Thứ Hai, 28 tháng 3, 2022

Lớp nhạc cuối cùng

Lớp nhạc cuối cùng

Bọn trẻ xúm lại quây quần bên cái vòng tròn hột xoài vẽ trên mặt đất. Đây là trò chơi dân gian của lủ trẻ miền quê, sau khi vẽ cái vòng hình hột xoài thì gạch hai gạch dài hai đầu làm hai tụ cái, còn lại chia ra hai bên mỗi bên năm ô. Trong hai ô đầu thì đặt hai cục đá bằng nửa bàn tay làm quân cái, con lại các ô nhỏ mỗi ô rải năm cục đá nhỏ làm quân đi. Cứ thế sau khi "oản tù tì" Thì bên thắng sẽ hốt quân bên mình bất cứ tụ nào rải về hướng mình thích, cứ rải hết thì hốt tụ kế rải cho đến khi có một ô trống trước mặt, lấy tay đập vào đó ăn phần quân cờ trong ô kế tiếp bất kể tụ đó là tụ nào kể cả tụ cái, nếu như có các ô kế tiếp cách khoảng đều nhau, nghĩa là cứ cách một ô đến một tụ thì đập tay vào ô trống kế tiếp ăn luôn. Khi hết quân trên bàn thì bên nào nhiều quân thì bên đó thắng. Nhưng nếu rải đến sát tụ cái mà hết quân đi thì kể như bí, lúc đó mới đến phía đối diện mới được đi
- Ê Hòa! Ăn gian quá vậy hử. Thằng Ngọc vừa nói vừa sỉ ngón tay vào trán thằng Hòa
- Hông dám đâu! Tui hốt tụ này chớ bộ, ai ăn gian nè! Sao hồi này giờ hông dòm, bây giờ tui hốt rồi nhe! Chuẩn bị chìa cái lổ tai đây để búng nào. Hòa vừa nói vừa thò tay hốt miệng cười ngất ngư.
- Hòa nè! Ráng ăn nghe! Còn cái phần búng lổ tai thì tặng cho tui nhen!. Thằng Kiều ngồi ngoài vừa nhìn vừa lên tiếng vừa cười ha hả. Cả bọn đang chơi trò khoanh tụ đếm đá, ai thắng thì được búng lổ tai đối thủ năm cái! Có quyền tặng người khác búng giùm luôn, tiếng nói cười rôm rã lẫn tiếng chí choé, giành giật. 
Cả bọn đang chơi nói cười khanh khách thì nghe tiếng gọi ơi ới từ phía sau
- Thôi nghỉ chơi tới giờ rồi! Chúng mình đến nhà thầy Phát đi nào! thằng Vỹ vừa chạy đến gần vừa nói thật lớn
- Còn sớm mà! Chơi thêm một chút nữa! Uổng lắm. Thằng Sơn nhăn mặt cào nhào vì còn mê mẩn với trò chơi
- Sớm gì nữa! Nghỉ thôi mai diễn rồi! Nhanh chân cho nhờ tí nào!. Thằng Vỹ vừa nói vừa nghênh cái mặt hếch lên ra chiều việc rất quan trọng và khẩn trương.
- Vậy thì mình đi! Kẻo thầy chờ!. Thằng Sơn vừa nói vừa đứng dậy phủi đít quần, xỏ chân vào dép.
- Chị Kiều ơi! Hôm nay chị làm ca sĩ nghe! Thằng Ngọc vừa nói vừa bẻ miệng cho ra tiếng ngọng nghịu eo éo.
- Tui đập một cái là chết liền à nghen! Kêu bằng anh chứ chị hả thằng khỉ kia.
- Hì... Hì...! Ai biểu anh có tên con gái làm chi?. Thằng Vỹ vừa nói vừa cười lem lém chân bước loạng choạng.
- Hay là để tui đóng vai Kim Trọng luôn cho trọn tuồng nhe! Thằng Ngọc lại nói tiếp rồi nhe răng cười sặc sụa.
- Ê! Kim Trọng cái con khỉ á! Có nước là ma vương thành quỷ á! Nói xong thằng Kiều nó rượt thằng Ngọc chạy cót cờ. Riêng thằng Ngự ngồi yên khi nãy cũng vội đứng dậy đi theo.
Cả Bọn vừa đi vừa giỡn, những tiếng xỉa xói, tiếng cười khanh khách cứ vang lên. Bọn trẻ con đứa nói qua kẻ nói lại huyên náo cả con đường, không bao lâu thì đến nhà ông Phát. Thầy Phát dạy nhạc! Ông dạy cho chúng cách đệm đàn, đánh trống, sô lô, guitar, bass, kèn xác xô phôn, thanh nhạc. Ông rất thương bọn trẻ, chúng con nhà nghèo và bản thân ông cũng nghèo như gia đình bọn trẻ. Ông không lấy tiền và bọn chúng cũng rất thương ông và không hề làm ông giận. Ông rất ít quát tháo,  khi chúng sai chỉ khẻ tay nhẹ vào trán và nói rất nhỏ
- Sai rồi con! Làm lại... Từ từ nào! Đừng gấp quá... Chú ý ở chân nhớ đấy!
Giọng nói và cử chỉ của ông không hoa mỹ, không rườm rà nhưng chứa đựng những thâm tình thiết tha vô bờ. Bản thân ông cũng thương yêu bọn trẻ như con vậy. Những khi trái gió trở trời, đứa nào bệnh ông đều ân cần săn sóc lo lắng đến tận cùng. Trên cuộc đời! Không gì bằng tình cha mẹ, thầy trò! Thật cao cả.
- Thầy ơi! Hôm nay con đi cây sô-lô nghe! Thằng Vỹ vừa nói vừa thử đàn
- Dạ thưa thầy! Cho nó ngồi trống đi, nó đánh trống hay nhất bọn. Thằng Kiều nói
- Còn con guitar bass thôi! Thưa thầy. Thằng Sơn đủng đỉnh lên tiếng.
- Thằng Hòa con đâu rồi! Ông Phát đưa mắt tìm
- Dạ! Con đây thưa thầy!.Thằng Hòa vừa nói cái đầu thì gật gật và mở đàn chỉnh âm tiết.
- Hôm nay con đàn organ và kiêm ca sĩ luôn vì bé Thủy hôm nay bận rồi không có đến, còn thằng Ngự! Con đi cây sô-lô vậy? Ông Phát nói
- Còn thằng Ngọc Thì kèn xác-xô-phôn nghe con! Ông Phát bảo thêm
- Dạ còn con thổi sáo nghe thầy! Thằng Kiều nói thêm, ông Phát gật đầu rồi mở tủ rút tập nhạc lý mở ra tìm bài.
Cả bọn trẻ vừa đàn vừa hát đến xế trưa, ông Phát vừa nắn nhịp vừa đàn tranh họa điệu, vừa xướng âm một cách khéo léo. Một buổi tập thật hay và có nhiều ý nghĩa.
- Thôi đến đây nghĩ  các con! Ông Phát ôn tồn nói
Trong thâm tâm ông bọn trẻ là niềm thương sâu lắng nhất mà ông có trong cuộc đời của ông. Những gì ông dạy chúng là cả tâm huyết mà ông theo đuổi từ rất lâu. Tâm hồn người thầy là sự hy sinh cao cả, là chuỗi định hướng mà mỗi mầm sống sẽ hướng về lối đi đã định trên đường đời, sự ban tặng có lẽ chỉ ở đây! Chính nơi đây! Không đâu khác. Ông nói trong tương lai khi lớn lên chúng sẽ thành một ban nhạc, điều này sẽ làm ông rất mừng! Đó là  niềm ước ao vô bờ bến của  người Thầy! Mà sự thành đạt là việc còn rất xa vời.
- Chị Kiều ơi! Chị dễ thương quá!. Thằng Vỹ lại chọc quê
- Úynh bây giờ nghen! Giởn hoài mét thầy cho coi!. Thằng Kiều dọa còn Vỹ thì le lưỡi núp sau lưng Sơn.
- Thôi mà! Kêu lần này thôi mai mốt không ghẹo nữa!. Thằng Vỹ vừa nói vừa hỉnh lổ mủi cười lớn.
Cả Bọn kéo nhau ra về, trên đường cũng cảnh cười nói, chê bai, giận dỗi xiên qua xéo lại, có khi cười ầm ầm làm người đi đường cũng vui lây. Ôi! Tuổi thơ là vậy! Tuổi trẻ của hoài bão và nhiều ước mơ. Những tâm hồn trong trắng thiếu thời ấy có biết đâu những giây phút bên nhau cùng vui thật ngắn ngủi, có ai biết rằng một ngày mai kia cuộc đời sẽ ra sau, ước vọng bấy giờ sẽ như thế nào?. Trong hoàn cảnh sống với những mơ hồ về tương lai, sự nghiệp đối với chúng thật khó hiểu và bất định. 
Trong tâm hồn non nớt chỉ biết vui cười, học hỏi! Chúng có hay đâu ngoài xa kia chiến tranh vẫn còn chờ đợi chúng. Ngày mai kia khi lớn lên chúng cũng phải lao mình vào lửa đạn và những mất mát đau thương. Những ước ao to lớn nhưng đầy hoài bão của ông thầy dạy nhạc rồi có khi cũng sẽ tan thành mây khói.
Sáng hôm ấy! Ngày kết thúc chiến tranh rồi cũng đến. Thằng Hòa thì theo gia đình về Sài gòn, thằng Vỹ theo người thân xuống tàu đi viễn xứ và thằng Sơn thì theo mẹ về tới tận Quảng ngãi. Tất cả bọn chúng mỗi người mỗi hướng, kẽ một nơi, phương trời nào xa lạ, thời gian cứ lặng lẽ trôi nhanh thấm thoát mà đã ba mươi năm... Những đứa trẻ năm xưa đã trưởng thành, chúng cũng nối tiếp theo ông Phát trở thành những nhạc sĩ nổi tiếng khắp thế giới. Ôi! Cái thế giới tuy lớn nhưng lại bé nhỏ trong tiếng đàn hát.
Một hôm cuối mùa đông năm ấy! Trên lối cũ con đường quê xưa, Cảnh vật ngày trước vẫn còn, tuy có thay đổi đôi chút. Bãi cát lúc trước bây giờ đã mọc đầy cỏ. Cây phượng vĩ còn non lúc trước bọn trẻ cắm bậy để chơi trò cút bắt nay thành một tàn lớn tỏa nhiều cành. Thời gian! Thời gian...! Đó là những chuỗi ngày bất tận của tạo hóa.
Một nhóm người trạc tuổi trung niên trong những bộ âu phục chỉnh tề, họ lặng lẽ bỏ chiếc xe hơi bóng loáng ngoài phố chợ. Họ đi bên nhau từng bước chậm như muốn nuốt chững cái con đường năm xưa! Con đường thời thơ dại mà tâm tư của họ vẫn hướng về dù nay mỗi người một nơi. 
Loay hoay một lúc trước cái cổng đơn sơ bên hàng dậu nhỏ nghiêng nghiêng. Vẫn cái lu nước bằng sành cũ kỹ ngay gần trước cửa, vài ống sáo hỏng gác ngang qua bụi hoa hồng. Tất cả đập vào mắt họ là ngôi nhà nhỏ năm xưa vẫn còn quen thuộc. Ông Phát nay đã rất già, tóc ông bạc trắng bước chân run run da mặt nhăn nheo tay cầm cây gậy trúc ngồi trên ghế xếp gần sát mép trong cửa.
Họ bước vào nhà nhìn ông, không hề ngỡ ngàng! Không hề ngượng ngập! Họ ôm lấy ông như những đứa con ôm lấy người cha thân yêu! Tất cả họ đều khóc! Nước mắt của họ rơi rơi theo nỗi niềm năm tháng, họ khóc cho ngày trùng phùng! Cho tình thương thầy trò bao năm xa cách! Cho sự thờ ơ của chính họ! Ba mươi năm...! Ba mươi năm...! Giấc mơ dĩ vãng trong ngày trở về.
- Thưa thầy con là thằng Hòa ạ!
- Thưa thầy con là thằng Ngự sô-lô đây ạ!
- Con là thằng Kiều ạ!
- Con là Thằng Vỹ ạ!
- Con là thằng Sơn  ạ!
- Con là Bé Thủy ạ!
Cả nhóm người lao nhao lên tranh nhau nói, giọng của họ trùng lấp nhau. Mừng mừng, tủi tủi phút chốc trôi qua! Những nụ cười tiếng nói tuôn ra không dứt, họ kể cho ông Phát nghe những thành đạt của họ trong cuộc sống, những bước thăng trầm mà họ trải qua. Có niềm vui nào lớn hơn đối với một người thầy!
Ông thấy mình như trẻ lại, như tìm thấy ngày xưa trong hồi niệm. Những khuông mặt lớn tuổi, nhưng đượm nét thân quen làm ông liên tưởng đến mình trong quá khứ giống như họ. Ông cảm động rơi lệ! Giọt nước mắt quý giá của ông rơi xuống mang theo tình thương xoa nhẹ tâm hồn cho họ... Ông lẩm bẩm:
- Đủ cả rồi! Không thiếu ai, tất cả đã trở về!. Tuy gối mỏi tay run nhưng tâm hồn ông vẫn vậy! Vẫn cái tính ngang bướng như hồi thanh niên! Không biết khuất phục trước khó khăn!. Ông vẫn hiền từ cần mẫn và nhớ thương đến họ, trông về một ngày thầy trò xum họp.
Cả bọn vào vị trí ngày xưa là Hòa organ, Sơn guitar bass, Ngọc xác-xô-phôn, Kiều thổi sáo, Vỹ đánh trống, Ngự Sô-lô, Thủy thanh nhạc. Tất cả đàn hát say sưa... đến xế chiều họ từ giã ông ra về trong quyến luyến. Ôi! Tình thầy trò thật cao thượng. Tất cả họ còn nhớ đến ông! Người thầy dạy nhạc xưa cũ.
- Thầy ơi! Mai chúng con lại đi xa rồi... Nhưng chúng con sẽ nhớ thầy mãi thôi! Chúng con cầu trời thấy sống thật lâu để chúng con còn mãi mãi được gặp thầy.
- Thầy ơi! Mai kia xa thầy chúng con sẽ vẫn nhớ mãi những lời thầy dạy! Sẽ sống có ích cho đời, tấm lòng và lời dặn dò của thầy sẽ theo chúng con trên bước đường của tương lai. Nói xong tất cả họ đều ngấn lệ, họ khóc cho buổi chia ly.
Ông Phát tiễn họ ra cửa, những đứa học trò của ông họ sẽ đi xa...! Rất xa...! Nhưng đã mang âm hưởng của ông! Âm thanh của cuộc đời ông cho mọi người niềm hi vọng cuộc sống.
Đến mùa hè năm ấy! Họ cũng trở lại và lần này họ xây cho ông một căn nhà mới, những dụng cụ nhạc khí năm xưa ông vẫn giữ lại và xếp nó ở vị trí trang trọng ở phòng khách như ngày xưa. 
13/1/2006
Đông Hòa
Theo https://vnthuquan.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Lời Tạ Lỗi Muộn Màng Viết cho H., HQ Tr.Uý tại BTL/HQ bến Bạch Đằng ngày xưa. Nếu anh tình cờ đọc được thì xem như đây là một lời tạ l...