Sự phát triển hệ thống tín ngưỡng của
người Việt trong quá
trình di cư về
phương Nam nhìn từ tục thờ cùng cá ông
Người Việt xưa vốn sống chủ yếu ở miền trung du, sau đó tràn
xuống vùng đồng bằng. Trồng lúa nước là nghề truyền thống. Họ ít khi vượt biển
và có những chuyến hải trình dài ngày. Một số phát hiện mới, gần đây cho biết
mãi đến thế kỷ 15, 16 mới có những chuyến thuyền buôn Việt Nam vượt biển đưa gốm
Chu Đậu ra bên ngoài, mặc dù trước đó các vua Lý, Trần đã có những cuộc nam
chinh bằng đường thủy (người Việt cũng chưa phải đánh trận hải chiến nào lớn
trong lịch sử chống giặc ngoại xâm). Văn minh lúa nước và tập tục, tín ngưỡng gắn
với nông nghiệp trên vùng trung du và châu thổ là văn hóa truyền thống của người
Việt. Từ một khía cạnh khác của truyền thuyết về con rồng cháu tiên ( 50
người con xuống biển và không thấy lịch sử ghi tiếp) cho thấy người Việt đã gắn
bó với trung du miền núi hơn là với biển. Suốt một ngàn năm đô hộ của phương Bắc,
tín ngưỡng mà người Việt tiếp cận được và chịu ảnh hưởng cũng chỉ là những yếu
tố liên quan đến nghề nông. Những yếu tố văn hóa biển trong hệ thống văn hóa Việt
xưa còn mờ nhạt. Trong khi đó ở phía Nam người Chăm đã đặt nền móng
và xây dựng cho mình một truyền thống đi biển. Kinh tế biển, văn hóa biển đã để
lại dấu ấn sâu sắc trong quá trình phát triển của vùng đất nằm ở ngã tư đường
giao lưu văn hóa-văn minh. Cũng có một sự thực cần nói tới đó là sự ảnh hưởng
văn hóa Trung Hoa đối với người Việt chủ yếu đi cùng bước chân của kẻ xâm lược,
còn người Chăm truyền thống đi biển đã đưa họ tới với văn minh Ấn Độ…
Từ thời Lý-Trần văn hóa Champa bắt đầu có ảnh hưởng ít nhiều
tới Đại Việt thể hiện qua việc xây dựng đền tháp do lớp tù binh Champa thực hiện.
Lý Thánh Tông (1023-1072) đã đưa vị thần bảo trợ vương quốc Champa là Thiên Y A
Na về thờ làm thần bảo trợ cho Đại Việt… nhưng sau đó vị thần này đã bị quên
lãng trên đất Thăng Long. Trung du và đồng bằng Bắc Bộ không có linh khí cho
Thiên Y A Na tồn tại hơn là việc người Việt có thật sự tìm thấy ý nghĩa “bảo trợ”
của vị thần đó trong đời sống văn hóa tinh thần của mình-như sau này chính người
Việt đã làm trên đất Đàng Trong?
Sau đám cưới Huyền Trân Công Chúa (1306) mà sính lễ là hai
châu Ô, Lý và nhất là sau năm 1471, khi Lê Thánh Tông đẩy biên giới về phía Nam
tới tận dãy Thạch Bi, người Việt đã vào cư trú trên Champa ngày mỗi nhiều. Cuộc
chiến tranh Trịnh-Nguyễn phân chia Trong-Ngoài hơn 200 năm là quảng thời gian
mà người Việt trên vùng đất mới đã xây dựng được những sắc thái văn hóa xứ Đàng
Trong.
Lưu dân người Việt trên đường vào Nam đã phát hiện
một hệ thống đối tượng thờ cúng và thần linh bảo trợ mà họ chưa từng thấy trên
quê hương cũ. Trong khi các thần linh Ấn Độ trên đất Champa sụp đổ cùng với bộ
máy chính quyền của vương triều bại vong thì lưu dân người Việt tìm thấy sự gần
gũi của các vị thần dân gian sau những chuyến hành trình dài ngày đầy gian lao,
hiểm nguy trên biển. Những ý niệm mới về các thần linh bảo trợ trên biển đã dần
dần thấm vào tâm tư, tình cảm, đời sống tinh thần của lớp lưu dân bắt đầu gắn
bó cuộc đời mình dọc duyên hải miền Trung bên cạnh hành trang tinh thần mà lưu
dân người Việt mang theo là những vị thần thuần nông. Theo thời gian, địa bàn
sinh cư của người Việt không ngừng mở rộng về phương Nam, xa dần với không
gian văn hóa Trung Hoa. Và, trong thời kỳ chia cắt Trịnh-Nguyễn, đã định hình
văn hóa xứ Đàng Trong. Xây dựng quê hương mới ngay trên đất Champa xưa trong
tình trạng đối đầu và chia cắt kéo dài, quá trình tiếp biến văn hóa
(acculturation) theo bước chân xa dần về phương Nam của người Việt diễn ra như
một xu thế tất yếu không chỉ của quy luật phát triển văn hóa mà còn bị tác động
bởi hoàn cảnh lịch sử đầy biến động.
Tín ngưỡng thờ cúng cá ông là một biểu hiện sinh động của quá
trình tiếp biến/thụ ứng văn hóa của tộc người Việt trong bối cảnh lịch sử ấy…
*
Tục thờ cúng cá ông (tức cá voi/động vật có vú, tên khoa học
là balaenus) vốn có nguồn gốc từ người Chăm. Nhưng cũng có người lập luận rằng
tục thờ cá đã có trong tâm thức người Việt cổ. Vì vậy, tục thờ cá voi sau này
chỉ là sự phát triển của tâm thức đó chứ không phải “vay mượn” của người Chăm([1]). Chúng tôi cho rằng tín ngưỡng thờ cá
hay dùng cá làm vật phẩm dâng cúng của người cổ nói chung và tục thờ cúng một
loại cá voi cụ thể là hai vấn đề khác nhau, và khẳng định rằng tục thờ cúng cá
ông đang tồn tại đến hôm nay của người Việt là có nguồn gốc từ tín ngưỡng của
người Chăm. Cố nhiên, vấn đề đó chỉ được giải quyết rốt ráo khi có những chứng
cớ phủ nhận sự liên hệ thiếu căn cứ giữa ý niệm nguyên thủy về sự gắn bó với
loài cá nói chung với tục thờ cá voi sau này, cũng như đưa ra những chứng cớ
thuyết phục tục thờ cá ông là tín ngưỡng của người Chăm, trong quá trình mở đất
mở nước xuống phương Nam, người Việt đã tiếp thu, Việt hóa và phát triển nó cho
phù hợp với quan niệm và điều kiện của mình.
Sách Ô Châu cận lục của Dương Văn An cho biết vào đầu thế kỷ
16, dân chài cửa Việt đã bắt cá voi mắc cạn khi triều xuống để lấy xương của nó
làm xà nóc dựng nhà. Lớp lưu dân người Việt đến Quảng Trị lúc ấy chưa hề có ý
niệm đó là “ngọc cốt của thần linh”, phải được đem vào khám thờ như sau này ngư
dân người Việt đã làm.
Trong hành trình tiến dần về phương Nam lưu dân đã gặp nhiều
đền thờ thần sóng biển, thần Po Riyak hóa thân thành cá voi của người Chăm mà họ
đặt cho cái tên mới là miếu Long Vương (Ông/Long Vương). Những hiểu biết ban đầu
của lưu dân về quan niệm của người Chăm rằng cá voi vốn là hóa hiện của thần
Cha Aih va, thần Sóng biển Po Riyak sẽ rẽ sóng đến nâng đỡ thuyền ghe bị lâm nạn,
sẽ đưa người bị nạn vào bờ và chính cá voi (chứ không phải là một Long Vương trừu
tượng) là một thế lực linh thiêng, phù trợ cho người đi biển đã đưa lại cho ngư
dân một niềm tin. Gắn bó với biển khơi muôn trùng nhiều giông bão, niềm tin đó
của ngư dân được kiểm chứng từ những hiện tượng có thật là cá voi cứu người, cứu
thuyền lưu truyền trên vùng đất mới… Ngư dân Việt gọi đền/miếu thờ cá voi của
mình bằng cái tên đền/miếu/lăng/dinh ông. Tên gọi đó rõ ràng có mối liên hệ với
miếu Long Vương mà người Việt đã đặt cho đền thờ thần Sóng biển của người Chăm
khi mới tới([2]). Bởi vậy, trong một chừng mực nào đó
cũng có thể nói ông cá voi bằng xương bằng thịt bơi lặn trên biển rất gần gũi với
Long Vương trong tâm thức của người Việt.
Phương ngữ có câu nói về cá ông: “Tại Nam vi thần,
tại Bắc vi ngư” (tại Nam là thần, tại Bắc là cá). Sách Gia Định thành
thông chí của Trịnh Hoài Đức viết đầu thế kỷ 19 cũng khẳng định thần (cá ông)
chỉ có sự linh ứng “trong nước Nam từ Linh Giang (tức sông Gianh, Quảng Bình) đến
Hà Tiên” mà thôi, “còn các biển khác không có”. Từ Linh Giang trở vào vốn
là đất Đàng Trong của chúa Nguyễn và cũng là phần đất của Champa xưa. Gần đây,
một số tài liệu cho biết phía Bắc cửa Gianh trên 10km cũng có đền thờ cá ông ở
Cảnh Dương, hoặc xa hơn tại một số cửa sông của Nghệ An, thậm chí Thanh Hóa
cũng có miếu thờ cá ông. Điều này cũng dễ hiểu vì đó là vùng đất gần với Đàng
Trong hơn, nhất là sự lan tỏa càng dễ dàng khi đất nước không còn chia cắt và
dân chúng hưởng ứng, vì sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã phong sắc cho cá
ông/voi là "Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Thượng Đẳng Thần" và cấp “tiền tuất”
mai táng cũng như phụng cúng cá ông cho những làng phát hiện cá ông lụy([3]).
Nhưng từ tục thờ thần biển mà vật linh thiêng hóa hiện là cá
voi của người Chăm để chuyển thành linh vật của người Việt, đi vào tâm thức và
cách thể hiện của người Việt đến mức Việt hóa gần như hoàn toàn theo bước chân
Nam tiến là cả một quá trình và để lại dấu ấn trên từng vùng đất suốt từ sông
Gianh vào đến Hà Tiên. Truyền thuyết về thần cá voi của người Chăm là do Cha
Aih va, Sóng biển hóa hiện, còn theo lưu dân người Việt thì đó là từ ngàn vạn mảnh
áo cà sa của Phật Bà Quan Âm mà thành. Phật Bà Quan Âm giàu lòng từ bi hẵn là gần
gũi với tâm linh người Việt hơn vị thần Po Riyak của người Chăm mà họ chưa biết
nhiều…
Do những biến động của lịch sử, sự thay đổi của địa bàn cư
trú, hiện nay đền thờ cá ông của người Chăm còn lại không nhiều. Bởi vậy, lịch
lễ cầu đảo của người Chăm hàng năm tại đền thờ Sóng biển ở Mỹ Nghiệp (thị
trấn Phước Dân, Ninh Thuận) hiện nay khó có thể đại diện để nói lên quan niệm
chọn lịch lễ cúng cá ông của người Việt cũng có nét tương đồng. Thực ra, lịch lễ
cúng cá ông của ngư dân cũng mỗi nơi một khác và không phải đối với miền Trung
Trung Bộ hay Nam Trung Bộ thường diễn ra trong những tháng nhiều mưa bão (được
cho quảng thời gian cá ông dễ lụy), còn đối với các tỉnh Nam Bộ thường bắt đầu
hoặc kết thúc một mùa đánh bắt cá tôm. Có khi ngày cúng ông, Nghinh ông chỉ là
ngày vạn chài xin xăm được. Nói thế để biết rằng từ tín ngưỡng về một vị thần bảo
trợ trên biển mà người Chăm chỉ cầu đảo mong mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng
thì người Việt thực hiện điều đó phải gắn với một thời điểm cụ thể mà họ phải
là “nhân chứng” của thần linh.
Người Chăm thờ thần Sóng biển-Cha Aih va, Po Riyak hóa thân
thành cá voi bơi lặn ngoài biển. Nhưng trong đền thờ cá ông của người Việt là bộ
xương cá voi “thấy tận mắt”, được trân trọng gọi là Ngọc cốt. Ngư dân tin rằng
khi ông lụy (chết) mà thân xác trôi về với làng nào thì làng đó lắm phúc, nhiều
may. Người đầu tiên phát hiện ông lụy được chít khăn tang đỏ, xem như con trưởng
của ông. Người Chăm cầu đảo hầu mong thần Sóng biển đưa lại mưa thuận gió hòa.
Nghi thức trọng thể trong ngày vía ông của ngư dân Việt là đám rước với kiệu
Nghinh ông từ ngoài biển về. Đám rước đông hàng ngàn người. Ngư dân mời ông về
trong ngày vía để bày tỏ ý nguyện và lòng biết ơn hòa quyện, gắn bó trong niềm
chung vui đầm ấm. Những ngày cúng ông không khí vạn chài nhộn nhịp như trong
ngày Tết. Trên bến, dưới thuyền cờ hoa lộng lẫy, làng cá tấp nập khách thập
phương. Nghi thức, ý nghĩa biểu tượng chung là vậy, nhưng các bước cúng ông trong
ngày vía giữa các vùng, miền cũng có nhiều điểm khác nhau. Ở Trung Trung Bộ người
ta chủ yếu nghinh/cúng ông trong ngày vía, nhưng ở Nam Bộ, bên cạnh nghi thức ấy,
sau khi đã rước ông về dinh/miếu là khởi cúng Tiền hiền, Hậu hiền. Lễ cúng những
người có công lập làng trước khi vào Chánh tế-cúng ông, là sự tri ân của cư dân
trên vùng đất mới khai phá, tạo ra nét riêng trong cách bài trí các đối tượng
tôn thờ và thứ tự các bước trong nghi thức cúng ông. Không phải chỉ có thế,
trong nhiều ngôi đền cá ông trên đất Nam Bộ còn thờ cả Quan Công, Thiên Y A Na,
Bà Ngũ Hành, trước đền/lăng/dinh ông còn thờ tượng Phật Bà Quan Âm… mà miền
Trung không làm như vậy. Ngoài ra, nghi thức thờ cúng cá ông của các tỉnh Trung
Bộ có lễ xuống biển; ở Khánh Hòa có tục hèm mang đậm dấu vết của văn hóa Chăm; ở
Bình Thuận có trò diễn bạn chèo Nghinh ông, nhưng ở Nam Bộ không có những nghi
thức này.
Sự phổ biến của tín ngưỡng thờ cúng cá ông đối với các làng
cá lâu đời ven biển không những đã cấu thành một yếu tố văn hóa biển mà còn làm
cho yếu tố đó trở nên nổi bật hơn trong văn hóa biển của người Việt. Nghi thức
Nghinh ông đã trở thành một kiểu thức khá phổ biến, chi phối cách thờ cúng của
loại hình tín ngưỡng xuất hiện sau nó và tạo ra những nét tương đồng trong cách
thức cúng lễ của cộng đồng ngư dân. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra điều đó
trong nghi thức Nghinh Bà Ngũ Hành hay Nghinh Cô từ biển vào tương tự việc
Nghinh ông trên biển, mặc dù Cô vốn là trinh nữ chết oan hay chỉ là một cô gái
bị rơi xuống biển linh ứng báo mộng sẽ che chở cho một vạn chài. Tục thờ Bà Ngũ
Hành đã có từ lâu nhưng Nghinh Bà tương tự Nghinh (cá) ông thì chỉ có ở ngư
dân… Tất nhiên, “tiềm thức nông nghiệp” biểu hiện rõ rệt trong nghi lễ cầu mưa,
cầu an vẫn được ngư dân thực hiện trong lễ cúng cá ông bên cạnh lễ cầu ngư với
nhiều điểm giống với nghi thức cúng đình hàng năm…
Tục thờ cúng cá ông của người Việt, từ Trung Trung Bộ vào tới
Nam Bộ, về cơ bản là giống nhau, nhưng sắc thái văn hóa địa phương, vùng miền
không chỉ thể hiện trong cách xây dựng đền miếu, sự bổ sung các đối tượng thờ
cúng do đó có các bước cúng lễ khác nhau mà còn để lại từng dấu ấn trong phần hội
lễ.
Nếu như lễ là phần linh thiêng, là lúc con người bày tỏ ý
nguyện và lòng biết ơn, là lúc để lòng người đón nhận giao kết niềm tin thì hội
là phần vui chơi, giải trí với nhiều hoạt động rất đa dạng, phong phú diễn ra
tiếp sau phần lễ, cũng có khi xen kẽ sau mỗi nghi thức cúng lễ. Bên cạnh một số
loại hình hoạt động mang tính thể thao, các trò chơi dân gian gắn liền với nghề
biển thường được tổ chức trong ngày hội cúng ông từ Trung Trung Bộ vào đến Nam
Bộ, như đua thuyền, đua thúng, đấu vật, kéo dây, trói cua, bắt vịt, đi cà kheo…
thì các loại hình nghệ thuật biểu diễn thường mang dấu ấn vùng miền rõ rệt.
Vùng Bình-Trị-Thiên thường tổ chức hát hò khoan-chèo cạn, trò múa bông... còn
Nam Trung Bộ, từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đến
Ninh-Bình Thuận thường tổ chức hát bả trạo và hát bội, trong khi ở Nam Bộ không
thể thiếu hát bội, xây chầu và múa lân sư rồng... Trò diễn Bạn chèo đưa
ông (thực chất là nghi lễ kỷ niệm một năm ngày ông lụy) chỉ có từ Bình Thuận
trở ra, nhưng hát bả trạo lại được ngư dân Bà Rịa-Vũng Tàu (vùng đất Nam Bộ tiếp
giáp với Trung Bộ) say mê đón nhận như một phần quan trọng của ngày hội, mặc dù
lễ cúng cá ông các địa phương khác ở Nam Bộ không trình diễn loại hình nghệ thuật
này. Nội dung bả trạo là một bài ca nghề nghiệp của ngư dân trên dãi đất Trung
Bộ, theo nhiều nhà nghiên cứu nó có nét gần giống với một làn điệu dân ca Chăm.
Trong khi đó hát bội với những tích tuồng, cốt truyện có nguồn gốc Trung Quốc
là phần không thể thiếu trong hội cúng ông của ngư dân Nam Bộ. Người ta tổ chức
hát bội ngay trong khuôn viên đền thờ. Không khí ca hát mừng thần và vui chơi
giải trí trong lễ cúng cá ông của ngư dân Nam Bộ dường như hòa quyện làm một.
Đó có thể là đặc trưng của lễ cúng cá ông trên vùng đất mới ít giông bão hơn…
*
Với sự góp mặt của cá ông đã làm phong phú thêm đối tượng thần
linh của người Việt, đặc biệt góp thêm một thần linh biển vốn chưa nhiều trong
hệ thống thần linh của người Việt. Tục thờ cúng cá ông không những đã bổ sung
và tạo ra sắc thái mới mà còn là mốc đánh dấu bước phát triển trong hệ thống
tín ngưỡng dân gian của người Việt. Quá trình đó như một dòng chảy từ Trung
Trung Bộ vào đến Nam Bộ và có mối quan hệ chặt chẽ với tiến trình phát triển lịch
sử, văn hóa của vùng đất này. Trong sự phát triển liền mạch đó, tục thờ cúng cá
ông cũng để lại những nét riêng trên mỗi vùng đất, tạo nên sự thống nhất trong
đa dạng, góp phần định hình đặc trưng văn hóa vùng đất “mới”.
Việc nghiên cứu nguồn gốc tục thờ cúng cá ông và đặt nó trong
tiến trình lịch sử Nam tiến của người Việt để nhìn nhận giai đoạn phát triển
trước đó và sau này của tín ngưỡng dân gian người Việt cũng là một cách tiếp cận
để nhận diện đặc điểm tín ngưỡng dân gian trước và sau khi người Việt nam tiến
cũng như đặc điểm tín ngưỡng dân gian hai miền Trong-Ngoài.
Ngày nay, tục thờ cúng cá ông có vai trò, vị trí quan trọng
trong đời sống văn hóa, tinh thần và tâm linh của ngư dân ven biển. Lễ hội
Nghinh ông là một hoạt động văn hóa/tín ngưỡng thu hút nhiều ngư dân và khách
du lịch. Sự phát triển của tín ngưỡng này đến thời hiện đại càng tỏ ra phù hợp
với nhu cầu bảo vệ môi trường sinh thái, động vật nguy cấp… Trong khi nhiều quốc
gia tiên tiến vẫn tìm cách săn cá voi thì những người dân chài Việt Nam đã
bảo vệ loại động vật nguy cấp đó theo cách của mình, một cách bảo vệ rất văn
hóa…
([1]) Xem thêm Trần Quốc Vượng, Xứ
Đông Hải nhìn từ Kẻ Chợ, t/c Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật, số 5-1993; Nguyễn
Xuân Đức, Từ đền thờ Đức Ông, Đức Bà ở Cảnh Dương nghĩ về tục thờ cá voi của
người Việt, tạp chí Văn hóa Dân gian số 4 (112) 2007…
([2]) Có người căn cứ vào bộ
xương cá voi được thờ là đực hay cái để gọi đó là đền thờ Đức Bà, đền thờ Đức
Ông là theo cảm tính và thiếu chính xác. Đó chỉ là sự bày tỏ kính trọng khi đứng
trước hai ngọc cốt khác giới tính trong đền/miếu/lăng/dinh ông mà
thôi.
([3]) Một số tác giả dẫn câu
chuyện Phạm Đình Hổ viết trong Vũ Trung Tùy bút để cho rằng từ thế kỷ
XVIII ở Nghệ An đã có tục thờ cúng cá voi. Thực ra câu chuyện trong Vũ
Trung Tùy bút xẩy ra trong thế kỷ XIX, sau khi Gia Long đã lên ngôi, đã
ban sắc, phong thần cho cá ông. Theo tìm hiểu bước đầu của chúng tôi hầu hết
các đền thờ có liên quan đến cá ông từ đèo Ngang trở ra đều hình thành từ thế kỷ
19 trở về sau.
18/4/2008Đinh Văn Hạnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét