Đá cũng cần có nhau
Đăng rủ: “Hôm nào Chủ nhật, anh vô Tam Kỳ đi. Em sẽ đưa anh
lên đập Phú Ninh chơi, đẹp lắm!”. Lời rủ rê nghe rất là hấp dẫn, đối với một kẻ
ham chơi và ham vui như Khang. Dĩ nhiên là Khang gật đầu ngay tắp lự. Đăng liền
ra điều kiện: “Nhưng mà anh phải chở chị vô đi chơi với em và bạn
gái của em. Anh mà đi một mình, em không tiếp đâu!”. Điều kiện của Đăng oái oăm
đây, vì hiện tại, Khang không có bạn gái. Thành ra lời rủ rê của Đăng hấp dẫn
là thế mà lại quá khó khăn với Khang. Đăng là em họ của Khang, mà sao tai quái
quá chừng.
Khang năm nay gần ba mươi tuổi, trải qua một vài mối tình
không đến đâu, mấy năm gần đây, chỉ biết bạn bè và công việc, không còn niềm
đam mê nào khác. Chẳng có bạn gái đặc biệt, dù bạn bè là con gái thì nhiều.
Không hẳn là không có ai để ý Khang, chỉ đơn giản vì Khang thấy đời
sống của mình quá đủ và vì Khang thấy mình đã gần ba mươi tuổi mà công danh sự
nghiệp chưa có gì, nên hơi thiếu tự tin.... Một điều sâu thẳm khác là Kim ra đi
đã gần bốn năm rồi nhưng hình bóng cô để lại dường như vẫn còn quá lớn trong
Khang.
Trong một tối thứ bảy ngồi uống cà phê với Chiêu ở một góc
quán quen, Khang tình cờ có nhắc đến Đăng và lời rủ rê oái oăm nọ. Chiêu tóc
dài, mặt bầu bĩnh, hiền lành, làm ở ban quản lý di tích cổ. Khang tình cờ quen
Chiêu qua một người bạn, sau này lại biết thêm là anh trai Chiêu ngày xưa học
cùng trường với Khang. Chiêu nghe Khang nói, mắt chớp chớp, rụt rè: “Em cũng
thích đi Phú Ninh chơi một lần cho biết, em chưa đi lên đó bao giờ!”. Khang phải
hỏi lại một lần nữa mới dám chắc chắn ý Chiêu muốn gì. Khang tặc lưỡi một cái,
kín đáo thôi, rồi ngập ngừng mời, để sau đó được thấy Chiêu nhè nhẹ
gật đầu. Có lẽ Chiêu cũng ngại điều gì đó, lần đầu tiên nhận lời đi
chơi xa với Khang mà, nên cầm máy điện thoại của Khang bấm bấm nhắn tin rủ thêm
cô bạn thân của Chiêu đi cùng. Cô bạn không đi được, cuối cùng,
Chiêu đành đồng ý đi một mình với Khang. Như thể tại Chiêu đã lỡ gật đầu rồi
nên mới đi, chứ không thì có cho vàng Chiêu cũng chẳng dám đi một
mình với Khang đâu.
*
Đăng hẹn chờ Khang lúc tám giờ ở một quán cà phê trong Tam Kỳ,
gặp nhau uống cà phê ở đó một chút rồi đi. Vậy là từ sáu giờ sáng,
Khang với Chiêu đã phải khởi hành từ Hội An. Chiêu mặc đồ jeans, trang điểm nhẹ,
mang kính sẫm màu, trông cô có vóc dáng xì - po khoẻ mạnh, khác hẳn với vẻ tha
thướt áo dài thường ngày. Chiêu ngồi lên yên sau xe Khang, dáng vẻ tự tin.
Trông không khác gì một cặp vừa lứa xứng đôi. Khang chở Chiêu đi tà tà qua mấy
chặng quốc lộ bụi mù, rồi ngang qua những cánh đồng mùa gặt chỉ còn trơ ra cuống
rạ, mùi rơm mới thơm thơm. Hai đứa nói với nhau đủ thứ chuyện linh
tinh trên đời, từ chuyện người anh trai của Chiêu ngày xưa, đến truyện Harry
Potter đang bán đắt như tôm tươi, rồi lan man nhắc đến CD mới ra lò của ca sĩ
thời thượng Quang Dũng.... Bỗng dưng, Chiêu giang tay phấn khích: “Trời ơi, lâu
lâu, đi về nơi đồng quê yên ả như thế này, thích quá!”. Khang hai tay đang giữ
tay lái xe tránh một ổ gà trên mặt đường, không nói gì, chỉ ậm ừ, chợt nhận ra
hình như mình với Chiêu có vẻ cũng hợp hợp nhau, mà
sao lâu nay mình chẳng nhận ra. ít ra, mình với Chiêu cũng hợp nhau ở
chỗ thích đi chơi, để thỉnh thoảng còn có thể rủ nhau đi đây đi đó.
My,
bạn gái của Đăng, má lúm đồng tiền, có vẻ nghịch ngầm, thấy Khang và Chiêu bước
vào, khẽ gật đầu: “Em chào anh chị!”, rồi tủm tỉm cười. Đăng nhìn đồng hồ,
trách móc một cách tự nhiên: “Tụi em chờ anh chị lâu quá, tưởng là anh chị quên
đường rồi, không thèm đến đây nữa!”, không để ý thấy hai má Chiêu
đang đỏ rừ. Không dưng, Khang cũng hơi bối rối, muốn mở miệng đính chính nhưng
rồi chợt nghĩ lúc này, nếu mà đính chính gì, chắc Đăng với My cũng chẳng thèm
tin đâu.
Đường đi Phú Ninh phải ngang qua một chặng đường đầy rơm mới
gặt thơm lừng và dăm ba quãng đường dốc cheo leo, một bên là núi, một bên là vực
trồng đầy keo lá tràm, một loại cây lấy gỗ, thân thẳng, cao nhòng. Lúc đi qua
chặng đường dốc, Đăng cười cười chọc thăm gò Chiêu: “Chặng đường này công an
nhiều lắm, ai ngồi sau mà không ôm eo người trước là không đảm bảo an toàn giao
thông, thế nào cũng bị công an phạt!”. Khang hơi hoảng khi nghe Đăng nói vậy, cứ
sợ Chiêu sẽ giận, nhưng rồi không nghe Chiêu phản ứng gì nên cũng
chút chút yên tâm. Khang không biết Chiêu đang nghĩ gì trong đầu, tự hỏi không
biết lúc này đây, Chiêu có ý nghĩ nào giống Khang không. Rằng sao mình không thử
làm người yêu với nhau đi, để đừng thua kém tụi nhỏ...
Hồ Phú Ninh, cuối cùng rồi cũng hiện ra ở phía dưới xa kia,
là một khoảng xanh lơ mênh mông. ở phía trên bầu trời cũng mở ra rộng
hơn, mênh mông. Bên kia hồ cũng mênh mông những rừng cây xanh ngút mắt, trải
dài, nhìn mê mải không thấy chán. Chiêu trầm trồ: “Lâu lâu được đi
chơi thế này, thích quá. Khi về nhà, em sẽ dư đủ khí thế cho một tuần làm việc
tiếp theo, mệt mỏi, cực nhọc thế nào cũng được”. Có vẻ như lời Chiêu
nói hơi phóng đại một tí nhưng cũng đúng nên không ai phản đối gì cả. My thì tiếc:
“Biết thế này hồi sáng em nói anh Đăng mang theo cái máy ảnh”. Hai gã con trai
loay hoay tìm chỗ gửi xe, xách túi trái cây nặng ì mà My đã chuẩn bị
từ sáng: “Tụi mình kiếm chỗ nào ăn trưa, xử lý cái túi này đi”.
Nơi mà cả bốn anh em chọn ngồi nghỉ trưa là một gian nhà lá
hình bát giác, kèo cột toàn bằng tre, mái và vách lá những tàu lá dừa kết lại,
dùng vừa làm nhà hàng, vừa là quán cà phê. Gian nhà nằm trên một khoảng đất rộng,
khá cao so với mặt bằng xung quanh, ngồi ở đây, có thể phóng tầm mắt
xuống nhìn toàn cảnh hồ Phú Ninh. Khang kêu người phục vụ ra hỏi giá
các món ăn để rồi cả bọn há hốc mồm vì giá cả ở đây quá đắt
so với quán xá ở Hội An. Là một người làm trong ngành du lịch, Chiêu
nhìn quanh, nhẩm tính một con số rồi nhận xét: “Người ta làm du lịch kiểu này
thì khó mà thu hút du khách đến được. Đáng lẽ phải mở ra thêm nhiều dịch vụ
hơn, và hạ giá hơn nữa!”. My che miệng: “Lên được đến đây rồi, em chỉ cần ngủ
thôi, không cần ăn đâu!”. Đăng nheo nheo mắt chọc: “Em không cần ăn vì em sợ mập
chứ đâu phải vì phong cảnh đẹp quá nên không cần ăn, phải không?”. Rồi Đăng giả
bộ hét toáng lên cứu em khi My trợn mắt, dứ dứ hai bàn tay như thể sắp cào vào
mặt Đăng. Hai người lớn ngồi gượng gạo cười phụ hoạ cùng hai đứa nhỏ, không dám
nhìn nhau. Có điều gì đó thật mới mẻ đang rụt rè len nhẹ vào giữa hai người lớn
mà chưa rõ ràng được là gì. Khang len lén ngắm Chiêu một lát, bất ngờ nhận ra
Chiêu giống Kim lạ lùng, dù đã quá lâu, Khang không nhận một chút tin tức gì từ
Kim. Cái tình cảm với Kim ngày xưa bây giờ đọng lại, không hẳn là tình yêu,
nhưng thỉnh thoảng vẫn làm Khang thoáng chút nôn nao khi nhớ đến. Khang thấy tiếc
sao mấy năm vừa qua, mình sống buồn quá, sao mình cứ khép lòng mãi làm gì khi
thật ra, mình cũng thèm được yêu thương và chăm sóc ai đó. Ai đó ở đây có phải
là Chiêu không, khi Chiêu đồng ý đi chơi với Khang đến một nơi cách xa gần năm
chục cây số một cách tự nguyện, tin cậy. Chiêu tin Khang
vì ngày xưa Khang và ông anh trai của Chiêu là bạn cùng trường, hay vì một điều
gì khác?
Ăn uống xong, Đăng rủ cả bọn đi dọc xuống mép hồ dạo loanh
quanh. Thoạt nhìn, lối đi xuống có vẻ hơi khó đi vì độ dốc, và vì những viên đá
màu nâu xỉn trải xuôi từ trên cao xuống mép hồ. Cả bọn cứ mon men đi như thế,
có chỗ dốc ngược hơi khó bước, Khang có quay lại nhìn Chiêu, những
muốn đưa tay cho Chiêu nắm lại nhưng rồi lại ngập ngừng, rồi thở ra nhẹ nhàng
khi thấy hình như Chiêu không cần sự giúp đỡ của mình, vẫn bước qua chỗ dốc đó
được. Khi xuống gần sát mép nước, Đăng suýt xoa: “Giá lúc này được tắm một cái
thì thích quá!” dù cái bảng nguy hiểm, cấm tắm chình ình trước mặt. My cười,
làm bộ khích lệ: “Anh cứ tắm thoải mái đi, có gì, lát nữa em
chạy xe về một mình cũng được mà!”. đăng giả đò trợn mắt: “Tui biết mà, cô đâu
có yêu thương gì tui” rồi rượt My chạy chênh vênh dọc theo mép nước, tiếng hai
đưa nhỏ cười giòn tan vang xa. Hai người lớn ngồi lại trên hai tảng đá lớn sát
ngấn nước, không biết nói gì, lượm những viên đá nhỏ ném vô thức mặt hồ, trầm
ngâm nhìn những vòng tròn sóng lan toả. Ném đá một hồi cũng chán, khang cầm
viên đá mân mê trên tay, thử bẻ hai, không ngờ lại bẻ gãy thật. Khang bẻ tiếp một
cục, rồi một cục nữa, quay sang khoe với Chiêu: “Chiêu
xem này, anh bẻ gãy được mấy cục đá!”. Chiêu hỏi: “Vậy hả anh”, kiểu hỏi như thể
chỉ để xác nhận rồi nói một cách bâng quơ: “Anh thấy
chưa, có những việc anh không nghĩ là làm được, nhưng nếu muốn, anh
cũng làm được mà!”. Khang vẫn chưa hiểu ra: “Mấy cục đá này mềm, ai
cũng bẻ được mà!”. Chiêu lại nói: “Thì đá có lúc cũng mềm yếu chứ anh, đâu có
phải đã là đá thì cứng mãi được đâu!”.
Đăng với My đi đâu từ lúc nãy, bây giờ mới quay lại, bây giờ
thì là My rượt đuổi Đăng. Trên tay Đăng là một cây non bé tẹo, My
đang tìm cách giằng lấy nhánh cây nhỏ trên tay Đăng. Đăng chạy tới
ngồi phịch xuống trước mặt Khang với Chiêu, đưa nhánh cây ra: “Anh chị nhìn
này, cái cây này lạ lắm!”. Thì ra đó là một cây keo lá tràm non, trên thân có
hai loại lá, một loại là lá keo, loại kia là lá tràm. Đăng nói: “Em muốn mang
cái cây này về trồng ở hòn non bộ nhà em, nhìn cũng hay hay, mà My không cho!”.
My cười cười phân bua: “Hay ho gì thứ cây có hai loại lá, ăn ở hai lòng!”.
Chiêu ngạc nhiên hỏi: “Cái gì mà ăn ở hai lòng, ghê vậy”. My nheo mắt với
Chiêu: “Em nói là nói cái cây này thôi, đâu có nói ai!”. Đăng nhăn mặt: “Nhiều
chuyện quá, lâu nay có ai nói gì đâu mà nói người ta ăn ở hai lòng?”. My cười
phá lên, ngã dúi vào người Chiêu: “Thì ra lâu nay không nghe nói gì là do vậy.
Bây giờ thì phải nó ra đàng hoàng thì tui mới tin, không thì
tui không tin nữa. Uổng quá, lâu nay lỡ dại tin rồi!”. Chiêu cũng cười
giòn tan, gật gù: “Đúng rồi, có gì, phải nói ra mới tin. Không nói ra thì ai mà
biết đâu được!”.
Hoá ra, không hẳn là Chiêu tình cờ thích đi chơi, cũng không
phải Chiêu đi chơi với Khang vì có ông anh ngày xưa là bạn chung trường với
Khang. Té ra lâu nay, Chiêu đang chờ một câu nói...
Đúng lúc đó, tự nhiên từ phía nhà hàng xa xa phía trên kia,
thoảng trong gió, nghe giọng hát: “Em hỏi tôi đá biết thở dài xa
xôi? Em hỏi tôi đá có ngậm ngùi chia phôi...” (1). Lát sau lại
nghe: “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau...”(2)
Ừ, có gì lạ đâu, đá cũng sẽ biết thở dài, biết ngậm ngùi, nếu
mai này không có được nhau đó, Chiêu à!.
Chú thích:
(1) Ca khúc của NS. Diệu Hương.
(2) Ca khúc Diễm xưa của cố NS. Trịnh Công Sơn.
1/8/2006 Đinh Lê Vũ
1/8/2006
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét