lý tương tư qua từng thời điểm khác nhau khiến cho người đọc hiểu được sự vận động tinh vi theo thời gian của trạng thái tình cảm phong phú này ở Thúy Kiều, giúp người đọc khám phá sâu hơn những miền bí ẩn của tâm tư con người. Cái tài của Nguyễn Du là phân tích nội tâm nhân vật nhưng không để lộ bàn tay phân tích làm người đọc tưởng như buồng tim con người tự để ngỏ đón ngọn gió thi ca Nguyễn Du chứ Nguyễn Du không hề mang tiếng tò mò, tùy tiện như Ê va, người ăn trái cấm vườn thiên đàng. Đọc Nguyễn Du, những ai đã trải nghiệm tương tư dù ít hay nhiều đều thấu hiểu sâu sắc nỗi hoài niệm của những người tha thiết với tình đầu: “Lấy nhau chẳng đặng, thương hoài ngàn năm”. 
11/6/2008
Nguyễn Hoàn
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà văn, anh là ai

Nhà văn, anh là ai? Thy Nguyên tên thật là Phạm Thúy Nga. Chị là hội viên hội Nhà Văn Việt Nam, chị đã xuất bản các tác phẩm thơ như: “Sân...