Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2022

Khoảng cách vô hìnhXXXX

Khoảng cách vô hình

Cảm giác với không gian và khoảng cách giữa hai cá thể là điều mà cả con người và động vật đều cảm nhận được. Đó trước hết là nhận định của Edward T. Hall trong Khoảng cách vô hình (Hidden Dimension) [1].
 
Với động vật, chẳng hạn loài cua tìm kiếm bạn tình cho nhu cầu duy trì nòi giống thông qua mùi (smell) thì giữa hai cá thể luôn giữ một khoảng cách nhất định đảm bảo vẫn “ngửi” thấy nhau. Với một số loài vật khác có những yêu cầu nhất định về không gian tối thiếu (minimum space requirement), khi số lượng cá thể trong nhóm tăng lên thì sẽ xảy ra hiện tượng cắn xé lẫn nhau để giảm số lượng (cá thể yếu hơn phải di chuyển đi nơi khác hoặc chết). Hiện tượng này có thể thấy trong chăn nuôi gia cầm khi mật độ đàn gà nuôi thịt lớn hơn mức 8 con/m2, đàn gà lúc này bắt đầu cắn xé, mổ thịt nhau [2].
 
Nhìn vào khía cạnh nhân học của không gian hay chính là mối quan hệ giữa con người và không gian (anthropology of space), điều mà tùy thuộc vào văn hóa và tập quán, mỗi con người sẽ có những cảm nhận khác nhau. Chẳng hạn, về độ lớn không gian, chuẩn mực để thoải mái trong sinh hoạt của người Ả Rập thì khác (lớn) hơn nhiều so với chuẩn của người Mỹ. Hay việc người Châu Âu phân định phòng ốc dựa vào chức năng: phòng khách, phòng ăn, nhà bếp…và trải qua 1 ngày (thời gian) bằng việc di chuyển giữa các không gian đó thì người Nhật có thể đơn giản chỉ là thay đổi chức năng của căn phòng bằng cách thay đổi các sinh hoạt trong căn phòng mà thôi. Cách tổ chức không gian của người Nhật, có thể “thấy” trong những dãy nhà trọ sinh viên ở Việt Nam. Các hoạt động từ ăn, ngủ, học hành, giao tiếp đều diễn ra trong khuôn viên căn phòng. Chỗ ngủ buổi tối cũng là chỗ học, chỗ ăn uống và chỗ đón tiếp bạn bè.
 
Từ yếu tố văn hóa, cách quan niệm về không gian cố định (fixed-space), không gian bán linh hoạt (semi-fixed space) và không gian linh hoạt (informal space) cũng rất khác nhau. Người Trung Quốc coi những không gian bán linh hoạt như vị trí ghế trong phòng khách, theo cách người Châu Âu quan niệm, là những không gian cố định chỉ được thay đổi khi chủ nhà đã đồng ý. Tuy nhiên, đáng chú ý nhất ở đây là những nhận định của tác giả về mối quan hệ giữa hành vi của con người với không gian bán linh hoạt tại các điểm công cộng như nhà chờ xe buýt, phòng chờ bệnh viện và nghiên cứu của một nhà tâm lý học tại bệnh viện của ông. Nhận thấy các bệnh nhân trong lúc chờ bệnh có xu hướng biến mình thành một món đồ bất động (furniture), ông đặt các bàn cà phê giữa mỗi nhóm 6 người để tăng tính giao tiếp. Ông nhận thấy rằng, những người ngồi ở góc bàn giao tiếp với nhau nhiều hơn 2 lần những người ngồi cạnh nhau và nhiều hơn 6 lần những người đối diện, các vị trí còn lại hầu như không có bất kỳ một giao tiếp nào. Đây đồng thời là cố gắng của ông để chuyển một không gian có tính chất sociofugal ít giao tiếp sang không gian sociopetal thân mật hơn.
 
Tác giả tiếp tục đi sâu phân tích khái niệm khoảng cách (distance) ở 4 mặt: khoảng cách thân thuộc (intimate distance), khoảng cách cá nhân (personal distance), khoảng cách xã hội (social distance) và khoảng cách công cộng (public distance). Quá trình một người con trai bắt đầu đi từ khoảng cách công cộng (12ft – hơn 25ft) đến khoảng cách xã hội (4 - 12ft), khoảng cách cá nhân (1,5 – 4ft) [3] đến khoảng cách thân thuộc giữa những người yêu nhau để đến với một người con gái là một quá trình dài cần nhiều thời gian mà không phải ai cũng có đủ kiên nhẫn vượt qua. Đó cũng là quá trình hai cá thể đi từ mối quan hệ xã giao xã hội sang thân thiết [4]. Vậy nên, khi còn dè chừng nhau, người ta luôn cố gắng “giữ khoảng cách nhất định” ở khoảng chiều dài hai cánh tay thẳng ra. Chỉ đến khi mối quan hệ thân quen hơn, họ mới cho phép lẫn nhau bước vào không gian cá nhân ở khoảng cách có thể ôm và va chạm. Biểu hiện ôm nhau bước đi của các cô gái là một trong những dấu hiệu của sự thân mật, giữa họ đã có sự chia sẻ hoặc các bí mật ngấm ngầm chứ không chỉ đơn giản đó là biểu hiện của tính thích tụ tập nhóm. Cá thể bị tách ra khỏi nhóm khi di chuyển có thể suy đoán về mức độ thiếu thân mật của họ với nhóm, mặc dù họ có thể vẫn nói chuyện vui vẻ cười đùa với nhau.
 
Cuối cùng, tác giả đề cập đến khía cạnh thời gian là một trong những nhân tố tạo nên khoảng cách giữa các cá thể và giữa các xã hội. Người Mỹ dính chặt với kế hoạch và luôn cố gắng kết hợp nhiều công việc vào cùng thời điểm khó chấp nhận ở người Đức (Châu Âu) vốn coi trọng hơn mối quan hệ con người nên dành thêm không thời gian cho các giao tiếp xã hội và đánh giá cách người Mỹ tổ chức không gian là lãng phí và quá ít các không gian công cộng cần thiết. 
Chú thích:
[1] Hall, Edward T., Hidden Dimension, 1969 (1990), Anchor books editors press.
[2] Theo thông tin từ trag web của trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, http://www.hua.edu.vn/
[3] 1ft = 30,48cm
[4] Có thể hiểu sơ về quá trình này qua mô tả trong Hoàng tử bé (Antoine De Saint Exupeny, Le Petit Prince, 1943) đoạn đối thoại giữa Hoàng tử bé và con chồn. 
22/5/2012
Đinh Lê Na
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...