Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2022

Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc

Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc

Trống đồng chim Việt
Giữ Gìn Tiếng Nói Mẹ Đẻ
Trong những thập niên sau cùng của trước và sau thiên niên kỷ thứ 3, người ta khách quan nhận thấy có nhiều trường hợp mà người Việt Nam ở nước ngoài đã từng có dịp khéo léo thể hiện ra được tài năng cần cù, bản lĩnh thông minh, thành đạt về nhiều lãnh vực khác nhau ở tại xã hội địa phương cư ngụ. Ngoài tấm gương trong sáng đó, thì giờ đây ý thức trở về nguồn cội là một tinh thần cao quý, đối với những con người tha phương cầu thực lâu ngày đã vô tình bị hòa nhập vào mọi ảnh hưởng phong tục, tập quán của nhân dân bản địa.
Tuy nhiên, nếu người ta hết sức nhiệt tình cố gắng tận dụng tìm bằng mọi biện pháp hầu để bảo tồn văn hóa dân tộc, thì ước mơ giữ gìn bản sắc nòi giống vẫn còn hi vọng có thể được duy trì.
Thông thường thì định mệnh lịch sử khắc nghiệt của một quốc gia bất hạnh nào trên thế giới, thì trước hết cũng đều bắt nguồn từ ảnh hưởng chi phối bởi những điều kiện, lý do bị ràng buộc về yếu tố địa dư kể từ thời lập quốc. Sau đó, cũng có thể là do chính cá tính cộng đồng của dân tộc họ chẳng may bị kế thừa bởi một loại chủng tử di truyền có quan niệm về nhân sinh chỉ thích cầu an, tiêu cực, hay do vì nghịch cảnh khắc nghiệt để sinh tồn. Do vậy mà ngày nay, vì lý do nhu cầu sinh kế cho nên họ đành phải tìm cách di dịch kinh tế để đi tìm đất sống ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Đó là những nguyên nhân thực tế nói về hoàn cảnh của các quốc gia nghèo khổ, chậm tiến hiện có nhiều di dân đang định cư ở nước ngoài. Và rồi trải qua nhiều thế hệ sống nhờ đất khách, thủy chung tất cả sắc dân lưu lạc nào cũng đều biết ngậm ngùi tưởng nhớ tới cố hương nguồn cội của chính mình. Do vậy, cho nên niềm tâm tư về cây có cội, nước có nguồn thật là một quan niệm tối quan trọng cho hầu hết của bất cứ sắc tộc di dân nào trong cuộc sống ở phương trời xa lạ.
Trong tinh thần nhận xét khách quan và nghiêm túc đó, thì hãy thử ngược dòng thời gian để nhắc nhở người ta từng chưa quên được rằng trước đây hằng thập niên dài đã từng có những nhân vật trí thức có tầm cỡ uy tín quốc tế. Có tiếng nói trọng lượng ảnh hưởng vào sinh hoạt xã hội, chính trị ở tại châu Phi từng đứng lên hô hào, cổ võ khối dân da đen tại Hoa Kỳ. Là hãy cùng nhau sẵn sàng chuẩn bị để kịp thời khi có thế chiến thứ ba bùng nổ, thì phải lập tức vận động, tập hợp nhau lại lập thành một quốc gia người Mỹ da đen ở ngay tại lục địa Mỹ Châu. Mục đích của lời kêu gọi đó, là nhằm vào sự lôi cuốn tinh thần của khối người dân da đen mất gốc mẹ đẻ từ hơn mấy trăm năm nay. Vì trên thực tế bây giờ, họ cũng không còn có gì để có thể được gọi là hãnh diện khi mà gốc gác ông bà, cha mẹ của họ chỉ là hình ảnh của những người dân khi xưa bị làm nô lệ nghèo hèn không hơn không kém.
Nhục nhã hơn, là vì họ cũng không thể biết nói và viết được ngôn ngữ nguồn cội của quốc gia họ.
Trường hợp bi thảm này, giả dụ nếu vô phước có xảy ra cho con em kiều bào của chúng ta trong tương lai, thì các thế hệ sau này lần lớn lên chúng sẽ khám phá ra rằng, là thế hệ của cha anh mình cũng không có chút công lao khai sơn phá thạch nào để tạo dựng nên hình hài thiêng liêng cho các quốc gia bản địa này. Tội nghiệp cho chúng nào có biết cả thảy cộng đồng kiều bào chúng ta, trước sau, cũng đều do hoàn cảnh của lịch sử chiến tranh mà đã tạo ra sự thành hình, cho dù tuy cũng có những định nghĩa xác đáng kèm theo với nhiều nhận định sai lầm. Chính vì không thể loại trừ ra ngoài được mọi ảnh hưởng của những mưu đồ quyền lực, cho nên rồi đây với cái nhìn đảo lộn, sẽ khiến cho tâm trạng của con em kiều bào chúng ta sau nầy phải bị mất thăng bằng mỗi khi muốn tìm hiểu, nhận diện lại chân dung gốc gác của mẹ cha. Chúng sẽ không bao giờ thông cảm được tùy hoàn cảnh, cũng như nỗi niềm ẩn ức của nhiều thế hệ đi trước, nếu một khi chúng không thể nào có đủ sức để tâm sự hàn huyên: nói, đọc, hiểu được quốc ngữ Việt Nam hầu để dễ dàng mang tâm hồn đi vào với tình cảm của cộng đồng.
Đó chính là cái hố sâu chia cách tình tự dân tộc, và giữa các thành phần của những thế hệ trẻ tương lai.
Hơn thế nữa, thế hệ con em của kiều bào chúng ta mới đích thực là những kẻ có trách nhiệm cầm chìa khóa để giữ gìn sự trong sáng của nền văn hóa Việt Nam nơi hải ngoại. Vậy mọi người có bổn phận phải sớm trao lại xâu chìa khóa vàng mang trách nhiệm đó bằng mọi sự cố gắng quyết tâm dạy cho chúng những phương thức làm thế nào để có thể duy trì tiếng mẹ, và gây ý thức cho chúng về mọi nỗi vinh nhục, thăng trầm của dân tộc cội nguồn.
Và với những phức tâm của một con người bất đắc dĩ phải đi xa xứ mà trong lòng cứ mãi vấn vương tình thương nhớ quê hương, thì lẽ tất nhiên họ không sao tránh khỏi bao điều trăn trở của tâm hồn. Ai mà không nhìn thấy được thực trạng xã hội tại các quốc gia kỹ nghệ phương Tây, đều có một đời sống thực tế bên cạnh tốc độ thời gian thúc hối rộn ràng. Hằng ngày ai nấy cũng đều bắt buộc phải chạy theo cách vận hành của nền văn minh cơ khí, để mong sao cho mình có thể tránh được một cuộc sống lênh đênh như thân phận của chiếc thuyền con băng dòng nước ngược, không tiến ắt phải lùi. Nhưng nghĩ cho cùng, thì con người ta có lúc cũng phải biết dừng chân lại nghỉ ngơi để phục hồi năng sức. Phải nhìn lại khung kính chiếu hậu trên quá trình sân khấu của cuộc đời, để rút tỉa kinh nghiệm sống cho bản thân về mọi lý do của sự thành công hay thất bại. Sự kiện đó rất là cần thiết để nhận định rằng, mọi giá trị thăng hoa của con người chúng ta bây giờ sẽ không phải là chỉ có những cái gì đi ngược lại với nền tảng văn hóa, phong tục lưu truyền của dân tộc. Một nền văn hóa, phong tục vốn có nhiều sắc thái đặc thù và đã tạo dựng nên tư cách của những con người như của chúng ta hôm nay.
Do vậy, chúng ta đừng bao giờ có ý nghĩ tự ti mặc cảm khi nhìn thấy con em mình khó lòng uốn nắn được theo như mô thức tình cảm của phương Đông. Và ngược lại, chúng ta cũng đừng nên lấy làm hãnh diện khi biết con em mình hiểu, nói trôi chảy được ngôn ngữ của người dân bản địa. Lẽ dĩ nhiên, là chúng ta sẽ hết sức vui mừng khi biết chắc chắn rằng sau nầy lớn lên, chúng sẽ có được những tương lai đầy khởi sắc khi trong tay nắm được nhiều mảnh bằng cấp cao, chứng chỉ tốt để ra đời dễ dàng gặt hái được mọi sự thành công. Nhưng đó không phải là điều mà người ta hằng mơ ước, nếu một khi mà trí thức ấy, tài hoa ấy chỉ nhằm đóng góp làm giàu thêm cho sự phồn vinh bản địa, trong khi quê cha đất tổ của cha mẹ mình thì trước sau cũng vẫn nghèo nàn, thiếu thốn mọi bề. Hơn thế nữa, còn có những vấn đề nhạy cảm khác mà từ trước tới nay chưa thấy có mấy ai sẵn sàng đề cập đến.
Đó là những trường hợp mà người ta thường xuyên được dịp trực tiếp nhìn thấy tận mắt các sắc dân châu Phi sinh sống nơi hải ngoại, và hằng ngày họ vẫn mặc các loại áo quần sặc sỡ của quê hương họ, trong khi bên cạnh thì sắc tộc Do Thái biết hãnh diện với bộ đồ thụng đen cùng mũ đen của họ. Trái lại về phần của kiều bào của chúng ta (cho dù đang sinh sống nơi xứ nóng) thì cũng ít thấy có người nào sốt sắng, sẵn sàng để chịu hưởng ứng những đề nghị kêu gọi bảo nhau mặc áo dài khăn đóng hay bộ đồ bà ba, để góp mặt phong tục của giống nòi mà diễu dương trên các đường phố văn minh vào những buổi đẹp trời nắng hạ, để nhằm mục đích nói lên sự giới thiệu màu sắc đặc thù của dân tộc giống như sự xuất hiện của những chiếc áo dài phái nữ.
Chính vì vậy mà cho dù có cố tình biện minh cách mấy đi nữa, thì người ta cũng khó trả lời thông suốt cho cái hình ảnh sống được coi như là tiêu biểu cho thái độ và tư cách của từ mỗi cá nhân. Như thế, có phải chăng là từ lâu người ta đã sai lầm khi quá đề cao về cá tính dân tộc trong trình độ ý thức bảo tồn phong tục và văn hóa của giống nòi nơi xứ lạ. Vì thực tế như người ta đã thấy rõ, là chúng ta không giống được như cả người Do Thái thường hay thích mặc y phục cổ truyền.
Và nếu câu trả lời thành thật được coi như là có lý, thì quan niệm về văn hóa giống nòi bắt nguồn từ ở mọi sinh hoạt dưới bầu không khí gia đình lại càng phải được đặt lại đúng trên tầm mức hệ trọng, nghĩa là vẫn phải đi vào từ chỗ khởi đầu của móng nền ngôn ngữ mẹ cha trước đã. Sự duy trì đó có thể thể hiện ra bằng nhiều phương cách, mà ít ra là bất cứ trong mọi gia đình nào cũng đều bắt buộc thường trực phải có sẵn một số sách báo in chữ Việt-Nam nói về lịch sử và văn hóa của quê hương. Phải cố gắng tiết kiệm tiêu xài lãng phí, để mà dùng vào việc tu bổ cho tủ sách gia đình ngày càng có được thêm nhiều loại cảo thơm giá trị. Một tủ sách có nhiều loại cảo thơm giá trị, thì sẽ giúp ích được cho người chủ gia đình hiểu biết được khá hơn về nhiều mặt. Nó sẽ đưa người đọc đi vào không gian mở rộng để am tường về những khía cạnh của vấn đề. Nhất là, cho các con em có nhiều sở thích văn chương chữ Việt được dịp hiểu thêm qua về những giá trị văn học, nghệ thuật và hoàn cảnh địa lý, lịch sử đặc biệt của nước nhà.
Minh họa
Và khi nào mà người ta cảm thấy đã có một sự ưu tư chung cho tiền đồ cộng đồng dân tộc, thì lúc đó, chính là lúc vô hình trung ý thức trách nhiệm đã thấm nhuần vào đầu óc của tất cả mọi người. Nó sẽ tự nhiên kêu gọi sự rung động của mỗi con tim trước nỗi xót xa của những con người xa xứ, hãy có tình yêu sâu đậm gắn bó vào cộng đồng kiều bào dân tộc, và thủy chung đối với quê hương tổ quốc từ ở phương xa. Vì thực tình mà nói, thì dựa vào những yếu tố bản sắc sinh hoạt văn hóa, xã hội, chính trị, tôn giáo. Cũng như, tập quán của kiều bào còn thể hiện rõ nét trong đời sống hằng ngày hiện nay ở khắp nơi trên thế giới, mà chúng ta có thể nói rằng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài lúc nào cũng vẫn hãy còn là một bộ phận nhỏ của dân tộc ở trong nước, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không thể tách rời. Cho dù, nếu trên phần nổi của một tảng băng ngày nay có thể đã tạo ra được một hình ảnh nào tráng lệ hoặc bằng ngược lại.
Điều nầy, có nghĩa là đặt lại vấn đề nhận định về bản sắc của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay thật không đơn giản, vì hình ảnh thực tế chỉ là một lớp phấn son, chỉ có giá trị bên ngoài. Tuy nhiên, đây là một vấn đề hết sức tế nhị mà trước nay phải thành thật khách quan mà nói là chưa có những ý kiến phát biểu hoàn toàn có tính cách trung thực. Trước hết, chỉ nói không thôi về con số thống kê thì cũng đã có một sự ước tính sai lệch khác nhau rất xa về tình trạng nhân số. Thêm vào đó, còn có sự trộn pha của sắc thái người Hoa vào mọi sinh hoạt của cộng đồng người Việt mà chúng ta thường nói đến. Còn lại, nếu phải kể từ xóm dân chài ở Biển Hồ, ở Lào, ở Thái Lan, các công nhân lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, các kiều bào hiện đang sinh sống ở Âu Châu, Mỹ Châu, Úc Châu thì mới đúng là hình ảnh của một sự kiện thực tế. Nhưng dù sao thì đó cũng chưa phải hẳn là phần hậu cảnh mà thực thể tinh thần vốn có màu sắc chính thống của nó mới là điều quan trọng đáng nói hơn. Tuy nhiên, nếu muốn nói đến khái niệm về thực thể tinh thần của kiều bào hiện nay, thì tức là phải nói đến bản sắc cố hữu văn hóa giống nòi vốn là sức sống hồn thiêng của mảng cộng đồng người Việt Nam tha hương. Trong khung cảnh đó, người ta nhận thấy hình ảnh của một tập thể di dân tha phương của chúng ta đều giống như trường hợp của các từng lớp di dân khác trên thế giới.
Tuy nhiên, nhờ vào hoàn cảnh không gian xã hội có nhiều ưu thế mà những giai đoạn khó khăn trên con đường lập nghiệp sinh nhai được rút ngắn lại nhiều hơn, nếu đem so với trường hợp của những di dân khác. Là phó sản của chiến tranh, hình ảnh sức sống của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay mang màu sắc của một môi trường thụ động, biến thể luôn. Từ di tản đến di dân, từ tỵ nạn chính trị sang đến tỵ nạn kinh tế, từ quyết tâm bỏ xứ ra đi rồi lại trở về, cho dù là thăm nhà. Hình ảnh của kiều bào chúng ta hiện nay giống y như là hiện tượng của những hột cát trong sa mạc mênh mông, gió thổi cát bay đổi thay hình thể. Do vậy, trong khía cạnh nào đó chúng ta không thể đem so sánh về mặt ảnh hưởng tinh thần đối với phong trào Đông du và Tây du ngày trước, nếu chúng ta có quan niệm cho rằng sự hiện diện của gần năm triệu thành viên kiều bào hiện nay cũng được coi như là một phong trào canh tân du học. Nói cách khác, hình ảnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hôm nay đang đứng trước những nguy cơ bị phá sản về bản sắc, vì lý do đa số thế hệ con em kế thừa di sản của gia đình đang lần tìm cách sống xa rời với phong tục, tập quán của cha anh mà họ cho là không thích hợp với nhu cầu tương lai tuổi trẻ. Do vậy, chúng ta cần phải kịp thời đi tìm những giải pháp, đề nghị cụ thể khả dĩ hữu hiệu, để nhằm củng cố, xây dựng tương lai cho tập thể cộng đồng.
Và mỗi khi nói đến tương lai của cộng đồng, thì tức là chúng ta đề cập ngay vào sức sống của thế hệ trẻ, mà nói đến sức sống của thế hệ trẻ thì chúng ta đã thấy ra ngay những hiện tượng mất gốc manh nha dưới nhiều dạng thức khác nhau ở môi trường sống. Ở đây, trong lúc thế hệ của cha anh đi trước đứng ra làm công việc lót đường cho thế hệ mai sau thì các trẻ em đã bị phong tục của các nước Âu Mỹ hóa từng giờ, từng phút ở học đường. Do vậy, cho dù nếu có khám phá kịp thời thì cũng không phải dễ dàng gì để ngăn chận được, nhất là một khi các thế hệ trẻ hôm nay đang cần có những nhu cầu hợp lý cá biệt. Tuy nhiên, phương pháp khả dĩ làm giảm thiểu được tình trạng đó là trước hết phải cố gắng dạy tiếng Việt cho con em trong những lúc có cơ hội thuận tiện ở nhà. Ở đây, chuyện chính yếu không phải là ở chỗ bắt buộc các con em phải làu thông ngôn ngữ mẹ đẻ mà không trau dồi tiếng nói bản địa, vốn có ảnh hưởng giá trị trực tiếp vào vận mệnh tương lai của các con em hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, mọi sự cố gắng quyết tâm ép buộc chúng phải sốt sắng tham gia vào các tổ chức sinh hoạt trẻ em trong cộng đồng, áp dụng cho chúng biết thực hành được một số ngôn ngữ mẹ đẻ tối thiểu, thì tức là còn giữ được cho chúng có mọi cơ hội để mai sau dễ dàng khi muốn tìm về bản sắc dân tộc, để suy tư về nguồn gốc giống nòi. Và nếu câu nói nầy được đương nhiên coi như là có lý, thì quan niệm về suối nguồn mạng mạch về quốc hồn văn hóa của giống nòi bắt đầu từ ở mọi sinh hoạt dưới bầu không khí gia đình lại càng phải được đặt lại đúng trên tầm mức hệ trọng.
Hiện nay, hầu hết kiều bào trên thế giới đều có phương tiện để tiếp cận với dưới mọi hình thức sinh hoạt tập thể cộng đồng . Do vậy, sự duy trì cá tính dân tộc, bản sắc văn hóa tâm linh từ ngàn xưa đó còn có thể thể hiện ra bằng nhiều phương cách, mà ít ra trong bất cứ mọi gia đình nào cũng đều phải cố gắng, để làm sao cho có một số sách báo bình dân in chữ Việt Nam nói về nền văn hóa, và về lịch sử của quê hương. Thực tình mà nói, từ lâu có rất nhiều người thường hiểu lầm về công cuộc duy trì văn hóa giống nòi trên vùng bản địa là trách nhiệm dành riêng cho những người có thiên chức thừa hành phục vụ văn hóa dân tộc. Trong khi đó, họ không thể hiểu được bằng một cách trực tiếp khác, là nếu một khi ngay chính gia đình của họ dạy được cho các con em từng câu hát quê hương, những câu ca dao dân tộc hay những bài thơ mộc mạc... à ơi, sữa mẹ nuôi con. Hoặc kể ra những chuyện cổ tích dân gian truyền tụng, mà một khi con em của họ nghe qua hiểu được, thì tất cả điều đó cũng đã là một tác động tâm lý tế nhị có tính cách bảo tồn văn hóa rồi.
Về sau, các thế hệ thiếu niên hải ngoại một khi lớn lên biết nói và đọc được chữ mẹ đẻ sẽ khát khao tình cảm dân tộc. Và khi bắt đầu có những ưu tư cho tương lai cộng đồng, thì lúc đó chính là lúc vô hình trung ý thức trách nhiệm đã thấm nhuần vào đầu óc của chúng, sẽ kêu gọi sự rung động con tim của chúng đứng trước những nỗi xót xa của những con người xa xứ hãy có tình yêu sâu đậm gắn bó đối với quê hương, nhất là về mặt cội nguồn tinh thần văn minh văn hóa của tổ tiên.
Ảnh hưởng đó đối với thế hệ của con cái mai sau, nhờ vậy mà chúng sẽ cảm thấy có nhiều dịp được gần gũi phần nào với quê cha đất tổ của mẹ cha. Kỳ thực ra, trẻ em nào mà lại chẳng thích nghe hay đọc những mẫu chuyện nhi đồng kỳ thú như: Trăm Con Một Mẹ, Sự Tích Trầu Cau, Chữ Đồng Tử, Sơn Tinh Thủy Tinh, Phù Đổng Thiên Vương, Bánh Dày Bánh Chưng, Quả Dưa Đỏ, Tấm Cám, Trương Chi Mỵ Nương, Trọng Thủy Mỹ Châu, Cờ Lau Tập Trận, Tiểu Anh Hùng Trần Quốc Toản, Huyền Trân Công Chúa. Những Hòn Vọng Phu, Thiếu Phụ Nam Xương, Quan Âm Thị Kính, Thoại Khanh Châu Tuấn, Phạm Công Cúc Hoa, Ngưu Lang Chức Nữ (Bách Việt hóa) v.v..., đều là những chuyện cổ tích đặc sắc đi vào huyền thoại và thực thoại của xã hội dân gian nước nhà từ lâu. Và đã từng được liệt kê vào danh mục trong các loại truyện xưa hay nhất trên thế giới. Kể cả những sáng tác thơ ca, kịch nghệ xã hội dân gian thủy chung đạo lý thánh hiền, chứa chan thâm thúy tình nghĩa kim bằng mang đậm tính nhân văn và hồn dân tộc. Chẳng hạn, như là câu truyện thơ Nôm "Lưu Bình-Dương Lễ" trong kho tàng văn học nước nhà. Tuy lời thơ trong truyện không có gì được cho là đặc sắc lắm, nhưng qua hình thức dàn dựng nội dung cốt truyện thì thật quả là tuyệt tác, độc đáo. Đầy ấn tượng, và cảm động không thua kém bất cứ câu chuyện văn chương kịch nghệ hư cấu ẩn tình nào từng đã có xảy ra trong lịch sử tuồng hát dân gian phong phú cổ kim ở phương Đông.
Do vậy, người ta có thể nói một cách bảo đảm là trong tình huống nghịch cảnh éo le của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay. Là nếu bất cứ trẻ em nào mà có tới trình độ đọc được chữ Việt và hiểu thấu phần nào về ý nghĩa của các loại truyện cổ trên đây, thì chắc chắn những trẻ em đó sẽ có cơ may để trở thành những thành viên rường cột, để bảo vệ thành trì văn hóa giống nòi trong tương lai nơi xứ lạ.
Công việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, giống nòi nơi xứ lạ do đó, dù muốn dù không, cũng phải bị lệ thuộc ảnh hưởng rất nhiều vào mọi kết quả và hậu quả của các công trình tổ chức sinh hoạt tập thể cộng đồng của khối người Việt Nam ở nước ngoài hiện tại. Trong tinh thần đó, tập quán tín ngưỡng dân gian là một yếu tố đứng ở hàng đầu mà hệ thống của các tụ điểm văn hóa hồn thiêng của dân tộc ở xứ người trong tương lai sẽ là một mạng mạch giao lưu đời sống tâm linh của bao người sống xa quê hương sẽ tìm đến sinh hoạt với nhau, để tiếp tục truyền thống của cha anh mà giữ gìn bản sắc văn hóa tổ tiên.
Đền thờ Lạc Long Quân
Đền thờ Âu Cơ
Tuy nhiên, chúng ta cũng chớ nên vội lạc quan về tính năng động với nhiều tâm huyết đó, đôi khi vẫn phải bị lệ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh xã hội địa phương, phương tiện vật chất sẽ có thể phát sinh ra nhiều trở ngại không ngờ. Và bên cạnh thường xuyên do sự khủng hoảng tinh thần đó chính là một trong những lý do nguy hiểm nhất, vì nó đương nhiên sẽ được coi như là những nguyên động lực làm cho suy yếu mọi sự cương nghị của mỗi cá nhân. Đây là một sự kiện quan trọng mà ai cũng biết, nhưng không sao tránh khỏi. Và cái cốt lõi của vấn đề, thì phần đông cũng là do ở từ những quan niệm nhân sinh quá thiên về đời sống vật chất, bị vật chất chi phối mà ra cả.
Vậy không có cách gì khác lại hơn, là phải biết tự chế để đặt vị trí mình đứng trước giới hạn của bức chân tường không thể vượt qua, để quay đầu nhìn lại chân dung phong tục tập quán của tổ tiên, để nhìn lại bàn thờ khói hương của cha mẹ, tình nghĩa anh chị em, bà con thân quyến ruột rà, tình đồng hương làng xóm và tình đồng bào dân tộc. Phải can đảm loại bỏ ra ngoài cái chữ Tôi có nhiều tánh xấu, hèn mọn, để chia sớt cho nhau những niềm ẩn ức, ân tình vinh nhục của đồng bào lữ thứ cô đơn. Dù hôm nay gặp nhau trên bước đường xa, nhưng chúng ta vẫn không bao giờ quên được câu ca dao nghĩa tình dân tộc:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng
để hàn huyên, an ủi nhớ nhau và cùng bàng bạc tâm hồn trong những ngày giỗ lễ hồn thiêng tổ quốc xảy ra trên đất khách.
Đi sâu vào đặc tính của cộng đồng Bảo Tồn Bản Sắc Văn Hóa Dân Tộc hôm nay, người ta có thể hình dung ra lại cái mốc lịch sử Nam tiến của người Việt khi tràn xuống quốc gia Chiêm Thành (Chămpa) và Chân Lạp tên cũ là Phù Nam (Funan) từ thời thế kỷ thứ 17 tại bán đảo Đông Dương. Sự chinh phục và chiến thắng của tổ tiên ta lúc bấy giờ có thể được coi như là nhờ có cơ hội bằng vàng, ngàn năm một thuở. Trái lại, bây giờ thì một cuộc mạo hiểm phiêu lưu mở rộng để cho người Việt Nam của chúng ta có mặt hầu hết ở khắp cả bầu trời. Và do vậy, sức tiến rải rác của dân ta hôm nay có thể được ví như là hình ảnh của những giọt nước nhỏ chưa có cơ hội để được hội tụ trọn vẹn cùng nhau, hầu để tạo thành những cơn sóng gợn ở mặt nước sông hồ.
Chính vì lẽ đó mà người ta lo ngại, có thể rồi đây nó sẽ bị ảnh hưởng phân hóa bằng sự bốc hơi tan vào không khí, tích tụ thành những đám mây bay đi về phía một chân trời vô định. Vậy muốn làm sao cho giảm thiểu được tình trạng của những giọt nước nhỏ tránh khỏi sự bốc hơi bay nhanh, thì người ta chỉ còn có cách là xói mòn đất đai làm thành lạch nước để cho chúng có được môi trường thông nhau, để tạo thành sức mạnh của thế liên hoàn, ỷ giốc, xuyên phá, bám víu vào các tế bào thảo mộc, núi non, để có thể cấu trúc lên được những hình vóc đặc biệt cho bản thể của cộng đồng.
Ý thức được như vậy, thì tiếng nói mẹ đẻ Việt-Nam chính là một chất keo rắn chắc có giá trị xúc tác vô cùng quan trọng không thể không cần thiết đến, để làm phương tiện chính yếu truyền đạt tâm tư, tình cảm giữa kiều bào định cư ở khắp các quốc gia, mà ở từng mỗi địa phương đều có tiếng nói bản địa khác nhau. Chỉ có tiếng nói của mẹ đẻ trong giây phút đó, mới có thể tỏ tường hết được mọi tấm chân tình của những con người Trăm Con Một Mẹ, chớ không phải thay vì đi vay mượn đến quốc tế ngữ để làm phương tiện truyền đạt trung gian.
Nòi giống Tiên Rồng, Trăm con một mẹ
Trong quan niệm khác, người ta cũng cảm thấy rằng nói tiếng mẹ đẻ với nhau vẫn chưa đủ, người ta còn có bổn phận là phải bồi dưỡng thêm về tinh hoa văn hóa của giống nòi. Vì lý do hoàn cảnh của cuộc sống ở cách xa quê hương, cho nên người ta ít khi có dịp thường xuyên để cọ xát, bàn bạc đào sâu tới những cái gì được gọi là thuần túy của nề nếp dân tộc. Và chính những sự kiện đó đã làm cho người ta thường hay dễ bị lãng quên, hay nói cho rõ hơn, là không còn nhạy cảm mỗi khi gặp phải những vấn đề tế nhị trong cuộc sống giao thiệp hằng ngày.
Nhớ lại tự cổ thời, từ Pythagore ở phương Tây mở trường dạy triết lý, toán học cũng như trường hợp của Khổng Tử ở phương Đông mở lớp dạy đạo đức, chính trị, thì phần lớn môn sinh của các ông chính lại là những người từ phương xa đến thọ giáo, để rồi sau đó trở về quê hương truyền thụ lại cho xã hội dân gian trong nguyên quán của mình. Còn bây giờ, trong số sĩ phu thời đại của cộng đồng hải ngoại của chúng ta, thì cũng từng có kẻ đã thành danh sau thời gian dài bôn ba tầm sư học đạo ở xứ người, nhưng họ chưa thực sự dự tính tới con đường để trở về phục vụ cho đất nước. Và mọi phức tâm suy nghĩ về cuộc sống tương lai cá nhân của gia đình, cũng như những quan niệm thực tế về tình tự quê hương của họ bây giờ cũng đều có nhiều lý do chính xác.
Do vậy, nếu phải chấp nhận ở lại với cộng đồng vì nguyên nhân gia cảnh, thì họ chính là những hạt nhân gieo mầm ý thức trách nhiệm trong giữa sinh hoạt bảo vệ cộng đồng. Và trong tinh thần đó, họ bị bắt buộc phải góp phần nhiều hơn về phương diện khả năng trí tuệ, để giúp cho cộng đồng được vững mạnh thêm trên con đường tiếp tục duy trì bản sắc. Dẫu sao thì nhiều tay cũng sẽ vỗ kêu to, hơn nữa, vì khi hầu hết mọi người cùng nhau đã hiểu rằng là hễ lúc nào mà bản sắc văn hóa còn, thì là tinh thần dân tộc của chúng ta còn. Do vậy, mà ngày nào trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài còn có dịp sử dụng đến tiếng nói mẹ đẻ trong mọi sinh hoạt nội bộ gia đình hằng ngày, thì tức là ngày đó, người ta còn vững được niềm tin cho cơ hội vun bồi văn hóa. Hơn thế nữa, vì bây giờ không còn là giai đoạn tạm dung bằng đôi chân ướt chân ráo, mà bây giờ là giai đoạn của an cư lạc nghiệp hạnh phúc sống với hôm nay và cho cả mai sau. Giai đoạn cuối cùng mà hết thảy kiều bào cùng dấn thân lao động, nuôi dưỡng mầm non để tạo thành sức sống nhiệt thành cho một thế hệ tương lai đầy phấn khởi.
Vậy có phải chăng, đây là một giấc mơ nhẹ nhàng để cho người ta cùng nhau sung sướng biết bao nhiêu, khi nghĩ tới một ngày nào đó sẽ trở về thăm lại cố hương trong ánh nắng có ngọn gió chiều đồng nội thơm mùi rạ ướt. Và các con cháu từ ở nước ngoài về cũng sẽ có rất nhiều dịp để tham quan, để hiểu biết nhiều hơn về hình hài thực tế của đất nước ông bà. Chúng sẽ thân mật chuyện trò với bà con cô bác xóm làng, và mỗi khi mở lời đều nói được làu thông ngôn ngữ của mẹ cha. Vì thế cho nên, lý do hệ trọng của sự hiểu biết tiếng nói giống nòi đối với thế hệ con cháu của kiều bào chúng ta trong giai đoạn này là như vậy.
Minh họa
Tóm lại, nếu người ta coi thường sự tiếp xúc với con em mình bằng tiếng nói mẹ đẻ dù ít, dù nhiều thì chắc chắn sẽ khó mà có được mọi sự cảm thông với nhau dưới mái gia đình, hầu để mà tạo nên điều kiện giáo dục tinh thần, ý thức cho chúng về hình ảnh nguồn cội tổ tiên. Do vậy, thành thử ra tiếng nói của mẹ cha trong trường hợp đó lại càng phải được sử dụng tế nhị, khoa học để thay thế học đường mà dạy dỗ con em đến đâu hay đến đó. Dẫu sao, cho dù ở trong bất cứ hoàn cảnh trớ trêu nào thì một người Việt Nam sau khi rời khỏi quê hương mang theo bên mình túi nắm đất thiêng, thì cũng phải nghĩ rằng sẽ có một mai kia ‘’Nước đi ra bể lại mưa về nguồn’’ để chờ dịp báo ân cho xứ sở, và thay nhau bổn phận kế thừa để dìu dắt những thế hệ đàn sau.
Vậy là toàn thể thế hệ con em trong đại gia đình cộng đồng Bảo Tồn Bản Sắc Văn Hóa Dân Tộc hôm nay, nếu muốn còn có cơ hội để thay thế cha anh phục vụ cộng đồng một cách hiệu quả, thì chính bản thân của các con em bắt buộc phải biết đọc, biết viết và biết nói rõ ràng ngôn ngữ của cha mẹ đã sinh ra mình.
Đó mới lại là phương sách bảo tồn bản sắc của giống nòi dân tộc một cách cụ thể, hữu hiệu.
Đó mới lại là phương sách giữ gìn di sản văn hóa của tổ tiên, một mực thủy chung với truyền thống chân thành yêu nước. Là trong khi xuất thân sinh trưởng ở nước ngoài nhưng lòng bao giờ cũng biết hướng về cội rễ mẹ cha, bằng ý nghĩa của một hình ảnh trái tim bồng bột, hòa quyện cả hồn thiêng kinh mến ông bà.
Và mai sau cho dù nếu vô phước có bị lạc loài đến đâu đi nữa, thì các con em cũng phải có bổn phận biết tỏ lòng sùng kính, ngậm ngùi với tâm hồn thành tâm vọng quốc, để mãi ngàn năm còn tưởng về thương nhớ đất Văn Lang! *...
 * - (Trích đoạn trong tác phẩm "Người Việt Nam Ở Nước Ngoài" của tác giả).
Di tích cổ vật ở hoàng thành Thăng Long
10/5/2019
Mai Lý Cang
Theo http://chimvie3.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...