Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2022

Chơi Bà Nà

Chơi Bà Nà

Lên khu nghỉ dưỡng Bà Nà ở ngoại ô thành phố Đà Nẵng, du khách dễ dàng cảm nhận bốn mùa luân chuyển trong một ngày đêm: sáng xuân, trưa hạ, chiều thu, tối đông. Và còn gì nữa?.

Mùa hè 2003, gặp tôi ở khách sạn Sông Hàn, nhà báo Phạm Phúc - thư ký tòa soạn tạp chí Du lịch thành phố Đà Nẵng - vồn vã:
- Anh Phanxipăng chơi Bà Nà lần nào chưa? Chưa hả? Vậy hãy đi đi. Mùa hè, khi nhiệt độ tại trung tâm Đà thành nóng bức 320C thì trên Bà Nà ban ngày chỉ xê xích 20~250C và ban đêm còn 170C.
Xuôi quốc lộ 1A, chúng tôi tới cầu An Lợi. Từ đó, ô tô vượt thêm 39km đèo dốc nữa là đến đèo Vọng Nguyệt. Bước vào cabin cáp treo, chúng tôi "bay" 800m trong 3 phút để đặt chân lên đỉnh Bà Nà có độ cao 1.478m so với mặt biển. Hệ thống cáp treo này do Công ty Doppelmayr của Áo thực hiện với tổng kinh phí 22,5 tỉ đồng, khánh thành cuối tháng 3-2000. Cáp treo, vé một lượt giá 25.000đ, vé khứ hồi chỉ trả 35.000đ.
XUẤT HIỆN, KHUẤT BÓNG, RỒI HỒI SINH
Núi Bà Nà được nhìn từ cảng Đà Nẵng. 
Nguồn: BAVH 1924
Từ tháng 2-1900, đại úy bộ binh Marine Debay được Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer giao nhiệm vụ: thám sát dãy Trường Sơn trong vòng bán kính 150km tính từ Đà Nẵng ra Huế nhằm tìm điểm nghỉ mát, dưỡng sức và chữa bệnh tại chỗ cho Pháp kiều thay phải về chính quốc nghỉ phép hằng năm vừa xa xôi, vừa khó khăn, vừa tốn kém. Sau nhiều đợt thăm dò thực địa đầy gian nan, đến tháng 11-1901, Debay báo cáo đã xác định được vị trí thích hợp tại vùng cao Túy Loan. Đó là núi Lô Đông, tức Bà Nà - tên gọi theo tiếng dân tộc Bana.
Công cuộc kiếm tìm và tiến trình xây dựng Bà Nà thành nơi nghỉ dưỡng ở miền Trung nước Việt, cùng những đặc điểm của khu vực này về khoáng sản lẫn lâm sản, về khí hậu - thời tiết, về vệ sinh - y tế, về địa chất và động thực vật, v.v..., từng được Henri Cosserat, A. Sallet, L. Gaide trình bày chi tiết trong bài La montagne de Bana, station d’altitude de l’Annam central (1) trên tờ Bulletin des Amis du Vieux Hué (2) năm 1924. Bác sĩ Sallet cũng ghi nhận rằng thuở xa xưa, Nguyễn Ánh - tức vua Gia Long về sau - từng đến đây hạ trại thâu nạp những người dân tộc thiểu số trung thành và một bà phi của Nguyễn Ánh đã khai khẩn 50ha đất canh tác tại đây trong giai đoạn chống chọi quân Tây Sơn. Còn bác sĩ Gaide nêu nhận định: "Bà Nà thật sự không thua kém gì các nơi an dưỡng khác về sự mát mẻ của khí hậu, sự tốt tươi của cảnh sắc, sự thích thú của vui chơi, và nhất là nó rất cần thiết cho sự nghỉ ngơi khoan khoái của người Âu châu tại Huế, Đà Nẵng, lẫn các địa phương lân cận".
Huỳnh Thị Bảo Hòa (1896-1992; họ tên thật Huỳnh Thị Thái, quê xã Hòa Minh, huyện Hòa Vang) là một trong những phụ nữ Việt Nam đầu tiên sáng tác tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ - cuốn Tây phương mỹ nhơn xuất bản năm 1927 (3). Sau chuyến nghỉ mát cùng gia đình tại Bà Nà, Huỳnh Thị Bảo Hòa đã viết Bà Nà du ký đăng tạp chí Nam Phong số 163 phát hành tháng 6-1931. Du ký nọ ghi nhận thêm chi tiết: hồi bấy giờ, thực dân Pháp còn xây dựng cả "Nhà giam tù quốc phạm" tại vùng núi cao này.
Ngày 28-7-1932, kỹ sư Girald phát hiện một điểm cao lý tưởng kế bên Bà Nà: núi Bạch Mã thuộc địa bàn tỉnh Thừa Thiên. Những năm 1942-1946, trên mặt bằng 900ha ở Bạch Mã đã liên tiếp mọc lên 139 lâu đài sang trọng của các quan chức người Pháp cùng các danh gia vọng tộc Nam triều. Bấy giờ, tuy nhỏ thua Bạch Mã, Bà Nà cũng đã trở nên thị tứ đảm bảo tiện nghi cho du khách như điện, nước, đường sá, trạm y tế, nhà bưu chính, sân vận động. Tập đoàn Grand Hôtel - có khách sạn cao nhất thế giới ở Las Vegas (Hoa Kỳ) đã được ghi vào sách kỷ lục Guiness - bấy giờ cũng đầu tư xây dựng khách sạn tại Bà Nà mà dấu tích hiện vẫn còn. Ngoài khách sạn phía đầu cầu Trường Tiền ở Huế, anh em Morin còn tạo lập thêm khách sạn trên Bạch Mã và Bà Nà.
Một nhóm biệt thự ở Bà Nà gồm các nhà gỗ
mang tên Thụy Sĩ, Nước Đá, Sức Khỏe, Mỹ Quan. 
Nguồn: BAVH 1924
Sau Cách mạng tháng 8-1945, Pháp rút khỏi Đông Dương, Bà Nà vắng bóng người. Khi thực dân Pháp lăm le tái chiếm Việt Nam, quân dân các huyện Đại Lộc và Hòa Vang theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến đã triệt hạ thị trấn Bà Nà. Từ đấy, khu nghỉ mát này biến thành bình địa hoang phế, rồi dần bị cây rừng trùm lấp suốt thời gian dài.
Mãi tới năm 1992, Công ty Du lịch - dịch vụ Đà Nẵng (Danatours) đề xuất dự án khôi phục khu nghỉ mát Bà Nà nhưng bất thành vì thiếu nguồn tài chính. Tháng 4-1997, Sở Du lịch Đà Nẵng trình dự án tương tự, kêu gọi đầu tư xấp xỉ 60 triệu USD. Ngày 11-10-1997, UBND TP. Đà Nẵng ban hành quyết định số 3754 phê duyệt dự án đầu tư tái thiết tuyến đường lên núi Bà Nà, cắm mốc hồi sinh cho một điểm du lịch đầy triển vọng. Đầu năm 1998, UBND TP. Đà Nẵng ra tiếp quyết định xây dựng lại khu nghỉ mát Bà Nà và giao Danatour quản lý, khai thác. Ngày 1-9-1998, khu nghỉ mát Bà Nà tiến hành lễ khai trương.
Ông Nguyễn Hồng Duy Phượng – Giám đốc Trung tâm du lịch Bà Nà trực thuộc Danatours – cung cấp cho tôi vài số liệu:
- Hiện nay, Danatours thường xuyên đón khách lên chơi Bà Nà theo 2 chương trình. Chương trình gói trọn trong ngày với giá 150.000đ/ khách nội địa, hoặc 15USD/ khách nước ngoài. Chương trình 2 ngày 1 đêm với giá 265.000đ/ khách nội địa, hoặc 30USD/ khách nước ngoài. Thời gian qua, lượng du khách tới Bà Nà không ngừng tăng. Năm 2000, đón 20.000 lượt khách. Năm 2001, đón 35.000 lượt khách. Năm 2002, số khách tăng gấp bội năm trước, là 70.000 lượt khách.
HÔM NAY VÀ NGÀY MAI
Là người từng nhiều chuyến "ăn dầm, nằm dề" trên ngọn Bà Nà để săn hình, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Lạc cười nói với tôi:
- Đã lên Bà Nà mà theo tour đi về trong ngày, cầm bằng ở nhà quách! Chơi Bà Nà, bét nhất cũng phải sống trọn vẹn hai ngày một đêm. Lâu hơn càng "phê". Rứa mới cảm nhận đủ đầy lắm thứ tê mê chánh hiệu Bà Nà chớ.
Trên đỉnh Bà Nà giờ đây có những cơ sở lưu trú được tạo lập theo nhiều dạng thức: biệt thự (villa), khách sạn (hotel), nhà nghỉ (rest houses), nhà sàn (bungalow). Nếu thích, du khách cũng có thể tự tay căng bạt cắm trại để ngả lưng ven rừng. Thức ăn cùng các loại nước giải khát đã có nhà hàng cùng quầy bar gần bên cầu treo sẵn sàng phục vụ bất cứ lúc nào. Câu lạc bộ ở đây cũng bố trí một số phương tiện để khách giải trí sau những giờ băng ngàn lội suối: billard, roton, karaoke, trò chơi điện tử, v.v...
Đối tượng khiến tôi chú ý đầu tiên khi đặt chân lên đỉnh Bà Nà là loài hoa đặc hữu nơi này: những đoá hoa hình dạng tợ quả chuông, nở thành chùm màu hồng, thoải mái đong đưa giữa gió và sương mù, nom đẹp lạ!
Giám đốc Nguyễn Hồng Duy Phượng cho biết:
- Hoa đào chuông đó. Hầu như chỉ Bà Nà mới có loài hoa đào độc đáo đó. Đã tốn công đưa giống xuống chân núi trồng thử, vẫn không sống nổi. Hoa đào chuông trổ bông rộ nhất vào dịp Tết Nguyên đán, ai nhìn cũng... ngẩn ngơ.
Tôi reo vang:
- Ồ! Thế thì tại sao khu nghỉ mát Bà Nà không chọn hình ảnh hoa đào chuông làm biểu tượng riêng nhỉ?
Loài thực vật này được định danh khoa học Enkianthus quinqueflorus Lour. thuộc họ Đỗ quyên (Ericaceae) (4). Do đó, gọi đỗ quyên chuông ắt phù hợp hơn đào chuông. Nhiều người gọn hoá nên hoa chuông. Tên khác là trợ hoa. Kỳ thực, Bạch Mã ở tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng một số địa phương khác trên toàn quốc cũng có loài hoa này sinh sống. Đất nước Trung Hoa cũng có nhiều cây này, với tên 吊鐘 - bính âm phát diào zhōng, âm Hán Việt phát điếu chung.
Chiều buông. Sương giăng mỗi lúc một đậm đặc. Không khí dần se lạnh, khiến mọi người phải quàng thêm áo ấm. Chúng tôi quây quần trên vuông sân trước bungalow, đốt lửa, chuẩn bị đêm rượu cần. Ngước nhìn xa xa về hướng đông, thấy một quầng sáng lấp lánh: phố phường Đà Nẵng vừa lên đèn.
Khuya. Rét cóng. Nhiệt độ nơi đây lúc thấp nhất đo được 110C. Phạm Phúc giục:
- Vô bungalow trùm mền nằm ngủ thôi. Giành sức để mai còn trèo núi Chúa mí lỵ tắm thác Tóc Tiên.
Du hý Bà Nà mùa hè 2003. 
Phải qua: Trương Công Ánh, Nguyễn Đình Lạc, Phạm Phúc, 
Phanxipăng, Trần Minh Trị
Sớm tinh mơ. Chúng tôi hào hứng rẽ sương mù, đạp mây, vạch cỏ cây, leo lên núi Chúa ngắm bình minh. Trong Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, núi Chúa được ghi bằng các tên Chủ Sơn, Giáo Lao và Giáo Đao, kèm dòng giải thích: "Vì hình núi nhọn như ngọn giáo mác nên gọi thế".
Đứng trên đỉnh núi Chúa, tha hồ phóng tầm mắt quan sát toàn cảnh bức tranh thiên nhiên cực kỳ hoành tráng: từ cù lao Ré (huyện đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi), cù lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp ngoài khơi Hội An của tỉnh Quảng Nam), Ngũ Hành Sơn (Non Nước), Vũng Thùng (vịnh Đà Nẵng), đến các cánh đồng, cồn cát, cùng đầm phá duyên hải Thừa Thiên - Huế. Ngoái sang hướng tây, du khách có thể trông thấy đỉnh A Tuất cao nhất vùng (2.500m) nhô lên trên rặng Trường Sơn, giữa biên giới Việt - Lào.
Ông Nguyễn Văn Đến - Trưởng ban quản lý khu du lịch Bà Nà - gợi ý:
- Khu du lịch này, hồi trước gọi Bà Nà - núi Chúa, nhưng nay đổi thành Bà Nà - suối Mơ. Quý vị đã cất công tới Bà Nà, đương nhiên gặp núi Chúa. Phải quay ngược một đoạn kể từ cầu An Lợi để tham quan suối Mơ, kẻo bỏ qua thì... tiếc lắm!
Tuyến suối Mơ mới mở, bao gồm chuỗi suối Mơ - hồ Thùy Dương - thác Kim Hiền - thác Tóc Tiên trải dài quanh co giữa đại ngàn hoang dã, thu hút khá đông học sinh và sinh viên đến du ngoạn cuối tuần. Dưới chân thác Tóc Tiên, mặc dầu có bảng cảnh báo "Khu vực nguy hiểm - Xin đừng leo lên thác", nhưng tôi vẫn thấy mấy đôi nam nữ bám gờ đá, leo lên cao tít.
Một nhân viên bảo vệ ở đây lắc đầu bực dọc:
- Nói mỏi miệng, họ vẫn không thèm nghe. Chỉ sơ sểnh tí ti là trượt chân, cả đôi lôi nhau từ đỉnh thác lao tuột xuống... chín suối. Phút đó mà hối, e quá muộn!
Giám đốc Nguyễn Hồng Duy Phượng trưng mấy phép so sánh (mà bác sĩ Sallet từng nêu trong BAVH 1924) cốt làm nổi bật những ưu thế của khu nghỉ mát Bà Nà:
- So với những nơi nghỉ mát nổi tiếng khác ở nước ta, như Đà Lạt hoặc Tam Đảo, thì Bà Nà có điểm thú vị được nhiều người khen ngợi: tầm nhìn bao quát cả một vùng không gian rộng lớn. Bà Nà cách trung tâm thành phố Đà Nẵng không xa, chỉ 40km, trong khi điều kiện giao thông hiện nay khá nhanh chóng và tiện lợi.
Tôi hỏi:
- Vậy so Bà Nà với Vườn quốc gia Bạch Mã kề bên thì sao?
Ông Phượng đáp:
- Bạch Mã cách trung tâm cố đô Huế cũng chỉ 40km, nhưng do độ dốc cao nên đường ô tô từ Cầu Hai lên núi khúc khuỷu, phức tạp hơn. Nếu xét về cảnh quan, môi trường, nhiệt độ, khí hậu, đặc biệt là hệ thống động vật cùng thảm thực vật, quả thật Bạch Mã phong phú và đa dạng vượt trội. Năm 1991, Bạch Mã được công nhận là Vườn quốc gia với tổng diện tích 22.031ha, có nhiệm vụ chính là bảo tồn hệ sinh thái, bảo tồn nguồn gène thiên nhiên. Tuy rất giàu tiềm năng, Bạch Mã cũng chỉ khai thác du lịch xanh/ green tourism trong giới hạn nhất định. Còn Bà Nà đây lại là khu nghỉ mát, tổng diện tích 8.425ha thôi, chức năng chủ yếu là thỏa mãn nhu cầu nghỉ dưỡng, giải lao, giải trí cho các tầng lớp nhân dân và góp phần phát triển kinh tế du lịch - dịch vụ bằng nhiều loại hình hấp dẫn phù hợp.
Xem xét thực địa cũng như nghiên cứu bản đồ địa lý tự nhiên, dễ nhận ra rằng Bà Nà với Bạch Mã là một quần thể gắn bó chặt chẽ, bất khả phân ly. Hướng tới tương lai xa rộng, thiển nghĩ Bạch Mã - Bà Nà cần phối hợp xây dựng kế hoạch hành động đồng bộ, làm sao để vừa phát huy những giá trị thiên nhiên và văn hóa bản địa, vừa quản lý bền vững môi trường sinh thái, vừa thúc đẩy "Nền công nghiệp không khói" tiến triển đạt hiệu quả tối ưu. 
Chú thích:
1.  Núi Bà Nà, khu nghỉ mát trên cao ở Trung Trung Kỳ.
2. Tập san của Hội Những người bạn cố đô Huế, thường được gọi Đô thành hiếu cổ, viết tắt BAVH.
3. Tản Đà, Huỳnh Thúc Kháng, Trương Duy Hy, cùng tổ chức kỷ lục Việt Nam đều khẳng định Huỳnh Thị Bảo Hòa là phụ nữ Việt Nam đầu tiên dùng chữ quốc ngữ viết tiểu thuyết nhan đề Tây phương mỹ nhân vào năm 1927. Cần xét lại điều này, bởi nữ sử Đạm Phương đã dùng chữ quốc ngữ viết tiểu thuyết Kim tú cầu đăng nhiều kỳ trên tờ Trung Bắc Tân Văn từ 25-5-1923 đến 21-7-1923 rồi xuất bản thành sách năm 1928.
4. Cây đào trổ hoa vào dịp Tết Nguyên đán có tên khoa học Prunus persica (L.) Batsch thuộc họ Hoa hồng (Rosaseae).
Núi Bà Nà được nhìn từ cảng Đà Nẵng. 
Nguồn: BAVH 1924
Một nhóm biệt thự ở Bà Nà gồm các nhà gỗ 
mang tên Thụy Sĩ, Nước Đá, Sức Khỏe, Mỹ Quan. 
Nguồn: BAVH 1924
Du hý Bà Nà mùa hè 2003. 
Phải qua: Trương Công Ánh, Nguyễn Đình Lạc, 
Phạm Phúc, Phanxipăng, Trần Minh Trị
Phanxipăng tại nơi từng là khách sạn 
Morin trên núi Bà Nà hè 2003. 
Ảnh: Phạm Phúc
Phanxipăng ở Bà Nà, hậu cảnh là 
cầu treo, hè 2003. Ảnh: Phạm Phúc
Hoa đào chuông. 
Ảnh: Phanxipăng
Phanxipăng trên cầu Vàng ở Bà Nà xuân 2019
Ảnh: Mỹ Lan

Phanxipăng
Nguồn: Đã đăng trên tạp chí Thế Giới Mới 535 /12-5-2003
Theo http://chimvie3.free.fr/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...