Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2022

Chùa Từ Đàm, nơi khởi xướng đấu tranh bảo vệ Đạo pháp

Chùa Từ Đàm, nơi khởi xướng
đấu tranh bảo vệ Đạo pháp

Từ Đàm quê hương tôi miền Trung
Sớm hôm chuông chùa nhẹ rung
Tiếng muôn đời hồn tổ tiên kiêu hùng
Ôi uy nghiêm bóng chùa Từ Đàm
Nơi yêu thương phát nguồn đạo vàng
Qua bao dông tố chùa Từ Đàm tôi vẫn còn
Nguyễn Thông (Từ Đàm Quê hương tôi).

Một ngôi chùa được liệt kê vào danh sách các danh lắm thắng cảnh đất đế đô, lại là một nơi hoạt động náo nhiệt chính trị từ ngày Mặt trân Bình dân Pháp đạt chiến thắng năm 1936 lập một chính phủ đầu tiên với Léon Blum lãnh đạo đảng xã hội SFIO. Cũng vào năm ấy, chùa Từ Đàm trớ thành trụ sở hoạt động của An Nam Phật học hội (sau trở thành hội Phật học Trung Việt) và qua năm 1951 một đại hội toàn quốc ở chùa đặt nền móng cho Tổng hội Phật giáo Việt Nam thống nhất. Trong những năm đầu dành độc lập, bắt đầu từ những năm thập niên 60, từ chùa phát khởi những phong trào chống độc tài của những chính phủ liên tiếp miền Nam. Mùa hè 1963, bảo chí đưa tin chùa Từ Đàm bị phong tỏa. Từ cầu Nam Giao lên đến chùa, người qua lại bị lục soát hỏi giấy tờ ở mỗi hàng rào dây thép gai chặn đường, giữa những xe tăng, xe bọc sắt. Tấp nập Cảnh sát, Cảnh chính, máy ảnh trong tay, súng lục bên túi quần có lúc lẫn lộn với tín đồ trong sân chùa. Bên trong chùa, trong lúc các Ôn, các Thầy, các Cô, các Bác tụng kinh cầu nguyện, các đoàn thể thanh niên, sinh viên phật tử, học sinh phật từ, hướng đạo phật tử, gia đình phật tử họp bàn phân công canh gác, bảo vệ chùa với đùi gậy thô sơ, không biết mệt nhọc, không quản thì giờ. Sau một tuần chia sẽ vui, buồn, tuy lúc đầu không quen biết nhau, những Phật tử thấy gần nhau, thân yêu nhau hơn, cùng nhau chia sẻ khổ sở, vui mừng trong đại gia đình Phật giáo.Sau cuộc đàn áp của chính quyền buộc dân Huế hạ cờ Phật giáo, sau tuyên ngôn của các vị lãnh đạo đòi quyền bình đẳng xã hội, cuộc đấu tranh bảo vệ đạo pháp chuyển vào Sài Gòn, đặt trung tâm tại chùa Xá Lợi. Khởi xướng từ chùa Từ Đàm, phong trào đòi bình đẳng và tự do tín ngưỡng lan tràn ra quần chúng, quân binh, học sinh các trường trung học, sinh viên đại học rồi trở thành cuộc đấu tranh của sinh viên toàn quốc. Trước thái độ của chính phủ Ngô Đình Diệm tiếp tục đàn áp các chùa chiền, bắt bớ giam cầm chư tăng và đồng bào Phật tử, toàn quân, toàn dân nổi dậy, lật đổ chính quyền ngày 1.11.1963.
Thiền sư Minh Hoằng - Tử Dung (?-?), là người tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), thuộc thiền phái Lâm Tế đời thứ 34, đi theo Thiền sư Nguyên Thiều sang hoằng hóa ở Đàng Trong.Từ khi Thiền sư Minh Hoằng - Tử Dung khai sơn cuối thề kỷ XVII, qua tên chùa Ân Tôn, có ý nghĩa lầy sự truyền tâm làm tôn chỉ, chùa Từ Đàm bảo tồn và phát huy Phật giáo xứ Huế rồi cả miền Trung. Trong công cuộc truyền bá giáo pháp, vai trò của chùa rất quan trọng đối với mạng mạch Phật giáo Thừa Thiên Huế và cả Phật giáo Việt Nam. Chùa tọa lạc ở số 1 đương Sư Liễu Quán, phường Trường An, thành phố Huế. Ngay từ năm 1702 lúc ban đầu, Thiền sư Minh Hoằng đã đón một đệ tử, nhà sư Liều Quán, về sau trở thành một cao tăng Một năm sau, thiền sư cho trùng tu chùa. Ngay sau đấy chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho chùa tấm biển Sắc Tứ Ấn Tôn Tự. Khi thiền sư tịch, theo lời phó chúc, một đệ tử của Ngài, thiền sư Việt Linh - Bửu Bạnh lên làm trù trì. Năm 1802, vào lúc nhà Tây Sơn bị đánh đổ, chùa Ấn Tôn cũng như nhiều chùa khác trong vùng bị hư hại nhiều. Mãi đến năm 1813 (Gia Long XII), Thiền sư Đạo Trung - Trọng Nghĩa mới lại có khả năng trùng tu chùa. Năm 1841, vua Thiệu Trị, do kỵ tên húy của vua là Miên Tông (hay Miên Tôn) đổi tên chùa Ân Tôn thành Từ Đàm có nghĩa đám mây lành của Phật pháp. Năm 1897 (Thành Thái IX) vua cho mở đường lên Nam Giao. Vì đường nầy xuyên qua khuôn viên chùa Từ Đàm, vua ban hành Thiền sư Thanh Hiệp - Tường Vân dời 5 bảo tháp của chùa chứa di cốt chư Tổ sang khuôn viên chùa Bảo Quốc cạnh bên. Nhân dịp nầy, chùa lại được trùng tu. Từ những năm thập niên 20, phong trào chấn hưng Phật giáo trên toàn quốc, chùa Từ Đàm trở thành trung tâm chấn hưng Trung Kỳ. Năm 1932, An Nam Phật học hội, sau đổi lại Hội Phật học Trung Việt, thành lạp ở Huế, chùa Từ Đàm được chọn làm trụ sở. Năm 1938, nhân đại trùng tu, đồng thời đúc tượng Phật Thích Ca, giảng đường, nhà tăng được xây dựng. Năm 1951, Gia đình Phật tử từ Gia đỉnh Phật Hóa Phổ từ 1943 mà ra, cùng lúc Hội Phật giáo Việt Nam thuộc Hội Phật giáo thế giới ra đời. Mười năm sau, chùa Từ Đàm trở thành trung tâm các hoạt động đòi quyền bình đẳng xã hội đồng thời bảo vệ đạo pháp.


Từ Đàm là mây lành. Đức Phật như mây lành, đem bóng mát đến cho thế gian. Trên bước đường Nam tiến của dân tộc, hãy tưởng tượng đến những người đầu tiên chọn đất dựng chùa. Trước mắt là đất mới, trên đầu là trời xanh. Có lẽ người đặt tên chùa đã tưởng tượng như vậy. Trên bầu trời xanh của nắng mới phương Nam, có bóng mây lành tỏa bóng im xuống mặt đất. Đây rồi, nơi bóng im này, ta sẽ dựng chùa. Đây rồi nơi bóng im này, tiếng lành của Đức Phật sẽ âm vang trên đất mới. Nhận định sâu sắc của anh Cao huy Thuần, đúng là của một Phật tử lớn lên với chùa cho đến thời tranh dấu 1963. Suy tư của anh còn sâu đậm thơ văn xứ Huế. Ai nghe trong tiếng chuông Từ Đàm sẽ thấy mây bay ba trăm năm trước, trăng tròn Phật đản ba trăm năm sau, và tiếng gió đong đưa trong lá cây bồ đề trước sân, như gieo tiếng an vui vào lòng mọi người. Từ Đàm thay đổi để Từ Đàm còn mãi. Những người mộc mạc như tôi, tuy là dân Huế, đi xa lâu ngày, chỉ biết Huế cũng như chùa Từ Đàm qua báo chí. Năm 1995, nhân theo nhà tôi về Huế tìm tài liệu cho luận văn, để biết thêm về hoạt động các chùa, tôi sử cô đi dự một buổi đọc kinh sáng chủ nhật ở chùa. Tưởng cũng chỉ dài khoảng một tiếng đồng hồ như lễ trong nhà thờ Công giáo ở Pháp, chúng tôi lại chùa Từ Đàm lúc 8 giờ sáng, không ngờ buổi đọc kinh kéo dài đến trưa. Nhà tôi quen dự thiền Zen nên dễ dàng ngồi luôn mấy giờ, tôi không quen nên phải đứng dậy đi tới đi lui. Hết mỗi chương sách tôi mừng tưởng đã dứt, không dè còn qua chương sau, hết cuốn sách lại trở về chương đầu... Đoạn trường ai có qua cầu mới hay! Nghe nói ban đầu chùa chỉ là một tịnh thất nhỏ làm bằng cây lá. Từ ngày ấy đến bây giờ chùa không ngớt trùng tu. Cổng tam quan ba ra lối vào, mái ngói thanh nhã, chẳng hạn chỉ được xây năm 1965. Phía sau cổng có cây bồ đề chiết ra từ cây nơi Phật đắc đạo do Trưởng lão Narada lấy giống từ cây bồ đề ấy tặng cho Hội Phật học Trung phần và trồng tại đây trong dịp sang thăm Huế năm 1939. Cùng đi với vị Trưởng lão ấy có bà Karpelès trong phái đoàn Phật giáo của Campuchia. Ngôi chánh điện rộng 7,4m, dài 18m, mặt tiền hướng về đông nam, năm 2006 được tái thiết và khánh thành năm 2012. Công trình mới rộng 35,9m, dài 42m, gồm có ba gian, hai chái, Tiền đường được xây trên nền móng bằng đá hoa cương, cao 1,5m; mái xây kiểu cổ lầu tạo cho ngôi chùa có hình dáng cao hơn bình thường. Ở các bờ mái và trên nóc chùa là những cặp rồng uốn cong, mềm mại đối xứng nổi lên trên những dãy ngói âm dương trông rất cân đối, hài hòa và đẹp mắt. Dưới mái cổ lầu là những bức tượng đắp nổi về sự tích đức Phật, bố cục gọn gàng trên các khung đúc. Dọc theo các cột trụ tiền đường là các bức câu đối dài nét chữ chạm khắc sắc sảo. Hai bên trái và phải sát với tiền đường có hai lầu chuông trống. Chuông chùa đúc vào thời Gia Long (1813), đề 4 chữ Ấn Tôn Tự Chung, nặng khoảng 300kg, hiện còn lưu trữ. Nhân đại lễ An vị Phật tổ chức năm 2007 chùa cho đúc một quả chuông khác, đề 4 chữ Từ Đàm Tự Chung, nặng 1500kg, hiện đang sử dụng. Phía bên mặt chánh điện là nhà khách và phòng Tăng. Ở giữa vườn tược nhà khách có tượng bán thân bằng thạch cao trắng của cư sĩ bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, người có nhiều công lao với chùa, với phong trào phục hưng và phát triển Phật giáo Trung Việt. Năm 2008, tháp An Tôn 7 tầng (mỗi tầng thở một tượng Phật) cao 27 được khởi công xây dựng ở sân chùa và khánh thành năm 2010.
Điện Phật trong chính điện được bài trí tôn nghiêm, nhưng đơn giản. Chính giữa chỉ thờ duy nhất một tượng Phật Thích Ca, hai bên có phù điêu hai vị Bồ tát là Văn Thù và Phổ Hiền. Phía trên chánh điện có treo tấm biển sơn son thiếp vàng đề ba chữ Hán: Ấn Tông Tự. Hai bên tấm biển này là cặp câu đối cũng sơn son thiếp vàng. Ngoài ra, ở ngoài hiên chùa còn có cặp đối của nhà yêu nước Phan Bội Châu và của cư sĩ Tâm Minh. Năm 1938 chùa Từ Đàm được trùng tu theo đồ án do hoạ sư Tôn Thất Sa thiết kế. Đứng ngoài nhìn vào, có lầu chuông và trống hai bên, chính giữa là tiền đường không có cửa. Chỉ trước chính điện có ba cửa để vào Điện Phật, trên cửa giữa treo tấm biển lớn nền sơn đỏ chữ thếp vàng Thừa Thiên Tỉnh Hội. Chùa Từ Đàm vẫn được kiến trúc theo truyền thống, nghĩa là nóc chùa vẫn có đắp hai con rồng xoay đầu quay nhìn về mặt nã ở giữa đội pháp luân. Hai mái trên được lợp ngói âm dương. Các góc mái lợp trên và dưới đều có chạm đủ bộ tứ linh long, lân, quy, phụng được khảm sành sứ trông rất mỹ thuật. Bên trong chùa lại được kiến trúc theo kiểu chánh điện nối dọc với tiền đường, không có hậu tẩm, không có trụ cột, tạo mặt bằng rộng hơn, đơn giản hơn và kết hợp lối kiến trúc có vẽ hiện đại hơn; về sau trở thành là mô hình của các chùa Hội quán.Sau khi triệt hạ chùa cũ, ngày 10 tháng 6 năm Bính Tuất (2006) lễ đặt đá xây dựng chùa Từ Đàm được tổ chức long trọng. Đại trùng tu chùa Từ Đàm lần này rất quy mô và kiến trúc theo kiểu Trùng thiềm điệp ốc như các ngôi Tổ đình xưa. Chùa có một tầng hầm rất rộng dùng để sinh hoạt các Lễ Hội của chùa. Phía trên tầng hầm; ngoài sân đi vào phải bước lên 15 cấp xen giữa một cấp chờ, vẫn thấy có lầu chuông và trống hai bên, tiền đường chính giữa tương tự như chùa cũ. Nhưng kiến trúc theo kiểu nhà rường 5 gian 2 chái, tiền đường có 5 gian có 5 bức cửa bàn khoa, bên trong có 3 dãy kết cấu theo thứ lớp: tiền đường - chánh điện - hậu tẩm, mỗi dãy có nóc mái riêng, được lợp bằng ngói âm dương rất công phu và mỹ thuật. Trên mỗi nóc của 3 dãy ấy có hai con rồng chầu, đắp bằng sành sứ. Riêng nóc của tiền đường có đắp hai con rồng hồi, quay đầu nhìn vào mặt nạ đang đội pháp luân. Các góc cù giao mái trên có hình con rùa và các góc cù giao mái dưới có hình con phượng chân bước xuống, đầu quay lên, ở giữa mái trên và mái dưới có hình con lân đang chạy. Tất cả đều được đắp nổi, khảm sành sứ rất tinh tế và mỹ thuật. Dưới mái trước có năm khung chữ nhật bằng đá: khung chính giữa là bức hoành sao khắc lại theo bức hoành Ấn Tôn Tự của chùa xưa, còn bức hoành nguyên bản làm vào năm 1703 vẫn còn và đang được treo bên trong chánh điện. Bốn khung còn lại, mỗi bên hai khung chạm nổi hình ảnh sự tích đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Chùa Từ Đàm ngày nay là một ngôi già lam tráng lệ. Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Chính giữa thờ tượng đức Phật Thích Ca, hai bên có phù điêu hai vị Bồ tát Văn Thù và Phổ Hiền. Chùa có nhiều hoành phi và câu đối.
Trước hiên chùa, cặp đối do bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám soạn:
- Phật chính biến tri, vô lượng thọ, vô lượng quang, vô lượng công đức.
- Học chân thật nghĩa, như thị văn, như thị tư, như thị tu trì.
Nghĩa: 
- Phật là bậc Chánh Biến tri, Vô lượng thọ, Vô lượng quang, Vô lượng công đức.
- Học theo nghĩa chân thật, nghe như vậy, tư như vậy, tu trì như vậy.
Lê Đình Thám (1897-1969) là bác sĩ, pháp sư, cư sĩ Phật giáo và là nhà hoạt động hòa bình; quê làng Đô Mỹ/ La Kham nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông sinh năm Đinh Dậu (1897) tại làng Đồng Mỹ (Phú Mỹ), tổng Phú Khương, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông xuất thân trong một gia đình quyền quý nhiều đời làm quan. Thân sinh là Binh bộ Thượng thư Lê Đỉnh ở triều Tự Đức. Tốt nghiệp y sĩ Đông Dương (đậu Thủ Khoa) tại Hà Nội năm 1916, và sau đó y khoa bác sĩ năm 1930, ngạch Pháp quốc, tại Y khoa Đại học đường Hà Nội. Khi ra trường đúng lúc phong trào Duy Tân khởi nghĩa bị thất bại, bào huynh y sĩ Lê Đình Dương bị Pháp tù đày tại Buôn Mê Thuột, riêng ông bị tình nghi và luôn bị theo dõi. Từ năm 1916 đến năm 1923, ông được bổ nhiệm và làm việc tại các bệnh viện Hội An, Bình Thuận, Sông Cầu, Quy Nhơn, Tuy Hòa. Chính trong thời gian này, ông nghiên cứu thêm về triết lý Đông phương như Khổng, Lão và Phật giáo... Năm 1926, ông phụ trách điều trị tại bệnh viện Hội An (Quảng Nam). Nhân một buổi viếng cảnh tại chùa Tam Thai tại Ngũ Hành Sơn, ông đọc được bài kệ của Tổ Huệ Năng ghi trên vách chùa.
Trước hiên chùa, còn có cặp đối do cụ Phan Bội Châu tặng:
- Bát nhã bổn vô ngôn, ly tứ cú, tuyệt bách phi, ứng hóa tùy duyên thuyết vô lượng vô biên diệu pháp;
- Bồ đề tiên hữu nguyện, chứng tam minh, cụ ngũ nhãn, câu viên phước quả thành đại hùng đại lực từ tôn.
Nghĩa: 
- Bát nhã vốn không lời, rời bốn vế, trừ trăm không, ứng hóa tùy duyên, giảng diệu pháp vô lượng, vô biên;
- Bồ đề cần có nguyện, chứng tam minh, đủ năm mắt, tựu thành quả phúc, thành từ tôn đại hùng, đại lực.
Phan Bội Châu (1867-1940) là một danh sĩ và là nhà cách mạng Việt Nam, hoạt động trong thời kỳ Pháp thuộc. Vốn tên Phan Văn San, vì San trùng với tên húy vua Duy Tân (Vĩnh San) nên phải đổi thành Phan Bội Châu. Hai chữ Bội Châu trong tên của ông lấy từ câu: Thành trung nga mi nữ châu bội hà san san. Ông có hiệu là Hải Thụ, về sau đổi là Sào Nam. Tên gọi Sào Nam được lấy từ câu Việt điểu sào nam chi nghĩa là Chim Việt làm tổ cành Nam. Ông còn có nhiều biệt hiệu và bút danh khác như Thị Hán Phan Giải San, Sào Nam Tử, Hạo Sinh, Hiếu Hán... Sinh năm 1867 tại làng Đan Nhiễm, xã Nam Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông nổi tiếng thông minh từ bé, năm 6 tuổi học 3 ngày thuộc hết Tam Tự Kinh, 7 tuổi ông đã đọc hiểu sách Luận Ngữ, 13 tuổi ông thi đỗ đầu huyện. Thuở thiếu thời ông đã sớm có lòng yêu nước. Năm 17 tuổi, ông viết bài Hịch Bình Tây Thu Bắc đem dán ở cây đa đầu làng để hưởng ứng việc Bắc Kỳ khởi nghĩa kháng Pháp. Năm 19 tuổi (1885), ông cùng bạn là Trần Văn Lương lập đội Sĩ tử Cần Vương (hơn 60 người) chống Pháp, nhưng bị đối phương kéo tới khủng bố nên phải giải tán. Gia cảnh khó khăn, ông đi dạy học kiếm sống và học thi. Khoa thi năm Đinh Dậu (1897) ông đã lọt vào trường nhì nhưng bạn ông là Trần Văn Lương đã cho vào tráp mấy cuốn sách mà ông không hề biết nên bị khép tội hoài hiệp văn tự (mang văn tự trong áo) và bị kết án chung thân bất đắc ứng thí (suốt đời không được dự thi). Sau cái án này, Phan Bội Châu vào Huế dạy học, do mến tài ông nên các quan đã xin vua Thành Thái xóa án. Nhờ vậy, ngay khoa thi hương tiếp theo, năm Canh Tý (1900), ông đã đậu đầu (Giải nguyên) ở trường thi Nghệ An.
Trong điện Phật, có cặp đối của cố Hòa thượng Thích Thiện Siêu soạn: 
- Bát nhã bổn vô ngôn, ly tứ cú, tuyệt bách phi, ứng hóa tùy duyên thuyết vô lượng vô biên diệu pháp;
- Bồ đề tiên hữu nguyện, chứng tam minh, cụ ngũ nhãn, câu viên phước quả thành đại hùng đại lực từ tôn.
Nghĩa: 
- Bát nhã vốn không lời, rời bốn vế, trừ trăm không, ứng hóa tùy duyên, giảng diệu pháp vô lượng, vô biên;
- Bồ đề cần có nguyện, chứng tam minh, đủ năm mắt, tựu thành quả phúc, thành từ tôn đại hùng, đại lực. 
Thích Thiện Siêu (1921-2001) là một vị hòa thượng lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tên thật Võ Tọng Tương, sinh trong một gia đình mộ đạo Phật ở làng Thần Phù, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Năm 14 tuổi (1935), Thầy xuất gia học học Phật pháp tại chùa Trúc Lâm, Huế. Năm 23 tuổi (1944), Thầy trở thành giảng viên của trường Phật học nói trên. Từ năm 1950 đến năm 1955, Thầy được cử làm Chánh Hội trưởng Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên. Thầy được cử làm Đốc giáo Phật học đường Trung Việt tại chùa Hải Đức, Nha Trang. Năm 1962, Thầy trở lại Huế và làm giảng viên Phật học và tham gia công tác của Tổng trị sự Phật giáo Trung phần và Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên - Huế. Năm 1963, Thầy bị Chính quyền bắt giam vì phản đối chính quyền này đàn áp Phật giáo. Đến khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Thầy mới được thả. Thầy tham gia giảng dạy các lớp Phật học ở nhiều tỉnh miền Trung. Từ năm 1973 đến năm 1974, Thầy được cử giữ chức vụ Viện trưởng Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức, Nha Trang. Từ năm 1981 đến năm 1984, Thầy được mời giảng dạy tại Trường Cao cấp Phật học ở chùa Quán Sứ. Từ năm 1984 đến năm 1988, Thầy được cử làm Phó hiệu trưởng Trường Cao cấp Phật học tại Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1988, khi Viện Nghiên cứu Phật Học Việt Nam được thành lập, Thầy được cử làm Phó Viện trưởng. Từ tháng 4-1987 đến khi qua đời, Hòa Thượng được bầu vào Đại biểu Quốc hội liên tiếp ba khóa VIII, IX và X. Từ năm 1994 đến năm 2001, Giáo hội cử Hòa thượng làm Hiệu trưởng Trường Cơ Bản Phật học (nay là Trường Trung cấp Phật Học), Thừa Thiên - Huế. Năm 1997, Hòa Thượng được Giáo hội cử làm Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế và đảm nhiệm vị trí này cho đến ngày qua đời. Trưởng Lão là tác giả và đồng tác giảm một số tác phẩm về Phật học và nhiều bài biên khảo, đã dịch một số kinh điển Phật giảo ra tiếng Việt.

Tâm Minh
Lê Đình Thám

Hòa thượng
Thích Thiện Siêu

Sào Nam
Phan Bội Châu

Chùa Từ Đàm được khai sáng vào hát triển Đạo pháp và Dân tộc Việt Nam.
Đầu thế kỷ XX, qua các Phật sự Xã hội, Văn hóa, Giáo dục, Nghệ thuật và Kiến trúc Phật giáo chùa này trở thành trung tâm Phật giáo quan trọng của cả nước, đặc biệt 13 tỉnh miền Trung. Hơn thế nữa, chùa Từ Đàm cũng là nơi in đậm các diễn biến lớn của lịch sử Phật giáo Việt Nam. 
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, chùa Từ Đàm đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử. Vì vậy, năm 2006 chùa đã được trùng tu quy mô hơn, rộng lớn hơn để đáp ứng các nhu cầu Phật sự cho mọi sinh hoạt của chư Tăng Ni tại Thừa Thiên - Huế và Phật tử các giới trên mọi miền đất nước.
Mùa Vu Lan 2018
Võ Quang Yến
Theo http://chimvie3.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...