Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2022

Là nước chẳng là sôngXXXX

Là nước chẳng là sông

Thắp một dòng sông 
Thắp đèn cho sáng phố
Thắp đêm cho sáng lòng
Mùa thu ngoài cửa sổ
Đời toan về, chửa xong
 
Thắp chiều cho ấm núi
Thắp tình cho ấm môi
Bao nhiêu năm lụi đụi
Bên nhau, mình vẫn ngồi
 
Thắp đèo cho suối chảy
Thắp đê cho sông tuôn
Ngày vui còn lại mấy
Thu qua, em có buồn
 
Thắp hồng vuông cỏ nắng
Thắp xanh lá vườn tôi
Sợ mai vườn sẽ vắng
Tiếng lá rụng sau đồi
 
Thắp vàng mai buổi sớm
Thắp tím pensée chiều
Nghe gió đông vừa chớm
Tóc xưa đã bạc nhiều
 
Thắp gì cho hạnh phúc
Thắp gì cho mai sau
Thân rồi như củi mục
Trăng biết còn nguyên màu
 
Thắp gì em, đêm cạn
Thắp gì tôi, tàn đông
Bốn mùa trôi vô tận
Lai sinh lòng hẹn lòng
 
Thắp lửa cho dòng sông
Thắp bình minh cho nước
Để thấy mình sau trước
Là nước chẳng là sông. 
 
N.C
 
LÀ NƯỚC CHẲNG LÀ SÔNG
 
ĐÌNH QUÂN
 
Sông là chảy. Chảy miên man vạn trùng bát ngát. Nước từ trên cao đổ xuống, xẻ lạch, rạch dòng, mở luồng, tuôn chảychẳng kể ngày đêm… Chảy một sự khởi đầu. Chảy – chữ hàng thứ tư, theo triết gia Phạm Công Thiện  tất cả tư tưởng triết lý Việt Nam nằm trong 5 chữ; chay, chày, cháy, chảy, chạy.
 
Còn câu danh ngôn của Heraclitus, không ai tắm hai lần trên một dòng sông là ông muốn gợi lên cái ý niệm thường hằng: sự vật vận động, thay đổi và biến chuyển không ngừng nghỉ. Có nghĩa là khi ta lội xuống và khi không lội xuống dòng sông đều biết lúc ta có mặt và không có mặt, thờikhắc ấy tínhthể của từng sát na đãđổi khác. Nhà thơ Nguyên Cẩn trong khổ cuối của bài thơ Thắp một dòng sông(Thơ Nguyên Cẩn –Nxb Hội nhà văn 2018) đã thể nghiệm: Thắp lửa cho dòng sông/ Thắp bình minh cho nước/Để thấy mình sau trước/ Là nước chẳng là sông.Tại sao đứng trước dòng sông Nguyên Cẩn chỉ thấy là nước chứ chẳng là sông?Vì sông là tướng mà nước là tánh. Đèo, núi, suối, đê đều là tướng. Hay ẩn sau cái vô tận về thời gian: hoàng hôn, bình minh, xuân hạ thu đông…, theo đó là tướng hiện xanh, vàng, hồng…và thân rồi như củi mục. Tất cả tướng đều bị phá hủy. Chỉ tánh là trở về với bản lai diện mục, với cái tâm chân thật nhất! Tôi nhớ trong thi văn Thiền tông có truyền tụng: Mù tỏa Lô Sơn sóng Triết giang/ Khi chưa đến đó hận muôn vàn/ Đến rồi về lại không gì lạ/ Mù tỏa Lô Sơn sóng Triết giang(bài thơ tương truyền của Tô Đông Pha). Đi mãi rồi trở về vẫn làLô sơn yên tỏa Triết giang triều.Vàthêm đối chiếu đoạn tri nghiệm của thiền sư Wei-hsin lại thấy “cuộc đi - về” vừa nêu trên và dẫn sau đây, không khác: “Ba mươi năm trước, khi chưa học thiền thấy:núi là núi,sông là sông. Sau đó tiếp nhận sự dạy dỗ của thầy lại hiểu rằng: núi không phải núi, sông không phải sông. Rồi sau ba mươi năm tu hành nhận chân ra; núi quả thật là núi, sông quả thật là sông”. Khi mắc kẹt trong cái nhìn nhị nguyên, đối đãi thì có sự phân biệt. Nhưng khi thấm đẫm trong cái nhìn nhất nguyên, một là tất cả thì cái hai không hiện tiền. Điều khẩn thiết là tự mình thắp sáng ngọn đèn, thắp đêm cho sáng, thắp tình cho ấm, thắp  hồng vuông cỏ, thắp xanh lá vườn… để thấy mình ở đâu và đang về đâu trong cõi u u trường mộngnày. Cứ mỗi lần thắp là mỗi hồi quang “phản chiếu” vànhững lần thắp ấy như là cuộc trở về hoàn nguyên trong trẻo tự ngàn xưa xa xôi…Có lẽ bao nhiêu năm rồi Nguyên Cẩn mãi lụi đụi thắp,đến một ngày kia lại dồn tụ hỏi: thắp gì cho hạnh phúc, thắp gì cho mai sau, thắp gì em, đêm cạn, thắp gì tôi, tàn đông… Chẳng thấy câu trả lời!
 
Nước đứng thứ hai trong tứ đại (đất nước gió lửa),có lẽ Nguyên Cẩnchẳng mong gìnhư nướcmãi rạch dòng, xẻ lạch thêm ra, mà chỉtìm trong nguyên ủy :Dòng sông đi cho nước nói ngàn ngày/ Rằng biển rộng không bến bờ em ạ (Không thuộc bài - Bùi Giáng). Sự tương tục nối tiếp nhau không dứt; sự biến chuyển liên tụccủathiên nhiên luôn là một thách thức cho nhữngai muốn đạt cái thực tính trong các pháp: Chẳng sinh, chẳng diệt/ Chẳng đoạn, chẳng thường/ Chẳng một, chẳng khác/ Chẳng đi, chẳng lại…(Bất sinh diệc bất diệt/ Bất thường diệc bất đoạn/ Bất nhất diệc bất dị/ Bất lai diệc bất xuất…Luận đại trí đạo - Bản việt dịch của hòa thượng Thích Trung Quán). Các pháp hữu vi bởi tính không thường trụnên có sinh ắt có diệt. Con người đi trong vô minh nên luôn lạc lầm và đau khổ. Nguyên Cẩn thắp lửa, thắp bình minh vì đời nhiều lạnh giá và tối tăm. Mỗi khổ thơ được thắp xem như “phút quán tưởng” của Nguyên Cẩn nguyện cốt sao cho cuộc đời này bớt hư hao và buồn tẻ.
Người về thảng hoặc mai sau/ Diệu hoa lầu các đêm nào hoa sinh (Bùi Giáng). Ngoài xa kia Nguyên Cẩn thấy Bốn mùa trôi vô tận/ Lai sinh lòng hẹn lòng và mong có ngày trở về để được thắp lên cho mình dòng tâm thức Là nước chẳng là sông.
19/10/2018
Đình Quân
Theo https://www.vanchuongviet.org/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...