Hành trình khám phá Mékông: Mô hình
du lịch cho đồng bằng
sông Cửu Long
Nam Bộ được tạo lập bởi lưu vực của hai hệ thống sông Đồng
Nai và sông Cửu Long. Hệ thống sông Đồng Nai gồm ba con sông lớn nhưng chỉ đổ
ra biển bằng một cửa. Trong khi riêng Cửu Long giang lại đổ ra biển bằng tám
(chín) cửa. Có lẽ người ta đã căn cứ vào hai hệ thống dòng chảy đã tạo nên mạng
lưới sông nước dày đặc trên vùng đất chỉ rộng gần 68 nghìn km2 này để phân định
thành hai miền: Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ (tức Đồng bằng sông Cửu Long). Nam Bộ
là một vùng văn hóa phong phú, đa dạng và độc đáo, với hai tiểu vùng văn hóa đặc
trưng tương ứng với hai lưu vực sông Đồng Nai-miền Đông Nam Bộ và lưu vực sông
Cửu Long-miền Tây Nam Bộ. Nếu miền Đông Nam Bộ là vùng phù sa cổ với thực thể địa
lý nổi bật là đồi núi và đồng bằng xen kẽ, thì miền Tây Nam Bộ thực thể địa lý
nổi bật là châu thổ bằng phẳng với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt.
Chính hệ thống thủy dày đặc này từ rất sớm đã trở thành những đại lộ liền mạng
từ đông sang tây, từ bắc xuống nam, mở ra mọi hướng, “kéo lại gần” các vùng đất
xa nhau, để từ một thực thể địa lý thống nhất trở thành một thực thể văn hóa đồng
nhất, với những đặc trưng của một vùng văn minh sông nước, miệt lúa, miệt vườn...
Do nằm ở vị trí trung điểm và ngã tư đường giao lưu bắc nam,
đông tây của Đông Nam Á, nên từ rất sớm vùng đất có hai mặt giáp biển này đã là
địa bàn giữ một vai trò quan trọng trong việc đón nhận, tiếp biến và lan tỏa
văn hóa văn minh. Bốn tộc người Khmer, Việt, Hoa, Chăm đã đến châu thổ sông Cửu
Long vào các thời điểm khác nhau, luôn gìn giữ và phát huy đặc trưng văn hóa
riêng có của mình trong điều kiện cùng chung tay khai phá, xây dựng quê hương mới
đã định hình cho Đồng bằng sông Cửu Long một vùng văn hóa phong phú, đa dạng.
Ngày nay, Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục là một vị trí hết sức thuận lợi để tổ
chức những hoạt động mang tính liên vùng, là địa bàn rất có điều kiện để trở
thành một đầu mối cho sự lan tỏa, nhất là về kinh tế, văn hóa và du lịch...
Đồng bằng sông Cửu Long giàu tài nguyên du lịch nhưng chưa có
được những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, xứng đáng với tầm vóc tiềm năng.
Đồng bằng sông Cửu Long vừa có tài nguyên du lịch sinh thái với
đặc trưng sông nước và tài nguyên du lịch nhân văn với văn minh miệt vườn độc
đáo, trở thành điểm đến hấp dẫn, riêng có khi so sánh với các vùng miền khác ở
Việt Nam. Nhưng là một vùng có địa lý môi sinh và sắc thái văn hóa đồng nhất,
có những điều kiện tương đồng nên việc tổ chức hoạt động du lịch trong phạm vi
từng địa phương của Đồng bằng sông Cửu Long gặp phải không ít khó khăn mà các địa
phương ở những vùng miền khác của Việt Nam không có. Là một vùng văn hóa đặc
trưng, độc đáo, hấp dẫn, có khả năng thu hút, nhưng chính điều đó lại nẩy sinh
khó khăn cho chính mỗi địa phương, mỗi tỉnh, thành trong vùng vì không dễ tìm
ra những nét riêng để xây dựng những sản phẩm du lịch riêng có, độc đáo mà
không bị xem là copy của tỉnh bạn [1]. Mỗi khi cả 13 tỉnh thành Đồng bằng sông
Cửu Long khó có thể tìm được lợi thế so sánh cho riêng mình thì việc tổ chức,
xây dựng những sản phẩm du lịch riêng có là không dễ. Bởi vậy, tham khảo tour
du lịch của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chúng ta thấy họ có cách khai thác
tiềm năng như nhau, sản phẩm du lịch của các công ty đều na ná như nhau. Chẳng
hạn: đến Tiền Giang gặp tour “Về với Đồng bằng sông Cửu Long”; sang Bến Tre chỉ
cách đó một dòng sông lại gặp “Du thuyền trên sông Mékong”; đến Vĩnh Long vẫn
“Về cùng văn minh sông nước miệt vườn”; rồi sang Cần Thơ (cũng chỉ cách một con
sông) lại tiếp tục là Du lịch sông nước và du lịch nhà vườn… Với những tuyến đi
và các sản phẩm du lịch giống nhau như vậy, chắc chắn du khách chỉ đi một lần
và sẽ không chọn lại tour đó khi đến một tỉnh khác. Buồn hơn là gần 20 năm rồi
mô hình du lịch đó, sản phẩm du lịch gần như là duy nhất đó không có gì thay đổi,
không có gì thêm mới, ngoài nguồn tài nguyên sinh thái sông nước được khai thác
thô năm này qua năm khác. Không làm mới được một sản phẩm du lịch đã tồn tại khắp
các tỉnh thành trên cùng một địa bàn thì chắc chắn chất lượng và khả năng thu
hút của sản phẩm đó sẽ sụt giảm trầm trọng và không được chú ý như khi nó mới
ra đời.
Giá tour cũng là điều đáng nói. Vấn đề không phải là giá cả
cao hay thấp mà chính là sự nghèo nàn của sản phẩm đã làm cho các công ty du lịch
vừa phải cạnh tranh, vừa không biết thu thêm được gì của khách du lịch, cho nên
doanh số du lịch không đáng kể, hàng năm tăng rất chậm. Đọc brochure của một
công ty du lịch ở Bến Tre (cùng đối tượng, vị trí, sản phẩm khai thác với du lịch
Tiền Giang, đang được xem là làm ăn khá nhất trong vùng) đưa lại cho chúng ta
nhiều thông tin đáng buồn:
“Ham Luong tourist Co., LTD
DU THUYỀN TRÊN SÔNG MEKONG (4 giờ)
Hướng dẫn đón quý khách tại Mỹ Tho. Đi thuyền trên sông
Mékong, ngắm nhìn bốn đảo tứ linh: Long-Lân-Quy-Phụng[2]. Thuyền đưa quý khách vào rạch tham quan
vườn Quới Sơn, thưởng thức trái cây, show đờn ca tài tử Nam Bộ do người dân địa
phương biểu diễn. Đi xe ngựa len lỏi trong đường làng đến tham quan vườn mật
ong và thưởng thức mật ong nguyên chất tại vườn. Đi xuồng chèo từ rạch ra vàm
sông với những dãy dừa nước ngút ngàn. Đò đưa du khách tham quan lò kẹo dừa và
thưởng thức kẹo dừa-đặc sản Bến Tre. Sau đó đưa du khách đến dùng bữa trưa tại
nhà hàng trên Cồn Phụng (nếu có nhu cầu). Nghỉ ngơi, tham quan di tích Đạo Dừa
(Vừa). Thuyền đưa du khách cặp bến Mỹ Tho, kết thúc tour.
GIÁ TOUR (1.000VNĐ)
Nhóm |
2 khách |
3-4 khách |
5-7 khách |
8-10 khách |
Từ 11 khách |
1 khách |
179 |
115 |
89 |
75 |
67 |
Giá không bao gồm: Xe ô tô, ăn trưa và các chi phí khác ngoài chương trình.
Chúc quý khách một chuyến đi thú vị”
(Mặt bên là tiếng Anh, cũng nội dung và giá cả tương tự phần Việt ngữ).
Thông tin từ brochure trên không chỉ cho cho chúng ta biết nội dung tour đó không khác gì những tour “sông nước” khác của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mà còn cho du khách có thể nhẩm tính được hiệu quả kinh doanh của các tour du lịch này. Thử làm phép tính với bảng giá như trên để có thể ước đoán cả Tiền Giang và Bến Tre sẽ thu từ sản phẩm du lịch này một năm được bao nhiêu khi lượng khách vào khoảng 400 nghìn người[3] và trung bình có 5-7 khách cho mỗi chuyến “du thuyền trên sông Mékong”. Bảng giá cũng cho thấy càng nhiều người đi càng rẻ, cho dù đi đông người thì chi phí thưởng thức trái cây, mật ong, xăng dầu, xe ngựa… phải tăng lên. Mời gọi và khuyến mãi đến như vậy thì quá thiệt và hạ thấp giá trị nguồn tài nguyên và tiềm năng Mékong, nhưng du khách cũng không muốn trở lại, vì chỉ cần đi một lần “du thuyền” là “khám phá” được Mékong!
Gọi là tour “Du thuyền trên sông Mekong” nghe thì rất to tát, nhiều hứa hẹn nhưng chỉ gói gọn trong vòng 4 giờ đồng hồ và quẩn quanh năm này qua năm khác ven bờ 4 cù lao giữa hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Đó là chưa nói với thời lượng đi tuor quá ngắn, cơ sở lưu trú nghèo nàn, ở lại đêm cũng không biết làm gì ngoài đi nhậu, nên hầu hết du khách đều trở lại thành phố Hồ Chí Minh sau vài giờ ngồi thuyền trên sông trên rạch. Du lịch như vậy du khách làm sao hình dung được tầm vóc Mékong, làm sao để lại ấn tượng khó quên về một con sông đã mang lại nguồn sống cho Đồng bằng sông Cửu Long. Và, bản thân các công ty kinh doanh du lịch cũng không thu được bao nhiêu để tiếp tục đầu tư sản phẩm mới, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển du lịch bền vững…
Nguồn tài nguyên du lịch sinh thái và nhân văn của Đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn nhưng lại là tài sản chung của tất cả các tỉnh thành trong vùng. Vì vậy, đòi hỏi sự độc đáo, riêng có cho mỗi địa phương trong cách khai thác, trong xây dựng sản phẩm du lịch từ nguồn tài nguyên chung đó là rất khó. Do vậy, rất cần sự liên kết (nhất là trong việc xây dựng tuor), quy hoạch tổng thể và một bộ máy điều hành chung. Có lẽ du lịch Đồng bằng sông Cửu Long là du lịch được điều phối bởi cấp vùng sẽ phù hợp hơn chia nhỏ theo cấp tỉnh như những địa phương khác trong cả nước. Đặc biệt, trong điều kiện không có ranh giới về lợi thế so sánh thì vấn đề bản quyền sản phẩm du lịch và ý tưởng sáng tạo trong kinh doanh du lịch cần được quan tâm đúng mức.
Để có nhiều sản phẩm cần định hình mô hình du lịch cho toàn vùng.
Cách đây hơn một năm, ngày 22-2-2008, tại Cần Thơ đã tổ chức hội thảo “Phát triển du lịch lữ hành”; đầu năm 2009, UBND tỉnh Bến Tre phối hợp với báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức hội thảo “Du lịch Bến Tre - Cơ hội đầu tư và phát triển” và mới đây, ngày 24-9-2009, UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo “Văn hóa Hà Tiên-Phát huy và phát triển” mà trọng tâm của nó là hướng tới phát triển du lịch bền vững... Cả ba hội thảo thu hút các nhà nghiên cứu văn hóa, du lịch và các doanh nghiệp làm du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long tham dự. Các hội thảo “đã diễn ra sôi nổi, mổ xẻ thực trạng yếu kém, manh mún, rời rạc của du lịch Đồng bằng sông Cửu Long” nói chung cũng như của những địa phương tổ chức các cuộc hội thảo này nói riêng. Điều đáng buồn là đề cập đến khía cạnh nào của ngành du lịch cũng thấy bộc lộ những bất cập, yếu kém.
Một điều dễ nhận thấy trong các hội thảo nói trên là tiềm năng du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long có lẽ là nội dung được nói tới nhiều nhất. Thường thì mỗi khi tiềm năng có nhiều mà không được khai thác tốt thì người ta sẽ nói nhiều về tiềm năng đó như một sự chê trách khả năng tận dụng. Nhưng tiềm năng du lịch cũng giống như tài nguyên, phải được quy hoạch tổng thể một cách toàn diện và phải được tái tạo, khai thác bởi những tổ chức, đơn vị cũng phải được quy hoạch. Ngoài ra, theo chúng tôi, nhu cầu quan trọng nhất, đang rất cần thiết đối với du lịch Đồng bằng sông Cửu Long là xây dựng các sản phẩm du lịch. Từ tiềm năng (tài nguyên) thô đến thành phẩm (sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng) là cả quá trình đầu tư trí tuệ, công sức, tiền bạc và hoàn toàn không dễ chút nào. Tiềm năng chung càng dồi dào, tài nguyên chung càng đa dạng thì sự đòi hỏi về ý tưởng xây dựng sản phẩm du lịch mới, riêng, độc đáo càng thường xuyên và càng khó. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức.
Mékong là dòng sông vĩ đại, là dòng chảy kết nối các vùng văn hóa đa dạng, hấp dẫn của các vùng miền khác nhau và của nhiều quốc gia khác nhau. Ở phần gần hạ lưu, trên một quảng đường không quá dài so với độ dài của một dòng sông lớn thứ mười trên thế giới, Mékong chảy qua nhiều nước có nền văn hóa văn minh lâu đời với những di tích danh thắng, với những điểm tham quan cực kỳ hấp dẫn, ấn tượng (ngoài chính bản thân dòng sông mà bất cứ du khách nào cũng mong được trải nghiệm khi gắn bó với nó trong một chuyến du hành vài ngày). Bởi vậy, chúng tôi cho rằng nếu tổ chức tour du lịch văn hóa dọc theo sông Mékong bằng tàu cao tốc từ châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long lên Campuchia, cho du khách thưởng ngoạn những di tích danh thắng hai bên bờ Mékong sẽ hết sức lý thú và hấp dẫn. Đối với tour du lịch này vấn đề khó khăn không phải ở giá cả (vì sẽ không phải quá cao), và cũng không phải ở khâu nhập cảnh tại cửa khẩu các nước (vì việc đi lại bằng đường sông ít phức tạp hơn so với du lịch bằng đường bộ đã thực hiện được từ nhiều năm qua)… Vấn đề là việc đầu tư, quảng bá và tổ chức tuor thật tốt, với sự lựa chọn điểm tham quan ấn tượng, phù hợp giữa đi và về trên đôi bờ Mékong từ Đồng bằng sông Cửu Long đến Biển Hồ, Siêm Riệp hay lên biên giới Campuchia-Lào-Thái… Một tuor như vậy có thể xứng đáng với thương hiệu sản phẩm du lịch “Hành trình khám phá Mékong”, xứng đáng với tầm vóc Mékong mà Việt Nam đang sở hữu phần quan trọng nhất. Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cần sớm liên kết xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa “Hành trình khám phá Mékong”. Cũng có thể xem “Hành trình khám phá Mékong” là tour chủ đạo, bao trùm-một mô hình tương tự “Con đường di sản miền Trung”, cùng với nó là những tour nhỏ hơn, lan tỏa khắp Đồng bằng sông Cửu Long mà ở đó mỗi tỉnh đều giữ một vị trí đầu mối như những điểm nhấn, những hạt nhân gắn kết của hành trình...
Tất nhiên vấn đề lại tiếp tục nẩy sinh (và sẽ khó khăn nếu thiếu quy hoạch chung) khi phải lựa chọn thế mạnh, lựa chọn điểm nhấn, lựa chọn hành trình...
Mékong là tài nguyên sinh thái nổi bật của Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng ngoài nguồn tài nguyên sông nước đó, còn có biển, rừng nguyên sinh ngập mặn, các tràm chim, vùng núi đá vôi Hà Tiên kỳ thú, vùng Thất Sơn huyền bí và hải đảo hoang sơ… chưa được chú ý nhiều và chưa được kết hợp với vùng sinh thái sông nước mà dòng chảy chủ đạo là Mékong. Chẳng hạn, dân gian Đồng bằng sông Cửu Long xưa nay truyền tụng về vùng địa linh sơn cao thủy thâm Nam Bộ. Nhưng sơn cao thủy thâm đó như thế nào, ở đâu giữa vùng châu thổ thì không ai biết, mặc dùng nó chứa đựng triết lý, quan niệm sống, niềm tự hào về sông Cửu Long và Thất Sơn của Nam Bộ. Rồi từ vùng đất địa linh ấy đã sinh ra biết bao nhân kiệt mà đóng góp của họ gắn với tên sông, tên núi, gắn liền với mỗi công trình, di tích, mỗi vùng đất, thắng cảnh… Đây cũng là những yếu tố để hội tụ trong một sản phẩm du lịch, một tuor du lịch độc đáo, riêng có…
Du lịch vườn, nhà vườn được nhiều địa phương chú trọng đến mức gần như copy của nhau trong khi đặc trưng văn hóa của các tộc người với những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đậm đà bản sắc văn hóa Nam Bộ lại chưa được chú ý nhiều. Làng nghề, chợ nổi được quan tâm khai thác, nhưng bản sắc văn hóa độc đáo của mỗi cộng đồng với tập tục, lễ hội dân gian chưa được xác lập đầu tư thành sản phẩm văn hóa du lịch đặc trưng. Ở miền Bắc có làng cổ Đường Lâm. Ở miền Trung có làng cổ Phước Tích đều đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là làng cổ văn hóa, làng di sản văn hóa. Trong khi ở Nam Bộ chúng ta có một ngôi làng An Định (Ba Chúc, An Giang) cũng xứng đáng là một làng cổ với những đặc trưng văn hóa của một vùng đất được khai phá trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, là ngôi làng hội tụ đầy đủ các yếu tố của một ngôi làng cổ đặc trưng Nam Bộ. Trong một hội thảo khoa học do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hồi giữa năm 2009, tôi đã lên tiếng đề nghị gìn giữ, bảo tồn làng An Định trước xu hướng đô thị hóa khi nó vừa được nâng cấp lên thành thị trấn. Nhưng đến nay chưa thấy động tĩnh gì. Đặt vấn đề và nhìn nhận xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo của Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng này chúng ta thấy tiềm năng sản phẩm du lịch của vùng đất này không thiếu và dễ gì trùng lặp.
Trên đây chúng tôi chỉ nêu vài ba ví dụ để minh họa cho cách đặt vấn đề cần dựng các sản phẩm du lịch từ tổng thể một mô hình chung. Vì trong phạm vi một bài viết ngắn, chúng tôi rất ít cơ hội để liệt kê hết tiềm năng du lịch sinh thái và du lịch văn hóa độc đáo của Đồng bằng sông Cửu Long cũng như các chi tiết của mô hình chung đó. Điều chúng tôi muốn nói đó là cần khai thác các tiềm năng trong vùng bắt đầu từ sự kết nối nguồn tài nguyên của các địa phương để làm nên một “Hành trình khám phá Mékong” chung cho cả vùng, tạo được sự độc đáo, đặc trưng riêng có cho Đồng bằng sông Cửu Long.
Để vùng đất khó quên thành vùng đất du khách muốn trở lại và trở lại nhiều lần chắc chắn là mong muốn của các nhà làm du lịch Đồng bằng sông Cửu Long.
Định hình một mô hình du lịch-như một mẫu số chung, cho toàn vùng trên cơ sở thế mạnh, đặc trưng sinh thái của vùng được xâu chuổi bằng sự liên kết bởi các sản phẩm du lịch văn hóa thực sự độc đáo, riêng có của mỗi địa phương là con đường phát triển bền vững du lịch Đồng bằng sông Cửu Long. Từ cách đặt vấn đề như vậy, chúng tôi thử nêu một mô hình chung cho du lịch Đồng bằng sông Cửu Long là HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ MÉKONG để các nhà làm du lịch tham khảo. Tất nhiên, để một mô hình du lịch chung hay mô hình du lịch “Hành trình khám phá Mékong” xuyên suốt Đồng bằng sông Cửu Long được chấp nhận và trở thành hiện thực thì Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều việc phải làm…
Chú thích:
[1] Báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, ngày 18-3-2007 gọi cách làm du lịch của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là “cách làm du lịch… photocopy”
[2] Xin nói thêm, trong bốn cồn thì hai cồn Thới Sơn và Tân Long thuộc Tiền Giang, hai cồn Quy và Phụng thuộc Bến Tre. Chúng tôi cho rằng cách khai thác tài nguyên du lịch của Mỹ Tho (Tiền Giang) và Bến Tre những năm qua tỏ ra phù hợp vì chưa có cầu nối liền Tiền Giang với Bến Tre. Hiện nay, đã có cầu thì kiểu du lịch này liệu có còn hấp dẫn?
11/12/2009
Đinh Văn Hạnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét